Hôm nay,  

Ơn Đời Ơn Người Ơn Trời

07/09/201500:00:00(Xem: 12036)

Tác giả: Trần Nguyên Đán
Bài số 3617-17--30107vb2090715

Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên các tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ, sáng tạo.... Bài viết mới của ông báo tin vui: Tác giả hiện đã là một “giáo sĩ” tình nguyện đi truyền giáo khắp thế giới, đồng thời là chủ bút của “Hướng Đi,” tờ báo duy nhất của Tin lành hải ngoại. Với chương trình “Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo, làm tiền đề”, báo Hướng Đi đã thực hiện cuộc thi “Viết Về Niềm Tin” khởi đầu từ năm 2012, và mỗi năm, từ những bài dự thi, phát hành một tuyển tập dày khoảng 540 trang. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc mừng vị tác giả mục sư chủ bút Hướng Đi và cuộc thi “Viết Về Niềm Tin” sang năm thứ tư.

blank
Tác giả Trần Nguyên Đán, giáo sĩ rao giảng Tin Lành trên đất Nga.

* * *

Tháng 7, Đại Hội Báp Tít vừa qua, năm nay có khác hơn mọi năm một chút, vì là kỷ niệm 40 năm người Việt ly hương, nhưng không tha hương, hiểu theo nghĩa tích cực. Tháng 8, như mọi năm, Việt Báo cũng tổ chức lễ Trao Giải Viết về Nước Mỹ, kỷ niệm 40 năm người Việt rời khỏi quê nhà, đến một quê hương mới, và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, không chỉ riêng trong cộng đồng Việt, mà còn lan rộng ra cộng đồng Mỹ. Thế hệ thứ hai đã bắt đầu đi vào dòng chính và thành công trong nhiều lãnh vực.

Mới đó mà đã 40 năm, dài hơn thời gian từ khi dòng sông Bến Hải chia đôi bờ Nam Bắc cho đến khi gặp lại nhau. Sau 40 năm, không gian đã xanh hơn, không còn máu lửa nữa, dù ai nói, nghĩ thế nào, cũng đã thôi một thời chiến tranh, và mọi người đang cùng nhau bắt tay kiến tạo hòa bình, theo cách nghĩ của mỗi người, dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Đã là con người, thì không khỏi khiếm khuyết. Chúng ta phải thành thật nhận rằng chỉ có Trời, Đấng sáng tạo muôn loài vạn vật, vận hành và điều khiển vũ trụ bao la trong lòng bàn tay Ngài mỗi một giây phút, là Đấng không hề khiếm khuyết.

So với nhiều người, tôi đến Mỹ trễ muộn hơn, nhưng cũng vừa đủ để gây dựng lại cuộc sống cho mình và gia đình mình. Hơn hai mươi năm trước, tôi vẫn còn là một trung niên đạp chiếc xe đạp cọc cạch mỗi ngày đến một chỗ thuê để làm photocopy kiếm tiền sống qua ngày, là một cái hàng ba của một căn nhà mặt tiền, mà người chủ tiết kiệm điện đến nỗi chỉ cho đặt một ngọn đèn néon sáu tấc ngay trên máy, vừa đủ sáng để nhìn thấy mà copy sách báo tài liệu cho khách. Sau khi copy xong, thì kéo cái ghế nhỏ ra ngồi ngay trước cửa nhìn mọi người qua lại cho... sáng sủa một chút. Nghĩ rằng nhìn lại mình đời đã xanh rêu.

Nhưng rõ ràng, không ai có thể biết được tương lai mình, dù là vài phút sắp tới, có thể vài giây, huống chi là cả chục năm sau đó. Không phải chỉ mình tôi, mà là tất cả mọi người. Chúng ta dù có khôn ngoan tài giỏi cách mấy, thì cũng chỉ là một tạo vật giới hạn, chịu sự điều động và cai trị của Đấng sáng tạo ra mình về thời gian, không gian và đời người. Tôi luôn nhớ câu Kinh Thánh này mỗi khi nghĩ đến cuộc sống, tại sao mình thế này, tại sao mình thế kia, tại sao mình ở đây, mà không phải ở đó. Kinh Thánh đã nói cho tôi biết, trả lời cho tôi những thắc mắc không ai giải đáp được, Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở. Hai mươi năm sau, tôi đã ngồi đây, trong một xứ sở mà nhiều người mơ ước đặt chân đến, trong căn nhà của mình, không phải là nhà của nhà bank hay nhà thuê, tự do làm những công việc mình thích và hợp với mình. Đời đã đổi màu, từ xanh rêu tím tái qua đến xanh tươi hy vọng và rồi hồng hào mơ ước. Cuộc đời tưởng đã không thể dùng cho việc gì tốt hơn đươc nữa đã được dùng làm ích lợi cho nhiều người. 40 năm, có nên viết lại vài điều để Biết Ơn Đời, Mang Ơn Người và Đội Ơn Trời?

Nên chứ, phải không các bạn? Những người còn thích cầm những quyển sách trên tay mà đọc chứ không đọc trên laptop. Các bạn là những người còn giúp cho thế hệ người cầm bút... bằng tay niềm vui khi hoàng hôn đời họ đang dần phai, và sẽ tàn, sau những dãy núi. Nhưng dù sẽ tàn phai, những ánh sáng cuối cùng vẫn chói lọi huy hoàng, để lại cho đời những mảng màu đẹp đẽ mà ngày mai sẽ còn là kỷ niệm. Trước khi viết những lời Biết Ơn Đời, Mang Ơn Người, Đội Ơn Trời, tôi muốn Cám Ơn các bạn, những người đã, đang và sẽ còn đọc sách, tìm sách mà đọc, cho tôi còn có cơ hội để viết.

1.

Những thăng trầm đời tôi, đã viết nhiều trong những quyển sách trước, vả lại đây cũng chẳng phải là một hồi ký, mình đâu đã đến tuổi viết hồi ký:-) chỉ là những hoài niệm một thời đã qua để lại tiếp tục đi tới

Tôi bắt đầu hồi tưởng, để Biết Ơn Đời.

Đời, tự nó không thể cho ai điều gì, chỉ làm cái công việc bình thường mà muôn đời vẫn làm, là trôi đi. Sa-lô-môn, vị vua huyền thoại của Do Thái, nổi tiếng là người khôn ngoan nhất thế gian, dù cho đời trước hay ngàn đời sau đó, đã luận bàn về thời gian và đời người trong cuốn sách nổi tiếng của ông, sách Truyền Đạo, đoạn 1 câu 4-7: Đời nầy qua, đời khác đến; nhưng đất cứ còn luôn luôn. Mặt trời mọc, mặt trời lặn, nó lật đật trở về nơi nó mọc. Gió thổi về hướng nam, kế xây qua hướng bắc; nó xây đi vần lại không ngừng, rồi trở về vòng cũ nó. Mọi sông đều đổ vào biển, song không hề làm đầy biển; nơi mà sông thường chảy vào, nó lại chảy về đó nữa.

Nhưng con người sống trong đời, chịu đựng luật chi phối của đời trong đời mình, vẫn mang cái gánh nặng ơn đời. Đời, như dòng sông, như cách mà người ta vẫn ví von nó, đã đưa tôi đi qua những bến bờ mà tôi không hề biết trước và không thể tính toán trước. Khi một vật thể rơi vào dòng sông, thì trôi đi, không cưỡng lại được giòng nước chảy. Nhiều người giống như tôi, nếu cho có thời gian ngồi suy nghĩ lại, sẽ rất ngạc nhiên một cách... thành thật rằng không hiểu vì sao mà mình đang sống ở xứ sở này, một xứ sở dù vẫn có những khuyết điểm bắt buộc phải có, vẫn được ca ngợi là một quốc gia giàu mạnh bậc nhất thế giới, vùng đất mơ ước của nhiều người, dù mình chẳng là gì cả.

Những em bé quê ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao ngày xưa, nay đã là những bác sĩ, kỹ sư, luật sư trên quê hương thứ hai, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan. Những người nông dân ngày xưa bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nay cũng là những chủ nhân những cửa tiệm, nhà hàng, chợ búa... Ai có thể hình dung ra được những hình ảnh ấy cho mình? Nhiều và còn nhiều nữa.

Như tôi ngày xưa ấy, sau những ngày sinh tử vượt núi đồi Pleiku trở về còn sống sót, đã phải ngậm ngùi từ giã bảng xanh phấn trắng, tìm đường sống trên vùng đất hoang vu nhiều năm tháng không dấu chân người lai vãng, bây giờ dù vẫn chẳng là ai hết, nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống vẫn còn có những ai không bằng mình, nhưng cũng đã có được một đời sống tương đối ổn định, ngoài việc giúp mình còn có thể giúp người. Những điều này thật là lạ lùng, là ngoài sự suy tưởng mình. Và cho dù biết rằng tất cả mọi sự đó là do sự đưa đẩy của dòng đời, dưới sự vận hành cho phép của Trời, tôi vẫn nói lời Biết Ơn Đời.

Từ những ngày khai hoang rừng núi, vỡ đất hoang, gieo những hạt giống nghèo trên những mảnh đất nứt nẻ khô cằn, kiếm sống từng bữa, bữa đói bữa vừa đủ... không đói, tôi lại trở về thành phố, nhìn thấy chút ánh sáng lóe lên ở cuối đường hầm. Đã có thể đạp xe đạp... trở lại, thay vì đi bộ, gánh lúa, gánh chuối, gánh bắp trên những đường mòn thôn quê bụi mù, khúc khuỷu, xa tít tắp, có thể sáng sớm khi đèn đường chưa kịp tắt (lúc ấy có đèn đường đâu mà tắt:-)), đạp xe cùng bạn ghé một quán cà phê tối mù mù, thắp sáng bởi vài ngọn đèn vàng ệch mù mù, uống chút cà phê đen trong cái ly nhỏ xíu, hít vài hơi thuốc lá, là đã thấy cuộc sống có chút thi vị, đáng sống rồi. Không mơ ước, không hy vọng chi nhiều, dù đôi khi có làm vài bài thơ nhắn gửi, bóng gió xa xôi đến những vùng đất trong mơ. Nơi đó đã bắt đầu cho tôi một đời sống khác, hoàn toàn mới mà tôi không hề suy nghĩ tới.

Cho đến khi mẹ và các em còn độc thân rời Việt Nam năm 1984, tôi mới bắt đầu có những ý thức về việc một ngày nào đó mình cũng sẽ đặt chân đến bến bờ xinh đẹp, nhưng cũng đầy thách thức đó. Như mọi người Việt ly hương, phần tôi, tôi biết Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho tôi những ngày huấn nhục để khi bước vào một mặt trận mới để chiến đấu, sinh tồn và vươn lên, tôi sẽ có kinh nghiệm để hòa nhập và hòa tan.

Rồi đời đưa tôi cùng gia đình, vợ và hai con, đi xa hơn, xa hẳn, vào một ngày mùa đông năm 1994. Chúng tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất với một tâm trạng nao nức nửa mừng nửa lo, mừng nhiều hơn, vì chưa hình dung ra được những gì phải lo trong thời gian tới. Chuyến bay đầu tiên đưa chúng tôi bay đến Malaysia, một quốc gia Đông Nam Á lân cận, để từ đó bay chuyến bay dài hơn qua bên kia đại dương, hạ cánh xuống phi trường Heathrow, Anh quốc. Phi trường đầu tiên của Mỹ mà chúng tôi đặt chân đến là New York, rồi ngay sau đó bay đi Dallas, và dừng chân ở Houston, Texas, để chỉ vài ngày sau đó, trong khi còn chưa quen với thời gian khác biệt, nói tiếng Anh không ai hiểu, ai nói không thể nghe, lên xe bus Greyhound đi California, chọn nơi đó- nơi bà nội và các cô chú đến trước- làm quê hương đầu tiên, bắt đầu vào trường Thần học, ra trường, được phong chức và tiếp tục bay đi, trong đất nước Hoa Kỳ 50 tiểu bang, đất đai ngút ngàn mầu mỡ và tấm lòng nhân đạo cũng rộng rãi mênh mông.

Nếu phải Biết Ơn Đời, thì trước nhất, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn nước Mỹ, đã dang rộng vòng tay đón chúng tôi, những người sa cơ lỡ vận, tìm được một mảnh đất an bình để dung thân và xây dựng một thế hệ thứ hai khỏe mạnh năng động, có thể đóng góp phần mình cho tương lai đất nước.

Hoa Kỳ, đúng như Kinh Thánh mô tả: Nước nào có Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình. Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay. Tôi hy vọng một ngày nào đó con cháu chúng tôi có thể give back, góp phần trở lại cho đất nước đã vì tình yêu thương nơi Chúa mà cưu mang chúng tôi, ngay khi mà chúng tôi không và chưa thể làm gì được cho họ, hãy còn là những gánh nặng cho họ.

Đức Chúa Trời, Đấng nắm giữ vận mệnh đời người, đã định cho tôi ở California, bờ Tây, bên cạnh Thái Bình Dương bao la 3 năm đầu tiên để học xong chương trình Thần học căn bản, lấy được bằng Cử nhân, rồi đưa tôi qua hẳn bên bờ Đông, bên cạnh bờ Đại Tây Dương, bắt đầu chức vụ chăn bầy cho Chúa.

Tôi đã ở Maryland tổng cộng hai lần là 12 năm, 11 năm trong chức vụ quản nhiệm Hội Thánh. Tại đây tôi cũng đã hoàn tất chương trình Cao học và cùng với anh chị em tín hữu xây cất cho Chúa một đền thờ đầu tiên cho người Việt Nam trong vùng Washington Metropolitan.

Cũng từ đền thờ, Đức Chúa Trời cũng đưa tôi đến với cuộc thi Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo, làm tiền đề cho cuộc thi Viết Về Niềm Tin sau này. Việt Báo, tôi cũng muốn bày tỏ lòng Biết Ơn Đời, đã gián tiếp góp phần đưa tôi trở lại với thế giới văn chương mà tôi đã nghĩ rằng sẽ không bao giờ có thể trở lại.

Biết Ơn Đời, vì chẳng phải chỉ cống hiến khả năng mình cho công việc đạo Chúa, tôi cũng có thể góp phần khiêm tốn của mình cho cộng đồng chung Việt Nam hải ngoại, khi được mời làm Giám Khảo cho cuộc thi danh giá này từ khoảng 5 năm nay. Từ đó, chiếc cầu nối qua những hải đảo xa, vươn tới Da Màu, Tiền Vệ, Sáng Tạo... (các trang web văn học), từ đó tôi có thể đi, có thể chạy, có thể nhảy nhót... Thật là vinh dự cho một chiếc bình bằng đất, được Chúa sử dụng cho những căn nhà to lớn hơn, cầu kỳ hơn, và vui mắt hơn.

Và niềm vui nhân rộng hơn, khi Chúa cho phép trở thành chủ bút của Đặc san Hướng Đi, tờ báo duy nhất của Tin lành hải ngoại có tầm vóc phát hành có thời gian lên đến 16.000 số mỗi kỳ, mà Chúa đã dùng tôi tớ Ngài gây dựng nên hơn 12 năm qua. Tại đây tôi có thể thi thố những sở trường của mình từ thuở còn niên thiếu, tự do bơi lội trong biển cả của chữ nghĩa, góp phần gây dựng đời sống đức tin của tín hữu và nối một nhịp cầu đến đồng bào Việt Nam, đưa Tin lành cứu rỗi và tình yêu của Chúa Jesus từ nhà thờ ra chợ búa, trường học, cộng đồng.

Sau 11 năm chức vụ tại Maryland, một lần nữa Chúa lại cho phép tôi đến Texas, quản nhiệm Hội Thánh Fort Worth trong 4 năm, trước khi kêu gọi tôi bước ra khỏi chiếc thuyền đi trên sóng gió biển đời cùng Ngài, cho sự cứu rỗi của người Việt, trở thành một "giáo sĩ" tình nguyện. Từ đây, đời đưa tôi bay xa hơn, bay qua Nga, Úc, Canada, trở về Việt Nam, đi đến Campuchia, và tầm mắt của tôi vẫn còn háo hức nhìn qua Malaysia, nơi đồng bào tôi đang sống đời công nhân lao động cực nhọc, cần thiết tình yêu của Chúa, và Hàn quốc, khi tôi đọc một bài viết thật cảm động của Mục sư chủ nhiệm báo, về những ngày truyền giáo phước hạnh của ông ở đó. Tôi mơ tôi sẽ đến đó, I have a dream, và ước mơ dream come true someday, trong ý chỉ tốt lành của Chúa.

Dĩ nhiên là tôi không thể ngừng bút tại đây được, khi chưa nói về cuộc thi Viết Về Niềm Tin từ báo Hướng Đi khởi đầu từ năm 2012, mà chúng tôi ao ước tìm ra những cây bút Cơ đốc viết về niềm tin của mình, giới thiệu niềm tin của mình cho những niềm tin khác. Mỗi năm, chúng tôi đã phát hành mỗi tuyển tập truyện ngắn dày khoảng 540 trang, với các bài viết được chọn lọc từ những bài dự thi. Và hy vọng rằng chúng sẽ được lưu giữ lại lâu dài, cho đời, cho đạo, ngày mai.

Biết Ơn Đời, thật khó nói cho hết được.

2.

Làm thế nào để có một cuộc đời ngày hôm nay để biết ơn, nếu không nhắc đến những con người. Đức Chúa Trời đã dùng những con người, như một quy trình công nghệ khép kín, đã bắt đầu cho cuộc đời tôi, từ ngày ấy, cho đến bây giờ, từ một gã sa cơ thất thế, đến một Mục sư quản nhiệm các Hội Thánh (thậm chí một Hội Thánh trên đường dây điện thoại), một người làm công việc văn nghệ trong các lãnh vực viết văn, làm thơ, làm báo, ca hát..., đến một giám khảo cho các cuộc thi văn chương, đến một nhà truyền giáo bay đi như chim đến nhiều nơi trên thế giới. Tôi phải nói rằng tôi Mang Ơn Người.

Biết chỉ là biết, mà không làm gì hết. Nhưng mang là mang theo trong cuộc đời mình, mang thì nặng, và tìm cách để làm một cái gì đó để bớt nặng, như một cử chỉ, một hành động bày tỏ sự biết ơn của mình. Tôi Mang Ơn Người trước hết, là Cha Tôi và Cha Vợ Tôi, Chúa đã dùng hai người này để đưa chúng tôi sang Mỹ. Cả hai ông đều không còn nữa trong cuộc đời, nhưng việc mà hai ông đã làm vẫn còn lại trong cuộc đời tôi và gia đình tôi mãi đến sau này, cho cả hậu duệ của hai ông.

Cha tôi, người duy nhất trong gia đình, đã ra đi đúng vào ngày đen tối nhất của miền Nam Việt Nam, ngày 30/4/1975 trên bến Bạch Đằng, Sài gòn trên một con tàu nào đó trong hàng chục hàng trăm chiếc tàu trên bến trong cảnh hỗn loạn chết chóc của ngày tàn cuộc chiến. Đức Chúa Trời có một kế hoạch đời đời cho tôi khi để tôi ở lại Sài gòn mà không cho tôi ra đi ngày hôm đó cùng cha tôi. Ông đi biệt 4 năm sau, không ai biết một mảy may tin tức gì, còn sống đến nơi hay đã vùi thân nơi biển cả, cho đến khi một bức thư ngắn ngủi vài hàng từ nửa vòng trái đất được chuyển một cách thầm lặng đến cho mẹ tôi khi ấy vẫn còn nhọc nhằn ở vùng Kinh Tế Mới cùng đàn con nheo nhóc.

Cha vợ tôi, ngược lại, đã ở lại Sài gòn sau 1975 và sau đó đã "được" đưa vào các trại tập trung cải tạo cho đến 8 năm sau, đây cũng là một khâu quyết định trong kế hoạch của Chúa, Ngài đã dùng hai hoàn cảnh "ngang trái" ấy để thực hiện cho tôi một kế hoạch lớn hơn.

Cha tôi, sau khi đến Mỹ, đã tin Chúa, đi nhà thờ, và Hội Thánh Mỹ tại Bellflower, California, chính là Hội Thánh mà Chúa đã dùng như một con quạ lớn, dang cánh rộng như đại bàng, nuôi cả một đại gia đình chúng tôi tại Việt Nam qua những năm tháng khốn khó, và góp phần đưa một phần lớn gia đình tôi sang Mỹ vào năm 1984, làm tiền đề cho các gia đình còn lại của chúng tôi rốt cuộc cũng đã đến Mỹ.

Người, tại đây tôi cũng nói lời mang ơn, là Mục sư và những tín hữu của Hội Thánh Bellflower ngày ấy, mà người chị cả tôi vẫn thường nhắc đến bằng một thái độ trân trọng quý mến. Chị, dù chưa tiếp nhận Chúa, rất cảm tình với đạo Chúa, đã nói rằng: Chúa đã thưởng công cho việc làm của họ bằng cách là cho gia đình mình có một Mục sư.

Đức Chúa Trời đã đưa tôi đến Mỹ sớm hơn những gia đình chị em còn ở lại, vừa đủ thời gian làm lại cuộc đời. Chúa đã dùng Cha tôi bảo lãnh, nhưng dùng Cha vợ tôi để đưa chúng tôi rời khỏi Việt Nam sớm hơn nhiều năm. Sự kết hợp ấy ban đầu có vẻ như là ngẫu nhiên, nhưng với tôi, đều nằm trong chương trình và ý chỉ tốt lành của Chúa, như những mắc xích rời chờ đúng thời điểm thì ráp lại thành một sợi dây hữu dụng. Chúng ta trôi theo dòng đời, không biết điều gì chờ đợi mình ở cuối dòng, nhưng Đức Chúa Trời biết.

Người mà tôi Mang Ơn sau đó, là mẹ tôi. Trong truyện ngắn và sách Biển Rộng Hai Vai, tôi đã nói nhiều về người mẹ đó. Tôi đã không ngần ngại mà viết về những ngày đầu tiên của bà ở Mỹ, sau khi Cha tôi qua đời, là tìm đến những thùng rác chung cư để lượm lon nuôi sống những đứa con còn ở lại, như một tấm lòng của biển rộng bao la. Người ta nói tốt thì khoe xấu thì che, tôi cho rằng việc lượm lon của bà là một việc tốt nên đem khoe cho mọi người. Đầu năm nay, vào tuổi 90, bà bị té chảy máu não, tưởng không thể sống được nữa, nhưng Đức Chúa Trời đã làm một phép lạ cho bà sống và trở lại bình thường. Tôi tin là bà sẽ còn sống thêm nữa để hưởng những niềm vui của lòng đại dương mỗi năm hai hoặc ba lần, khi các giòng sông chảy về, nay đã chia nhánh, những sông con, suối nhỏ.

Tôi cũng muốn nói thêm về những anh chị em tôi, những người đi trước chúng tôi, cũng đã góp phần cưu mang chúng tôi trong thời gian đầu bỡ ngỡ và cả nhiều năm sau đó. Và đặc biệt là sợi dây yêu thương ruột thịt đã ràng buộc chúng tôi trải qua nhiều khó khăn sóng gió. Kinh Thánh nói rằng: đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi. Lời Kinh Thánh thật là một bảng chỉ đường chính xác nhất cho nhân loại. Nợ nhau về tình yêu, mang theo trong cuộc sống, mang mãi đến khi về với đất, không bao giờ trả hết được. Mang theo trong đời, mới hiểu thấu ý nghĩa và giá trị tuyệt đối của tình yêu.

Tôi biết rằng mình vẫn còn mang một món nợ không thể trả hết cho các anh chị em tôi, nợ yêu thương, và tôi vẫn cầu xin Chúa cho tôi có thể trả lại bằng chính tình yêu thương của mình. Tình yêu đó là làm sao để anh chị em tôi có thể nhận ra được tình yêu mà Đức Chúa Trời đã dành cho họ là cao cả và kỳ diệu vô cùng, để họ có thể quay lại nhận Ngài làm Cứu Chúa cuộc sống và vui hưởng cuộc sống an bình nơi Ngài đời đời. Chính là điều mà tôi đã làm cho mẹ tôi khi còn ở California, ngày bà mở lòng tiếp nhận Chúa và bước xuống hồ ở Hội Thánh Norwalk làm lễ báp-têm vẫn luôn là một ngày vui mừng cho cuộc đời tôi. Tôi biết chắc rằng ngày nào khi qua cõi đời tạm này, bà sẽ được Chúa đem về thiên đàng đời đời cùng Ngài.

Người mà mình mang ơn, thì không thể không kể đến những người đã làm chứng về Chúa cho mình, nhất là làm chứng cho Phao-lô trong thời kỳ bắt bớ không hề là việc dễ dàng, mất mạng như chơi:-). Tôi đã khóa miệng họ trước khi họ có thể nói cho tôi nghe. Nhưng cái gì thì cũng nằm trong chương trình kế hoạch của Trời. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt. Tôi làm sao mà tránh được lưới Trời, Ngài cứ để cho tôi né qua phải qua trái, Ngài nói: từ từ, trong khi Ngài quây lưới lại. Cho tới khi tôi bị nhốt trong lưới. Mà lạ lùng, cái lưới như tơ mềm và thơm tho như tình yêu. Ngài muốn cho tôi khẩu phục tâm phục chứ không muốn tôi miễn cưỡng mà tin. Khi đã tin rồi là chắc chắn.

Tôi cũng mang ơn người đã cầu nguyện cho tôi tiếp nhận Chúa Jesus vào cuộc đời của mình, và cám ơn người đã làm báp-têm cho tôi. Đây là những người mà tôi tin rằng sẽ gặp lại họ, vĩnh viễn tại nước thiên đàng, để cám ơn về tình sâu nghĩa nặng ấy.

Để từ đó tôi đi, tôi chạy, và có thể bay lên.

3.

Tôi đã cố để ơn Trời vào phần cuối, vì save the best for last. Ông bầu show nào cũng biết, ca sĩ dở cho mở đầu chương trình, danh ca hát sau, còn tiếng hát vượt thời gian thì để cuối, để khán giả ráng chờ, không thôi người ta bỏ về hết:-) Kinh Thánh cũng nói thế: Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ.

Tôi để vào phần cuối, vì với Trời, tôi không thể nói Cám Ơn, tôi không thể nói Biết Ơn, tôi không thể nói Mang Ơn, tôi nói là Đội Ơn. Tôi Đội Ơn Trời.

Đối với nhiều người, Trời cao quá, nhiều người nói thế... Bầu trời thì cao thật.

Nhưng có ai biết là Ông Trời rất gần không? Đối với tôi, trời không cao, trời lại ở gần, và ở rất gần.

Trời cao lắm, loài người không thể tới

Thế nên Trời bèn xuống thế làm người

Những ngày tháng đó, dù chưa biết Trời là ai, như thế nào, bây giờ khi nghĩ lại, thì tôi biết Trời đã cứu tôi nhiều lần thoát khỏi cái chết trong gang tấc trên con đường máu từ Pleiku về Tuy Hòa.

Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh người bạn cùng dạy học chung một trường bị mìn nổ tung thân xác cách tôi chỉ một quãng ngắn, những người dân chạy chung với tôi ngã gục trên đường, ngay trước mắt. Tại sao tôi không chết như họ và vĩnh viễn vùi thân xác vào một góc rừng hoang nào đó trên con đường sinh tử ngày ấy, chính vì Trời đã muốn tôi sống và có kế hoạch cho đời tôi sau này.

Năm 1975 tôi trở lại Pleiku để "đăng ký" đi dạy lại, thì được bảo ngay rằng "anh đã mất dạy". Trở về nhà trong nỗi chán chường, nhưng sự việc chưa ngừng ở đó, đang ở phố, phải “tự nguyện” lên núi vì phố bây giờ không còn dành cho những người như anh nữa. Không có sự chọn lựa.

Trong những ngày gian khổ ở núi rừng, có một vài lần tôi đã có suy nghĩ nhảy từ trên triền dốc xuống giòng sông đang chảy mạnh bên dưới, vì không còn hy vọng gì để sống, nhưng Trời đã có chương trình cho tôi, tôi chẳng thể làm thế được. Tôi tiếp tục sống những ngày lê thê trên đất không ý nghĩa, không mục đích cho đến khi Cha tôi gởi những giấy tờ bảo lãnh từ Hoa Kỳ về và một phần lớn gia đình tôi đã có thể ra đi. Tháng Tư 1984, thời gian cùng vợ con vào Sài gòn để đưa tiễn gia đình, là thời gian mà những chiếc móc bắt đầu di chuyển lại gần nhau và chuẩn bị móc lại.

Những chiếc móc móc lại sau đó, theo đúng chương trình của Trời, đúng thời điểm Ngài muốn, không sớm hơn không muộn hơn. Gia đình bên vợ tin Chúa trước, làm tiền đề cho nhà tôi khi trở lại Nha Trang. Tôi là người sau cùng trong gia đình nhỏ của tôi tin Chúa sau một thời gian ngắn chống đối, làm một "little Paul", bắt bớ "Hội Thánh" nhưng cuối cùng bị Chúa bắt quay lại. May mà không bị mù:-).

Khi bánh xe được gắn vào chiếc xe, thì nó đã có thể chạy được. Và chạy tốt. Phao-lô đã bắt đầu làm việc, khởi đầu bằng chiếc xe đạp, đèo phía sau lỉnh kỉnh những gạo, mắm, đường, muối... mỗi cuối tuần đạp xuống những khu vực ít người biết, ít người để ý, mà có để ý thì cũng không có ý nghĩ vào đó, không dám vào đó. Nhưng Chúa đã muốn tôi vào đó, nói về Ngài cho những con người cùng khổ, dựng nơi trú ẩn của mình ngay trên những ngôi mộ hoang, sống chung với người đã chết, những người không đủ điều kiện để sống trên đất những người đang sống. Đó là những gì Trời bắt đầu để chuẩn bị tôi hơn 20 năm sau.

Đến đây thì tôi không muốn gọi là Trời (cao) nữa, tôi sẽ thay chữ Trời là Chúa, vì Ngài là Chúa của tôi, nhưng Ngài chính là Trời của mọi người. Những người tin Chúa và theo Chúa thì biết rằng Ban đầu có Chúa Jesus, Chúa Jesus ở cùng Đức Chúa Trời và Chúa Jesus là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.

Thân thế là cao vời như vậy, nhưng Ngài chẳng coi việc ấy là quý trọng: Chúa Jesus đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật, chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha. Thật là điều kỳ diệu loài người chẳng làm sao giải thích được ngoại trừ việc... nghi ngờ. Nhưng phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy. Tất cả mọi nghi ngờ sẽ được giải đáp tận tường khi bước vào mối quan hệ với Ngài, nếm Ngài, ăn Ngài, như ăn một trái cam ngọt ngào. Tôi thích dùng ví dụ trái cam khi kêu gọi những người chưa biết Chúa hãy đến với Ngài.

Các bạn cứ nghi ngờ trái cam tôi mời không biết là nó ngọt hay chua, các bạn chỉ có thể biết được nó ngọt hay chua bằng cách nếm thử nó, không có cách nào khác. Các bạn sẽ cứ dùng dằng, phân vân, không biết điều tôi nói về Chúa là đúng không, cho đến khi nào các bạn bước vào mối tương giao với Chúa, lúc ấy bạn sẽ biết mà không cần tôi phải nói.

Ngày xưa khi người đàn bà Sa-ma-ri chạy vào trong thành làm chứng về Chúa Jesus, họ đã tin lời bà ta, nhưng sau đó khi gặp Ngài, họ thay đổi câu nói: Họ nói với người đàn bà rằng: Ấy không còn phải vì điều ngươi đã nói với chúng ta mà chúng ta tin đâu; vì chính chúng ta đã nghe Ngài, và biết rằng chính Ngài thật là Cứu Chúa của thế gian.

Tôi cũng muốn nói câu giống như vậy. Tôi đã đến với Chúa qua nhiều lời làm chứng của nhiều người, nhưng trải qua thời gian, khi đi cùng Ngài, sống với Ngài, ăn bữa trưa bữa tối với Ngài, tâm tình với Ngài, học từ Ngài, tôi cũng có thể nói: Ấy không còn phải vì điều ngươi đã nói với chúng ta mà chúng ta tin đâu; vì chính chúng ta đã nghe Ngài, và biết rằng chính Ngài thật là Cứu Chúa của thế gian.

Đó là Đức Chúa Trời, sau những ngày tháng kiên nhẫn với tôi, Ngài đã cứu tôi khỏi cuộc sống vô vọng, vô mục đích, cứu linh hồn tôi từ trong sự chết, đưa tôi đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài, đưa tôi sang Mỹ, không trên những con thuyền vượt biển mà trên cánh của đại bàng. Sau nhiều năm dùng tôi trong chức vụ quản nhiệm Hội Thánh, chăn dắt bầy chiên của Ngài, bây giờ tôi nghe tiếng Chúa nói với Phao-lô ngày xưa, như là đang nói với tôi: hãy đi, vì ta toan sai ngươi đi đến cùng dân ngoại ở nơi xa.

Tôi phải đi đến cùng dân ngoại ở nơi xa để nói với họ rằng Đức Chúa Trời không phải chỉ là Đức Chúa Trời của tôi, mà còn là Đức Chúa Trời của họ, Ngài cũng muốn ôm họ vào lòng để vỗ về, an ủi, lau khô nước mắt và đem đến nụ cười.

Ơn của Ngài, tôi không chỉ biết, tôi không chỉ mang, tôi đội ơn ấy. Như người đàn bà Do Thái đội vò nước trên đầu đi về nhà, tôi đội ơn Chúa trên đầu mà đi bất cứ nơi nào Chúa sai tôi đến.

Trần Nguyên Đán

Ý kiến bạn đọc
02/01/201720:30:29
Khách
Chúa phạt Adam và Eva dám lấy nhau, mà mỗi khi có đám cưới trong nhà thờ, các linh mục hay mục sư lại bảo:'Những gì Thiên chúa đã kết hợp,con người không đuợc chia lìa'. Không lấy nhau sinh con cái đời này qua dời kia thì lấy ai mà thờ Chúa đây?Thật là mâu thuẫn... Chúa kết hợp, mà sao họ ly dị ào ào ngoài kia , không thấy chúa làm gì sất cả?
11/10/201522:15:04
Khách
Sao các ý kiến của độc giả mà tác giả không trả lời ? Các ý kiến của người khác tôn giáo là do họ suy nghĩ theo bản tính con người , đó không là ý của Thiên Chúa , con người là hữu hạn sẽ phải chết , thân xac trở lại với đất .Thiên Chúa là vô hạn , là mãi mãi , là tự có , nên con người sẽ phạm thượng khi nêu các ý kiến thô thiển trên.
Thiên Chúa Giáo là tôn giáo có đông tín đồ nhất trên thế giới và làm việc thiện hữu ích nhất cho nhân loại. Các nước Theo Thiên Chúa Giáo đều văn minh , hùng mạnh....
15/09/201505:23:01
Khách
Thưa mục sư,
Như mục sư đã viết.. "Ngài (Thiên Chúa) làm cho muôn dân sinh ra bởi chỉ một người..." như vậy theo mục sư, Chúa sinh ra muôn loài trong đó có loài người
Con chỉ thắc mắc bởi hình ảnh đứa trẻ ba tuổi theo cha mẹ vượt biển từ nằm chết trôi trên bờ như tin tức và hình ảnh trên báo chí có phải do "Chúa gọi về" ?
Chúa nhân từ cho sự sống sao lại lấy đi mạng sống của một đứa trẻ vô tội ?
Sao Chúa sinh ra những người khổ, nghèo , tật nguyền, bệnh hoạn, ngu dốt xấu xí...mặc dù họ tin Chúa, đi nhà thờ và cầu nguyện Chúa?
08/09/201520:44:58
Khách
Cám ơn Việt Báo đã giới thiệu bài viết..
Vâng, ông bà mình vẫn có khinh nghiệm từ ƠN TRỜI: Lạy TRỜI mưa xuống... Theo kinh nghiệm dân gian thì ai biết kính sợ TRỜI, biết đội ơn TRỜI, chính là khởi đầu của sự khôn ngoan. Bởi biết kính sợ TRỜI, sẽ không dám làm điều ác, không dám làm chuyện xằng bậy. Đất nước VN mình tan hoang cũng bởi thuyết vô thần, bởi những kẻ không biết kính sợ TRỜI. Cám ơn tác giả đã chia sẻ.
08/09/201518:45:23
Khách
Gởi bạn đọc Jane Mnt. Xin liên lạc email [email protected] nếu cần nói chuyện thêm. Thân mến.
07/09/201520:16:48
Khách
Tác giả được chúa ưu ái , cho qua Mỹ tự do đi đó đây truyền đạo, thăng chức,tín đồ trọng vọng...... nên hết sức ca tụng ngài,còn mấy ông lịnh muc , tin lành,pháp luân công bên VN , TQ, Bắc hàn... bị tù đày, đàn áp, kềm kẹp,chả biết có oán trách sao chúa không công bằng không? hay chẳng qua là do cái Cọng nghiệp và Biệt nghiệp của mỗi người phải trả, hay nhận ở kiếp này , theo luật nhân quả tự nhiên.
07/09/201518:38:04
Khách
Bài viết làm mềm lòng tôi . Chắc tôi phải theo chồng đi lễ cùng chàng vào sáng chủ nhật sau 38 năm cứng lòng.
Tôi chỉ cho đấng tôn sùng của tôi mặc áo mới mà thôi! ,!
Cần nói thêm chuyện với mục sư nếu có thể?
07/09/201518:33:11
Khách
"Sách Truyền Đạo, đoạn 1 câu 4-7: Đời nầy qua, đời khác đến; nhưng đất cứ còn luôn luôn. Mặt trời mọc, mặt trời lặn, mỗi ngày qua nó lật đật trở về nơi nó mọc."
Luật vô thường nói," cái gì có SInh thì có Tử" ,trái đất cũng vậy, có sinh ra thì sẽ có ngày hoại tử, tận thế. Sao lại nói "đất cứ còn luôn luôn"?
Khoa học cũng chứng minh Mặt trời đứng yên (định tinh),còn trái đất cùng 8 hành tinh khác xoay xung quanh trong thái dương hệ, nên có ngày, có đêm... Kinh thánh lại nói "mặt trời lật đật trở lại chỗ cũ" do chúa bắt như vậy...
Sướng Khổ , Được Mất gì cũng đổ thừa do Chúa ban , vậy con người chỉ là đồ chơi puppet, không có quyền quyết định gì về đời mình hết? Thôi, let's do nothing, cứ nằm ngửa, rồi sẽ có ngày đi Mỹ, đồ ăn tự nhiên rớt vô miệng...như chim trời cá nước có ai nuôi đâu mà vẫn sống....( kinh thánh nói).
07/09/201516:09:09
Khách
Một bài viết thật ý nghĩa trong ngày Lễ Lao Động của nước Mỹ. "đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi. Lời Kinh Thánh thật là một bảng chỉ đường chính xác nhất cho nhân loại. Nợ nhau về tình yêu, mang theo trong cuộc sống, mang mãi đến khi về với đất, không bao giờ trả hết được. Mang theo trong đời, mới hiểu thấu ý nghĩa và giá trị tuyệt đối của tình yêu."
Cám ơn Việt Báo đã đăng bài này trong một ngày đặc biệt dù vô tình hay hữu ý. Cám ơn tác giả đã dành thời gian để truyền đến một thông điệp về Tình Yêu.
07/09/201515:43:37
Khách
Cám ơn Chúa cho bài viết và những điều kỳ diệu Chúa đã hoàn thành trong cuộc sống của Mục Sư, cám ơn những lời chia sẻ chân tình. Kính Chùc Mục Sư được dồi dào sức khoẻ . Rất nhiêu người cầu nguyên cho Mục Sư trong trách nhiêm cao cả mà Chúa đã đặt để nơi Mục Sư. Kính
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,736,146
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết như ng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác Giả viết bài nầy thay cho những ai lần đầu tiên được làm mẹ, hoặc sắp làm mẹ, muốn gởi gắm đến cho đứa con yêu quí. Tuy hoàn cảnh hoặc hành sử có thể khác nhau nhưng tình mẫu tử thiêng liêng không khác biệt. Tác giả quê quán ở Bến Tre, sang Mỹ năm 1973. Ông gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015, nhận được giải danh dự năm 2016, và giải Á Khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Hiện Tác Giả đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả đã qua tuổi bát tuần, hiện là cư dân Bắc California, Trước 30 tháng Tư 1975, ông là công chức chính ngạch của VNCH. Saigon đổi đời, cuối tháng Mười 1977, vượt biên tới Thái Lan. Định cư tại Vùng Vịnh San Francisco, Calif, từ ngày 9 tháng Một 1978. Ông đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 2010, với bài viết kể chuyện tổ chức vượt biển và nuôi dạy các con thành người hữu dụng trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới để tạ ơn tự do, thương phế binh Việt Mỹ, và đặc biệt, Tạ ơn Đức Thánh Trần.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Năm 2017, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà là chuyện mùa Giáng Sinh.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Bài mới nhất là chuyện mùa giáng sinh
Trước Tháng Tư 1975, tác giả là một Hải Quân Trung Uý VNCH, rồi thành cựu tù cải tạo, tự lái tầu vượt biển, định cư tại Úc. Với nhiều bài viết sống động, trong đó có “Làm Thế Nào Để Chôn Hai Chế Độ,” kể chuyện được cô bí thư 12 tuổi đảng bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo Vườn Đào, ông là tác giả vào danh sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài viết mới nhất..
Tác giả sinh năm 1944, định cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công cộng của các thành phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú.
Nhạc sĩ Cung Tiến