Hôm nay,  

Bông Hồng Cho Người Lính

22/11/201500:00:00(Xem: 18131)
Tác giả: Triều Phong (TPN)
Bài số 3678-17--30178vb8112215

Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.

blank
Tác giả cùng Michael Ky và hai bạn đồng khóa.

* * *

To honor and thank all military personnel who served the United States in all wars,

especially veterans!

Holidays and Observances

Thay quần áo xong con trai tôi bước ra khỏi phòng, đến gần tôi:

- Hôm nay con muốn mặc áo lạnh này.

Tôi quay lại khi đang đứng lo thức ăn điểm tâm buồi sáng cho nó bên bàn bếp. Nhìn nó quần áo gọn gàng trong cái áo ấm vợ tôi mới mua hôm trước để chuẩn bị cho mùa đông năm nay tôi ngạc nhiên:

- Ủa, áo lạnh này để dành cho mùa đông mà con.

- Hôm nay có 34 độ F thôi!

Ngừng lại giây lát nó lại lên tiếng:

- Con muốn mặc cái áo nào có ba màu xanh dương, trắng và đỏ hôm nay. Ba biết tại sao không?

Tôi đoán ra được ý nó nhưng vẫn làm bộ như không hiểu:

- Tại sao?

- Ba có biết hôm nay là ngày gì không?

- À, Veterans Day (Lễ Cựu Chiến Binh) phải không?

- Dạ, ba “right!

Và nó nói thêm là vì hôm nay trong trường nó có đón tiếp một số quân nhân Mỹ tới thăm và kể chuyện đời lính, sinh hoạt thường nhật trong quân đội của họ cho chúng nó nghe. Họ cũng sẽ đi tham quan cái “hall” nơi có dán các tấm thiệp của “fifth grade” chúng nó để đọc những lời cám ơn, lòng ngưỡng mộ của chúng trước sự hy sinh, phục vụ của các người lính cho đất nước này. Do đó nhà trường yêu cầu học sinh mặc áo có ba màu biểu tượng của quốc kỳ Mỹ!

Tôi gật gù ra chiều thích thú để khích lệ nó và thật sự cảm thấy cách giáo dục tri ân những người lính xả thân cho xứ sở này của các trường học ở Mỹ bây giờ rất ý nghĩa. Đó là hạt giống đầu tiên người ta gieo vào những tâm hồn non nớt sự biết ơn, điều căn bản của lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ tổ quốc sau này.

Tại Hoa Kỳ, mỗi khi tới tháng Mười Một mọi người thường liên tưởng tới Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) vào ngày Thứ Năm tuần thứ tư, tuy nhiên trước đó khoảng độ hai tuần cũng có một lễ khác vô cùng quan trọng mà chúng ta không thể quên đó là Lễ Cựu Chiến Binh, ngày mười một tháng mười một, hàng năm nữa!

Ngược dòng lịch sử thì vào năm 1918, khi Đức ký Hiệp Định Đình chiến với các lực lượng đồng minh Anh, Pháp, Mỹ thì mọi chiến trường chính thức ngừng bắn vào lúc mười một giờ ngày thứ mười một tháng mười một. Năm sau, 1919, Tổng Thống Woodrow Wilson tuyên bố ngày đó là Ngày Đình Chiến để đánh dấu đúng một năm ngày chấm dứt Thế Chiến Thứ 1, được gọi là “cuộc chiến tranh để chấm dứt mọi cuộc chiến tranh!”

Ngày Đình Chiến trở thành ngày lễ chính thức ở Hoa Kỳ từ năm 1938 cho mãi đến năm 1954 thì được Tổng Thống Dwight D. Eisenhower chọn làm Ngày Lễ Cựu Chiến Binh cho tới bây giờ.

Chuyện người lính Mỹ làm tôi liên tưởng tới việc tôi có anh bạn thân từng “đồng cam cọng khổ,” với nhau hơn mười năm ròng rã bên trại tị nan Phi Luật Tân và may nhờ trời thương với sự giúp đỡ của BPSOS (Boat People SOS) và đặc biệt là của Luật Sư Trịnh Hội mà anh được sang đây định cư trước tôi khoảng sáu tháng. Khi tôi qua thì anh kéo tôi về thành phố biển Charleston, South Carolina (SC) ở và dạy tôi làm “nails” với anh. Chúng tôi sống chung với nhau như anh em trong một gia đình. Thời đó những người muộn màng chúng tôi rất cần tiền vì đều là một đám tứ cố vô thân, không có bà con ruột thịt và rất nghèo vì ở đảo quá lâu!

Ngày anh đi vượt biên năm 1989, có dẫn theo một đứa con trai độ chừng sáu tuổi tên Lê B. K mà chúng tôi quen gọi là Ky (lucky). Mười năm sau nó đã là một thiếu niên và vì chúng tôi sống chung với nhau quá lâu nên tôi xem nó như con cháu của mình và ngược lại nó cũng coi tôi như chú của nó..

Nhưng không như những người khác, anh bạn tôi đặc biệt quan tâm đến chuyện học của thằng Ky. Đối với anh, việc học của nó là ưu tiên một, mọi thứ tính sau. Chiều chiều sau khi đi học về, nó cũng ra tiệm nails làm để kiếm tiền sinh sống và phụ giúp anh lo cho mẹ và em gái của nó còn kẹt lại ở Việt Nam. Vốn còn trẻ và lanh lẹ nên thằng nhỏ làm nails rất giỏi. Cuối tuần, mỗi ngày nó có thể kiếm được năm sáu trăm đô một cách dễ dàng. Tuy nhiên vào những mùa thi cử thì anh vẫn sẵn sàng để nó ở nhà lo việc học. Chính vì thế mà ngày tốt nghiệp trung học nó đạt được kết quả khá cao đủ để được vài nơi giúp cho “scholarship” đi học đại học. Tôi đã từng tham dự buổi lễ do Walmart tổ chức khen ngợi nó, một học sinh trẻ, có một quá khứ khó khăn cực khổ, đến Mỹ không lâu nhưng đã nổ lực học hành, vượt qua nhiều trở ngại để có được điểm học vấn cao, xứng đáng được họ tài trợ vào đại học khiến chúng tôi cũng cảm thấy hãnh diện lây!

Thế rồi nó rời xa anh vào học ở USC (The University of South Carolina) tại Columbia. Phần tôi thì dọn về OH khi đã lập gia đình được một thời gian. Cuộc đời có hợp thì có tan. Chúng tôi chia tay nhau từ đấy nhưng vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên với nhau.

Riêng Ky, sau hai năm theo nghành “computer science” nó cảm thấy nghành này đã trở thành dư thừa e sẽ không kiếm được việc làm khi ra trường nên đổi sang học “electrical engineering.”

Thời gian này nó có bạn gái và cô bạn gái của nó làm trong một bệnh viện gần đó nên mỗi khi đi học ra nó thường ghé lại đây. Một hôm tình cờ biết được điều đó tôi khuyên nó nên xin làm thiện nguyện ở trong bệnh viện này luôn để lúc ra trường có một “background” tốt thì dễ xin việc hơn là tới đấy ngồi không phí thời gian vô ích. Nghe tôi nói cũng có lý, nó làm theo và trở thành thiện nguyện cho bệnh viện!

Ra trường USC với điểm cao nó nộp đơn vài nơi để tìm việc, rồi một hôm thằng nhỏ được ATI (Arrhythmia Technology Institute) ở Greenville gọi đi phỏng vấn. “Interview” xong, người phỏng vấn viên để nghị mức lương hơn bảy mươi ngàn một năm. Nó nghĩ là anh ta đùa và chắc là “out” rồi vì lương của một kỹ sư mới ra trường chỉ từ ba mươi hai tới ba mươi tám ngàn một năm thôi và rồi nó quên khuấy chuyện đó đi để lo tìm nơi khác. Bẵng đi chừng hai ba tuần sau thì công ty ấy gởi giấy mời nó đi làm.

Mọi người đều ngạc nhiên và vui mừng. Nó gọi báo cho tôi hay, giọng đầy phấn khích. Thằng nhỏ kể lại là hôm phỏng vấn họ có nói họ đang cần một kỹ sư điện tử để đào tạo thành chuyên viên lắp đặt “heart pacemaker” cho bệnh nhân nên họ có vẻ hài lòng khi thấy nó từng làm thiện nguyện trong bệnh viện suốt hai năm trời. Có thể đó là điều kiện để nó được chọn. Ai cũng nói nó may mắn nhưng thật ra thì sự may mắn cũng có một cái giá phải trả!

Tại thành phố Greenville, nó được huấn luyện tám tháng để thành chuyên viên thực thụ rồi làm việc nơi đó một thời gian ngắn trước khi được chuyển về phụ trách chuyên môn tại Washington Hospital ở Fremont, California và Biotronik, Inc. ở Portland, Oregon. Lúc này lương của nó hơn chín mươi ngàn và cuối cùng vượt quá một trăm ngàn một năm bởi một phần vì vật giá và sinh họat ở đó đát đỏ nhưng phần khác là công việc của nó rất là cực nhọc.

Nó được công ty cấp cho một cái ”pager” và một điện thoại với tiền phụ phí gần năm trăm đô một tháng. Ngoài ra còn được bồi hoàn tiền xăng cho việc đi lại và không cần phải túc trực trong bệnh viện, tuy nhiên họ sẽ nhắn hay gọi nó bất cứ lúc nào khi có bệnh nhân cần nên nó hầu như không thể đi xa mà phải ở loanh quanh thành phố và sẵn sàng làm việc cả ngày lẫn đêm. Nhớ có lần tôi tới CA, sau khi chú cháu hò hẹn gặp nhau ăn trưa tại một nhà hàng Việt Nam xong thì khi tôi đưa nhạc mẫu và vợ con tới nơi gặp nó, chú cháu tay bắt mặt mừng sau bao năm xa cách rồi gọi thức ăn. Chuyện vãn chưa được lâu, đồ ăn còn chưa kịp bưng ra thì nó đã được gọi đi gấp vì có bệnh nhân cần đặt máy trợ tim. Thế là thằng nhỏ vội vã bỏ đi, bụng đói meo! Nói thế để chúng ta hiểu rằng lương của nó cao vì công việc không dễ dàng. Ngoài chuyên môn nó còn đòi hỏi chuyên viên phải có trách nhiệm nhất là phải có tấm lòng thương người nữa!

Cuộc đời của nó thăng tiến đều đặn, tương lai sáng sủa cứ rộng mở ra dần thì nó đột ngột rẽ sang một bước ngoặt khác khi một hôm nó điện thoại cho tôi bảo là đã “quit job!” Trong lúc tôi còn đang chưng hửng chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra với nó thì giọng nó đều đều vang lên bảo là nó đã ký hợp đồng gia nhập quân đội với “National Guard” lâu lắm rồi bây giờ mới được gọi. Ước mơ của nó là muốn được làm “pilot lái Black Hawk!”

À, thì ra là vậy. Thôi hãy để cho nó bay bổng với ước mơ thời trai trẻ của nó. Vì ai cũng chỉ có một đời để sống!

Rồi một hôm ba nó bay lên OH chơi với gia đình tôi một đêm để rạng sáng mai tôi với anh lái xe đi đến trại Fort Knox ở Kentucky tham dự lễ mãn khoá “ba tháng quân trường”của thằng nhỏ.

Chúng tôi lên đến đó thì đã khá trưa và vào trại dễ dàng vì có thư mời. Buổi lễ mãn khóa diễn ra long trọng với các nghi thức của quân đội dành cho tân binh. Sau diễn hành là phần duyệt binh rổi đến diễn văn, huấn từ của trưởng trại.

Lúc lễ mãn khóa chấm dứt, gia đình được phép gặp mặt và đưa con em ra ngoài ăn trưa cho tới bốn giờ chiều thì tất cả các khoá sinh phải trở lại trại tập hợp trình diện. Thằng Michael, tên Mỹ của nó bây giờ, dẫn theo hai thằng bạn đồng khóa mà vì gia đình ở xa không đến được theo chúng tôi đi ăn luôn. Tất cả các nhà hàng đều đông nghịt thực khách. Không khí rất là nhộn nhịp và ồn ào náo nhiệt. Nhà hàng chúng tôi vào đầy các ông bà cô cậu ăn mặc thật trang trọng, màu sắc của áo quần sặc sỡ xen lẫn trong quân phục đơn giản ra trường của tân binh nói lên đời sống bình dị, vì tha nhân mà phục vụ của người lính Mỹ.

Nhìn nét mặt rạng rở của thân nhân, ánh mắt âu yếm của các bậc cha mẹ hướng về những đứa con yêu vừa mới trưởng thành sau ba tháng huấn nhục ở quân trường tôi biết họ rất là hạnh phúc và hãnh diện. Anh bạn tôi có vẻ vui vì dù sao thì gia đình anh cũng đã có một người con đóng góp công sức vào đất nước đã cưu mang mình. Còn mấy người lính trẻ thì trông có vẻ tự tin ra qua tướng đi và cử chỉ.

Thằng Michael Ky của chúng tôi thì vóc dáng rắn rỏi và tay chân trở nên săn chắc hơn. Khi năm người chúng tôi ngồi vào bàn và chờ thức ăn thì câu chuyện không có gì ngoài chuyện xoay quanh đời quân ngũ của chúng. Theo lời người anh kể lại thì mỗi tuần nó chỉ được phép gọi về thăm gia đình hai phút mà thôi. Mấy lần đầu chưa kịp hỏi han nhau thì điện thoại đã tắt mất tiêu bỏ lại anh trong ngẩn ngơ và tiếc nuối.

Khi đồ ăn được dọn lên trong khi tôi và ba nó mới chuẩn bị xong dao nĩa và ăn được vài ba muỗng thì từ phía đối diện ba chàng lính trẻ đã ăn sạch sẽ phần mình. Chúng nhìn anh em tôi cười bẽn lẽn và giải thích rằng chúng ăn lẹ vậy mới kịp vì khi mới vào quân trường mấy ngày đầu bọn chúng bị đói vì thói quen ăn chậm chạp như lúc còn sống với gia đình đã làm cho chúng hiểu rằng đời quân ngũ khác hẳn với dân sự. Quân trường đã dạy người quân nhân lúc nào cũng phải nhanh lẹ, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình thế kể cả khi đói!

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện vui vẻ thì bất ngờ có một ông Mỹ tiến lại bàn chúng tôi. Ông lần lượt bắt tay từng người một, tự giới thiệu tên và nghề nghiệp. Ông ta là luật sư, hôm nay ông ta theo bạn gái đến đây để dự lễ ra trường của con cô ấy và ông ta rất cảm kích khi thấy các người trẻ đã từ bỏ cuộc sống sung túc bên ngoài để gia nhập quân đội bảo vệ đất nước. Vừa nói ông ta vừa chỉ vào chiếc bàn trong góc nơi có một người phụ nữ tóc vàng ánh đang ngồi với một chú lính mà “mặt còn búng ra sữa.” Họ cũng hướng về chỗ chúng tôi, vẫy tay chào. Nhìn qua những người lính tôi chợt nhận ra có lẽ thằng Ky nhà tôi là lớn tuổi nhất trong đám vì hình như không có chàng trai nào thành đạt, có công ăn việc làm vững chắc, lương cao như nó lại dám “bỏ đi lính” trong đợt này.

Tất cả các người hiện diện hôm ấy đều có chung một tâm trạng và đồng cảm như nhau. Sự cám ơn chân thành và cử chỉ thân thiện của người luât sư làm mọi người cảm động. Các chàng trai có vẻ tự hào việc mình gia nhập quân đội là có ý nghĩa và xứng đáng..

Riêng thằng cháu tôi sau ba tháng quân trường nó sẽ trở về đời sống dân sự, đi lằm lại bình thường và đợi ngày đi học khoá sĩ quan.

*

Kể từ sau ngày nước Mỹ bị khủng bố mười một tháng chín, 2001, tinh thần ái quốc của dân chúng Mỹ dâng lên rất cao. Đi tới đâu người ta cũng thấy quốc kỳ Mỹ phất phới tung bay. Các khẩu hiệu cổ xúy lòng yêu nước, cám ơn binh sĩ Mỹ được treo, dán, khắp nơi.

Hàng năm đến ngày Lễ Cựu Chiến Binh, các tổng thống Hoa Kỳ đều có đọc diễn văn ghi ơn công lao những người lính Mỹ. Chính quyền thành phố ở mọi tiểu bang thì làm lễ vinh danh và diễn hành vào đúng mười một giờ sáng.

Thiết thực hơn, bây giờ có rất nhiều nhà hàng quán ăn, tiêm bán hàng, khu vui chơi giải trí đều có dịch vụ giảm giá hay miễn phí cho người lính trong những ngày lễ này. Ngay thành phố Dayton nơi tôi ở thì Red Lobster có buổi điểm tâm sáng miễn phí, Krogers có chương trình bán hàng đặc biệt và ngay cả Walker Toyota Dealer cũng giảm một ngàn đồng cho quân nhân khi họ mua xe mới…

Đó là những cách bày tỏ, hành động cụ thể mà xã hội Mỹ đang hướng về người lính của họ!

Nhiệm vụ của người lính Mỹ lúc này quan trong hơn mọi lúc. Gánh nặng lo cho sự an toàn của người dân và tổ quốc đặt lên vai họ nhiều trách nhiệm hơn.

Nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay xin gửi tới các quân nhân, những người đang phung sự và chiến đấu cho sự trường tồn của Hoa Kỳ một bông hồng như biểu tượng của lòng tri ân sâu sắc!

Happy Holidays! Happy Thanksgiving! God bless you all! God bless America!

Mùa thu, Ohio

Triều Phong (TPN)

Ý kiến bạn đọc
26/03/201617:11:08
Khách
Thường học sinh không đủ điều kiện tài chính vào đại học sau khi tốt nghiệp trung học, họ thường vào quân đội để lúc mãn hạn họ được nhiều “benefit” đi học đại học. Trường hợp của Michael Ky thì ngược lại, đã tôt nghiệp đại học lương trên trăm ngàn đô một năm mà lại thôi việc để gia nhập quân đội mới là chuyện đáng kính phục!

Đây đúng là trường hợp điển hình “ hy sinh phục vụ, đền ơn đáp nghĩa đất nước đã cưu mang mình một cách vô vụ lợi.” Một gương sang của thanh niên Việt Nam trên đất Mỹ. Khâm phục ! Khâm phục!
PL
22/11/201520:04:03
Khách
Văn phong tác giả thật tuyệt. Trái tim tôi nghẹn lại khi "nhìn thấy" dấu giày của chú bé con đi trên tuyết từ chỗ đậu xe đến ngôi mộ bố của chú bé và chú đang ôm khối đá nói lời thầm thì như đang chia xẻ điều bí mật giữa hai bố con trong nghĩa trang đầy băng giá với một màu trắng thê lương cô tịch. Ba tôi cũng là một người lính. Tôi, một đứa trẻ 9 tuổi, đã mong đợi ba về biết bao nhiêu khi đang trên đường đi học về...vì ba đi công tác đã một tháng xa nhà. Trong trí tưởng tưởng của mình, ba sẽ nhấc bỗng tôi lên, rồi ba sẽ đưa tôi vào rừng để tìm cây thông trang trí cho Noel. Thế nhưng...không bao giờ nữa...Mùa Đông Banmethuot năm 1963 ấy là mùa đông lạnh lẽo cô đơn nhất trong tâm hồn non nớt của một đứa nhỏ vừa lên 9 mới mất người cha thân yêu.
22/11/201518:02:42
Khách
Thank you for your service to our country. I am thankful to America and I am proud to be American. God bless America. God bless our service men and women! Happy thanksgiving!
22/11/201514:51:37
Khách
Ngôn ơi, đọc bài mày viết nhớ ngày xưa lúc học ở Taberd. Tụi mình cũng ngon lành như ai vậy. Thời gian trôi mau quá, mới đây mà đã 40 năm rồi. Tao mới xuất viện đây. Thằng Nghĩa sắp vào bệnh viện lại. Thời học sinh đã qua, tụi mình giờ hẹn gặp nhau trong nhà dưỡng lão.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,299,848
Chắc hẳn chúng ta khi nghe ai nói: "Có muốn đi chơi không? " là lòng chúng ta rộn ràng vui thích vì sắp được thoát cái nhà tù túng và bay nhảy tự do với khung cảnh bên ngoài.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Là con một gia đình H.O., đến Mỹ năm 1995, khi đã 27 tuổi, Nguyễn Khánh Vũ hiện là kỹ sư điện toán cho một công ty tại Arizona và đã góp nhiều bài viết xúc động.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến