Hôm nay,  

8 Chuyện Nhỏ Thường Ngày

25/02/201600:00:00(Xem: 12045)

Tác giả: Phan
Bài số 3761-17-30261vb5022516

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ và số lượng người đọc đông đảo nhất và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

1. Cà rốt…

Tôi tới chơi nhà anh bạn trẻ vào một ngày cuối tuần. Hai anh em lai rai xách bia tôi đem tới với sườn bò Đại hàn do anh bạn nướng ngoài sân sau nhà anh. Cả hai chúng tôi đều ít nói nên không gian chỉ có tiếng gió vít lá xào xạc; tiếng con bé con nhà bên cười khoái chí khi nó ném baby carrot cho những con thỏ rừng ăn. Cha mẹ của bé là hai người Mỹ trắng nên họ cũng rất yên lặng bên nhau với chai rượu vang trắng, hai cái ly cao nghệu như cẳng cò; họ ngồi nhìn con gái bé bỏng của họ vui thích với trò chơi cho thỏ rừng ăn baby carrot…

Nhưng vợ con anh bạn tôi về tới, căn nhà anh có sinh khí ngay! Chị vợ vừa thăm hỏi tôi vì đã lâu chị không gặp tôi; chị hỏi chồng đã làm tới đâu - những công việc nhà mà chị đã dặn chồng; chị chừng chừng thằng quý tử của hai vợ chồng, thằng bé thật sáng sủa, nhưng quậy dữ; vậy mà chị còn kẹp cái điện thoại trên cổ để nói chuyện với bà ngoại của cu Bi.

Hai chúng tôi nhìn nhau đủ hiểu! Đàn ông chúng ta chỉ làm được một việc, xong việc này mới làm việc khác được. Không thể một lúc vừa thăm hỏi bạn, vừa chất vấn chồng, rầy la con… và nói điện thoại với mẹ. Tôi chỉ nói nhỏ với người bạn trẻ, “đó là sự khác biệt của đàn ông với đàn bà.”

Nhưng liền sau đó tôi lại nhìn ra sự khác biệt của hai đứa trẻ Mỹ và Việt! Chuyện từ cu Bi ra sân chơi với ba, với bác cho mẹ làm thức ăn. Chị nhà cũng nhanh tay nên có món mới tức thì để tiếp tế cho chúng tôi; chị cũng nhanh miệng chào hỏi vợ chồng người hàng xóm Mỹ bên kia bờ rào bằng lưới kẽm B40. Bạn tôi nói, “thế giới không có đàn bà thì chỉ có chiến tranh, vì đàn ông chỉ nghinh nhau thôi. Em không chào thằng mắc dịch đó nữa vì em luôn chào nó trước, nhưng hôm nó vui thì nó chào lại; hôm nó bị vợ chửi hay gì đó thì nó nhìn trân trân vô mặt mình, rồi bỏ đi. Dễ quê không chứ!”

Đến hai con thỏ rừng chui rào qua nhà bạn tôi. Con bé Mỹ bên kia khóc ròng vì nó còn baby carrot, sao thỏ bỏ đi qua nhà bạn Bi. Nhưng bên đây là nhà Việt Nam, chị vợ của bạn tôi là người Việt Nam, nên chị vào nhà lấy củ cà rốt to như trái chuối già, đem ra sân, bẻ làm hai, và bảo, “Bi. Con cho thỏ ăn cà rốt đi con.” Chị phớt lờ ý kiến của chồng, “Thỏ con, nó ăn được baby carrot thôi! Chứ làm sao nó ăn được củ cà rốt bự bằng nó. Mà em nói cu Bi cho thỏ ăn…”

Chị vợ cứ dúi nửa củ cà rốt vô tay cu Bi, đẩy lưng thằng con đang lưỡng lự, không muốn ra sân cỏ để cho thỏ ăn. Không biết nó sợ thỏ, hay vì chưa từng cho thỏ ăn bao giờ nên nó sợ! Làm thằng bé cũng khóc như con bé bên hàng xóm, nhưng hai ý nghĩa của sự khóc hoàn toàn khác nhau. Anh bạn tôi phải can thiệp với vợ để bảo vệ con trai.

Và thằng nhỏ Việt Nam, mới ba, bốn tuổi đầu, qua được sợ hãi là dân tộc tính đã trùng trùng nổi lên… Nó nói với mẹ, “tại sao mình phải cho thỏ ăn cà-dót (cà rốt). Mà mình không bắt thỏ vô nhà nấu canh cà-dót, mình ăn?”

Có vậy thôi mà anh bạn trẻ của tôi đi đến kết luận: “Cho dù con cái mình sinh ra trên nước Mỹ, không đói khổ như mình. Nhưng bản năng con gì nhúc nhích thì ăn, vẫn di truyền cho đời sau…”

Tôi thì không nghĩ thế mà chỉ thấy người Mỹ thương con là để cho nó sống hồn nhiên với lứa tuổi; còn người Việt luôn bắt đứa con làm theo ý mình từ khi sanh nó ra. Nên đời này qua đời khác đã hình thành văn hoá của người Mỹ là làm chủ bản thân từ nhỏ, làm chủ cuộc đời khi trưởng thành. Còn văn hoá của người Việt là làm theo ý muốn của người khác để trở thành đứa con ngoan trong gia đình khi còn nhỏ; làm theo ý sếp khi đã trưởng thành, đi làm; làm theo ý vợ khi đã lập gia đình… Nói chung là cách giáo dục phục tùng của văn hoá phương đông không phát triển được năng lực và sáng tạo, không có tình với tự nhiên. Cách giáo dục ấy chỉ tạo ra được những con người nô lệ thuần thục đến không có ý thức phản kháng, vì làm theo ý muốn của người khác được cho là văn hoá phương đông.

2. Đồ dại gái…

Trước cửa chợ Hiệp Thái, chếch về phía tiệm bánh mì Sài gòn. Một cô gái người Việt đang hí hoáy với chiếc Camry cũ không chịu nổ máy. Những người ngồi ăn, uống trong trong tiệm bánh mì Sài gòn có thấy; không thấy… không ai biết!

Một chiếc xe thể thao đắt tiền đã cố tình ngoặt lái để đậu xe đối đầu với chiếc xe tàng của cô gái. Người thanh niên Việt rất bảnh trai bước xuống xe, để giúp cô. Nhưng xe anh mới quá nên không có dây câu bình; trong khi xe cô quá cũ mà cũng không có dây câu bình vì là xe của con gái.

Tôi đứng đợi lấy bánh mì togo. Phải hôm tiệm đông phát sợ, nên một mắt trong tiệm để theo dõi phản ứng của khán giả, mắt còn lại ngoài parking lạnh teo thì theo dõi hai diễn viên trẻ.

Người thanh niên mở cửa xe cô gái, chắc bảo cô vào xe ngồi đợi anh cho đỡ lạnh… Cô gái nghe lời và anh ta vọt cái vèo qua tiệm AutoZone ngay trong khu thương mại này luôn, rất gần.

Anh ấy trở lại với sợi dây câu bình mới toanh… nhưng chiếc xe bướng bỉnh của cô gái như con trâu già - vẫn không chịu nổ máy.

Anh ấy lại mở cửa xe của cô gái, bảo cô ngồi vào trong xe cho đỡ lạnh. Tôi ghi nhận là cô gái ngoan hơn cái xe của cô ấy! Và cô ta là một người có giáo dục qua việc trời lạnh cỡ nào thì dù cô ấy cũng chỉ biết đứng nhìn, nhưng cô vẫn ra khỏi xe để chia chung sự khắc nghiệt của thời tiết với người giúp mình. Có những xử sự rất nhỏ nhưng lại đòi hỏi một nền giáo dục rất lớn từ gia đình và bản thân.

Lần thứ hai anh thanh niên trở lại với cái bình điện mới toanh, luôn cả đồ nghề để thay bình điện cũng mới toanh. Anh thay bình điện mới cho chiếc xe của cô gái xong. Vội vã chào từ giã và vọt xe đi…

“Đồ dại gái!”

Không biết ai nói, chỉ biết là một người đang ăn, uống trong tiệm bánh mì Sài Gòn, và chắc chắn là tôi không điếc. Nên thật tội nghiệp cho một người có mắt trong cuộc sống, nhưng lại là một khán giả mù của vở kịch hay.

3. Thôi… về nhà em nhậu.

Quán ế! Ế thấy thương luôn. Tôi không ngờ nỗi buồn vô vọng của mình tới xách chai rượu cognac ra quán một mình, không gọi bạn bè nào hết! Tôi muốn một mình tối nay. Nhưng quán ế tới chỉ có hai người khách không quen, ngồi hai bàn khác nhau thì tôi lại là một. Tôi uống vài ly đã hiểu được con người thứ hai trong tôi rất thông minh nên dẫn tôi tới cái quán đã có tin sang tiệm mấy lần không được, nên đừng hòng gặp ai quen ở quán này. Và tôi biết chắc người khách không quen kia đang dùng tôi làm mồi để đưa cay, vì tôi đã dùng anh làm mồi đưa cay trước! Trên bàn anh cũng như bàn tôi, mỗi bàn chỉ có dĩa đậu phộng rang không tính tiền nên tay ai cũng chả thèm rón những hạt đậu rang đã yểu xìu… Một người đàn ông cô độc ngồi uống rược một mình… với món thích hợp nhất để đưa cay là ngắm nhìn một người đàn ông vô vọng khác.

Người phục vụ đến thông báo cho anh ấy trước, rồi đến thông báo cho tôi sau. Nhưng cùng nội dung là, “nhà hàng đã tới giờ đóng cửa.”

Hai người khách xa lạ cùng rời bàn. Anh ấy vịn cửa chờ tôi. Tôi cảm ơn anh. Anh hỏi, “sao lâu vậy?” Tôi nói, “có dĩa đậu phộng rang thôi. Tôi cho con bé hai chục. Nhưng nó không có tiền thối vì tôi đưa giấy một trăm.”

“Em thì chỉ còn đúng tờ hai chục. Cho nó. Thấy chưa đủ. Thấy tội quá! Nhưng em hết…”

“Vậy anh còn tám chục. Anh biết quán đóng cửa hai giờ đêm chứ không phải 11 giờ như quán này. Đi thôi em trai.”

“Thôi… về nhà em nhậu.”

Anh ta trẻ hơn tôi không biết bao nhiêu tuổi vì mớ cơ bắp trên thân thể anh ta là điều gợi nhớ về tôi thời trẻ. Tánh tình anh ta càng gợi nhớ thời lưu linh lưu địa ở quê nhà… Nhưng người bạn trẻ dẫn tôi về nhà anh ta là cái xe truck đậu ngoài parking leo loét đèn vàng và sương đêm, gió lạnh…

Chúng tôi uống hết hai nửa chai rượu của nhau. Sáng ra mới nhớ mình còn nguyên nỗi buồn vô vọng. Và người bạn trẻ kia đã bước sang ngày thứ mười lăm, không về nhà. Dù sao, người đàn ông về tới nhà, thấy hồ sơ ly dị để trên bàn bếp cũng chưa đến nỗi vô vọng như người đàn ông về tới nhà, thấy thằng mắc dịch nào đó đang làm tình với vợ mình ngay trên cái giường mà mình trả góp còn chưa hết!

4. Mít-tờ… Bo

Người cha trẻ mở cửa tiệm phở Bắc một tay, một tay xách giỏ em bé. Vợ anh vịn lấy cánh cửa mở từ tay chồng để anh mở tiếp cánh cửa thứ hai mới vô trong tiệm được. Tay vịn cửa, tay còn lại của chị vợ đưa đứa con trai chừng bốn tuổi cho nó vào trước chị. Nhưng nó lại dành vịn cửa một tay; một tay làm động tác, “mời bà vào”; miệng bi bô, “Lady first…”

Mẹ nó cười híp mắt. Những người chờ cửa cùng cười.

Nhưng sau mẹ nó lại không tới nó mà là một bà cụ. Nó lại làm động tác, “mời bà vào”. Bà cụ cười toe - xoa đầu nó, “Cảm ơn cháu. Cháu ngoan quá!”

Nó vô tư nói với bà cụ, “Lần sau bà nói là, Thanh-kìu-Mít-tờ-Bo.”

Tôi nhìn kỹ, nó giống mít-tờ thật. Vì mặc vét complett, có áo ji-lê bên trong và cà vạt đủ bộ, chân đi giày da bóng loáng. Chắc mới đi lễ nhà thờ ra, cả nhà đi ăn. Ngẫm nghĩ câu con nhà tông không giống lông cũng giống cánh; vì sau nó là mẹ nó, vịn cánh cửa thứ hai cho bà cụ vào hẳn trong tiệm rồi mới đưa con của chị vào sau, trao cánh cửa mởi lại cho con cháu của bà cụ tiếp tục vô…

Không biết Mít-tờ Bo sau này làm gì. Nhưng một người được giáo dục làm người từ nhỏ thì chắc chắn lớn lên thành người.

5. “Đàn ông cần gì thì chỉ biết lủi ngay vô chỗ đó…!”

Tôi hay đốt lửa. Thích nhìn lửa cháy như dòng nhớ; bởi nó bập bùng quê xa, bạn cũ, người tình không chân dung... Và đặc biệt là thích nghe tiếng tí tách của củi cháy, củi Mỹ không phải những loại cây có ở Việt Nam, nhưng tiếng tí tách của củi cháy thì giống nhau. Người Mỹ kia nhớ tiếng tí tách của củi cháy trong cuộc về miền tây đào vàng năm xưa; tôi nhớ tiếng tí tách của củi cháy ở những vùng kinh tế mới sau chiến tranh kết thúc.

Tóm lại là cái sàn gỗ sau nhà tôi cháy xém nhiều chỗ vì tàn tro bay. Người bạn nhậu và cũng thích đốt lửa như tôi, lương tâm anh ta còn răng nên cắn rứt, anh ta tự quyết định… trở mặt!

Thế là một ngày nắng ấm giữa mùa đông, anh bạn tôi đến giúp tôi cậy hết ván sàn… trở mặt.

Ô là la! Một cái sàn gỗ mênh mông như gỗ mới. Tôi cảm khái tình bạn nên đi mua sơn, màu tối để từ nay tàn tro bay… nếu đủ để cháy nhà thì đã có bảo hiểm lo. Nhưng vài vết cháy lăn tăn thì cũng tiệp màu sơn tối, không thành vấn đề nữa.

Tôi đi mua sơn. Giá cả của sơn tăng gấp rưỡi so với hai mươi năm trước. Tôi tự tính nhẩm cũng ra trượt giá và lạm phát, sơn con gấu hai mươi năm trước là một trăm đô la cho thùng sơn 5 gallon, bây giờ trung bình là một trăm rưỡi, chả có gì để than phiền…

Nhưng bà thầy. Người phụ nữ Việt khá đẹp ở tuổi bốn mươi, đã theo dõi tôi từ hồi nào thì không biết! Nàng thỏ thẻ vào tai tôi mới phê, “Anh là người Việt phải không?”

“Dạ phải.”

“Anh mua sơn về sơn sàn gỗ sau nhà phải không?”

“Dạ phải.”

“Cái Home Depot này là cái Home Depot tốt nhất trong vùng…”

“Tôi không hiểu cô nói gì!”

“Nãy giờ, tôi thấy anh cứ xăm xoi sơn out door. Nhưng đàn ông cần gì thì chỉ biết lủi ngay vô chỗ đó! Anh không thấy trước quầy sơn của Home Depot này để một đống sơn cho không (free). Toàn sơn hiệu con gấu, hai chục năm warranty. Sao anh không lấy một mớ, về trộn chung ra màu gì, đâu có sao! Sơn sàn gỗ sau nhà thôi đó mà…”

Nhìn lại cái xe chợ của người đẹp đồng hương đã đầy ắp những lon sơn một gallon cho free. Dù là sơn đã pha màu do khách hàng trả lại, nhưng toàn sơn hiệu con gấu. Nhưng chắc nàng cần người sơn free nên thỏ thẻ với mình.

Tiếc thật. Về nhà rồi còn chưa quên màu son môi của thị - màu cánh sen chiều ở cố đô. Phết cọ xuống sàn gỗ liên miên mà lòng vẫn không sao quên được câu thỏ thẻ lững lờ như nước sông Hương đã qua cầu, “đàn ông cần gì thì chỉ biết lủi ngay vô chỗ đó…!” Sao lại sơn sàn gỗ nhà mình mà không đi sơn free cho đẹp ý vừa lòng người đẹp cố đô.

6. Con đĩ già…

Tôi thà chịu mắc vài đồng, nhưng khi cần thùng bia thì ghé cây xăng mua cho lẹ. Nhưng đi tiệc cuối tuần ở nhà bạn chung xe với một người bạn khác, là người xài hơi kỹ. Anh ấy cứ nhất định, “Ông ghé chợ cho tôi. Ông lười thì cứ ngồi ngoài xe mà đợi. Tôi vô mua cho, tội gì mua ở cây xăng, một thùng bia mắc hơn chợ mấy đồng bạc…”

Thế là tôi ngồi ngoài xe, đợi. Trời thì lạnh, gió nhiều. Bà cụ nhỏ nhoi như con ốc leng, lại đẩy cái xe chợ quá nhiều thứ, đầy nhóc, nên cụ không thấy ổ gà giữa hai xe đậu mà cụ cố chen đi vào giữa. Chiếc xe chợ bỗng… sầm vào chiếc Lexus RX 350 còn mới lắm.

Không biết có vật gì cứng, nhọn trên xe chợ mà để lại trên thân xe Lexus một đường trầy khá đậm…

Người phụ nữ chừng bốn mươi tuổi, là người đến sau cụ, bấm remote mở cửa xe Lexus cho cụ chất đồ vào; chắc con dâu hay con ở chứ con gái đi chợ với mẹ thì đâu để mẹ già đẩy xe, chất đồ. Cô ta vừa nói điện thoại kẹp ở cổ, vừa cằn nhằn bà cụ chậm chạp… Nhưng khi thấy vết trầy khá đậm trên thân xe của cô thì cô cúp điện thoại, chửi toáng lên, “Con đĩ chó nào vậy! Con đĩ già nào có mắt không tròng chứ hả! Bộ đui sao mà cào xe người ta lén lút, không dám ra mặt! Tao mà bắt được… (tục tĩu vô song)!

Cô dáo giác nhìn quanh bãi đậu xe lạnh ngắt, chẳng gặp được ai để khả nghi, nên quay về xót xa với vết trầy trên thân xe cô. Cô lại chửi. Hết con đĩ chó tới con đĩ già có mắt không tròng… Chửi đến đàn quạ đen đang bới thùng rác - bay lên - đem theo những giọt nước mắt vừa nhỏ xuống của bà cụ.

7. Một người Canada…

Tôi lưỡng lự với cái tin nhắn của vợ, “anh đến đó…, gặp bà… là hãng bên Canada mới dọn qua Mỹ. Việc làm nhẹ nhàng, lương cao… cứ nói anh là người của chú… giới thiệu.”

Tôi không muốn bỏ việc đang làm, dù ngồi nghĩ kỹ ra không phải thích việc mà là không muốn bỏ bạn bè đã làm chung với nhau nhiều năm. Nhưng ngặt chiều về, chiều hôm sau về… thấy nhà lạnh hơn thời tiết bên ngoài; hay chỉ bởi ánh mắt ấm áp của đời tôi sao cứ… lạnh lùng nhìn tôi.

Tôi đi xin việc làm mới.

Người đàn bà chừng năm mươi tuổi. Tự giới thiệu là người Toronto. Bà ấy có phong cách chuyên nghiệp như những người Mỹ mà tôi đã từng xin việc trong nhiều năm qua. Nhưng bà ấy thua những người Mỹ hẳn một sự lạnh lùng; bà ấy quá thân thiện với người xin việc - làm cho tôi nghĩ tôi là người cho, còn bà ấy mới là người xin.

Bà ấy mời tôi vô phòng riêng, khép cửa, để interview. Sau đó trở ra phòng làm việc lớn để tôi vừa điền đơn, vừa trò chuyện với bà ấy.

Có một người Việt khác, lớn tuổi rồi, cỡ ngoài sáu mươi vừa đến. Ông trao đổi với bà bằng tiếng Anh một cách rất khó khăn. Hầu như ông chỉ nói vài câu đã học thuộc lòng ở nhà, “Tôi đã lớn tuổi. Nhưng tôi làm việc siêng năng. Tôi nói tiếng Anh không được nhiều… nhưng tôi làm việc giỏi…” Ông không màng đến những gì bà ấy nói, (vì ông không hiểu)!

Bà xin cỗi cắt ngang cuộc trò chuyện với tôi vì ông kia không biết tới việc cơ bản nhất là muốn gặp bà ấy thì phải chờ đợi cho tới khi nào được bà ấy mời! Theo lẽ một người Mỹ thì nói ông kia ngồi đợi để giải quyết xong cho tôi đã. Nhưng bà Toronto lại xin lỗi tôi để tiếp ông già.

Câu chuyện của họ tôi sẽ kể sau. Tôi rất buồn khi không được phép thông dịch cho người đồng hương của mình. Nhìn ông lững thững ra về, lòng tôi xót xa…

Bà Canada trở lại trò chuyện với tôi. Nhưng sự vui vẻ, thân thiện trên gương mặt bà, trong ánh mắt của bà như mây mù sắp mưa. Bà mở đầu câu chuyện trở lại với tôi bằng tiếng thở dài mà tôi sẽ nhớ mãi về một người Canada… “Xin lỗi ông phải đợi tôi. Nhưng tôi đã cố gắng hết sức để giúp ông kia có được việc làm. Ông ấy lớn tuổi rồi. Tôi biết đi xin việc không dễ với ông ta. Nhưng tôi đã phải gọi ông ấy trở lại lần thứ ba vì ông ấy điền đơn không đúng. Trong khi công việc của chúng tôi đòi hỏi anh, cũng như ông ta phải đọc được tiếng Anh thì mới làm việc được đúng với yêu cầu của hãng. Ông biết interview mà, tôi trò chuyện với ông về việc làm, về chuyên môn, về lương bổng, về cả thời tiết, chuyện bầu cử đang sôi nổi ở Mỹ… là trắc nghiệm khả năng tiếng Anh của ông có đủ cho nhu cầu công việc mà tôi chịu trách nhiệm về việc nhận ông vô làm việc cho hãng. Trong khi khả năng đọc tiếng Anh của ông ta không đủ để điền tờ đơn xin việc; khả năng nghe thì ông thấy đó, ông ta hoàn toàn không hiểu những gì tôi nói… mà chỉ nói vài câu ông ấy đã được ai chỉ dạy sẵn mà thôi…”

Tôi nói với bà, “Cảm ơn bà là người interview tốt bụng nhất mà tôi hân hạnh được gặp bà hôm nay. Tôi cảm ơn bà dùm người đồng hương của tôi về việc bà đã cố gắng hết sức để giúp ông ta. Và tôi muốn xin bà một việc làm không cần nhiều tiếng Anh cho ông ấy - nếu bà có thể. Phần tôi, không biết có đủ may mắn để được làm việc cho hãng của bà. Nhưng dù sao tôi cũng đang có việc làm. Mong bà giúp cho người đồng hương của tôi vì bà là người hiểu biết và rộng lượng với di dân. Tôi chân thành cảm ơn bà về điều đó - hơn cả việc tôi được nhận vô làm.”

Tạm biệt một con người là chuyện thường tình trong giao tiếp xã hội. Nhưng có những người chỉ gặp một lần mà nhớ mãi… như một người Canada hôm hay.

8. Cản Sài Gòn…

Người đàn ông Việt cỡ bốn mươi tuổi ngoài, đi đổi nước ở chỗ Phở Bằng. Ông đang chất đến bốn, năm thùng nước loại 5 gallon vào trunk sau xe ông. Một người thanh niên Việt khác đến chào hàng với ông. Anh ta bán áo da.

Người đàn ông cảm ơn. Không mua. Nhưng người đàn ông trẻ khác vừa đến, lại nói, “Tui mà có tiền trong túi thì tui đã dzớt hết. Nó có hàng độc mà bán giá rẻ như cho. Anh có biết những cái áo da của Italy này trong mall - không dưới một ngàn… Tui chỉ có ba trăm trong túi nên nài nó hai cái ba trăm, nhưng nó nhất định không bán. Nên tui chỉ mua được một cái - hai trăm…”

Người đàn ông khác nữa - như tình cờ ngang qua; tình cờ nghe chuyện… “Đâu, đưa coi…”

Anh ta coi cả ba cái áo da trên tay người người bán. Ra giá dứt khoát, “Ba cái năm trăm…”

Người bán, “… Hai trăm một cái là em bán vốn rồi. Không có lời đâu, đại ca…”

Người đàn ông đã chất hết mấy thùng nước vào xe… cũng cầm một cái áo da… xăm xoi!

… Cánh cửa trước xe ông, bên phía passenger size hé mở. Một tay Mỹ đen nhỏ con nhưng nhanh nhẹn đã khoắng cái túi đen trên ghế… và ù chạy về phía tiệm cầm đồ ngoài đường Walnut! Chắc là cái laptop.

Người đàn ông chủ xe thoáng thấy! La lên và đuổi theo… Nhưng người bán áo, người đã mua một cái áo, và cả người đang mặc cả: ba cái năm trăm đều cản ông ta lại… Đừng. Đừng. Đừng đuổi theo… Tụi này có súng đó!... Kêu cảnh sát. Kêu cảnh sát… Kêu… Kêu… Cảnh… Sát…!

Tôi ngồi trong nhà hàng Đông hải nhìn ra. Nhớ bọn “Cản Sài gòn” ngày xưa. Đã mấy chục năm không gặp. Hễ nghe la bị giật dây chuyền, hay đồng hồ, mắt kính… ở khu Lê lợi ngày xưa thì y như cánh xích lô đạp, bán báo dạo, bán quà lưu niệm dạo, vé số, ma cô… thể nào cũng vây quanh thăm hỏi, giúp đỡ người bị nạn tối đa để cản đường họ đuổi theo thằng giật đồ!

Đó là những công nhân “Cản-Sài gòn” sau 1975. Nhưng “cảng” không có “g”. Họ đã đến Mỹ với diện gì thì tôi không biết!

Phan

Ý kiến bạn đọc
02/03/201602:28:29
Khách
Cảm ơn anh, tôi cố nhớ để dạy cho các cháu trong nhà "bài học làm người".
01/03/201616:02:24
Khách
Chử ít mà tình nhiều. Mong bạn luôn rỉ rã....
29/02/201623:49:34
Khách
Cảm ơn chị Yến, cảm ơn chị Bích Xuân thật nhiều... Thật ra chuyện chẳng có gì, Phan như người hát rong, lang thang với quỹ thời gian còn lại của đời biệt xứ, nên ngẫu hứng, tùy duyên... trò chuyện với độc giả VVNM thế thôi!
Trong đời sống, theo Phan, có những chuyện vui nhưng nghĩ kỹ ra lại buồn... và ngược lại!
Cảm ơn tất cả ông bà chú bác cọ dượng dì anh em... đã bỏ thời gian ra đọc những gì Phan ghi lại làm bằng cho cuộc tha hương của chúng ta.
Trân kính
Phan
29/02/201606:42:14
Khách
vo cung cam on tac gia Phan . Chuc suc khoe.
26/02/201615:56:27
Khách
Hay quá, từng chữ từng ý.
Cảm ơn tác giả PHAN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,643,071
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến