Hôm nay,  

Về Nhà

06/10/201500:02:00(Xem: 13725)

Tác giả: Phước Điền
Bài số 3638-18--30128vb3100615

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Sơ lược tiểu sử: Tên thật Trần Văn Thơ, sinh năm 1935 tại Sàigon. Tốt nghiệp khóa 14 SQTBTĐ tháng 7/1963. Dạy học trường Nữ Trung Học Trưng Vương từ năm 1971. Vượt biên ba lần, đến Mỹ tháng 6/1983. Định cư ở Mỹ 32 năm. Hiện nay 80 tuổi, cư dân Cypress, CA.

* * *

Mấy hôm nay Cali nóng quá. Có hôm nhiệt độ lên tới 95, 96 độ. Tôi không muốn đi ra ngoài dù ngồi trong nhà mãi cũng chồn chân. Hôm qua anh Bá gọi hỏi thăm khiến tôi nhớ về quá khứ khi hai chúng tôi cùng dạy học ở trường Nữ Trung Học Trưng Vương ở Sàigon.

Chúng tôi là sĩ quan biệt phái ngành giáo dục vì lúc đó còn chương trình quân sự hóa học đường. Chúng tôi ra trường khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào tháng 7 năm 1963 với cấp bậc Chuẩn Úy. Lúc đó tôi giữ chức vụ Trung đội trưởng Trung đội chiến đấu Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 Bộ binh.

Khi còn là khóa sinh, tôi là một trong những sinh viên hạng bét vì không đủ thước tất qui định. Người sĩ quan hiện dịch của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt với qui định chiều cao tối thiểu là 1m60. Anh nào có chiều cao 1m59 là về nhà, không được tuyển dụng. Phía bên sinh viên Trừ Bị chúng tôi cũng vậy.

Trong suốt khóa học, chúng tôi có hai lần đi diễn hành: lần thứ nhất là vào giữa khóa học, dự lễ mãn khóa của khóa đàn anh và lần thứ hai vào cuối khóa học của mình.

Đã nói là diễn hành thì phải có sự chọn lựa. Cả khóa ra sắp hàng, người cao đứng trước, người thấp đứng sau. Dĩ nhiên cấp trên phải lựa anh nào cao to, mấy anh lùn thấp… a lê ra ngoài hàng, ở nhà cho tui… Chiều cao được đi diễn hành từ 1m65 trở lên trong khi tôi đo chỉ được đúng 1m60, tức là minimum cho cuộc tuyển quân. Tôi bị đuổi ra khỏi hàng là vì lý do đó.

Chúng tôi xin được phép quý vị nói sơ qua về cơ cấu của binh chủng bộ binh. Một đại đội chiến đấu gồm ba trung đội và một trung đội vũ khí nặng. Trung đội chiến đấu được võ trang vũ khí nhẹ như súng trường Garant MI, tiểu liên Thompson, trung liên BAR (Browing automatic rifle). Trung đội vũ khí nặng có đại liên 30, súng cối 60 ly và đại bác 57 ly.

Khi đi hành quân các trung đội chiến đấu đi trước, trung đội vũ khí nặng đi sau cùng với bộ chỉ huy đại đội và Đại Đội Trưởng. Trung đội chiến đấu chỉ có máy truyền tin nhỏ liên lạc với đại đội, trong khi đại đội có máy truyền tin lớn để liên lạc với tiểu đoàn.

Tiểu đoàn chúng tôi đóng quân tại vùng Sơn Cước Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi có nhiệm vụ bảo vệ quận lỵ Ba Tơ, bảo vệ công binh chiến đấu để đơn vị này làm đường chiến lược Ba Tơ - An Lão nối liền quận Ba Tơ (Quảng Ngãi) và vùng An Lão (Bình Định).

Có những chuyến hành quân dài ngày chúng tôi phải nghỉ qua đêm trên đỉnh một ngọn núi thuộc vùng Sơn Cước Ba Tơ. Trên đỉnh núi chỉ có cây và đá chứ hoàn toàn không có đất. Có cây xanh nhưng chỉ mọc giữa hai tảng đá hoặc trong những khe núi có lạch nước róc rách chảy qua.

Đêm đen thẫm, dài và thật sâu. Các binh sĩ đều treo võng trên cây để ngủ qua đêm. Sau này khi quân Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam, khắp Sàigon inh ỏi cả ngày bài hát "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây" trong đó có câu: "Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm…"

Tôi không quen ngủ võng như bộ đội cộng sản nên thao thức cả đêm. Tôi cố tìm tảng đá phẳng để ráng dỗ dành giấc ngủ nhưng vô hiệu. Có lẽ tôi phải hát bài "Thức trọn đêm nay để nhớ thương em", nhưng không phải vậy. Trong giây phút đó tôi lại liên tưởng đến hình ảnh người lính trận trong "Chinh Phụ Ngâm"

"Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn
Dòng nước sâu, ngựa nãn, chân bon
Ôm yên, gối trống đã chồn
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh."

Người lính trận dù trong giai đoạn nào của lịch sử giành độc lập cũng gian khổ như nhau. Cũng lội suối, băng rừng, cũng màn sương gối tuyết.

Từ 1971, chúng tôi được biệt phái về Bộ Giáo dục, làm công tác giảng dạy ở trường Trưng Vương, gần sở thú (Thảo Cầm Viên) Sàigon. Đây là trường nữ, toàn con gái tuổi từ 11, 12 đến 18, 19, tuổi tươi đẹp nhất của thiếu nữ Sàigon.

Lúc đó, chúng tôi là giáo sư Đệ Nhị cấp (từ lớp Đệ Tam đến Đệ Nhất), với học sinh nữ từ 16-18 tuổi. Lúc này, tôi gặp lại anh Bá, anh dạy toán, tôi dạy văn chương. Anh Bá nhỏ hơn tôi 3, 4 tuổi nhưng lại là cấp trên của tôi. Anh giữ chức Đại Úy, còn tôi chỉ là Trung Úy.

Thời đó, khi chúng tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm (1960) chương trình học ở Việt Nam còn gay go lắm. Anh Bá học ban toán gian khổ hơn tôi nhiều. Tốt nghiệp đại học ban toán cũng tương đương với cử nhân khoa học toán, đòi hỏi bốn năm ròng rã theo học (mỗi năm chín mười tháng). Sau đó phải có ba bốn tháng đi thực tập, tức là ra các trường ở Sàigon thực tập đứng lớp. Điểm thực tập quyết định phân nửa số điểm ra trường. Bản thân tôi học văn chương có phần nhẹ nhàng hơn. Đa số các bạn học văn chương ngay khi còn học trung học, phải có sẵn năng khiếu. Ngoài các lớp về văn chương Quốc âm, Ngôn ngữ học, Văn minh học, Sử học, Quản trị học đường… chúng tôi còn phải học chữ Hán. Ở Đại Học Văn Khoa, đòi hỏi sinh viên phải có một chứng chỉ văn chương Việt-Hán để hoàn thành cử nhân. Chương trình Hán học ở Đại Học Sư Phạm có 4 giờ/tuần. Chúng tôi phải học từng chữ, tập viết, học nghĩa và phải thuộc thơ Hán-Việt của các tài danh Trung Hoa như Đỗ Phủ, Lý Bạch…

Bên cạnh đó, còn có một số giờ nhiệm ý Anh văn hoặc Pháp văn. Mấy ông thầy thời đó khó thấu trời mây, không phải dễ dàng gì để qua được mấy kỳ thi vấn đáp (Oral)!

Anh Bá dáng người cao ráo, trẻ hơn tôi nên được các em nữ sinh để ý. Thời đó, tình thầy trò còn ngăn cách nhiều lắm. Anh thầy nào "léng phéng" với học trò coi như mất Job, báo chí đăng tùm lum, chỉ có một cách "ắt có và đủ" là cưới nàng rồi "đưa nàng về dinh", cho nàng nghỉ học ở nhà làm… bà thầy! Học trò trong trường, trong lớp lao xao một thời gian rồi cũng êm ru vì đã "hợp lệ".


Thầy giáo thời đó còn được xã hội coi trọng theo học thuyết nho giáo: Quân-Sư-Phụ, thầy dạy học được đề cao trên người cha, cho nên ca dao có câu:

"Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

Có lẽ, vì muốn theo đúng lời dạy của người xưa nên nữ sinh "yêu lấy thầy" luôn một lượt cho tiện việc sổ sách?

Anh Bá trẻ, lại để ria mép. Tôi hỏi lý do. Anh trả lời để học trò nữ thấy mình già, nó không phá mình. Nhưng, anh Bá đâu có qua mắt học sinh được? Tuổi các em lúc đó là 18, 19 rồi (năm cuối trung học, chuẩn bị thi Tú tài I, Tú tài II) các em biết nhận xét chứ? Thầy nào trẻ hay già, đẹp hay xấu trai… họ đều phân loại, chấm điểm, xầm xì cả ngày, làm sao đánh lừa được họ? Rủi ro, học sinh bắt gặp thầy dẫn bạn gái đi ciné, đi ăn tối… ngày hôm sau cả trường biết hết, biết rõ. Làm cái nghề này, coi vậy mà cũng "lắm truân chuyên"!

Từ 1972, tình hình chiến sự sôi động thấy rõ ở miền Đông Nam Bộ. Quân Việt Nam Cộng Hòa và phía bên CS cũng thiệt hại nhiều về tài lực và nhân lực. Điều này, chúng ta thấy rõ qua "Mùa Hè Đỏ Lửa" của Phan Nhật Nam. Rồi 1973, Hòa bình Ba-Lê, thứ hòa bình giả tạo trong việc trao trả tù binh từ hai phía. Chiến sự ngày càng leo thang, Sàigon gần như là hầm trú ẩn sau cùng của cuộc chiến tương tàn giữa hai miền Nam-Bắc. Và tháng 4/1975 đến như một định mệnh nghiệt ngã vô lường.

Tháng 6/1975 sĩ quan gốc giáo chức như chúng tôi cũng như sĩ quan biệt phái ở các bộ phận dân sự khác, cùng toàn bộ sĩ quan các binh chủng chính qui phải "lên đường" trình diện "học tập cải tạo".

Cấp úy chúng tôi trình diện chung một chỗ ở Sàigon, sau đó được đưa đến Trảng Lớn, Tây Ninh, gần núi Bà Đen. Thiếu úy, trung uý giam chung, cấp đại úy ở riêng ra. Chúng tôi hiểu rằng cấp đại úy thường giữ chức Tiểu Đoàn trưởng sẽ bị giam lâu hơn, nhưng không ai biết là bao lâu.

Cuộc đời dạy học của tôi cũng chấm dứt từ tháng 6/1975.

Tháng 10/1980 tôi được ra trại, về nhà, về với nhà tù rộng lớn hơn là miền Nam Việt Nam. Tôi ngơ ngác vì “nhà mình” bấy giờ sao lạ quá. Mọi sự đổi thay. Cờ đỏ sao vàng ngợp lối, chỗ nào cũng thấy ê hề khầu hiệu "theo gương bác Hồ vĩ đại".

Là người lính trận nổi trôi theo vận nước, là người thầy nhiệm vụ cũng không tròn. Lúc bấy giờ tôi như "Chim lẻ bạn trên trời ngơ ngác. Cá lạc bầy đáy nước bơ vơ".

Tưởng cũng cần thưa với quí bạn đọc rằng trước 75 tôi là đoàn viên của "Phong Trào Quốc Gia cấp tiến". Các bạn của tôi trong tổ chức này cũng phải đi trình diện cải tạo tập trung. Phía Bắc Việt còn đày ải bạn hữu tôi gấp bội các sĩ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng. Thỉnh thoảng, gặp người bạn, tôi hỏi về người cùng chung trong phong trào Quốc Gia cấp tiến, thì được biết họ đã "đi lâu rồi".

Phong trào vượt biên bùng lên từ 1980, 1981 với chương trình "ra đi có trật tự" chủ yếu là của người Hoa kiều giàu tiền lắm của. Và đám sĩ quan cải tạo ra sớm như chúng tôi cũng được ăn hôi. Lúc đó chưa có hình thành chương trình H.O. của Mỹ. Tôi thật sự cảm thấy mình trơ trọi sống ở quê hương mà như "cá chậu chim lồng". Tôi muốn thoát khỏi cái ngục tù bao la này, cái đất nước thân yêu của chính mình với tên gọi Việt Nam. Vì thế, tôi như người bị bệnh điên, trí lực quay cuồng, không biết phải xoay sở ra sao cuộc đời mình, trong đó có vợ con mình… Tôi đang muốn vượt thoát!

Cả trường Trưng Vương lúc đó tin tức lao xao: Giáo Sư Tạ Ký đi vượt biên sau khi được thả về từ trại cải tạo. Ông bị bắt vào tù lần hai vì cái tội đi vượt biên. Họ đày ải ông cho tới chết trong nhà tù.

Người thứ hai là Giáo Sư Bình, giáo sư toán đệ nhị cấp, đi vượt biên và đã chết ở biển khơi. Người thứ ba là cô Võ Thị Đào, giáo sư đệ nhất cấp, ban lý hóa đem con vượt biển. Cả hai mẹ con đều mất xác.

Đau đớn, chết chóc, chia lìa… hơn 400.000 người Việt Nam bỏ thân trên biển khơi để tìm tự do: "Ôi tự do ta đong bằng nước mắt, tự do hỡi tự do ta trả bằng máu xương…"

Bài hát Ném Con Cho Giông Tố của Trần Dạ Từ do Quang Tuấn hát đêm nhạc 30/5/2015 vừa qua tại Samueli Theater Center of The Arts, Costa Mesa, California đã thấm thía lòng tôi:

"Từ bóng tối hận thù.
Em nghiến răng ném con cho giông tố.
Giông tố, giông tố ngoài khơi xa.
Giông tố, giông tố ngoài khơi xa.
Ta gửi người con ta.
Như niềm tin tự do.
Từ quê hương ngục tù."

Gia đình tôi cũng theo gót chân người đi vượt biên. Chiếc ghe của chúng tôi bị công an biên phòng bắt tại cửa sông Bình Đại, Bến Tre "quê hương Đồng Khởi". Chúng tôi bị tóm trọn ổ vào đồn công an và phải nộp ráo trọi tất cả tiền bạc nữ trang đá quý hột xoàn và tất cả đồ đạc mang theo.

Thêm một lần, tôi trở thành người tù. Tôi bị giam mười ba tháng tại khám lớn Bến Tre, sau đó đưa đi "phân trại cải tạo K.20 Châu Bình thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre" năm tháng nữa để làm lao công tù binh.

Tôi đem cả vợ con đi vượt biên và đã mất sạch tiền bạc. Ba lần như thế.

Những lần được thả về, công an cho chúng tôi đủ số tiền mua vé xe đò về Sàigon. Nếu không có tiền mua vé xe, tôi cũng cố gắng tìm mọi cách để về lại nhà tôi. Tôi không thể chết dọc đường được. Tôi phải VỀ NHÀ.

Tôi đến Mỹ cùng vợ và con gái tháng 6/1983 sau bốn năm trời trầy vi tróc vảy ở tù gian khổ ba lần. Bây giơ, tuy đang trên đất Mỹ, tôi vẫn thật sự cảm thấy mình “về nhà” vì tôi nhớ câu hát của nhạc sĩ Anh Bằng:

Nhà tôi ở cuối chân đồi,
Có giàn thiên lý có người tôi thương.

Bây giờ, chúng tôi đang ở căn nhà có giàn hoa giấy đỏ lung linh gió chiều ở thành phố Cypress, thuộc California nắng ấm, tình nồng sau ba lần đi vượt biên gai góc, hận thù.

Tôi và vợ tôi, năm nay, vừa đúng tám mươi tuổi, ở Mỹ này đúng ba mươi hai năm.

Hè 2015

Phước Điền

Ý kiến bạn đọc
16/10/201522:14:35
Khách
Thưa thầy Thơ,
Về quân sự thầy là Niên Trưởng của em . Về phương diện giáo dục Thầy là bậc thầy của em, mà thời em thì Quân Sư Phụ còn đậm nét trong nền giáo dục Nhân Bản Dân Tộc Khai Phóng . Dạy học là thiên chức . Rất cao quý . Cớ sao thầy cho nó xuống thành "công tác giảng dạy" Bọn VC dốt nát với văn hóa khỉ Trường Sơn chúng nó ăn nói rất nhảm nhí . Thầy giáo trong chế độ của VC là đói, nghèo, lạc hậu . Trò đánh thầy , thầy đổi tình lấy điểm . Cả một trời sa đọa Cớ sao thầy thầy cũng bắt chước chúng nó mà gọi thiên chức dạy học là công tác giáo dục .

Chắc thầy chưa biết bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao . Thầy chỉ biết bài ca "Chuyện giàn thiên lý " của Anh Bằng phổ từ bài thơ Nhà Tôi . Anh Bằng không phải là một nhạc sĩ trứ danh . Chỉ thường thường bậc trung . Nếu phổ thơ thành nhạc mà không giữ được 80% ý thơ thì làm ơn đừng làm . Nhạc sĩ chơi bạo không ke ý thơ cùng cảm xúc của tác giả . Thành ra bài thơ hay mà bài nhạc rất cù lần . Nhất là câu : Nhà tôi ở cuối chân đồi . Chân đồi mà có cuối có đầu nữa hay sao ? Văn viết nhảm một câu chả nhằm nhò gì . Thơ bậy một chữ bài thơ đi đoong.
Đã 80 tuổi mà thầy vẫn còn minh mẩn . Em, 80 tuổi chắc hai năm mươi . Đã leo lên bàn thờ mà ngự
Kính Thầy
10/10/201517:42:49
Khách
Co lẽ từ sau ngày mất miền Nam nên nữ sinh mới loạn như thế , chứ trước kia chị tôi và tôi họci thì không hề có chuyện trong lớp ăn vụng hay nói chuyện đâu, vì thầy cô giáo rất nghiêm khắc , rất khó tính và có vài vị còn chảnh nữa , sợ gần chết, lớp học im phăng phắc.
06/10/201521:24:33
Khách
Bác Trần Văn Thơ, bút hiệu Phước Điền viết văn dễ như ăn cơm... gặp cu Phan mới đi làm về nên đói bụng và làm một lèo hết truyện kể của bác.
Cảm ơn bác đã nhắc lại Trưng Vương khung cửa mùa thu, trong gió chiều nay cũng thu đã về... thiệt là nhớ hết biết người ta luôn vậy đó nghe bác! Bác làm thầy còn nhớ thì há chi Phan là con cháu của cụ Võ Trường Toàn... đám bọn cháu đẹp trai toàn trường như cụ Võ, lịch lãm hơn hẳn mấy trường nam khác ở Sài gòn; không tin bác nhìn lại những nhà văn, nhà thơ xuất thân từ những trường nam sinh khác ở Sài gòn thì rõ !!!
Cảm ơn bác Thơ (thầy Thơ) lần nữa. Chắc bác biết cô Ý - dạy văn bên Võ Trường Toản... vì cháu hay thấy có ông thầy nào đó bên Trưng Vương, ưa... đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ là cô Ý bên trường cháu. Theo cháu nhắm và nhớ thì ông đó cao đúng 1m60 ?!
Có điều là "thước tấc" là chữ "c" chứ không phải chữ "t" là "thước tất". Và trong Chinh Phụ Ngâm thì "Dòng nước sâu, ngựa nản, chân bon" chứ không phải "ngựa nãn". Phan nghĩ vậy, không biết có đúng không vì cũng không tra tự điển. Mong bác khiển trách ban biên tập VVNM dùm Phan vì Phan cũng không dám lên tiếng với những bậc tiền bối đó - toàn cha chú của Phan. Chỉ là lợi dụng thời cơ mà dựa hơi ông thầy, dựa hơi Nhạc phụ rồi còn gì. Hì hì...
Thân kính
Phan
06/10/201514:05:29
Khách
Năm xưa Taberd bị giải thể, tôi đổi qua Võ Trường Toản học lớp 11 rồi trường bị đổi xuống cấp hai nên tôi phải đổi trường qua Trưng Vương kế bên học lớp 12. Học chưa được hai tuần mà sợ hết hồn nên xin về Hoàng Hoa Thám tức Nguyễn Bá Tòng Gia định cũ.

Học sinh Trưng Vương rất đẹp như tác giả có viết nhưng có hai chuyện mà tôi nhớ mãi đó là phá ngầm và ăn vụng trong lớp. Lớp tôi học chỉ có bốn học sinh nam ngồi chung bàn nên chúng tôi cũng phải giúp mấy người đẹp chuyền ổi, cóc, me, ô mai.. rầm rầm trong lớp từ góc này qua phía kia.

Tôi còn nhớ cứ phải nhìn người đẹp chơi nguyên trái me vào miệng ngậm tỉnh queo. Nàng còn chuyền thư lại hỏi tôi sao nhìn hoài vậy có muốn ăn không? Giờ ra chơi tôi có trả lời tôi không thể cho nguyên trái me vào miệng ngậm im năm phút được. Tôi phải cắn ăn từng miếng nhỏ mới chịu được độ chua. Tôi nói thật tình, em lại tưởng tôi xỏ xiên em chanh chua nên trong lớp cứ hay chu mồm qua hướng tôi chọc quê.

Nam học sinh không có tật ăn vụng trong lớp nhưng lại có tính cúp cua và đánh lộn dành cua gái. Năm đó, tôi không thấy đánh lộn vì trường có hơn ngàn nữ mà chỉ có khoảng năm chục nam sinh. Tôi có nói với các bạn nam, chúng ta như gươm lạc giữa rừng hoa.

Mấy lần thấy hội cựu học sinh Trưng Vương bên đây họp bạn, tôi tính gọi xin tham dự nhưng lại sợ lại bị hiễu lầm như nàng Chu Thị Ngậm Me năm xưa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,290,508
Nhạc sĩ Cung Tiến