Hôm nay,  

Đêm Đông Không Nhà*

28/12/201500:00:00(Xem: 61803)

Tác giả: Triều Phong TPN
Bài số 3711-17--30211vb2128115

Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới của ông là chuyện mùa giáng sinh tại trại tị nạn.

* * *

blank
Tác giả cùng một đồng nghiệp ở IOM và Josh, cũng là thầy giáo Anh Văn tại trại PFAC trong đêm Giáng Sinh năm 1994.

Bước ra khỏi “barrack” lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm như ngày xưa được thả ra khỏi trại lao động dù chưa biết phải đi đâu. Hít một hơi thật dài, không khí trong lành vào đầy ắp buồng phổi. Chao ôi, cái mùi của gió biển nồng nàn thoáng qua mới thấy đã làm sao! Mùi của tự do đây mà! Cái mùi mà tôi đã mất hơn mười bốn năm trời để đi tìm kiếm đến bây giờ mới có được đây các bạn ơi! Đó là một ngày giữa tháng Sáu năm 1989 ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân mà tôi còn nhớ.

Sau khi cùng Đủ, cô gái đi chung ghe, chia một ít đồ dùng xã hội của Cao Ủy tị nạn cấp cho mỗi hai người xong chúng tôi tạm biệt để lo tìm đường về nhà mới ở ngoài khu. Đứng xớ rớ nhìn dãy nhà lá lụp xụp và mấy con đường nho nhỏ chằng chịt trước mặt tôi hơi hoang mang. Cúi xuống nhìn tờ giấy đang cầm trên tay mà Ban Kế Hoạch vừa phát cho rồi ngước lên, dáo dác ngó xung quanh. Nhà số Ba, khu Tám! Chà, không biết ở đâu đây? Một người phụ nữ tuổi trung niên, dáng cao, gầy, có khuôn mặt đen sạm, khắc khổ bước ngang qua. Tôi đón lại hỏi thăm.

Lần theo hướng chị ta vừa chỉ, tôi bước thấp bước cao qua các con đường lởm chởm đá. Phi là đảo quốc do đó hầu như đất ở đây lẫn đầy đá được cấu tạo từ vôi nên lâu ngày trở nên cứng vô cùng, đi rất đau chân. Ngang qua mấy con hẻm nhỏ tôi thấy nhiều người đứng ngồi, tán dóc rôm rả, con nít thì tụm năm tụm bảy vui đùa rượt bắt, hò hét inh ỏi. Bên hông nhà người ta để lỉnh kỉnh các bình nhựa bốn lít (litre) và rất nhiều chai hũ ngoài nắng mà tôi không biết chứa thứ gì bên trong nhưng mỗi khi có người tới gần thì ruồi nhặng lại bay lên loạn xạ trông thật ghê rợn. Sau này tôi mới biết đó là những bình hũ người ta dùng để đựng đầu cá, ruột cá, cá con, cá ươn...trộn với muối, phơi nắng làm nước mắm mà hàng tháng lúc Cao Ủy đi khám trại, ông Jun, Trưởng Ban Vệ Sinh, đã cho nhân viên tịch thu tất cả các thứ này mang đi vứt chẳng biết bao nhiêu lần!

Khi đi ngang qua ngôi nhà đầu hẻm tôi thấy trước hàng ba có khoảng hơn mười thanh niên đang ngồi uống bia, ở trần trùng trục cười nói oang oang, có người mặt đỏ ngầu, mắt long lên song sọc trông thật dễ sợ. Một người lên tiếng lúc thấy tôi:

- Nhìn ông này là biết trong barrack mới ra. Chắc ổng phải ở đây trồng hai cây dừa là ít!

Tôi biết họ muốn ám chỉ đến cái “cut off date” hai mươi mốt tháng ba năm 1989 nên phải qua CPA (The Comprehensive Plan of Action) ấy mà. Đó là chương trình thanh lọc để xác định tư cách tị nạn của thuyền nhân đến đảo sau ngày đóng cửa trại; một chuyện vô cùng hệ trọng mà những ngày ở trong barrack tôi luôn nghe mọi người bàn tán với đầy nỗi lo âu sợ hãi. Và khi dùng từ “trồng dừa” là ý họ muốn nói tôi sẽ phải ở lại đây lâu có thể tới sáu năm vì một cây dừa từ khi bất đầu trồng đến lúc có trái là mất đến ba năm.

Tiếng nhạc mở ra từ chiếc cassette để trên bàn sau lưng họ vang lừng cả xóm “Sàigòn ơi, ta có ngờ đâu rằng! Một lần đi là một lần vĩnh biệt. Một lần đi là mất lối quay về. Môt lần đi là mãi mãi thương đau. Người tình ơi, ta có ngờ đâu rằng! Một lần đi là nghìn trùng cách biệt...Giọt nước mắt cho anh, giọt nước mắt cho em, giọt nước mắt cho bạn bè. Lệ khóc cho mẹ già, lệ khóc cho người tình ở lại quê hương…”

Lời ca đó lúc này nghe thật não nuột và tôi nhận ra ngay đó là bản “một lần đi” của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh mà tôi thường lén lút nghe nho nhỏ qua đài VOA khi còn ở Việt Nam. Hôm nay đây là lần đầu tiên được nghe nhạc to lớn, công khai giữa thanh thiên bạch nhật làm tôi vô cùng thích thú dù đang lo lắng trước hoàn cảnh hiện tại nhiều khó khăn của mình. Đúng là được tự do thì có tất cả!

Cuối cùng tôi cũng đã tìm được ngôi nhà tôi sẽ ở. Nó nằm cạnh vòi nước của khu, sát gần phi đạo. Nhìn cảnh người ta chen lấn sắp từng hàng dài ngoằn với nào là xô nhựa, các bình lớn nhỏ chứa từ bốn lít tới hai mươi lít nằm xếp lẫn lộn chờ lấy nước tôi bỗng thấy oải. Tiếng ồn ào, tiếng người cười nói, tiếng chửi thề huyên náo cả một vùng. Tôi nhủ thầm trong bụng “trời, nhà ngay đây thì ở sao nỗi trời!”

Tuy nghĩ thế nhưng tôi vẫn đi vào. Bốn năm thanh niên đang nằm ngồi lỗn ngỗn trên chiếc chỏng tre ở phòng ngoài trò chuyện chợt im bặt khi thấy bóng tôi thấp thoáng nơi nghạch cửa.

- Anh được chia vào nhà này hả? Người vừa lên tiếng hỏi là một anh thanh niên cũng cở trạc tuổi tôi. Sở dĩ anh ta hỏi là vì anh thấy tôi tay cầm tờ giấy đứng lóng ngóng bên ngoài thì anh ta đã đoán được tôi là “newcomer” rồi.

- Dạ.

- Cái Ban Kế Hoạch này kỳ cục thiệt nha. Nhà này hai mươi hai người rồi bây giờ thêm anh nữa thì anh ngủ ở đâu? Vì anh biết, tối ở chỗ này là tám thằng, trong phòng kia là “hộ gia đinh” nên đã có một cặp, trên gác Cao Ủy thì chín mạng bên này là gác tư nhân tức là tự người ta bỏ tiền túi ra làm và gia đình họ có ba người…

Vừa nói anh vừa đưa tay múa vòng vòng xung quanh và giơ ngón trỏ chỉ lên chỉ xuống. Anh nói một hơi làm tôi bối rối, mắt cứ ngó theo bàn tay vung vẫy của anh mà cảm thấy ngượng ngùng trước sự từ chối thẳng thừng ấy. Giải thích xong anh ta ngừng lại giây lát, tôi nhất thời chưa biết phải làm gì trước tình cảnh bất ngờ ấy. Có lẽ như thấy được cảm giác bẽ bàng đó của tôi người thanh niên trẻ ngồi kế bên chợt lên tiếng:

- Thôi vô đây nói chuyện chút đi, “người khách không mời” mà tới!

Nói đoạn anh ta nhích vào trong nhường khoảng trống ngoài đầu chỏng cho tôi. Tuy biết là anh ta đùa nhưng tôi cũng cảm thấy tủi bởi hôm mới vào barrack, ông Cao Ủy Trưởng Jan Top Christensen đã xuống thăm và cũng gọi những người chúng tôi như vậy. Thế là tôi bước vào và sau một lúc hàn huyên thăm hỏi nguyên quán, nơi ăn chốn ở bên Việt Nam, chuyến đi vượt biên thế nào thì chắc có lẽ họ thấy tôi cũng không đến đổi gì nên anh Minh, người thanh niên ban đầu, bây giờ tôi biết là chủ nhà, quyết định:

- OK, thôi ông ở đây đi. Có đồ đạc nào thì mang vào luôn!

- Dạ, cám ơn anh. Tui cũng không có gì nhiều, chỉ có hai bộ đồ và một ít thứ mới được cho thôi.

Nói xong tôi giơ gói đồ nhỏ xíu bỏ trong bao ny-lông mà ở đây họ gọi là “bì bóng” đang cầm trên tay lên. Bổng nhiên thằng nhỏ trạc độ chín hay mười tuổi nãy giờ ngồi im trong góc chợt cất tiếng:

- Ban ngày ở trong nhà. Tối ra ngoài ngủ làm “cứm dòi nước!”

Mọi người cười ầm trước câu nói khôi hài của nó, riêng tôi thì ngơ ngác hỏi lại:

- Cứm dòi nước là gì?

Long, tên người thanh niên thứ hai, ngó qua cái cửa sổ to lớn được mở lên bằng một cây chống nhìn đám đông đang đợi lấy nước bên ngoài hất hàm:

- Cứm dòi nước là làm đại ca phân phát nước ở ngoài này nè!

- À, ra là vậy.

Tôi cười giả lả không hỏi thêm nhưng ít hôm sau tôi hiểu cụm từ ấy là “cớm vòi nước” vì đi đâu cũng nghe nói tới, và rồi tôi biết thêm được rằng đó là một cái “job thơm” bởi có rất nhiều tay đàn anh hay băng nhóm muốn thống trị chuyện chia nước này. Nếu ai giành được quyền phân phát nước cho đồng bào trong khu thì họ sẽ được tiền, được quà cáp và thậm chí còn được cả tình yêu nữa. Có nhiều tay anh chị cặp được bồ hay lấy được vợ là cũng nhờ vụ chia nước này. Do đó vì miếng mồi ngon béo bở ấy mà không thiếu gì chuyện đánh lộn hay đâm chém hoặc giành giựt đặc quyền xảy ra giữa các băng đảng. Không biết ở những trai tị nạn khác thì sao chứ tại PFAC thì đó là một ung nhọt lỡ lói mà Ban Điều Hành trại không thể chữa lành.

Trong lúc bọn tôi ngồi đấu láo thì mấy cô đi lãnh lương thực về và vào bếp nấu nướng. Đến trưa, anh Minh leo ra khỏi chỏng bước xuống đất, ngó thằng nhỏ:

- Thôi Bon dọn bàn ăn cơm đi, đói rồi. Hôm nay cho ông này “tắp đảo” một bữa luôn.

Mọi người giải tán, lục tục đứng dậy. Khi thức ăn, chén bát được dọn lên bàn, bảy tám người ngồi vào. Nhận thấy sự có mặt của mình lúc này ở đây là thừa thải nên tôi dợm bước ra ngoài thì tiếng anh Minh vang lên sau lưng:

- Ông kia hổng ăn à?

Cô gái yên lặng từ lúc tôi vào đến bây giờ mới nhỏ nhẹ:

- Ảnh đâu có hiểu “tắp đảo” là gì!

Mọi người lại cười ầm lên. Thằng Long giải thích:

- Dân vượt biên làm gì mà chẳng biết từ “tắp đảo!” Trưa nay sẳn tiện mời anh tắp đảo ăn với tụi em luôn.

Bữa cơm hôm đó gồm có cá hộp được cho thêm gia vị như hành tỏi mắm muối rồi bỏ lên chảo xào lại làm món mặn, canh đu đủ nấu với thịt heo có thêm rau muống luộc và một chén nước mắm sống nữa. Đó là buổi ăn ngon nhất của tôi sau cả tháng trời đói khát. Ăn uống no nê xong, Nhung; người con gái nấu nướng cho cả bọn lại dọn dẹp, còn mọi người lại nhảy lên chỏng ngồi tán dóc tiếp.

Riêng thằng Bon thì lăng xăng chuẩn bị sang trường AMDEV mà lâu ngày quá tôi không còn nhớ nó được viết tắt từ những chữ gì nhưng thường nghe bà con gọi là Êm Đẹp để học tiếng Pháp vì sắp đi Canada định cư.

Rửa chén bát xong, Nhung từ trong bếp bước ra đến gần bên anh Minh:

- Anh Be, anh Be…cho em một đồng mua đé!

Anh Minh nghiêng người, thò tay vào túi móc ra một peso** đưa cho cô gái. Cô vói lấy cái ca nhựa đi ra ngoài, chừng độ năm phút sau thì trở vô, trong ca có một cục nước đá. Cô rửa sạch cục nước đá rồi cho nước lọc vào bưng lên để trên bàn trước mặt mọi người. Bấy giờ thì tôi đã biết trong nhà này em út gọi anh Minh là anh Ba và hiểu câu cô vừa nói.

Từ đấy tôi ở đó với họ. Họ là những người đến trước ngày “cut-off” nên đương nhiên được quyền tị nạn mà thiên hạ thường gọi là dân PA (Philippines Arrival) và đám chúng tôi là PS (Philippines Screening). Đa số thuyền nhân ở trại PFAC là người từ Nha Trang đổ ra miệt ngoài, tôi sinh trưởng trong Saigon chưa bao giờ ra Miền Trung nên đâu biết gì ngoài đó. Vì vậy tôi nghĩ không biết những người tôi sống chung trong thời gian sắp tới sẽ ra sao, nhưng dù là người dân ở đâu chăng nữa thì cũng đều là người Việt Nam, có chung một cội nguồn, cùng chung một kiếp nạn, chịu chung một số phận nên phải đùm bọc nhau như ca dao tục ngữ có câu “nhiễu điều phủ lấy giá guơng, người trong một nước phải thương nhau cùng!” Bởi thế nên tôi vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh mà không có chút băn khoăn nào cả.

Tuy nhiên mặc dầu đã đến bến bờ tự do nhưng những ngày đầu tắp đảo cũng lắm nhiều đắng cay. Bởi một hôm đi lãnh lương thực tôi tình cờ gặp lại mấy người quen cùng ghe tôi mới biết là mình còn may mắn vì gặp được những người hiền và tốt chứ như chị Hạnh với đứa con gái nhỏ thì thật tội. Ngày chị tới, các người trong nhà của chị đuổi chị ra không cho vào khiến chị và đứa bé phải ngồi suốt buổi bên hông nhà. Chị kể lại với tôi trong tức tưởi ngẹn ngào, nước mắt lưng tròng, cuối cùng chị đành phải ẳm con đi tìm chỗ khác!

Đó chỉ là sự bắt đầu cho một chuỗi đau thương tiếp nối ngày sau mà đám người quyết chí ở lại tranh đấu sống chết cho tự do của chúng tôi đã chịu đựng. Thời ở trong trại giam Chí Hoà (T30) năm xưa tôi đã tìm cho riêng mình một phương pháp và rèn luyện thành cách lấy “cái tịnh bên trong mà chế ngự cái động ở ngoài” để giúp tôi tồn tại qua muôn vàn khó khăn nên tôi rất quyết tâm, chấp nhận sự thực phủ phàng mà sống gần mười một năm trong trại tị nạn với ý tưởng “phải vượt qua nghịch cảnh bằng mọi giá, về là chết!”

*

blank
Khi ổn định cuộc sống xong tôi bắt đầu đi học Anh Văn ngay. Ngoài lớp học chính ở CADP (The Center Assistance for Displaced Persons) ra, tôi có thể đứng bên ngoài cửa sổ của những lớp Anh Văn khác để học dự thính suốt nhiều giờ liền. Ngày tối, tôi cứ lẩn quẩn ở các lớp học này. Phải công nhận rằng đây là khoảng thời gian đi học thật sung sướng trong đời tị nạn của tôi. Nếu mình chịu khó, ham học thì sẽ có rất nhiều trường lớp cho mình đi học, vì những lớp Anh Văn của trường CADP bắt đầu từ bảy giờ sáng tới bảy giờ đêm nên tha hồ học. Đó là chưa kể tới các lớp của trường HTC (The Holy Trinity College,) trường của Hội Thanh Niên Việt Nam, trường của Nhà Thờ Nữ Vương Hoà Bình, trường của Hội Thánh Tin Lành…do các thầy cô là những thiện nguyện viên ngoại quốc tới giảng dạy, truyền đạo…

Trong không khí được tự do như chim sổ lồng lúc ấy hầu như mọi người đều hăng hái đổ xô đi học, đi làm thiện nguyện khắp các ban nghành đoàn thể của người Việt tới cơ quan nước ngoài như The International Organization for Migrant (IOM), The Community and Family Sevice International (CFSI), hay văn phòng Cao Ủy...

Kẻ học tiếng Anh người học tiếng Pháp. Trường dạy nghề như dạy điện tử của thầy Thanh, lớp đào tạo về thợ máy do anh Trần Tiến Nam hướng dẫn lúc nào cũng đông nghẹt học sinh. Trường Việt Ngữ thì có thêm Việt Ngữ Một và Việt Ngữ Hai với Ban Giảng Huấn là các thầy cô có trình độ sư phạm dạy mọi cấp lớp nhằm giúp cho các em không bị gián đoạn nền học vấn căn bản ở bậc trung học để các em có thể tiếp tục khi được định cư ở quốc gia thứ ba. Đăc biệt là trong việc bảo tồn nền văn hóa theo tinh thần “tiếng Việt còn, nước Việt còn” môn Quốc Văn được dạy theo Giáo Khoa Thư của Bộ Giáo Dục Miền Nam trước năm 1975 cho trẻ em mà trong môn này không ai là không biết tới Thầy Nguyễn Văn Khớ. Chính nhờ thầy dạy dỗ, tự hào mình là người Việt Nam, “không thành công thì ắt cũng thành nhân” mà ngày nay nhiều em đã thành tài ở hải ngoại vẫn giữ được cái hồn của dân tộc Việt, cái tinh hoa của con Hồng cháu Lạc.

Sinh hoạt trại vào thời điểm này thật sự náo nhiệt, ai ai cũng hăng say làm việc. Mọi người được khuyến khích tham gia hoạt động nhằm chứng tỏ cho Cao Ủy và thế giới thấy rằng chúng ta ra đi vì các quyền tự do căn bản của con người bị chà đạp, thậm chí như việc học vấn để trau dồi kiến thức cũng bị phân biệt đối xữ, chứ không phải vì miếng cơm manh áo!

Bên cạnh đó các cơ sở tôn giáo cũng phát triển mạnh mẽ. Sinh hoạt tôn giáo phong phú với các khoá Linh Thao do Cha Nguyễn Trọng Tước (tức Nhà Văn Nguyễn Tầm Thường) tổ chức, những buổi học Kinh Thánh đều đặn hằng đêm của Hội Thánh Tin Lành, các buổi lễ lớn của Phật Giáo như Đại Lễ Phật Đản, Vu Lan Bồn được Chùa Vạn Đức tổ chức long trọng với đông đảo đồng bào phật tử…đã nói lên khao khát quyền tự do tín ngưỡng. Sự mong muốn về tự do tôn giáo mà người Việt không có dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam đã được tìm thấy rộng rãi ở trại tị nạn khi ấy.

Phần tôi lúc đó được các anh em đi cùng ghe bảo lãnh với chủ nhà của họ ở Khu Một cho tôi tới “ngủ ké” chung với họ để tiện việc học hành vì các lớp tôi đang theo học đều nằm gần đây chứ ngoài ra chủ nhà không cho tôi chuyển tên vào nên phần lương thực của tôi vẫn ở nhà cũ. Hơn nữa ngoài giờ học thì giờ giải lao của tôi là Thư Viện CADP cũng gần đấy bởi ở đây có rất nhiều sách báo tiếng Việt lẫn tiếng Anh và tiếng Pháp vô cùng giá trị trước năm 1975. Ngoài ra thư viện cũng có lắm truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, bút ký của những nhân vật lịch sử của Miền Nam Việt Nam hay của các cựu tù cải tạo kể lại mà tôi rất thích thú tìm đọc say mê hằng ngày.

Mặc dù những người sống chung nhà ở Khu Tám miễn cho tôi phiên đi lên Ban Lương Thực lảnh vì tôi chỉ có một mình nhưng mỗi ngày tôi đều phải lội về đó để lấy phần mình mang về Khu Một góp chung với anh em tôi cho bữa ăn. Đi lên đi xuống giữa hai khu phải mất hơn nửa giờ đồng hồ, nhiều hôm cầm cái cánh gà bé tí với mấy cọng rau muống hay trái đu đủ xanh bé xíu đi dưới trời nắng chang chang hay hai ba hôm mới đến lượt mình lấy trọn nguyên lon cá hộp tròn nhỏ bằng cùm tay em bé hai ba tuổi, không đủ ăn trong ngày, tôi cũng chán nản thế mà Cao Ủy cứ ngày đêm dọa sẽ cắt hết mọi thứ nhu yếu phẫm sau này nếu không chiụ hồi hương bây giờ khiến tôi không hiểu tương lai mình sẽ ra sao nữa?

Đây có thể coi là hành động khủng bố tinh thần của Cao Ủy đối với người tị nạn trong giai đoạn cuối mùa khiến lắm kẻ trở nên “khùng điên, ba trợn!”

Thời gian này người tị nạn tắp đảo ngày càng nhiều, hầu như ngày nào cũng có ghe tới do đó đến cuối năm số lượng thuyền nhân đã lên đến gần mười ngàn người trong khi sức chứa của trại chỉ vào khoảng hai ngàn. Khủng hoảng dân số kéo theo vô số chuyện khác như chỗ ăn ở, an ninh, vệ sinh…khiến cho Cao Ủy và Ban Quản Đốc Trại của Bộ Tư Lệnh Miền Tây Phi Luật Tân đau đầu. Họ kêu gọi thanh niên và những ai là thợ mộc giúp họ mở rộng trại ra thêm bằng cách xây tiếp hai Khu Chín và Mười sau tượng Đức Mẹ Maria sát với Khu Tám và băng qua bên kia phi đạo là hai khu lẻ loi Mười Một và Mười Hai.

Nhà tôi tá túc lúc này đã tăng lên đến hai mươi sáu người nên tôi phải đi tìm chỗ ngủ cho mình. Nối gót theo mọi người tôi cũng “vác chiếu” và tấm chăn chin tấc mỏng te; đắp chân thì không che được đầu và ngược lại ấm đầu thì lại lạnh cẳng, ra hàng hiên của văn phòng Cao Ủy gần sát bãi biển để qua đêm.

Nằm co ro bên nhau nghe sóng vỗ ầm ầm, lắng tai ngóng tiếng gió rít sắt lạnh đến rợn người hay sợ hãi khi phong ba bảo táp rần rần kéo tới, thổi mạnh từng cơn như muốn bóc tung mái nhà của Cao Ủy hoặc lúc mưa bất ngờ đổ ập xuống khiến cả đám lao nhao không chạy kịp bèn xúm xít ngồi sát vào nhau, đếm tiếng thời gian qua tháng ngày như thế đợi trời sáng!

“Đời tị nạn tìm đâu ra hạnh phúc, quốc gia nào ghi dấu bước chân tôi” đó là hai câu thơ để đời mà hầu như thuyền nhân nào cũng biết!

Rồi một đêm đầu tháng mười hai, do lớp học tan trể nên khi tôi đến sân Cao Ủy thì hết chỗ nằm, người chật cứng như nêm. Trong lúc tôi đứng “rút hình” trong gió lạnh, bần thần trước bãi cỏ ở Công Viên Thuyền Nhân, tay giữ chặt tấm cạc-tông (carton) của thùng thuốc lá Winston dùng để làm miếng lót lưng mới xin được ở quán nhậu của ông Papa người Phi ngoài cổng trại mấy hôm trước với tấm chăn chín tấc, mắt ngó dáo dác thì chợt nghe có giọng tiếng Việt lơ lớ vang lên sau lưng mình:

Con không có chỗ ngủ à?

Giật mình quay lại, trước mặt tôi là một linh mục người Mỹ mà tôi được biết là Cha Robert P. Crawford. Với dáng người to, cao, nụ cười hiền từ nở trên môi, Cha đứng yên lặng trong chiếc áo dài trắng và đôi giày tây đen nhìn tôi chăm chăm Tôi lúng búng không biết nói thế nào vì tiếng Anh khi ấy chỉ bập bẹ còn trả lời tiếng Việt thì không biết Cha có hiểu không nên cứ thế mà tôi bối rối hết vò đầu lại bứt tai đúng kiểu “Vietnamese.”


- Vào đây!

Tiếng của Cha từ tốn, êm ái như ru. Nói rồi Cha nắm lấy vai tay tôi và quay lưng kéo nhẹ đi vào Nhà Thờ Nữ Vương Hoà Bình cạnh đó. Sự lo lắng ân cần của Cha đối với người “homeless” như tôi khi ấy khiến tôi nghe ấm cả tâm hồn xen lẫn một chút bùi ngùi tủi thân!

Cha mở cửa thư viện của nhà thờ cho tôi vào trú ngụ như Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón loài người. Sau đấy lại có thêm vài người nữa cũng được Cha tiếp tục dẫn vào. Đó là đêm không nhà đầu tiên trong đời của tôi!

* * *

Lể Giáng Sinh năm ấy tôi đón mừng Chúa Hài Đồng xuống thế cứu chuộc nhân loại trong sung sướng pha lẫn xót xa. Tôi vui vì được nhìn lại những hình ảnh thân quen mà tôi từng được sống thời tuổi thơ ở Saigon. Tôi hân hoan được hít thở lại cái không khí nhộn nhịp, thanh bình của ngày hội lớn trên xứ sở tự do. Nhưng tôi cũng chua chát khi cảm thấy lẻ loi giữa những người đang hạnh phúc cùng gia đình người thân ở đây. Nhìn họ tôi bỗng nhớ tới cha mẹ và em gái tôi vẫn còn ở quê nhà. Bên Việt Nam họ giờ này làm gì được hưởng mùa Giáng Sinh vui vẻ như tôi ở chốn này?

Để đón chào dòng người đông đảo đổ xô đến và nhằm làm giảm tình hình căng thẳng trong trại, Ban Điều Hành Nhiệm Kỳ 30 do cựu Thông Dịch Viên Trần Phi làm chủ tịch đã phát động mừng Chúa Giáng Sinh năm 1989 bằng cách cấp một ít ngân khoản cho mười hai khu để làm hang đá Đức Mẹ và sẽ có một ban giám khảo đi từng khu chấm điểm. Khu nào đạt điểm cao nhất sẽ được nhận một số tiền và quà.v.v…làm trại nhộn nhịp hẳn lên.

Đêm Giáng Sinh, trong ban giám khảo đi chấm điểm có ông Chủ Tịch Trần Phi cùng với đại diện của các ban nghành đoàn thể, Sister Carina, Sister Thomasa, Cha Crawford, Đại Đức Thích Thông Đạt…cùng một đám đông đồng bào và trẻ nhỏ đi sau cổ vũ, hát hò.

Sau khi nhà thờ đã hoàn tất thánh lễ lúc nữa đêm, người ta tụ tập về nhà cùng nhau ăn “réveillon," nhạc Giáng Sinh được mở vang lừng các khu, ồn ào cả trại. Tôi không có thân nhân giúp đỡ nên chẳng có tiền bạc gì để tiệc tùng như thiên hạ nên nằm đìu hiu trên gác Cao Ủy ngó mông ra màn đêm bao la qua khung cửa sổ nghĩ vẫn vơ. Trên trời cao những vì sao nhấp nháy như nhảy múa nhưng không làm tôi vui hơn.

“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống, đâu đấy buông lửng lờ tiếng chuông. Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời….thời gian như ngừng trong tê tái, cây trúc lá nghiêng theo chiều mây…đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu. Đêm đông, bên song ngẫn ngơ kìa ai mong chồng. Đêm đông thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư …gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây….Đêm đông ôi ta nhớ nhung đường về xa xa. Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương…Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương. Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà.”

Tiếng ai như tiếng của ca sĩ Bạch Yến hát bài “đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương văng vẳng vang ra từ chiếc cassette của chị Lan ở vách sau nhà nghe nức nỡ không sao tả xiết. Lời ca não nùng, tiếng hát đau thương đứt đoạn khiến tôi chạnh lòng nhớ cố hương rồi buồn cho thân phận mình.

Những ngày này trong trại lúc nào cũng tưng bừng náo nhiệt. Hầu như mọi nhà đều có cây thông do đồng bào vô rừng tìm, lựa cây nào tốt đẹp nhất chặt đem về rồi mua bông gòn quấn lên các cành cây đoạn giăng dây đèn “multi color mini-lights” khiến cho không khí Giáng Sinh rộn hẳn lên. Nhìn mọi người vui vẻ đón Chúa trong bình an, gương mặt của Cha Crawford rạng rỡ và hạnh phúc hơn.

Ngày xưa, Cha Crawford làm việc ở Việt Nam, chuyên lo cho các trẻ em mồ côi và tàn tật. Năm 1975, Cha đã đưa một trăm ba mươi em cô nhi về Mỹ chữa bệnh. Chiến tranh chấm dứt, Miền Nam thua cuộc, Cha về lại Hoa Kỳ. Khi làn sóng thuyền nhân bỏ nước trốn chạy cộng sản bùng phát, Cha vội vã sang Bornéo giúp người tị nạn từ năm 1977. Mười năm sau Cha được chuyển tới PFAC, Phi Luật Tân cho đến lúc trai đóng cửa. Trọn đời Cha đã hy sinh để lo cho người Việt Nam.

Tình yêu thương người Việt của Cha âm thầm nhưng được thể hiện rõ ràng hơn bằng hành động mà sau này nhờ nhiều lần tiếp xúc với Cha tôi đã được chứng kiến như trong lần Phật Giáo phát động biểu tình ngồi bất bạo động để chống thanh lọc bất công suốt sáu mươi lăm ngày đêm. Cuối cùng Cao Ủy phải yêu cầu thủy quân lục chiến của Bộ Tư Lệnh Miền Tây với dùi cui và vòi rồng của xe cứu hỏa tới giải tán. Đoàn biểu tình chống lại kịch liệt ngay trước Hang Đá Đức Mẹ. Chính Cha Crawford là người đã dùng búa tạ đập vỡ ổ khóa cổng Nhà Thờ Nữ Vương Hoà Bình cho dân chúng tràn vào để chấm dứt cuộc giả tán bằng bạo lực vì Cha không can tâm nhìn chúng tôi bị đánh đập tơi tả, bị vòi nước mạnh thổi bay như những chiếc lá, ướt sủng trong máu và nước mắt!

Hành động ấy của Cha đã bị Bộ Tư Lệnh lên án mạnh mẽ. Tướng Tanega, tư lệnh vùng, đã mời Cha sang Bộ Tư Lệnh để bày tỏ sự phản đối dù rằng Cha là Cha Tuyên Úy của họ. Cha thì chỉ giải thích rằng Cha làm theo ý Chúa mà thôi.

Tôi còn nhớ có một ngày, Cha đi bộ sang chùa cách đó không xa để gặp tôi và anh Thiên, Phó Ban Trị Sự Chùa Vạn Đức và Ngài ngỏ ý muốn đưa Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo sang nhà thờ lánh nạn bởi từ những nguồn tin Cha thu thập được thì Ngài biết Bộ Tư Lệnh Miền Tây muốn bắt Sư Cô trong chiến dịch cưỡng bức hồi hương. Đêm đó tôi và Minh Nhí, một người em bên Thanh Niên Công Giáo và cũng là tay trống của trại, đã âm thầm hộ tống Sư Cô vô nhà thờ bằng ngỏ sau đối diện với Khu Một. Tại đây, Cha đã sắp xếp sẳn dưới nền nhà một chỗ nằm cho Sư Cô trong gian phòng nhỏ. Trưa hôm sau khi bọn tôi đang ngồi chơi dưới bóng cây sứ trước sân chùa thì thấy Cha từ phố chạy về. Phía sau chiếc xe gắn máy màu đỏ Cha thường đi có cột một chiếc giường xếp (folding bed) mới tinh. Lúc chạy ngang qua Chùa, Cha nhìn chúng tôi cười cười. Nụ cười đầy ẩn ý ngày đó có ai biết ngoài chúng tôi? Đó là chiếc giường Cha mua cho Sư Cô trong những ngày tá túc ở nhà thờ. Hôm nay đây tôi muốn ghi lại giai thoại này để nói lên tình yêu thương của Cha đối với người Việt Nam. Sự hài hòa giúp đỡ lẫn nhau giữa đạo Công Giáo và Phật giáo Việt Nam bên trại tị nạn ngày đó. Sự tương trợ kính trọng lẫn nhau ấy đẹp đến nỗi mà Cha Nguyễn Trọng Tước đã phải thốt “tôi chưa thấy Phật Giáo và Công Giáo Việt Nam ở đâu mà thương nhau bằng ở đây. Nhà Chúa bên cạnh nhà Chùa!”

Tiếc rằng những ngày cuối cùng của trại, vì sức mạnh của đồng tiền mà người ta đã làm cho hai tôn giáo này bị rạn vỡ từ chuyện “Lập Làng Việt Nam!”

* * *

Vào ngày chúng tôi kéo nhau lên phi đạo ngăn cản không cho chiếc Airbus 320 chở đồng bào bị cưỡng bức hồi hương vào năm 1996 thì khi hay tin dữ ấy Cha đã chạy theo chúng tôi cùng với phóng viên Bảo Vũ của đài BBC đang có mặt ở trại lúc đó để làm phóng sự cưỡng bức hồi hương thuyền nhân.

“Go home, Father! Go home now! If you dont go, I will shoot you right away!” Đó là lời mà một người lính trẻ chĩa súng vào Cha và quát ầm ĩ trên phi đạo trước mặt tôi.

Nhưng Cha chỉ bước giật lùi mấy bước rồi đứng yên lặng, nhún vai nhìn tôi rồi nhìn anh ta mỉm cười đôn hậu. Sau này gặp lại tôi trong trại Cha nhắc lại chuyện này và nói sỡ dĩ Cha có mặt với chúng tôi lúc đó là vì Cha muốn nói với các người lính rằng “hãy thương họ! Họ chỉ là những người tị nạn khốn khổ thôi, bởi Chúa Giêsu cũng từng là người tị nạn kia mà!” Nghe Cha nói mà tôi cảm thấy xúc động làm sao trước tấm chân tình của Ngài đối với chúng tôi

Năm 1998, Chùa Vạn Đức được dời lên Merville ở thành phố Pasay. Khi hay tin Cha đang nằm trị bệnh ở một bệnh viện ngoài Manila, tôi đã cùng Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo, anh Trần Tiến Nam, anh Lê Bảo Thiên đến thăm Cha. Ngài đã rất vui khi gặp chúng tôi, ân cần hỏi thăm đời sống của từng người sau ngày trại bị giải tán. Cha bảo là Cha nhớ chúng tôi lắm và Ngài đã xúc động nghẹn ngào khi chúng tôi từ biệt ngài ra về. Nhưng tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Cha bởi sau này trong khi tôi phải vất vã vật lộn để mưu sinh kiếm sống nên không hay Cha đã được đưa về Mỹ và về với Chúa vào tháng Ba năm 1999 tại Philadelphia.

Bao năm qua rồi nhưng hình ảnh của Cha Crawford mãi mãi ở trong tôi dù bây giờ Cha đã về theo tiếng gọi của Chúa. Hôm nay đây tôi vẫn thật sự bùi ngùi thương cảm mỗi khi nghĩ đến Cha. Vị ân nhân của người tị nạn! Vị Thiên Sứ của lòng nhân ái!

* * *

Năm nay thời tiết thật lạ, dù đã sắo tới Giáng Sinh mà OH vẫn không có tuyết và ít lạnh. Vào một sáng chủ nhật, nhiệt độ chỉ khoảng 28 độ F, từ Beavercreek tôi đi freeway 675 S về nhà. Sau khi vô Exit số Hai và ngừng lại ở đèn đỏ để vào 725 W tôi bỗng thấy một người homeless đứng cầm tấm bảng “no house, need food” khiến tôi áy náy. Tôi không đoán được ông ta bao nhiêu tuồi và người ra sao vì ông ta râu ria xồm xoàm, mặc nhiều quần áo bẩn thỉu lại đội nón xùm sụp lúc đến gần khi tôi hạ kính xe biếu ông vài đồng.

Chạy được một khoảng khá xa rồi nhưng tôi vẫn bần thần nghĩ ngợi về người homeless nọ. Tôi biết, người ta vẫn thường xuyên khuyến cáo không nên giúp những người vô gia cư này vì đa phần họ là các phần tử xấu. Họ có nơi ăn ở do chính phủ lo nhưng chẳng qua họ muốn ở ngoài thoải mái và để sống theo ý họ hơn nên chẳng chịu vào. Tuy hiểu vậy nhưng tôi vẫn ray rứt, đau lòng khi thấy họ lang thang trên đường phố vì đó là hình ảnh của tôi ngày xưa. Tôi cảm thấy có tội mỗi lần tôi gặp họ mà không giúp được gì nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt mới của thế giới ngày nay khi người homeless càng lúc càng nhiều !

Biết rằng chỉ quan tâm và cầu nguyện cho họ thì không đủ nhưng trong mùa Giáng Sinh sắp tới tôi vẫn mong mọi người hãy đồng tâm xin Chúa ban ơn cho những kẻ không nhà sức mạnh và may mắn để vượt qua cái lạnh của mùa đông và vượt qua số phận!

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm!”

Miamisburg, ngày 22 tháng 12 năm 2015

Triều Phong TPN

Chú thích:

*: mượn một câu trong nhạc phẩm “đêm đông“ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

**: đơn vị tiền tệ của Phi Luật Tận.

Ý kiến bạn đọc
30/12/201912:32:15
Khách
Anh Triều Phong viết nhiều truyện mà khi đọc tôi đã phải khóc bởi đó là chuyến thật của đời anh, đời của các thuyền nhân cuối mùa, buồn nhiều hơn vui, của cái giá phải trả cho "Tự Do!"

Cám ơn anh.
01/09/201917:07:11
Khách
Tất cả rồi cũng qua đi chỉ tình yêu thương còn lại mãi mãi.
Bài viết tạo thật nhiều cảm xúc trong lòng người đọc. Tuyệt vời!
Mấy tháng nay đôi khi lòng thầm hỏi: Chẳng biết sao dạo này anh Triều Phong không viết bài?!
16/08/201902:31:42
Khách
Bai viet rat cam dong ve tinh than phuc vu cua Linh Muc Crawford.
Toi xin cam on nguoi viet da noi len tinh than phuc vu cua moi nguoi tren dao.
Cau chuc moi nguoi deu an binh.
Tony Nguyen
15/03/201711:16:27
Khách
Cám ơn chị Hoa Bach đã có lời khen. Chị ở đó cùng thời gian này à? Xin hỏi chị PA hay là PS vậy?
TP
07/01/201723:37:39
Khách
Xin chân thành cảm ơn ta'c giả, bài viê't râ't hay & trung thực làm sô'ng lại những kỉ niệm một thời ở trại PFAC.
16/05/201611:05:48
Khách
Hello Hảo,
Cám ơn bạn có lời khen. À Hảo ơi, anh Khánh Ó gửi lời thăm em đó nha!

Mến,
TP
11/05/201616:57:29
Khách
Bai viết hay và xúc động 😳. Cảm ơn Ngôn đã cho mình sống lại những cảm xúc không thể nào quên. Thân
06/03/201613:44:52
Khách
Tội nghiệp tác giả và các thuyền nhân cuối mùa quá. Tôi không cầm được nước mắt khi đọc xong tự truyện này. Như Martin Luther King đã nói đúng là "Freedom is not free!"
Những thiện nguyện viên thật là những người có đầy lòng nhân từ. Cha Crawford đúng là hình ảnh của sự bác ái, vì tha nhân mà phục vụ.
31/12/201503:58:01
Khách
Kính chào tất cả các anh chị và các bạn,
Cám ơn quý vị đã đồng cảm và có lòng ưu ái khen tặng. Thật ra điều tôi muốn nói tới là trên tất cả mọi sự hy sinh, xả thân giúp đời của những ân nhân này điển hình là Cha Crawford, thì đó là tính nhân bản bao la trong mỗi con người của họ, Đấy là cái cần thiết của con người để làm nên một xã hội tôt đẹp hiện đang rất hiếm hoi ở Việt Nam bây giờ.
Mong nhận thêm được những tâm tình quý báu của quý vị.
Chào thân ái.
30/12/201501:58:47
Khách
Cảm ơn tac giả vè bài viết thật cảm động khiên tôi không cầmđươc nước mắt,Vì tôi được Anh Chị bảo lãnh và qua Mỹ năm 1989nên không hiểu đươc cảnh khổ của các bạn trong trại Tỵ nạn .Cảm ơn Chúa ,cuối cùng tôi tin rằng cac bạn cũng đến đươc miền đất hứa với lòng biết ơn sự giải c ú cua Ngài
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,264,541
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến