Hôm nay,  

Đông Du Ký

03/03/201623:19:00(Xem: 13990)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 3767-17-30267vb6030416

Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự. Sang năm 2015, với bài “Giọt Máu Rơi của Người Lính Chết Trẻ”, cô nhận thêm giải “Vinh Danh Tác Phẩm” và vẫn tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Con người ta sống đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy” đã là hiếm. Huống chi mình năm nay đã kéo đến ngoài bảy mươi tư. Càng hiếm thì càng khó. Khó ở đây là khó với chính mình. Trải qua biết bao nhiêu mùa cưới của con cháu, mỗi lần nhận được cái thiệp cưới là một phen nghĩ ngợi. Câu hỏi quen thuộc cứ lởn vởn trong đầu “To be or not to be” ? Đi hay không?

Cái thiệp rất lịch sự và dễ thương. Nó cho mình có khi hai tháng để... từ từ rồi tính. Tính tới tính lui đến kỳ hạn phải gửi cái thiệp trả lời. Cái thiệp đã trót gửi đi rồi thì như chim hoàng hạc “nhất khứ bất phục phản”. Có muốn tính lại cũng... khó.

Vòng vo tam quốc một hồi cũng trở về với cái khó của người già phải đi dự đám cưới. Khó vì...ngại. Ngại phải quyết định có nên đi hay không. Ngại tính toán cái check ký sao “coi cho được”. Ngại ồn ào. Ngại đám đông. Ngại về khuya. Ngại lái xe ban đêm con mắt bị lóa đèn. Ngại cái bao tử ăn uống phải kiêng khem đủ thứ. Ngại phải chuẩn bị đầu tóc, đóng bộ quần nọ áo kia. Ngại phải ngồi mấy tiếng đồng hồ chứng kiến diễn tiến đám cưới. Ngại phải tiếp xúc, chuyện trò với những người chưa quen...v..v.

Càng lớn tuổi, sự giao tế xã hội càng khó thích nghi nhưng có những việc “ngại” hay không thích mà mình vẫn phải làm vì những giây mơ rễ má ơn nghĩa nào đó. Đi đám cưới, ngoài hình thức xã giao còn là một cách trả các món nợ ơn nghĩa của các ông bố bà mẹ cho các đám cưới của con cái mình trước đây.Vì vậy, đám cưới càng lớn thì nợ càng nhiều.

Đây là câu chuyện kể về chuyến đi về miền đông ăn đám cưới của cặp vợ chồng nhà “Phóng Dao”.

Tên thật của chàng là Đào Phong nhưng qua Mỹ đọc ngược tên trước họ sau, thêm bớt vài cái dấu thành cái tên nghe có vẻ giang hồ đâm chém nhưng thực tế chàng này... hiền khô.( Đôi khi thấy chàng còn ký tên là Ph D để...lòe thiên hạ). Đám cưới này không có chuyện...từ từ rồi tính. Cũng không có chuyện khó vì...ngại. Đó là món nợ tình nghĩa gia đình. Một “mission impossible” vì mẹ chú rể, cô Hòa em gái chàng giao cho chàng công việc đại diện nhà trai cám ơn trong buổi lễ. Làm sao vắng mặt chàng cho được. Vì thế, vợ chồng nhà Phóng Dao phải đặt ngay vé máy bay cho sớm để lấy giá rẻ và chiếm hai chỗ ngồi thượng phong ở hai cái ghế ngay lối đi vì hai cụ phải đi thăm cái nhà vệ sinh vài lần.

Về tôn ti trật tự của họ Đào ở xứ Mỹ, “Phóng Dao” là bậc cao niên về tuổi tác nên được bầu là trưởng tộc. Dưới trướng chàng là mười gia đình gọi chàng là bác Cả Đào với tất cả sự kính nể và quý trọng. Oai lắm ! Ông cụ nội chỉ có hai ông con trai. Thế hệ sau tổng cộng mười gia đình họ Đào là anh em chú bác ruột, vượt thoát qua Mỹ bằng nhiều cách khác nhau như di tản, vượt biên, bán chính thức, bảo lãnh, HO. Bác Cả Đào đi theo diện HO 7 sau cùng. “Trâu chậm uống nước đục” nên khi đặt chân đến xứ Mỹ, em nào cũng thương, giúp đỡ bác Cả hết lòng trong giai đoạn đầu lập nghiệp.

Sau bảy lăm, nơi quê người, ơn nghĩa và tình gia đình của các thành viên họ Đào càng ngày càng thắm thiết. Các gia đình đã phân tán từ hồi ở Việt Nam, tưởng rằng sẽ không có cơ hội được nhìn thấy nhau, thế mà kẻ đi trước, người đi sau, may mắn hội tụ đầy đủ ở đất nước bao dung này. Vì sinh kế và việc làm, các gia đình sống rải rác ở các tiểu bang Texas, Cali, Oklahoma. Đám cưới của các cháu thuộc thế hệ thứ hai là dịp để các gia đình họ Đào đoàn tụ, chúc mừng Bác Cả Đào còn sức bay về dự đám cưới các cháu nhất là vẫn tiếp tục giữ chức vụ “ lãnh tụ” anh minh của đại gia đình họ Đào ở xứ Mỹ.

Bác hay đùa:“ Các cháu lấy chồng lấy vợ cho mau mau để bác còn cho quà cưới. Các bác đây già rồi, ngủm cù đeo chẳng biết lúc nào. Giò cẳng... sụm bà chè hết. Làm sớm nghỉ sớm các cháu ơi!”

Kể cũng hay! Thế hệ các cháu sinh ra ở Việt Nam lớn lên ở Mỹ như thằng Cu Bin quên tiếng Việt nhiều, nhất là các tiếng lóng như “ngủm cù đeo”, “sụm bà chè”, khi bác Cả hỏi bác nói vậy các cháu hiểu không, nó gật đầu. Đứa nào lắc đầu không hiểu đích thị là đứa.... sinh ra ở xứ Mỹ.

Thế mới biết “Tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi,” dù không còn được học tiếng Việt ở xứ Mỹ, không nghe nói tiếng Việt thường xuyên, phải tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hóa Mỹ hàng ngày nhưng chúng vẫn “bắt” được ngôn ngữ mẹ đẻ của người lớn khi nói chuyện. Thằng Cương qua đây lúc mười tám tuổi, giỏi tiếng Việt nhất trong đám cháu, còn chút láu cá hồi còn ở Việt Nam trả lời “Bác không qua được thì cứ bỏ vào cái phong bì nặng ký một chút, cộng thêm tiền vé máy bay là tụi cháu... ok ”.

Theo chương trình, chuyến bay sẽ đến Dallas ngày thứ tư. Hai bác Cả ở nhà con gái tại Dallas nghỉ ngơi dưỡng sức và tune up” lại dung nhan ngày thứ năm. Rạng sáng ngày thứ sáu, sáu người gồm vợ chồng con gái, tài xế là cậu con rể và hai đứa cháu ngoại cùng với hai bác Cả sẽ lên đường bằng xe “van” sang Houston. Cả nhà ghé ngủ đêm ở nhà vợ chồng thằng Cương để sáng ngày thứ bảy hôm sau dự đám cưới suốt ngày.

Thằng Cu Bin lấy vợ làm ai cũng mừng và thương cho cô Hòa và chú Hoàng. Bác Cả kể cái số cô Hòa vất vả. Cô tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh. Sau khi ra trường, cô lấy chồng sớm, cưới chạy tang vì ông bố chồng đang hấp hối. Nếu không cưới ngay, theo tục lệ ở Việt Nam, ông bố chồng chết rồi phải đợi đến ba năm sau khi mãn tang con cái mới được lập gia đình. Vì thế phải cưới vội. Bác kể cô Hòa mặc áo cưới màu trắng ngày hôm trước,vài ngày hôm sau cô mặc áo tang cũng màu trắng. Ba tháng sau, ộng chồng bị tai nạn trên xa lộ chết đi để cho cô cái bụng bầu ba tháng. Đứa bé ấy sau này lớn lên là thằng Cương.Thằng Cương qua Mỹ, theo truyền thống họ Đào cũng ráng học hành lấy được cái chữ “sĩ” trong ngành thuốc. Thằng Cu Bin là con người chồng sau. Chú Hoàng bố thằng Cu Bin, vợ và con đều mất tích trong chuyến vượt biên. Chú đi học tập cải tạo mười năm về lấy cô Hòa sinh thằng Cu Bin. Có chương trình HO, cô Hòa và hai con theo chú Hoàng sang Mỹ. Cuộc đời cô Hòa và chú Hoàng “tiền hung hậu kiết”. Hậu vận được ở xứ Mỹ, con cái học hành đến nơi đến chốn, lấy vợ đàng hoàng cũng là niềm an ủi và bù đắp cho cô chú vào cuối đời.

Hồi nhỏ, thằng Cu Bin ở Việt Nam khó nuôi, có cái đầu hơi lớn hơn bình thường, trán vồ ra, mặt xương xẩu. Thời sống với Cộng sản nghèo khổ và thiếu thốn, cô Hòa sinh nó lúc cô đã gần bốn mươi, chỉ lo nó mắc chứng bệnh gì về cái đầu không học hành được thì khổ. Nó hiền lành, ít nói. May mắn được sang Mỹ lúc mười tuổi, bác sĩ Mỹ theo dõi cái đầu nhiều năm, không có triệu chứng gì. Cu Bin lớn lên nói tiếng Việt giỏi, khỏe mạnh, dong dỏng cao, có khiếu về hội họa, vẽ chân dung rất đẹp, học hành bình thường, tốt nghiệp ngành kế toán. Cu Bin quen cô bạn gái người Phi từ hồi học trung học. Mối tình học trò này kéo dài bảy năm. Năm nay là năm thứ tám, hai đứa học xong có công ăn việc làm rồi quyết định làm đám cưới.

Ai cũng bảo cái thằng “mèo mù gặp cá rán” lấy được một cô vợ đẹp. Còn ngoan thì chưa biết thế nào nhưng cô con dâu trông có vẻ hiền lành. Chúng nó có sống chung với bố mẹ đâu mà sợ ngoan hay không ngoan. Từ khi đi làm, chúng đã tách ra thuê phòng ở riêng rồi. Cách sống tự lập này khác với cách sống theo lối đại gia đình thời phong kiến ngày xưa. Nó có cái hay là cả hai bên bố mẹ và con cái đều tự do, tránh những đụng chạm hay xung đột xảy ra giữa mẹ chồng và nàng dâu, gây biết bao nhiêu bi kịch gia đình và làm khổ không biết bao nhiêu cô dâu thời mới như cô Loan trong “Đoạn Tuyệt”.

Đám cưới không có rước dâu như các đám cưới truyền thống Việt nam. Bàn chuyện rước dâu, chú Hoàng có óc hài hước, ăn nói bổ bả, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Chú bảo: “ Rước gì mà rước. Chúng nó ăn ở với nhau thiếu điều...sập giường”. Thằng Cu Bin hồi đầu không chịu đi chào bàn. Chú chỉ vào mặt nó bảo “ Mày không đi chào bàn thì mày... cóc có tiền”. Lúc cô dâu chú rể nghe lời vị linh mục “trao nhau nụ hôn đầu tiên”, chú bảo “Chúng nó hôn nhau đến... mỏi cả miệng”. Thằng Cu Bin lúc đầu chê cái áo dài khăn đống và cái quần trông “funny”, chú bảo: “ Mày không đội khăn, mặc áo, mặc quần thì mày...ở truồng”. Thằng Cu Bin chỉ nghe lời bố mẹ khuyên vài điều. Nó đồng ý đi chào bàn, mặc quốc phục Việt Nam khi làm lễ ở chùa, bố mẹ chỉ lo phần nghi lễ và tiếp khách bà con họ hàng còn chuyện tổ chức đám cưới theo kiểu nào là quyền tự do của chúng nó.

Con cái suy nghĩ như thế cũng phải. Đám cưới của nó chứ có phải của mình đâu. Các cụ cứ yên chí...ngồi chơi xơi nước cho khỏe. Chúng nó làm có khi còn hoàn hảo hơn mình.

Ở xứ Mỹ này, “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy” là có phước, nên mừng. Chú Phương em trai bác Cả kể có đứa con gái là bác sĩ tuổi ngoài bốn mươi, cô chú năn nỉ bảo nó lấy chồng: “Chúng tao già rồi. Mày có đặt...chúng tao ngồi ở đâu thì đặt nhanh lên kẻo chúng tao ngủm”. Nó bảo:“Dad và Mom ngủm thì cứ ngủm. Con chưa muốn lấy chồng. Con thích sống chơi chơi vậy đó. Đâu có sao. Sáu mươi tuổi làm đám cưới vẫn...ok.”

Hai nền văn hóa Mỹ Việt thật là khác biệt. Phụ nữ Việt Nam ngày xưa “Trai ba mươi tuổi đang xoan, Gái ba mươi tuổi đã toan về già”.Thế hệ con gái người Mỹ gốc Việt ở đây không “care” vấn đề lấy chồng, ế chồng hay phải có chồng. Không có chuyện “ế”và “già” trong văn hóa và đời sống của chúng và phụ nữ Mỹ.Tuổi tác và hôn nhân không thành vấn đề. Có người bảo chúng sống như thế là ích kỷ, thiếu trách nhiệm. Không hẳn thế. Chúng sống theo sở thích cá nhân, thích tự do để “enjoy” đời sống với bạn trai, không muốn bị vướng mắc và ràng buộc vào những hệ lụy gia đình.

***

Chín giờ sáng, hai họ tập trung trước sân chùa Việt Nam ở Houston. Đây là dịp gia tộc họ Đào gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả và tha hồ phơi mặt ra ngoài nắng, cười đến... méo cả miệng vì mấy tấm hình. Có hai nghi lễ chính thức. Đám cưới này Chúa và Phật... đề huề. Hai họ đều vui vẻ, không đạo nào...lấn đạo nào. Đạo ai nấy giữ. Gia đình cô Hòa theo đạo Phật. Thằng Cu Bin tên Việt nam là Bình, tên Mỹ là John, quy y với Thầy Thích Nguyên Hạnh ở chùa Việt nam có pháp danh là Minh Đạt nên làm lễ “Hằng Thuận” tại chùa Việt Nam vào buổi sáng. Cô dâu tên là Maigen theo đạo Công Giáo, tên Thánh là Marie Therese, làm lễ hôn phối ở nhà thờ St Justin Martyr Catholic Church vào buổi chiều. Buổi tối hai họ ăn tiệc theo lối “buffet” kiểu Mỹ. Điều khiển chương trình thì có MC Mỹ. Văn nghệ thì chơi DJ.

Ngôi chánh điện đang sửa sang nên buổi lễ được Thầy tổ chức trang trọng và đơn giản ở ngôi chánh điện tạm thời bên cạnh. Cô dâu và bốn cô phù dâu mặc áo dài Việt Nam. Chú rể mặc quốc phục.Thầy tụng vài thời kinh Phúc Đức và kinh An Lành. Thầy có một bài pháp ngắn bằng tiếng Việt và tiếng Anh về trách nhiệm làm vợ và làm chồng. Có phần trao nhẫn, trao hoa. Thầy giải thích ý nghĩa của cái nhẫn đeo vào tay nhau của cô dâu chú rể. Phần nghi lễ chấm dứt. Tiếp theo là phần đại diện họ nhà trai lên cám ơn. Đây là cái “job” của bác Cả Đào.

Không biết bác Cả chuẩn bị những lời cám ơn và phần phát biểu cảm tưởng hồi nào mà bài nói của bác dùng toàn các từ ngữ... Phật học nghe rất ư là bài bản. Chàng nói lưu loát, mạch lạc, giọng chàng dõng dạc, sang sảng như chuông đồng chứng tỏ bộ phổi còn tốt nhờ tập khí công mặc dù chàng gầy như một ông thầy “yogi”. Được mọi người khen “Du đu gút gióp”, mũi chàng...nở thêm vài phân, cái mặt có thêm phần...kênh kênh.

Buổi lễ ở nhà thờ trang nghiêm với nhiều nghi thức theo kiểu truyền thống của người Phi theo đạo Công giáo. Những bài Thánh ca làm cho không khí buổi lễ thêm phần thiêng liêng. Cô dâu mặc một chiếc áo đầm dài và choàng khăn voan màu trắng. Chú rể mặc Âu phục. Lúc bố cô dâu dẫn cô đến, trao tay cô cho thằng Cu Bin, thằng Cu Bin cảm động chùi nước mắt. Bố nó bảo: “Nó lấy được vợ... mừng quá phát khóc”. Cô Hòa nói: “ Tính thằng này nhạy cảm từ bé, hay mủi lòng”. Vị linh mục nét mặt lúc nào cũng vui tươi. Ông hay cười có lẽ vì ông là người thay mặt Chúa mang phước lành đến các con chiên của Chúa trong ngày vui nhất của họ. Ông cử hành Thánh lễ bằng những nghi thức như đọc kinh, làm dấu thánh giá với tất cả sự thành kính. Cô dâu và chú rể quỳ trước bàn thờ. Có một cặp lên khoác một chiếc khăn voan trắng vào vai cô dâu chú rể gọi là “Veil Ceremony”. Một cặp khác cầm một sợi giây bện theo kiểu giây thừng bằng vải màu trắng khoác vào cổ cô dâu chú rể gọi là “Cord Ceremony”. Kể từ bây giờ, giây và vải đã trói cuộc đời cả hai lại với nhau.

Ngày xưa cô Kiều lén sang nhà chàng Kim để tâm sự. Kiều cũng nhắc đến cuộc hôn nhân với chàng Kim bằng...sợi dây thừng màu đỏ gọi là “xích thằng”. “ Nàng rằng hồng diệp xích thằng. Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri”. Văn hóa Đông và Tây gặp nhau qua hình tượng sợi dây thừng kết duyên hai người nam nữ thành đôi vợ chồng.

Sang đến mục “buffet” ở nhà hàng. Đó là một cái hội trường tên là “Noah” không rộng lắm, có sức chứa khoảng ba trăm người được trang trí với đèn, hoa, sân khấu, bánh đám cưới...Hai họ ngồi hai bên sân khấu. Nghi lễ rất đơn giản. Sau phần giới thiệu nhà trai, nhà gái là phần cô dâu chú rể khai mạc buổi khiêu vũ với điệu Slow. Tiếp đó bố mẹ cô dâu ra sàn nhảy điệu Tango thật điêu luyện. Thằng Cu Bin thấy vậy kéo mẹ ra sàn nhảy. Con thì cao. Mẹ thì thấp. Nó dìu mẹ trong điệu Slow. Cô Hòa không biết nhảy, hai chân cô cứ đứng yên, dựa vào ngực nó. Khi thấy mọi người đang nhìn mình, cô mắc cỡ cứ dúi đầu vào...nách thằng cu Bin để dấu cái mặt làm mọi ngừơi buồn cười. Đây là một màn khiêu vũ độc đáo nhất trên sàn nhảy.

Văn hóa người Phi ảnh hưởng Tây phương. Nhảy đầm là một sinh hoạt vui chơi phổ biến được ưa thích nên hầu hết bên nhà gái ai cũng biết nhảy. Họ rất tự nhiên, dạn dĩ chứ không mắc cỡ như các cụ nhà ta. Già trẻ lớn bé khi điệu nhạc cất lên, họ ùa ra sàn, nhảy hết mình.

Tiết mục kế tiếp mọi người chờ đợi đó là sắp hàng tự phục vụ bữa ăn tối chứ không có người hầu bàn. Thực đơn là một dãy thức ăn còn nóng khoảng mười món đủ loại. Những người phục vụ đứng phía sau dãy bày thức ăn. Có người đứng cắt cho mỗi người một khoanh “steak”. Mọi người tự gắp một ít sà lách trộn, một chút cá sốt mayonaise, vài miếng bánh mì, vài hạt “nut”, ít trái cây.... Nước lọc được mang tới bàn free. Thực đơn đám cưới... chỉ có thế.

Hai bác Cả được xếp vào hàng trưởng lão, ngồi ở bàn toàn là các cụ, tha hồ nghe các cụ ông cụ bà “comment” về thực đơn. “Ăn chỉ có thế thôi à”. “Có khác chi sắp hàng đi ăn các bữa ăn từ thiện”. “Thịt bò nhạt phếch, còn đỏ tươi, ai dám ăn”. “ Lo gì. Về nhà đã có mì gói”...

Đến màn cô dâu chú rể lên sân khấu kể chuyện, các cụ thắc mắc “Chúng nói gì mà đám trẻ cười ầm lên thế”. Các cụ cần thông dịch. À, chúng đang kể chuyện “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”(1) í mà. “Có gì hay mà kể”. “Nghe chán chết”. Có chứ. Hay nên chúng mới cười, Các cụ nhà ta không hiểu nên “chán chết” là phải!.

Đến màn DJ chơi nhạc Hip hop, Pop, Disco, Tour đám trẻ ùa ra sân khấu. Có cụ ngồi nhìn chăm chăm. Có cụ đầu gục lên gục xuống vì đến giờ... gà lên chuồng mà con chưa tới đón. Có cụ bịt hai lỗ tai bảo nhạc ồn, nhức đầu quá. Có cụ bỏ ra ngoài sân ngắm sao trời.

Thì ra các cụ vẫn thích dự đám cưới theo truyền thống Việt nam. Ăn thực đơn theo nhà hàng Tàu có người phục vụ từng món hợp khẩu vị, có văn nghệ phụ diễn bằng tiếng Việt, MC nói tiếng Việt.“Ma chê cưới trách” các cụ ạ. Thôi, các cụ cứ phiên phiến thông cảm cho bọn trẻ nó nhờ. Đám cưới của bọn trẻ chúng thích cái vui. Cái vui là chính chứ không phải cái ăn.

Tóm lại, cô Hòa kể theo tục lệ người Phi, đám cưới nhà gái phải chi tiền.Tiền ăn hết mười ba ngàn cho hai trăm người, tính ra mỗi phần ăn là sáu chục đồng. Nhà gái trả tiền thuê hội trường hết sáu ngàn rưỡi.Tiền ban nhạc tám trăm. Tiền nước hai ngàn. Tiền hình một ngàn rưỡi. Tổng cộng khoảng hai mươi bốn ngàn.

Cô Hòa kể người Phi bây giờ cũng bắt chước người Tàu và người Việt mừng đám cưới bằng bao thơ. Cũng có màn đi chào bàn hai họ. Đám cưới Cu Bin tiền mừng được khoảng hai mươi lăm ngàn. Vì nhà gái chi trước rồi nên tiền này hai gia đình quyết định để dành cho đôi trẻ “down” cái nhà. Cô dâu chú rể phen này...huề vốn. Đám cưới huề vốn là mừng rồi, đôi trẻ không phải mắc nợ.

Ngẫm nghĩ họ Đào nhà này hình như có “duyên” với con dâu người Phi. Cô con dâu của chú Phương là người Phi. Cô con dâu của cô Hòa cũng là người Phi. Cô chú bảo thế hệ thứ hai lớn lên ở xứ Mỹ khó có thể cưới con dâu Việt. Bố mẹ tìm bạn gái Việt thì chúng không ưng. “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” không thành, chúng tự đi tìm... cỏ lấy theo ý thích của mình. Đứa nào cũng có một cô bạn gái hay bạn trai không người Phi thì Mễ, Mỹ, Tàu hoặc Đại Hàn đi cùng. Chúng trưởng thành cả rồi. Mọi người nhắc nhở bác Cả ráng sống...lâu lâu thêm dăm mười năm nữa để còn đi ăn đám cưới các cháu dài dài.

Thằng Cu Bin chính thức có vợ nên họ Đào quyết định... khai tử cái “nick name” có chữ “cu” của nó. Từ nay không còn... cu kiếc gì nữa mà gọi tên Mỹ là John. Đám cưới của John không dừng tại đó. Nhờ đám cưới của John, các gia đình họ Đào có một chuyến đi chơi vùng biển ba ngày. Tour đã “book” sẵn cho mười chín người gồm một “condo” có bốn phòng lớn và bốn cái xe sẽ lên đường vào ngày thứ hai, hướng về phía cực Nam tiểu bang Texas, giáp với vịnh Mexico đó là đảo South Padre Island.

Lịch sử đảo South Padre Island -viết tắt là SPI.- kể rằng những thổ dân ăn thịt người tên là Karankawa Indians là những người đầu tiên sống ở đảo. Năm 1554, một tàu tây Ban Nha bị đắm ở vịnh Mexico. Một số thủy thủ trên tàu sống sót bơi được vào đảo trở thành cư dân tại đây. Năm 1803, linh mục Jose Nicolas Balli đến đảo lập giáo xứ truyền đạo Thiên Chúa. Dân trên đảo gọi ông là Padre Jose ( “Padre” tiếng Tây ban Nha có nghĩa là “cha” ). Năm 1950, một nhà kinh doanh tên John Tompkin đến đây mua đảo với diện tích là 1470 mẫu đặt tên là Padre Beach.

Là một thắng cảnh du lịch và nơi nghỉ ngơi có dân số gần ba ngàn người, diện tích khoảng gần ba dặm, nối liền với cảng Isabel bằng chiếc cầu có tên là Queen Isabel Causeway, đảo này có nhiều sinh hoạt miền biển như thi lướt sóng, xem cá heo trình diễn, thi câu cá quốc tế...Hàng năm vào kỳ nghỉ Spring Break, các sinh viên từ các trường đại học đến đây nghỉ ngơi, du lịch.

Đoàn tour do vợ chồng chú Long và cô Thư dẫn đường cho ba xe chạy theo sau đã đến đảo vào lúc hai giờ chiều sau bảy tiếng đồng hồ lái xe. Cô Thư là con gái lớn của ông chú Đức Thắng, sang Mỹ trước bảy lăm, dáng người nhỏ nhắn nhưng cái đầu của cô nhanh nhẹn, tính toán toàn là những việc đại sự. Cô “book” chổ ở, “book” xe, tìm đường trên bản đồ, lái xe đến trước, nhận phòng, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho các anh chị, đi chợ mua thực phẩm để chuẩn bị bữa cơm chiều cho mười chín ngừơi.

Trong khi chờ đợi thực phẩm mang về, cả đoàn rủ nhau đi thăm biển cách khu “condo” chỉ vài trăm mét. Đảo South Padre đang vào mùa có “red tide” còn gọi là “thủy triều đỏ” xảy ra vài năm một lần. Mỗi lần thủy triều lên, sáng hôm sau, cá chết nằm xếp lớp trên cát dọc theo bờ biển. Có xe xúc cá chết mỗi ngày nhưng hết lớp này đến lớp khác, cá nằm la liệt, họ xúc không xuể. Đi từ xa đã ngửi thấy mùi hôi tanh của cá chết. Biển không có người tắm. Chỉ có các du khách đi bộ trên cát. Biển ở đây hoang sơ, cát đen, ít người. Kỹ nghệ du lịch ở đây không sầm uất, nhộn nhịp, phát triển như ở Cali.

Cả đoàn về nhà kịp lúc thực phẩm vừa về tới. Giới phụ nữ xúm nhau vào nấu ba nồi cơm, ướp và chiên ba mươi miếng đùi gà, nấu một nồi canh cà chua với nấm, xào bắp cải với trứng và hành tây. Khoảng tám giờ đã có một bữa cơm tối đủ ba món xào, canh, mặn thuần túy Việt nam. Ai cũng đói bụng nên bữa cơm Việt nam vùng biển càng thêm ngon miệng. Xương gà, thịt gà xé miếng và một nồi cơm ăn không hết, nhà bếp có sáng kiến chế biến thành một nồi cháo gà cho buổi điểm tâm ngày mai.

Đi chơi theo nhóm hay gia đình đông thuê kiểu “condo” này rất tiện nghi và vừa túi tiền. Tất cả vật dụng trong nhà và nhà bếp đều được trang bị đầy đủ cho sinh hoạt ăn, ở, ngủ, nghỉ của gia đình để người thuê có cảm giác thoải mái như ở nhà chứ không phải ở khách sạn. Họ có thể tự nấu nướng thay vì ra ngoài ăn thức ăn Mễ hoặc Mỹ không hợp khẩu vị. Tính ra thật là quá rẻ. Cô Thư trả 1200$ bốn phòng lớn cho ba ngày, chia cho 19 người, mỗi người chỉ trả 30$ mỗi ngày nhân cho 3 thành 90$ tiền ở. Tiền thuê xe, tiền xăng, tiền đi chợ mua thức ăn và linh tinh theo hóa đơn chia đều cho 19 người trong ba ngày khoảng 30 $. Đi ăn tiệm, ai muốn ăn gì thì tự trả.

Theo sự sắp xếp của cô Thư, ngày hôm sau, đoàn sẽ đi thăm cảng Isabel nơi đó có ngọn hải đăng Light House, bảo tàng viện Port Isabel và bảo tàng viện trưng bày những di tích của chuyến tàu đắm năm 1554 với giá vé bảy đồng cho một người.

Cảng Isabel thuộc Cameron County phía Nam Texas gần vịnh Mexico, diện tích khoảng mười bốn dặm vuông, nối liền với đảo South Padre bằng chiếc cầu Queen Isabel Causeway.

Isabella là tiếng Tây Ban Nha, tên của vị nữ hoàng thông minh và tài giỏi, cai trị đất nước Tây Ban Nha vào những năm 1492. Trong năm mươi ba năm trị vì, bà cùng với chồng là vua Ferdinande có công đánh đuổi quân Hồi giáo, thống nhất Tây Ban Nha. Bà cũng là người bảo trợ cho Chistopher Columbus chinh phục châu Mỹ. Bà đối xử tù nhân là những thổ dân ở châu Mỹ với tinh thần bình đẳng và nhân đạo, bảo trợ các nhân tài như các học giả, các nghệ sĩ. Bà có óc cầu tiến tìm học tiếng La tinh. Người Tây Ban Nha rất ngưỡng mộ và nhớ ơn bà. Họ đã đặt tên bà cho hải cảng Port Isabel, chiếc cầu mang tên Queen Isabel Causeway, ngọn hải đăng mang tên “Point Isabel Light House”.

Cầm vé trên tay, cứ một đợt sáu người leo lên ngọn hải đăng gồm bảy mươi bốn bậc thang hình trôn ốc để nhìn toàn cảnh thành phố cảng và biển xanh. “Light House” được xây dựng vào năm 1852 mãi đến một trăm năm sau mới mở cửa cho công chúng vào xem. Ngày nay, “Light House” là một di tích lịch sử của ngành hàng hải, đánh dấu một giai đoạn đã từng là ngọn đèn biển, hướng dẫn cho các tàu bè qua lại suốt một thế kỷ.

Rời “Light House, cả đoàn đi xem bảo tàng viện lịch sử “The Port Isabel Historical Museum” để xem các tranh vẽ về bà nữ hoàng và hoàng gia, các hình ảnh, di tích về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Mexico. Sau đó, cả đoàn ghé “Treasures of the Gulf Museum” xem những chiếc tàu của người Tây Ban Nha bị đắm vào năm 1554, cách cảng Isabel ba mươi dặm về hướng Bắc của đảo South Padre. Tổng cộng bốn chiếc tàu bị rơi vào vùng bão trong đó có ba chiếc bị đắm và một chiếc thoát được đến Cuba nhưng sau đó lại bị một cơn bão khác đánh chìm.Có khoảng ba trăm người lên được đến đảo nhưng bị thổ dân giết chỉ còn lại hai người sống sót. Những chiếc tàu này đã chở rất nhiều vàng bạc châu báu và các vật dụng quý giá từ Mexico về Tây Ban Nha.

Sau một ngày rong chơi trên cảng, buổi trưa cả đoàn ghé vào một tiệm ăn Mễ. Từ cảng Isabel, những chiếc xe bus vàng miễn phí chở đoàn trở về chỗ đậu xe ở đảo South Padre.Tối hôm đó, cả đoàn rủ nhau đi ăn đồ biển ở một nhà hàng Mỹ giá đắt nhưng không ngon. Sau đó có một buổi họp mặt cuối cùng để các gia đình hàn huyên, tâm sự và cám ơn những bàn tay, khối óc của những con chim én tạo nên mùa xuân là chuyến đi chơi vui, thấm đượm tình gia đình của thân tộc họ Đào.

Trên đường về, cả nhóm ghé vào thành phố biển Corpus Christi phía Nam Texas. Corpus Christi tiếng La Tinh có nghĩa là “The body of Christ” nổi tiếng về kỹ nghệ dầu hỏa.Từ xa đã thấy các xưởng lọc dầu đang hoạt động. Đặc biệt trong khu thương mại có một tiệm phở “Ngon” do người Việt nam làm chủ. “Ngon” hay không, chưa ăn chưa biết. Cả nhóm đồng ý vào ăn trưa để ủng hộ đồng hương. Trên bàn cũng có giá, rau húng quế, tương, ớt, chanh đầy đủ gia vị của một tô phở.Tô phở xe lửa nước trong, màu nâu sậm, nấu thật... mặn mòi làm cho mọi người chỉ dám ăn thịt và bánh phở.Giá một tô trung bình khoảng gần tám đồng bằng với giá ở Cali.

Về đến Houston đồng hồ chỉ sáu giờ chiều. Cả nhóm chia nhau trả tiền, mời thêm cặp John và Maigen, gia đình cháu Cương, gia đình các con trai và con gái của cô Liên ở Houston tổng cộng ba bàn. Một buổi cơm tối đông vui của hai thế hệ già và trẻ tại quán “Ngon” với các món cơm phần cũng là buổi tiệc chia tay vì ngày hôm sau các cô chú sẽ bay về Cali hoặc lái xe về Oklahoma.

Buổi hội ngộ nào cũng đến lúc phải nói lời tạm biệt. Riêng bác Cả Đào, bác còn vương vấn với nhóm bạn già Chu Văn An ở Houston. Nghe tin bác Cả Đào sang, các bác đã sắp xếp một buổi họp mặt bỏ túi vào buổi trưa hôm sau. Đặc biệt kỳ này có mặt bác chủ tịch hội Chu Văn An ở Cali không hẹn mà gặp cũng sang Houston ăn đám cưới. Anh em Chu Văn An nói đùa sự có mặt của ông chủ tịch hội làm tăng thêm phần long trọng và...hao tốn cho buổi tiệc “dim sum”tại nhà hàng Ocean Palace.

Trước đám cưới và sau đám cưới cả tuần lễ, nhà cô Hòa như một cái “motel” lúc nào cũng bận rộn đưa đón khách từ phương xa đến rồi đi. Lần này hai bác Cả Đào được chuyển sang “motel” khác là nhà cô Liên, ngủ một đêm để trưa hôm sau cô chở hai bác đến trạm Mega Bus về Dallas.

Cô Liên là cô con gái thứ hai của chú Đức Thắng, vượt biên mười lần, ở tù ba lần rồi mới đến đảo. Cô là người giàu tình cảm, giỏi giang, chu đáo, còn giữ được những suy nghĩ và cách sống rất Việt nam. Cô nấu một nồi bún mọc để hai bác ăn trưa trước khi lên đường, sắp xếp một túi thức ăn đi đường nào là khoai lang luộc, bắp luộc, chuối, nho, nước uống, khăn giấy cho chuyến xe bus có...bốn tiếng đồng hồ. Nhà vắng vẻ, các cháu đi làm cả, chỉ có cô chú, đứa cháu ngoại hai tuổi và hai bác Cả Đào. Buổi sáng ở Houston còn nhiều thì giờ, cô chú mời ra tiệm Starbucks.

Ở lứa tuổi sáu mươi trở đi, người ta có khuynh hướng “downhill” quay về với quá khứ nên những câu chuyện đời đều là những chuyện ngày xưa. Biết bao nhiêu kỷ niệm về gia đình ở Việt nam trước bảy lăm được gợi lại. Biết bao chuyện quá khứ về nghề đàn của hai tiệm đàn Phùng Đinh và Đức Thắng ở Sài Gòn được nhắc đến. Thời vàng son ấy đã qua, chỉ còn lại hai chị em là hậu duệ của những người đã khuất, đang ngồi uống cà phê ở xứ Mỹ, ngẫm lại những biến đổi của cuộc đời sau bảy lăm, lòng không khỏi bồi hồi khi hồi tưởng lại những cảnh cũ người xưa.

Tạm biệt Houston. Xe bon bon trên đường xa lộ về hướng Bắc, cuốn theo những sự việc, hình ảnh, con người và những ngày vui qua mau. Houston. Đám cưới. South Padre...Tất cả hiện ra như một cuốn phim quay chậm về quá khứ. Sắp tới là những ngày êm ả với hai đứa cháu ngoại đang mong ông bà ngoại trở về. Nhớ khi “gia đình bác Tám” chuẩn bị khăn gói lên đường về Dallas, ông bà còn ở lại Houston, thằng Dustin ôm cái bụng của ông, còn Jasmine ánh mắt buồn buồn nắm tay bà “You dont spend time with us”!!!

***

Cách đây ba năm, hai Bác Cả có đi Mega Bus từ Dallas sang Oklahoma dự đám cưới cháu Uyên, con gái cô Liên. Sau chuyến đi, bác Cả gái về có viết bài “Hai Lúa đi Mega Bus” ca ngợi hãng xe này quá chừng. Lần này, Mega Bus đổi thành xe mới loại hai tầng, ghế có gắn bàn, có wifi. Từ Houston về Dallas chạy một lèo suốt bốn tiếng đồng hồ, chỉ ghé “rest area” một lần mười lăm phút. Xe sạch sẽ, chạy đúng giờ, nhanh và tiện nghi chỉ mất ba mươi đồng. Ở xứ Mỹ này, làm “business” như Mega Bus nếu không cải tiến, cập nhật với kỹ thuật hiện đại khó lòng cạnh tranh để sống còn với các hãng khác như Grey Hound.

Căn nhà của Phương Nghi, đứa con gái lớn của hai bác Cả nằm trong khu nhà mới xây thuộc thành phố Grand Prairie to như cái lâu đài, giá ở Texas chỉ vào khoảng bốn trăm ngàn nhưng ở Cali phải hơn bạc triệu. Nó nằm giữa chặng đường Houston và Oklahoma nên trở thành chỗ dừng chân lý tưởng. Nhà rộng và đẹp, trang trí rất có “gu” về mặt thẩm mỹ. Chủ nhân nấu ăn ngon và hiếu khách. Các cô chú và các cháu trên đường đi Houston hay về Oklahoma thường ghé nhà Phương Nghi chơi, nghỉ ngơi, ăn uống, chuyện trò vài tiếng đồng hồ có khi nhẩn nha ở qua đêm sau đó mới tiếp tục cuộc hành trình.

Qua Mỹ tính đến nay đã hai mươi năm, hai bác Cả học được rất nhiều điều tâm đắc về văn hóa Mỹ trong đó có sự biết cám ơn, biết nói lời xin lỗi và tôn trọng những suy nghĩ cuả trẻ con...Vì thế nghe con bé Jasmine nói “ You dont spend time with us”, “ông bà quại” xin lỗi và cám ơn Jasmine đã nhắc nhở. “Ông bà quại” ham vui với họ hàng và bạn bè nên bỏ quên hai đứa cháu cưng.Vì thế, mười ngày ở Dallas là mười ngày hai bác Cả dành trọn thời gian sống với thế giới tuổi thơ của hai đứa cháu bằng những trò chơi, kể chuyện, vẽ hình, đố vui, làm “homework”, đi bộ, hát hò, đọc sách, dạy tiếng Việt, theo con gái đưa đón chúng đi học...

Chơi với trẻ con, người già sẽ quên đi tuổi tác, cảm thấy mình như trẻ lại, học được trẻ con rất nhiều điều và thời gian qua nhanh. Chúng bảo ông bà ngoại “funny”. Tiễn ông bà ra phi trường về Cali, cả hai đứa đều rơm rớm nước mắt.

***

Xuống phi trường John Wayne, không khí mát dịu khác hẳn cái nóng bên Texas. Vào đến cửa vườn, hoa điệp vàng tươi nở rực rỡ. Khi đi nó chỉ mới vừa nhú vài cái nụ xanh non, khi về đã là một rừng hoa đẹp một cách ngỡ ngàng. Cây điệp năm nay có lẽ được bón phân nhiều nên những chùm hoa vàng nở rộ với những chiếc lá xanh phủ đầy trên cây, tỏa bóng mát trên lối đi nhỏ vào “patio”. Đứng ngắm mãi những chùm hoa dưới tàn cây, người đi xa về cảm được cái mát lạnh của thời tiết mùa Thu Cali và cái đẹp của một rừng hoa điệp khi chiều tà.

“Ngày xưa có gã từ quan. Lên non tìm...” (2). Chiều nay, có hai người già, sau một chuyến đi chơi xa về, ngơ ngẩn trước một “động hoa vàng”(2) ở ngôi nhà của mình. “No place like home”. “My sweet home”.

Chàng “Phóng Dao” chỉ đi chơi một vòng mà hưởng được bốn niềm vui của tình gia đình, tình họ hàng, tình bạn bè, và tình yêu của quê hương thứ hai, nước Mỹ. Nếu ai đó hỏi chàng một trong bốn thứ tình cảm trên, tình cảm nào sâu sắc nhất, chàng sẽ không...khó phải trả lời, đó là “Tình Già” vì bác gái đang ngồi xoa bóp đôi chân khẳng khiu của chàng, sau ba tuần lễ đi rong chơi, nó đang mỏi nhừ cần sự chăm sóc và người làm công việc đó từ bao lâu nay không ai khác hơn là bác Cả gái.

Cali ngày 28 tháng 11 năm 2015

Phùng Annie Kim

Chú thích:

(1) Bài “Lời than thở của nàng Mỹ Thuật”, thơ Thế Lữ.

(2) Ý từ bài thơ “Đưa em tìm động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư.

Ý kiến bạn đọc
10/03/201615:16:31
Khách
Bai viet qua ly thu , tuyet voi!! Minh cung moun dau tu vao mot can ho nhu biet , ko biet ban co the mach bao cho minh duoc ko? cam on Ban
08/03/201621:33:43
Khách
Dạ, xin chào dượng Tưng,
Lục Cốc Đào Tiên tuy ngớ ngẩn, lờ khờ, hồn nhiên, vô tâm, nhưng võ công thâm hậu. Bác Cả Đào...trói gà không chặt dượng ơi.
Bác Cả khoái Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông hơn.
Cám ơn dượng có nhời hỏi thăm .
07/03/201618:01:26
Khách
Bác cả Đào chắc đứng đầu trong Đào Cốc Lục Tiên?
05/03/201620:49:47
Khách
Xin góp ý với bạn Nate. Muốn cho ví tiền được nghỉ ngơi, bạn có thể từ chối bằng nhiều lý do; già , bệnh, bận, đi xa, (Đành phài noí láo nhưng không hại ai)
Để cho lịch sự, bạn viết một cái check nhè nhẹ cho cái ví bạn nghỉ ngơi, Bạn gửi theo một cái thiệp chúc mừng.Như thế không mất lòng họ hàng.
Tuy nhiên nếu đã có họ hàng ơn nghĩa thì bạn phải ...hy sanh vậy .
05/03/201605:03:25
Khách
Câu chuyện kể sống động. Có nhiều chi tiết hài hước rất hợp với tâm tình và đời sống củangười Việt ở xứ Mỹ.
05/03/201604:55:20
Khách
Ở xứ Mỹ vẫn giữ được tình họ hàng thân tôc thật là đáng quý.
Tui rất ngưỡng mộ cảnh bác Cả gái bóp chân cho bác Cả trai.
Xứ Mỹ này khó có chuyện đó. Mấy ông bị mấy bà hành quá trời.
Một chuyện ký vui.Cách viết dí dỏm..
05/03/201603:30:04
Khách
Một bài viết hay. Thêm lời văn chau chuốt và tếu .
04/03/201617:48:36
Khách
Hay lắm, thật hấp dẫn từ đầu chí cuối.
Tâm tình của tác giả y chang tâm sự của nhiều người, trong đó có "tui"
04/03/201611:49:39
Khách
Quen biết nhiều, giao thiệp rộng ví người mình dẫn đến "hậu quả" là hôm nay đám cưới, ngày mai đám ma làm vợ chồng già ăn mì gói mệt bở hơi tai. Xin mạn phép hỏi quý dư luận viên nào có ý kiến gì về vụ này cho biết để ví tiền được nghỉ ngơi mà không làm mất lòng họ hàng, bạn bè, etc. Cám ơn trước nhé !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,989,674
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.
Giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm gồm các bài phổ biến từ ngày 1 tháng Bẩy năm trước tới 30 tháng Sáu năm sau. Hôm nay, Chủ Nhật 30 tháng Sáu 2019, ngày khóa sổ Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, xin mời đọc bài viết vui của Ngọc Hạnh, vị tác giả niên trưởng trong năm. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Hai 2019, khi tuổi đã kề ngưỡng cửu tuần (90. ) Với bài viết về Washington D,C. mùa lễ chiến sĩ trận vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, và hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Kính chúc Bà vui khỏe.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Nhạc sĩ Cung Tiến