Hôm nay,  

Xuân Muộn Mà Bất Tận

30/01/201600:00:00(Xem: 21779)
Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 3737-17-30237vb7013016

Tác giả sinh tại Sài gòn. Hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, Calif. có nhiệm vụ hỗ trợ tiếng Việt cho Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích Trong Chiến Tranh Việt Nam. Do nhân duyên, cô đã giúp tìm lại được tên một chiến sĩ Không Quân VNCH tử trận trong một phi vụ hỗn hợp Việt Mỹ.

Với bài “Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh” cô nhận giải Vinh Danh Tác Giả 2014. Thêm bài “Trả Lại Tên Cho Người Chiến Sĩ” kể lại tiến trình việc chính phủ Hoa Kỳ truy tặng huy chương và gắn lại bảng tên cho người tử sĩ VNCH bị ghi là vô danh, tác giả nhận thêm Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015.

Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân, 2016.

blank
Orchid Thanh Lê nhận giải từ Phương Hoa, tác giả giải chung kết năm trước.

* * *

Giữa đám đông lao xao tại phi trường, cô dõi mắt nhìn màn hình đặt trên cao nơi cổng ra của hành khách để nhận biết người thân. Cô bỗng giật mình khi nghe tiếng gọi quen thuộc:

- Con gái, bố đây mà!

Cô quay đầu về phía tiếng gọi. Bố đấy ư? Người đàn ông luống tuổi đang kéo chiếc va-ly nhỏ về phía cô, dáng khẳng khiu, vẫn cái kính trệ nơi sống mũi, ánh mắt hiền từ có phần mệt mỏi. Mới hơn hai năm chưa gặp lại mà ông trông già thêm nhiều. Cô bước vội đến gần nắm bàn tay khô khốc của ông mà bồi hồi. Định hỏi tại sao bố lại quyết định ăn Tết nơi xứ người lúc không khí ở quê nhà hẳn rộn ràng hơn trong những ngày này nhưng rồi cô lại thôi. Bâng khuâng nhớ nơi đó mẹ cũng mất rồi, bố lủi thủi một mình thì sang ăn Tết với cô cũng phải.

*

Một ngày cuối buổi chiều đông, lắng nghe tiếng gió rít, ông ngẩng đầu lên bảo: "Gió Tết đấy". Cô lần mở quyển lịch. Phải rồi, không lâu nữa thôi là Tết sẽ gõ cửa từng nhà. Cô nói bâng quơ:

- Tết nơi đây có gì vui hả bố?

Liên tưởng đến câu nói của bố rằng ông sẽ đem Tết sang cho con gái, cô nghĩ lan man đến cái Tết bố cô đưa từ quê nhà qua xứ người tưởng như thiêu thiếu cái gì, nghe dễ mà khó. Cô ngại cái hồn Tết chưng hửng, ngơ ngáo, chưa biết cách hoà nhập với nếp nhà nơi xứ người bởi chính cô cũng bỏ lơ cái Tết Việt từ bao năm nay.

- Ấy, đừng vẽ vời chê Tết nhạt, con gái ạ! Chỉ cần lòng con có mùa xuân thì Tết vẫn còn rất đậm.

Trầm ngâm giây lát, ông nói thêm:

- Chớ có ca cẩm ở xứ Mỹ này Tết vẫn phải đi làm như bình thường, không quét vôi sơn cửa, không dựng nêu đốt pháo, không nghe nhớ vật vã mùi bánh mứt ngào ngạt như năm nào. Hà cớ chi! Tết không nằm ở những thứ đó. Tết nằm ngay trong lòng khi mình đã mang quê hương đi theo.

Câu nói nghe quen quen. Quả bóng con gái đang lơ lửng ở tận đâu đâu trên không trung bị làm xẹp đưa trở về mặt đất. Cô ngỡ ngàng. Tinh ý nghe ra thì thấy giọng nói của bố thấm buồn. Hóa ra cô thờ ơ quá. Năm nay bố sang xứ người ăn Tết với cô. Ông mong đợi hơi thở gấp gáp của mùa xuân choán ngợp hồn con gái.

Lặng nhìn bố giây lâu, cô buột miệng:

- Tóc bố muối nhiều hơn tiêu.

- Đời người qua nhanh, con ạ! Ước mơ dự định chẳng bao giờ theo kịp thời gian.

Ai chẳng từng có những ước mơ, có chăng ước mơ cho riêng ông chỉ còn là hoài niệm vì khoảng thời gian trước mắt ông như rút ngắn dần. Thảng như ông vẫn còn ước mơ, đó cũng chỉ là chắt chiu cho con gái. Những hôm con gái ở nhà, ông chỉ thấy cô làm bạn với chiếc vi tính, hoặc nhắm mắt thưởng thức nghe một bản nhạc không lời, hoặc thì thầm với ai đó qua điện thoại. Khi ra phố với bố, con gái thu mình trước đám đông ồn ào và nhộn nhạo. Tuy không còn ở độ tuổi đôi mươi, cô vẫn trông duyên dáng như mẹ cô ngày xưa. Nhưng cô khiến ông có cảm giác những chàng trai xung quanh chỉ biết đứng nhìn mà không sao với tới, khoảng cách thì gần mà trái tim cô lại rất xa, chẳng thể nào nắm giữ.

Chạnh lòng nghĩ đến cuộc sống đơn độc của con gái khi không có người thân bên cạnh, ông kể cô nghe về cây đào thất thốn thường hay nở muộn sau Tết. Thân cây như cành củi không sinh khí, buồn hiu hắt. Ông nghe nói loại đào này cứ phát triển được bảy thốn, một đơn vị đo lường cổ ngày xưa, thì lại bẻ cành vì thế mà được gọi là thất thốn chăng. Mỗi thốn cành cây có khi trổ đến bảy bông hoa hoặc có khi hoa dày đến bảy lớp.

Ấy vậy mà mấy ai hiểu giá trị của thất thốn, một loại đào tiến vua. Quí hiếm. Trầm mặc.

Lời bố tả làm con gái hình dung một cây đào thất thốn ít cành, không lá, không chồi lộc hứa hẹn, nếu có chăng thì nụ hoa cũng queo quắt, gốc rễ rã rời. Người người nhìn cây đào thất thốn một cách dửng dưng.

Bỗng dưng cô tủi thân. Hẳn bố ví cuộc đời con gái ông như cây đào thất thốn ám ảnh nỗi muộn xuân. Cô giậm chân, hờn bố thật sự:

- Hôm nay bố nói "thất thố" rồi.

Ông bật cười:

- Bố nói chưa hết. Kỳ thực thất thốn ủ nụ để rồi một khi đã nở thì chồi biếc, hoa thắm, tràn đầy sinh lực, gây ngỡ ngàng cho người thưởng lãm.

Rồi giọng ông khào khào xa xôi:

- Tuổi của con không còn là lúc để lang thang với cuộc hành trình không điểm dừng. Đến một lúc nào đó bố đi theo mẹ, con cần người đi chung quãng đường còn lại.

Lặng yên. Cô hiểu lòng bố. Ông muốn thấy cô yên bề gia thất. Ông dối già. Nhưng cây đào thất thốn trong cô vẫn ủ nụ. Cô thương bố hẳn hoi. Cô cũng muốn bố yên lòng lắm chứ. Có chút gì lấn cấn, vương vướng. Mãi rồi cô ngập ngừng:

- Nếu người con quen không phải người Việt, bố có ưng không?

Ông ngơ ngác. À, thì ra con gái khó nói.

Ông ngồi đó mà nhớ xa xăm. Nhớ năm xưa ông ngỏ lời cầu hôn, gia đình bên bà cũng dùng dằng vì cái định kiến đàn ông gốc bắc kỳ di cư của ông. Bây giờ cách đôi năm con mới về thăm bố mẹ một lần vì bận học, bận làm; ấy là nó còn nhớ thương đến ông bà. Rồi đến lúc con sẽ phải tìm hạnh phúc riêng cho mình. Lý đâu ông lại bảo thủ không cho con tìm hiểu người nó thương dù có khác màu da? Hỏi rằng anh ta có việc làm? Dạ tạm ổn. Biết nói tiếng Việt? Dạ đang cố học. Biết cầm đũa? Dạ có chứ. Biết ăn nước mắm? Dạ vâng. Gì nữa nhỉ? À, tấm lòng nó đối với con ra sao? Dạ không biết. Tại sao không biết? Ừ, mà chính bố đây cũng chẳng biết làm sao đong đếm lòng người nữa là.

- Thôi thì bảo nó nghỉ phép ghé đến đây chơi cho biết Tết Việt. Con bận đi làm cứ đi, không phải thắc mắc nghỉ.

- Nhưng chúng con chỉ mới là bạn, chưa chắc gì người ta thích con, và người ta cũng chẳng nói tiếng Việt nhiều, và...

- Ôi dào, con gái khéo lo, bố đây cũng chẳng biết tiếng Mỹ nhiều, tốt chứ sao! Xem ra cánh đàn ông với nhau lại dễ nói chuyện hơn.

*

Hai tuần trước ngày đưa ông Táo chầu trời, vị khách mời xuất hiện ở cửa, rụt rè lễ phép bắt tay ông:

- Anh chào bác!

Ông ngẩn người trong giây lát, rồi ngộ ra, nói một hơi:

- Ơ hay, anh nào? Phải nói "Cháu chào bác" chứ, còn "anh" chỉ để xưng với con gái tôi thôi. Anh đang học tiếng Việt đấy hử? Vậy anh có tên Việt chưa? Tôi đặt tên Việt cho anh là "Mỹ", nhé!

Chàng trai cao gầy, mắt xanh lơ, mỉm cười cố hiểu điều ông nói. Con gái nhăn nhó:

- Bố kỳ, người ta có tên Mỹ đấy thôi.

Ông phớt lờ. Sợ anh chàng chưa hiểu ông nói gì, ông nói chậm rãi:

- Tên anh là "Mỹ", ok?

Vẫn chưa đủ, ông đưa cao ngón tay cái chờ đợi sự đồng tình của anh chàng và nháy mắt cười.

Lần này anh đáp:

- Cháu hiểu. Cháu là người Mỹ và tên Việt của cháu cũng là Mỹ.

Rồi ông mặc sức cho Mỹ nhập gia tùy tục. Hỏi thăm thân thế, gia cảnh, bảo ăn thứ này, lấy hộ thứ kia, tất tần tật bằng tiếng Việt. Phản xạ tự nhiên của anh chàng là liên tục đáp lại "xin lỗi", "xin nhắc lại", "cái đó nghĩa là gì ạ?".

Kể cũng lạ. Suốt bữa ăn chỉ có ông nói nhiều. Anh và cô cũng chẳng trao đổi chuyện trò gì cho cam. Ông hỏi thì nói, bằng không chàng trai thấy ly ông vơi thì lại rót cho đầy, còn con gái lo tiếp đồ ăn cho bố và Mỹ. Cô mà thoáng ho khan là anh vội trao ly nước, miệng hỏi khẽ tiếng Việt "em ổn không?" "em khoẻ không?".

Trong lúc giúp cô rửa chén, Mỹ kể chầm chậm cho ông nghe rằng từ khi quen cô, anh mê say học tiếng Việt và phần lớn là tự học qua sách vở, phim nhạc, hoặc lúc ra phố đi chợ Việt hoặc hát karaoke cùng cô.

Anh nói về quê mình nơi có nhiều đất chăn nuôi và thi thoảng mới thấy một thị trấn nhỏ. Bố mẹ anh đông con, những tám đứa. Ấy vậy mà ông bà ly dị dù con trẻ chưa đủ lớn. Anh là đứa cháu thích ở với ông bà nội nhiều hơn ở với bố mẹ, thậm chí những ngày cuối đời của bà nội bên chiếc xe lăn, vẫn có anh kề cận. Một trong những câu chuyện bà anh thường kể lại làm anh nhớ mãi là tại thị trấn nhỏ nơi ông bà anh ở, cha xứ ra một điều lệ rằng mỗi mùa Giáng Sinh các giáo dân trong thị trấn sẽ bốc thăm tên một người mà mình được mặc định biểu lộ sự quan tâm đến người ấy trong suốt một năm và họ chỉ biết được tên người bí mật chăm sóc mình vào mùa Giáng Sinh năm sau. Ông bà anh đã có một mùa Giáng Sinh nhân đôi hạnh phúc khi họ khám phá rằng họ đã không hề biết là năm trước họ đã bốc thăm được tên của nhau và âm thầm chăm chút cho nhau.

Xem ra anh là người nặng tình gia đình. Cuộc đời này nhiều lúc con người ta rất cần cái gọi là gia đình nơi có sự ấm áp mà cuộc sống ban tặng để có cảm giác được chở che, bảo bọc trong vòng tay người thân.

Anh kiếu từ ra về với món quà ông tặng: quyển sổ nhỏ và cây viết làm hành trang học tiếng Việt của anh để ghi chép những chữ mới và một thời khóa biểu cho Tết Việt vui cùng bố con cô trong những ngày sắp tới.

*

Ông rủ Mỹ đi chợ Tết gần như mỗi ngày. Đường kẹt, xe đông ở những phố thị tập trung người Việt, ai cũng cằn nhằn nhưng xem chừng những cái bất thường này làm cho không khí Tết thú vị hơn. Ông cho anh biết rằng ông đi chợ sắm Tết không phải vì vườn nhà thiếu hoa, tủ lạnh thiếu đồ ăn nhưng điều ông làm là giữ một hồn Tết, níu một phong tục Tết, vậy thôi!

Tết mà không có hoa thì mất nhiều ý nghĩa, theo ông. Năm nay ông chọn mua một số củ thủy tiên đem về dạy con gái cắt gọt. Ngẫm xem, cái cảm giác hồi hộp mong cho ngày mồng một ngủ dậy thấy những giò hoa rung rinh nở hàm tiếu thì đã thấy lòng ngây ngất rồi. Cứ gì thì vui đã. Vui lặng lẽ cũng được.

Chợ Tết xứ người là một bức tranh không thiếu màu sắc vì có đủ mọi loại hoa quả từ vườn chuyên nghiệp đến vườn nhà. Chính những ngày giáp Tết là vui hơn hết bởi bức tranh đó sống động và đầy những hương vị ngọt ngào.

Ông giảng giải cho Mỹ về mâm quả Tết. Tết nhất, mỗi miền đều có cách bày mâm quả riêng theo phong tục của miền. Bất ngờ ông để anh chọn quả. Lạ lùng, ngoài các thứ quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài theo phong cách người miệt miền tây xưa thường bày mà đọc trại âm là một ước mơ: cầu vừa đủ xài, anh chọn thêm quả thơm. Đi một quãng xa người bán hàng, anh nói vừa đủ ông nghe:

- Quả thơm của bà bán hàng không tươi lắm và hơi nhỏ. Nhưng nếu ai cũng chọn hàng tốt để mua thì bà ấy không bán được gì cả!

Được đấy, chàng trai ạ. Anh đi chợ Tết với tâm thế cho đi, ấy mới phải. Ông thầm nghĩ.

Thấy ông trầm ngâm, tưởng khó nắm bắt điều mình nói, Mỹ cố gắng giải thích thêm:

- Vả lại, cầu vừa đủ xài thơm muốn nói người ta muốn giữ tiếng thơm cho dù ở hoàn cảnh nào đi nữa. Cháu hy vọng hiểu đúng ý nghĩa của mâm ngũ quả mình chọn.

Ông nhìn chàng trai có đôi mắt xanh lơ thêm phần mến mộ. Sau mỗi buổi đi đây đi đó với ông, Mỹ dạn dĩ hơn và vốn tiếng Việt của anh khá hẳn. Anh siêng năng tập tành tiếng Việt, trên tay lúc nào cũng có quyển sổ nhỏ và cây viết để ghi chép. Cuối ngày, Mỹ đưa ông đọc và sửa chữa những câu anh tập làm cùng với các chữ anh mới học được. Mới đọc lướt một trang trong quyển sổ nhỏ, ông đã thấy thích thú với những khám phá ngộ nghĩnh của Mỹ:

- Nếu ai rủ tôi đi gặp "ông ba mươi" thì tôi sẽ từ chối vì ông này là con hổ, không phải là con người.

- "Bé bỏng" chẳng phải là em bé bị bỏng mà là thứ gì hay con người nhỏ xíu, dễ thương.

- Bố em ấy nói sẽ "đánh chén" với tôi nhưng không có chén bát nào bị đánh mà tôi chỉ phải uống rượu với ông ấy thôi.

- "Ba hoa" không phải là ba cái hoa mà là tính cách nói lung tung của người ta.

- Em ấy bảo tôi là cây bưởi trong vườn "sai trái" thì tôi hiểu rằng cây đó có nhiều quả và không có gì "sai trái" hết.

Theo cái đà học này thì chẳng bao lâu anh sõi tiếng Việt chứ chẳng chơi!

*

Thấm thoát mà đã đến ngày cuối năm. Năm nay Tết không có ngày ba mươi âm lịch. Ắt hẳn mọi người bước hụt xính vính, chân xoải nhanh hơn, tay vói níu thời khắc không cho chạm đến giao thừa, chùng chình không muốn ngày 29 nối ngay sang ngày mồng một. Hụt hẫng thế nào ấy. Lính quýnh làm sao đó. Việc nào cũng gấp gáp vì phải cố làm cho xong. Dường như không làm xong trước Tết thì chẳng còn dịp nào làm nữa. Mọi người như phải vun vén mọi thứ trước thời điểm giao thừa. Nhưng rõ ràng là các ngày cuối năm mà không có những bận rộn bủa vây thì không phải là Tết.

Ông dặn Mỹ ghé thật sớm ngày cuối năm để ông chỉ cách gói bánh chưng. Ông kể anh nghe về những kỷ niệm ở quê nhà khi chuẩn bị gói bánh chưng, nhà nào nhà nấy đi chợ mua lá dong cả tuần trước Tết để được giá hời, cất dưới gầm giường để giữ độ ẩm cho lá rồi cận ngày gói bánh mới đem ra rửa, cắt cuống, rọc bớt phần sống lá, phân chia loại lá to, lá nhỏ để riêng biệt. Ông khoe với Mỹ cái lọ nhỏ đựng nước lá riềng đã giã nhỏ, lọc bỏ bã mà ông cất công đem từ quê nhà sang. Nếp ngâm với nước lá riềng thì hạt gạo đã có màu xanh và mùi thơm từ khi chưa gói bánh. Con gái chiều bố, hỏi thăm người đồng hương chỗ quen bán thịt tươi để có được những miếng ngon, thái to bản, ít nạc và nhiều mỡ hơn. Ông chắc lưỡi giá có được bọng cà cuống mà pha với cút nước mắm và tiêu xay nhỏ để ướp thịt lợn thì còn dậy mùi hơn nữa.

Chàng trai ghi chép tỉ mỉ công thức rồi hỏi vậy chứ cà cuống có cùng gia đình với cà chua hay cà pháo chăng. Không anh ạ, chúng chẳng bà con họ hàng gì với nhau, anh tra tự điển xem tiếng Mỹ của cà cuống là gì rồi ghi chú lại, tôi càng giải thích anh càng khó hiểu, vậy nhé!

Mỹ được giao phần cắt xén lá, đong gạo, đỗ xanh và đặt thịt cho mỗi bánh. Ông chỉ cho anh cách buộc dây, lấy tay day cho gạo trong bánh chia đều ra các góc bằng không khi luộc, nước sẽ ngấm vào, bánh sẽ bị "hấy". Ông còn dặn Mỹ khi vớt bánh ra phải rửa lại bằng nước lạnh và ép cho bánh chặt, róc nước và để được lâu. Anh xin được tự tay gói một bánh chưng nhỏ cho cô vì anh biết rõ "em ấy không thích ăn mỡ". Tay nghề gói bánh chưa vững nhưng có hề gì, miễn là cô vui là anh ưng bụng rồi.

Trong suốt mấy tiếng đồng hồ chờ nồi bánh chưng chín để vớt, Mỹ mở lò sưởi và ngồi uống rượu với ông, nhìn ra trời có lúc nắng trong khe nhưng cũng có lúc mây che mặc sức cho những hạt mưa bụi chao nghiêng theo làn gió.

Ông kể Mỹ nghe câu truyện về tấm lòng thành của chàng Lang Liêu dâng lên Vua Hùng và tấm bánh chưng đơn giản của chàng đã được chọn làm lễ vật truyền thống hằng năm trong số bao vật phẩm trân quí khác. Mỹ lắng nghe, gật gù, rồi nói với ông chậm rãi từng chữ như thể sợ sai:

- Ý nghĩa của bánh chưng rất hay! Lòng người nếu bóc mở được như bánh chưng thì có phải dễ hiểu không, bác nhỉ?

Mấy lời nói theo gió thổi bay vậy mà làm lòng ông vương vương.

Thương nhau ngồi ngó. Hỡi chàng trai, tôi đánh cược rằng không ai đọc được trong đầu anh nghĩ gì đâu! Muốn điều gì, phải yêu cầu. Thương ai đó, phải nói ra. Đừng làm người Mỹ trầm lặng chứ! Cái nhút nhát làm cho người ta không có can đảm nói một lời chuyển tải thông điệp thương yêu đến người mình muốn gửi dù nội dung câu nói rất bình thường. Dẫu biết mọi ước hẹn trên đời này đều không tuyệt đối, nhưng điều đáng tiếc nhất vẫn không phải là khi không thể đến với nhau, mà là khi không dám ngỏ lời yêu thương với nhau, để rồi lại tự trách mình ngày sau.

Thôi thì mượn giọt rượu nhấp môi để mở lời, giọng ông thong thả:

- Anh đến tuổi hỏi vợ được rồi đấy.

Chầm chậm. Cố hiểu đúng lời ông nói, Mỹ lắc đầu:

- Thưa bác, cháu chưa có vợ để hỏi ý kiến của em ấy.

- Giời ơi, chẳng phải thế! Anh chỉ xin bố mẹ anh đi đến gia đình cô gái xin cưới cô ấy về làm con dâu, ấy là hỏi vợ.

Ông nín thở nhìn vào mắt Mỹ, rồi thốt một hơi dài:

- Con người ta có đầu óc đôi khi lại thiếu đi một trái tim cảm xúc. Hoặc có khi họ chỉ ngặt giải quyết mọi chuyện theo cảm tính do cái đầu thiếu suy nghĩ. Anh có cả trái tim lẫn khối óc. Tôi chọn anh làm rể. Còn chần chừ gì nữa mà không xông đất đầu năm để ngỏ lời với con gái tôi?

Nghe tiếng gì rơi trong phòng con gái. Hy vọng không phải là cái gương cầm tay. Đã đến lúc ông đánh thức cây đào thất thốn trầm mặc kia. Thất thốn bướng bỉnh ủ nụ thật lâu bất kể ngày Tết là đỉnh điểm khoe sắc của các loài hoa khác nở đằm thắm hợp khí xuân và lòng người.

Lại im lặng giây lâu. Lại hý hoáy ghi chép vào cuốn sổ tay. Lại cố gắng hiểu đúng lời ông nói.

Trong đôi mắt xanh lơ của anh chàng Mỹ dường như có trời xuân len lỏi. Cái miệng mỉm cười ngượng nghịu. Câu nói thốt ra trôi chảy như thể học thuộc từ một ý nào trong sách dạy tiếng Việt:

- Dạ, cháu hiểu rồi. Cháu sẽ gọi điện thoại đến mẹ cháu, chọn ngày lành tháng tốt sau Tết để đến đây hỏi vợ cho cháu.

Lại nghe thêm tiếng gì nữa rơi khẽ trong phòng cô. Lần này nghe cuống quýt. Chắc là cái lược hay thỏi son môi. Có vậy chứ! Chẳng phải là đào thất thốn không nở hoa đâu, mà là nở muộn để đắm đuối lòng ai.

Thế rồi can đảm dưng không có thừa, Mỹ như con chim khướu lột lưỡi, nói không vấp váp:

- Ngày mai mồng một, trước khi xông đất để chúc Tết bác và em ấy, cháu sẽ "xông đất điện thoại" trước để báo giờ cháu đến ạ.

Cái gì mà có màn "xông đất điện thoại" nữa. Ông nghe mà cười ngất.

Gọi ới con gái ra ngoài, ông dặn một câu nhẹ hều mà đôi lứa nghe lòng thấm đậm:

- Cuối tuần hai đứa dành thì giờ đi chùa với bố, nghe sư thầy giảng về đức nhẫn trong đạo vợ chồng.

Từ cái nhẫn cụ thể đôi lứa sẽ trao nhau mà liên hệ đến đức nhẫn, cẩm nang đầu tay trong cuộc sống chung thân. Ôi mầu nhiệm!

Vậy chứ mà mắt cô long lanh, chắc do nắng; và mắt cô cũng ướt, chắc là vì mưa bụi quá. Cái gió của những ngày Tết trong mùa đông khá lạ lùng: có khi mang theo nắng trải mật ong rót vào hồn người phơi phới, có khi kéo theo mưa như rây bột làm cho phố xá thấy như nghiêng nghiêng, ươn ướt. Nắng và mưa thi nhau đan xen trong mắt cô.

Đào thất thốn nhất định đơm hoa dù xuân muộn. Xuân muộn mà bất tận!

Orchid Thanh Lê

Ý kiến bạn đọc
06/02/201601:16:57
Khách
That dung nhu vay, Minh thich cach hanh van cua tac Gia, xuan Ly huong lai den roi ,kinh chuc nha van mot mua xuan nhu y.Than men.
04/02/201612:06:14
Khách
Day la 1 trong nhung bai viet cua tac gia Orchid Thanh Le ma toi ua thich nhat. Xin cam on chi va men chuc chi cung gia dinh mot mua Xuan an lanh, hanh phuc.
03/02/201619:26:33
Khách
Đây là một tấm hình mà ánh sáng và màu sắc rất "phản" người bị chụp.
Ở ngoài đời, như tôi được gặp thì tác giả không có chút gì tiều tụy mà thanh tú, xinh, nhẹ nhàng và duyên dáng.
Dĩ nhiên, 15 năm sau thì phải khác, cái đó gọi là "luật thiên nhiên" mà ai cũng như thế.
Chúc tác giả và các bạn đọc năm mới như ý
02/02/201623:02:21
Khách
Những cảm xúc, những lời thơ họa của các độc giả đối bài viết, những nhắc nhớ kỷ niệm với tôi làm tôi cảm động.
Kính chúc quí tác giả luôn đều tay sáng tác cùng quí độc giả Việt Báo một năm mới an lành.
Orchid Thanh Lê
02/02/201617:39:21
Khách
Tết năm 2001, nhà văn Diệu Tần ở San Jose đưa một đoàn giáo sư Việt và sinh viên Mỹ đến trung tâm dạy nghề VIVO. Vợ chồng tôi lúc đó mới sang Mỹ nên còn đi học ESL và học vi tính ở đó khoảng sáu tháng. Hôm đó các học viên VIVO tha hồ pratice tiếng Mỹ với các sinh viên và các sinh viên xài tiếng Việt để trả lời, tụi tôi sửa qua sửa lại cho nhau, vui lắm. Các sinh viên có màn văn nghệ bỏ túi làm dân VIVO tụi tôi rất impressed. Cô giáo đệm đàn tranh cho một cô sinh viên Mỹ cao lớn hát lý con sáo Huế, rồi cô cầm ghi-ta hát bè với sinh viên đơn ca bài hát tôi không nhớ tên và đệm cho cả ban hát Xuân ca.
Nếu Việt Báo không nêu tên thật của cô thì vợ chồng tôi không tài nào nhớ và nhận ra cô khi nhìn hình. Cô lúc này trông rất tiều tụy, không còn xuân nữa. Đọc bài cô viết mà nhớ tết đầu tiên nơi xứ người. Mong cô bảo trọng.
02/02/201611:19:48
Khách
Chào cháu Orchid,
Đây là một bài viết kể câu truyện rất cảm động và hay của cháu. Đọc thì dĩ nhiên cũng nhắc đến kinh nghiệm chú một phần.
Chúc cháu và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.

Chú Sáu
01/02/201620:00:18
Khách
Tôi sống ở một thành phố nhỏ Visalia, năm ngay dưới chân dãy núi thuộc miền trung phần của tiểu bang California, ở nơi đây, rất ít người Việt sinh sống nên chẳng ai biết đến Tết Việt. Trong tâm tình này đúng lúc đọc bài viết của chị, tôi xin mạn phép được chia sẻ bài thơ mới viết của mình cùng chị và bạn đọc.

TẤM BÁNH XUÂN

Tết ư? Phố núi vẫn lặng thinh
Xa xứ - đâu ai biết Tết mình!
Thôi thì đón Tết trong ...gian bếp
Ấm cúng nhen lên một chút tình

Nếp trong ngâm nước suốt một đêm
Đậu mềm vàng rực sắc màu hên
Thịt ngon thơm-thảo hương hành tím
Công thức "Lang Liêu" *bao đời truyền

Gói cả mùa xuân ...trong lá xanh
"Lạt mềm buộc chặt" những tâm tình
Năm canh giờ sẽ như một thoáng**
Hít hà mùi bánh nấu thơm lành

Nâng niu từng tấm bánh chưng xanh
Gởi biếu gần xa chút lòng thành
Yêu thương bốn góc dầy, vuông vắn
Mỗi miếng đậm đà một chút "Xuân"

Diễm - Tết Bính Thân 2016

* Từ sự tích "Bánh Chưng - Bánh dầy", Lang Liêu là Hoàng tử thứ 18 vào đời vua Hùng Vương thứ 6 - người đã làm tấm bánh chưng "đầu tiên" đầy ý nghĩa để dâng lên vua cha.

** Theo cách mà tôi học, bánh chưng phải nấu ít nhất 10 tiếng (5 canh giờ!)

Hy vọng bài thơ của tôi sẽ được đón nhận như là một phần minh hoạ nho nhỏ, vui vui, cho "nồi bánh chưng" của ông cụ trong bài viết của chị.
Kính chúc chị và Việt Báo cũng như toàn bộ độc giả một Tết Việt xa xứ nhưng vẫn rất "đậm", rất ấm cúng, hạnh phúc, và tràn đầy mùa xuân trong lòng.
01/02/201618:33:59
Khách
Một bài viết tuyệt vời trong những ngày mà Tết Việt đang đến bên thềm nơi xa xứ, nơi mà rất nhiều người Việt có thể... không còn cảm xúc.

"Ấy, đừng vẽ vời chê Tết nhạt, con gái ạ! Chỉ cần lòng con có mùa xuân thì Tết vẫn còn rất đậm."

Câu này hay quá! Chị đã viết đúng như lòng tôi vẫn nghĩ! Đúng là "Tết nằm ngay trong lòng khi mình đã mang quê hương đi theo."

Ngoài những phong tục rất đáng yêu của Tết Việt, tôi còn rất thích những chi tiết thú vị khi ông cụ và chàng trai "Mỹ" trao đổi với nhau về ngôn ngữ Việt phong phú của chúng ta. Rất hay!

Nhưng hơn hết là thông điệp lạc quan đầy hứa hẹn của bài viết: "Đào thất thốn nhất định đơm hoa dù xuân muộn. Xuân muộn mà bất tận!" - Cảm ơn chị thật nhiều và kính chúc chị một năm Bính Thân thật dồi dào sức khoẻ để có thể "khai bút" trong năm mới.

Một độc giả rất yêu mến chị!
01/02/201617:04:00
Khách
Một bày biện tinh thần cho tết xứ người. Dẫu chẳng thực mà ngỡ như thực. Dẫu mơ nhưng đó là điều tôi ước: bánh chưng xanh, hoa tết, quả bày, rượu nồng hâm gió lạnh. Cám ơn em Orchid cho tôi được mơ trong hiện tại. Hũ mắm treo đầu giàn được hứa hẹn ra giêng anh cưới em. Mâm cỗ tết nêm nếm vừa vặn.
01/02/201607:04:15
Khách
Không ông bà nội, ngoại nào muốn có đứa cháu khác mầu da & tiếng nói nhưng nếu mở lòng với những trái tim yêu thương chân thành thì chính mình cũng sẽ nhận được niềm hạnh phúc vô biên và như tác giả nhắn nhủ, những cây đào thất thốn tuy nở muộn nhưng thường thì trường cửu, bất tận. Văn của Orchid lúc nào cũng bàng bạc thương yêu & nhân bản. Chúc Orchid Thanh Hương luôn mạnh khỏe & an lạc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,679,638
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến