Hôm nay,  

Tình Về Chiều

24/10/201500:01:00(Xem: 17115)
Tác giả: Năng Khiếu
Bài số 3653-18--30143vb7102415

Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện H.O. Đã đi làm cho đến năm 2012, và hiện là cư dân hưu trí tại Westminster, Nam California. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Sáng nay thức dậy Ông Hải cảm thấy lối đi các phòng ngủ hình như hẹp hơn, từ nhà bếp đến phòng ăn như ngắn lại, à thì ra vợ ông sắp về, chả bù với mấy ngày trước đây, ông thấy căn nhà quá rộng khi không có bóng dáng bà hiện diện. Bà đi Việt Nam chưa đầy một tháng để thăm mẹ ốm nặng, vậy mà ông có cảm tưởng như xa bà 10 năm.

Phải đến tám giờ tối nay cậu con trai cả mới chở ông đi đón bà tại phi trường LAX. Ông đứng ngồi không yên, cái đồng hồ hôm nay mắc chứng gì cũng chạy chậm lại. Bỗng nhiên ông Hải mỉm cười, khi thấy mình ở gần tuổi thất thập mà lòng còn xốn xang hơn thời trai trẻ, rồi ông nghĩ ngợi lung tung, trí óc ông bây giờ, lúc nhớ lúc quên, làm trước quên sau, có khi cầm chìa khóa xe trong tay mà cứ đi tìm rối lên. Nhưng có một điều là những sự việc trong quá khứ, ông vẫn nhớ như in.

Lâu lắm rồi, có lẽ hơn 20 năm ông bà không phải xa nhau, kể từ ngày ông Hải trở về bên bà sau những năm tháng tù đày trong tuyệt vọng. Đó là thời gian xa nhau lâu nhất trong đời. Nhớ những lần bà đầu đội tay xách thăm nuôi ông về, vài tuần sau nhận được lá thơ mỏng dính, bà gửi vào khuyến khích, an ủi ông như câu kinh nhật tụng, để mở đầu cho lá thơ: “Anh cố gắng học tập tốt, lao động tốt, để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, ở nhà các con vẫn ngoan, cuộc sống cũng tạm ổn trong xã hội mới”. Đó là những lời lẽ vợ ông phải thuộc làm lòng, và nó là hành trang bất đắc dĩ theo ông đi khắp các trại tù. Vì vào một dịp vợ ông đi thăm nuôi ông ở Thành Ông Năm Hốc Môn, trước khi vào gặp mặt chồng con, các cai tù trong trại tập họp mọi người lại để tuyên truyền và đe dọa;

- Khi bà con gặp thân nhân, hoặc viết thơ vào phải động viên tinh thần cách mạng, để các anh thấu triệt chính sách khoan hồng của nhà nước, cho các anh tiếp thu tốt lên, để mau được trở về, hiểu chửa!

Nhưng ông nhớ, một lần nhận được thư em trai bà viết với lời lẽ xa xôi, khéo léo hơn: “Chị bây giờ đảm đang lắm, sáng sớm vác gạo chạy đua với xe lửa, trưa về phải ra phơi quần áo cũ ngoài chợ trời nắng chang chang cho khỏi mốc, nên nước da bánh mật, dáng người tong teo” đọc thơ xong ông thấy thương vợ đứt ruột. Đau đớn hơn khi nghĩ tới lũ con ông, sinh nhằm thời kỳ đất nước đen tối nhất, khi mà thằng mù đòi dắt thằng sáng.

Ngày được thả về, ông Hải chỉ biết nhìn vợ bằng ánh mắt dâng đầy thương yêu, như thầm cảm ơn người hiền phụ chung tình,vừa mừng vừa tủi, bà Hải cũng chỉ biết khóc, nước mắt chảy thành dòng, đúng là buồn cũng khóc, mà vui quá cũng khóc. Để rồi những ngày tháng còn lại sống hạnh phúc bên nhau ở tuổi về chiều này, đã kết thành một sâu chuỗi ngọc, mà những chăm sóc chiều chuộng là hạt nghĩa, mỗi hơi thở thương yêu như hạt tình.

Nhớ những ngày đầu mới định cư tại Mỹ, vợ ông lại một lần nữa chịu thương chịu khó làm lụng, cùng với ông lo cho các con học hành nên người, rồi cũng cố vay cộng mượn nợ “down” được căn nhà nhỏ, tưởng là gia đình tám người xum họp vui vẻ mãi, nhưng rồi lần lượt, gả con gái cưới con dâu. Khi đủ lông đủ cánh, chúng như chim ra ràng bay xa, tự lo mái ấm gia đình riêng.

Ông Hải quan niệm, nên phóng khoáng về vấn đề hôn nhân cho con cái, nhưng ông có một ông bạn hay mỉa mai: “Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, còn thời bây giờ con đặt đâu cha mẹ ngồi đó”, ông Hải bảo phải rồi, cụ thử nghĩ coi, bên đất này chúng nó lấy nhau, khi hai đứa tự cảm thấy có đủ khá năng xây dựng một gia đình. Chúng cùng có công ăn việc làm, rồi hùn nhau kiếm tiền lo đám cưới, nào là tiền cho các nghi lễ, tiền xắm nhẫn cưới, tiền đặt nhà hàng, tiền in thiệp, thuê xe hoa, tiền quay phim chụp hình v.v… Ôi! Đủ thứ tốn kém chúng tự lo hết, chỉ hỏi cha mẹ định mời bao nhiêu người để chúng đưa thiệp cho mà ghi tên. Cha mẹ đâu phải tốn tiền tốn công bao nhiêu, mà xía vô chuyện chúng nó yêu nhau. Chả bù với thời mình ngày xưa, khi còn ở quê nhà, mỗi lần dựng vợ gả chồng cho con, cha mẹ lo đến hói đầu, đám cưới nhỏ cũng phải một con heo quay, năm cặp gà mái dầu, chưa kể lễ vật thách cưới, đám lớn có khi phải bán đất cầm nhà, mời từ làng trên xóm dưới, đến ăn ba bốn ngày, cả nhà mệt phờ râu. Mà thời đó, con trai, con gái vừa lớn lên, cha mẹ lo dựng vợ gả chồng, để bắt đầu xây dựng cuộc đời mới, như đũa có đôi mới chí thú làm ăn nên người, thì tiền đâu mà có, phải trông vào cha me, hỏi sao cha mẹ không có uy hơn. Thôi thì cứ phiên phiến đi cho tụi trẻ, mình mau có cháu bồng là vui.

Cũng vì thế mà ông bà Hải đông con nhiều cháu, những ngày đầu tuần ông bà phải coi cháu, cho cha mẹ chúng đi làm, nên vui nhộn như một nhà trẻ. Bà hay bảo: “Con là máu, cháu là mủ”. Đến cuối tuần rảnh rỗi, ông thường thơ thẩn ngoài vườn, ngắm cây na cây mận, năm nay ra hoa muộn, sắp mùa lạnh rồi chẳng đậu được bao nhiêu trái, nhìn vợ lúi húi ở góc vườn, sới gốc mùng tơi, vun gốc mướp, gợi nhớ hình bóng mẹ ông khi còn sinh tiền, lúc ông còn nhỏ bà hay nấu canh mùng tơi với mướp cho ông ăn. Tưởng tượng mẹ già đang luẩn quất đâu đây, mà lòng buồn rười rượi, bước chân đến ngắm cây ngọc lan trước nhà, chỉ nở hoa vào mùa xuân và mùa hạ, ban đêm khi sương xuống, mùi thơm ngào ngạt hơn, át đi cái mùi dầu xanh bà mới cạo gió cho ông. Có những hôm căn nhà vắng lặng, nhìn cái bếp sạch sẽ, ông vừa buồn cười vừa xót xa thương hại bà đứng ngồi không yên, bà thường thở dài: “mẹ cần con hơn con cần mẹ”. Thế mới biết, dù mỗi đứa con khôn lớn đến dâu, vẫn luôn đậm nét trong lòng cha mẹ, chúng là tất cả, không bao giờ phai lạt. Nhưng ngược lại cha mẹ ở trong lòng con cái chỉ là một phần trong cuộc đời chúng, vì chúng có đời sống riêng, nỗi lo lắng mới, người ta gọi đó là “nợ đồng lần”.

Lúc rảnh rỗi ông Hải thường nói như phân trần với bà, khi các con còn trong vòng tay mình, thì mình thấy bình thường, nhưng rồi tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Nhớ khi chúng còn ở bậc Tiểu học, Trung học rồi lên Đại học, ngoài giờ đi học, còn học thêm các môn phụ, con trai thì học võ, học vẽ, tennis, Soccer. Con gái thì học đàn, học bơi, vũ Ballet, rồi đi làm partime, nhưng khi hoàng hôn xuống, chúng cũng kéo nhau về nhà, như chim về tổ, còn được nghe giọng nói tiếng cười, lúc chúng còn nhỏ thì được ôm chúng vào lòng trước khi đi ngủ, khi chúng lớn, thì giục giã đến mỏi mồm, không cho chúng thức khuya. Đôi khi mất ngủ vì chúng mở party đến gần sáng, vậy mà vui. Bây giờ chúng trưởng thành, mãi lo cho cuộc sống, tương lai, mất hút vào công danh sự nghiệp, không có thì giờ đến thăm cha mẹ, thông cảm cho chúng đi bà. Ông Hải thường nói với bà, mình may mắn vì vợ chồng già còn đủ đôi, nên có chỗ tựa vào nhau, tìm hơi ấm cuối đời, cứ nhìn cảnh những người thân, lần lượt ra đi, bằng cách này cách nọ mới thấm thía câu mất mát, lúc còn lại một mình thui thủi mới thấu nỗi cô đơn.

Những ngày bà đi vắng, ông Hải nằm ở nhà xem đá banh, đọc báo mãi cũng chán, thỉnh thoảng ông ghé quán cafe góc Newland gặp mấy ông bạn già nhâm nhi ly cà phê, nghe các cụ lý sự như những nhà tâm lý chuyên nghiệp, đúng hay sai ông cũng chẳng còn hăng tiết vịt mà cãi, như ngày còn trẻ, ai nói gì ông cũng chỉ mỉm cười, có lẽ ông đã qua tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”. Có một ông sắp apply tiền già, vừa mới về Việt Nam cưới vợ, để tỏ ra ta am hiểu sự đời, ông phát biểu, người Tây phương cuộc sống và tình yêu kéo dài hơn người Á Châu, người Á Châu thường già trước tuổi. Nhưng ông Hải thấy không có ai già, cũng chẳng có ai trẻ. Nhớ lại hồi ông 15 - 16 tuổi, ông thấy mấy chị lớp trên chừng 19 - 20 đã thấy già khú đế, sắp ế chồng đến nơi. Vậy mà lúc ông 50 tuổi, ông thấy mấy thằng em 40 tuổi còn nhiều cơ hội, bây giờ gần 70, ông thấy mấy người 50 - 60, còn trẻ chán. Vậy theo ông già hay trẻ còn tùy. Nhất là các bà các cô chưa chồng, hễ có ai hỏi tuổi thì thường không bằng lòng, hoặc dấu tuổi, tỷ như 20 tuổi thì nói mới 17 - 18, mà 30 tuổi thì bảo 25 - 26.


Nhưng phong tục nước ta là “kính lão đắc thọ” nên ở vào tuổi 70 trở lên, có ai hỏi cụ được bao nhiêu cái xuân xanh, thì tự cộng thêm vài tuổi, để thấy bàn dân thiên hạ, rối rít xít xoa khen trông cụ trẻ quá. Đó là tâm lý thời đại.

Ông Hải bây giờ “lực bất tòng tâm”, chân tay thì yếu đuối, tóc tai bạc phơ, vì thợ nhuộm đi vắng, nhưng con tim và đầu óc còn lãng mạn lắm. Nhớ những ngày còn trẻ, thỉnh thoảng bà đi đâu vắng nhà, hay nghỉ hộ sản, thì ông mừng như chim sổ lồng, bây giờ thì trái lại, ông cứ muốn chim nhốt trong lồng sướng hơn. Cho đến tuổi này ông mới thầm thía câu: “Đàn bà là món quà quý giá mà Thượng Đế đã tặng cho đàn ông”. Thử hỏi nếu không có các bà, cuộc đời sẽ chán nản, tâm hồn thì cằn cỗi, không có đối tượng để mà nguýt, mà lườm nhau thì thật là boring, tối ngày nằm chèo queo một mình. Còn nói về trái đất mà không có đàn bà thì làm sao có sự trường tồn cho nhân loại. Đã vậy phong tục Việt Nam, còn đặt ra tập quán cho các bà, mà vào thời cụ Hải phu nhân ai cũng rành sáu câu, con gái thì phải có Tam Tòng, tức là: “Tại gia tòng phụ, xuất gia tòng phu, phu tử tòng tử”, còn Tứ Đức là: “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Đó là thời trước, chứ thời bây giờ khác rồi, phải không các cụ, bởi vì ngày xưa các bà không phải bon chen ngoài xã hội, chỉ ở nhà, chờ nâng khăn sửa túi “đựng tiền” cho các đấng lang quân, thì ba cái tòng, bốn cái đức nhằm nhò gì. Chứ thời đại này các bà các cô phải lăn lóc ngoài đời, kiếm tiền về trả bill với chồng, rồi cũng vẫn phải mang nặng đẻ đau, nuôi dậy con cái. Mà một gia đình nên hay không người ta vẫn nhìn vào tài đức của người mẹ “Phúc đức tại mẫu” bà ơi. Nên thời buổi này các bà coi bộ phải tòng nhiều thứ hơn, như:

Tòng bót (boss) rồi lại tòng ôn (owner),

Không tòng mất chóp ( job), vác ô (owe) mà về.

Còn Tứ Đức, bàn về chữ Công thì thời này các bà chẳng những giỏi về thủ công mà cũng đủ bằng cấp như các ông, nào Bác Sĩ, kỹ sư, Luật sư gì các bà cũng có ráo. Về chữ Dung, thì đã có thẩm mỹ viện, rồi mỹ phẩm đủ loại, không còn ai xấu nữa. Ngôn, Hạnh thì tùy cơ ứng biến, có lúc thì mềm mỏng dịu dàng, nhưng có lúc phải cương quyết như khi các ông trổ tài hào hoa “phong nhĩ” sảng, hay lúc nam “dô” tửu, như cờ nhập phong, thì các bà cần phải cứng rắn ra tay nghĩa hiệp cứu vớt đời trai, đó có phải là cái đức thứ 5 không.

Ông Hải lại nghiệm ra một điều, vợ chồng về già sống với nhau chữ nghĩa đi trước chữ tình, nên khi còn trẻ, nếu có được hạnh phúc, thì ảnh hưởng đến tận cuối đời. Thế nên ông thấy tình đẹp nhất là lúc tuổi về hưu, không còn cơm hộp canh hũ, sáng đi chiều về, bù đầu vì giờ hết mà việc không xong. Lúc này con cái đã khôn lớn, chỉ còn hai người chăm sóc cho nhau, nên rất cần nhau, tình về chiều sống trọn vẹn cho nhau là vậy. Tuy nhìn quanh mình chỗ nào cũng thấy những lọ thuốc uống buổi sáng, những hộp thuốc dùng ban chiều, thuốc mới thuốc cũ đầy trong tủ thuốc, trên đầu giường tràn qua bàn viết. Người đời nói không sai, khi còn trẻ có những mối tình đầu thật đẹp, nhưng chẳng được bao nhiêu vì còn tay trắng. Nhưng khi về già, có đủ điều kiện để hai người tha hồ yêu nhau, thì cuộc đời không còn bao lâu.

Ông Hải ngồi một mình nghĩ vẩn vơ, chưa làm được việc gì mà đã quá trưa, nắng đang ngã bóng, sắp đến giờ đi đón bà. Hôm qua mấy đứa con bảo ông ở nhà không phải đi, để chúng đón bà về, nhưng ông không chịu, ông bảo:

- Để ba đi cho vui, đứa nào ghé tiệm hoa, mua cho ba bó hoa hồng. Chúng nhìn nhau không dám cười. Thầm bảo nhau ba bây giờ ga-lăng hơn hồi trẻ.

Giật mình vì tiếng chuông reng, ông lò dò ra mở cửa, cô con út khệ lệ bưng trên tay một cái thố đậy kỹ:

- Con nấu cháo gà ba ăn cho nóng. Theo sau là đứa cháu ngoại chạy ào vào, miệng líu lo:

- Bà Ngoại sắp về rồi, vui quá. Rồi nó ôm chầm lấy ông hỏi tới tấp:

- Ông ngoại ơi! Ông có nhớ bà ngoại không? Sao ông không về Việt Nam với bà ngoại? Ông nhìn nó một lúc rồi khẳng định: - Không, ông không về Việt Nam, khi nào hết Việt Cộng ông mới về.

- Tại sao vậy ông Ngoại? Ông đang suy nghĩ, không biết phải trả lời như thế nào để một đứa cháu ở vào lứa 4-5 tuổi như nó hiểu được, thì bỗng nhiên thằng bé vừa làm động tác, vừa nói trơn tru như đọc bài, một tay chỉ sau đít, một tay chỉ lên đầu:

- Con biết rồi! Vì Việt Cộng nó có đuôi, trên đầu có hai cái sừng, trước miệng có hai răng nanh dài thòng, nên ông ngoại không muốn nhìn mặt nó phải không?

Ông ngạc nhiên hết sức và tự nghĩ, con nít bây giờ thật thông minh và nhớ dai. Thằng bé nói tiếng Việt rành rọt như nó được sanh tại Việt Nam. Nói chung những đứa cháu của ông bà Hải đều nói tiếng Việt rõ ràng, nhờ ông bà chăm sóc và dạy dỗ từ nhỏ. Nhìn thằng bé vừa nói vừa diễn tả, ông không nhịn được cười.

Chợt ông nhớ tới câu chuyện mà vợ ông hay kể đi, kể lại cho mọi người nghe. Chuyện xảy ra vào khoảng cuối năm 1976, khi làn sóng đỏ mới nuốt chửng Miền Nam, xã hội thật hỗn độn, cảnh đời đầy nhiễu nhương. Lúc đó Gần Ngã Tư Bảy Hiền đầu đường Hương Lộ 14 có một khu đất rộng khoảng 5 mẫu của Tòa Tổng Giám Mục Saigon cho Mỹ mướn, làm cơ sở xay đá dăm để làm đường. Năm 1973 Mỹ rút về nước, họ trả lại đất cho Tòa Tồng Giám Mục, Tòa Tổng liền giao cho xứ đạo cạnh khu đất để cha xứ coi sóc và sử dụng. Cha xứ liền xin phép chính quyền để dời nhà thờ nằm trong hẻm nhỏ ra ngoài khu đất mới rộng rãi hơn. Cha bán đi một ít đất để lấy tiền xây nhà thờ. Sau tháng 4/75 phía sau khu đất bị bộ đội chiếm khoảng một mẫu để làm “Doanh Trại Quân Đội Nhân Dân”. Phía trước Giáo xứ từ đường Hương Lộ 14 vào khuôn viên nhà thờ, có một con đường nhỏ dài khoảng 50 mét bề rộng 15 mét, hai bên đường đều có nhà dân ở nên cha xứ không tiện xây tường. Lợi dụng tranh tối tranh sáng một số nhà dựa vào thế lực của chính quyền mới, để lấn chiếm đất của nhà thờ, họ ngang nhiên đóng cọc xây nhà lợp mái chiếm đến 2 phần đường, chỉ để lại một đường đi nhỏ. Cha xứ và Hội Đồng hàng xứ khiếu nại nhiều lần, nhưng chính quyền cố tình không giải quyết. Trong số những nhà chiếm đất cổng nhà thờ, có một gia đình ông giáo tên Đương là người cầm đầu chống lại cha xứ và họ đạo. Giữa lúc đó vợ ông giáo Đương đang có bầu, và cuộc tranh chấp đất kéo dài, họ nhất quyết không trả lại đất cho nhà thờ. Mãi cho đến ngày chị giáo Đương khai hoa nở nhụy, sanh ra một đứa con gái, ngay ở chỗ cuối cùng của xương khu, mọc ra một cái đuôi dài bằng ngón tay, nhỏ bằng đầu bút chì, cuối đuôi mọc lơ thơ vài sợi lông tơ, nó còn cử động được, chị vợ khóc lóc sợ hãi. Lúc đó gia đình chị hoảng quá, xin bác sĩ cắt gấp, nhưng nhà thương báo phải chờ vài tháng đứa bé cứng cáp mới cắt được, và bà con hàng xóm kéo đến hỏi thăm an ủi chị, nên nhiều người chứng kiên tận mắt. Kể xong bà Hải thường kết luận, những gì là đất đai, tài sản của nơi thờ phượng, dù nhà thờ hay chùa chiền, đừng ai đụng đến sẽ bị quả báo nhãn tiền.

Mong đợi mãi, rồi ông cũng có mặt tại phi trường. Máy bay bị trễ mất 15 phút, các con xúm đến nói chuyện với ông, cho ông khỏi buồn. Phi trường nhiều chuyến bay đến cùng một lúc, nên người lên xuống tấp nập. Bỗng cậu con trai cả gọi lớn: - Ba ơi! Má đến rồi.

Ông Hải đứng bật dậy, bà chỉ còn cách ông vài thước, con cái ùa lại chia nhau xách hành lý cho bà. Suýt nữa thì ông quên đặt bó hoa hồng vào tay bà, mới có mấy tuần mà nhìn bà xanh và gầy đi nhiều, lòng ông thấy thương bà vô hạn, ông muốn ôm choàng lấy bà, nhưng nghĩ vậy thôi, bên Mỹ này người ta hay “hug” nhau để tỏ tình thân mật, riêng ông thấy già rồi, con cái lớn hết, trước mặt mọi người mà làm cử chí ôm ấp thì kỳ lắm. Bà Hải xúc động khi đưa tay nhận bó hoa, bà nháy mắt nhìn ông như thầm cám ơn. Ông Hải nghe lòng mát rượi, như vừa uống ly nước đá chanh.

Tình về chiều âm thầm như lá vàng mùa thu, nhưng vẫn nồng nàn âu yêm, vẫn ngọt lịm như hớp một ngụm rượu bách nhật khi cùng nhau chia sẻ. Thật vậy những hạnh phúc của thời trẻ trung, còn mang lại dư âm ngây ngất, mãi đến tuổi già.

Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
30/03/201918:18:23
Khách
về già mà còn ông còn bà chăm sóc cho nhau lúc bịnh hoạn hay trái gió trở trời là đầy phước , tôi vô phước không được như vậy
15/11/201504:21:55
Khách
Vừa trong sáng, vừa dễ thương, giống như là một bài thơ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,104,924
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến