Hôm nay,  

Tôi Đi Chợ Việt Nam

05/07/201500:00:00(Xem: 15096)
Tác giả: Phan
Bài số 3561-16-30111vb8070515

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp bài Viết Về Nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh mẽ, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây là bài viết mới của ông.

* * *

Tôi đứng xếp hàng chờ trả tiền ở chợ Việt nam. Trước tôi là người đàn ông chừng hơn năm mươi tuổi, ông ta có vẻ mệt mỏi “bất hợp pháp” vì đã Chủ nhật. Tuần đó có lễ Chiến sĩ trận vong nên hãng xưởng đều nghỉ từ chiều thứ sáu và tới sáng thứ ba mới đi làm lại. Ông ta, chắc là quắc cần câu hôm qua thứ bảy nên sang chủ nhật còn lừ đừ đi chợ…

Bà thâu ngân là con mụ nói giọng bắc lắm mồm, tôi không ưa gì mụ, nhưng kẹt hẹn bạn ghé nhà hắn xin cây khế về trồng, nên thấy line nào ít người xếp hàng thì nhào vô để về sớm, chứ chậm trễ thì lại có kẻ khác phỗng tay trên, giới thích trồng trong bạn bè thì tôi biết họ rõ! Biết rõ mình nhất là tôi mới phỗng tay trên một ông bạn khác được cây Japanese maple quá đã! Có chuộc tội một chai XO cũng không đáng với dáng cây maple hợp với tảng đá trước nhà tôi…

Cái bà thâu ngân này lười như qủy, hễ lúc không có chủ chợ, hay manager thì mụ lấy thâm niên ra hò hét đám học trò đi làm part time như hò hét người ăn kẻ ở của mụ; mụ hò hét đám Mễ như nô lệ - bằng thứ tiếng Anh pha tiếng Mễ mà nhà ngôn ngữ học nào hiểu được chết liền!

Dù đã mấy trào di cư, mụ ta vẫn không bỏ thói thượng đội hạ đạp. Mà mụ nịnh khéo lắm, hễ thấy manager, hay chủ chợ lảng vảng khu quầy tính tiền là mụ đon đả… với khách hàng - mới là khéo chứ! Mụ chào người này, thăm hỏi người kia, không ngớt mồm. Gặp đàn ông trả tiền thì $20.03 chẳng hạn. Mụ mau miệng vô địch, “Bác cho em xin hai mươi đồng chẵn là được rồi! Đàn ông, chả ai thích cất chín mươi bảy xu trong túi cho rổn rẻng.”

Mười người đàn ông Việt nam thì đã tới chín người đưa cho mụ hai mươi mốt đồng, và không lấy tiền thối. Bạc cắc hả, cứ bỏ vào cái chén con cho người thiếu vài xu sử dụng. Mụ tinh tế vô cùng với chiêu đánh vào tâm lý đàn ông; nhất là đàn ông Việt nam, hễ gặp người rộng rãi thì mình rộng rãi hơn… mới là đàn ông Việt nam. Chắc một ngày mụ cũng kiếm được vài đồng từ dân tộc tính của đàn ông Việt nam. Nhưng mụ ăn điểm với chủ chợ và manager là người tính tiền xởi lởi - vui lòng khách đến vừa lòng khách đi… Mụ thật sự tính tiền rất chậm, không thể nào bì với đám học trò mười tám, hai mươi; chúng xài computer nhuyễn hơn cả người Việt cầm đũa; lẹ hơn cái mồm mau chuyện của mụ nhiều lần.

Thôi thì ai cũng phải giữ lấy cái việc làm, là huyết mạch của đời sống Mỹ; nhất là người đã suông đuộc mà phải mang danh phụ nữ; dốt computer mà cứ ong óng mắng xấp nhỏ là không biết xài cái máy của cô thì đừng đứa nào động vào, làm nó trục trặc nữa rồi! (Tụi nhỏ chỉ lại bấm, bấm cho mụ vài cái là máy tính tiền của mụ trơn tru… như mụ cười.)

Tôi nghĩ. Biết đâu khi mình già như mụ, tay chân chậm chạp, đầu óc mau quên; cái miệng lại không đỡ cái thân được như mụ thì đi ăn mày. Nhưng nói quá như mụ thì lại sợ thụt lưỡi vì ung thư lưỡi chiếm 3% trong ung thư các loại!

Thật ra tôi cũng từng trả lời mụ vài lần vì lầm mụ, như: “Anh mua những thứ này về làm món gì?”; “Thế à! Tôi nhất định làm thử như anh dạy cho chồng con tôi một bữa…”; “Thôi chào anh nhé! Đàn ông như anh thì đàn bà có mơ cũng không thấy nổi; một tay đi chợ, về lại nấu nướng như đầu bếp trứ danh… Chị nhà có phước quá!”

Cứ cái lối nói chuyện của mụ, bơm người ta như bơm bong bóng. Nhưng ai đã ra cửa thì đừng quay lại vì mụ chích kim; mụ sẽ nói xấu kẻ ấy với người tính tiền kế tiếp! “Cái lão ấy, nghe vợ bỏ lâu rồi! Lão tự đi chợ, về nấu lấy mà ăn. Đàn ông mà khó hơn mẹ chồng từ mớ rau, con cá, thì đàn bà nào chịu nổi chứ! Cơ khổ…”

Nhưng bà khách hàng sau tôi, vừa nghe chuyện ông vợ bỏ tính tiền xong, thì người kế sẽ nghe chuyện con mẹ già rồi còn ham hố, bơm ngực to tướng như đồi thông hai mộ, rồi chúi đầu mà đi tìm kẻ xăm xoi… Cơ khổ. Bỗng dưng đeo quả tạ lên ngực như thế thì có mà té giập mặt vì cứ chúi người tới trước để giữ thăng bằng đấy bác ạ! Đàn bà sang đây học đòi không phải cách ấy bác nhỉ?

Bố thằng bác nào dám đồng ý với mụ. Nên đàn ông đi chợ, không bơm ngực mà cũng cứ cúi gằm mặt trả tiền cho lẹ để thoát thân.

Mụ đứng quầy tính tiền ở chợ Việt nam nơi tôi ở là vậy đó! Trong mắt mụ hễ thấy đàn ông đi chợ là mụ chụp cho cái mũ vợ bỏ để có chuyện mua vui cho người tính tiền sau về cái thằng cha… Mụ đi tàu há mồm vào nam nên bị chứng quên khép mỏ. Đôi khi tôi nghĩ do ảnh hưởng thuốc sát trùng (chí, rận) xịt vào người di cư trước khi lên tàu di cư năm xưa. Trong phim tư liệu, ai cũng ngậm ngùi im lặng như gia súc mà thành nỗi hận cộng sản truyền đời của người di cư. Riêng mụ năm ấy còn bé tí nên ngáp vặt chưa biết che miệng nên trúng thuốc, dây thần kinh khép mỏ bị phế hoại nên mụ nói luôn mồm từ đó tới nay…

Tôi cứ tưởng mụ thật tâm nên bị mụ lừa đôi lần rồi mới sáng mắt ra! Nói cho mụ nghe cách sơ chế thực phẩm đông lạnh sao cho đừng hôi, cách nấu nướng món này món nọ; để nghe người tính tiền sau tôi mách lẻo, bà ấy nói anh là thằng cha nấu ăn dở nhất Dallas, cứ tưởng đi chợ theo tiêu chuẩn Mỹ là giá cả quyết định phẩm chất - là đúng ở chợ Việt nam sao? Đồ ngu!


Nghĩ lại mình ngu thiệt; và ngu nhất là không quên được mụ…

Nhưng hôm nay tới thẳng cha lừ đừ bị gạt. Tôi chỉ nghe thôi,

“Ơ hay, sao hôm nay bác mua lắm món thế?”

“Thì mai nghỉ lễ Memo-Day mà chị. Nấu nướng chút gì, cúng ông bà già.”

“Ơ hay, bác vừa đi chợ hôm nào, mua đủ thứ để về kỵ cơm các cụ… có phải không?”

“Chị nhớ hay thiệt. Hôm trước là tôi cúng cơm ông già. Nên mua toàn món nhậu.”

“Thế hôm nay, bác kỵ cơm cụ bà à? Toàn mua món chay…”

“Dạ!”

“Qúy hoá quá! Người như bác… còn mấy ai, hở bác. Sống ở Mỹ, đầu tắt mặt tối. Thế mà không quên kỵ cơm các cụ đã quy tiên…”

“Tôi đâu có hiếu thảo dữ vậy đâu chị. Tôi đâu có nhớ ngày giỗ ba tôi, hay má tôi gì đâu! Nhớ ông già, hồi sau giải phóng. Ổng đi lính về, đạp xích lô. Chiều chiều, thấy ba tôi ngồi nhậu với mấy ông bạn ở lề đường. Bữa nào sang lắm thì dĩa gỏi vịt mà toàn đầu, cẳng, cánh trộn với bắp cải, rau răm; thường thì con khô, trái cóc, trái xoài… Bây giờ nghĩ lại, ổng khổ thấy mẹ ổng luôn, nhưng cũng ráng cho anh em tôi đi học. Tiền sách, tiền trường… ổng đạp xệ dái mà có than tiếng nào đâu! Nên nhớ tới ông già, tôi hay ghé chợ mua về làm món nhậu ngon ngon. Rượu bia bên đây ê hề. Chỉ đốt cây nhang, ngồi nhậu với ông già cho vong linh ổng bớt tủi…”

“Bác hiếu thảo thế đã là phần phước của cụ ông. Cha mẹ nào chả sống hết cho con cái, chỉ mong khi chết đi thì con cháu đừng để hương tàn khói lạnh quanh năm trên ban thờ như hồn tuyệt tự, thế thôi…”

Mụ ấy khéo nói thật, vì người đàn ông ngậm ngùi thấy rõ. Mắt anh buông xa xăm khỏi đời thường… thì mụ lại lôi anh về địa ngục trần gian,

“Thế hôm nay là ngày kỵ cơm cụ bà. Hay bác nhớ mẹ…”

“Thì cũng vậy thôi! Hồi mình nhỏ, muốn ăn cái gì thì má mình nấu cho mình ăn. Tới mình biết nấu thì bả lên bàn thờ mẹ nó rồi! Cả đời đi làm về cúng cho con vợ, học nấu đủ thứ để nó ăn ngon, rồi làm biếng, chỉ siêng đẻ con chứ được gì đâu!”

“Cơ khổ cho đàn bà sang đây, bác ạ! Chị dâu của tôi nhá, ngày xưa ăn gạo đong từng bữa cũng chẳng được no, làm gì có cá thịt nên thèm thuồng ra mặt eo óc em chồng… Nhưng sang đây lại hết ăn được cá vì tanh; không ăn thịt vì ngán, thấy mỡ đã muốn ói… Cơ khổ cho anh giai tôi đi làm không cực mà vất vả quanh năm đi tìm mua rong biển, hải sâm, bào ngư, vi cá, nấm qúy hiếm ở chân trời góc biển đâu đâu… Về lại còn học cách nấu cho vợ ăn. Nhưng bao giờ cũng bị chê dở. Cơ khổ cho đàn bà sang đây… cứ tưởng đã lên giời.”

“Vợ tôi khác. Vợ tôi ăn được lắm chị ơi! Chỉ có cái tật ăn no là buồn ngủ, sợ rửa chén; thức dậy lại đói bụng… Nên tôi ốm nhách như cọng giá, còn vợ tôi tròn như củ khoai. Nhưng được cái tôi nấu món gì vợ tôi cũng thích hết. Không chê món gì hết…”

“Nhà bác vui nhỉ…!”

“Vui mẹ gì. Quả báo thì có! Tôi chỉ vui khi cúng bà già món ngon. Nói vậy chứ ngồi nhìn nhang khói… rồi ruồi ăn chứ má có ăn đâu! Nhưng tôi cúng má tôi hoài à chị ơi! Nghĩ lại bả là người thương cha con tui nhứt, chứ vợ con bây giờ oải thấy mẹ! Nhớ hồi nhỏ. Nhà thì nghèo, nhưng tôi đòi tới được mới thôi. Mà lần nào má tôi cho rồi cũng nói, sao mà giống… tức là giống ba tôi đó! Ông già cũng đòi tới được mới thôi. Ngày đã cực, đêm còn lục đục với má tới khuya lơ cho được mới chịu ngủ, nên ổng chết sớm. Tính ra có mình má tôi lỗ. Tội nghiệp bà già thương chồng con tới… chết luôn.”

Chuyện người đàn ông mặc quần áo đầy sơn, làm tôi nghẹn ngào! Anh đi sơn cho bao nhiêu căn nhà sáng sủa, sạch đẹp ra… sao chuyện đời anh không có sơn nào để khoả lấp những nỗi buồn vô vọng!

Còn đang bối rối nhân tình thế thái thì tới tôi nghe chuyện… thằng cha thợ sơn đó hả, hầu vợ quanh năm đấy bác ạ! Cơ khổ. Lễ lộc cũng đi làm, chiều về ghé chợ chứ món cũ con vợ không ăn đâu nha bác. Cơ khổ đàn bà sang đây biến thái cả rồi, bác nhỉ?”

Tía tôi cũng không dám gật đầu với bà cơ khổ vì cô khách hàng sau tôi, hôm nay đi chợ mua dao về đại khai sát giới hay sao mà mua con dao phay to tướng. Chị đặt lên đường băng tính tiền như dằn mặt tôi không bằng! Tôi đâu dại “ừ” bậy với mụ nhiều chuyện, nhỡ cô sau lưng bất bình - thử dao, thì mình tiêu đời.

Tôi trả lời mụ cho nhanh để thoát hiểm với khủng bố trước mặt, sau lưng lại dao bự sáng ngời; hai đầu phụ nữ nhìn tên đàn ông xách trên tay một ả Qúy phi thì thật là nguy hiểm...

“Dạ, tôi mua gà Qúy phi về đi câu hà bá… Năm nay Dallas mưa nhiều, hà bá quậy quá chị ơi…!”

Chắc cô mua dao sau tôi sẽ nghe chuyện thằng cha khùng bậc nhất Dallas vừa mua gà Qúy phi đi câu hà bá đó khùng thứ thiệt… vì hà bá đứng đây chứ đâu!

Tôi đi mua con gà về nấu miến - cúng mẹ tôi - món ưa thích nhất của mẹ vào một ngày tháng năm - và đã gặp người thợ sơn trạc tuổi - tôi cúng má tôi hoài à chị ơi…! Nhưng con tôi (có thể cả con anh ấy) thì lại ngao du trên oline để mua quà Mothers Day cho mẹ. Hình như tụi nhỏ đã đúng hơn tôi với anh thợ sơn là thương mẹ khi còn sống; một món quà nhỏ theo túi tiền học trò thực tế hơn một bữa cúng cơm với hết lòng thành của người đàn ông thường chỉ biết nghĩ lại khi đã không còn…

Phan

Ý kiến bạn đọc
05/08/201516:35:10
Khách
"thương mẹ khi còn sống; một món quà nhỏ theo túi tiền học trò thực tế hơn một bữa cúng cơm với hết lòng thành của người đàn ông thường chỉ biết nghĩ lại khi đã không còn" Right on!
12/07/201514:50:37
Khách
Đọc chuyện anh Phan không dài... nhưng phải ngừng lại cười cả chục bận. Chuyện nào cũng vậy. Các chuyện của anh Phan có thể đem ra làm phim vì chuyện ngắn nhưng phóng ra vô số cảnh đời...
Anh Phan có quan hệ gia đình gì với cụ Phan Khôi không? :)
Cảm ơn anh Phan cho những câu chuyện cũng như lối viết không ai có thể bì...
KV
07/07/201514:33:39
Khách
Ông Phan cà kê dê ngỗng vui quá , đúng kiểu ...bà già trầu miền Bắc :)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,200
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.