Hôm nay,  

Phố Cầu Đỏ

04/01/201600:00:00(Xem: 12907)
Tác giả: Huyền Thoại Thịnh Hương
Bài số 3716-17-30216vb2010416

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California.

***

Chiều nay tôi xuống downtown.  Thay vì đáp xe Muni để đi Union Square, khu shopping lớn và sang nhất tại thành phố du lịch này, tôi quyết định đi bộ. Trời vừa sang thu, nắng chiều còn le lói trên vòm tháp của tòa thị chính. Tôi thích đi bộ trong không khí lành lạnh sau một ngày gù lưng cắm cổ trên keyboard và dán mắt vào màn hình computer.

Đối với tôi, hai mươi phút đi bộ từ Civic Center tới Union Square chẳng có gì đáng sợ, nhưng với du khách thì đây là đoạn đường cần phải tránh, như họ đã tránh những khu nghèo gần ga xe lửa bên Paris, bên Rome. Khúc đường này dài khoảng năm blocks, đầy các sắc dân vô gia cư lê la ngày và đêm. Họ ăn uống, xả rác và vệ sinh ngay trên lề đường, dù khu vực này cũng có tiệm ăn, tiệm tạp hóa và vài văn phòng nha sĩ, bác sĩ. Các chủ nhân thương mại này chắc không còn chọn lựa nào khác. Họ có khách hàng quen thuộc từ lâu nên chẳng thể nhổ rễ.

Từ ngày tôi đến cư ngụ tại thành phố này, đã có mấy đời thị trưởng, từ Frank Jordan, Willlie Brown, Gavin Newsome cho đến Ed Lee bây giờ, bao nhiêu nỗ lực đã được đem ra thử nghiệm để giải quyết nạn "homeless”  mà đâu vẫn còn đó. Caí mụn nhọt ngay trên trán của thành phố chữa mãi không khỏi. Tôi rất ngượng ngùng khi các xe tour đậu trong quảng trường giưã hai toà nhà Thư  Viện Thành Phố và Viện Bảo Tàng Á Châu cho du khách chụp hình và mua đồ lưu niệm trong khu United Nations. Mấy ngài thị trưởng bị bó tay bởi nhiều thứ luật, bởi nhiều hoạt động xã hội của  một thành phố mệnh danh “sanctuary city", nơi trú ẩn an toàn cho người di dân không hợp lệ  Cứ sau vài đợt ruồng bố, đâu vẫn hoàn đó. Tội nghiệp cho bọn tôi, mỗi sáng đến sở cứ phải vừa đi vừa nhìn xuống chân kẻo đạp ... mìn của chó và người. Nhiều người “homeless” nuôi chó nuôi mèo cho có bạn hủ hỉ.

Trên đường Geary, qua khỏi góc Taylor là một thế giới  khác của San Francisco. Từ đây trở đi là những khách sạn bốn, năm sao nằm san sát phục vụ khách du lịch, chen giữa các nhà hàng, các bar rượu hào nhoáng và các cửa hàng thời trang không khác gì Milan, Paris. Chỉ cần băng qua một con đường, bước qua một góc phố là từ địa ngục bay ngay qua thiên đường.

Dẫu vậy tôi vẫn luôn gắn bó với thành phố này. Tôi đã ra đi và đã trở lại. Những hôm trời hè vắng gió tôi một mình xuống phố leo lên cable car như một du khách để nhấp nhô lên xuống những con dốc dựng đứng chóng mặt, những con dốc như sóng đời dồn dập mang du khách tới khu Pier 39 huyên náo rộn ràng. Từ Pier 39 tôi đi bộ vòng về đường Market dọc theo đường Embarcadero với những cầu tầu cho đủ loại du thuyền, với nhà hàng Slanted Door nơi món ăn Việt được chế biến cho khách thập phương nhiều tiền. Đến Market đã mỏi chân, tôi vào khách sạn Hyatt lên tầng thượng ngồi nhà hàng Equinox nhâm nhi ly rượu chát.

Trục quay 360 độ của nhà hàng từ từ di chuyển, cho thực khách chiêm ngưỡng toàn cảnh  thành phố từ Nam qua Bắc, từ Đông sang Tây. Những hôm trời nhiều sương mù, từ chỗ này, tôi thấy cầu Bay Bridge uốn mình như rắn, lượn qua đảo nhỏ Treasure Island để  trườn vào Đông Vịnh. Đỉnh cao của cây cầu Golden Gate nhô lên giữa màn bông trắng xóa , mờ mờ ảo ảo như một bức tranh thủy mạc. Tôi cũng từng leo lên xe tour bus đóng vai khách vãng lai. Ngồi trên tầng hai của xe “double decker" tôi thích thú nhìn thành phố thay đổi xiêm y, từ lộng lẫy sang cả cho đến tả tơi dơ bẩn. Nếu lái xe tôi không thế thưởng thức được những góc cạnh luôn biến chuyển của thành phố này, vì cứ phải đánh vật với giòng  xe cộ rối rít như khung cửi. Thỉnh thoảng có khách từ xa đến thăm tôi chở họ lên đỉnh Marin Headlands để được nhìn thành phố và các vùng phụ cận trải daì như trong một tấm hình chụp  “panoramic". Nhiều người xuýt xoa khen, “Không đi cable cars, không lên Marin Headlands thì chưa đến San Franccisco”.

Hôm nay tôi đến tiệm Barneys. Phải nói ngay, tôi không có đủ điều kiện để mua sắm gì ở cái cửa tiệm “high end" này. Một hôm, do tò mò, tôi “đóng bộ” tươm tất rồi vô đây nhìn ngó. Thấy một chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay kiểu dáng đơn giản, không có gì cầu kỳ khó may. tôi cầm bảng giá lên coi. Tôi muốn kêu trời. Năm trăm đô. Chóng mặt. Hàng hóa ở đây chắc chỉ bán cho các đại gia Google, các chủ nhân “đót com" hay ngân hàng đầu tư. Nhưng có vài thứ tôi có thể mua được. Đó là mỹ phẩm, và nước hoa. Ở đây, các loại hàng này bán cùng giá  với Macy's, Neiman Marcus và Nordstrom. Tuy nhiên họ có nhiều mặt hàng tuyển chọn hơn, vì các nhà sản xuất dành đặc quyền phát hành trong mấy năm đầu trước khi tung qua mấy cửa hàng kia.

Hôm nay tôi đem trả lại một món tôi mua cách nay hai tuần, chai nước hoa Carnel Flower. Hai năm trước đi chơi bên Pháp, tôi ghé cửa hàng Boutique của Frederick Malle tại Paris để mua chai En Passant. Tại đây, anh bán hàng giới thiệu cho tôi một mùi hương mới, đang rất thịnh hành bên Âu Châu lúc đó. Đó là mùi Carnal Flower. Carnal Flower được bào chế từ tinh dầu hoa huệ, một mùi thơm rất nồng nàn, quyển rũ. Mùi hương khơi dậy trong tôi những kỷ niệm thời niên thiếu bên quê nhà, với những luống hoa huệ trong khu vườn mẹ tôi chăm chút tỉ mỉ ân cần. Về lại San Francisco, thấy Barneys có mặt hàng này, tôi vội đến mua. Ai ngờ, mùi hương mà tôi “fall in love” với lại là mùi hương mà “cái nửa kia của tôi" chẳng mặn mà. Anh bán hàng mặc đồ vest, thắt cà cạt đàng hòang như đi tiệc, nhã nhặn bảo tôi:

- Rất tiếc là chúng tôi không nhận lại những món hàng khách đã xài rồi.

Tôi trợn mắt, ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao?  Tôi vẫn thường trả và đổi hàng hoá mà có bao giờ gặp trở ngại gì đâu?

- Tôi hiểu, nhưng Barneys có một luật lệ khác. Tôi rất tiếc.

- Không ai bảo tôi điều này khi tôi mua hàng. Nếu không trả lại được, tôi có thể đổi lấy thứ khác chứ?

- Dạ không, thưa bà. Như tôi đã nói, chúng tôi không lấy lại hàng xài rồi.

- Không xài thì làm sao biết mình có hạp hay không?

- Dạ, chúng tôi có hàng cho thử trước khi mua.

- Thử ở tiệm làm sao mà biết chắc?  Xịt xịt trên tay có chút xíu. À, mà này, sao tôi không thấy một  yết thị nào ở đây cho khách hàng biết là hàng miễn trả đổi sau khi mở?

- Bà có biên nhận không?

- Tất nhiên là có.

Tôi trao cho anh ta tờ biên nhận. Anh ta lật mặt sau tờ giấy, chỉ vào những giòng chữ li ti rồi nói:

- Dạ, đây là chỉ dẫn.

- Trời, bố ai mà mất công lật ngược cái biên lai lên mà đọc những hàng chữ như hạt bụi thế này?  Tôi không đồng ý. Cái này Barneys xử không đúng, nếu không muốn nói là lập lờ. Cậu cho tôi nói chuyến với quản lý của cậu . Tôi  chỉ góp ý kiến, và có lẽ sẽ không trở lại mua hàng ở đây nữa.

- Quản lý khu mỹ phẩm nghỉ ngày hôm nay, nhưng tôi có thể gọi quản lý trực.

- Quản lý nào cũng được.

Anh bán hàng miễn cưỡng cầm điện thoại gọi cho ai đó.

Tôi đã từng bán hàng trong mấy department stores một thời gian, và thường nghe các ông bà quản lý dặn dò nhân viên đừng tranh cãi với khách hàng. “Các bạn được trả lương để tiếp khách và bán hàng. Chúng tôi được trả lương để  "take the heat". Nói theo kiểu Việt Nam mình là “lãnh đạn". Ít phút sau, anh bán hàng lại chỗ tôi ngồi, thông báo:  “Thưa bà, cô quản lý có mặt".

Tôi nhìn về hướng thang máy, thấy một thiếu phụ da trắng, tóc bạch kim cắt ngắn, khoảng chừng trên ba chục tuổi. Hình như tôi đã gặp người này đâu đó nên tôi hỏi anh:  

-  Bà ấy tên gì?

- “Dạ, tên Judith".

Tôi chợt nhớ. Ô, đúng là Judith, người bạn đồng nghiệp của tôi cách đây 15 năm tại một cửa hàng lớn. Bây giờ cô đúng là một thiếu phụ, tròn trịa hơn, cao hơn dù cô đang mang một đôi giầy năm, sáu phân. Đôi giầy rất đẹp,  rất đắt tiền. Mái tóc cô không để ngang vai như hồi xưa mà cắt ngắn ngang tai. Một kiểu tóc rất “hip", rất thời trang do các tay thợ chuyên nghiệp tại các salons danh tiếng. Lúc còn cách tôi khoảng vài mét, cô nhìn tôi bỡ ngỡ. Tôi vội lên tiếng:

- Chào Judith! Tôi là Amanda. Ngày xưa mình cùng làm việc với nhau tại cửa hàng Dior.

Cô “Ah “ một tiếng rồi chạy lại nắm tay tôi.

- Quả là một ngạc nhiên tuyệt vời!  Mừng quá.Thế nào, bây giờ chị ra sao? Dễ có đến hơn chục năm rồi?

Tôi cho cô hay tôi đang làm taị một văn phòng gần đây. Judith gật đầu, “Tuyệt. Tôi ẫn nhớ là chị không thích nghề buôn bán, một nghề có nhiều phiền toái, tranh đua. Chắc là chị mãn nguyện với công việc đang làm?“

Tôi bảo Judith tôi không mong gì hơn. Công việc thích hợp, tiền lương đủ sống. Tôi nôn nao muốn biết chuyện gia đình của cô, nên thận trọng thăm dò:
- Trevor và Daniel thế nào?  Daniel lúc này có lẽ lớn lắm rồi?  

Judith cho hay, vợ chồng cô dọn đi New York một thời gian vì hội thánh điều anh tới đó thi hành truyền giáo. Cô tiếp tục vừa học vừa làm, đã lấy được một master degree ngành điều hành thương maĩ. Vừa có bằng, cô được Barneys tuyển chọn và dọn về San Francisco với cương vị  một manager.


Trevor cũng xin trở về và đang phục vụ tại một tỉnh lân cận. Daniel học lớp mười. “Đáng lẽ nó phải học lớp mười một mới đúng, nhưng bọn tôi cứ di chuyển hoài".

Judith cho tôi hay tuy New York rút ngắn thời gian cô bay về thăm nhà hơn, nhưng cô chọn San Francisco vì “Trevor có gốc rễ ở đây".

Xong phần hội ngộ, Judith quay lại làm bà chủ. Cô ra lệnh cho anh bán hàng trả lại tiền cho tôi, vì cho đây là lỗi của tiệm, không cung cấp thông tin rõ ràng cho khách hàng. Trước khi đi, Judith đưa tôi một tấm danh thiếp và dặn tôi gọi cô để cùng đi ăn trưa một ngày nào thuận tiện.

Trên đường về, tôi suy nghĩ mãi về Judith và lấy làm hổ thẹn cho những suy nghĩ nông cạn, hẹp hòi của tôi về cô trước đây. Hồi đó, tôi đứng bán hàng tại quầy mỹ phẩm Dior trong thời gian chờ đợi việc làm thích hợp. Công việc chẳng có gì vất vả nhưng phải đứng tám, chín tiếng mỗi ngày là một điều tôi phải cố chịu đựng. Ngoài ra, còn phải làm nhiều "shift" khác nhau, khi thì sáng, lúc lại chiều nên cũng khó sắp xếp sinh hoạt của đời sống cá nhân. Đồng tiền liền bát gạo nên tôi ráng chờ thời trong cái không gian sang cả và ngào ngạt mùi hương của khu bán mỹ phẩm. Chúng tôi được trả lương giờ ngoài tiền hoa hồng, 4% trên tổng số tiền mình bán hằng tuần. Hãng mỹ phẩm Dior trả “commission" cho tuị tôi “xộp" hơn mấy hãng  khác vì giá thành của sản phẩm họ cao gơn, nổi tiếng hơn. Lương giờ của tôi lúc đó khá bảnh, khoảng trên mười đồng một giờ, tương đối khá cao so với thời điểm đó.

    Quầy Dior chỉ có bốn nhân viên nữ làm toàn thời gian và một anh thanh niên làm bán thời gian vào buổi trưa . Buổi tối anh ta làm trong một bar dành cho người đồng tính ở khu Castro. Có anh ta đứng ẹo qua ẹo lại nói chuyện nhiều khi cũng vui. Những ngày Dior có “free gifts”  bọn tôi vất vả, tối tăm mặt mũi vì số lượng khách đông đảo vào giờ nghỉ trưa của các văn phòng chung quanh. Để khách không phải chờ lâu, các managers yêu cầu nhân viên mấy quầy bên cạnh qua bán phụ. Tất nhiên họ hân hoan đáp ứng, vì sẽ được thêm tiền “commission" của Dior. Không phải là người của Dior, không thuộc các ngăn trữ hàng rất thứ tự của chúng tôi, thế là đám “kên kên" cứ lục tung các ngăn để tìm món hàng họ cần bán. Họ bán và hưởng tiền hoa hồng mà bọn tôi cắm đầu cắm cổ dọn dẹp sau khi họ xong việc. Để giải quyết tình trạng thiếu nhân viên đó, Dior thỏa thuận mướn thêm một nhân viên cho quầy. Đó là Judith. Cô khoảng mười chín, hai mươi, dáng người nhỏ nhắn, mềm mại. Mái tóc  cô mầu bạch kim để xoã ngang vai, ôm gọn gương mặt hơi vuông với làn da trắng như men. Mũi cô thon và ngay ngắn. Tóm lại, đó là một sắc đẹp hoàn hảo.

Cô còn trẻ nhưng đeo nhẫn của người có chồng, một điều khá sớm với một phụ nữ có sắc đẹp như cô. Vài tuần lễ sau, chúng tôi lại biết thêm một điều nữa về nàng tiên tóc trắng này:  cô có một tánh nóng thần sầu.  Đôi mắt vốn dĩ sáng long lanh, nhưng khi tức giận điều gì thì lửa trong mắt cô loé lên, vẻ dữ dằn thấp thoáng dưới hàng mi cong vút. Những lúc đó tôi giật mình, tự hỏi làm sao lại có một vẻ đe dọa như vậy từ một sắc đẹp hiếm có thế kia?        

Qua những câu chuyện hằng ngày, tôi biết cô là người Đức đang du học. Khi tôi chỉ vào ngón tay đeo nhẫn của cô, cô bảo cô đã lập gia đình với một người Mỹ. Cô lại “xì” một quả “bom" nữa, là cô mới có một đứa con trai ba tháng tuổi. Sau lưng cô, tụi tôi xầm xì bàn tán bán dưa lê. Phải chăng cái “greencard" của Mỹ Quốc khiến cô phải phải lấy chồng và có con sớm?  Hay đứa con là lý do  cô phải có chồng?  Chúng tôi suy nghĩ rập khuôn,  cho đó là việc thường tình, và tò mò muốn biết chồng cô có cân xứng với sắc đẹp của cô hay không. Và dịp đó đã đến.

Một hôm trong lúc Judith đi nghỉ “break", tôi đứng quầy. Thấy có một thanh niên da đen tiến đến, mắt dáo dác kiếm tìm. Đến trước mặt tôi, anh hỏi:

- Xin lỗi cô, có Judith ở đây không?

- Cô ấy đang nghỉ break.

Anh ta lúng túng:

- Ừm, tôi tên Trevor, chồng cô ấy. Cô làm ơn nhắn lại cho vợ tôi hay là chiều nay tôi không ra bến BART để đón cô được vì tôi phải đi công tác gấp. Nhưng mẹ tôi sẽ đến nhà trẻ để đón Daniel. Judith cứ đi taxi về thẳng nhà.

- Tất nhiên tôi sẽ nói lại. Anh không thể chờ gặp Judith được sao?

- Dạ không, tôi gấp lắm. Người ta đang đậu xe chờ tôi ngoài kia. Xin cám ơn và nhờ cô nhắn dùm.

Nói xong anh vội vàng đi. Còn tôi, tôi như người trên cung trăng rớt xuống vì quá bất ngờ. Chồng cô tiên trắng là một người da đen, chẳng những rất đen mà còn quá xấu. Trán dồ, mũi bẹp, khổ người gầy gò, kham khổ. Dung mạo anh có vẻ dữ dằn nhưng trái lại, đôi mắt anh ta thoát ra vẻ hiền từ, thánh thiện một cách lạ thường. Tia nhìn từ đôi mắt đó làm người đối diện an tâm.

Khi Judith trở lại, tôi báo tin thì cô nàng có vẻ bực tức. Không biết tức vì không có người đón hay tức vì anh chồng lộ diện không đúng lúc?   Buổi chiều, Judith tan “ca" lúc năm giờ, Elaine đến thay. Tôi kể cho cô về chuyện Trevor. Hai đứa tôi cùng băn khoăn. Như thế thì sao nhỉ?  Chồng Edith không đẹp, lại chẳng giầu. Lý do gì nàng lấy một người chồng không tương xứng mà cũng chẳng đủ sức bảo bọc để nàng khỏi vừa nuôi con vừa đi làm, đi học?  Nếu chỉ vì cái thẻ xanh thì với nhan sắc tuyệt vời của mình, Judith đâu có khó khăn gì để tìm cho mình được một anh chồng nếu nghèo thì cũng bảnh trai . Với lối suy nghĩ nông cạn, tôi và Elaine bảo nhau, điêụ này không biết họ ở với nhau bao lâu?  Vài năm là nhiều!

Dần dần Judith cởi mở hơn. Cô tâm sự, cô gặp Trevor tại một lớp dạy kinh thánh trong nhà thờ gần chỗ cô ở trọ. Cô kết hôn với anh Trevor vì nể phục. Trevor là hiện thân của sự cần lao, chứ không như hình ảnh của những người Mỹ đen thích bạo hành thường thấy trên TV, báo chí. Anh hay đi làm từ thiện và ao ước trở thành một mục sư  với hoài vọng lôi kéo đám thanh niên da mầu đang sa đoạ trong các băng đảng. Trevor đã tình nguyện làm giấy hôn thú để cô được tiếp tục ở lại Mỹ học hành khi visa cúa cô hết hạn. Anh không hề đòi hỏi cô trao thân cho anh. Anh phục vụ cô như tên nô lệ phục vụ chủ nhân. Anh biết caí tánh nóng nảy sấm sét của cô, nhưng anh yêu cô mù loà. Anh không yêu cô vì làn da của cô, hay vì cô làm anh thêm giá trị trong cộng đồng của anh dù cũng có những lời chế nhạo đâu đó sau lưng. Anh yêu, chỉ đơn giản là vì anh yêu. Cho mãi đến một đêm cô kéo anh lên giường cho nằm chung.

Họ ở  với bà mẹ của anh. Bây giờ cô đi làm để chia xẻ với chồng những tốn kém không nhỏ  phát sinh từ ngày đứa con ra đời.

Mấy tháng sau, một chuyện xảy ra làm tôi thấy thêm một tính khí khác người của Judith.  

Quầy bên cạnh có một cô nhân viên gốc Ấn Độ rất đẹp gái. Da cô nâu hồng như mật ong, gương mặt trái xoan, cặp mắt to đen như hai hột nhãn. Một vẻ đẹp huyền bí và một thân hình dong dỏng cao. Cô sang Mỹ vì lấy chồng do cha mẹ hai bên dàn xếp, goị là “arranged marriage". Cô không yêu người đàn ông cô gọi là chồng,  nhưng vì muốn trả hiếu cho cha mẹ nên cô không dám cưỡng lệnh. Cha mẹ cô mắc nợ người ta.

Cô này hay chuyện trò thân thiết với Judith. Một hôm cô đến làm với gương mặt buồn bã, ít nói hơn mọi khi. Trên cần cổ cô có vài vết bầm. Lúc vắng khách, Judith chạy sang hỏi chuyện. Hai cô to nhỏ một lúc. Trong khi cô Ấn ủ rũ, thì Judith có vẻ giận dữ. Buổi trưa, hai người dẫn nhau đi ăn trưa ngoài tiệm. Lát sau tôi được biết cảnh sát đã tới chở cô Ấn Độ theo họ. Vừa lúc đó Judith trở lại làm việc. Tôi ?đang định hỏi  việc gì xảy ra, thì Judith tức tối nói:

- Mẹ kiếp, tôi cho thằng chó đi tù.

- Hả, Trevor đi tù?  Sao mà ra nông nỗi?

- Không, không phải Trevor . Đó là thằng chồng con nhỏ Ấn.

- Chuyện lớn lắm hả?  Nói rõ nghe coi. Sao mà bất ngờ thế?

- Thằng khốn nạn bạo dâm vợ nó, nó cắn xé đánh đập con vợ nó hằng đêm. Con nhỏ cô thân độc mã ở đây, cóc dám phản ứng, cứ phải nín thinh làm nô lệ cho thằng chồng. Tôi bảo nó bỏ mà nó không nghe. Hồi nãy nó dẫn tôi vào toilet cho tôi coi thân thể bét be của nó, tôi sùng quá nên kêu cảnh sát báo cáo. Bây giờ người ta đem con nhỏ tới trung tâm bảo vệ phụ nữ bị ngược đãi. Thế nào rồi thằng đó cũng đi tù.

Cô Ấn Độ được hội bảo vệ phụ nữ giới thiệu cho một luật sư pro bono để tiến hành việc ly dị. Sau đó cô di chuyển qua một tiểu bang khác để rũ bỏ mọi dấu vết kinh hoàng của một cuộc hôn nhân tồi tệ . Judith bảo tôi hai cô nhận nhau làm chị em kết nghĩa.

Làm chung với Judith khoảng hơn một năm thì tôi xin  được việc làm mong ước. Hai năm sau tôi nghe tin cô theo chồng đi New York.

Và giờ đây, cô đã trở về. Vẫn đẹp. Vẫn sắt son bên người chồng dị chủng. Cô trở về vì chồng cô “có gốc rễ ở đây". Chỉ một câu nói ngắn ngủi Judith đã nóí với tôi rất nhiều về một tình yêu cao quý mà tôi đã lỡ nghi ngở.

Cũng như tôi, tôi luôn sắt son với thành phố mà tôi trìu mến đặt tên là “Phố Cầu Đỏ”.

Huyền Thoại Thịnh Hương

Ý kiến bạn đọc
05/01/201603:44:43
Khách
Hi Barbara,
Department stores have different HR policies. I think Macy's would be your best chance. Good luck with your job hunting.
04/01/201618:36:08
Khách
cau chuyen ngan nhung ma hay. Mong ban dong gop cho Vietbao nhieu mau chuyen hay nua nhe
04/01/201615:31:01
Khách
Thank you sister for sharing beautiful story. I am du hoc sinh too and i love to find a saleman job there while i am not in school. Do you know if they hire student?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008, đã góp nhiều bài viết giá trị, từng nhận giải đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
Như mọi năm, báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018 đã bán hết, ngay trước tết, đã phải dành dụm kỹ mới giữ lại được một số lượng nhỏ cho hai hội chợ Tết. Sau đây, thêm một bài Viết Về Nước Mỹ được trích từ báo xuân. Tác giả là cư dân Paris, bà tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, năm 2011, và nhận giải chung kết Vinh Danh Tác Giả VVNM. Với cách viết duyên dáng, Đoàn Thị là một trong những cây bút được nhiều độc giả yêu mến.
Tác giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, nguyên là một chuyên viên quốc tế của USAID về hưu, đang cư trú tại Orange County. TG gia nhập chương trình VVNM từ năm 2015, được chấm giải Danh Dự 2016 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2017.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuiất 2018.
Lá thư nầy em viết từ năm mươi năm trước, khi anh đang đóng quân ở Bình Dương, mà rồi chuyện nầy chuyện nọ khiến thư chưa gởi
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và UC Riverside (SEATRIP) xuấn bản trong năm 2017.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả có nhiều bài viết đạt số lượng người đọc, trên dưới một triệu.
Nhạc sĩ Cung Tiến