Hôm nay,  

Ngôi Mộ Tam Đại Dòng Họ Tôi

15/03/201600:00:00(Xem: 15125)

Tác giả: Chu Tất Tiến
Bài số 3775-17-30275vb3031516

Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990. Sau đây là bài ông mới viết.

* * *

Lời nói đầu: Đây là câu chuyện về một ngôi mộ ở một làng quê cũ nhưng ảnh hưởng tới cả những con cháu đang sống trên đất Mỹ. Chuyện thoạt nghe tưởng hoang đường, nhưng có thật, vì những diễn tiến của sự việc vẫn còn đến ngày hôm nay.

Như nhiều người Việt di tản, bảo lãnh, hay vượt biên, sau môt thời gian ổn định tài chánh liền nghĩ đến việc về quê xây sửa mộ ông bà. Công việc này bất ngờ trở thành một việc làm cần thiết đến nỗi cứ nghe đến tin có người về thăm quê, về Saigon hay các tỉnh thành, thì đa phần các lý do đều là “về xây mộ” cả.

Cô em họ tôi, con ông chú ruột, ở Seattle, ngay sau Tết ta 2016, đột nhiên gọi điện thoại cho tôi, nói:

“Anh ơi! Em tính là mình về sửa chữa lại ngô mộ Tam Đại của mình đi. Em mới nghe chú Kiệt, người vẫn lo bảo trì ngôi mộ gọi sang, nói là mộ các cụ xuống cấp quá rồi! Nhân tiện sửa luôn mộ của Thầy em, của chú Hai nữa! Hay là anh em mình, mỗi người một tay, gửi tiền về xây mộ cụ.”

Tôi suy nghĩ một lúc rồi mới trả lời:

“Anh thấy việc này không cần thiết. Không phải anh không muốn chi tiền nhưng vì ngôi mộ Tam đại này có nhiều vấn đề liên quan, không dễ mà sửa chữa đâu.”

Cô em tôi không chịu, cứ nài hoài. Thấy tôi không đồng ý, cô lại gọi cho ông em họ tôi, ở San Bernadino. Ông em này, hơn tôi gần chục tuổi, tóc bạc trắng phau, nhưng vì là con ông chú tôi, nên vẫn cung kính gọi tôi bằng “bác”, liền gọi điện thoại mời tôi lên nhà chú để nói chuyện.

Trong căn nhà lớn rộng, sang trọng của khu San Bernadino, trước ấm trà quen thuộc, chú em tôi mở lời:

“Bác ạ! Em thấy cô Tư nói có lý lắm. Mình nên về sửa chữa mộ các cụ. Nếu bác không về được, em sẽ về thay bác.”

Tôi trả lời:

“Thế chú không nhớ gì đến việc ngôi mộ đã “kết” sao? Chính chú từng kể chuyện cho tôi nghe về ngôi mộ “kết” của các cụ mà!”

Chú em tôi ngần ngừ một lát rồi nói:

“Đúng thế, bác ạ! Em quên mất đi! Thôi thì kệ vậy, em thấy không cần thiết nữa.”

Chú lại còn sốt sắng sửa chữa ngay sự vội vã của mình bằng cách kể lại cho tôi nghe những chi tiết ly kỳ về ngôi mộ các cụ và nhắc cho tôi việc ông anh Cả tôi, cũng ở Seattle, đã mất ngay sau về quê, gọi thợ đến để sửa chữa chút ít quanh ngôi mộ.

Như nhiều người lớn tuổi xa quê khác, ông anh Cả tôi (1) đã về thăm quê nội cách đây vài năm. Việc đầu tiên mà ông anh tôi làm là đi thăm ngôi mộ Tam Đại của dòng họ tôi. Thấy ngôi mộ có vẻ hoang tàn, ông mời một số họ hàng trong làng lại họp để bàn về dự định sửa sang lại ngôi mộ. Nhưng vừa nghe đến việc đụng chạm đến ngôi mộ, họ hàng liền sợ hãi và từ chối ngay, và cho rằng không nên động đến mộ, vì có quá nhiều biến cố xẩy ra phát sinh từ ngôi mộ này. Ông Anh tôi buồn bã trở lại Mỹ ngay sau khi đã nhờ người đến quét dọn mộ và sửa chữa một vài chi tiết nhỏ thôi. Nhưng ngay sau khi ông về lại nhà thì người con trai trưởng của ông đột nhiên bị xuất huyết nội, thổ ra máu và phải đi cấp cứu. Sau đó, đến lượt ông phát bệnh, và bác sĩ cho biết là ông đã bị ung thư máu đến thời kỳ cuối, không cứu được nữa. Nghe tin đó, hai anh em tôi vội từ California bay lên thăm ông. Với nụ cười buồn, ông cầm tay chúng tôi và nói: “Thôi, được thấy hai chú lên là anh mãn nguyện ra đi rồi.” Và ông nhắm mắt…

Tuy không có gì chứng minh có sự liên hệ giữa ý định động chạm đến ngôi mộ Tam Đại và sự ra đi của ông Anh Cả tôi, nhưng nhiều người trong dòng họ đã cho rằng phải có sự liên hệ nhất định giữa hai việc đó. Vì vấn đề này có tính chất siêu nhiên quá, cá nhân tôi không dám có ý kiến gì chỉ có thể ghi lại những sự kiện liên quan đến ngôi mộ Tam Đại của dòng họ chúng tôi như sau.

*

Qua nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử, cho dù dòng họ Chu của tôi đã đi khắp bốn phương, nhưng nhiều người trong dòng họ tôi vẫn ở ngôi làng cũ (2) từ hơn trăm năm nay (hay mấy trăm năm thì không rõ), và chúng tôi vẫn liên lạc với nhau, tuy không thường lệ, nhưng thỉnh thoảng, mấy anh, chị tôi và nhiều người trong họ, vẫn trở về quê cũ. Ngoài ra, thỉnh thoảng, người em họ, con ông chú ruột tôi, hiện nay đã gần 90 tuổi, vẫn thư từ thăm hỏi thường xuyên, và mỗi năm vẫn gửi tiền về nhờ một người em họ khác của tôi, cũng hơn 80 tuổi, chăm sóc ngôi mộ Tam Đại của chúng tôi.

Nói Tam Đại là vì đó là ngôi mộ của ông Cố đẻ ra ông Nội của chúng tôi, Ông Nội tôi đẻ ra Thầy tôi. Thật ra, vì ngôi mộ có khắc chữ Nho, mà lại vì sương gió qua hai thế kỷ, nên chả ai đọc được chữ nào, nên không chắc đó là Tam hay Tứ Đại? Gia phả thì đã thất lạc sau năm 1975, sau khi anh Hai tôi, người viết lại cuốn gia phả đó, đã mất năm 1976. Hồ sơ, giấy tờ, sách vở của anh đã không còn nữa, cho nên, tôi chỉ nhớ dòng họ Chu có tới 9 Tiến Sĩ được khắc tên trên bia đá tại Văn Miếu, Hà Nội. Ông anh thứ Ba, trên hai bà chị nữa của tôi, năm nay 77 tuổi, sau khi về thăm quê, đã ghé qua Văn Miếu và ghi được tên 9 vị Tiến Sĩ đó, nhưng anh tôi lại không biết là mấy vị Tiến Sĩ họ Chu đó thuộc nhánh nào? Nhánh Cụ Chu Văn An? Hay Chu Mạnh Trinh? Chỉ biết là ngôi mộ Tam Đại của dòng họ Chu chúng tôi cũng khá lớn với thời gian xây cất cách đây đã hơn trăm năm, có nghĩa là hồi đó, cũng phải có danh giá lắm.

Gia đình Thầy tôi (chúng tôi gọi Bố Mẹ bằng Thầy, Me) có 6 anh chị em. Thầy tôi là Cả, sinh năm 1890, nghĩa là nếu còn sống, thì bây giờ là 126 tuổi. Thầy tôi hơn Mẹ tôi 30 tuổi. Mẹ tôi là bà thứ hai, sau khi Mẹ Cả tôi qua đời, Thầy tôi mới cưới mẹ tôi. Còn tôi là con út, nên chênh lệch tuổi tác giữa anh em cùng cha khác mẹ của chúng tôi xa lắm. Vợ chồng người em họ con ông chú Hai tôi, năm nay gần 90 tuổi, nhưng vẫn theo đúng truyền thống gia đình Nho Học, vẫn gọi tôi là “Anh” xưng “Em” với vẻ kính trọng.

Thầy tôi là ông Đồ Nho, chuyên dậy học trong làng, nhưng vì ông bà Nội của tôi giầu ghê lắm, nên được chia khá nhiều mẫu ruộng “nhất đẳng điền”, rồi may mắn sao, mà một trong mấy mẫu ruộng của Thầy tôi lại có vàng sấp xỉ mặt đất, nên nhà giầu vô cùng. Vì cái sự giầu có này, mà Thầy tôi được bầu làm Tiên Chỉ, chả làm gì cả, mà mỗi khi họp hành, luôn ngồi ăn ở chiếu trên nhất và được tặng cái thủ lợn! (Nếu so sánh với hiện tại, thì Tiên Chỉ coi ngành Lập Pháp, còn Lý Trưởng là Hành Pháp.) Sau khi Thầy tôi mất, mộ của Thầy tôi, rồi mộ của các chú tôi cũng chôn gần ngôi mộ Tam Đại của dòng họ tôi.

Trở lại chuyện chính: ngôi mộ Tam Đại. Theo lời kể của anh, chị tôi, và người em họ tôi, thì ngày xửa ngày xưa, có cụ Đồ tên Thủ, vừa làm Phong Thủy vừa dậy học cho những người trong dòng họ tôi, thấy ông Cố chúng tôi hiền lành, đức độ thì một hôm mới ngỏ ý là sẽ tìm cho dòng họ tôi một ngôi mộ “kết”, cho con cháu làm ăn phát đạt, danh giá, và chỉ kết bên Nam, không kết Nữ, và chỉ được 1, 2 đời thôi.(3)


Ông Đồ Thủ chỉ cho ông Cố chúng tôi một chỗ đất cao nhất trong làng, trông gần giống như một cái gò đất, và bảo nên chôn ông Cố tôi ở đó, và trong 100 ngày, tuyệt đối không được đụng đến đất! Ông Đồ còn nói thêm một điều ghê ghê là khi đào lên, nhất định sẽ thấy một con rắn lớn, không được giết, vì giết nó chết là giết cả họ đấy!

Quả thật, sau khi ông Cố tôi chết, gia đình ra đào mả, định chôn, thì thấy một con rắn có mào đỏ bò ra, theo sau có vài con rắn bé cũng có mào đỏ, ứng nghiệm đúng lời ông Đồ Thủ! Cả làng hoảng quá, bỏ chạy tán loạn, trừ mấy người phu đào huyệt. Con rắn lớn, sau khi bỏ đi, thì bò vào vườn nhà người ta trú ngụ, ăn gà vịt của người. Vì sự việc ấy, mà làng mới họp nhau lại bàn kế giết chết con rắn và phá ngôi mộ vì cho rằng đó là ngôi mộ xấu làm ảnh hưởng cả làng. Đến gần 100 ngày, thì làng họp, chiêng trống, ăn nhậu linh đình, dự tính đến sáng mai thì vác cuốc xẻng đi tìm rắn đồng thời đào mả lên, mang đi chỗ khác. Nhưng không ngờ, sáng hôm sau, lý trưởng, chánh tổng và vài người nữa lăn ra chết! Làng lại một phen hoảng sợ, bỏ dự định phá mả và giết rắn.

Còn gia đình ông Cố tôi thì vui mừng, cứ để trứng luộc trước cổng, dụ rắn tới ăn. Mang ra bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Sau lại không thấy rắn đến nữa. Một thời gian sau, có anh lái trâu, dẫn trâu đi qua gần ngôi mộ, tiện tay cột con trâu đực vào cây thánh giá đầu mộ rồi đi ăn. Đột nhiên con trâu nổi điên, giật tung thừng ra, nhắm thẳng vào anh lái trâu mà húc. Quần áo anh này bị máng vào sừng trâu, bị tung lên trời, hộc máu ra mà tắt thở! Từ đó, làng sợ không dám bén mảng đến ngôi mộ nữa.

Thời gian sau nữa, không biết là bao lâu, đến đời ông Nội tôi, giầu vô cùng, rồi thừa hưởng gia sản của ông Nội tôi, Thầy và các Chú tôi, cũng giầu nứt đố, đổ vách, ruộng vườn mênh mông. Nhà tôi trông giống như một cái lâu đài, có tường thành cao nghệu, chung quanh tường trồng dẫy cau thật um tùm. Một dẫy nhà chừng chục gian được xây hàng ngang cho gia đình chúng tôi ở. Chính giữa sân, đâm thẳng từ cổng vào đến gian thờ, là một dẫy trâu bò hằng trăm con. Hai dẫy nhà tạo thành một chữ T rất to. Gà Vịt nuôi phía sau. Mỗi khi có khách, Thầy tôi bảo mấy gia đinh ra cầm gậy quất ngang chân đàn gà, vịt, gẫy chân bao nhiêu con thì mang vào ăn bấy nhiêu. Trâu bò mất vài con chẳng ai để ý. Sau nhà là một cái ao sâu, nuôi cá cho Thầy tôi nhậu. Rồi tới vườn nho khổng lồ, và một chuồng ngựa, trong đó, tôi làm chủ một con ngựa nho nhỏ, sáng sáng, một anh người làm cho tôi lên yên ngựa, phóng đi vun vút…

Khoảng thập niên 1940, thì Quan Huyện muốn làm con đường nối vào làng cho dân đi mà tính toán thế nào lại phải đi qua ngôi mộ. Quan Huyện gọi Chú Hai của tôi, hồi đó trách nhiệm trông nom ngôi mộ, nói rằng: “Nếu đi đường kia, thì phải ngang qua nhiều ao, chuôm, vất vả và tốn kém lắm, nếu đi ngang ngôi mộ thì đỡ tốn hơn!” Chú Hai tôi nghe vậy, sợ quá, mới tình nguyện với quan Huyện là sẽ xuất tiền ra làm con đường đi quanh, tránh xa ngôi mộ. Quan Huyện chấp thuận vui vẻ vì chả phải bỏ tiền ra làm đường. Thế là chú Hai tôi bán ngay hàng chục mẫu ruộng (mẫu ta) cũng thuộc loại “nhất đẳng điền” để lấy tiền làm đường bề ngang gần 10 thước cho dân đi xuyên qua làng (Ngày nay, con đường vẫn còn nguyên như cũ).

Rồi đến thời Việt Minh chiếm. Theo chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, nhà cửa nào cao ráo đều bị đốt phá. Nhà cửa của Thầy tôi, các chú tôi bị phá tan tành. Thầy Me tôi bị treo án địa chủ, nợ máu với nhân dân, phải bị đấu tố. May mắn mà có một số người con nuôi dẫn gia đình tôi đi trốn thoát. Sau khi phá xập nhà của chúng tôi, một số cán bộ muốn tiện tay hủy luôn ngôi mộ và cho dân cầm quốc xẻng đến phá. Nhưng vừa phát nhát cuốc đầu tiên vào mộ, chiếc cuốc dính cứng vào mộ, không rút ra được. Hai, ba người phải xúm vào nhổ cuốc lên, nhưng bất ngờ, chiếc cán cuốc bật nhanh lên giáng vào mồm cả hai người phun máu ra ào ạt. Thế là mấy tay bậm trợn nhất cũng hoảng, phải rút lui ngay.

Sau đó, mấy cán bộ xã, huyện không chịu thua chuyện “dị đoan” đó, nhất định phá cho bằng được, nên kêu viện trợ trên tỉnh, mang xe máy cầy về phá. Nào ngờ, chiếc xe máy cầy vừa đưa chiếc lưỡi cầy định đục ngang hàng xi măng xây quanh mộ, thì chiếc xe lật nhào, và vì đó là chỗ cao nhất của ruộng, gần như là ngọn đồi, nên chiếc xe máy cầy lăn long lóc xuống tuốt xa. Người lái xe chết tốt! Cả Xã, Huyện đều hoảng sợ, nên rút lui thật nhanh.

Tôi còn nghe kể thêm là ngày hôm sau, tiếc chiếc xe, xã huyện cử một nhóm anh du kích trở lại tìm đủ cách để trục chiếc xe lên nhưng chiếc xe hình như nặng khủng khiếp, không thể nào nhúc nhích được. Cuối cùng, xã, huyện, chịu phép phải đội khăn, mang mâm đồ cúng ra, khấn xin cho lấy lại chiếc xe trả cho tỉnh, rồi sau đó, hò nhau kéo chiếc xe lên, thấy… nhẹ tênh!

Từ đó đến nay, trải qua bao đợt cải cách, cải tiến, xây dựng, ngôi mộ Tam, Tứ Đại của dòng họ chúng tôi vẫn đứng nguyên. Trong khi đó thì mộ của Thầy tôi, Chú Hai, Chú Tư, chỉ cách ngôi mộ Tam Đại có vài bước chân, đều chỉ còn là kỷ niệm, vì đã bị buộc phải di dời đi nơi khác. Một người em họ tôi, làm lớn trong chính quyền sở tại, đã thiêu cốt Thầy tôi và mang vào trong sâu.

Điều cuối cùng, không biết có liên quan gì đến ngôi mộ không, như đã viết trên, theo lời người em họ gần 90 tuổi cho biết, là Anh Cả tôi, sau năm 1990, về thăm mộ cụ Cố và muốn sửa sang hay dời chuyển chi đó. Nhưng sự việc chưa tiến hành, thì Anh Cả tôi đột nhiên phát bệnh ung thư máu cấp tính, và chỉ trong vòng vài tháng, Anh Cả tôi qua đời.

Cho đến nay, ngôi mộ Tam Đại của dòng họ Chu chúng tôi vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt và những câu chuyện có tính chất huyền bí này vẫn lan truyền trong làng, để bất cứ ai về thăm làng cũng đều nghe được câu chuyện này. Nhiều người vẫn tin rằng giống rắn có mào đỏ vẫn lanh quanh đâu đó trong làng, và nhà nào mà để trứng cho rắn đến ăn và trú ngụ ở đó, thì làm ăn phát đạt.

Ghi chú:

(1) Chúng tôi gọi Người Con Trai của Mẹ Cả là Anh Cả. Còn anh ruột của chúng tôi, dầu là con trưởng của Mẹ tôi, cũng chỉ được gọi bằng tên mà thôi. Riêng trong chuyện này, để tiện theo dõi, tôi gọi anh lớn nhất của chúng tôi là Anh Hai.

(2) Vì lý do an toàn, nên người viết không dám viết tên làng ra đây.

(3) Ông Nội tôi đẻ được 6 người con. Thầy tôi và các chú tôi đều giầu sang, đúng như lời ông Đồ Thủ nói. Còn cô Ba thì không biết gì, chết rất trẻ. Cô thứ Năm thì giang hồ, phiêu bạt ở đâu, không còn ai biết tông tích gì. Cô thứ Sáu, gia đình trung bình, nhưng sinh được bốn người con, có hai người con đi tu, môt người làm Cha Xứ, môt người làm Ma Sơ.

Chu Tất Tiến

Ý kiến bạn đọc
16/03/201615:48:06
Khách
Cám ơn ông Chu Tất Tiến về bài viết gợi lại rất nhiều kỷ niệm mà cha mẹ tôi kể về quê hương miền bắc trước khi di cư 1954. Ruộng đồng, đất ruộng cò bay thẳng cánh của người dân bị Việt cộng qui kết tội địa chủ, cường hào ác bá... một cơn ác mộng cho người dân miền bắc. Chuyện ông kể rất thật và lý thú. Mộ phần giờ đây chẳng được yên với tụi cộng sản.
15/03/201610:26:37
Khách
Đông Phương có khoa Phong Thủy, Địa Lý. Tây Phương có khoa Kiến Trúc. Mục đích chính của nó là phát huy (promote) Thẩm Mỹ và Văn Hóa của mỗi cá nhân nói riêng và đặc thù (distinctions) của mỗi quốc gia nói chung. Khoa Phong Thủy, Địa Lý và Kiến Trúc hoàn toàn không chịu trách nhiệm (not responsible for) hoặc là yếu tố chính (domain) để quyết định cho sự thịnh vượng, thành công của người nào, tổ chức nào, quốc gia nào.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,062,250
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Bài viết mới của tấc giả đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Ngày 14 Tháng Sáu sắp tới sẽ là Father’s Day 2019, mời đọc bài viết của tác giả Phước An Thy. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha bị cộng sản chôn sống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2919. Ông cho biết có cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979. Qua Mỹ năm 1998, ông hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết thứ hai của ông có lời ghi “Viết cho sinh nhật đầu tiên của cháu ngoại. Tựa đề được đặt lại theo nội dung: “bật mí” là âm nói lái của “bí mật.”
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến