Hôm nay,  

Khu Nhà Lá

17/09/201500:00:00(Xem: 15316)

Tác giả: Năng Khiếu
Bài số 3626-17--30116vb5091715

Tác giả là cư dân Westminster, bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên đã phổ biến là “Vượt Biên Bằng Máy Bay”. Bà cho biết tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện H.O. Đã đi làm cho đến năm 2012, và hiện đang nghỉ hưu. Mong bà tiếp tục viết.

* * *

Mới nghe qua chắc các bạn tưởng khu nhà lá này ở Việt Nam. Thưa không, ở Mỹ đấy. Đó là khu Apartment ở Westminster mà gia đình tôi đã sống. Nó nằm gần một ngã tư và một Nhà Thờ. Đi bộ dăm ba phút là tới.

Mẹ tôi năm nay đã ngót 80 tuổi, cụ muốn gần Chúa xa đời, nên dù các em tôi nhà cao cửa rộng, ngõ trước cổng sau, nhưng cụ chỉ ở chơi vài tuần, rồi lại trở về nhà tôi đi lễ cho gần. Vì lý do đó mà gia đình tôi đóng đô tại đây 5 - 6 năm rồi. Nhiều lần chúng tôi tính kiếm một căn nhà house ở cho yên tĩnh, nhưng hơi xa nhà thờ, mẹ tôi không chịu chúng tôi lại thôi. Nói vậy nhưng ở nhà house kể cũng “hao” hơn, nào là tiền nước, tiền rác, tiền cắt cỏ, thôi thì cứ an phận ở đây, đợi các con học hành đến nơi đến chốn rồi tính sau.

Sở dĩ tôi gọi khu Apartment này là khu nhà lá, bởi nó được sơn một màu vàng chết và sần sùi như vách trát đất trộn rơm, mái ngói giả bằng gỗ lâu ngày tróc lên như vảy cá ươn màu xám ngoét, chìm hẳn giữa những khu Apartment chung quanh sơn màu xanh nổi bật những viền mái ngói đỏ, sáng sủa sạch sẽ, mà ở Việt Nam nơi nào xấu xí nhất, thường bị gọi là xóm nhà lá.

Không hiểu từ bao giờ cái khu vực này có mấy con đường gần nhau, cùng mang tên các tiểu bang, như vừa tới ngã tư Westminster và Olive quẹo phải khoảng một block gặp đường Texas ngắn ngủn, song song kế tiếp là đường Wyoming cũng không dài hơn, đường cắt ngang là đường Iowa lại circle cụt lối, khúc giữa là đường Illinois, những con đường ngộ nghĩnh nay đến 90% là người Việt Nam sống trong các khu Apartment, vì thế nó ồn ào nhốn nháo, khác hẳn với cái cảnh vắng lặng im như tờ ở những khu dân cư giàu có, lịch sự, như hồi tôi mới qua Mỹ, mỗi khi có dịp đi ngang tôi tưởng không có người ở, đã thế nhà nào cũng có vườn hoa cây cảnh trước sân, lại chăm sóc uốn nắn theo thẩm mỹ, đẹp như những bức tranh sống động.

Khu Apartment chúng tôi ở, có hai dãy khoảng 8 căn, trên lầu thì 4 phòng, dưới 2 phòng, hai dãy cách nhau bằng một cái sân cement rộng độ 6m, chung quanh là những cửa garage đóng im ỉm, gắn thêm cái bảng đỏ chót NO PARKING. Thường thì xe đậu ngoài đường, nên sân luôn trống, là chỗ đám con nít tụ tập la hét, chơi những trò chơi quái đản, như ném banh vào cửa garage bình bịch, khiến cả tòa nhà rung lên như động đất.

Bọn trẻ cũng thường trèo lên đánh đu những cây đào, cây ổi, cây chanh phía mặt tiền, vì thế không cây nào sống nổi mà chết cũng không xong, lá xanh rụng tơi tả. Nhìn hàng cây người ta không phân biệt, đang là mùa thu hay đông, hễ quả nào vừa nhú ra là chúng vặt vất xuống gốc. May ra chỉ còn hai bên ngõ vào, mỗi bên trồng 3 cây mật ngọt (sweet gum) trông giống như cây Noel lớn, ngọn thì nhọn hoắt lại cao chót vót là còn xanh tốt. Cỏ thì đựơc một mảng bằng manh chiếu cũng không mọc nổi, vì chẳng vòi nước nào còn nguyên, đã thế con nít rượt nhau như sân chơi tập thể, cái khu nhỏ nầy chỉ khoảng gần chục đứa con nít đang tuổi nhảy nhót, nhưng những khu bên cạnh thấy dễ chơi quá chúng cũng nhào vô nhập bọn, đâm ra đông đúc, nhất là những giờ nghỉ học hay cuối tuần, lái xe gần đến nhà phải cẩn thận vì chúng chay scooter như bay không biết đường nào mà tránh.

Khổ nỗi chủ thì ở xa, Manager lại là một gia đình người Mễ, không biết nói tiếng Việt, và có thêm hai ông Trời con, thì hỏi sao mà còn trật tự gì.

Tuy khu Apartment này bề ngoài trông xấu xí, nhưng bên trong cũng khá tươm tất, sạch sẽ. Nhà tôi ở trên lầu 3 phòng, nhưng có thêm 1 phòng family room nên cũng rộng rãi, lại nhiều cửa sổ rất thoáng mát. Từ restroom, tủ, bếp, sink ráp toàn đồ “sịn” cũng đỡ, chỉ tội mỗi lần xút ốc long đinh, kêu chủ sửa, phải năm lần, bảy lượt may ra mới được chiếu cố. Tiền nhà mấy năm nay, tăng nhanh như hỏa tiễn, bên Việt Nam có câu: “Ăn hết lắm ở chẳng bao nhiêu” nhưng qua Mỹ này thì ngược lại “Ở hết lắm ăn chẳng bao nhiêu”.

Cùng chung một cầu thang, sát vách nhà tôi là gia đình ông H.O, được 5 lính con, phá như giặc. Phải nói next door thì đúng hơn, vì hai cửa sát nhau quá, nên nhất cử nhất động nhà ông chúng tôi phải nghe hết. Ông cho các lính lớn đi học võ, cứ cuối tuần là đóng bộ lên đường như những võ sĩ sắp lên võ đài, thành ra nhà ông từ phòng khách đến phòng ngủ, bị các tay cao thủ đấm lủng từng mảng.

Ngưòi ta hay nói đùa, tất cả mọi người bước chân đến Mỹ đều thành tuổi con trâu đi cày, riêng ông chẳng hiểu tuổi con gì, nhưng tôi thấy ông sướng hơn tuổi con rồng, vì ông đã ngoài 50 mà đứa con út chưa đầy 3 tuổi, tôi ước chừng ông ăn “eo-phe” cho đến ngày lãnh tiền già là vừa, bởi vợ ông chưa đến 40 tuổi, chị đi làm từ sáng đến tối mới về, nên ông phải ở nhà take care đám con. Sáng sớm ông có bổn phận chở một vòng 3 trường: Elementery School, Middle School, High School, để thả các mầm non xuống từng trường. Còn thằng út ông bế từ car seat ra mang về nhà babyseat tiếp tục.

Nhưng ông ở trong nhà không lâu, lại dắt con xuống quán “coffee garage” góc xóm để tụ tập tán dóc với một ông cũng tuổi con rồng, ông này mập mà lùn tịt, mặt lúc nào cũng kên kên, trước kia ông vượt biên theo ngã Hong Kong, có hai thằng con trai khoảng 7 - 8 tuổi giống ông như hệt cũng tròn quay như hột mít, sau khi đưa con đến trường, ông trở về nhà, ngồi vểnh cằm rờ râu lun phun, lâu ngày cái garage của ông thành quán coffee công cộng, mở cửa toang hoác để đón tiếp những kẻ vô công rỗi nghề như ông, thực ra ông Hột Mít có 4 đứa con, bà vợ có tiệm bán đồ gift ở khu Bolsa, nên đầu tắt mặt tối suốt ngày. Nghe nói trước kia ông cũng gửi con rồi đi làm hãng, nhưng từ ngày thằng con đầu lòng của ông vào tù, đứa con gái duy nhất bị bắn trọng thương, ông không dám bỏ bê con cái nữa.

Tôi còn nhớ vào một buổi sáng cách đó 5 năm, lúc trời còn mờ sương, trong cửa sổ nhìn ra chúng tôi thấy một xe bịt bùng chở khoảng hơn 10 ngừơi cảnh sát, mặc áo giáp đen, đầu đội nón sắt tay bồng súng, ập vào nhà ông một hồi lâu, lúc trở ra còng tay thằng con chưa đầy 20 tuổi của ông, một ông cảnh sát ấn đầu nó vào trong xe, và chở đi mất biệt từ ngày đó, hàng xóm không ai biết lý do gì, chỉ nghe ông phân trần, cháu bị vạ lây.

Riêng cô con gái của ông rất xinh đẹp, dáng người cao gầy, mái tóc chấm lưng. Sau khi mọi người nghe tin trên đài Little Saigon radio đọc, có một cô gái Việt Nam bị bắn khi đang đi với bạn trai mới, cô là con gái duy nhất trong gia đình nề nếp, theo lời cha mẹ cô, thì cô là một người con ngoan ngoãn. Thế rồi vài tháng sau, chúng tôi thấy cô ngồi xe lăn vì liệt hai chân, sáng sáng có xe đưa rước học sinh tàn tật đến đón cô đi, tôi chỉ biết có thế.

Có điều rất tài tình, nhà ông Hột Mít chỉ có 4 phòng mà từ lâu ông vẫn cho share 2 phòng. Trong garage ông cũng cho thuê được 2 ghế bố, có lẽ vì vậy mà con ông phải ra ngoài đường chơi. Ngay cả chỗ đậu xe mé đường cũng bị đoàn “convoy” nhà ông chiếm hết chỗ.

Nhưng ông next door nhà tôi lại hạp với ông Hột Mít, để rồi những đứa con hai ông hợp lại phá làng phá xóm, có lần tôi thấy chúng vặn vòi nước tưới cây để tắm, rồi để nước chảy lênh láng, chúng cầm vòi nước xịt nhau làm ướt những người đi đường, gặp ông next door đi ngang tôi “khẩn trương” méc, ông đã không la rầy con còn hất cằm nói nhát gừng:

- Kệ nó, nước không mất tiền, cứ để nó chơi, cho chóng nhớn.

Tôi lắc đầu hết ý kiến, và tự nhủ “Dĩ hòa vi quý”. Nhưng không hiểu sao ông next door cứ hãnh diện mãi cái sự can đảm của ông ngày xưa, ông liều mạng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, rồi đến những ngày tháng tù đày mười mấy năm của ông, nên ngồi đâu ông cũng nổ như pháo cối, mà pháo nổ thì đâu có chết ai, nào là ông đi lính từ năm 20 tuổi, bố ông lãnh tiền tử trước, nhưng khi nhảy ra Bắc chẳng bao lâu thì bị tóm, ông phải khôn khéo luồn lách, dở đủ mọi mánh khóe đối phó với bọn cai tù ác ôn miền Bắc để sống còn, mãi sau ngày “miền Nam bị nhuộm đỏ” ông mới được thả về. Về đến nhà cha mẹ đã lập bàn thờ từ bao giờ...

Cứ với câu chuyện thế, ông mà vào nhà ai, là ông ngồi mọc rễ. Lũ con ông đi học về ăn uống xong, đã sẵn phim bộ để luyện chưởng, ông thuê có membership, còn homework làm xong hay chưa ông không cần biết, vì ông còn mải hóng chuyện dưới quán “coffee garage”. Chỉ tội cho mấy đứa con ông bị ảnh hưởng trong những bộ phim không lành mạnh, và kết quả học hành chẳng tới đâu.

Mỗi buổi chiều bà vợ ông đi làm về, nhìn cảnh nhà cửa bề bộn, cơm nước chưa nấu, bà hét lên như còi cứu hỏa, các con bà riết rồi quen, nên chúng nghe như nước đổ lá khoai, chỉ tội hàng xóm bị tra tấn cái lỗ tai, nhiều lúc tôi đóng cửa lại, nhưng nóng quá lại phải mở ra, để nghe tiếng hét sau màn cửa lưới.

Một buổi trưa thanh vắng, nhằm ngày nghỉ của bà, ông chở vợ đi shopping về, trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhãi, bà ôm về một đống quần áo sale đủ màu, vất ạch xuống giữa nhà, bà nghiến răng chì chiết:

- Hồi xưa mới lấy ông, tôi mặc size Small, còn ông mặc size Large, mà mới có mười mấy năm nay, đẻ được 5 đứa con, bây giờ tôi size X large, ông còn có size Small, nhỏ xíu mà còn muốn không vừa, tuột lên tuột xuống, chán ông quá.

Thật vậy bà càng ngày càng phát phì, người bà như đẫn gỗ thiếu chiều cao, ngay chỗ eo thì lại to nhất, còn ông thì teo tắt, xanh xao như người mắc bệnh phạm phòng, vì ông hút thuốc như khói tàu, coffe và trà tầu ông uống đặc như kẹo đắng. Thế nhưng không hiểu sao, sau những lời nói như dùi đục chấm mắm tôm ấy, hai ông bà lại cười khúc khích.

Nhưng chưa khổ bằng cái chuông điện, nhà dưới có khách đến bấm chuông, trên lầu chuông nhà tôi cũng reng ầm ĩ, các con tôi co giò chạy mở cửa, nhưng chẳng có ai, có lẽ cùng tần số, ráng chạy cho quen. Nhưng bù lại, nhà ở tầng dưới gặp nhà trên lầu có con nít đang tuổi tập xe đạp bánh to như xe hủ-lô, nghe ầm ầm như sấm nổ trốc đầu. Lại khỏi cần đồng hồ báo thức, vì mỗi buổi sáng khoảng 5 giờ, tiếng gà tre gáy the thé, 10 phút một hồi cứ nằm mà đếm không tài nào ngủ được, tức quá bèn hỏi thăm, thì ra là gà của bố con ông Hột Mít, đành gọi phone nhờ chủ nhà can thiệp. Ôi thôi đủ thứ phức tạp không kể xiết.

Nói đi rồi nói lại, sống ở Apartment có lộn xộn ồn ào, nhưng được cái yên tâm khi đi vắng, không sợ cái cảnh, đi đâu về đến nhà, trộm nó dọn sạch bách, vì cũng đã vài lần có người lạ xâm nhập, đều bị phát giác.

Một lần vào khoảng giữa tháng tám một gia đình ở căn phía cuối của khu Apartment gia đình anh chị đi qua Missouri để dự Đại Hội Thánh Mẫu. Trước khi đi anh gửi chìa khóa nhờ một ông bạn thân ở đầu đường, mỗi tối qua bật điện lên cho sáng sủa để đánh lừa bọn trộm, sáng lại đến tắt đi. Chị cũng nhờ mẹ tôi để ý canh chừng nhà giùm.

Một chiều mẹ tôi đến tưới đám hoa trước cửa, nghe có tiếng lục đục trong nhà, cụ liền đến chỗ cửa sổ nói vọng vào: - Đứa nào còn ở nhà, bà tưới cây giùm cho bố mẹ con đấy, nhưng không có tiếng trả lời…

Ngay tối hôm đó như thường lệ ông bạn thân đến rất sớm để bật điện, vì ngày cuối tuần ông tính đưa mấy đứa con đi biển, nên mới 5 giờ trời còn sáng, nhưng ông nghĩ mình bật điện trước khi đi cho chắc ăn kẻo tối đi chơi về muộn lại quên. Nhưng khi ông vừa mở cửa bước chân vào nhà, thì ông tá hỏa tam tinh vì không biết ai đã thu sẵn đồ đạc như sắp sửa dọn nhà đi xa, tất cả T.V. Computer, Laptop, máy Karaoke.v..v…được đóng thùng cẩn thận, các phòng ngủ đều bị lục tung.

Ông rón rén đi ra vì có cảm giác như ai đó đang núp trong góc nhà nhìn, ông vội chạy lên nhà tôi ở trên lầu phía ngoài đầu khu Apartment để báo tin chẳng lành. Thế là cùng ông xã tôi và hai thằng con lớn âm thầm lặng lẽ kẻ bưng người bê, để hết nửa phòng khách nhà tôi, như sợ ăn trộm nó nhìn thấy, rồi ông bạn thân mới kêu thêm vài người hàng xóm vào nhà để tìm xem có ai núp trong góc tủ, hay góc nhà nhào ra không (thật là khờ cả đám), nhưng mọi người không thấy gì, chỉ khám phá ra cửa kính lớn phía sau lối ra vườn, có cây chặn phía dưới bị cạy bung lên để nó mở cửa vào.

Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm vì đã phỗng tay trên bọn trộm, nên không bị mất một món đồ nào, chắc bọn trôm tính đợi trời tối sẽ đến chở đi. Ông bạn thân bình tĩnh lại mới gọi điện thoại báo cho chủ nhà biết, anh chủ nhà liền nhờ kêu báo cảnh sát giùm, nhưng hỡi ôi! Khi cảnh sát đến thì họ bảo, các ông bưng đồ đạc đi nơi khác, đã làm mất hết dấu vân tay tại hiện trường nên chúng tôi không thể làm việc được. Hôm sau anh chị chủ nhà bỏ dở dang buổi lễ để trở về, bố con anh lên nhà tôi cám ơn rối rít rồi bưng đồ trở lại, nhưng nặng qúa không ai bê nổi, rồi khen bác cháu nhà “ngố” lúc cấp bách sao mà khỏe thế. Đó là câu chuyện có thật mà tôi viết ra như một kinh nghiệm, vì khi hấp tấp mất khôn là vậy.

Đúng là thời gian như có cánh bay, mới đó mà đã hơn 10 năm trời gia đình chúng tôi rời khu nhà lá ấy để đi nơi khác mang theo bao kỷ niệm vui buồn, thỉnh thoảng có dịp đi ngang chúng tôi vẫn ghé vào thăm.

Ở đâu thì cũng có người tốt kẻ xấu, tuy vậy khu nhà lá này cũng chỉ có vài gia đình bặm trợn thôi, còn lại mọi người đều hiền lành và dễ thương, như gia đình anh chị đối diện sau nhà tôi, đến đấy ở từ ngày cái Apartment mới cất lên đến nay, anh chị có 8 đứa con, những đứa lớn đều tốt nghiệp đại học, còn những đứa bé rất ngoan ngoãn, một gia đình nữa ở góc bên trái, anh chị rất đạo đức đàng hoàng. Anh là Chủ Tịch Cộng Đoàn đầu tiên của xứ đạo, các con anh, gặp người lớn khoanh tay chào lễ phép, còn các gia đình khác, họ sống rất có tình có nghĩa, theo kiểu “bán anh em xa, mua láng giềng gần” nhưng anh em chẳng bán láng giềng thì mua, họ hiền hậu giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn.

Đó là chuyện vui buồn nơi xóm nhà lá trên đất Mỹ của chúng tôi. Nói cho ngay, buồn ít hơn vui.

Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
19/09/201513:42:04
Khách
Bài viết làm tôi thèm sống lại cái không khí hàng xóm láng giềng của VN lúc nhỏ quá. Tuy nhiên, khi đọc câu chuyện tôi cũng thắc mắc như Hùng là tại sao lại tốn công, tốn giờ khuân đồ về nhà mình cất dùm. Việc này rất nguy hiểm vì nhỡ may kẻ trộm tới bất ngờ thì mang họa vào thân. Chỉ cần bấm ba số 911 trong cell phôn là xong thôi. Vừa an toàn vừa đúng pháp luật.
17/09/201519:19:10
Khách
Văn viêt khôi hài linh động,nhưng không hiểu chuyện căn phòng của láng giềng vắng tanh với đồ đạc vỏ vô boxes hết chuẩn bị dọn đi,,mà mình lại dọn dồ đạc họ về nhà mình cất giùm, sợ trộm, rồi kêu police là chuyện gì, tối nghĩa.....chỉ cho tác giả hiểu,
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,023,776
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến