Hôm nay,  

Giã Từ Virginia

29/09/201500:00:00(Xem: 12857)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 3636-18--30126vb3092915

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Người chồng sau nhiều năm tù ngục hiện bị suy nhược thần kinh. Ông bà là cư dân Nam Cali Người con lớn là y sĩ quân y đóng quân bên Ý. Gia đình người con thứ đang sống với đơn vị ở Virginia.

Hình tác giả chụp từ trên máy bay.

* * *

Ngày mai tôi rời Virginia, buổi tối cuối cùng tôi ngồi lại căn phòng này, tôi muốn viết một cái gì đó trước khi đóng laptop bỏ vào hành trang.

Căn phòng này không lớn, gọn ghẽ dùng làm phòng học và làm việc của con tôi.

Khi dọn đến đây, hai vợ chồng con trai bàn tính và quyết định mua một bộ salon để ngồi nghỉ ngơi, mà cũng có thể kéo ra làm thành một cái giường Queen ấm cúng khi cha mẹ đến thăm.

Lúc tôi tới nhà, cháu dẫn tôi lên lầu hân hoan chỉ căn phòng đã thu dọn gọn gàng. Thảm hút bụi sạch sẽ, có closet cho cha mẹ để quần áo. Có bàn làm việc cho mẹ đặt computer chít chát bạn bè. Có phòng vệ sinh, phòng tắm tại phòng. Nó cười cười ngượng ngịu:

- Phòng vệ sinh này thông qua phòng con. Hai phòng dùng chung. Nhưng má nhớ cái cửa bên con không lock được. Nên khi má dùng nhớ bật điện để chúng con biết không bước vào.

Tôi cũng cười cười:

- Không sao! Má biết rồi.

Tôi thu xếp đồ đạc đâu vào đấy. Căn phòng này vừa vặn cho cặp vợ chồng già. Quần áo hai người hai ngăn, laptop bỏ lên bàn, thuốc men để vào tủ. đâu vào đấy. Con trai, con dâu đã trải drap, mền trải thành một cái giường tươm tất cho cha mẹ.

Cái cầu thang hơi bất tiện cho ông chồng, nhưng không sao có tôi suốt đời bên cạnh. Chàng lên xuống đã có bàn tay dìu dắt của vợ già.

Thằng con mở tủ lạnh và chỉ những thức ăn mua sẳn để cha mẹ dùng. Mọi thứ đâu ra đó với tất cả chăm lo và thương yêu của con cái nên mẹ già thật ấm lòng.

Nhưng cái phòng tắm quả thật có vấn đề. Không phải vì cái cửa bên con không khóa được mà là làm sao tắm cho chàng của tôi.

Ngày đầu tiên mới tới, tôi tắm cho chồng mà người tôi cũng ướt nhẹp, cả nền phòng tắm cũng ướt luôn. Tôi bàn với con phải mua một cái thau tắm và một cái ghế ngồi cho ba.Thế nhưng nơi bán thau tắm không phải gần nơi con tôi ở. Tôi đi lòng vòng sau nhà, thấy cái xô nước con tôi dùng đựng cá câu. Tôi lấy vào chùi sạch sẽ để dùng. Thằng con áy náy:

- Thôi để cuối tuần con chở mẹ đi lên khu Eden mua một cái thau tắm. Dùng cái thùng này con thấy có lỗi với ba. Tôi nói với nó

- Từ đây đi lên khu đó gần 2 giờ lái xe để mua cái thau tắm dùng chỉ 2 tuần? Thôi, má lấy cái này xài tạm được rồi.

Có cái ghế thấp để con dâu trèo lên đứng lấy đồ trên kệ cao, tôi mang vào phòng tắm. Thế là chàng của tôi cứ như vua ngồi chểm chệ trên ghế cho tôi mặc sức tắm táp, kỳ cọ.

Nước ở Virginia không hề thiếu nên tôi mặc sức mà dùng. Đứng dưới vòi sen tôi cảm nhận được sự mát mẻ, thoải mái vô cùng của nơi này. Có phải niềm vui đoạn tụ với con đã tạo cho tôi nhiều năng lượng?

Thằng con lớn của tôi nhận công tác tại Nhật. Trên đường đi từ Ý qua Nhật, máy bay sẽ ghé lại Baltimore vài ngày. Sau đó con tôi sẽ bay đến Utah rồi Seatle. Ở đây sẽ có chuyến bay quân sự tới base nơi con tôi phục vụ.

Cho nên Virginia là nơi gia đình tôi họp mặt và tôi sẽ lưu lại với thằng Út 3 tuần. Đây là chuyến đi xa trong nước Mỹ lâu ngày nhất đối với tôi. Chuyến đi có nhiều áp lực vì tôi đi cả hai vợ chồng mà ông chồng tôi sức khỏe không được tốt.

Những ngày ở đây, đáng lý tôi sẽ được đi viếng NewYork hay Washington DC. Nhưng thằng con lính tráng làm việc mỗi ngày, con dâu mang thai đã to, ông chồng già lọm khọm. Nên tôi bảo thằng con chở đi một vòng xe quanh thủ đô Hoa Thịnh Đốn để mẹ ngắm cho biết là đủ rồi. Chị Oanh cũng rũ tôi lên nhà chị, rồi hai chị em đón Metro đi chơi mọi nơi. Nhưng nghĩ đến sức khỏe của chồng, tôi phải từ chối lòng tốt của chị.

Thoáng một cái tôi đã ở đây ba tuần mọi thứ trên kệ, trên móc đã được bỏ vào vali. Sáng sớm ngày mai tôi sẽ về lại California và căn phòng này con tôi sẽ dọn dẹp lại, mọi thứ sẽ như lúc tôi chưa hề đến đây.

Tất cả mọi sự việc trên đời đều trôi qua theo thời gian, kể cả sức khỏe và cuộc sống. Cái gì rồi cũng trở về nơi khởi nguồn. Con tôi sẽ thấy vắng cha mẹ. Sẽ nhớ rồi sẽ quên đi theo sinh hoạt hàng ngày. 21 ngày hay mãi mãi cũng vậy thôi. Rồi tất cả cũng phôi pha, nỗi nhớ nào rồi cũng hết và cuộc tuần hoàn tử sinh cũng vậy mà thôi.

21 ngày đến nơi này tôi đã được gần con, đã thấy sinh hoạt của nó và yên lòng khi con mình đã trưởng thành, đã có một mái nhà thật sự và sắp sửa làm cha. Bây giờ là lúc tôi toàn tâm toàn ý lo cho chồng, cái đầu không vướng víu nhiều về sinh hoạt con cái.

Tôi đã nói chuyện rất nhiều với vợ chồng con tôi. Kể từ khi chúng nó cưới nhau đến bây giờ chuẩn bị có con, đây là lần đầu tiên tôi đến và lưu lại tổ ấm con tôi lâu như vậy. Khoảng cách mẹ chồng nàng dâu không hề có. Tôi đã kể cho con dâu nghe nhiều chuyện về con trai, về tất cả những gì mà con dâu tôi muốn biết về chồng nó. Tôi hy vọng chúng sẽ yêu thương nhau hơn và đây sẽ là một tổ ấm hạnh phúc cho đứa cháu nội sắp chào đời của tôi.

Tôi cũng đã nấu cho con và chỉ cho dâu những món đơn giản mà chúng nó thích. Những ngày ở lại con dâu tôi ăn ngon hơn, nhiều hơn và rất cám ơn mẹ chồng. Tôi cũng đã cùng vợ chồng nó đi bác sĩ chuyên khoa để siêu âm em bé. Thật là khoa học tiến bộ vượt bực. Máy siêu âm ba chiều tối tân có thể soi rọi mọi thứ trên cơ thể của baby. Cháu tôi đã được hơn 4 lbs và phát triển rất tốt. BS cho thấy rõ mặt của em bé, và kêu chụp hình. Cả nhà lại đoán già đoán non em bé giống ai.

Thật vui và hạnh phúc khi một thành viên mới sắp sửa chào đời, và nụ cười hạnh phúc của ba mẹ con tôi.

Có gì tôi còn giữ lại khi đến viếng nơi này?

Câu hỏi tôi đặt ra cho tôi và mỉm cười với những ý nghĩ của mình. Virginia không xa lạ với nhiều người nhưng mới mẻ với tôi.

Ngày đầu tiên mới tới, thằng con tôi mở cửa hàng rào sau nhà, chỉ cho tôi một dãy cây blackberry trồng dùng làm rào chắn giữa đất và một cái mương khá rộng phía sau. Cây đã cuối mùa chỉ trơ lá và chằng chịt những gai. Thú thật đây là lần đầu tôi thấy tận mắt cây blackberry.

Thật lạ, cành cây, ngay nơi tôi đứng sau nhà con là một chùm trái còn sót lại. Vài trái đã chín đen, còn lại đang mang màu đỏ sẩm. Tôi đi suốt cái hàng rào blackberry thật dài cũa dãy townhouse mà không hề tìm thấy một chùm trái nào.

Tôi hái những trái blackberry nhỏ xíu cằn cỗi thật cẩn thận vì gai nhiều quá. Tôi giữ trên tay với một niềm vui. Đây là món quà mà nơi này trao tặng cho người mẹ ở xa thăm viếng con trai. Chỉ duy nhất một chùm trái ngay sau nhà xuyên suốt một hàng cây..

Tôi hỏi:

- Bộ con để dành chùm trái này cho má hả?

- Không! Con lâu lắm rồi không ra đây. Má không thấy sân sau con chưa cắt cỏ sao?.

Thật lạ và thật hạnh phúc. Cái hạnh phúc đơn sơ làm con tôi phải phì cười khi thấy mẹ nâng niu mấy quả berry xấu xí cuối mùa. Đó là món quà đầu tiên tôi nhận từ Virginia.

Món quà thứ hai là khung cảnh và thời tiết nơi này khác xa Cali mình. Các bạn hãy xem hai bức hình tôi chụp từ trên máy bay sẽ thấy sự khác biệt đó.

Hình Los Angeles tôi chụp từ máy bay vào 1 giờ trưa. Các bạn thấy gì không? Nhà là nhà, những nóc nhà chằng chịt, trời trong và nắng chói chang. Một vài chùm cây lưa thưa không đủ làm cái nhìn ta dịu lại.

blank
Nhìn Los Angles lúc 1 giờ trưa.

Và bức hình tôi chụp Virginia khi máy bay sắp sửa đáp xuống phi trường Baltimore: Một màu xanh mát mắt vào 2 giờ chiều.

blank
Nhìn Virginia khi máy bay sắp sửa đáp xuống phi trường Baltimore.

Hai bức hình đã nói lên khung cảnh của hai nơi.

Virginia cũng nóng, nhưng cái nóng khác California. Nóng Cali mình gay gắt, chói chang. Nóng của Virginia hơi giống VN vì dường như có hơi nước và có những cơn mưa bất chợt.

Virginia đi đâu cũng thấy rừng và cây thật xanh tươi. Con đường đi xuyên suốt hai bên là rừng. Qua khỏi chặng rừng, trên freeway dọc hai bên đường tôi thấy những ruộng bắp đã tới mùa thu hoạch rộng mênh mông. Bắp được trồng theo công nghiệp, gieo hạt bằng máy nên trồng khá gần nhau và đều đặn, thẳng tắp. Cây đã vàng lá, trái đã khô nằm quẹo đầu bên thân cây chờ hái. Một vài ruộng bắp đã được máy gặt đi qua. Cả cánh đồng chỉ trơ gốc bắp được cắt gần sát đất. Có những thửa ruộng trồng cây thật thấp xanh tươi, tôi đoán có thể là đậu vì xe chạy qua nhanh tôi không thấy rõ lá.. Ở đây không hề có vụ tưới như ở Cali. Cỏ nhà, ruộng bắp không hề có hệ thống máy tưới. Thiên nhiên ưu đãi cho nông nghiệp nơi này.

Những căn nhà ở đây thường là nhà trệt, kiến trúc kiểu xưa, chắc chắn và thấp nằm lẻ loi giữa một khoảng sân rất rộng và sau lưng cũng là rừng. Thằng con tôi thích biển, thích rừng, thích sông hồ, câu cá, cắm trại nên nó mê khung cảnh nơi này. Nó hứng khởi giới thiệu:

- Nếu má về hưu thì nơi này là nhất. Má khỏi đi tìm nơi cắm trại hay vào rừng. Đất rộng thênh thang, rừng ngay sau nhà, sông đi tới một chút là gặp. Có thể đi câu bất cứ lúc nào.


Tôi cười nói với nó:

- Mùa này thì đẹp vì là mùa hè, nhưng tới mùa đông thì mẹ mày chết rét.

- Má ở lâu sẽ quen, má ngồi tại nhà ngắm tuyết, khỏi lên Big Bear

- Nhưng má già rồi, quen khí hậu Cali, Tới tuổi này mới tập làm quen với lạnh thì cơ thể sẽ không thích ứng nỗi. Cho má xin. Chỉ thăm Virginia thôi, cứ chọn nơi này làm nơi ở cuối đời thì má cám ơn và xin từ chối.

Thằng con chở tôi vào thăm base nơi nó đang học và làm việc. Thật là một trung tâm quân sự lớn của Hải quân Mỹ với những khu quân sự, những khẩu đại bác khổng lồ, những bãi đáp máy bay, những khu bắn thử đạn mới, khu gia binh, khu giải trí, chợ và rất nhiều điều mới lạ trong tôi.

Khi vào chúng tôi phải qua một cổng gác nghiêm nhặt, phải trình ID và nhất là không được chụp bất cứ một tấm hình nào ở những nơi trọng yếu.

Trong base ngoài những trung tâm thể dục hay giải trí, cũng có nơi dành cho tàu đậu. Một nơi khá đẹp có cầu tàu đưa thẳng ra sông. Nơi đó có chỗ để quân nhân ngồi câu, làm cá và ngắm cảnh.

Tôi rất thích khung cảnh mát mẻ, gió lộng bốn bề nơi này. Nhất là được đi trên những phao nổi bồng bềnh trên nước. Rất vui.

*

Một bữa chiều, thằng con rủ mẹ đi câu cá. Nó nói sẽ dẫn tôi đến một nơi thật yên tỉnh mà nó thường đến ngồi câu sau những giờ học tập căng thẳng. Tôi không thích câu cá, không thích sát sinh, nhưng cũng muốn tham gia vào đời sống con trai, nên tôi đồng ý. Hai mẹ con chuẩn bị mồi câu, cần câu và mọi thứ. Gửi ông chồng già lại cho con dâu. Hẹn sẽ trở về sau hai tiếng.

Thằng con chở tôi đi vòng sau khu quân sự trong base. Nó hứng khởi giới thiệu:

- Khu này rất đặc biệt, ít ai biết để tới câu.

- Tại sao con biết nơi đó? Tôi hỏi nó

- Một ông sĩ quan đã về hưu chỉ cho con.

Thế là nó chạy vòng vèo một hồi theo bờ sông và dừng lại bên lề. Một khu vắng không một bóng người. Nó soạn đồ nghề và dẫn tôi xuống bãi.

Đó là một bãi sông có những bậc tam cấp bằng đá xanh thiên nhiên. Những hòn đá to, đá nhỏ đã được nước bào mòn. Bên cạnh bờ suối đã có những cây trụ sắt rỗng ruột dùng để cắm cần. Nước trong veo, những viên đá đen óng ánh dưới nắng trông rất đẹp.

Nó cắt một tí mực tươi rồi quăng cần câu ra xa. Cắm cần câu vào những trụ rồi ngồi chờ. Hai mẹ con có những phút giây thật yên tỉnh, thanh tịnh, mây nước mênh mông và có nhiều điều tâm sự.

Tôi ngồi trên một tảng đá to ngắm dòng sông bao la. Nhớ con sông Đồng Nai thân yêu, dòng sông hiền từ quê mẹ, dòng sông xa tít mù khơi. Tôi chụp cho con một tấm hình và nhắm mắt lại hít sâu không khí trong lành.

Cám ơn nước Mỹ vô ngần.

Cái thứ ba tôi thích nơi này là có nhiều cây cầu bắt qua những con sông thật đẹp

Những con sông rộng mút tầm mắt. Nước êm đềm lăn tăn sóng.

Nơi ở của con trai gần base của hải quân và ở cạnh con sông Potomac River

Cây cầu bắt ngang con sông này có tên đầy đủ là Govenor Harry W. Nice Memorial Bridge, nhưng người ta hay gọi tắt là cầu Potomac River Bridge.

Cây cầu dài 1.7 miles và có hai làn xe chạy thoải mái. Nó nằm giữa Newburg Charles County và Maryland.

Nó được khởi công vào tháng 9/1938 và đưa vào sử dụng vào ngày 12/15/1940.

Vị trí tại Newburg Maryland Dahlgren.

Khi từ Virginia về nhà, qua cầu phải đóng lệ phí là $6. Tôi nghĩ $6 cũng thật xứng đáng khi đi qua cây cầu thật đẹp này.

Khi gia đình thằng lớn tôi từ Ý qua đây, chúng tôi đã cùng nhau tổ chức một ngày picnic tại chân cầu Potomac River Bridge

Từ nhà ra đây chỉ hơn 5 phút, một cái park lớn ngay chân cầu, cây xanh tỏa bóng mát mẻ. Người ta đến đó nghỉ ngơi, cắm trại tắm và câu cá.

blank
Cây cầu bắt ngang sông Potomac River, có tên đầy đủ là Govenor Harry W. Nice Memorial Bridge, gọi tắt là Potomac River Bridge.

Gia đình tôi có một ngày sum họp thật vui.

Khi về chúng tôi ghé qua một trạm bán cua và tôm luộc sẵn.

Thoạt nhìn tưởng như một trạm xăng. Cua thật tươi mới bắt về được luộc trong những cái nồi rất to. Hai người thanh niên lực lưỡng tới lui canh giờ và phục vụ khách hàng. Cua luộc chín và được chuyển vào những thùng to giữ nóng để bán. Thùng được phân biệt cua đực, cua cái, cua loại đặc biệt hay loại thường. Khi đếm cua xong, người bán rải vào trong túi đựng cua gia vị muối có màu đỏ cam của ớt.

Ở ngay bãi đậu xe, là một quày tiếp tân nhận order của khách. Sau khi thỏa thuận giá cả, người mua trả tiền và nhận biên lai Tờ biên lai này được đem ra sau giao cho hai người thanh niên đó. Họ nhận và tùy theo biên lai họ sẽ đếm cua và bỏ vào một cái túi giấy như túi đựng thức ăn trong các chợ Mỹ.

Con tôi mua 30 đồng cua đực lẫn cái. Thấy tôi tò mò nhìn, anh ta vui vẻ bắt chuyện hỏi thăm và thật bất ngờ anh ta bỏ cua vào hai túi giấy đầy mà không đếm gì cả. Khi rắc muối còn tặng thêm một mớ khá nhiều để đem về nhà với nụ cười thật tươi và câu nói:

- Welcome to Virginia.

Mớ cua này cả nhà ăn xong, tôi còn rỉa ra được một bịt sandwich Ziploc thịt cua và 24 con ăn không hết bỏ vào tủ lạnh.

Cua thật chắc và ngọt thịt lắm.

Tôi không được đi nhiều nơi, chỉ đến một bãi biển duy nhất gần nơi con tôi ở. Bãi biển nằm sau những ngôi nhà kiến trúc hơi xưa. Con đường yên tịnh dẫn chúng tôi ra hướng biển.

Bãi đậu xe nằm dài bên cạnh lối đi dành cho du khách. Tính tiền theo giờ. Mỗi 2 tiếng là một đồng, tiền được đóng nơi máy tự động và cũng chẳng có dấu hiệu gì để gắn nơi xe.

Bãi biển vắng người. Bãi cát mịn và rất gần với đường. Chỉ bước vài chục bước là tới biển. Không có những đợt sóng biển đánh vào bờ, không ồn ào, náo nhiệt, Biển ở đây dịu dàng nước mấp mé bờ giống như ở Hawaii.

Những cặp vợ chồng đi dạo trên bãi cát, những em bé dìm mình dưới nước tắm thỏa thuê. Trên bờ những người mẹ nằm phơi nắng. Dưới những cây dù che nho nhỏ, hay dưới những tàng cây bóng mát thật lớn từng gia đình trải khăn lót nằm, ngồi vui một chiều cuối tuần bình an, hạnh phúc.

Sao mà yên ấm, êm đềm quá. Biển ở đây thật hiền, xa xa những chiếc tàu chạy ngang bạt sóng, Gió từ biển lùa vào mát rượi, những đàn chim hải âu đáp xuống kiếm ăn. Nó rất dạn đi gần tới nơi người ta ăn uống để tìm thức ăn rơi vãi.

Tôi dẫn ông chồng đi dài theo lối đi dành cho du khách. Có những nhà hàng, những nơi chơi nhạc sống, những tiệm bán đồ lưu niệm, có phòng tắm nước ngọt, thay đồ và phòng vệ sinh rất sạch.

Tôi đi ra hướng có nhà thủy tạ và cầu tàu ra biển. Tôi ngạc nhiên khi thấy những viên gạch đính trên 4 bức tường đều ghi tên họ những người đã đóng góp làm nên khu nghỉ mát này.

Tôi đến Virginia chỉ có 3 tuần. Mà cuối tuần thằng Út tôi mới có ở nhà chở mẹ đi đây đó. Tuần đầu tiên dành cho gia đình thằng con lớn. Chỉ còn hai cuối tuần thăm viếng bạn bè

blank
Khu câu cá gần căn cứ quân sự.

Trong hai cuối tuần đó tôi đến thăm nhà chị Kiều Oanh Trịnh.

Chị Oanh và anh Kiều đều là học sinh Ngô Quyền và là người của Biên Hòa. Chúng tôi quen nhau trên diễn đàn thơ văn và tình nghĩa cựu học sinh NQ. Chị viết văn làm thơ với tên Kiều Oanh Trịnh.

Tôi đến thăm nhà anh chị Kiều & Oanh một lần vào buổi trưa chủ nhật và lần cuối vào trưa thứ bảy. Từ nhà con tôi đến nhà anh chị cũng phải 1giờ rưỡi lái xe. Nhà anh chị nằm khuất trong một hàng cây kiểng tỉa gọn gàng dùng làm hàng rào. Nhà đối diện với con suối nhỏ có nhiều cây bao bọc. Bên kia đường bước độ vài bước, là trạm xe buýt mà chị Oanh đón đi làm mỗi ngày.

Chị kể, mỗi ngày vào sáng sớm hay có những chú nai dẫn con ra chơi. Chị đi làm cầm theo vài khúc cà rốt để cho nó ăn. Bây giờ nghỉ làm cũng thấy nhớ.

Về mùa thu có lẽ khu vườn này rất đẹp. Lá sẽ vàng một màu và những chú nai dễ thương sẽ là nguồn thi hứng của chị.

Nai ở đây rất nhiều, trên đường lái xe đi, tôi đã thấy nhiều lần nai lang thang đi ra ăn cỏ sát cạnh đường đi. Cho nên cũng rất nguy hiểm cho người lái xe khi gặp tình huống nai băng qua đường hay đứng lại gữa lúc xe đang ngon trớn. Chị Oanh cho biết chính quyền khuyên người dân nên sắm cung, tên để bắn nếu thấy nai xuất hiện.

Vườn nhà chị Oanh quá rộng, trồng nhiều loại hoa đẹp, anh Kiều chăm sóc mảnh vườn này chắc cũng bỏ nhiều công sức.

Căn nhà bên ngoài trông cũng giống như những căn nhà xung quanh, nhưng vào trong mới thấy hết cái đẹp và rộng của nó. Bởi nhà có basement và với 6 phòng ngủ thênh thang. Năm cô con gái đã có sự nghiệp và đã có cơ ngơi riêng. Nhà bây giờ chỉ còn hai vợ chồng già, hai anh chị chiếm mỗi người hai phòng riêng cho mình nên nhà vẫn còn nhiều phòng trống.

Chúng tôi đã chụp với nhau rất nhiều hình, dẫn nhau đi ăn trong khu Eden và tình cảm anh chị dành cho gia đình tôi thật là thân tình và ấm áp.

Cám ơn anh Kiều với cái bắt tay thật chặt ông xã của tôi. Những người lính VNCH dù khác binh chủng nhưng vẫn là huynh đệ chi binh. Những người cưu tù CS không nói nhiều cái nhìn chứa đựng biết bao là thông cảm một thời quá khứ.

Cám ơn chị Oanh với những vòng tay ôm thật chặt. Có lẽ còn lâu lắm tôi mới có dịp về lại nơi này. Một miền đất xa nơi tôi ở đến 5 giờ bay.

Tôi chấm dứt bài viết khi cả nhà đã say ngủ. Đêm Virginia yên tịnh, mát mẻ.

Tạm biệt Virginia. Tôi sẽ nhớ mãi nơi này.

Nguyễn thị Thêm

Ý kiến bạn đọc
29/09/201517:16:26
Khách
Da, VA co\n rat nhieu cho dep, de di choi. Con lam viec hang ngay o cho do, nho bac mo^ ta cho lam viec, con moi bat dau cam nhan ra la no dep nhu vay. Con co the tuong tuong duoc bac o dau, va o nhu the nao trong bai van nay. Tiec rang con bac khong co thoi gian dan bac di nhieu cho. Nhung voi tam long nguoi me , chi can thoi gian o gan con cai va lo lang cho con thoi thi cung du roi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,290,508
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến