Hôm nay,  

Nhờ “Cái Phế Thải”

18/06/201500:00:00(Xem: 9359)

Tác giả: Lý Quang Tú
Bài số 3546-16-30096vb5061815

Tác giả sinh năm 1944, định-cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công cộng của các thành-phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú. Vì tình trạng sức khoẻ, ông phải bỏ nghề điêu khắc về hưu và là cư dân San Jose, California.Năm 2011, ông Tú viết hai bài “Điêu Khắc Gỗ và “Tôi Làm Thông Dịch Ba Thứ Tiếng.” Năm 2012, bài thứ ba: Đi Bắt Bào Ngư. Bài thứ Tư, “Xuân Về Nơi Phật Tự”, ghi bút hiệu là Thạnh-Hòa. Sau đây là bài thứ năm.

*

Trong  bữa tiệc tại nhà một đồng hương ở thành-phố Seaside thuộc Quận Monterey, California, Hai Hên đố mọi người:
-  Người Việt-Nam mình ở đây và kể cả người Mỹ nữa,  một gia đình cao lắm là có được 5, 7 chiếc xe hơi và vẫn còn thiếu nợ nhà bank, vậy mà có một người Việt Nam làm chủ trên 300 chiếc xe hơi mà không thiếu nợ nhà bank một cắc bạc nào hết. Tôi đố bà con người đó là ai?
Nhiều người, trong đó có anh Sáu Xị, không tin có việc nầy,. Sáu Xị nói:
- Mầy xạo. Không ai có tới 300 chiếc xe, nếu thiệt vậy thì tuần tới mầy mời người đó tới nhà tao, tao sẽ đãi người đó và bà con mình có mặt hôm nay một chầu nhậu.
- OK! Có bà con làm chứng nhen! Người làm chủ hơn 300 chiếc xe hơi đó là . . . là . . . (anh cố ý kéo dài cho bà con sốt ruột)  là. . . Bác... Bác... Tư  Mùi.
- Ở đâu mà Bác Tư Mùi có nhiều xe dữ vậy?
-  Bác Tư có một "bãi phế thải" chứa trên  300 chiếc xe hơi, đó là xe hư chỉ để bán đồ part, người ta cho xe hư hoặc bán rẻ cho bác nên bác không cần vay tiền nhà bank một đồng nào hết!
Mọi người "ồ" lên và công nhận là Hai Hên nói đúng !

*

Ông Bà  Tư Mùi và 7 người con, 5 gái 2 trai, đi vượt biên, được định cư ở Mỹ và sống ở Thành phố Seaside, Calif.  vào thâp niên 1980, lúc đó ông Tư đã trên 40 tuổi. Đứa con lớn nhứt tới tuổi vào đại học còn đứa út mới vào mẫu giáo.

Mấy năm đầu ở Mỹ ông bà Tư lo học Anh Văn, sau đó lo đi làm để nuôi 7 đứa con ăn học. Tám năm sau, ba người con gái lớn tốt nghiệp đại học và có việc làm tốt ở San Jose.

 Sau hơn 8 năm sống ở Mỹ, Ông Tư nhận thấy  hiện giờ thời buổi kinh tế khó khăn, xã hội có nhiều người nghèo, mà dân nghèo thì phải đi xe cũ, xe cũ thì hay bị hư, mua đồ part mới ở tiệm thì tốn nhiều tiền, cách tốt nhứt là đi đến "phế thải" mua đồ part về thay là tiết kiệm được tiền. Như vậy làm nghề "phế thải" là sẽ không sợ bị " ế".

Vì nghĩ vậy nên khi có người rao bán "bải phế thải xe hơi" (Junk yard, có nguời còn gọi là nghĩa địa xe hơi)  ở Watsonville, California, Ông Bà Tư liền  đến thương lượng để mua. Với số tiền dành dụm được và với sự giúp đỡ của 3 người con lớn, Ông Bà Tư mua được một "bải phế thải"  Ông Bà chỉ trả được phân nữa tiền mua, phân nữa còn lại thì trả góp hằng tháng.

 Ông Bà Tư dốc toàn lực cho việc kinh doanh " phế thải".  Các con đứa nào rảnh thì đến phụ gỡ đồ part, lo việc văn phòng  hoặc làm cỏ, làm vệ sinh. . . Ông Tư thì lo tiếp khách và chỉ dẫn cho khách. Ông dành nhiều thì giờ để  sắp xếp lại xe hiệu nào theo hiệu đó và theo thứ tự từng đời xe. Tất cả được 4 hàng, mỗi hàng được trên dưới 80 xe.                                                                                          
                      
Nhờ Ông Tư vui vẻ, giỏi xã giao, lại hay giúp người, nhiều người nghèo quá tới mua đồ part hoặc những món không đáng, ông bán rẻ hoặc không lấy tiền, giá cả ở đây cũng thấp hơn các khu phế thải khác, nên khách hàng càng ngày càng đông.

Nhờ đông khách nên có nhiều người biết tới và các tài xế xe "tow" cũng rất thích Ông Tư nên người ta cho xe hư hoặc bán xe với giá rẻ cho ông càng ngày càng tăng lên.

Khi nghe nói "xe phế  thải", nhiều người tưởng rằng đó là đồ bỏ nhưng thật sự đó là những món kiếm ra tiền. Tuy nó móp méo, cũ kỹ nhưng còn rất nhiều bộ phận (part) còn nguyên vẹn, từ  những bộ phận nhỏ như cái bù lon, con tán cho tới bộ phận lớn như cái cánh cửa, cái hộp số, cái máy xe  v.v. . . cái nào cũng có thể bán được. Nhiều chiếc xe đời mới bị tại nạn thấy hư hết nhưng nó có nhiều đồ part còn tốt bán được khá tiền, nếu cùng lắm không còn món gì để bán thì bán sắt cũng được tiền. Vì vậy khi có người cho hoặc bán xe cũ, xe bị tai nạn , xe bị cháy. . . nếu xe đó có giấy tờ hợp pháp thì Ông Tư đều nhận, đều mua hết.

 Khách đến mua đồ part,  phần đông họ tự tháo gỡ rồi đem vô tính tiền. Chiếc xe nào còn chút ít hoặc hết đồ part thì được lấy ra hết những đồ không phải bằng kim loại rồi gom xe lại một chỗ và bán cho hãng mua sắt thép, họ đem xe ép tới ép xẹp lại rồi cân, giá tiền được tính theo tấn.

Nói chung những "đồ phế thải" nầy đã giúp cho gia đình ông bà Tư có được cuộc sống "dễ thở".

Nghề nào cũng vậy, có cái tốt thì cũng có cái xấu!  Thỉnh thoảng cảnh sát tới hỏi thăm ông Tư: có ai đem xe bất hợp pháp (xe ăn cắp) bán cho ông không?  Ông Tư trả lời là có nhưng  không bao giờ Ông mua loại xe không có giấy tờ hợp pháp. Cảnh sát khuyên Ông nên mua và phối hợp với cảnh sát để bài trừ nạn trộm cắp xe. Ông Tư trả lời:

- Gia đình tôi chỉ nhờ "cái phế thải" nầy để sinh sống, nếu tôi gây thù oán với xã hội đen thì họ sẽ trả thù, gia đình tôi sẽ gặp khó khăn trong việc làm ăn và chúng tôi có thể bị nguy hiểm tới tính mạng nữa!  

Mặc dù có bảng ghi hàng chữ: hàng mua rồi không được trả lại nhưng có người mua đồ part, vài ngày sau họ đem đến trả và đòi tiền lại. chủ không chịu thì họ làm dữ. Nhờ khách hàng giải thích, họ thấy "khó ăn" nên mới chịu bỏ đi.

Cũng có người ăn cắp, có người mở tanh banh máy xe mà không mua gì hết, mở máy như vậy kễ như bỏ vì khách không biết những món nầy là bộ phận nào nên họ không mua   v.v...

*

 Người con trai lớn của Ông Bà Tư là Tùng, em của ba người chị đã học thành tài, khi có thì giờ rảnh thì tới phụ. Nhờ có khiếu về xe nên  tập sự không bao lâu mà Tùng đã làm được nhiều việc, em tới phụ gỡ những đồ part nào có giá hoặc tháo gỡ những máy, những hộp số còn khá tốt . . .   đem cất trong nhà để khi khách mua thì có sẵn, hoặc phụ với Ba lo sửa lại những xe còn khá để bán lại kiếm lời. Những xe hư được sửa lại xong thì đem tới DMV để nơi đây kiểm tra lại và cấp giấy tờ cho xe được lưu hành hợp pháp.

Ông Bà Tư muốn cho tất cả các con của mình đều tốt nghiệp ít nhứt là 4 năm Đại Học để tương lai các con  được tốt đẹp hơn,  nhưng trường Monterey Peninsula College chỉ có chương trình 2 năm, nếu cho con lên San Jose đi học thì không tiện vì "một cảnh hai quê" rất tốn kém với bốn đứa con còn lại. Đã từ lâu Ông thường nghĩ muốn cho con tốt nghiệp đại học thì nên sống ở thành phố nào có trường đại học.  Giờ đây ông bà đã trả dứt nợ cái "phế thải" và có dư đượcchút ít nên  quyết định mua nhà ở San Jose để  gia đình dọn về đây ở.   

  Hai người con lớn của ông bà đã lập gia đình và mới  mua nhà nên không giúp được nhiều. Ông bà chỉ còn tiền dành dụm và tiền của người con gái chưa lập gia đình nên Ông Bà phải vay mượn môt số tiền để trả tiền "down".


  Tùng năm nay 20 tuổi, vừa học xong chương trình 2 năm ở Monterey Peninsula College, định lên San Jose học 2 năm nữa để lấy bằng kỹ sư. Thấy Ba Má mới mua nhà còn thiếu nợ nên Tùng tình nguyện nghỉ học một năm, đến "phế thải" làm việc để giúp Ba Má trả dứt nợ  rồi sẽ  đi học tiếp.

Công việc càng ngày càng bận rộn nên ông Tư kêu Hai Hên tới phụ làm. Vì vậy mà Hai Hên biết nhiều về  "phế thải" của Ông Bà Tư nên anh mới có câu đố ở phần đầu của bài nầy. Có một số bà con và khách hàng "order" xe cũ còn kha khá nên Ông Tư phải đi đấu giá mua xe bị hư ít để về sửa lại bán. Việc nầy rất thích hợp với Tùng, việc tháo gỡ và lắp ráp đồ part  hay việc làm cho liền lạc những chỗ móp méo là việc Tùng đã quen tay. Tùng đã sửa được nhiều xe còn tốt và bán được giá khá cao, em thấy làm về máy móc rất hợp với mình nên em chọn ngành cơ khí để học là tốt nhứt.

Một năm nhanh chóng trôi qua. Ông Bà Tư đã trả xong nợ "down" nhà. Tùng ghi danh đi học lại ở San Jose State University.  Khi đi học, Tùng tận dụng thời gian một vài giờ nghỉ trước khi học lớp khác,  vào library của trường để học bài hoặc làm home work . Dịp nầy Tùng để ý đến một nàng sinh viên dễ thương nhưng vì Tùng  còn "nhát gái" nên chưa dám làm quen!

Dịp may đưa đến, một buổi chiều, khi Tùng ra xe để về thì gặp Hồng, người con gái mà anh đã để ý. Hồng "đề" xe nhiều lần mà máy xe không chạy, Hồng đang lo lắng thì có Tùng tới ra tay nghĩa hiệp, anh sửa cho xe của người đẹp chạy được (nghề của chàng mà). Kễ từ đó hai người thường gặp nhau, thân nhau và yêu nhau. Hồng học sau Tùng 2 lớp, hai người ước hẹn với nhau là khi nào cả hai ra trường và có việc làm thì sẽ cử hành hôn lễ.
Sau những năm đèn sách, Tùng đã có được bằng kỹ sư cơ khí. Anh xin được việc làm ở một hãng lớn chuyên sản xuất DVD ở San Jose. Hãng nầy có 3 "ca" làm. Anh được xếp vào "ca" chiều tối, trong một toán coi chừng máy chạy, sửa chữa và bảo trì... toán nầy có 4 người: 1 Kỹ Sư Trưởng toán là Bill, 1 phó Trưởng Toán là tân kỹ sư Tùng và 2 người thợ. Phó trưởng toán  trước Tùng đã được đưa lên làm trưởng toán cho một nhóm khác nên Tùng vào thế.  

Một hôm ngồi nghỉ giải lao, Bill kễ về việc làm của anh trước đây. Anh đã từng làm part time cho một tiệm sửa xe, từng coi máy cho một hãng chuyên sản xuất đồ gổ, sau đó anh xin vào làm cho hảng hiện giờ được hơn hai  năm... Kễ xong Bill hỏi Tùng:

- Trước đây anh làm ở đâu?

Tùng trả lời:
- Tôi làm ở "phế thải"
- Làm ở "phế thải"?

Bill ngạc nhiên hỏi lại rồi cười lớn, có vẻ coi thường người xuất thân từ "phế thải". Tùng thấy khó chịu vì sự coi thường nầy nhưng vì mới vô làm nên Tùng cố nhẫn nhịn. Hai anh thợ làm chung cũng không hài lòng về thái độ của Bill. Bill thấy vậy nên xin lỗi Tùng.

Tùng thấy Bill là một kỹ sư giỏi nên cố gắng học hỏi những cái hay của anh. Mỗi lần Bill thay đổi các bộ phận của máy, Tùng đều vào phụ để học hỏi.  Sau một thời gian tập sự, Tùng không còn lo lắng về công việc phải làm hằng ngày. Cho tới một ngày, ông Jim, Supervise, muốn cho Tùng được quen việc nên bảo anh phải thay một bộ phận của cái máy vừa nghỉ chạy. Ông cho một người thợ phụ với Tùng và Ông trực tiếp theo dõi việc thay đổi bộ phận nầy để khi Tùng cần gì thì Ông sẽ giúp.  

Việc thay đổi các bộ phận của máy là việc Tùng đã làm nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên anh làm việc nầy với cái máy lớn của hãng nên anh phải cẩn thận, anh quan sát  kỹ lưỡng các bộ phận cũ và mới rồi bắt tay vào việc. Anh  mở ra từng con tán, từng cây bù lon rồi gỡ ra từng bộ phận nhỏ, cái nào mở trước anh để ra xa rồi từng món, từng món anh để theo thứ tự cái nào trước, cái nào sau và khi gắn bộ phận mới vào anh gắn theo thứ tự như đã sắp xếp. Nhờ vậy nên công việc anh làm được hoàn tất suông sẻ và nhanh lẹ. Sau đó cho máy chạy trở lại. Mọi việc đều tốt.

Ông Jim rất hài lòng về việc làm của Tùng. Ông thấy Tùng làm việc cẩn thận, mới làm lần đầu tiên mà như là người đã làm lâu năm. Tùng làm xong việc nầy không tới một tiếng đồng hồ. Cũng công việc nầy mà người khác phải mất trên dưới 2 tiếng mới làm xong. Ông cảm thấy thích Tùng và ghi vào sổ những ưu điểm của anh kỹ sư trẻ này.

Tùng càng ngày càng được điểm tốt với cấp trên và với nhiều đồng nghiệp nhưng cũng có một vài người không thích anh vì anh làm xong công việc nhanh hơn họ, nhưng đây chỉ là một vài cá nhân, không quan trọng. Anh nghĩ mình ăn lương của hãng thì mình phải làm sao cho xứng đáng với đồng lương mà hảng trả cho mình.  

Hai năm trôi qua. Hãng Tùng đang làm được một hảng khác tới mua! Tháng đầu tiên ai cũng hồi hộp vì sợ hãng mới sẽ đưa người mới vô làm, người c cũ sẽ bị cho nghỉ việc!

Một buổi trưa có người ở văn phòng tới báo cho Tùng: 4 giờ chiều nay, Tùng phải vào gặp  Manager. Tùng và những  đồng nghiệp đều nghĩ là Tùng sẽ bị cho nghĩ việc nên họ chia buồn cùng anh! Tuy có buồn nhưng Tùng đã chuẩn bị tâm lý là phải chấp nhận hoàn cảnh.

Tùng vào gặp  Manager. Sau khi chào hỏi, mời ngồi, Ông nói những lời khen ngợi Tùng. Trong lòng Tùng nghĩ: "Ông nầy bày đặt màu mè, cho nghỉ thì nói đại ra đi, ở đó mà nói lời khen ngợi khách sáo".

Ông nói chuyện với Tùng chừng 10 phút rồi đưa cho anh một bao thơ và nói cám ơn anh. Ông kêu anh mở thơ ra xem.

Đang làm ở hãng mà "được" kêu lên văn phòng hoặc "được" trao cho bao thơ, thông thường bao thơ nầy là tiền lương được lãnh lần cuối cùng, tức là bị cho nghỉ việc! Tùng mở thơ ra xem, anh mừng muốn la lớn lên vì  chẳng những hãng không cho anh nghỉ việc  mà còn cho anh lên chức Supervise.  
   
 Sau đó có nhiều người mới vào làm và  một số người cũ bị cho nghỉ việc, trong đó có Bill và một người thợ trong toán của anh!

 Tùng và Hồng đã cử hành hôn lễ sau khi Hồng ra trường và có  được việc làm tốt.  Giờ đây hai người đã có được 3 đứa con và cuộc sống  có phần khả quan.  Tùng là Trưởng Nam, là cháu nội đích tôn nên anh có bổn phận phải thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên của gia tộc và phụng dưỡng cha mẹ già.

Một ngày cuối tuần, Tùng bất ngờ gặp lại Bill trong một khu thương mại. Hai người mừng rỡ, cùng nhau hàn huyên tâm sự. Tùng cám ơn Bill đã chỉ dẫn, giúp đỡ cho anh lúc mới vào làm. Bill nói với Tùng:

- Tôi không có giúp gì cho anh hết. Anh đã làm việc nhiều năm ở "phế thải" và "nhờ cái phế thải" nên anh thành một kỹ sư giỏi như hôm nay.

*

Ông Bà Tư giờ đây đã về hưu và ở chung nhà với gia đình Tùng. Ông bà đã bán "cái phế thải" và cùng với vợ chồng Tùng mua một ngôi nhà 5 phòng, sân sau nhà rộng rãi.

Giờ đây nguồn vui lớn nhứt của Ông bà là các con đã tốt nghiệp đại học, đã có công việc làm tốt, đã tạo được nhà cửa và  đều đã có gia đình. Ông bà đã có được gần 20 đứa cháu nội, ngoại. Các người con rất hiếu thảo, tuần nào cũng có con cháu đến thăm Ông bà.

 Ông bà cũng thường xuyên đi cúng ở Thánh Thất San Jose, nơi đây Ông bà có được niềm vui là gặp nhiều đồng đạo và cảm thấy tinh thần được nhẹ nhàng  thanh thản.

 Ông bà rất thích trồng cây ăn trái Việt Nam nên không ngại giá bán rất cao và đường xá xa xôi,  xuống tận tới San Diego để mua cây ăn trái VN như mận, ổi, mãng cầu ta, mãng cầu gai, bonsai . . . đem về San Jose trồng ở vườn sau nhà.  Ông bà dành nhiều thì giờ để vui thú điền viên, mỗi lần nhìn thấy cây trái lớn thêm một chút là ông bà mừng vui thêm một chút . . .

Ông bà luôn nghĩ rằng, thời còn trẻ, ông bà đã chọn  "nghề phế thải" là đúng. Nhờ “cái phế thải" mà ông bà và con cháu có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay./.

San Jose, April 20 , 2015

Lý Quang Tú

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,315,777
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.