Hôm nay,  

Kỳ Hương

06/11/201500:00:00(Xem: 15526)

Tác giả: Huyền Thoại Thịnh Hương
Bài số 3664-18--30154vb6110615

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài viết mới của cô là một chuyện tình với khung cảnh San Francisco thơ mộng.

* * *

Tôi đang ngồi viết thì điện thoại cell kêu rộn ràng. Biết là Kỳ Hương vì tiếng chuông đặc bịêt này chỉ dành cho nàng, nên tôi trả lời như một anh kép cải lương:

- Kính chào tố nữ!

Bên kia đầu giây nàng cười ròn rã, rồi báo tin:

- Ngày mai em sang thăm anh.

- Em cho anh ăn bánh vẽ hoài. Cần cổ của anh sắp dài bằng cổ cò rồi!

Nàng thành khẩn:

- Nhưng lần này bảo đảm. Mai nếu không bận, anh ra phi trường San Francisco đón em.

Tôi vẫn chưa tin nên đong đưa:

- Bận gì anh cũng bỏ hết. Nhưng sao giờ này em mới cho anh biết? Rủi anh đi lang thang đâu đó làm sao về kịp?

Nàng giải thích:

- Sáng thứ hai tuần tới có một cuộc hội thảo tài chánh toàn quốc. Trước đây công ty cử Randy đi tham dự, nhưng giờ phút chót anh ta bị bịnh nên em được đi thay. Em mua vé qua trước vài hôm để dung dăng dung dẻ với anh. À, em cho anh biết trước là tuần tới, để kết thúc cuộc hội thảo, họ sẽ tổ chức một buổi dạ tiệc. Em đã ghi bốn chỗ, cho anh, em và vợ chồng Tâm.

Tôi nịnh, dù tôi nịnh rất chân thành:

- Em muốn anh làm gì anh cũng xin tuân lệnh. Bây giờ em bảo anh nhảy xuống Vịnh Cựu Kim Sơn cho cá mập đớp anh cũng xin nghe.

Nàng phản đối bằng một tiếng hứ êm tai rồi trách:

- Làm sao anh nghĩ em có thể ác thế được nhỉ? Anh chết rồi ai sẽ viết cho em đọc, ai gọi điện mỗi đêm cho em? Nè, đừng môi miếng như những người trong chuyện của anh nghe không!

- Em chẳng bao giờ chịu tin anh. Nhưng chuyện đó tính sau. Bây giờ anh có cần giữ khách sạn cho em không?

- Dạ không. Công ty đã giữ phòng cho mọi người ở Sheraton gần Fishermanwharf.

Hỏi nàng vậy, vì tôi và nàng – nói đúng hơn – là nàng chưa cho phép tôi được cái diễm phúc đón nàng về tệ xá của tôi một lần nào. Tôi hỏi, để chứng tỏ rằng tôi tôn trọng ý muốn của nàng, rằng tôi yêu nàng như yêu một cô tiên trong tranh, mặc dù thật ra, tôi chỉ muốn nàng đến với tôi như kẻ phàm trần.

Rồi Kỳ Hương hỏi tôi:

- À, anh ơi, anh muốn em mặc gì trong đêm dạ tiệc? Áo dài Việt Nam, hay đồ đầm? Em muốn biết để còn “pack”.

Chỉ trong vài phút đồng hồ, Kỳ Hương đã tròng vào cổ tôi hai cái giá. Cái giá đầu tiên nàng bảo tôi đi dạ tịệc với nàng. Kỳ Hương là người đàn bà duyên dáng và đầy hấp lực, đáng lẽ ra tôi phải hăm hở và hãnh diện sánh vai nàng trước những người đàn ông có lẽ cũng đang nhìn nàng thèm muốn ước ao. Nhưng đã từ mấy năm nay, tôi không còn thích những đám đông, nhất là khi cái đám đông đó toàn là người của nàng. Người ta có thể chẩn đoán đây là hiện tượng lão hoá, nhưng tôi chẳng muốn nghĩ tôi đang đi vào cái lịch trình buồn tẻ đó, bằng chứng là tôi đang yêu, và người tôi yêu là nàng Kỳ Hương mặn mà. Cái giá thứ hai là việc chọn lựa áo quần cho nàng. Thời trang phụ nữ đối với tôi là một cái gì phiền toái. Theo tôi, đàn bà đẹp - mà lại đẹp như nàng – thì mặc bộ đồ của E Và là đẹp nhất. Nhưng tất nhiên tôi chẳng bao giờ muốn nàng phô bầy thân thể ngà ngọc của nàng cho bá tánh chiêm ngưỡng, một chuyện làm rất bình thường của những thần vệ nữ màn ảnh, và tôi chắc là nàng sẽ chẳng bao giờ bằng lòng dẫu người ta có trả cho nàng một giá rất cao. Tôi quả quyết như vậy, vì tôi biết tâm hồn nàng như tôi biết bàn tay của tôi, tuy nghe hơi tự phụ. Tôi trả lời nàng rất ba phải:

- Em cứ mang hết những bộ em thích qua đây rồi mặc cho anh ngắm. Anh sẽ lựa bộ nào đẹp nhất cho em mặc. Nhưng có điều…

Tôi làm bộ ngập ngừng. Tôi luôn làm như vậy khi muốn kích thích sự chú ý của nàng. Kỳ Hương hối thúc:

- Nhưng sao, anh?

Tôi thong thả bảo nàng:

- Anh nghĩ em đẹp nhất khi em chẳng mặc gì hết.

Bên kia đầu giây, nàng thốt lên một tiếng “hứ” sắc nhọn, rồi giọng nàng kéo dài:

- Anh chỉ thích trêu ghẹo em thôi! Lần sau nói chuyện với anh em phải cẩn thận tối đa kẻo bị sập bẫy !

- Ngày nào anh cũng khấn vái cho em sập bẫy mà sao mãi chưa được toại nguyện.

Kỳ Hương òa cười. Rồi nàng bảo tôi:

- Không thèm nói chuyện với anh nữa. Anh viết bài đi. Viết nhiều nhiều để bù cho những ngày sắp tới, vì em sẽ chẳng cho phép anh ngồi viết lách gì đâu.

Chờ tôi nói “OK” xong, nàng cúp phone. Tôi ngửa người trên ghế, nhắm mắt tưởng tượng đến nàng.

Kỳ Hương đang dắt tôi đi ngược giòng thời gian, cho tôi sống lại tuổi ba mươi, con số nhỏ gần bằng nửa quãng đời tôi đã đi qua. Còn nàng, người đàn bà đã sống được nửa đời người, nhưng thể xác nàng là cái vỏ bọc của tâm hồn một cô sinh viên mười tám, đôi mươi. Tôi nghĩ qua những câu chuyện tôi viết, nàng đã tìm lại một thời hoa mộng mà nàng đã đánh mất, chưa kịp sống, chưa kịp thụ hưởng vì khói lửa chiến tranh. Có lần Kỳ Hương bảo nếu được thần Aladdin cho xin vài điều ước, thì một trong ước muốn của nàng là được sống lại quãng đời sinh viên ngắn ngủi của mình, với những lần hẹn hò, những buổi ăn cháo khuya trên đường Phan Đình Phùng sau buổi tối đi ciné với người yêu áo chiến. Nàng luôn tiếc nuối quãng đời hoa mộng dở dang của mình trên mảnh quê hương mà nàng đã buộc phải rời xa. Nàng đã đánh mất tuổi trẻ của nàng trên mảnh đất triền miên khói lửa.

Tôi quen Kỳ Hương trong một chuyến bay từ Houston trở về San Francisco. Khi tôi đến hàng ghế của mình, Kỳ Hương đã ngồi trong ghế của nàng ngay đường đi. Ghế của tôi bên cửa sổ. Chỗ ngồi giữa tôi và nàng bỏ trống. Lúc nàng đứng lên và bước ra khỏi ghế cho tôi vào trong, tôi thoáng ngửi mùi nước hoa rất quyến rũ từ tóc, từ cổ nàng. Đó là một mùi thơm dịu dàng nhưng mê hoặc, một pha trộn tuyệt hảo của hoa hồng quí phái, của trầm hương nồng nàn và của da thịt nàng tươi mát. Tôi đã sống quá nửa đời người, đã được ôm trong tay nhiều mỹ nhân, nhưng chưa một người đàn bà nào có một mùi hương đặc biệt như nàng, cái mùi thơm đã bắt tôi phải ngây ngất ngay từ phút đầu tiên. Sau khi yên vị, tôi quay sang cám ơn nàng. Rõ ràng nàng là người Á Châu, nhưng không biết nàng người nước nào nên tôi nói tiếng Anh. Nàng đáp lại lời cám ơn của tôi bằng một nụ cười, nụ cười khoe hai hàm răng đều và đẹp như ngọc trai. Trước khi máy bay cất cánh, nàng mở cell phone gọi một ai đó:

- Hey, Tâm, máy bay đang chuẩn bị cất cánh, có lẽ sẽ đến đúng giờ. Mợ đón tôi bên ngoài, trước khu lấy hành lý, OK? À há…À há… Bye.

Biết là nàng người Việt, tôi thích lắm và định bụng sẽ lựa dịp để làm quen. Khi máy bay đã đến độ bình phi, tôi mở xách tay, lấy cuốn “ The Da Vince Code” của Dan Brown ra đọc. May cho tôi làm sao, vì nàng là người mở lời, cho tôi cái cơ hội làm quen quí báu:

- Ồ, cuốn sách nhiều tranh cãi! Tôi đã đọc rồi. Rất hay, tuy hơi nặng nề một chút.

Tôi sung sướng, trả lời bằng tiếng Việt:

- Tôi mới đọc được một ít trang. Nghe đâu người ta đang dự trù làm thành phim.

Nàng nhìn tôi, thích thú:

- Ồ, ông là người Việt? Sao ông biết...

Chợt nhớ ra, nàng vội tiếp:

- À, hồi nãy tôi nói chuyện điện thoại với cô bạn tôi bằng tiếng Việt. Xin tự giới thiệu, tôi tên Kỳ Hương.

Nói xong, nàng đưa tay cho tôi bắt. Tôi sung sướng cầm bàn tay mềm, ấm và thơm của nàng. Tôi tự nhủ, người sao tên vậy, cha mẹ nàng hoặc ai đó đã tiên tri chính xác đến nỗi đặt cho nàng cái tên vô cùng ăn khớp. Tôi xưng tên và trao cho nàng tấm danh thiếp. Biết tôi là ký giả của một tờ báo tại San Francisco, nàng thố lộ:

- Rất hân hạnh được biết ông. Tôi nghe cô bạn ở San Francisco nhắc đến tên ông đôi lần. Nó bảo ông là người nổi tiếng.

Có người bảo tôi là một tên háo sắc. Tôi nghĩ họ chẳng nói sai là bao. Tôi thường bị lôi cuốn bởi những người đàn bà chân dài da trắng. Nhưng Kỳ Hương không có một làn da trứng gà bóc. Trái lại, nước da nàng là loại nước da rám nắng khỏe mạnh. Hôm đó nàng mặc chiếc váy đầm bằng hàng linen trắng in hình lập thể. Chiếc váy sát nách và dài quá đầu gối chỉ một chút để lộ nước da nâu mịn màng trên hai cánh tay và cặp chân trần. Mắt nàng sắc, đôi môi đầy đặn làm tôi nhớ đến những làn môi gợi cảm của Sophia Loren và Angeline Jolie. Hãy quên đi những lời nói của các ông bà thầy tướng. Với tôi, người đàn bà đẹp là người đàn bà có đôi môi đầy, gò ngực nẩy nở và cặp mông tròn trịa. Mà Kỳ Hương có tất cả những điều tôi ưa thích.

Trong suốt chuyến bay, tôi và nàng nói chuyện không dứt. Tưởng như chúng tôi quen nhau từ lâu lắm. Kỳ Hương cho hay nàng sang San Francisco nhân dịp vợ chồng Tâm kỷ niệm năm năm thành hôn. Nắm lấy cơ hội, tôi hỏi “gia cảnh” của nàng. Im lặng một lát nàng bảo:

- Tôi và ông xã ly dị cách đây sáu năm. Sống với nhau mấy năm mới nhận ra là không hợp.

Có lẽ để tôi khỏi nói những câu chia buồn khách sáo, nàng tiếp:

- Tôi là người nhiều tình cảm, sống bằng nội tâm, thích thơ văn và âm nhạc. Anh ấy thích những con số và những điều cụ thể. Chúng tôi vẫn là bạn.

Tôi không dám khẳng định người ta vẫn có thể là bạn sau khi đã dứt khoát xoá bỏ một quãng đời chung của mình. Tôi không hiểu người vợ cũ của tôi có thể tha thứ và nói về tôi như nói về một người bạn khi tôi đã không cùng nàng đi hết quãng đời còn lại. Thật ra, tôi là người đã đưa nàng tới cái quyết định chẳng đặng đừng là phải tách rời nhau vào cái tuổi mà người ta muốn yên với những gì mình đã và đang có. Nàng không còn đủ nhẫn nại và rộng lượng để bỏ qua những lỗi lầm mà tôi cứ lập đi lập lại nhiều lần trong mấy chục năm chung sống. Như đã nói, tôi là một kẻ đa tình và háo sắc, và căn bệnh này còn đeo đuổi tôi tới giờ phút này, khi tóc tôi đã nhiều mầu trắng hơn mầu đen, và da tôi đã có quá nhiều dấu vết tàn phá của thời gian. Tôi không còn đi đánh tennis như nhiều năm trước vì hai đầu gối đã khô mòn theo chu trình tuổi tác. Nhưng khổ một điều, trái tim và khối óc của tôi chưa chịu đầu hàng luật sinh thoái. Tôi vẫn còn rung động vì đàn bà, những người đàn bà đẹp và thông minh. Mà suy ra cho cùng, có mấy người đàn ông nào trót mang cái nghiệp cầm bút như tôi mà chẳng đa đoan trong sự nghiệp ái tình? Thời còn trẻ, lúc ở quê nhà, tôi đã say mê một cô đào cải lương đến gần như điên cuồng. Đêm nào tôi cũng vô rạp để say sưa ngắm nàng ca hát. Lúc đó, trong mắt tôi, nàng là người phụ nữ đẹp nhất trần gian. Tôi ngồi im lặng, nghiêm trang uống từng lời nói và theo dõi từng cử chỉ của nàng trên sân khấu. Tôi say mê dán mắt vào đôi môi hình trái tim của nàng mấp máy cái giọng Nam Bộ ngọt như đường phèn. Khi phần trình diễn của nàng chấm dứt là lúc tôi đứng dậy vào hậu trường gặp nàng. Tôi không bao giờ biết chuyện tuồng kết thúc ra sao, vì tôi không mê cải lương. Tôi chỉ mê đào cải lương. Khi nàng có kép, cũng là một kép hát nổi danh, thì tôi hết mê nàng và tất nhiên chẳng còn ai thấy tôi bước vô rạp coi cải lương một mình nữa.

Kỳ Hương nói giọng miền Bắc, một giọng nói thánh thót như chim hót. Nếu chỉ nghe nàng nói, tôi sẽ không bao giờ nghĩ nàng là một phụ nữ sắp bị cuộc đời gán cho hai chữ “về chiều”. Tôi có thể lầm nàng là một thiếu nữ đôi mươi với thanh âm trong và chất ngất nũng nịu. Tôi đoán nàng là người Hà Nội, nhưng nàng vội lắc đầu:

- Tôi sinh tại Sàigon, ba tôi người Bến Lức, nhưng mẹ tôi là người Hà Nam.

Những người đàn bà xứ Bắc tôi quen biết trước đây, đặc biệt là người Hà Nội, thường thay thế phụ âm “r” bằng “dz” như “ăn dzồi”, “đi dzồi”, thì Kỳ Hương lại uốn lưỡi phát âm rất nghiêm chỉnh những từ này. Nàng thường cười ngặt nghẽo và chê tôi phát âm sai khi tôi nói hai tiếng “chăm xóc”. Một anh cầm bút chuyên nghiệp như tôi mà bị một người sinh sau đẻ muộn sửa lưng một cách đáng yêu đến thế.

Trước khi chia tay tại chỗ lấy hành lý, tôi mời nàng đi ăn vào tối sau. Kỳ Hương hứa sẽ gọi lại cho tôi sau khi sắp đặt chương trình với vợ chồng Tâm. Và hôm sau, nàng gọi điện thoại để nhận lời mời của tôi. Tôi đưa nàng đi ăn tại một quán ăn rất nổi tiếng của San Francisco. Tôi nghĩ nàng xứng đáng được biệt đãi. Trong suốt buối tối đi ăn với nàng, tôi như người đi trên mây, không dám tin vào cái cơ may mình đang có. Ngày xưa tôi mê giọng Nam Bộ, thì giờ đây tôi đang bắt đầu chết đuối vì giọng nói của người đàn bà “Bắc Kỳ”.

Khi Kỳ Hương trở về Houston, tôi và nàng nói chuyện điện thoại hầu như mỗi ngày. Chuyện của chúng tôi nói tưởng không bao giờ cạn. Nàng kể cho tôi những kỷ niệm tuyệt vời của thời mới lớn và những mối tình học trò vụng dại. Tôi hơn nàng trên một con giáp và ký ức của tôi phần nhiều là những năm gian khỗ của đời lính. Kỳ Hương nghe tôi kể về đời lính và những cuộc hành quân đẫm máu của tôi một cách say mê. Một lần nói chuyện rất khuya trên phone, nàng đòi tôi kể về những mối tình xưa cũ của tôi. Tôi bảo nàng ngày xưa tôi rất hư và rất sợ ôn lại những câu chuyện tình ngắn ngủi của cái thời tôi sống vội để quên đi nỗi chết cận kề mỗi ngày. Những lần về thành phố với tờ giầy phép hạn hòi, người yêu của tôi không ai khác hơn là những nàng vũ nữ đa tình. Họ luôn sẵn sàng mà tôi thì không có nhiều thì giờ. Nhiều khi tôi và Kỳ Hương nói hoài nói mãi đến lúc phone của một trong hai chúng tôi hết battery mới chịu đi ngủ. Vậy mà sáng hôm sau tôi lại gọi đánh thức nàng, nói với nàng những câu chẳng đâu vào đâu trước khi sửa soạn đi làm.

Tôi và nàng như hai đứa trẻ mới lớn chập chững biết yêu. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết cái thú mong chờ. Đi đâu và làm gì rồi tôi cũng nhớ nàng. Nàng như một ám ảnh kỳ diệu. Một lần Kỳ Hương hỏi vì sao tôi yêu nàng. Tôi bảo tâm hồn trẻ thơ của nàng là chất nhựa làm hồi sinh trái tim cằn cỗi của tôi, và tôi cũng thú thật tôi mê mùi hương quí phái lạ lùng từ thân thể nàng. Kỳ Hương lặng im một lúc rồi hỏi tôi:

- Sao anh không bao giờ hỏi em có yêu anh không?

Tôi thầm thì:

- Anh biết em yêu anh nên không cần hỏi. Nhưng bây giờ anh hỏi, vì sao em yêu anh?

Nàng không lưỡng lự:

- Em yêu cái đầu tuyệt vời của anh.

Nghe nàng nói, tự ái tôi được vuốt ve. Những người đàn bà đi qua đời tôi không khó khăn, vì tôi là người đàn ông có chút tiếng tăm. Họ yêu tôi. Nhưng họ không đọc được tâm hồn tôi, không chia xẻ với tôi những điều tôi ấp ủ. Kỳ Hưong là một một hiếm hoi đã đến trong những năm muộn màng của đời tôi. Tôi đang yêu nàng.Tôi trân trọng, nâng niu nàng như một báu vật, một điều mà cách đây ba mươi năm, tôi gọi đó là hành động của một thằng đàn ông cả quỷnh. Tôi chưa hết khả năng yêu theo nghiã trắng lẫn nghĩa đen của chữ yêu. Nhưng tôi đang muốn cùng nàng sống lại cái tuổi đôi mươi với những e ấp giữ gìn. Ngày nay tôi không cần vội vàng chiếm đoạt. Tôi sung sướng trong cái thú tuyệt vời của đợi chờ và hy vọng.

Trưa thứ sáu, tôi ra phi trường đón Kỳ Hương và đưa nàng tới khách sạn. Tôi xách hành lý lên phòng cho nàng. Khi cánh cửa khép lại, Kỳ Hương nhìn tôi bối rối. Đây là lần đầu tiên tôi và nàng ở một chốn riêng tư với ngoại cảnh thôi thúc gọi mời. Thái độ của nàng cho tôi hiểu là nàng chưa sẵn sàng đón nhận những đụng chạm cần thiết của hai kẻ yêu nhau, và tôi có bổn phận tạo cho nàng cái cảm giác thoái mái, tự nhiên. Tôi nhẹ kéo nàng vào vòng tay. Nàng đi giầy cao gót nên tôi chỉ cao hơn nàng một chút để môi tôi chạm vào tai nàng. Tôi thì thầm:

- Tố nữ đừng lo, anh không làm gì trái ý em đâu. Anh sẽ làm cục bột cho em nhào nắn. Em muốn nặn cục bột thành cái gì tuỳ ý em.

Nghe tôi nói nàng phì cười. Giây phút bỡ ngỡ, ngại ngùng ban đầu trôi qua, nàng dí dỏm bảo tôi:

- Bột này chai rồi, có nặn được cũng trần ai khoai củ.

Tôi và nàng cùng phá lên cười. Tôi cúi xuống thăm dò và rồi môi tìm môi. Nàng ngập ngừng đón nhận chiếc hôn đầu tiên, nhưng chỉ ít giây sau những sợi thần kinh trong người tôi bỗng căng lên khi nàng đáp ứng một cách nồng nhiệt và mạnh dạn. Tôi rúc đầu vào cần cổ nàng, mê man với mùi hương tuyệt vời đang kích thích khứu giác và nhịp đập của trái tim tôi. Tôi nghe tiếng thở dồn dập của cả hai, và tôi không nhớ chúng tôi hôn nhau bao lâu khi cả hai cùng ngã xuống giường và cuống quit tìm nhau.

Điện thoại của Tâm đến lúc tám giờ đưa chúng tôi ra khỏi giấc ngủ mệt nhoài thoả mãn. Hương muốn đi ăn tối với bạn. Tôi chỉ muốn nằm lại trong căn phòng ấm cúng, không muốn rời xa nàng dẫu chỉ một giây. Nhưng Kỳ Hương âu yếm ra lệnh:

- Gấu cưng dậy đi. Mình còn cả một tuần lễ nữa với nhau cơ mà!

Nghe lời hứa ngọt ngào của nàng, tôi miễn cưỡng ngồi dậy sửa soạn. Đêm đó và đêm sau, Kỳ Hương không ngủ ở khách sạn. Nàng ở nhà tôi, ngủ trên giường tôi và chia xẻ với tôi những giờ phút tuyệt vời. Ban ngày, tôi và nàng lang thang khắp nơi. Tôi đưa nàng đến những địa danh nổi tiếng của thành phố sương mù. Tôi nắm tay nàng đi trên khúc đường ngoằn ngoèo chữ chi trên đường Lombard. Tôi dẫn nàng xuống North Beach cho nàng phơi nắng. Nhìn thân thể Kỳ Hương lồ lộ như tượng thần vệ nữ, tôi không hiểu vì sao tôi được cái may mắn có nàng. Đôi khi tôi tự hỏi nàng đã thấy gì nơi tôi? Nàng bảo nàng yêu “cái đầu” của tôi, nhưng tôi nghĩ có lẽ nàng đã mắc nợ tôi kiếp trước, nếu quả thật có một đời sống luân hồi mà trước đây tôi không tin là có. Tôi thú vị khi chợt nghĩ là tôi đã may mắn chộp được nàng trong cái giây phút thần Tình Yêu sao lãng, ghép lộn tên tôi với tên nàng.

Tâm than là Kỳ Hương và tôi quấn quit nhau quá đến nỗi hai người không có đủ thì giờ tâm tình với nhau. Kỳ Hương lại dỗ dành như đã dỗ dành tôi, “tao còn ở đây cả tuần lễ nữa. Chỉ sợ anh chồng yêu “quái” của mày không chịu chia mày cho tao vài đêm thôi”.

Đêm Chúa Nhật, Kỳ Hương về khách sạn ngủ vì muốn dậy sớm chuẩn bị cho buổi hội thảo sáng thứ hai. Đêm đó, tôi đưa nàng đi ăn bên Sausalito tại một nhà hàng nằm cheo leo trên một sườn núi. Tôi rất thích nhà hàng này vì những khung cửa kiếng mở rộng bốn phía, cho phép thực khách vừa ăn vừa chiêm ngưỡng cảnh đêm tuyệt vời. Tôi đã đến đây nhiều lần, và lần nào San Francisco cũng phơi trải trước mắt như một bức vẽ linh động và biến dạng. Thành phố rực rỡ trong những đêm trời trong và ấm áp. Nhưng lại vô cùng kỳ ảo vào những chiều ướt đẫm sương mù hay mùa đông mưa phùn lạnh lẽo.

Tôi yêu San Francisco và vẻ đẹp biến hoá của nó đến nỗi không thể dứt áo ra đi, dù biết rằng tôi đang trả giá rất đắt cho lòng ái mộ của mình. Nhưng nếu sống ỡ một nơi nào đó, tôi sẽ không được thả hồn lãng đãng vào những sáng sương mù, những buổi chiều hiu hắt lạnh và những con dốc dựng đứng chân mây. Tôi sẽ không có những phút lặng mình chiêm ngưỡng cái thánh phố ngái ngủ từ những đỉnh đồi lộng gió.

Trên đường trở về, khi đi ngang cầu Golden Gate, Kỳ Hương muốn ngừng lại để nhìn thành phố về đêm. Tôi chiều nàng, mặc dù trời đang trở gió. Thay vì đưa nàng đến tụ điểm nơi chỉ còn lác đác một ít khách vãng lai trong làn sương mù vật vờ, tôi chở nàng lên ngọn đồi bên tay mặt, một đĩa điểm mà tôi rất thích vì có thể nhìn toàn cảnh San Francisco và các vùng phụ cận. Đôi khi vào cuối tuần, tôi thường lên đây một mình và ngồi viết trong những pháo đài xưa cổ. Cái tĩnh mịch và không gian bao la là một xúc tích tuyệt diệu để tôi tìm cảm hứng. Dưới mắt tôi, vịnh Cựu Kim Sơn êm đềm với những con sóng lăn tăn đùa giỡn bên những thuyền buồm nhấp nhô. Cây cầu mầu đỏ nhắc tôi nhớ đến cuốn sách “Interview with the Vempire” của nhà văn chuyên viết chuyện ma quỉ Anne Rice đã được quay thành phim cách đây ít năm với hai chàng tài tử Tom Cruise và Christian Slater.

Lên đến đỉnh núi, tôi mở kính xe cho thoáng. Kỳ Hương dựa đầu vào vai tôi, im lặng nhìn xuống thành phố ẩn hiện xa xa. Tôi vùi đầu vào tóc nàng để tận hưởng cái hương vị thần tiên từ người nàng tỏa ra. Tôi không ý thức được chúng tôi đã ngồi đó bao lâu khi Kỳ Hương thầm thì:

- Mình phải “xuống núi” thôi anh. Trời cũng đã khuya.

Tôi đặt lên môi nàng một chiếc hôn lưu luyến trước khi cho xe quay đầu xuống dốc, kết thúc một ngày rong chơi tuyệt vời. Khi về tới khách sạn, anh chàng busboy vội vàng chạy lại mở cửa xe, không quên cái nghiêng mình kính cẩn. Tôi đưa xe ra khỏi khách sạn khi kim đồng hồ xe chỉ đúng 0giờ32 phút. Tôi sẽ phải chờ 18 tiếng đồng hồ nữa để được nghe nàng nói, nhìn nàng cười và xiết chặt nàng trong vòng tay tham lam của tôi. Tôi bắt đầu mong ngay lúc nàng vừa xuống khỏi xe tôi. Tôi đi ngủ với hơi hướng của nàng còn vương đầy trên gối chăn.

Sáng hôm sau, chuông điện thoại réo rắt lôi tôi ra khỏi giấc ngủ đầy mộng mị. Sau khi tôi lên tiếng, người đàn ông ở đầu giây bên kia nói nhanh:

- Chào anh Đạt, đây là Trọng Nghiã của sở cảnh sát San Francisco.

Tôi quen Nghĩa, và đã từng đi uống rượu với anh chàng thám tử gốc Việt đẹp trai và cao lớn không thua gì các đồng nghiệp người Mỹ của anh. Tôi nghĩ hắn gọi tôi đi uống café nên thong thả hỏi:

- Bạn dân có mục gì hấp dẫn mà cần tôi sớm thế?

Nghiã nói sau vài giây ngập ngừng:

- Tôi được đề cử điều tra một vụ án mạng. Theo vài nhân chứng thì hình như anh biết nạn nhân. Ta có thể gặp nhau trong vòng nửa tiếng nữa không, anh Đạt? Tôi cần hỏi anh vài chi tiết

Nhìn đồng hồ, mới hơn tám giờ sáng. Tôi bảo Nghĩa:

- Cho tôi 45 phút. Giờ này tôi vẫn còn nằm trong giường. Đêm qua hơi khó ngủ. Gặp nhau ở đâu, bạn dân?

- Hay để tôi tới nhà anh cho tiện? Tôi sẽ mang café tới.

Tôi đồng ý, rồi gác phôn, vội vàng đi tắm cho tỉnh người. Trong lúc làm công việc vệ sinh, tôi chợt nhớ là tôi không hỏi Nghĩa người hắn cần biết là ai, đàn ông hay đàn bà.

Đúng hẹn, Nghĩa tới với một người đàn bà da trắng mà tôi nhận ra là đồng sự của anh. Nghĩa mang trên tay một cái khay với ba ly café Starbuck lớn. Tôi đem họ đến ngồi tại bàn ăn trong bếp với ý định mời họ ăn sáng. Khi tất cả đã an vị, tôi lên tiếng:

- Nào, tôi có thể giúp quí vị điều gì? Cũng may, hôm nay tôi được làm ở nhà, không phải đến sở.

Samantha chuyển tia nhìn của cô sang Nghĩa, ánh mắt khó hiểu. Nghĩa nhấp một chút café rồi lên tiếng:

- Anh Đạt, chắc anh chưa hay biết chuyện gì đã xảy ra cho cô Kỳ Hương.

Nghe Nghĩa nói, tim tôi muốn ngừng đập. Tôi hỏi trong nỗi âu lo:

- Cậu nói sao? Cậu đến đây vì có gì đã xảy ra cho nàng?

Nghĩa nuốt nước bọt, nói nhanh:

- Đêm qua cô ấy bị kẻ nào đó đâm chết gần khách sạn.

Tôi biết là tôi không nghe lộn. Nhưng tôi không thể tin những lời Nghĩa vừa thốt ra. Tôi căng mắt nhìn Nghĩa, rồi nhìn Samantha, cố cãi lại điều mình vừa nghe:

- Anh nói sao, Kỳ Hương ? Kỳ Hương của tôi? Không, tôi không tin. Tôi không thể tin. Tôi mới chia tay nàng đêm qua. Chính tôi đem nàng về khách sạn.

Hình như lúc đó gương mặt tôi thê thảm đến nỗi Nghiã phải đứng lên và chạy lại đứng sau lưng tôi. Samantha đặt tay cô lên tay tôi, vỗ nhẹ như một cố gắng để trấn an. Tiếng Nghĩa lùng bùng bên tai tôi:

- Bốn giờ sáng hôm nay một người đàn ông đi làm đã nhìn thấy xác cô Kỳ Hương trong một con hẻm cách nơi cô ở có hai con đường. Cô ấy bị đâm vào bụng và chết vì ra quá nhiều máu. Nếu không có chiếc chìa khoá khách sạn rơi bên cạnh cô thì cũng khó lòng biết ngay nạn nhân là ai.

Nghĩa ngừng nói. Có lẽ anh ta cũng đang bị xúc động vì vẻ thảm não của tôi. Samantha tiếp:

- Chúng tôi làm một cuộc điều tra sơ khởi, được biết anh là người sau cùng ở bên cô ta, ngoại trừ vài nhân viên khách sạn lúc anh chở cô về.

Tay chân tôi bắt đầu lạnh. Đầu óc tôi tê cứng. Tôi hỏi Samantha:

- Bây giờ nàng ở đâu? Tôi có thể đi gặp nàng ngay bây giờ không?

Samantha nhìn tôi thương hại:

- Không ai được gặp cô ấy ngay lúc này. Ông Đạt, chúng tôi cần sự cộng tác của ông để làm sáng tỏ vài vần đề.

Tôi nghĩ có lẽ người ta đang nghi ngờ tôi. Tôi hiểu đó là một thủ tục bình thường trong một vụ án mạng. Tôi không cần biết họ sẽ làm gì tôi, vì với tôi, khi không còn Kỳ Hương nữa, mọi chuyện trên đời sẽ chẳng còn mang bất cứ một giá trị nào, ngay cả bản thân tôi. Trước mắt tôi ẩn hiện gương mặt tươi tắn, tiếng cười trong và giọng nói nũng nịu của nàng. Nghĩa cố gắng đem tôi về thực tại:

- Anh Đạt, mong anh bình tĩnh và cho chúng tôi hỏi vài câu. Chúng tôi cần biết tại sao nàng lại trở ra ngoài một mình sau khi anh đem nàng về khách sạn? Nàng có cho anh biết nàng sẽ gặp ai sau đó không?

Tôi quả quyết:

- Không, Kỳ Hương không hề nói gì. Tôi nghĩ lúc đó cũng đã quá muộn, mà nàng lại chẳng quen ai ở đây ngoài tôi và vợ chồng một cô bạn.

Nghĩa xác định:

- Vợ chồng cô Tâm cũng đã cho chúng tôi biết như vậy.

Sau đó, Nghĩa và Samantha thay phiên nhau hỏi tôi về mối liên hệ giữa tôi và nàng, về những nơi chốn chúng tôi tới, những nhân vật chúng tôi gặp gỡ trong vài ngày qua. Tôi không muốn nói, vì những gì giữa tôi và nàng vô cùng riêng tư, là những điều tôi nâng niu quí trọng. Nhưng tôi biết tôi không có quyền chọn lựa. Nghĩa và Samantha đang làm những gì họ phải làm, và tôi, tôi đang phải nói với họ những điều đáng lý chỉ là của riêng tôi và nàng.

Khi Nghĩa và Samantha kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi như cạn hết nghị lực, trở vào nằm trong giường, cố hít vào lồng ngực hơi hướng của nàng còn vương vấn trong đống gối chăn. Tôi bật khóc. Tôi khóc cuộc đời ngắn ngủi và cái chết tức tưởi của nàng. Tôi khóc cho chính tôi. Tôi ước gì tôi có thể chết thay nàng. Nàng còn trẻ, nàng đẹp và đầy nhựa sống. Còn tôi, từ đây trở đi, tôi sẽ là gì khi không có nàng? Tôi sẽ chỉ là một hình nộm biết đi đứng, biết ăn nói nhưng không còn tim óc. Tôi ngồi dậy tìm chai rượu mạnh. Hình như tôi uống hết chai rượu trong một khoảng thời gian không mấy lâu. Tôi chập chờn trong hình bóng ẩn hiện của Kỳ Hương.

Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong căn phòng im vắng của bệnh viện. Nghĩa đã trở lại và thấy tôi trong cơn hôn mê.

Nghĩa cho tôi biết Kỳ Hương đã chết trong khoãng một giờ đồng hồ sau khi tôi đưa nàng về khách sạn. Cảnh sát lấy hồ sơ cell phone của nàng, và những cú phone đã cho họ biết vào lúc 0 giò 36 phút, nghĩa là chỉ bốn phút sau khi nàng xuống khỏi xe tôi, nàng gọi điện thoại cho một tiệm thuốc tây cách đó hai con đường. Sau đó, nàng đi ra ngoài và không trở về. Khoảng bốn giờ sáng một công nhân đi làm sớm nhìn thấy nàng trong con hẻm tối gần nơi anh ta đón xe bus rồi gọi 911. Khi Nghĩa phỏng vấn người quản lý tiệm thuốc tây, anh ta cho hay trưa hôm đó nàng đã gọi để refill một toa thuốc dị ứng. Sau khi trở về khách sạn, Kỳ Hương chợt nhớ đến cái toa thuốc và gọi điện thoại xem tiệm còn mở cửa hay không. Biết tiệm mở cửa 24/7, nàng quyết định đi bộ đến lấy thuốc, không hề nghi ngờ sự an toàn của khu vực quanh cái khách sạn thuộc loại sang trọng này. Định Mệnh đã dẫn nàng đến với hai tên ghiền ma túy đang bị cơn bệnh hành hạ và đang đứng rình mồi trong con hẻm tối. Khi nàng đi ngang, chúng giựt cái xách tay của nàng. Kỳ Hương cố giành lại theo phản ứng tự nhiên. Một tên bịt miệng nàng trong khi tên kia kết liễu cuộc sống của nàng bằng một lưỡi dao đâm ngang hông. Vết thương đáng lẽ không làm nàng chết. Nhưng không ai thấy nàng. Đêm tối đã lạnh lùng đem nàng đi trong cái chết oan nghiệt và cô đơn. Trong lúc đó, có lẽ tôi đang nằm trên giường nệm êm ấm ôm gối tưởng tượng đến nàng. Tôi không biết lý giải cái chết của nàng ra sao nếu đó không phải điều người ta gọi là số phận. Nếu chẳng phải là cái số phận đáng nguyền rủa, nàng chỉ cần nhấn một nút trên địện thoại để kêu tôi quay trở lại chở nàng tới nơi nàng muốn đến. Tôi chỉ cách nàng một con đường và mới xa nàng không đầy năm phút ngắn ngủi. Vậy mà tôi mất nàng.

*

Tôi dọn đến Houston sống nơi Kỳ Hương yên nghỉ. Giờ này San Francisco đối với tôi vẫn đẹp, vẫn thơ mộng, nhưng tôi không muốn ràng buộc với nơi người ta đã cướp đi cái hạnh phúc cuối đời của tôi. Tôi về đây để được kề cận bên nàng, được đem hoa tươi đến mộ nàng và cùng nàng thủ thỉ chuyện trò mỗi ngày.

Năm tháng chẳng còn mang ý nghĩa thời gian trong tôi. Tôi sống vô cảm, thản nhiên chờ ngày tôi ngừng thở để được nắm tay nàng trở về thành phố mù sương. Tôi sẽ cùng nàng bách bộ trên cây cầu sơn đỏ, sẽ đưa nàng lên ngồi vắt vẻo trên đỉnh núi hoặc bay bổng rong chơi giữa sương mù ẩm ướt. Nàng đang đợi tôi. Tôi biết thế, nhưng cái mà người ta gọi là Tử Thần cứ lắc đầu mỗi lần tôi yêu cầu lão xoá tên tôi trong cuốn sổ bộ đời. Tôi ghét lão lắm. Cái lưỡi hái của lão chỉ móc vào cổ những kẻ đang cần sống, đang cần thời gian. Trong khi tôi mong đợi cáí diễm phúc mà mọi người gọi là tai họa, thì cái lưỡi hái vẫn nằm yên trong tay lão, và lão lắc đầu nhìn tôi thương hại.

Huyền Thoại Thịnh Hương

Ý kiến bạn đọc
09/11/201508:01:30
Khách
Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ…
Kỳ Hương đến rồi đi như Huyền Thoại, chị Thịnh hạ bút là tỏa Hương ngay.
Em chờ bài mới chị nhé.
08/11/201517:16:52
Khách
Đi bộ ban khuya, cách khách sạn hai con đường !!!. Sao thật thà quá vậy!.
07/11/201508:36:03
Khách
Đàn ông háo sắc thường không được cảm thông. Cuộc sống tình trường hay trắc trở vì cái nghiệp. Tác giả để cho người đàn ông chết dần mòn trong dằn vặt đau khổ như thế thì ............................. ác quá. Đọc xong chuyện này làm nhớ SF, tuần tới muốn lên thăm .................. chị Thịnh Hương :)
07/11/201505:44:10
Khách
Cám ơn tác giả rất nhiều . Cuối tuần có cơ duyên được đọc một câu chuyện tình đặc sắc . Anh Lê Như Đức đã nói hết tất cả những gì tôi muốn nói cho nên không cần bàn thêm về nội dung và kỹ thuật dựng chuyện . Đã lâu tôi tưởng mình không còn rung động , con tim chai đá vì cơm áo ở xứ người , không ngờ câu chuyện về cô gái tài sắc vẹn toàn Kỳ Hương làm tôi bồi hồi thương cảm cho cuộc tình chưa kịp viên mãn đã phải kết thúc hết sức thương tâm và sống lại thời thanh niên điên cuồng vì yêu khi gặp người khác phái vừa đẹp , vừa đa tình , thông minh dí dỏm , ăn nói duyên dáng và chao ơi cái giọng Bắc Kỳ 54 cho đến chết cũng không thể quên . Tác giả Huyền Thoại Thịnh Hương , tôi xin cám ơn Cô môt lần nữa và mong được đọc thêm nhiều sáng tác mới của Cô . Tôi đã sống vài năm ở SF , nhưng không bao giờ có thể viết về thành phố này bằng một văn phong cực kỳ lãng mạn lồng trong một câu chuyện tình như Cô . Cô đã thành công khi làm cho những người bước vào lứa tuổi 60 như tôi lại thấy trên đời nếu ta gặp được một người như cô Kỳ Hương trong truyện cũng là mãn nguyện lắm rồi , giống như câu sau đây trong nhạc TCS " tình cho nhau môi ấm , một lần là trăm năm "
06/11/201518:42:27
Khách
Một gặp gỡ bất ngờ tràn thú vị
Một giai nhân đa kỳ ắp sắc hương
Một kẻ đa tình ngắt bông hồng đa truân
Một mối tình lãng mạn nhiều thương nhớ
Một cú gọi định mệnh thật tàn nhẫn
Một cái chết không lường quá thảm thương
Một bài viết sắc sảo lắm men thơ
Một huyền thoại tuyệt diệu đầy hương thịnh nhân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,029,724
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến