Hôm nay,  

Anh Đào Đà Lạt

30/12/201500:00:00(Xem: 67085)

Tác giả: Mimosa Phương Vinh
Bài số 3712-17-30212vb4123015

Tác giả từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

blank
Ngày trước, nhà này...

* * *

Nhà Trâm ở cuối con đường Phan Đình Phùng Đà Lạt, ngôi nhà bé nhỏ cổ kính có hai cây anh đào trước cổng. Những cây anh đào thường trổ hoa hồng thắm mỗi độ đông về và cho đến khi xuân ngập ngừng trước ngõ hoa vẫn thắp sáng một góc phố làm người qua lại ai cũng tấm tắc ngợi khen.

Một mùa đông buồn khi đất nước rơi vào cơn biến động, ngôi nhà ngói cũ đơn lẻ ở dãy phố rộn rịp người qua lại cô đơn hơn bao giờ cả. Các anh lớn nhỏ vào các trại tù, người ra Bắc kẻ trong Nam. Các chị người có chồng về Sàigòn, người vượt biên kẹt trong trại tỵ nạn, chỉ còn Trâm là gái út trong nhà với chị Hai và vài đứa cháu nhỏ mà các chị dâu đã gởi lại nhà để bôn ba vào cuộc bán mua may rủi trong xã hội mới hòng kiếm tiền thăm nuôi chồng và nuôi con thơ dại.

Chị Hai là chị đầu chưa bao giờ lấy chồng, từ khi cha mẹ mất chị hy sinh ở vậy nuôi các em. Ai cũng tưởng chị Hai là mẹ Trâm vì chị cả và em út cách nhau hơn hai mươi năm. Chị Hai được xem như là mẹ của tất cả anh chị em Trâm, chị hiền từ đôn hậu lo lắng cho các em chu tất trong ngoài, chị có cửa hàng tạp hóa ngoài chợ nên đời sống gia đình Trâm cũng đạm bạc qua ngày trong thời buổi gạo châu củi quế.

Trâm bỏ học lúc vừa hai mươi tuổi khi đất nước bị người ta giải phóng, ngôi trường Đại Học Đà Lạt nên thơ cũng không còn giữ được chân người thiếu nữ ưa mơ mộng mang trong người dòng máu hoàng tộc xa xưa. Cô xếp lại những chiếc áo dài hoa, những bộ cánh tây phương khoát vào người chiếc quần đen, cái áo len màu u tối để tiếp nhận đời sống mới mà cô không có cơ hội từ chối. Họ hả hê khi thấy những người như cô không còn hơn được họ, bởi họ đã mù lòa, bị bần cùng hóa qua nhiều năm tháng trong bức tường sắt mà vẫn giả vờ xem đó là một điều đáng hãnh diện, đáng được ca tụng như một mẫu mực cho mọi người phải noi theo. Cô theo bạn bè vào tổ hợp thêu đan để họ bóc lột sức lao động tận xương tủy nhưng vẫn còn hơn là không làm gì để bị lôi đầu ra đấu tố trong những buổi họp dân phố ban đêm như một thứ tàn dư của Mỹ Ngụy.

Chị Hai không lấy chồng nhưng luôn luôn khuyên Trâm không được ở vậy, sống vật vờ theo ngày tháng buồn nản thực sự Trâm cũng không quen biết ai chứ đừng nói đến chuyện chồng con. Bạn của các anh giờ ở trong tù chẳng hẹn ngày ra, bạn bè thuở đi học tứ tán khắp nơi hay bỏ thây trên biển cả vì những cuộc vượt biên hãi hùng sóng gió.

Đà Lạt thơ mộng đã thay đổi, đã điêu tàn quá rồi. Giọng ca tài tử trữ tình của Tôn Thất Niệm với Chiều Vàng một thời đã đi vào quên lãng. Hội chợ mùa Đông trên đồi Domaine de Maria đã trở thành kỷ niệm và y phục mùa đông màu rêu của những sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia trong ngày chủ nhật cũng biến mất trên quảng trường Hòa Bình như một thuở huy hoàng không còn tìm thấy nữa. Đà Lạt bây giờ thất thểu những con người mặt mày hốc hác như những bóng ma trong cuộc chạy đua theo cơm gạo. Những khu rừng thông hình như chẳng còn ai rảnh rỗi đi dạo ngoài vài ba kẻ nặng trĩu búa riều lén lút chặt cây đem về chụm để luộc chín nồi khoai, hay nồi bo bo mà ở các nước khác họ dùng để nuôi gia súc. Xã hội mới nó như thế đấy khi Trâm vửa tròn hai mươi tuổi.

Tuy nhiên những cây anh đào trước nhà Trâm thì vẫn thản nhiên xanh tươi hay trổ hoa kết trái với bốn mùa xuân hạ thu đông trong thành phố nhỏ bé dễ thương này. Hoa không tủi nhục, đau buồn vì hoa là loài thực vật vô tư, hoa không biết đói, không phải nghe hay thấy điều chướng tai gai mắt. Có nhiều lần Trâm ước ao mình hóa thân thành cây hoa anh đào thì hạnh phúc biết bao!

Một buổi sáng còn nằm trong chăn Trâm nghe chị Hai gọi lớn:

- Trâm ơi, ra mà coi cây mai đã trổ hoa rồi!

Trâm vội tung chăn chạy ra cửa sổ và reo vui khi thấy những cành cây gầy thân thể mùa đông đã lác đác nụ hoa hồng thắm. Niềm vui ùa ập đến, Trâm say mê ngắm không chán mắt cây anh đào và hai tay ôm chéo đôi vai để cảm thấy cái lạnh nhè nhẹ của Đà Lạt tràn vào cơ thể.

Chị Hai bỗng than thở:

- Mùa đông đến rồi tội nghiệp cho mấy đứa nằm trong trại tù ngoài Bắc.

Và chị nhắc Trâm:

- Nhớ mặc áo ấm kẻo đau không có tiền mua thuốc đâu nghe Trâm.

Trâm nghe nghèn nghẹn trong lòng.

Những cây anh đào nở rộ hoa những ngày sao đó níu chân người qua đường dừng lại phút giây. Những người Đà Lạt bây giờ lam lũ, nghèo đói tay xách gô cơm co ro ngược xuôi cũng ráng ngước mắt nhìn hoa cho quên đi đôi phút đọa đầy nơi trần thế. Hoa mang màu hồng vui tươi hy vọng cho thành phố, hoa khoe sắc với loài dã quỳ vàng rực rỡ thắp sáng những cánh đồi hoang. Đó là chân dung tuyệt vời của Đà Lạt xứ ngàn hoa dập dìu tài tử giai nhân của bao ngày xưa cũ, ngày vui đã qua biết bao giờ trở lại.

Người khách lạ dừng chân nhìn lên những cây anh đào, từ xa phía xa trở về Trâm thấy anh ta thơ thẩn qua lại trước cổng nhà mình, khi trông thấy cô anh chàng giật mình trố mắt nhìn trân trối. Trâm dừng bước dưới bậc tam cấp gạch dẫn lên sân nhà hỏi:

- Thưa ông cần tìm ai đó ạ!

Người khách cuống quýt trả lời:

- Ồ không, tôi chỉ là người từ xa đến thấy cây hoa anh đào đẹp quá nên đứng nhìn mà thôi. Xin lỗi có phải cô là chủ nhà này không?

Trâm cười:

- Tôi ở đây nhưng không phải là chủ nhà, đây là nhà của cha mẹ tôi.

- À ra vậy.

Một thoáng im lặng vì hai người chẳng biết nói gì với nhau. Khách bèn lập lại rằng:

- Hoa anh đào nhà cô đẹp quá!

Trâm cũng nghe có nhiều người khen như vậy, anh chị em nhà Trâm luôn luôn tự hào về những cây mai cha mẹ trồng trước nhà mình từ ngày xa xưa nào đó.

Trâm bước lên tam cấp để vào nhà thì người khách vội nói theo:

- Tôi chưa biết tên cô.

Trâm hơi ngạc nhiên:

- Để làm chi?

- Để biết vậy mà, hoa đẹp có tên mà người đẹp chưa biết tên thì thật là một điều thiếu sót lắm.

- Ông cứ đặt cho tôi một cái tên gì cũng được, hơn nữa tôi nghĩ là mình không đẹp đâu.

- Cô khiêm nhượng quá, tôi gọi cô là Anh Đào vì cô xứng đáng để mang tên này.

Trâm cười xòa và thấy vui vui.

Ngày sau khách lại đứng thơ thẩn trước cổng nhà dưới cội hoa. Thật lạ lùng thay trong thời buổi nhiễu nhương đói kém này mà cũng còn người đàn ông lãng mạn như vậy hay sao?

Sau đôi ba ngày thì chị Hai hỏi:

- Cậu đó là ai mà cứ thơ thẩn trước nhà mình hoài vậy Trâm?

- Nghe đâu là dân du lịch từ Sàigon lên chơi thấy cây hoa anh đào nhà mình đẹp nên ngắm vậy mà.

Chị Hai nói:

- Sao không mời người ta vào nhà mà cứ đứng ngoài đường trò chuyện như vậy?

- Biết là ai mà mời vào nhà hả chị?

- Mặt mày như vậy chắc không đến nổi nào đâu!

Vậy là Trâm quen Quốc Duy. Duy là người có học và khá đứng đắn, chàng lớn hơn Trâm khoảng bốn năm tuổi và gia đình giốngTrâm vì có các anh đang đi tù cải tạo. Duy hay nói chàng không thể thích nghi được với cái xã hội này. Điều đó làm Trâm thấy gần gũi Duy hơn, hai người rất thông cảm hoàn cảnh của nhau và rất tương đắc trong những câu chuyện trao đổi dù thời gian quen biết rất ngắn ngủi trong chuyến thăm Đà Lạt của chàng. Duy cho biết có thể sẽ đi rất xa và cô biết là anh muốn nói gì (thời buổi này ai cũng ước mong làm một cuộc viễn du không hẹn ngày trở lại). Trâm thoáng buồn nhưng cô hiểu rằng giữa Duy và cô chưa có gì sâu đậm lắm, chưa hứa hẹn với nhau lâu dài thì sự gặp gỡ tình cờ giữa hai người cũng như nước trôi qua cầu mà thôi.

Rồi Duy trở về Sàigon,Trâm lại tiếp tục với ngày tháng lặng lờ trong ngôi nhà nhỏ với chị Hai, đôi khi cô thấy nhớ Duy và mơ mộng một cuộc tình nào đó nhưng Trâm vội gạt bỏ tất cả vì thấy mình quá lãng mạn, mơ mộng vu vơ mà quên đi thực tế khó khăn trước mặt. Thật là:

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không

Hai câu thơ Kiều đã diễn đạt rất đúng về sự gặp gỡ giữa Trâm và Quốc Duy trong mùa đông năm ấy.

Vài tháng sau có một người bạn của Duy ghé Đà Lạt thăm gia đình cô với lá thư ngắn ngủi của Duy cho hay chàng đi vượt biên, sống chết không biết thế nào và hứa rằng nếu còn sống sẽ có ngày tìm về thăm Trâm. Trâm khóc thầm những đêm buồn thao thức, Duy như viên sỏi nhỏ được ném xuống mặt hồ làm xao động những ngày tháng lặng lẽ của người con gái bé nhỏ trong thành phố hiền hòa này, lời hứa hẹn mơ hồ của Duy không tạo cho Trâm một hy vọng nào cả dù cô rất muốn hy vọng cho đời sống mình đỡ trống vắng hơn. Chị Hai hay thỉnh thoảng nhìn Trâm rồi thở dài ái ngại.

Cây anh đào trước nhà bao lần trổ hoa rồi tàn héo. Mỗi khi mùa đông về, hoa bắt đầu lác đác tô điểm những cành mai gầy guộc Trâm lại thấy nhớ Duy da diết nhưng tin tức chàng vẫn mù mịt bóng chim tăm cá. Các anh Trâm đã có người trở về từ nhà tù nhỏ nhưng đời sống ngày càng cơ cực thêm trong nhà tù lớn, gian hàng cùng sự buôn bán của chị Hai cũng không phát đạt được chút nào cả. Duy đã trở thành một kỷ niệm đẹp và buồn trong cuộc đời Trâm.

Mấy năm sau Trâm lấy chồng, đi về một quận lỵ còn buồn và nhỏ hơn Đà Lạt vì gia đình chồng có đất đai, vườn tược ở đó. Chồng Trâm lớn hơn cô nhiều tuổi, anh hiền lành, chăm chỉ làm ăn, gia đình chồng khá giả. Cô hay nghĩ nếu không lấy được người mình yêu thì cũng nên kiếm một tấm chồng giàu để có thể bảo bọc cho mình, để khỏi báo đời chị Hai vì chị đã khổ quá rồi hết lo cho các em lại đến các cháu. Trâm đặt tên cho con gái đầu lòng là Anh Đào và yên phận với đời sống êm đềm nơi đèo heo hút gió.

Một ngày mùa đông người khách ngày xưa trở về chốn cũ nhìn lại cây anh đào trổ hoa hồng thắm trước nhà thì hay tin người cũ đã đi theo chồng. Duy thẫn thờ nhìn hoa và nhớ lại bài thơ nổi tiếng của Thôi Hộ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Tạm dịch thoát y:

Năm xưa ngày ấy chốn này đây
Bên hoa khoe sắc má ngây hồng
Má hồng giờ biết phương nào nhỉ

Hoa vẫn cợt cười đón gió đông

Mấy chục năm sau vào một mùa xuân trên đất Mỹ nhân dịp đi dự buổi văn nghệ cộng đồng cùng vợ Quốc Duy bỗng giật mình khi bắt gặp một người phụ nữ khá trẻ được giới thiệu lên sân khấu để hát giúp vui trong chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn. Duy giật mình bởi vì người đó chính là Trâm. Trâm bây giờ mang tên là Anh Đào và cô hát lại bài Tạ Từ của Tô Vũ mà ngày xưa đã có lần Duy đã được hân hạnh thưởng thức:

- Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh gió dâng khúc đàn thanh bình, ta đi tìm thơ muôn phương gót in núi rừng thâm u và lướt trên muôn trùng sóng. Lời em thầm ước khi nao, dưới trăng giữa mùa hoa đào, trong em dư âm còn vang tiếng đồng, lầu chiều còn nhuốm ánh hồng, lầu xây trong không sóng gió rót chia ly.. Tình ta như thông đầu non vời cao trông mây buồn đứng muôn kiếp cô liêu ngàn năm còn reo.

Vẫn là giọng ca cao vút thánh thót ngày nào, vẫn là mái tóc dài ôm khuôn mặt trái soan trên thân hình thanh thoát của Trâm xưa. Duy như chết lịm trong cái quá khứ êm ái ngày nào, một nỗi đau thấm thía dày xéo trong tâm hồn và khi bài hát chấm dứt người ca sĩ cúi đầu chào trong tiếng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt của khán giả chàng vẫn còn sững sờ như người nửa say, nửa tỉnh.

Người đàn bà trẻ trở lại chiếc bàn gần chỗ của vợ chồng Duy ngồi, một người đàn ông khoảng hơn ba mươi tuổi nắm lấy bàn tay cô hình như để nói một lời khen tặng nào đó. Duy vẫn nhìn người thiếu phụ trân trối và có một động lực vô hình xui khiến chàng muốn đứng dậy tiến về phía Trâm, về phía người con gái của Đà Lạt thuở nào đã gieo vào lòng Duy quá nhiều kỷ niệm và những kỷ niệm ấy thỉnh thoảng vẫn trở về hành hạ chàng dù bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu và mái tóc người đàn ông giờ đã điểm bạc, thân thể đã hao gầy vì nợ áo cơm của kiếp phù sinh. Trước mặt Duy bây giờ chỉ còn hình ảnh của Trâm với vô vàn nhung nhớ, một bóng hình lãng đãng khói sương mà tầm tay chàng hình như không bao giờ vói tới dù Trâm chỉ là một người con gái rất dung dị, dễ thương trong ngôi nhà nhỏ của thành phố năm xưa.

Vợ Duy bỗng kéo chàng về thực tế:

- Anh sao vậy?

Rồi nàng nhìn về phía người phụ nữ tên Anh Đào hỏi:

- Một người quen chăng?

Duy ngơ ngác hỏi lại:

- Người quen nào?

- Thì cô Anh Đào vừa hát bài Tạ Từ của Tô Vũ mà anh rất ưa thích đó!

Duy như thoát ra từ một giấc mơ:

- Cô ấy trông rất quen em ạ!

Vợ Duy cười giòn và nói đùa thêm:

- Em lại nghĩ cô ta còn rất trẻ mà sao mà anh quen được cơ chứ, anh quen mẹ cô ta thì đúng hơn.

Duy nhìn vợ trân trối rồi hai tay ôm mặt lắc đầu:

- Em nói đúng, anh thật là lẩn thẩn cô ta chỉ đáng tuổi con cái mình.

Rồi Duy lại ngồi thừ ra đầu óc miên man nghĩ về người đàn bà trẻ đó. Phải rồi, cô ta có thể là con gái của Trâm vì cô mang tên Anh Đào một cái tên nghe rất Đà Lạt. Cô ta lại hát bài Tạ Từ của Tô Vũ, một bài hát Duy đã nghe Trâm hát ngày xưa hơn nữa đâu có người nào mà giống nhau như hai giọt nước trừ trường hợp có họ hàng thân thích với nhau mà thôi!

Duy xin phép vợ vài phút đến bàn cô gái để hỏi chuyện. Ban đầu cô hơi ngạc nhiên một chút nhưng sau đó vui vẻ trò chuyện cùng chàng, Duy khen cô hát hay và hỏi có phải đã từng ở Đà Lạt không vì cô mang tên Anh Đào. Cô trả lời:

- Gia đình mẹ cháu ở Đà Lạt nhưng cháu lớn lên ở trị trấn Trại Mát vì cha cháu có đất đai, vườn tược ở đó.

- Cháu qua đây năm nào và đi theo diện nào vậy?

- Dạ cháu qua được bảy tám năm rồi theo diện hôn nhân.

Cô chỉ người đàn ông trẻ ngồi kế bên giới thiệu:

- Thưa đây là anh Khiêm ông xã cháu.

Duy bắt tay Khiêm rồi thu hết can đảm để hỏi câu mà chàng muốn biết:

- Chú thấy cháu rất giống một người quen xưa ở Đà lạt. Còn cha mẹ cháu ra sao?

- Người quen chú là ai vậy?

Thấy Duy im lặng Anh Đào nói tiếp:

- Cháu đã bảo lãnh cho cha mẹ qua đây gần ba năm nay nhưng cha cháu đã qua đời năm ngoái rồi chú ạ!

Giọng Duy run run:

- Còn mẹ thì sao?

- Mẹ ở nhà trông cháu nhỏ vì hai vợ chồng cháu đều đi làm, mẹ sáu mươi tuổi rồi lại qua Mỹ hơi trễ nải nên cũng khó có việc làm. Hơn nữa mẹ cũng già rồi nên tụi cháu cũng không thích mẹ phải bon chen với đời làm chi.

Duy lặng thinh và Anh Đào tiếp tục kể lể:

- Mẹ vẫn tiếc là phải chi qua Mỹ sớm hơn một chút nhưng tại số mẹ cháu như thế chú ạ!

Duy nghe lòng mình tê tái và tự hỏi có đúng người đàn bà ấy là Trâm không. Chàng không dám hỏi thẳng Anh Đào vì có điều gì đó ngăn cản Duy lại và khi tiếp chuyện với Anh Đào, Duy có thể khẳng định đó là hiện thân của người con gái năm xưa. Cũng những câu nói chậm rãi với giọng điệu nhỏ nhẹ, dịu dàng, cũng những cử chỉ khiêm cung và đôi môi luôn điểm nụ cười, nhất là đôi mắt đen lay láy với lối nhìn thật dễ thương, chân thật.

Trong khi Duy đang ở trong trạng thái vô cùng bối rối chẳng biết nói gì thêm thì có một người nào đó đi ngang qua vỗ vai Duy nói thật to:

- Sao ngồi đây mà không lên hát giúp vui hả ông Quốc Duy?

Duy lắc đầu:

- Hôm nay mình ho tiếng khàn lắm hát sao được.

Không ngờ sau câu nói vô tình của người đó bỗng làm Anh Đào tròn xoe mắt nhìn Duy một cách lạ lùng pha đôi chút ngạc nhiên:

- Chú tên là Duy à? Chú có phải là Phạm Quốc Duy hồi xưa ở Saìgon không?

Duy giật mình:

- Phải, sao cháu biết họ chú?

Anh Đào la lên:

- Cháu hay nghe mẹ nhắc tên chú, mẹ cháu là Trâm ở đường Phan Đình Phùng Đà Lạt, nhà có hai cây anh đào đó. Thôi cháu hiểu ra rồi hèn chi chú nói là cháu giống người quen xưa, chú còn nhớ mẹ cháu phải không, trái đất quá tròn chú nhỉ?

Duy gượng gạo cười bởi những câu hỏi tới tấp của Anh Đào.

- Nhớ chứ, chú luôn luôn nhớ Trâm. Không ngờ gặp cháu ở đây, vừa nhìn thấy cháu chú đã ngờ ngợ sao đó. Cháu giống mẹ như khuôn đúc từ khuôn mặt đến dáng vóc và ngay giọng nói nữa.

Anh Đào trầm giọng:

- Ai cũng nói cháu giống mẹ nhưng đời sống hai người lại không giống nhau chút nào cả. Số mẹ khổ lắm chú ạ! Có lẽ chú đã biết mẹ mồ côi sống với dì Hai, mẹ là một thiếu nữ có học vừa lớn lên đất nước thay đổi phải bỏ trường bỏ lớp, đang ở phố thị Đà Lạt khi lấy chồng phải về một thị trấn buồn thiu để trông nom vườn tược với cha. Mẹ muốn đi Mỹ từ khi còn trẻ mà đâu có được, mẹ luôn luôn mong muốn trở lại trường cho việc học dở dang ngày trước. Khi lấy chồng thì cha rất tốt nhưng bà nội khó khăn quá, cha lại là con một nên bao lần được anh chị bảo lãnh đi Mỹ mà cha mẹ đâu thể nào dứt áo ra đi. Âu cũng là số phận.

Những lời nói của Anh Đào càng làm cho Duy thấy xót xa làm sao. Duy cảm thấy mình có một phần lỗi nào trong đời sống nhọc nhằn, cơ cực của Trâm, nhất là khi Anh Đào cho biết Khiêm chồng cô là người yêu khi họ còn ở Việt Nam. Khiêm được gia đình bảo lãnh qua Mỹ trước và anh ta đã ráng học hành, kiếm được việc làm để mấy năm sau về cưới Anh Đào đem qua đây. Duy vẫn biết rằng thời gian chàng đi cách nay hơn ba mươi năm có nhiều khó khăn hơn bây giờ trong vấn đề thư từ qua lại, chàng lại một mình lưu lạc xứ người, phải tự lực cánh sinh chứ đâu có gia đình giúp đỡ. Xa mặt cách lòng đâu phải là một điều xa lạ. Ngày nay qua email người ta có thể biết tin nhau từng giờ từng phút còn thời của Duy viết một lá cả tháng trời mới đến đó là chưa nói đến việc bị thất lạc vì nhiều lý do nào đó. Nhưng nói gì thì nói tự trong thâm tâm chàng vẫn thấy mình thua Khiêm chồng của Anh Đào nhiều lắm.

Duy muốn nói với Anh Đào thật nhiều về những khó khăn của mình thuở nọ, chàng vẫn chưa lập gia đình khi về thăm Trâm lần sau đó, nhìn cây anh đào trổ hoa hồng thắm mà người xưa đã ra đi lòng Duy đã tan nát ra sao. Duy thật sự không dám trách Trâm vì chính chàng đã không hứa hẹn gì nhiều để Trâm có thể vin vào đó mà chờ đợi, hai người như hai con sông gặp nhau phút giây rồi chia cách. Tuy nhiên là một người đàn ông Duy tự thấy mình yếu đuối không dám tự quyết định cuộc đời mình với một người thiếu nữ làm trái tim mình rung động một thời còn trai trẻ.

Duy tin rằng Anh Đào đã biết nhiều về tâm sự của mẹ cho nên đã nhận ngay ra chàng qua sự gọi tên vô tình của một người nào đó. Anh Đào nhìn Duy một cách tò mò rồi hỏi:

- Còn chú thì sao?

Duy chỉ tay về phía vợ:

- Vợ chú ngồi đàng kia kìa.

- Cô đẹp quá, thảo nào...

Anh Đào bỏ lửng câu nói. Duy vội vàng tiếp lời:

- Không phải vậy đâu. Chú lập gia đình sau lần trở về thăm chị Hai, lúc ấy mẹ đã lấy chồng đi xa Đà Lạt rồi.

Anh Đào cười nhẹ:

- Tại chú không hứa hẹn gì, không thư từ qua lại làm sao mẹ có thể chờ đợi được nhưng cháu nghĩ cũng do số phận mà thôi chú Duy ạ! Cha cháu là một người đàn ông tốt đó là điều may mắn của mẹ nhưng ông qua đời rồi.

Thấy nói chuyện đã hơi lâu Duy đứng lên từ giã:

- Cháu cho chú gởi lời thăm mẹ, nếu có dịp sẽ gặp nhau. À, mà cháu ở trong thành phố này hay sao?

Anh Đào lắc đầu:

- Không, cháu ở một quận nhỏ bên Mississippi cách đây khoảng năm mươi dặm.

Duy hỏi đùa:

- Nhà có hoa anh đào không?

Anh Đào nói:

- Dạ có, mùa này hoa anh đào nở rộ rất đẹp nên mẹ thích lắm. Mẹ cháu có tâm hồn nghệ sĩ mà chú tuy già rồi mà vẫn mơ mộng như xưa.

Duy nói vói con gái Trâm thật dịu dàng:

- Chú hiểu, dù sao chú cũng vui mừng gặp lại cháu Anh Đào ạ và nhất là biết mẹ cháu đã qua Mỹ rồi dù muộn màng vẫn còn hơn là không bao giờ phải không cháu.

Giọng Duy chợt nhỏ xuống và chàng cảm thấy cay cay trong mắt:

- Cho chú gởi lời xin lỗi mẹ nhé!

- Dạ, mà cháu nghĩ chú đâu có lỗi gì?

Duy quay lưng di, chàng biết Anh Đào đang nhìn theo thắc mắc nhưng cô làm sao hiểu được giông bão đang trỗi dậy trong lòng người đàn ông luống tuổi này. Cô làm sao hiểu được những nỗi đoạn trường, hệ lụy của thế hệ mẹ cô và chàng đã đi qua. Duy nghĩ không bao giờ nên tìm gặp Trâm lần nào nữa, hãy để nàng yên với cuộc sống trong những ngày tháng êm đềm trước mặt và hãy để Trâm- người thiếu nữ năm xưa - mơ mộng bên những cây anh đào trên xứ Mỹ. Dù sao tất cả cũng dở dang rồi, hoa anh đào Đà Lạt chỉ còn là một kỷ niệm buồn, một chuyện tình buồn của một thời đất nước tang thương/.

Mimosa Phương Vinh

Ý kiến bạn đọc
26/03/202419:39:52
Khách
Một mai khi mùa dứt chiến chinh gió dâng khúc đàn thanh bình .Có lẻ mọi người mơ ước như thế nhưng bên thua cuộc còn phải gánh chịu bao nhiêu đau thương !
08/03/201905:01:52
Khách
Chị dịch 4 câu thơ ra tiếng Việt hay quá.
Thích cách xếp đặt để con gái người xưa biết được người đang nói chuyện với mình là ai
08/01/201622:50:08
Khách
Xin cảm ơn các bạn Toại, Thúy Anh và Hương Bình đã đọc Anh Đào Dà Lạt của Mímoa Phương Vinh.
Hương Bình ơi, nếu Quốc Duy gặp lại Trâm thì sẽ ...buồn hơn nữa vì bây giờ mọi sự đã thay đổi : Hoa Anh Đào đâu còn hồng thắm như xưa và Quốc Duy đã có người vợ xinh đẹp bên cạnh. Khi viết về tâm sự một người bạn ngày xưa Phương Vinh cũng thấy buồn muốn khóc bao lần. Thôi thì:
Tình vẫn đẹp khi tình còn dang dở ...
Phương Vinh
03/01/201620:10:14
Khách
Câu chuyện tình buồn man mác ,đoạn kết hơi.....bất ngờ nhưng đó là sự thật
Tác giả có biệt tài đẫn người đọc đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác dể rồi cuối cùng là một đọan kết ,,,,,bỏ lửng[[có nghệ thuật] làm Hương Bình buồn ...ngơ ngẩn. ...Rất mong đươc thưởng thức nhiều bà viết có âm hưởng dạt dào của chị nữa,chị Phương Vinh ơi......
01/01/201606:40:13
Khách
lời văn chị nhẹ nhàng và thấm thía. Hay
30/12/201522:46:08
Khách
Một chuyện tình nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như hoa Anh Đào và cũng mau tàn như hoa Anh Đào.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến