Hôm nay,  

Bà Lyly Có 7 Ông Chồng Vì Bệnh Shopaholism

01/02/201600:00:00(Xem: 13837)

Tác giả: Phương Hoa
Bài số 3738-17-30238vb8013116

Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Bài viết, theo tác giả, là chuyện có thật.

blank
Hình họa cho phim "Confessions of a Shopaholic do Paul John Hogan đạo diễn.

* * *

Tôi gặp bà Lilly trong một lần đi thực tập. Hôm đó tôi đến trễ, sân trường hết chỗ phải đậu xe ngoài đường. Tôi vơ vội cái túi dụng cụ giảng dạy, rồi vừa bấm khóa vừa xoay mình chạy cho kịp giờ. Bất thình lình tôi đâm sầm vào một người đang đi tới. Đám lon nhôm văng tung tóe trên lề đường kêu loảng xoảng. Chết rồi. Tôi than thầm, đã trễ mà còn xui.

 - Thật là xin lỗi, tôi đang rất vội nên... tôi chợt dừng lại nhìn bà Mỹ trắng tay cầm cái túi lon nhôm.

Đúng ra phải gọi là bà Mỹ...xanh, xanh lục từ đầu tới chân. Bà dáng chừng trên dưới bảy mươi, nhìn rất lịch sự với khuôn mặt trang điểm tỉ mỉ. Điều lạ lùng là bà dùng toàn "tông" màu xanh có kim tuyến vàng lấp lánh, từ mí mắt đến chân mày, son môi, và cả mái tóc. Y phục cũng vậy. Bộ váy dài và áo khoác, mũ rộng vành, xách tay quàng vai, chuỗi cổ, vòng tay, giày ống...tất cả đều "xanh lét như con két".

- Không sao! Bà ta nói với vẻ thân thiện.

Tôi liền miệng xin lỗi và nhặt lại số lon cho bà. Nhìn tướng bà không phải người nghèo sao lại đi lượm lon nhỉ, tôi thầm nghĩ. Nhặt xong tôi đứng lên phân trần:

- Tôi là giáo viên thực tập ở trường Tiểu Học đàng kia, vì hết chỗ đậu xe tôi phải chạy ra tận đây. Tôi hơi vội nên va phải bà, mong bà thông cảm.

Tôi chỉ nói xã giao, để chạy tội cho sự vô ý của mình. Không ngờ bà ấy tỏ ra vui vẻ:

- Ồ thì ra cô là cô giáo! Giọng bà cởi mở: - Các con tôi khi nhỏ đều học ở đây nên tôi biết, bãi đậu xe của trường khá chật hẹp. Rồi bà nhìn tôi: - Nhà tôi bên kia cũng gần trường, trước sân còn chỗ trống cô có muốn qua đó đậu không?

Vừa chuẩn bị chào bà để phóng đi, nghe thế thì tôi mừng húm:

- Ồ bà tốt quá! Xin cám ơn bà.

Từ đó mỗi ngày tôi đậu xe ở sân nhà bà Lilly tốt bụng. Bà sống một mình, bà là người thân thiện, lại rất thích nói. Hàng ngày bà đi bộ thường lượm lon để Chúa Nhật đem cho nhà thờ. Những câu chuyện của bà thường "liên tu bất tận" làm nhiều khi tôi muốn dứt ra đi mà đi không đứt.

Một lần về sớm tôi ghé vô nhà bà chơi. Bước lên thềm nhìn hai cái camera an ninh ngắm vào tôi, tôi hơi khớp. Nhà bà Lilly chắc giàu lắm nên mới cần sự bảo vệ theo kiểu nhà băng này. Nghe tiếng chuông bà hé cửa ra nhìn giữa tiếng nhạc xập xình từ bên trong. Hôm nay bà mặc tông màu đỏ, nên mái tóc cũng đỏ lòe. Bà vồn vã:

- Vô đây! Vô đây! Cuối cùng rồi cô cũng vô thăm nhà tôi.

Tôi lách người bước qua cánh cửa, chưa kịp nói gì thì bà đã kêu lên:

- Khoan! Nhà có hơi chật chội, cô chịu khó bước cẩn thận kẻo vướng phải đồ đạc mà ngã nhé.

Tôi cười thầm trong bụng. Ngôi nhà to đùng bà chỉ ở một mình mà còn kêu chật chội. Nhưng nghĩ chưa xong tôi đã phải chụp vội vào cái ghế cao trên có đặt một lẵng hoa với đủ màu lá đỏ, để tránh khỏi va vào cái bàn thấp chưng đầy hình tượng; một rổ bông tuyết vàng lấp lánh kim tuyến, những quả cầu thủy tinh vẽ hình các ngôi sao nằm cạnh đám trái thông khô, nhiều hộp quà nho nhỏ thắt nơ đỏ rực, và những chiếc mũ nồi tí hon nằm lẫn lộn trong đám ruy băng vàng.

- Cẩn thận! Bà Lilly cười lớn: - Tôi đã nói rồi mà, ai đến nhà cũng va vào cái bàn này. Cô qua đây ngồi đi. Bà vừa nói vừa dời xuống đất cái bình có cắm những cây hoa tuyết và ngôi sao bạc trên chiếc ghế bành để lấy chỗ cho tôi.

Tôi rón rén luồn lách cho khỏi đụng vào những đồ vật xung quanh, bước lại ngồi xuống ghế, và cảm thấy hoa mắt khi nhìn căn phòng khách rộng thênh thang nhưng lại chật ních, đầy kín vật dụng và tranh ảnh. Sàn nhà dù lót thảm, nhưng bên dưới cây thông nhựa rực ánh đèn màu vẫn được trải dọc ngang những tấm thảm nhỏ sặc sỡ hoa văn. Hai góc tường phòng là hai cái camera TV đang tất bật thu lại những hoạt động bên ngoài. Trên cái TV màn mỏng 60 inch chiếm gần nửa bức vách, một ban nhạc đang chơi tưng bừng. Dãy tủ kính cao đầy ly tách bát đĩa cùng tất cả đồ vật từ dưới đất đến trên tường, kể cả chùm đèn trần, đều là những biểu tượng của Giáng Sinh và Năm Mới.

Một chiếc ghế sofa to rộng nằm sát tường bên trái. Trên trần có một cái khuyên móc tấm mùng thưa màu vàng điểm bông tuyết và những ngôi sao kim tuyến, phủ trùm chiếc ghế sofa cho thấy rõ bên trong ngổn ngang đầy mền gối.

- Đó là giường ngủ của tôi. Bà Lilly nói khi thấy tôi nhìn. Nhà có bốn phòng ngủ nhưng vẫn không đủ chỗ, nên tôi phải ngủ trên chiếc ghế này.

- Bà trưng bày đẹp quá! Tôi khen xã giao căn phòng khách nực nội để bà vui. Thật là tuyệt! Mọi thứ trong phòng này đều phù hợp với mùa lễ.

Bà Lilly cười vẻ hãnh diện:

- Mùa nào thức nấy, tôi thay đổi sự trang hoàng khắp nhà cho mỗi mùa lễ, và phải dùng đến cái thang mới làm được. Bây giờ tôi sẽ đưa cô đi tham quan các gian phòng.

Tôi đứng lên theo chân bà. Đi đến đâu mắt tôi căng ra đến đó. Hành lang dẫn đến các phòng khá rộng, nhưng trên vách dày kín hoa và tranh ảnh, dưới đất hai bên đặt nhiều tủ nhỏ có ngăn đựng "hầm bà lằng" đủ thứ trên đời. Bà chủ nhà vừa đi vừa thuyết minh ríu rít như một hướng dẫn viên du lịch. Bà dừng lại khoe với tôi các hộp nữ trang, đồng hồ, lắc tay, mẫu mã cả bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, và đủ loại nước hoa, đồ trang điểm. Đồ đạc nhiều đến thế này hèn gì bà cần đến những hai cái camera để canh chừng.

- Tôi luôn chọn sẵn phụ kiện cho phù hợp với tông quần áo tôi sẽ mặc trong ngày và đem để ở đây. Đây là đồ tôi chuẩn bị để đi nhà thờ vào Chúa Nhật này.

Bà nói và chỉ tôi xem mấy hộp nữ trang, đôi giày cao gót, và một bộ tóc màu vàng ánh nằm trên đầu cái tủ nhỏ. Xem nè! Bà bỗng đưa tay lên đầu, thoắt một cái trọn bộ tóc màu đỏ vung vẩy trong tay bà, và bà toét miệng cười trong khi tôi há hốc mồm đứng nhìn cái đầu "sư cọ" trọc lóc bên trên khuôn mặt với má, môi, viền mắt, chân mày đỏ thắm. Vì luôn phải thay đổi màu tóc cho hợp với trang phục nên tôi đã cạo trọc cho tiện việc, mỗi lần đi đâu chỉ cần chụp một bộ tóc giả lên là xong ngay. Nói rồi bà đặt lại bộ tóc lên đầu.

Trời thần ơi! Tôi kêu thầm, nhưng cười hết cỡ, khen bà:

- Wow! Tiện lợi quá! Bà quả là một người đặc biệt, bà Lilly.

Nghe khen mặt bà tươi rói, đưa tôi qua cái phòng nhỏ bằng những bước chân nhún nhẩy. - Đây là phòng tắm. Bà nói.

Trước mắt tôi ngổn ngang những bộ sưu tập trang trí, "Dưa Hấu", "Hoa Tuy Líp" cho mùa Xuân, "Trứng" cho lễ Phục Sinh, "Ma" cho Halloween, và nhiều tấm thảm sàn phòng khách đầy kiểu cách chất chồng trong góc. Tấm màn che bồn tắm được vẹt sang một bên vì trên cái cây ngang treo dày kín những bộ đồ hóa trang lễ hội. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên bà giải thích: Tôi dùng cả cái phòng tắm này để chứa đồ, và mỗi lần đi tắm tôi phải dời hết số đồ này xuống đất.

Mùi thịt nướng bốc lên ngào ngạt khi bà mở cửa phòng giặt. Một cảnh tượng lạ đời trái khoáy hiện ra. Trong phòng giặt lại có cái lò nướng đặt trên tấm ván lót trên đầu máy giặt, một con gà nằm xuyên qua cây trục đang quay từ từ, mỡ chảy xèo xèo thơm phức, lại được vây quanh bỡi những hộp thuốc tẩy, bột giặt, bột thơm. Bà Lilly vừa mở xem con gà vừa nói: - Bên gian bếp cũng không còn chỗ trống, nên tôi phải nấu nướng trong phòng giặt. Rồi bà lui ra: - Nãy giờ những thứ cô xem chỉ là "đồ vặt vãnh", bây giờ qua đây tôi cho coi khu vực quan trọng.

Tôi không thể tin vào mắt mình khi dạo qua bốn cái phòng ngủ của bà Lilly. Mỗi phòng chứa đầy trang phục dành riêng cho một mùa trong năm, Xuân, Hạ, Thu, Đông, và các ngày lễ. Những cái giá móc vòng tròn đứng san sát nhau treo đầy quần áo, váy đầm, áo len, áo khoác, xách tay, giày mũ, những bộ tóc giả và khăn choàng cổ, nhìn không khác gì khu vực bán quần áo của cửa hiệu Macys. Nhiều chiếc áo khoác vẫn còn tòng teng nhãn hiệu và bảng giá.

Tôi chợt giật mình. Gom góp hết những gì tôi được xem từ ngoài phòng khách đến nơi này, tôi nhớ lại một bộ phim tôi đã từng xem trước đây "Confessions of a Shopaholic" (Tự thú của một người nghiện mua sắm) do Paul John Hogan đạo diễn, lấy ý tưởng từ quyển tiểu thuyết cùng tên của tác giả Sophie Kinsella. Sự đam mê mua sắm, nhiều thứ mua rồi không xài đến của bà Lilly sao giống hệt, phải nói là vượt xa, nhân vật Rebecca Bloomwood trong phim do nữ diễn viên xinh đẹp Isla Fisher đóng. Chẳng lẽ bà Lilly cũng mắc chứng "Shopaholism".

- Tôi từng là một shopaholic. Bà Lilly bỗng lên tiếng khi thấy tôi đứng nhìn sững vào đám áo khoác mới toanh treo trên giá. Bà nói với nụ cười tươi như thể đó là một "chiến tích" của bà.

"Are you kidding"? Bà không nói chơi đó chứ? Tôi hỏi xong nhìn bà quan sát. Tôi đã từng nghe nói và đọc nhiều về những người mang bệnh nghiện mua sắm. Họ luôn khát khao mua và mua, nhưng phần lớn là không xài tới. Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos đã từng làm thế giới kinh ngạc với hơn ba nghìn đôi giầy của bà, và trong một ngày du lịch đến Mỹ bà đã mua sắm hết ba triệu đô la tại New York. Nước Mỹ cũng có một đệ nhất phu nhân được các sử gia liệt vào là "shopaholic". Đó là phu nhân của vị tổng thống thứ mười sáu Hoa Kỳ Abraham Lincoln, Mary Ann Todd Lincoln. Sau khi dọn vào Tòa Bạch Ốc chưa được một năm, đệ nhất phu nhân đã xài sạch ngân khoản bốn năm dành cho gia đình tổng thống vào việc mua sắm. Các sử gia ghi lại, bà Mary Todd nghiện đến nỗi mua rất nhiều những đồ vật bà không bao giờ xài, từng bị tổng thống Abraham Lincoln giận dữ trách móc, và bà từng đi dạo quanh thành phố với năm mươi sáu nghìn đô la tiền mặt được may vào trong túi quần. Bà đã "nợ như Chúa Chổm" nói theo người Việt Nam, nhưng càng nợ bà lại càng mua sắm nhiều hơn để "giảm stress". Cuối cùng quốc hội Mỹ sau nhiều tranh cãi cũng phải bấm bụng để duyệt chi trả số nợ do đệ nhất phu nhân gây ra.

Trước đây tôi không hề để tâm đến chứng bệnh kỳ cục này, vì chính tôi cũng thích mua sắm. Nhưng bây giờ trước mắt tôi là một "bệnh nhân thứ thiệt" chứ không phải chuyện trong phim. Chỉ một mình bà mà đồ đạc chất đầy kín cả ngôi nhà bốn phòng ngủ.

- Thật đấy! Bà trả lời và chỉ tôi xem mấy chiếc áo khoác còn nguyên nhãn hiệu.

Bà Lilly này, tôi có nghe nói nhiều về Shopaholism, nhưng sao lại gọi những người mê shopping là bị "bệnh" nhỉ?

- Hỏi rất đúng! Bà cười: Đặt tên cho việc nghiện mua sắm là "một chứng bệnh" thì nghe thật buồn cười. Trước kia nếu có ai nói tôi mắc bệnh Shopaholism, tôi sẽ chửi vào mặt họ. Nhưng về sau tôi biết đúng nó là một chứng bệnh, mà còn là chứng bệnh không có thuốc chữa! Cô không thể tưởng tượng được những gì tôi đã trải qua đâu! Bây giờ chúng ta ra đàng trước, tôi sẽ kể cô nghe.

Ra ngoài, bà Lilly rót cho tôi ly nước cam từ tủ lạnh, rồi vén mùng ngồi lên sofa và bắt đầu kể chuyện đời bà giữa tiếng nhạc rộn ràng trên chiếc TV.

Lilly cho biết bà mê mua sắm từ khi còn rất nhỏ. Nhưng niềm đam mê phát triển mạnh khi bà trưởng thành, học hành xong và ra đi làm. Bà là một y tá giỏi, làm việc trong bệnh viện lớn ở vùng Bay Area với mức lương rất khá. Nhưng bà đã nướng hết chúng vào việc mua sắm. Bà nghiện mua sắm đến phát cuồng, mỗi lần bị căng thẳng ở chỗ làm bà lại lao vào shopping. Mới đầu bà đi mỗi tuần một lần vào ngày nghỉ. Về sau mỗi lần xem quảng cáo giảm giá trên TV là bà gọi vào đặt hàng cho bằng được, dù nhiều khi bà cũng không biết mua những thứ đó để làm gì.

- Các bác sĩ tâm lý đã cho tôi nhiều lời khuyên nhưng chẳng ăn nhằm. Bà Lilly nói. - Khi thấy những quảng cáo "On Sale" bụng tôi đã cồn cào như bị lộn ruột, thì giờ đâu mà nhớ mấy câu "thần chú" của họ chứ!

- Tôi nghe nói, nhiều người mắc chứng Shopaholism khi có người yêu thì bỏ được sự thèm khát mua sắm nhờ nghĩ tới chuyện tương lai của hai người mà cố gắng cai nghiện. Tôi tiếp lời bà.

Bà Lilly lắc đầu:

- Có người yêu cũng chẳng ăn thua gì sất, cô ơi! Tôi từng có bảy ông chồng, mà tất cả bọn họ đều bỏ tôi chạy... mất dép! Nét mặt người đàn bà hồn nhiên vui tính bỗng trở nên buồn bã: - Chỉ có Ethan ông chồng thứ bảy là thật lòng yêu tôi mà thôi. Nhưng ông ấy cũng đã bỏ tôi về với Chúa mấy năm rồi. Ngôi nhà này là của Ethan để lại cho tôi.

Bảy ông chồng! Sém chút nữa tôi kêu lên và hỏi phăng tới chuyện bảy ông chồng của bà mà quên mất phép lịch sự phải có khi nghe chuyện buồn.

- Tôi thật xin lỗi! Xin chia buồn với bà. Tôi nói xong đứng dậy bước lại ôm vai bà để chia xẻ. - Nghe bà nói có ba người con đã trưởng thành, vậy họ có phải là con ông ấy không?

Bà lắc đầu rồi kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, trên chiếc "giường" của bà:

- Không, chúng tôi gặp nhau quá muộn màng. Mấy đứa con tôi là của Jacob, người chồng đầu tiên. Jacob là mối tình đầu, chúng tôi kết hôn và sống rất hạnh phúc. Được một thời gian thì bắt đầu cãi nhau vì sự mua sắm điên cuồng của tôi. Tôi đã cố gắng kềm chế để bỏ đi cái tật xấu đó nhưng không thể. Càng gây gổ, càng bị stress thì tôi càng lao vào mua sắm. Cuối cùng ông bỏ tôi và ba đứa con mà đi.

- Tội nghiệp cho bà quá! Tôi xuýt xoa an ủi. Một mình bà với ba đứa con dại, vậy làm sao bà nuôi con?

- Lương y tá của tôi rất khá. Chỉ vì tôi đã nướng hết vào shopping nên nghèo túng quanh năm. Nhất là sau khi Jacob bỏ đi tôi càng mua sắm dữ tợn hơn nữa để giải sầu. Rồi vì cần tiền, tôi đồng ý kết hôn với bất cứ người đàn ông nào muốn đến với tôi.

Bà liệt kê ra, đọc vanh vách tên của năm ông chồng kế theo sau ông Jacob, và nói: Trong số bọn họ, có hai người đặc biệt mà đến bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi đều thấy rất vui. Bà mỉm cười kể tiếp:

- Tyler là "thằng nhóc chồng" trẻ nhất, trẻ hơn tôi hai chục tuổi. Anh ta là sinh viên năm thứ nhất, làm bán thời gian công việc dọn dẹp trong bệnh viện. Tôi đã dụ anh ta chịu kết hôn với tôi chỉ để lấy năm trăm đô la cá cược từ đám bạn làm chung! Dù đã lớn tuổi có ba con nhưng tôi còn đẹp và "bốc" lắm. Tôi thuyết phục thằng bé chịu kết hôn xong rồi đi thuê phòng, rủ anh ta dọn vô ở chung. Được một đêm, sáng hôm sau Tyler đi học, tôi trực buổi chiều nên ngủ trễ. Tôi thức dậy khi nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa ra tôi thấy có mấy người mặt mũi hằm hằm đang đứng đợi. Một người đàn bà tay cầm cây chổi thật dài tự xưng là mẹ của Tyler hùng hổ xông vào phòng vừa la hét sao tôi dụ dỗ con bà, vừa vơ hết quần áo của tôi liệng ra ngoài cửa. Nếu không có sự ngăn cản của ông chồng, có lẽ bà đã nện cho tôi mấy cây chổi. Bà ta dọn hết đồ đạc của Tyler đem đi, và tôi cũng trả phòng dọt lẹ. Ngày ấy năm trăm đô la rất giá trị, mấy đứa bạn khốn kiếp chỉ nói chơi không ngờ tôi làm thiệt, nên tụi nó gian lận để lấy lại tiền bằng cách mách mẹ Tyler nơi chúng tôi ở. Buổi chiều đi làm, tôi bị chúng đòi lại năm trăm đô la cá cược.

Bà bỗng phá ra cười ngặt nghẽo: - Ha ha... nhưng năm trăm đó tôi đã nướng hết vào shopping lúc ban trưa, nên tôi chỉ đưa cho chúng nó mấy tờ receipt!

- Ha ha...Trời đất ơi! Tôi cũng ôm bụng cười bò. Và chúng tôi cùng cười vang.

- Vậy còn người đặc biệt thứ hai? Tôi hỏi tiếp:

Lilly bưng ly nước uống một hơi rồi kể tiếp:

- Đó là Amir, một người Trung Đông. Anh ta nhỏ hơn tôi mười tuổi nhưng râu ria xồm xoàm trông già hơn tôi gấp mấy. Tôi kết hôn vì anh ta giúp tôi một số tiền khá lớn, ba nghìn đô la thời điểm ấy to lắm. Kết hôn nhưng Amir không hề ngủ chung với tôi, viện lẽ "ăn chay" theo tôn giáo của anh. Rồi anh ta đi làm ăn xa, hàng tháng vẫn gửi tiền về giúp tôi trả tiền thuê nhà. Sau ba năm anh ta li dị tôi và trở về nước bảo lãnh vợ con qua Mỹ. Chừng đó tôi mới biết anh ta kết hôn với tôi là vì cần được ở lại đất nước này.

Đột nhiên Lilly cầm lấy tay tôi, bà nói gần như lạc giọng: "You can t believe it!" Cô không thể tin nổi đâu! Sau khi Amir bỏ tôi đi, tôi rất là túng thiếu. Và vì không đủ tiền vừa trả tiền nhà vừa nuôi con vừa mua sắm mà có lần tôi đã phát điên, ban ngày đi làm ban đêm tôi qua San Francisco để...đứng đường kiếm khách!

Tôi giật nẩy mình, bóp chặt bàn tay run rẩy của bà trong bàn tay tôi cũng đang run không kém. Tôi nói như thì thầm: - "Oh you poor thing!" Tội nghiệp bà quá! Chuyện đến nước đó lận sao? Đúng là không thể nào tưởng tượng!

Người đàn bà lắc đầu:

- Chuyện còn tệ hơn nhiều! Đúng lúc ấy thì tôi gặp lại Jacob, ông chồng cũ đầu tiên. Nhìn thấy mấy đứa con, ông ấy không nỡ bỏ đi nên năn nỉ tôi cho ông trở lại chung sống. Tôi đồng ý. Nhưng chỉ sau một tháng ông bỏ chạy lần nữa vì không chịu được cái bệnh mua sắm của tôi. Điều tồi tệ là, sau khi ông đi tôi biết mình bị dính bầu! Tôi uất ức, vừa oán hận ông chồng vừa bị nợ tiền nhà chất ngất, nên tôi đã...tôi đã..., bà bỗng nghẹn ngào dừng lại, rồi khóc òa: - bán đứa con gái sơ sinh của tôi cho một cặp vợ chồng không con để lấy một số tiền.

- "Oh my God"! Tôi kêu lên. Ôm vai bà, tôi vỗ vỗ vào lưng và gọi tên bà khe khẽ: - Lilly! Lilly! Chúa sẽ tha thứ cho bà! Một lát tôi hỏi: - Nhưng bà bán đứa bé bằng cách nào? Nước Mỹ đâu cho phép làm chuyện đó?

Bà cho biết đã điền vào giấy chứng sinh của đứa trẻ họ tên cặp vợ chồng đó. Người ta cũng tử tế để bà đặt tên cho con gái, và bà chọn tên Julia vì muốn con bé sau này luôn tươi trẻ yêu đời. Họ ở lại bệnh viện chăm sóc bà suốt mấy ngày liền, để bà cho bé bú trong những ngày đầu tiên, và thanh toán hết viện phí. Nhưng lúc bà xuất viện thì họ bồng con bé đi mất. Từ đó bà không tìm ra tông tích họ.

Sau khi cho đi đứa con đứt ruột đẻ ra, bà Lilly thương nhớ nó không nguôi và vô cùng hối hận. Cảm giác tội lỗi đeo bám theo bà, sự stress của bà cũng lên đến cao độ nên lại càng điên cuồng lao vào mua sắm. Bà hồi âm thư quảng cáo của tất cả các công ty cho vay gửi đến, và mượn đến hơn hai chục thẻ tín dụng để chi xài. Rồi việc gì đến cũng phải đến. Bà xài hết số tiền quy định trong đống thẻ nhưng không trả được dù tiền vốn hay chỉ tiền lời. Họ cắt hết và liên tục gửi bill đòi nợ.

Càng nghe bà kể tôi càng cảm thấy mức độ tác hại của chứng bệnh. Tôi đã từng đọc, có rất nhiều nhà nghiên cứu bỏ ra tâm huyết để tìm nguyên nhân và cách chữa trị bệnh này. Theo Tiến Sĩ tâm lý học Hindie Klein, bệnh "Shopaholism" còn gọi là "Oniomania", là một chứng bệnh "rối loạn mua sắm" nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống gia đình và xã hội. Bệnh còn khó chữa hơn bệnh nghiện ma túy và rượu. Vì trong đời sống hàng ngày ai cũng cần phải mua sắm, cho nên người ta cứ "thả ga" mua mà không hề biết mình đang bị bệnh ghiền. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy hơn mười phần trăm dân Mỹ đang "lâm bệnh shopping" và hơn một nửa dân số ham mê mua sắm. Cái đà này không khéo tương lai nước Mỹ cũng sẽ bị vỡ nợ!

Đang miên man suy nghĩ, tôi chợt giật mình nghe bà Lilly nói:

- Có người bày tôi đi khai "bankruptcy" phá sản. Thật nực cười, tôi chỉ tốn một trăm đô la để ra tòa, và tất cả số nợ trong hai mươi mấy cái thẻ tín dụng được xóa hết! Bà kể tiếp: - Nhưng rồi tôi bị cùng đường, không còn chỗ xoay xở nên bắt đầu buông thả. Tôi quen biết rất nhiều đàn ông, thậm chí còn sẵn sàng qua đêm với họ để có thêm tiền. Và vì đi trễ về sớm thường xuyên nên tôi bị mất việc. Căng thẳng dồn dập, cộng với việc bồ bịch ăn nằm tồi tệ đã hủy hoại thân thể tôi. Cái đầu gối của tôi bỗng dưng sinh một chứng bệnh lạ đời, đau đớn kinh khủng không đứng thẳng được. Bác sĩ xét nghiệm và cho biết cần phải mổ, nhưng có thể tôi sẽ bị cắt bỏ một chân. Trời đất như quay cuồng! Tôi không còn thiết sống nữa. Và tôi tự tử!

Bên ngoài trời bỗng đổ mưa to, như thể ông Trời cũng xót thương cho cuộc đời gian truân của người phụ nữ. Tôi xúc động thương bà Lilly đến nghẹn lời. Nhưng hình như bà không còn nước mắt để khóc khi nói đến giai đoạn sống chết này. Bà đi lấy thêm nước cho tôi và đem ra một đĩa bánh cup cake đặt trên chiếc bàn nhỏ và nói: Trời đang mưa lớn, cô ăn bánh đi rồi từ từ về. Với lại cô cần nghe hết câu chuyện nữa chứ! Tôi cũng đã từng kể chuyện của tôi với nhiều bạn bè, vì tôi muốn là nhân chứng truyền đạt lại những gì tôi đã trải qua và nhận lãnh từ Chúa. Nhưng xem ra cô là người kiên nhẫn thích thú lắng nghe câu chuyện dài của tôi hơn bọn họ. Tôi rất vui khi được tâm sự cùng cô.

Bà dừng lại uống một hớp nước rồi kể tiếp. Ngày đó bà đã nốc hết một ống thuốc ngủ, nhưng đứa con gái lớn tan trường sớm về nhà kịp lúc và gọi 911. Tại bệnh viện, người ta đưa chuyên gia tâm lý đến khuyên giải, và khuyên bà nên đi nhà thờ cầu nguyện cho tinh thần yên ổn. Bà nghe lời khuyên, nhưng vì trước giờ bà chưa hề đi nhà thờ nên phải nhờ một người hàng xóm đưa đi.

- Và cám ơn Chúa! Phép lạ đã xảy ra!

Bà Lilly nói xong cười thật tươi, nụ cười tôi chưa từng thấy từ lúc bà bắt đầu kể chuyện. Bà bước vô nhà thờ trong một ngày Chúa Nhật bằng những bước chân khập khểnh, đau xé ruột gan vì cái đầu gối không cho bà đứng thẳng. Bà kể hết chuyện đời bà cho vị mục sư nghe, và ông khuyên bà hãy cầu nguyện để được Chúa ban phước. Ông cũng tổ chức một buổi cầu nguyện cho bà tại nhà thờ ngay hôm ấy. Bắt đầu buổi lễ, mục sư đưa bà Lilly ra trước bệ thờ và kêu gọi mọi người cùng nhau cầu nguyện cho bà, người lần đầu tiên trong đời bước vào cửa Chúa. Vị mục sư khom người đặt bàn tay của ông vào cái đầu gối đau đớn của bà và cùng cầu nguyện với mọi người.

- Sự trang nghiêm của buổi lễ, sự ưu ái của mục sư, và tấm lòng của các tín đồ làm tôi xúc động đến run rẩy. Bà Lilly nói. - Giữa tiếng rì rầm cầu nguyện của mọi người, tôi rơi nước mắt hướng lòng thành cầu Chúa xin ngài xá tội, xin ngài chữa lành căn bệnh ngặt nghèo và giúp tôi cai chứng nghiện cuồng điên Shopaholism. Tôi đã thề với Chúa tôi nhất định sẽ trở nên một người tốt.

Kể tới đây khuôn mặt bà Lilly bỗng bừng sáng, ánh mắt long lanh chứa đầy sự tôn kính thánh thiện. Rồi bà nghiêm giọng, nhấn mạnh từng lời:

- Thề có Chúa! Những lời tôi nói ra đây hoàn toàn là sự thật! Khi tôi vừa dứt lời cầu nguyện, tôi bỗng cảm thấy một luồng hơi nóng phát ra từ bàn tay của vị mục sư chuyền vô đầu gối rồi chạy vào khắp cơ thể tôi như một dòng điện ấm áp. Và thật là kỳ diệu, cái cảm giác đau đớn trên đầu gối của tôi dần dần tan biến, tôi từ từ đứng thẳng người lên một cách dễ dàng đến không ngờ. Mục sư ra lệnh cho tôi bước tới, những bước chân bình thường lần đầu tiên sau mấy tháng trời đau đớn vật vã, giữa tiếng vỗ tay mừng vui của mọi người trong nhà thờ.

- Wow! Chúa ơi! Tôi kêu tên Chúa bằng một giọng đầy thán phục và thành kính dù tôi không phải là người đạo Chúa. - Quả thật đây là phép lạ Chúa ban cho bà!

Kể từ đó bà Lilly là một tín đồ trung thành của nhà thờ Tin Lành Baptist, đi lễ đều đặn mỗi Chúa Nhật. Bà đã giữ đúng lời hứa với Chúa, cắt hết các mối liên hệ không lành mạnh với đàn ông, dứt bỏ sự mua sắm điên cuồng dù bà vẫn còn thích ăn diện, và thường xuyên tham gia công tác từ thiện của nhà thờ. Nhờ Hội Thánh giúp đỡ, bà vượt qua được cơn khủng hoảng tài chính cho đến khi xin được việc làm. Và kỳ diệu hơn nữa, mấy năm sau bà gặp được Ethan người đàn ông độc thân trong Hội Thánh thật lòng yêu bà. Bà bước đi bước... thứ bảy với ông Ethan, cũng là điểm dừng chân cho đến bây giờ. Lấy Ethan, bà Lilly dọn hết đồ đạc về ở với ông cho đến ngày về hưu. Bà bắt đầu bán dần dần những bộ sưu tập áo quần để làm thiện nguyện hay khi cần gây quỹ cho nhà thờ.

Tôi thắc mắc, hỏi sao bà nói đã ngừng mua và bán bớt đồ đạc đến mấy năm rồi, mà trong nhà bà lại còn ngập lụt hàng hóa như tôi vừa xem, bà trả lời:

- Ồ! Mấy năm qua tôi chỉ mới bán hết số đồ đạc dưới tầng hầm! Tôi là người thích chưng diện và trang trí trong nhà, nên tôi phải giữ lại những thứ phù hợp cho mình chứ. Bà cười: - Không mua thêm, chỉ xài lại "đồ cổ" đã là phép lạ rồi cô ơi!

Khi đưa tôi ra cửa, bà Lilly nói với giọng buồn buồn:

- Bây giờ các con tôi đã trưởng thành hết, cuộc sống tôi tạm ổn. Tôi chỉ còn một nỗi buồn canh cánh bên lòng, và tôi đang cầu xin Chúa giúp. Đó là cho tôi tìm lại đứa con gái Julia mà tôi đau khổ âm thầm nhớ nhung bao năm qua.

Tôi không biết nói gì hơn là chúc bà may mắn.

Mùa hè năm sau, trong một lần đi hội chợ tiểu bang "State Fair", tôi tình cờ gặp bà Lilly. Bà đang đi dạo với một cặp vợ chồng còn trẻ và ba đứa con một trai hai gái. Thấy tôi bà mừng rỡ, chụp lấy tay tôi và nói huyên thuyên:

- Cô biết hôn? Tôi đã tìm lại được Julia đứa con gái thất lạc. Chúa đã lắng nghe lời cầu xin của tôi! Nói xong bà kêu vợ chồng Julia và ba đứa cháu lại chào tôi.

- Thật tuyệt vời! Tôi kêu lên mừng cho bà.

Vợ chồng Julia cũng bắt tay chào tôi thân thiện, rồi dắt mấy đứa con đi mua sắm. Bà Lilly đứng lại trò chuyện. Bà đã dấu ba người con về chuyện đứa em út Julia, nên họ không hề biết mình còn có một đứa em gái. Trong một lần buồn chán uống rượu say, bà nhắc về đứa con gái bà đã bán đi ngày trước. Cô con gái lớn của bà bất ngờ nghe được, đã dẫn dụ bà trong cơn say kể hết sự tình. Và cô lên mạng tìm kiếm, cuối cùng họ tìm ra và nhận lại Julia, gia đình bà đoàn tụ.

Đây là món quà quý giá nhất Chúa ban cho tôi, ngài thưởng công tôi tin tưởng và tôn kính ngài để làm lại một người bình thường! Bà Lilly nói, giọng đầy cảm xúc.

Tôi cũng đồng ý với bà. Sự ăn năn hối cải, tấm lòng thành, và sự cầu nguyện của bà Lilly đã làm động lòng cả Chúa. Bà rất may mắn, nhờ cơ duyên dẫn dắt gặp được niềm tin tôn giáo nên đã cứu tính mạng bà và cả gia đình.

Từ giã bà Lilly mà trong tôi cứ mãi bần thần. Bà là một phần tử may mắn đã giác ngộ được và thoát khỏi chứng bệnh này. Vậy số còn lại mười phần trăm dân số nước Mỹ thì sao? Làm cách nào để giúp họ thoát khỏi chứng bệnh Shopaholism.

Nghe qua "tưởng như đùa" mà không phải là đùa?

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
03/02/201605:24:00
Khách
Chào anh Sáu Steve thân mến,
Lâu ngày không gặp anh, hôm nay rất vui thấy anh...xuất hiện :) . Cám ơn anh đã đọc truyện và khuyến khích tinh thần. PH cũng chúc anh chị và các cháu luôn luôn hạnh phúc và vạn sự an lành trong năm mới Bính Thân.

Chào bạn Maika,
Cám ơn bạn đọc truyện và cho comment bạn đã thích.
Chúc bạn và gia đình một năm Mới tràn đầy niềm vui.

Bạn Hương Bình Phạm,
Rất vui đụoc biết Bạn là nhà giáo ở Đà Lạt ngày xưa...Chắc là bạn cũng nhớ nghề lắm :) Cám ơn bạn đã đọc truyện và còn tốn thời gian ghi cho cảm tưởng. Thật không gì vui bằng đối với tác giả vì có người thích tác phẩm của mình.
Chúc bạn và gia đình đụoc nhiều may mắn hạnh phúc trong năm Mới.
Xin Cám ơn tất cả
Phương Hoa
02/02/201611:46:32
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Bài viết chị hay lắm và có "bài học" rất đúng. Bị shopaholism hay có lòng tham lam là vấn đề chỉ một mình Chúa có thể giải quyết được cũng như chị kể rồi.
Chúc vợ chồng chị nhiều hạnh phúc.

Sáu
01/02/201619:43:51
Khách
Bài viết rất cảm động. Chúa vẫn còn làm phép lạ., chữa lành,,,bệnh tật và thay đổi tâm tính con người,,,,,, Bài viết có bố cục chặc chẽ ,đưa người đọc từ tình huống nầy sang tình huống khác có lớp lang, thứ tự Tôi rất ngưỡng mộ ý chí kiên nhẫn'vừa học vừa làm' củatac giả để trở lại nghề ''gõ đầu trẻ'.Tôi vốn là nhà giáo[1970-1989]ở dalat vietj nam nhưng sang đây,,,lụt nghề rồi
01/02/201618:52:34
Khách
Shopaholism là ...căn bệnh của phần đông quí bà, chỉ nặng hay nhẹ mà thôi!
Cám ơn chị Phương Hoa đã viết một bài rất thật, rất "đời thường".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến