Hôm nay,  

Con Đường Nào Cũng Ngắn

10/07/201500:00:00(Xem: 10721)

Tác giả: Hoàng Nga
Bài số 3567-17-30117vb6071015

Hoàng Nga là tên thật. Sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại. Có viết cho các tạp chí Làng Văn (Canada), Văn (Hoa Kỳ) Văn Học (Hoa Kỳ), Phố Văn (Hoa Kỳ), Việt Luận (Úc)… Đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ hai của tác giả.

* * *

Con đường dài hun hút. Từ miền nam nước Đức, qua đến một cái thành phố nhỏ nằm ở miền trung nước Mỹ, là mất gần trọn một ngày. Cái tiểu bang, khi nhắc đến tên, thường tôi phải nhắc luôn cả ngọn núi có khắc hình bốn vị tổng thống của Hoa Kỳ người nghe mới có thể nghĩ ra được nó nằm ở nơi nào. Nhưng tôi nghĩ chắc chính tôi cũng sẽ không bao giờ để mắt đến nơi ấy, không cần biết nó đẹp hay xấu, lớn hay nhỏ, ở đâu, có bao nhiêu đồng hương đang sinh sống…; nếu như con gái tôi đã không rời bỏ Âu châu, không chọn lựa nó là chốn để dừng chân.

Hằng ngày có đôi khi người ta ghét, thương; có hay không có cảm tình với một người, một chốn nào đó mà hoàn toàn không hiểu tại sao mình thương, ghét như vậy. Như tôi chẳng hạn. Trước khi đến Hoa Kỳ, thì rõ ràng là cái đất nước này, người dân xứ này hoàn toàn chẳng “đụng chạm” gì đến tôi, nếu không muốn nói là ba mẹ và em út tôi còn phải mang ơn những bác sĩ thuộc hội truyền giáo Tin Lành Hoa Kỳ đã cứu em trai tôi khỏi một cơn bịnh hiểm nghèo nữa là khác. Trong thời gian chiến tranh, gia đình và tộc họ tôi cũng không bị một tổn thương nào do quân đội đồng minh đóng tại Việt Nam gây ra. Vậy mà một cách rất quái đản và vô căn cứ, tôi đã không thích nước Mỹ, xã hội Mỹ, người Mỹ. Quái đản hơn là tôi chẳng am hiểu, chẳng có chút kiến thức căn bản nào về chính trị, đường lối đối nội đối ngoại của chính phủ xứ sở này, nhưng cứ hễ nghe tới Mỹ thì lại thấy trong lòng có cái gì đó không thiện cảm bỗng hiện ra. Mà lần này còn “kinh khủng” hơn nữa, là nước Mỹ đã “giành” mất con tôi.

Lần đầu tiên đặt chân tới South Dakota giữa cái lành lạnh ngày đầu thu, nhìn dòng thác đổ về con sông lờ lững nước của cái thành phố con tôi sẽ sống, tôi đã buồn bã đặt tên nơi ấy là thành phố thác đổ. Phải, thành phố thác đổ. Thác đổ như lòng tôi thác đổ. Thác đổ như lòng tôi ngậm ngùi.

Những tháng năm tôi làm con sáo sang sông, đi xa chưa đầy ba mươi cây số đường chim bay mà ba mẹ tôi những tưởng đã nghìn trùng. Mấy mươi năm sau đọc câu ca dao, chồng gần không lấy đi lấy chồng xa. Mai sau cha yếu mẹ già. Chén cơm đôi đũa kỷ trà ai bưng..., cái dáng mẹ tôi đứng tựa cửa ngó theo vẫn còn làm tôi khóc. Hôm con tôi đi, đoạn đường mười mấy giờ đồng hồ bay vượt đại tây dương khiến tôi như đang hụt chân rơi xuống nước. Cái cảm giác cạn hơi và sắp chết đuối lẩn quẩn mãi, không cách gì đuổi ra được khỏi trí tôi.

Trước đêm giã từ, vài đứa bạn thân của con bé đến nhà ăn tối, uống vài ly rượu với nhau. Nói là rượu mừng, nhưng dường như bạn bè của con bé cũng không thấy mừng, không thấy vui như tôi. Có đứa còn đùa, bảo sẽ không bao giờ thèm đi du lịch ở Mỹ vì nước Mỹ đã giật con bé ra khỏi chúng tôi. Ngày hôm sau vào phi trường, tôi và mấy đứa nhỏ cứ đứng chôn chân ở phòng chờ, mãi cho đến lúc một đứa thở dài bảo chắc là con bé đã lên máy bay, mấy cô cháu mới chia tay nhau ra về.

Và tôi đã về trong một trạng thái bần thần, thảm hại. Ngồi trên xe lửa, tôi sững người ngó những hàng thông xanh vun vút chạy lùi về phía sau. Thấy dường như chính mình cũng đang lùi về phía sau. Ruột gan tôi đau thắt. Thấp thoáng đâu đó những căn nhà ngói đỏ ẩn hiện sau cánh rừng dương gợi lên trong ký ức tôi cái ước mơ của con bé, về một cuộc sống an bình sau khi xong đại học. Hai mẹ con tôi đã dự định sẽ mua một căn nhà gần bờ suối. Con bé đã bảo để cho tôi có chỗ yên tĩnh viết lách, vào mùa hè thì có thể ngắm cảnh để vẽ tranh. Còn bảo nếu có phải đi làm hoặc có gia đình ở đâu xa lắm, cũng chỉ xa tôi chừng vài ba cây số để còn có thể về nhà mẹ ăn sáng, ăn trưa vào cuối tuần…

Tôi chảy nước mắt, và khóc não nề trên xe lửa mặc kệ người chung quanh nhìn ngó. Từng đoạn đời hai mẹ con trải qua, từ những ngày chân ướt chân ráo rời quê nhà sang Úc, đến những ngày vừa mới qua sống ở Âu châu hiện ra trong trí tôi như những thước phim trên màn ảnh. Tôi bàng hoàng, tưởng như vừa mới hôm qua, cùng với con bé đến trường Đức ngữ, cùng sinh hoạt ở nhà thờ, cùng xuống phố sắm áo sắm quần, đi ăn tối, đi ciné...

Thật cứ như hôm qua. Tôi gục đầu xuống hai bàn tay để vòng lên gối khóc nức nở. Đầu óc tôi trống rỗng, không muốn nghĩ ngợi đến bất cứ điều gì ngoại trừ những kỷ niệm với con. Bình thường, để thoát khỏi những tư tưởng bi quan trong hoàn cảnh buồn bã hoặc khó khăn, tôi vẫn cầu nguyện, nhưng tôi nhớ hôm ấy dường như tôi đã quên mất Chúa của mình. Tôi đã khổ sở khóc lóc như vậy cả tiếng đồng hồ trên xe lửa. Đã thảm thương như một người mất của. Mãi cho đến lúc không hiểu vì lý do nào, tôi chợt nhớ đến câu Kinh Thánh “bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình”, tôi mới bừng tỉnh. Tôi nhận ra chính mình cũng đã bỏ mẹ nghìn nghìn cây số để tìm kiếm hạnh phúc riêng. Dần dà, tâm tư tôi như lắng dịu xuống. Tôi tự an ủi, thế nào rồi mọi điều cũng sẽ qua, thế nào rồi cũng phải quen dần với hoàn cảnh mới.

Tuy nhiên thật không ngờ nói vậy, nghĩ vậy, nhủ lòng như vậy, mà khi về đến nhà, bước lên những bậc thang sâu rộng, nghe gót chân mình vang ra những bước thật lẻ loi, cô quạnh, nước mắt tôi bỗng lại lăn dài xuống má. Tôi xót xa thấy mình thật đơn độc. Thế giới chung quanh tôi dường như xám sẫm đi. Tôi chạy ào vào nhà, mở vội cửa phòng rồi đứng lặng nhìn khung cửa sổ, nơi con bé vẫn thường ngồi vắt vẻo nhìn xuống đường chờ tôi về ăn trưa mỗi ngày. Hai bàn tay tôi nắm chặt vào với nhau, tôi gọi, bé ơi, bé ơi. Y như những ngày con tôi còn thơ dại.

Những đêm khuya sau đó, tôi chong đèn ngồi nhìn vào bóng tối, mường tượng ra những điều không lấy gì làm lạc quan về chuyện con tôi đang làm và đang chiến đấu với cuộc sống ở xứ lạ quê người. Tôi xót xa ruột gan như không còn sức lực. Bạn bè tôi an ủi, bảo con bé đã trưởng thành thì phải như dòng nước xuôi về biển lớn chẳng thể nào ở mãi bên cạnh mình. Tôi đã đáp lại, đành là thế nhưng nếu có xa thì chỉ xa một đôi thành phố, xa một vài tiếng đồng hồ lái xe, một đoạn đường nào đó, chứ không thể nào là một đại dương, một lục địa… Không thể nào tít xa. Ngút xa. Hun hút ngàn trùng. Đến vậy.

*

Con gái tôi rời Đức quốc với cái visa được bảo lãnh theo diện hôn thê vào Hoa Kỳ. Chúng tôi có quốc tịch Úc, lại có thường trú ở Đức vì tôi làm việc tại đất nước này, nên khi muốn đi Mỹ, thì chỉ cần chạy ra văn phòng du lịch đặt vé rồi chờ đến ngày lên máy bay. Chẳng thủ tục hành chánh cũng chẳng cần thị thực nhập cảnh gì cả. Những năm về sau có chút thay đổi với chương trình Visa Waiver, thì cũng chỉ việc vào internet, điền vài tin tức cá nhân rồi đóng hai mươi đồng lệ phí là có thể ở Hoa Kỳ trong vòng chín mươi ngày.

Vậy mà sau khi nộp hồ sơ, làm đủ loại thủ tục, chờ gần cả hai năm trời con tôi mới được đi phỏng vấn, vài tuần sau đó được cấp một chiếu khán vào Hoa Kỳ mà cũng chỉ là ba tháng! Chưa kể ngoài ra con bé còn phải tuân thủ thêm một điều kiện, là thị thực nhập cảnh sẽ mất hiệu lực nếu không chính thức kết hôn với người bảo lãnh trong chín mươi ngày ấy.

Tôi buồn như không còn điều gì có thể buồn hơn. Với giấy tờ cá nhân hợp pháp và điều kiện công ăn việc làm đang có, chúng tôi không phải là những người cần “đào tị” sang Mỹ để sống. Ngôn ngữ cùng cuộc sống ở cả hai nơi, Úc lẫn Đức đều không hề gây khó khăn, cản trở gì cho chúng tôi khiến tôi chua xót. Tôi cay đắng nghĩ thầm, nếu không vì tình yêu, thì con tôi đâu cần phải đến một thành phố buồn tẻ, hiu quạnh, có đi máy bay cũng phải đổi mấy chặng đường như thế!

Ngày cưới con bé, tôi như đang ở trên mây, bềnh bồng theo nghĩa đen trong mười mấy tiếng đồng hồ từ Munich qua đến Chicago, lòng đau đáu những nỗi buồn không biết tỏ cùng ai. Suốt chặng đường, tôi thẩn thờ nhìn ra ngoài khung cửa sổ chập chùng những đám mây trắng, tự hỏi không lẽ từ đây cho đến cuối đời tôi cứ phải đi tới đi lui, sầu não trên những chuyến bay vạn dặm như thế này để gặp được con hay chăng. Tôi chán chường đến độ không nghĩ cả tới chuyện sẽ làm gì trong ngày cưới của con, huống gì là làm sui gia, làm mẹ vợ.

Sioux Falls những ngày đầu thu khi tôi đến, trời mưa dầm từ sáng sớm đến chiều tối y hệt những cơn mưa xứ Huế quê nội tôi. Ở đấy không có những cây sầu đông mà lòng tôi cũng đã thừa nỗi sầu. Ngày ngày khi con tôi bận bịu túi bụi để chuẩn bị cho lễ cưới và những điều phải sắp xếp cho tương lai, thì tôi ngồi buồn bã bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời mưa bay, thỉnh thoảng bật truyền hình lên xem đến bao giờ thì hết bão. Cái căn phòng của con tôi thuê trong thời gian chưa chính thức là dâu nhà người, nhỏ như một cái lỗ mũi, chỉ kê đủ một chiếc giường, một bàn viết vừa vặn đặt một chiếc TV lên bên trên. Bếp thì xử dụng chung với người chủ nhà. Suốt những ngày ở đó, tôi không muốn trở dậy nướng một miếng bánh mì, ăn một tô mì gói. Lâu lâu con bé gọi điện thoại về hỏi tôi có thích ra ngoài, thích đi ăn không. Tôi trả lời không.

Tôi “không” với tất cả mọi thứ. Tôi từ chối đi bất cứ chỗ nào trên cái đất nước tôi vẫn nghĩ đã bứt con tôi ra khỏi đời sống mình. Bạn tôi, những người bạn văn nghệ dễ thương ở Cali gọi điện thoại thăm hỏi, tôi chỉ ậm ừ trả lời. Nhát gừng. Không hứa hẹn sẽ đi xa thêm một đoạn để thăm viếng, như thể chính họ cũng đã… xúi con tôi rời xa mình.

Tôi u ám thê lương như vậy cho đến lúc dẫu muốn dẫu không thì ngày cưới con tôi cuối cùng cũng phải đến. Tôi đi dự lễ bridal shower do người cô chồng của con bé tổ chức mà không hiểu và không biết sẽ làm gì, bởi tục lệ này không thịnh hành ở Đức. Ở đó, trước ngày cưới, họ hàng và bạn bè của cô dâu chú rể sẽ tụ lại ăn uống với nhau rồi thu thập chén bát lọ chai hoặc những đồ thủy tinh, sành sứ, thường là chén bát đồ sành sứ cũ, mang ra đập và bắt cô dâu và chú rể dọn dẹp “hiện trường” lại cho sạch sẽ. Tiếng chén bát, sành sứ vỡ càng lớn, càng rõ, thì người ta sẽ cho đó là niềm hạnh phúc mà gia đình mới sẽ được hưởng trong tương lai. Không biết có phải vì dỗi hay không, mà tôi cứ nghĩ cái không khí “tiền đám cưới” ở tại Đức thật vui, thật ý nghĩa, chứ không cô dâu một nơi tại “bridal shower” chú rể một nơi khác ở “bachelor party” như Mỹ!

Tôi đã dự bridal shower của con gái mình hệt một người khách lạ bị buộc đến một đám tiệc mình không thích. Suốt buổi chiều hôm ấy, tôi ngồi ủ rũ trong một góc phòng, đến nỗi có người hỏi con tôi rằng tôi có nói được tiếng Anh hay không. Nhiều người khác biết chút đỉnh tiếng Đức đã đến chào hỏi tôi như thể để cho tôi đỡ lạc lõng. Không ai biết tôi buồn bã đến nẫu người khi thấy đám cưới con mình diễn ra tại nơi mà gia đình và bè bạn thân quen của tôi không thể tới dự được như thế.

Không ai hiểu hai mẹ con tôi vốn sinh hoạt trong nhà thờ đã lâu, tôi vẫn luôn cầu nguyện và mơ ước con bé sẽ có được một cái đám cưới không cần phải lộng lẫy sang trọng mà chỉ cần đầm ấm, vui vẻ với bạn bè trong nhà thờ. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, người làm lễ cưới cho con bé sẽ là thầy truyền đạo quản nhiệm Hội Thánh, nơi chúng tôi gắn bó nhiều năm. Vậy mà chỉ vì con tôi đến Mỹ trong thời gian quá ngắn, chưa quen lễ lạy ở một nơi nào nhất định huống gì là trở thành một thành viên của nhà thờ, lại không thể sắp xếp được lịch hẹn học giáo lý hôn phối, nên đám cưới đã không thể cử hành ở thánh đường, cũng không thể làm trễ hơn vì điều kiện của cái visa quái ác kia.

Tôi đã có cảm giác không gần gũi, không thể hòa lòng theo bài giảng, cũng không thấy xúc động cho mấy với lời chúc phước của vị mục sư được mời tới làm lễ cưới. Sầu nối sầu, tôi giống như kẻ không chỉ bị mất mát, bị tước đoạt, mà còn là khánh tận. Brankrupt, sụp đổ hoàn toàn. Đã vậy bên đàng gái, ngoại trừ tôi ra thì chỉ có một người bạn thân của tôi đến từ miền nam đất nước này. Cô em tôi sống ở Arizona, đã chuẩn bị sẵn sàng để bay sang dự đám cưới cháu, nhưng đến giờ cuối cùng đã phải hủy bỏ vì hôm ấy là ngày em tôi đi nhập quốc tịch!


Mọi thứ cứ như chỉ muốn đẩy tôi lùi xa ra khỏi cái đất nước con tôi sẽ sống. Thời tiết miền trung nước Mỹ vào tháng chín năm ấy còn thảm sầu ai oán vì mưa dầm và bão lớn. Đất trời thê lương với bầu không khí ẩm ướt, mây mù đen, và gió rít từng cơn. Mỗi ngày, khi vừa mở mắt thức dậy là tôi vội vã bật truyền hình lên coi dự báo thời tiết như thế nào, để sau đó rũ rượi như một con mèo ốm suốt thời gian còn lại. Dường như cả tuần lễ, tôi không hề thấy cái “icon” mặt trời với một cụm mây mờ, biểu tượng cho trời nắng nhẹ huống gì là nắng đẹp hiện ra trên màn hình. Những khu vực chung quanh thành phố này càng thảm thương hơn, mưa nhiều hơn, gió nhiều hơn và bão lớn hơn!

Tôi đã chôn chân trong nhà như một bà già hết hơi cho đến hôm con bé cần tôi theo ra tiệm hoa. Ngỡ “cái gì ở Mỹ cũng rẻ” như bạn bè và nhiều người quen từng nói, bất ngờ nghe giá tiền một cái bouquet không lớn lắm cho cô dâu, cộng thêm một bình hoa tôi muốn cắm ở tiền sảnh mà đắt gấp đôi, gấp ba lần nơi tôi đang sinh sống, tôi bàng hoàng kinh ngạc. Con tôi bảo:

- Mỹ có rất nhiều điều rất khác với Đức, mẹ ạ. Cũng khác cả Úc. Chẳng hạn như ở đây, vào siêu thị thì mẹ sẽ được phục vụ tốt gấp nhiều lần hơn chứ không như ở Đức nói riêng, Âu châu nói chung là chỉ khách đi ăn nhà hàng mới được kể là “vua”. Lý do là vì cái cách nhìn của người Mỹ rất thực tế, họ thấy hằng ngày ai ai cũng phải đi chợ, cũng phải tới siêu thị mua rau quả, thịt thà, bánh trái và những đồ gia dụng khác, trong khi chuyện đi nhà hàng có thể là chuyện năm khi mười họa. Nhiều người cả năm không ăn ở nhà hàng ngày nào, cuộc sống cũng vẫn không bị ảnh hưởng, thay đổi gì hết…

Con bé cười:

- Nên do đó đi chợ ở Mỹ sẽ được tiếp đón vui vẻ, nồng nhiệt và thân thiết, tương đương như vào nhà hàng. Chẳng như ở Đức, khách hàng rất hiếm khi được đối đãi tử tế, nói gì đến chuyện được hỏi han, cám ơn cám iếc… Con nhớ mình đã chứng kiến nhiều cảnh khách hàng bị nạt nộ, bị gắt gỏng khi có nhu cầu, thắc mắc hay khiếu nại một điều gì đó với nhân viên siêu thị, cửa hàng ở tại Đức. Nhiều khi nhân viên còn không muốn nhìn mặt khách, y như khách là người mang tai họa tới cho họ vậy. Thiên hạ thường nói là người Đức kỳ thị, nhưng mẹ con mình từng bảo là họ cũng lạnh lẽo, khó chịu, cũng không gần gũi, không thân mật với chính người của họ. Chuyện cau có, sẵn sàng gây sự hoàn toàn không… “ưu tiên” cho dân khác màu da ở Đức!

Cuối cùng con bé kết luận:

- Hoa là thứ có cũng được không cũng chẳng sao trong đời sống hàng ngày, nên nếu giá cả của hoa mà đắt một chút ở Mỹ, con vẫn thấy là hoàn toàn hợp lý. Y như thuốc lá, rượu và mỹ phẩm, những đồ dùng xa xỉ luôn luôn bị đánh thuế rất cao ở Úc vậy.

Sau đó con tôi đã hỏi một câu mà tôi không biết trả lời như thế nào, “mẹ không thấy dễ chịu khi thức ăn ở Mỹ rẻ, xăng ở Mỹ rẻ hơn ở Âu châu hay sao?”. Con bé bảo rất thích lối sống không câu nệ của người Mỹ.

- Ở Mỹ, chỉ cần gặp gỡ lần đầu tiên ở văn phòng, bịnh viện, nhà hàng vân vân, hoặc chỉ vừa mới quen biết là đã có thể thân mật gọi nhau bằng tên riêng, first name, mà chẳng cần phải thêm Mr., Mrs. gì cả. Và điều đó không có nghĩa là bởi tiếng Anh không có những đại danh từ xưng hô phân chia thứ tự “mày”, “ông” trong tiếng Việt, như “du”, “Sie” trong tiếng Đức, hoặc “tu”, “Vous” trong tiếng Pháp. Mà là vì tính cách của người Mỹ dễ gần gũi. Cùng nói tiếng Anh đó thôi, nhưng mẹ thấy người Anh không giống như vậy, phải không?

Tôi làm thinh. Sau cùng con tôi đề cập đến một điều mà cả thế giới đều biết:

- Ở Mỹ, ai cũng có thể có giấc mơ Mỹ, cũng có thể thực hiện ước muốn của mình nếu như có tài năng, sức lực và ý chí. Xã hội Mỹ cho phép bất cứ công dân nào cũng có cơ hội để vươn lên, khiến ước mơ mình trở thành sự thật.

Hai mẹ con tôi từng sống ở nhiều nước, đi nhiều nơi, sự thiên vị “quê hương mình là đẹp hơn cả” dường như không có trong suy nghĩ của chúng tôi. Ở đâu, bất cứ nước nào, xứ nào chúng tôi cũng đều thấy có vẻ đẹp riêng, có cái hay riêng. Những điều mà con tôi đã “biện hộ” cho đất nước Mỹ, xã hội Mỹ và con người Mỹ, có thể vì đã thấy nhiều người quan niệm sai lạc về Mỹ. Và cũng có thể vì thấy chính bản thân tôi có những cái nhìn không đúng lắm về nơi này.

*

Tôi hoàn toàn không để ý, cũng không quan tâm tại sao mình đã có thành kiến về nước Mỹ, người Mỹ mà chính người Mỹ lại… biết điều đó. Cho đến lúc người đàn ông có khuôn mặt thật phúc hậu, ánh mắt thật hiền lành và nụ cười dịu dàng luôn nở trên môi, nói với tôi:

- Phần lớn người dân xứ cô không thích chúng tôi.

Tôi bối rối nhìn ra khoảng sân rộng xanh ngắt cỏ, thỉnh thoảng có dăm chú sóc, đôi ba con thỏ bất chợt thoáng hiện ra rồi lại vụt chạy mất, rồi lại nhìn những đốm nắng ngọt ngào soi rọi xuống chỗ mình đang ngồi trên hàng hiên, mà không biết đáp trả thế nào. Cái không khí ấm áp, thanh bình sau những ngày mưa dầm dề của thành phố này đã khiến lòng tôi nhẹ nhàng thanh thản, và lần đầu tiên trong trí tôi chợt lóe lên câu hỏi, tại sao mình lại không thích xứ sở này nhỉ.

Giọng người đàn ông nhỏ nhẹ bên tai tôi:

- Tôi đến Việt Nam vào năm chỉ vừa hơn hai mươi tuổi, vừa mới có người yêu, mới được kể là người lớn và đang chập chững những bước chân non dại vào đời. Tôi sinh ra và trưởng thành ở cái thành phố bé nhỏ hiền hòa này, nơi không có những ầm ĩ biểu tình chống đối chính phủ, chống đối chiến tranh… Có thể nói cho đến lúc ấy tôi vẫn chưa hề đặt ra một câu hỏi cho mình về chiến tranh, bởi cuộc sống của tôi đã vô cùng yên bình. Tôi và cô ấy đã hứa với nhau sẽ làm lễ cưới sau khi xong đại học. Cái tương lai của chúng tôi vào thời điểm ấy, thật ra cũng chẳng có gì gọi là lớn lao, nhưng an lành và dễ chịu. Vì vậy khi nhận lịnh nhâp ngũ trên tay, cả hai chúng tôi đều bàng hoàng…

Người đàn ông dừng đôi giây, đôi mắt xanh biếc chớp chớp lên vài cái:

- Cuộc đời vốn nhiều bất trắc, có lẽ ai cũng biết vậy, nhưng những bất trắc mà tôi có thể phải gặp ở Việt Nam có một sác xuất quá lớn, có thể làm gãy đổ hết mọi toan tính cho ngày mai nên chúng tôi sợ. Tôi buồn và hoang mang. Thật sự là đã chẳng biết làm gì ngoài việc trông chờ điều duy nhất Chúa có thể ban cho, là tôi sẽ không gửi xác tại quê hương cô.

Tôi ngồi im. Trong trí tôi, hình ảnh buồn bã của những đoàn xe chở lính ra mặt trận, những quan tài phủ màu cờ chạy ngược xuôi trên con đường trước mặt nhà hiện ra. Tôi cũng nhớ đến những thước phim, những hình ảnh người lính Mỹ trên quê hương tôi thỉnh thoảng được chiếu lại trên truyền hình. Tôi tự hỏi không biết trong những khuôn mặt thơ dại, non trẻ ấy, ai là người đàn ông đang kể chuyện cho tôi nghe như thế này:

- Ngày tôi lên đường, trong hành trang có thêm một bài thơ được chép tay của người tôi yêu. Cô có biết tôi đã chảy nước mắt bao nhiêu lần trong những ngày tôi sống tại Việt Nam khi đọc bài thơ ấy hay không? Có thể cô sẽ cười vì một thằng thanh niên hai mươi tuổi mà lại khóc một cách ủy mị như vậy. Nhưng thuở đó không chỉ riêng tôi, mà gần như tất cả đồng đội tôi đều đã khóc. Khóc vì nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ anh chị em, cha mẹ. Rồi lại khóc vì sợ hãi và khóc cho bạn bè đã nằm xuống vĩnh viễn nơi đất lạ…

Bài thơ người đàn ông vừa nhắc, là bài thơ tình yêu, của Kahlil Gibran, có những câu thơ thật nồng nàn, “Khi tình yêu vẫy gọi. Hãy tiến bước theo chàng. Dù đường tình hiểm trở. Đầy dẫy những gian nan. Khi cánh tình ấp ủ. Hãy ngoan ngoãn thuận nhu. Dù lưỡi gươm trong cánh. Hằn vết chém thiên thu...”(*).

Tôi nhớ mình đã đọc “Uyên Ương Gãy Cánh”, “Mật Khải” của Gibran do mấy ông anh lớn trong nhà mua về lúc còn trung học, nhưng hoàn toàn chẳng hiểu gì hết. Sau này lớn lên, gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, buồn phiền trong tình yêu, và gánh chịu nhiều chia lìa, tôi mới thấm thía được những lời thơ trên. Con gái tôi bảo:

- Ngày đám hỏi, tụi con đã học thuộc lòng những đoạn thơ tình yêu của vua Salomon từ sách Nhã Ca (Song of the songs) để đọc ở nhà thờ, thì trong ngày cưới của tụi con, mẹ chồng của con sẽ đọc bài thơ của Gibran trích từ quyển “the Prophet”. Đây là bài thơ chồng con đã tình cờ chép cho con bằng tiếng Đức trước khi chia tay về lại Hoa Kỳ. Tụi con không ngờ đó là bài thơ kỷ niệm của bố mẹ chồng của con.

Chuyện tình “long distance” của con gái tôi cũng đã gặp nhiều gập ghềnh, cũng phải trải qua những khúc khuỷu thử thách, đến hơn ba năm sau mới chính thức thành hôn. Sau lễ hỏi, con rể tôi đã dọn sang Đức rồi lại dọn về. Ngẫu nhiên, mà bài thơ trở thành như là một “chứng tích”, và thành cái gạch nối giữa bốn người. Bố chồng của con tôi nói:

- Có lẽ cô không tưởng tượng được tôi bị chấn động như thế nào khi nghe con tôi bảo đã yêu và sẽ cưới một người con gái Việt Nam. Phải thành thật xin lỗi khi nói ra điều này, là tôi đã phản đối, đã nói “no”, nói “làm ơn, đừng” với con tôi. Cho đến tận lúc ấy, tôi vẫn không hề muốn nghe nhắc đến hai chữ Việt Nam, không bao giờ muốn gợi lại những hồi ức xưa, không bao giờ muốn nhớ đến những kỷ niệm đau buồn ngày còn tại ngũ, nên làm sao tôi có thể chấp nhận một cô con dâu người Việt trong gia đình mình… Thật vậy, tôi đã không đồng ý với con tôi.

Tôi im. Nhớ lại chính mình cũng đã từng không muốn có người con rể Mỹ. Cũng đã muốn nói “no” với con tôi nhiều lần, đã thầm cay đắng trong lòng và muốn cản trở con nếu như không vì niềm tin, sợ phạm điều “Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân chia”…

Người đàn ông quay sang nhìn tôi và mỉm cười:

- Nhưng sự kỳ diệu của cuộc sống, là khi người ta có được một tình thương yêu đích thực, được đối đãi bằng tình thương ấy, thì mọi uẩn khúc, mọi thành kiến sẽ được biến đổi. Tôi vẫn canh cánh muốn lời nói cám ơn cô vì cô đã “nhường” con gái cô lại cho chúng tôi. Tôi cũng luôn cám ơn thượng đế đã cho tôi có cơ hội để giải tỏa những hình ảnh tăm tối, những kỷ niệm đau buồn của quá khứ ra khỏi trí não mình.

Tôi mỉm cười lại với người bố chồng luôn luôn gọi con dâu mình là “my daughter”, con gái. Tôi cũng muốn nói nên lời cám ơn ông vì ông đã xem con tôi như con gái ruột của ông, đã bù đắp cho con bé bằng tình phụ tử rất đầm ấm mà con tôi đã thiếu từ lâu. Những lời của ông nói làm tôi nhớ lại trước lễ cưới con bé chỉ chừng dăm ba tiếng đồng hồ, đang mưa gió buồn bã, sang trưa trời bỗng bừng sáng với những mảng nắng trong vắt như thủy tinh, cái lạnh se sắt trên vai cũng biến đi, và đến đêm hôm ấy trăng lên thật vàng, thật đẹp. Đất trời như thể cũng muốn báo cho tôi nhìn thấy cái phước hạnh đang đuổi theo con mình.

Tôi và bố chồng con bé đã ngồi thêm cho đến tận khi hoàng hôn buông xuống. Ông mang ra cho tôi xem cuốn album chụp hình ông và đồng đội những ngày tham chiến ở Việt Nam. Cuốn album thật cũ mà ông bảo ít khi nào dám mở ra xem lại. Tôi đã lật đi lật lại, nhìn mãi hình ảnh những chàng trai khôi ngô tuấn tú, những khuôn mặt rất trẻ thơ, non dại và trong sáng đứng trước các lô cốt, công sự mà trên miệng vẫn nở ra những nụ cười tươi tắn. Lòng tôi tràn lên nỗi thương tâm. Nét thanh xuân phơi phới của họ khiến tôi bùi ngùi. Tôi mường tượng đến hình ảnh những người mẹ đã phải chia tay con mình, một cái chia tay hoàn toàn không đơn giản, yên lành như tôi từ giã con tôi. Bởi quay trở lại bên họ, có khi chẳng còn là những chàng trai yêu đời ấy nữa, mà là một chiếc hòm kẽm, một vòng hoa tang, một người con không còn nguyên vẹn hình hài…

Nước mắt tôi bất thần chảy xuống. Tràn lên má.

Tự dưng tôi thấy nỗi buồn của mình bé nhỏ lại. Thấy đoạn đường từ Mỹ về Âu châu không còn dài lê thê. Và rồi tôi nghĩ đến hai câu thơ của ông anh họ của tôi đã làm, “con đường nào cũng ngắn, trừ con đường tình thương”.

Tôi nói với tôi. Phải, con đường nào cũng ngắn. Con đường nào cũng có đoạn cuối, con đường nào rồi cũng chấm dứt, chỉ có con đường tình thương là còn mãi, dài đến thiên thu.

HOÀNG NGA

(*) Trích The Prophet, Kahlil Gibran, bản dịch của Phạm Bích Thủy, Hiện Đại, 20/03/1975.

Ý kiến bạn đọc
12/07/201521:14:35
Khách
Hay! Van phong quyen ru, day noi tam va dep.
11/07/201517:12:02
Khách
Lâu lắm mới đọc lại Hoàng Nga , cám ơn vẫn nhớ những tháng ngày nơi đây ...
11/07/201515:10:44
Khách
Thật là những dòng rất lắng đọng, rất sâu sắc. Cám ơn tác giả đã viết lại nổi niềm đưa sáo qua sông và lời cám ơn rất kín đáo. Thanks America!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,277,985
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến