Hôm nay,  

Lỡ Đột Tử…

01/03/201600:00:00(Xem: 11931)

Tác Giả: Thanh Mai
Bài số 3765-17-30265vb3030116

Tác giả Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.

* * *

Được tin chồng của người bạn thân ở Việt Nam vừa qua đời đột ngột, tôi gọi về thăm.

Thu, cô bạn tôi kể lể:

- Mấy năm gần đây ảnh thường xuyên chơi thể thao, sức khỏe rất tốt, chẳng có triệu chứng bịnh hoạn gì nên ỷ y không đi khám sức khỏe tổng quát. Hồi đầu năm đi coi bói thầy nói số anh năm nay rất tốt. Ổng còn khen trái tai của anh dày và dài, tướng này rất thọ! Vậy mà đùng một cái anh ra đi đột ngột không thể ngờ được. Chẳng kịp trăn trối gì cả.

Tôi bảo:

- Hôm trước nghe tin dữ mà Thanh cũng điếng cả người. Kỳ về nước vừa rồi mới 2 năm chứ đâu, thấy anh Tân tướng tá khỏe mạnh và giọng nói sang sảng, mắt thì sáng ngời. Còn nghe ảnh khoe bận rộn thế nào đều dành thì giờ mỗi ngày chơi tennis. Ai mà ngờ!

- Sáng đó anh chở theo thằng Út ra sân tennis. Ảnh vừa chơi xong ra bàn ngồi nghỉ mệt thì đột ngột ngã xuống. Người bạn kêu xe chở cả hai cha con vào nhà thương và nhắn cho mình. Người ta đem ảnh vào phòng cấp cứu ngay nhưng rất tiếc không cứu được. Mình chạy vội tới nhà thương nhưng ảnh mất rồi. Anh mất vì trụy tim đột ngột, không tỉnh lại lúc nào từ lúc ngã xuống. Thằng Út cũng không được vào gặp mặt bố nó trước khi ảnh ra đi nữa.

Thu cho biết thêm:

- Lâu nay hai đứa mình mạnh đứa nào lo công việc đứa nấy, ai cũng đều bận rộn. Cứ vài tháng anh đưa mình một số tiền để lo chi phí gia đình, còn thì ảnh giữ để làm vốn kinh doanh mua cổ phiếu gì đó. Mình có nghe một đứa học trò của ảnh bảo là Thầy vừa trúng cổ phiếu nhiều lắm. Rồi một đứa học trò thân tín khác của ảnh nói là “Thầy có mua ba lô đất ở Tây Ninh năm ngoái hình như là nhờ người chị đứng tên. Vậy mà ảnh đâu có nói với mình. Giờ ảnh mất đi không kịp dặn dò trăn trối, mọi thông tin về công việc đầu tư của ảnh đều mất tiêu không thấy đâu cả.

Tôi ngạc nhiên:

- Sao kỳ vậy? Thu không biết gì về việc làm ăn của chồng à? Vợ chồng phải tâm sự nói chuyện với nhau chứ!

Thu tặc lưỡi:

- Hai đứa mình bận lắm, đâu có thì giờ. Tính ra làm quần quật mỗi ngày hơn 14 tiếng, về nhà mệt quá lo cho con cái chút xíu rồi lăn ra ngủ, đâu còn thời giờ tâm sự. Thôi mặc ai nấy lo công việc của mình cho rồi.

Vợ chồng bạn của tôi cùng là giảng viên trường Đại Học. Ngoài việc giảng dạy ở trường còn nhận làm công việc sổ sách kế toán cho rất nhiều công ty, bận rộn suốt ngày là phải. Nhưng vì công việc, vì đồng tiền mà mạnh ai nấy sống như vậy có nên chăng? Tình nghĩa vợ chồng kiểu này sao thấy lợt lạt khô khan cứ như người share phòng. Ở nước ta ngày nay, công chuyện làm ăn kinh doanh đều dính liền với ăn nhậu và gái. Liệu chồng của bạn tôi có thể tránh được những cám dỗ mà chung thủy với vợ không? Sao tôi nghi quá!

Nhưng tôi không dám nói lên suy nghĩ của mình sợ làm bạn đau lòng thêm mà chỉ nhắc:

- Nhưng nếu anh Tân có mua cổ phiếu, có mua đất đai thì cũng phải có giấy tờ ảnh cất dấu đâu đó trong nhà chứ. Còn không thì phải có thông tin trong computer. Thu có lục kỹ chưa?

Cô bạn nói:

- Có, lục hết trong phòng làm việc của ảnh, lục đủ chỗ chỉ tìm ra được 5 ngàn đô thôi. Không một thông tin gì cả về cổ phiếu, về đất đai. Còn 3 lô đất ở Tây Ninh mình hỏi bà chị của ảnh nhưng chị ấy chối bai bãi nói không biết gì.

Tôi cố vấn:

- Thường người ta dùng USB để cất thông tin. Bồ có tìm thấy không? Nghe nói trong hard drive của computer cũng có thể tìm ra những dữ liệu mà ảnh đã làm việc. Bồ nhờ ai giỏi Computer truy thử xem.

- Mình biết ảnh có 1 cái USB nhưng sao tìm hoài không ra, không biết có phải rớt mất lúc đưa ảnh đi nhà thương không? Hoặc mất trong phòng cấp cứu lúc người ta thay đồ cho ảnh? Làm tang ma cho anh xong mấy tuần sau mình mới tỉnh hồn đi tìm thì trễ rồi, chẳng còn gì. Còn computer mình có nhờ thằng em giỏi computer tìm kiếm dữ liệu trong hard drive nhưng cũng không thấy gì cả.

Tôi tài khôn đem kiến thức xem phim trinh thám ra nhắc:

- Rồi cái bàn làm việc của ảnh, có lục kỹ không? Có thể có một ngăn kéo bí mật nào đó. Hoặc có thể ảnh có một hộp thư kín trong ngân hàng để giữ giấy tờ. Bồ quen ai về ngân hàng nhờ tìm thử xem.

- Tìm trong hộc bàn làm việc chắng có giấy tờ nào cả. Đâu có biết nó có thể có ngăn kéo bí mật nào không nên người ta xin cái bàn mình cho nó rồi. Ngân hàng thì mình chưa nghĩ tới, không chừng có cũng nên. Mình có mấy đứa học trò làm ngân hàng, để nhờ tụi nó tìm thử xem có không.

Rồi bạn tôi sụt sùi:

- Vì mất thình lình không kịp trối trăn nên hình như ảnh không yên tâm ra đi. Mấy hôm làm ma chay có con bươm bướm thật to lạc vào trong nhà. Nó bay vòng vòng trên đầu mình và đầu 2 đứa nhỏ rồi bay lên đậu trên cái xe anh mới mua. Bà cụ nhà mình đuổi mà nó không chịu bay ra ngoài, cứ bay quần quần trong nhà hoài thôi. Rồi hôm bữa phòng thằng Út quên đóng cửa sổ, gió thổi vào lạnh lắm. Bỗng dưng nửa đêm điện thoại cầm tay của con chị nó reo lên mà tên người gọi trong phone là thằng em. Con Hai bắt phone hello hoài không nghe thằng Út nói gì nó bèn chạy qua phòng thằng Út thì thấy thằng em đang ngủ say mền đạp rớt xuống đất, cửa sổ thì mở tung. Cái phone tay của thằng em đang nằm trên bàn. Vậy thì ai dùng phone của nó để gọi con chị đây? Chắc là bố tụi nó thôi.

Những hiện tượng thần bí này làm sao mà lí giải. Tôi an ủi bạn nên giữ sức khỏe, ráng nguôi ngoai, đừng lo buồn mà lo cho gia đình và hãy đi chùa cầu siêu để người mất được an tâm siêu thoát. Đời người thật ngắn ngủi, cái chết nhiều khi đến quá bất ngờ chẳng ai lường được. Chết bất ngờ như anh ấy cũng khỏe thân, chỉ có điều công sức tiền của lại biến mất theo anh, vợ con không được hưởng thì cũng tiếc. Tôi kể cho ông xã nghe về bạn mình thì anh bảo:

- Nhiều trường hợp dấu của mà không nói với ai bị mất vô duyên lắm. Năm ngoái đọc báo nói bà nào đó được con gái tặng cái nệm giường mới. Để làm mẹ mình ngạc nhiên nên khi không có bà mẹ ở nhà cổ mới cho người đem cái nệm mới tới và chở cái nệm cũ đi quăng. Ai ngờ bà mẹ kêu trời chết điếng vì dấu mấy chục ngàn đô tiền mặt trong cái nệm cũ đó. Còn trường hợp Ông Ngoại của anh cũng vậy. Trước năm 75 ông bà có nhiều ruộng đất cho người ta thuê trồng lúa. Có tiền là mua vàng cất chứ không dám ăn xài. Ông bà và 6 cô con gái sống rất tằn tiện trong gian nhà nhỏ, ăn uống cực khổ. Khi bà Ngoại mất ông vẫn không lấy vợ khác vẫn giữ nếp sống như vậy cho đến khi các con gái lấy chồng ra riêng cả. Đến khi ông mất đi di sản mà ông để lại chỉ tìm thấy một mớ giấy tờ mua ruộng đất, và một xấp hóa đơn mua vàng. Còn vàng thì được chôn dấu đâu đó trong lòng đất, chẳng ai biết cả.

Tôi thắc mắc:

- Chứ khi ông Ngoại bịnh trước khi mất không có dì nào đến chăm sóc cho ông à?

- Nghe nói có vợ chồng dì Bảy ở gần ông nhất mỗi ngày đến lo cho ông. Nhưng dì dượng bảo không nghe ông nói gì về của cải cả.

- Thường thì người nhà quê hay chôn dấu tiền của dưới giường, đâu đó trong nhà. Cái nhà có tí teo thì phải tìm ra chứ.


- Anh đâu biết. Chỉ nghe nói là tìm thấy hóa đơn mua vàng thôi.

Tôi nghi ngờ:

- Theo em thì khi người ta dấu cái gì ở đâu thường hay để lộ sơ hở lắm, con mắt hay nhìn về chỗ đó. Nếu vợ chồng dì Bảy thường xuyên đến chăm sóc ông những ngày cuối cùng sẽ có cơ hội phát hiện thôi.

- Cũng có thể!

Tôi hỏi tiếp:

- Còn cái nhà và đất đai của ông thì ai hưởng?

- Đất đai vô hợp tác xã nhà nước lấy. Cái nhà thì không ai ở coi sóc nên được ít lâu cũng tiêu luôn chỉ còn cái nền nhà.

- Biết đâu chịu khó đào bới đâu đó trong nhà hoặc ngoài sân cũng có thể tìm ra chứ có hóa đơn mua vàng thì phải có vàng chứ. Chẳng lẽ nó bốc hơi? Có thể ông thấy Dì Dượng có công chăm sóc những ngày cuối đời nên để của cải lại cho họ. Mà cũng có thể hai người tìm ra rồi mà không nói ai biết để khỏi chia.

Chồng tôi gật gù:

- Cũng có thể vì năm sau nghe nói Dì Dượng trúng số độc đắc xây nhà lớn lắm. Nhưng mấy chị em bảo là nếu Dì Dượng tìm được thì tốt hơn là mất đi hoặc lọt vào tay người ngoài nên không ai truy cứu. Mấy chị em của Má ai cũng ở xa đâu có lo được cho ông Ngoại lúc cuối đời như vợ chồng dì Bảy nên nếu hai người có được hưởng cũng xứng đáng.

- Chỉ mong vậy. Nhưng tự nhiên em thấy có ý nghĩ không tốt về dì dượng Bảy vì thấy nếu thật họ tìm ra được mà dấu hết mọi người thì có hơi tham lam đấy. Mấy chị em khác ai cũng nghèo, nếu chia ra cho mỗi người một chút có phải tốt hơn không?

Chồng tôi giải thích theo suy nghĩ của anh:

- Lòng tham của con người mà em. Nếu em gặp trường hợp như vậy em có đem ra chia không? Thí dụ em cực khổ tìm được 6 cây vàng phải chia cho 6 anh chị em mỗi người một cây có đành không? Họ có tin là em chỉ tìm được có 6 cây hay sẽ nghi ngờ em tìm nhiều hơn mà dấu bớt? Anh thì chắc tính tới tính lui dấu quách cho xong, trước sau cũng sẽ bị nghi kỵ. Nếu sau này trời cho làm ăn khấm khá phát tài thì sẽ tìm cách đền bù giúp lại bà con sau.

Tôi cãi:

- Đã tham lại còn ngụy biện! Chắc gì sau này anh khấm khá phát tài mà còn nhớ đến bà con để chia xẻ đền bù cho họ. Túi tham nào cũng không đáy! Có người giàu nào mà biết đủ! Kiếm được bạc trăm thì muốn kiếm thêm cho đủ bạc ngàn. Có được bạc ngàn thì muốn kiếm thêm cho thành vạn… Chưa kể có nhiều tiền thì thường sinh tật sinh chứng vợ con cũng bỏ nói chi bà con! Nếu đã có lòng tốt và thương anh chị em thì không nên hẹn hò gì cả mà ít nhiều cũng phải chia ra.

- Bây giờ em không lâm vào hoàn cảnh đó nên nói ngon lắm. Con người thường hay tối mắt trước bạc vàng! Thằng Út nhà em đó, không thấy nó thay đổi một cách không ngờ sao. Nó là con người hiền lành, biết ăn biết ở mà giờ cũng trở mặt đó.

- Em nghĩ chắc nó hiền lành nên bị con vợ cầm cương xúi dục. Chị Hai và em vượt biên qua đây ráng cày cắc ca cắc củm gởi về cho Ba Má và con Tư thằng Út được sống dư dả sung sướng. Chị Hai bị tai nạn xe cộ lãnh tiền bồi thường được 80 ngàn không down mua nhà mà gởi hết về Việt Nam mua đất xây nhà lớn cho mọi người ở thoải mái. Em nhớ ngày tụi em về mừng thọ Ba, ông nói trước mặt mọi người căn nhà này là của chị Hai. Đến khi Ba Má qua đời vợ chồng thằng Út vẫn ở để lo chăm sóc con Tư bị bịnh tự kỷ cũng được đi, chị Hai đâu đành lấy lại cái nhà. Vậy mà giờ vợ chồng nó đành đoạn lén bán căn nhà được hơn 500 ngàn đô la không đưa cho chị Hai một xu. Lại còn gởi con Tư cho người khác nuôi nữa. Con Tư thiểu năng lớn xác nhưng tâm hồn như một đứa bé, không ở chung với người thân thấy thương quá. Em càng nghĩ càng giận nó.

- Có chắc thằng Út bị vợ xúi giục không? Nó cũng có ăn học và lớn rồi, đâu phải việc gì cũng nghe lời vợ mà không phân biệt thật hư. Dù con vợ xúi giục hay không thì nó cũng tệ quá. Gia đình chị Hai bên này cả nhà 5 người ở cái nhà nhỏ xíu hai phòng ngủ, tiền nhà còn nợ phải trả góp. Nếu thằng Út biết điều ít ra cũng đưa tiền cho chỉ trả hết nợ nhà chứ.

Tôi chắt lưỡi:

- Vậy mới tội chị Hai. Nó không đưa chẳng lẽ lại kiện nó à? Cái nhà hồi đó chị Hai bỏ tiền mua nhưng Ba Má đứng tên. Ba Má mất đi không để lại di chúc người thừa hưởng cái nhà nên vợ chồng nó ở, sang tên và chiếm luôn coi như nhà của mình. Nó âm thầm bán nhà không cho ai hay rõ ràng là muốn chiếm đoạt bỏ túi riêng rồi còn gì. Dạo này em thấy chỉ buồn và ốm hẳn. Chị ấy bảo lâu nay xem tiền tài là vật ngoại thân, đa phần tiền lương của chị gởi về Việt Nam lo cho gia đình bên đó đỡ khổ. Một mình anh rể cán đán sinh hoạt chi tiêu gia đình bên này. Anh ấy cũng tốt nên không nói gì. Nhưng dạo này kinh tế suy sụp, anh rể lại lớn tuổi và sức khỏe suy yếu không cày như xưa được nữa, con cái lại lớn phải vay tiền vào đại học, tiền nợ nhà còn thiếu như một gánh nặng nên chị Hai dự tính bán căn nhà bên Việt Nam mua một căn nhỏ hơn cho vợ chồng thằng Út và con Tư ở. Còn dư thì chị trả hết nợ nhà bên này và giúp cho các con khỏi phải vay tiền học. Vậy mà giờ trớt quớt! Nghe tin thằng Út bán nhà và gởi con Tư cho người ta chị có gọi về hỏi nó nhưng nó đã đổi số điện thoại không liên lạc được. Tụi em cũng gọi về cho bà con và bạn bè hỏi nhưng không ai biết nó dọn đi đâu cả.

- Kiểu này vợ chồng nó cố tình tránh mặt rồi, thật chán sự đời. Thời buổi này chuyện Việt Kiều về nước mua nhà đất nhờ người thân đứng tên rồi bị chiếm luôn xảy ra hà rầm, xưa như trái đất. Không ngờ lại xảy ra cho gia đình mình!

- Nếu Ba Má để di chúc cái nhà có tên chị Hai thừa hưởng thì thằng Út làm sao bán được.

- Luật lệ ở Việt Nam về quyền thừa kế anh nghe nói nếu Ba Má không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì theo luật các người con ở nước ngoài vẫn được hưởng thừa kế giá trị ngôi nhà dù có hay không có quốc tịch Việt Nam. Nếu chị Hai và em muốn kiện thằng Út cũng có thể.

Tôi phản đối liền:

- Chị em trong nhà ai lại đi kiện nhau. Chị Hai không bao giờ làm chuyện kỳ cục đó đâu.

- Nhưng nếu không nhờ luật pháp làm cho ra lẽ và trừng trị kẻ tham thì quá bất công và thiệt thòi cho chị Hai và gia đình.

Tôi cương quyết lắc đầu:

- Không cần nói anh cũng biết ngao cò tranh nhau ngư ông hưởng lợi mà. Nhất là luật pháp Việt Nam bây giờ từ trên xuống dưới đều bày vẽ để làm tiền. Lấy lại được cái nhà chắc chỉ còn viên ngói. Thôi coi như một bài học vậy. Chuyện gì cũng phải có giấy tờ làm chứng chứ không nói suông, và cha mẹ cũng nên để di chúc phân chia tài sản rạch ròi cho con cháu để khỏi xảy ra tranh chấp hoặc mất trắng.

Chồng tôi tán thành:

- Đúng rồi! Thời buổi này con người ta dễ ra đi đột ngột lắm vì tai nạn, khủng bố, trụy tim hoặc tai biến mạch máu…v.v. Đừng ỷ y mình còn trẻ có sức khỏe mà coi thường thần chết. Vợ chồng có gì cũng phải chia sẽ cho nhau hoặc dặn dò con cháu, người thân của mình. Tốt nhất nếu có tài sản nên làm di chúc sẵn tránh tranh chấp về sau.

- Vậy ngày mai mình tìm luật sư làm di chúc nhé. Và anh có quỹ đen hoặc bí mật gì nhớ nói cho em biết luôn đi.

- Quỹ đen tiền riêng thì không nhưng anh có một đứa con riêng đang ở với Má nó. Nếu anh chết thì cho mẹ con nó về nhà mình ở chung nhé.

Trời!

Thanh Mai

Ý kiến bạn đọc
03/03/201601:25:01
Khách
Vợ chồng TM thường đi du lịch với nhau, nếu rủi ro bị tai nạn mà ko có đi chúc thì con cái ở chung trong nhà có bị đuổi ra khỏi nhà ko? Nếu nhà đã paid off chắc ko sao đâu nhỉ? Nếu add thêm tên con vào tittle nhà có gì bất tiện ko?
01/03/201615:21:50
Khách
Cám ơn tác giả, đoạn kết vui quá !!
01/03/201614:41:37
Khách
Có tiền của mà không cho vợ con biết, thì không phải là người khôn ngoan. Chúng ta nên làm 1 di chúc đơn giản trong đó có liệt kê tài sản, số acct nhà bank với dấu notery . Nếu nghe theo lời LS đi làm Living Trust cũng không hay gì, vừa tốn tiền mà sau đó mình mua nhà, đổi qua mua căn khác hay đổi nhà bank, pay off hay mượn nợ nhì, sẽ phải thay đổi chi tiết tùm lum, lại phải tốn tiền nữa.
Cách đây 20 năm, tôi đã bị nghe lời xúi dại làm tốn hết 1,800, sau đó thì nhận 1 cuốn bìa cứng dầy gần nửa gang tay, đọc chẳng hiểu cóc gì hết, rồi giờ cũng quăng đâu mất, vì tôi đã đổi nhà, đổi nhà bank mấy lần thì cái cuốn sổ thổ tả kia giữ làm khỉ gì..
Dượng Tưng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,340,318
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.