Hôm nay,  

Vui Buồn Nghề May

04/02/201600:00:00(Xem: 12700)
Tác Giả: Năng Khiếu
Bài số 3741-17-30241vb5020416

Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện H.O. đã đi làm cho đến năm 2012, và hiện là cư dân hưu trí tại Westminster. Dự Viết Về Về Nước Mỹ từ tháng 7-2015, sau đây là bài viết thứ tư của bà.

* * *

Gia đình Thanh Nhàn ăn một cái tết cuối cùng trước khi gĩa biệt Việt Nam để đến Mỹ vào mùa xuân 1995. Cô nhớ mãi những ngày đầu đặt chân đến Mỹ còn bỡ ngỡ trước cuộc sống mới với những kỷ niệm vui buồn khó quên. Sau khi được người bạn đưa gia đình Thanh Nhàn đi làm giấy tờ, khám sức khỏe và vài thủ tục nhập gia xong, khoảng một tháng sau, cô đọc báo để tìm việc và đến làm ở một shop may gần khu Bolsa.

Tuy ở Việt nam hồi ông xã đi tù cải tạo sau bao nghề từ chợ trời, buôn bán quần áo cũ, đến buôn gạo chui trên xe lửa, cuối cùng Thanh Nhàn đành chọn nghề may tạm một thời gian để sống qua ngày. Nhớ lại sau tháng Tư năm 1975, người Sài Gòn phải làm đủ mọi nghề để sống. Vào thời điểm ấy, miếng ăn cái mặc khó khăn, vải vóc xếp vào loại quốc cấm, mỗi hộ phải mua vải theo tiêu chuẩn, có khi cả nhà năm sáu người, mà một năm chỉ được hai cái quần đen, vài mét katê bông, không biết ai mặc ai đừng, nên dân chúng mới nghĩ ra cách đi mua những chiếc quần cũ nhưng còn tốt, loại vải nhập cảng như oxfort “soi viot, giec-say len Anglê” v.v… rồi đem vào tiệm may, tháo ra may lộn trái lại thành quần mới, có khi quần bị bể mông cắt thành quần nhỏ, rồi mang ra chợ trời bán cho lái ở dưói quê, đắt như tôm tươi.

Bây giờ nghĩ lại mà cô còn rờn rợn vì mùi hôi của những chiếc quần hai ba đời chủ, lại thêm dịch ghẻ lan tràn khắp nước, đã thế quần áo cũ tháo ra, túi và lưng rách teng beng, nên may lại rất ư là khó khăn. Thật khổ. Ai sống trong hoàn cảnh bấy giờ mới thấu hiểu nổi. Mãi đến khi ông xã được thả về từ ngục tù cộng sản, Thanh Nhàn về quê ở Trung Chánh và đổi sang làm nghề dệt mền chỉ, phải tẩy sợi, nhuộm sợi với những công cụ thô sơ tại gia, phổi hít đầy hóa chất, vất vả đầu tắt mặt tối cho đến ngày bỏ nước ra đi.

Vậy mà qua đến Mỹ, khi vào shop, Thanh Nhàn còn lúng túng vì máy móc bên này không giống ở Việt Nam, máy may đời mới nên chạy như bay, không điều khiển quen, phải mất cả tuần cô mới quen máy quen việc.

Kể ra thì ở Mỹ nghề may là nghề dễ nhất trong các nghề đối với những người mới định cư còn chân ướt chân ráo, chả cần bằng cấp, trình độ hay tuổi tác gì. Thí dụ như nghề tóc phải học trên 1000 giờ, Facial khoảng 600 giờ, Nails ít nhất cũng 400 giờ rồi mới đi thi lấy bằng. Trong khi ấy, nghề may cứ chịu khó kiên nhẫn là làm được tuốt, vì quần áo thì hãng cắt sẵn, có nhắp theo khớp và xếp theo thứ tự. Coi mẫu, cứ vậy mà ráp cho đúng lượt, nếu ráp sai thì tháo ra may lại có chết ai đâu. Vậy mà có người chỉ làm vài ngày thì nản, hoặc không hạp với nghề may là nghỉ ngay, có người làm tạm một thời gian lấy tiền học nghề khác khá hơn. Thanh Nhàn có quen một người vợ bác sĩ nha khoa, bà kể hồi mới qua Mỹ, bà đã làm nghề may để nuôi ông học lấy lại bằng, đến khi ông ra trường mở phòng mạch thì bà nghỉ may, làm thư ký cho ông tại văn phòng.

Có những người ở Việt Nam chưa hề rờ đến bàn máy may, hoặc đưa tay đơm hột nút mà qua đây vào shop vừa học nghề, vừa trôi máy lại có được chút tiền tiêu, rồi chỉ sau vài tháng, còng lưng cày từ sáng tới lúc chủ đóng cửa mới đứng lên, cố gắng lắm cũng chỉ kiếm được một số tiền khiêm nhường đủ sống, vì vào khoảng cuối năm 2013, theo thống kê các nghề rẻ công nhất nước Mỹ, trong đó có nghề may, có lẽ đến bây giờ còn thê thảm hơn, vì quần áo ở các nước Á Châu như Trung Cộng, Việt Nam… tràn lan hàng may mặc với giá rất rẻ. Nhưng được cái tha hồ cày dù chẳng có một tấc đất trong tay, lại mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu, vốn liếng thì chỉ một cây kéo bấm với vài chân vịt dổm là đủ.

Thanh Nhàn còn nhớ vào một buổi trưa nắng cuối hè 1995, cô đang miệt mài may, mắt thì cay xè vì buồn ngủ, dù đã chạy vào sink trong restroom, vớt đầy nước lên mặt rồi lấy tay đập nhẹ vào mắt cũng chỉ được một lúc, cơn buồn ngủ lại kéo đến vì quen như ở Việt Nam trưa nào cũng ngủ một giấc. Thanh Nhàn phải cố nhướng mắt lên để nhìn, sợ kim đâm vào tay đau chết, cô chợt nhớ hồi còn ở Việt Nam, vào một ngày vắng vẻ, tình cờ nghe bà hàng xóm sát vách rỉ tai con gái câu độc đáo: “Con ơi kim đâm vào thịt thì đau, thịt đâm vào thịt nhớ nhau trọn đời”. Thanh Nhàn đang mơ màng mỉm cười, nhưng tỉnh ngủ ngay vì tiếng ồn ào từ cửa shop, nguyên một gia đình gồm bố mẹ và hai người con, một trai một gái khoảng 20 tuổi, được người quen dắt đến giới thiệu. Mới ở Việt Nam qua, nhờ bà chủ shop giúp, chỉ việc gì cần làm để kiếm tiền mua xe.

Thế là chỉ vài phút phỏng vấn sơ sài, chủ shop phân công ngay. Ông bố thì được xếp vào chân ủi vì đang cần thêm người, bà mẹ không biết may nên phụ nhặt chỉ, cậu con trai thì tập sử dụng máy overlock, còn cô con gái thì được ngồi bàn máy may một kim nơi cuối shop. Mới đầu ai cũng nhăn nhó và lóng ngóng vì không quen việc, nhưng vì tiếng gọi của dollar nên cố gắng, thế rồi đâu cũng vào đó. Cô gái ngồi may gần Thanh Nhàn tâm sự:

- Bác biết không, ở bên Việt Nam người ta đồn qua đây sướng lắm, chính phủ cấp nhà cho mình ở có đầy đủ tiện nghi, nên ba má cháu không đem theo tiền bạc gì, bây giờ không có tiền mua xe hay đồ dùng, kẹt quá cô ơi.

Thanh Nhàn thấy tội nghiệp nên nhỏ nhẹ khuyên:

- “Vạn sự khởi đầu nan”, cháu ráng chịu khó một thời gian, khi ổn định phải đến trường để học anh văn cho giỏi, rồi vào College học tiếp, tuổi trẻ qua đây nhiều cơ hội tiến thân, chứ như chúng tôi trẻ chưa qua già chưa tới, có học cũng chẳng đến đâu, nhưng cũng cố gắng làm để lo cho con cái, và hy vọng vào tương lai của chúng sau này.

Rồi Thanh Nhàn chỉ cho cô gái trẻ cách may ráp áo quần sao cho nhanh hơn, và nói về kinh nghiệm của cuộc sống xa lạ mới mẻ bên đất nước tự do nhưng đầy cạm bẫy mà Thanh Nhàn đã biết qua. Không mấy chốc mà tình cảm của đôi bạn một già một trẻ đã trở nên thân mật.

Thanh Nhàn hỏi thăm thì được biết ông bố của cô đi tù 10 năm mới được thả về, vì trước năm 1975 ông là pilot với cấp bậc thiếu tá. Thanh Nhàn nghe một nỗi phũ phàng chua xót, vì nhìn ông bây giờ chỉ còn là một ông già suy dinh dưỡng với thân thể gầy còm như bộ xương cách trí, đang cố gắng ấn chiếc bàn ủi bằng hơi nước, khói bốc lên phà hơi nóng bao quanh quyện lấy những giọt mồ hôi đang vã ra trên mặt ông. Bà vợ ngồi sau ông không xa là một người đàn bà ngoài 50 tuổi, có lẽ bà đã lầm cuộc sống bên Mỹ này, nên trước khi đi bà đã lo tu sửa nhan sắc về chiều hơi kỹ. Mũi bà sửa hơi cao, nói đúng ra quá to so với khuôn mặt, bờ môi dưới bơm phồng lên như phải bỏng, nên người ta có cảm tưởng như lúc nào bà cũng bĩu môi khinh đời. Thanh Nhàn thấy mà tội nghiệp cho bà đang cặm cụi nhặt từng đồng cent đỏ trên đống quần áo đầy chỉ. Nói cho ngay thì vào tuổi cỡ cấp tá đến shop may, ai còn sức khỏe thì ủi hoặc đóng khuy nút, ai yếu sức thì nhặt chỉ hay kiểm hàng (final) là chuyện bình thường.

Có một điều ở shop may ai cũng biết đó là chỗ tự do ngôn luận và bàn luận bởi đủ các nhà triết gia nhất thời, vì chỉ làm bằng hai tay, còn cái miệng thì rảnh rỗi, đầu óc thì trống rỗng, nên đủ thứ chuyện trên đời nào là: cộng đồng, cộng đoàn, cộng sản, cộng nô.… được đem ra tham luận, khi bất đồng ý kiến thì cãi nhau ỏm tỏi, nói không lại thì chửi đổng chửi đểu, ồn ào như một cái chợ chiều trên sông.

Tuy vậy, thính giả trung thành nhất của các đài phát thanh là những shop may, có người vừa đặt đít xuống ghế là mở radio cho đến lúc về mới tắt. Đúng thế, những chương trình talk show, on air, góp ý, yêu cầu nhạc, ca giọng cổ, thính giả gọi vào phần nhiều là từ các shop may. Nói chung shop may là nơi tập họp đủ mọi thành phần lỡ thời trong xã hội, nào là diện H.O, diện O.D.P, hoặc con lai, tỉ như một chị ngồi sau Thanh Nhàn rất hãnh diện vì được chồng về tuốt Long Định kết hôn rồi bảo lãnh qua Mỹ, chưa đầy một tháng, chị vào shop may từ sáng sớm tới chiều tối chẳng mất công đến lớp học ESL, ai hỏi đến thì chị bảo: “Tiếng Việt thì quên, tiếng Anh thì không nhớ” là xong, cũng không tốn tiền học lái xe, được ông chồng đầu tư, sáng chở từ nhà đến shop, chiều đón về, có bầu cũng cứ may cho đến ngày đẻ. Thế là ông chồng có job mới, ở nhà coi con và đo giường, vợ cứ yên chí đi cày kiếm tiền để trả ơn bảo lãnh cho vui vẻ cả làng.

Ngồi ở dãy bên trái của shop khoảng bốn năm bà cỡ tuổi từ 55 đến 65, nhưng có lẽ họ đã quên tuổi tác vì những nhu cầu của cuộc sống nên trời ban cho họ một sức khỏe phi thường, các bà đua nhau làm suốt ngày mà chẳng ốm đau bệnh tật gì. Con cái thì đã lớn, không bận tâm nhiều, cứ hùng hục cày. Miệng thì nói thiên thu bất tận, thích chí thì cưòi ha hả. Đó là chị ngồi đầu dãy, năm nay 61 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, tóc cắt tém nhuộm nâu, nên nhìn đàng sau, người ta tưởng chỉ mới 16, tên là Nữ. Chủ shop có mướn một Amigo để phụ lái xe đi giao hàng hoặc làm những việc nặng nề kiêm clean nhà. Amigo này chưa đến 30 tuổi mà để râu ria, rậm rạp nhìn già như ông cụ non. Trong shop, tên ai, Amigo cũng tự dịch ra cho dễ gọi, tựa như tên Hồng thì gọi là Rose, tên Hai thì gọi number two v.v… chỉ riêng tên Nữ là khó gọi, nó cứ tròn miệng, nhọn mỏ, rồi khìn khịt như người bịt mũi, cố gắng gọi “Co ngu” nên chị không quay lại. Tức quá, hắn gọi “woman”, chị cũng không trả lời. Một hôm ông chủ shop treo hai bảng ở hai bên restroom, một bên có chữ Nam, một bên là chữ “Nữ” cạnh chữ restroom, thế là Amigo mừng quá liền chạy đến chị Nữ, hăm hở gọi:

- Co Restroom oi!

Chị liền quay phắt lại trợn mắt chửi:

- Đồ mắc dịch.

Nó tưởng chị bằng lòng, liền nhe răng cười xã giao, làm ai cũng buồn cười.

Nhờ có Amigo và vài Amiga mà mọi người học được một mớ tiếng Spanish, đôi khi phải dùng cả tay chân để nói chuyện, nhưng cũng vui.

Kể chuyện hay nhất là ông Cử, như thường lệ sáng nào ông cũng xách cái túi lunch box hấp tấp vào shop may, ngồi xuống chiếc ghế bên máy overlock là hai tay ông hoạt động liên tục, tay phải bốc tay trái đẩy ông chặp hai thân quần trước và sau nhanh nhẹn thoăn thoắt, chỉ một cái sải tay kéo dài là ra một bên quần, cứ vậy ngày ông lock một trăm quần ngon như ăn gỏi, mọi người coi ông Cử như như người anh cả, ông thường kể chuyện về cuộc đời binh nghiệp của ông gian truân vất vả, vào sanh ra tử, có lúc chiến thắng vẻ vang, cũng có lúc thảm bại ê chề, rồi lại đến chuyện dài tù cải tạo đói khát khổ sở, ông kể chuyện rất có duyên và hấp dẫn, nên mọi người lắng nghe và buồn vui theo câu chuyện.

Lớn tuổi nhất là một bác đã 65 tuổi, đi diện H.O. còn kẹt hai người con lớn ở Việt Nam nên bác nhắc hoài. Bác rất hiền lành và lịch thiệp, nhờ khổ người cao lớn nên trông bác còn khỏe mạnh, chỉ tội may đã chậm còn hay lộn, vì thế bà chủ shop thương hại, cho bác chuyên may label. Bác móm mém kể:

- Chính lẽ tui năm nay 65 tuổi, được ăn tiền già rồi, nhưng hồi xưa ba tui ổng khai rút xuống 2 tuổi nên trong giấy tờ tui mới 63 tuổi.

Rồi bác tự an ủi:

- Thôi tui ráng may 2 năm nữa, được tiền già, tui nghỉ hưu, “dzậy” chứ ở Mỹ này may lai rai tệ như tui, tháng cũng mua được một lạng “dàng”, chứ ở Việt Nam cỡ tui ai mà mướn làm cái gì bây giờ.

Nghe bác nói mọi người bùi ngùi nghĩ đến thân phận mình khi bằng tuổi bác, không biết có còn cày nổi không.

Cuộc sống bon chen, có người chạy từ shop này đên shop khác, cũng có ngươi không biết gì, tháo lên tháo xuống, nhưng làm một thời gian vững tay nghề liền apply vào làm trong hãng Mỹ. Cũng có người đóng đô ở một shop, từ những ngày đầu tiên ngỡ ngàng đến Mỹ, rồi sống lâu nên lão làng, nịnh bợ bà chủ shop để dành đồ ngon, chọn được size small may lẹ hơn, còn những kẻ không biết đường lối khôn khéo thì chỉ thiệt thòi. Ôi, cái cảnh đời trắng đen nó cũng không trừ cái shop may nhỏ cuối đường Willow này, bà chủ thì nhã nhặn và hay cả nể, bà cũng chẳng thèm quan tâm, miễn là được việc cho bà.

Nhưng nghề nào cũng có cái vui cái buồn, nhiều lúc Thanh Nhàn cũng muốn tìm một nghề khác cho khá hơn, nhưng có lẽ cái nghiệp nó đã theo cô, nên đôi lần đổi nghề rồi nhưng cô cũng quay lại cái nghề may mỏi lưng mờ mắt này. Nói vậy chứ ca dao Việt Nam có câu: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, tuy vinh hiển thì chẳng thấy, nhưng có lẽ Thanh Nhàn yêu nghề mất rồi, vì những lúc cô tỉ mỉ mày mò nghiên cứu để may xong chiếc áo jacket hai lớp dày cộm, hoặc chiếc quần trượt tuyết bốn năm túi kéo zipper để làm mẫu, rồi chủ shop đem trình lên hãng Volcom để lãnh về vài trăm lô hàng, là Thanh Nhàn thích thú làm sao. Mỗi lần may xong chiếc áo mẫu khó khăn, nhìn đường viền thẳng thắn, hai bên túi mổ cân đối, cô ngắm nghía thành phẩm của mình, như người họa sĩ mãn nguyện vì vừa vẽ xong một bức tranh tuyệt tác.

Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
20/01/202213:00:58
Khách
Ngọc Lê
Ông ơi, ông dùng chữ VC , nghe ghê quá : chuẩn là cái khỉ gì ?
Người Việt viết : câu này không được đúng lắm, chứ chuẩn chiếc gì ông Lê ơi.
04/02/201620:21:39
Khách
Thưa bà Trần Năng Khiếu!
Bài bà viết rất sinh động khi diễn tả < một ông già suy dinh dưỡng với thân thể gầy còm như bộ xương cách trí, đang cố gắng ấn chiếc bàn ủi bằng hơi nước, khói bốc lên phà hơi nóng bao quanh quyện lấy những giọt mồ hôi đang vã ra trên mặt ông> , nhưng tôi nghĩ bà dùng chữ khói bốc lên trong câu này là không được chuẩn lắm. Bởi vì khi ủi quần áo thỉnh thoảng chúng ta thấy HƠI NƯỚC bốc lên, chứ không thể nào thấy KHÓI bốc lên, trừ khi là nó đang bị cháy
04/02/201619:58:24
Khách
Hay. Miễn sao mình enjoy là được rồi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Đây là bài viết đầu tiên tham dự VVNM. Mong tác giả tiếp tục gửi bài
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Mùa hè, 16 tháng 9, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là hồi kết bài viết mới nhất của ông về những mùa hè khó quên.
Mùa hè, 19 tháng 6, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết mới nhân mùa bóng đá.
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ hai của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng, sinh năm 1975, qua Mỹ định cư năm 1992. Từ năm 2000-2005 hành nghề dược sĩ (Consultant Pharmacist), sau đó trở lại học và tốt nghiệp Y Khoa. Nghề nghiệp hiện tại là Physician tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.
Nhạc sĩ Cung Tiến