Hôm nay,  

Bài Hát Ô Của Tôi

11/06/201500:00:00(Xem: 11812)

Tác giả: Chu Tất Tiến
Bài số 3539-16-2999vb5061115

Nhân dịp “25 Năm Hội Ngộ H.O. và Gia Đình” sắp được tổ chức vào ngày 8 tháng 11, 2015, tại Westminster, miền Nam California, xin trân trọng giới thiệu ban tổ chức hội ngộ và mời đọc thêm một bài Chu Tất Tiến viết về H.O. Tác giả là một nhà giáo, nhà địa ốc, nhà cố vấn cho bệnh nhân tâm thần, nhà văn, nhà võ... Đủ thứ nhà -như bài viết cho thấy- và hẳn nhiên, đã là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, trước khi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990.

* * *

Lớp Việt ngữ cà phê vỉa hè Little Sàigon có bài học này:

- Em ơi, con mèo đen tiếng Việt ta kêu là mèo gì?

- Mèo mun!

- Còn con chó đen?

- Chó mực!

- Con ngựa đen?

- Ngựa ô!

- Giỏi dữ. Còn anh ca sĩ đen hay bài ca đen?

... ?

- Em biết từ khuya mà. Kêu nó là “Hát Ô!”

Sau đây là bài hát ô của tôi.

Bài hát đen đủi hay đen thui mà cứ nhớ là vui.

*

Năm đó là năm 1982. Sau khi đi tù về, làm đủ thứ nghề "cu li cu leo", làm xe thồ, kéo đá, đập sắt... để sống qua ngày, tôi vẫn phải mua chuộc tay công an khu vực bằng những chầu "nhậu" hàng tuần, để cho khỏi bị xét hộ khẩu ban đêm. Mới về nhà được một tuần, hôm ấy đúng 11 giờ đêm, vừa leo lên giường là hắn đập cửa ầm ầm: "Xét hộ khẩu! Xét hộ khẩu!" Tôi phải ra mở cửa cho hắn vào, chờ cho hắn leo lên hết ba tầng lầu, nhìn ngó khắp gầm giường, rồi đi xuống, hầm hừ. Nghe người quen cho biết cái tật nát ruợu của hắn, tôi đợi hắn đi xuống, nói liền:

- Thôi, dẹp đi! Có ai đâu mà xét hoài! Ngày mai, năm giờ, cậu đợi tôi ở quán bà Tư nghe!

Vừa nghe nói vậy, lập tức khuôn mặt hắn thay đổi liền, đang "anh anh, tôi tôi" bỗng biến thành "anh, em" ngọt xớt:

- Dạ, dạ! Ngày mai em đợi anh nhe!

Thế là từ đó, cứ khoảng vài tuần, là hắn lại đập cửa xét hộ khẩu! Lại đi nhậu cho đến khi hắn say không đi nổi nữa mới dìu hắn ra cửa. Nhưng như vậy, cũng chưa đủ số! Một buổi sáng, tôi bị triệu lên Phường. Con nhỏ ngày xưa mũi dãi lòng thòng hay chạy qua cửa sổ nhà tôi, "chú chú, cháu cháu" nhòm nhòm ngó ngó, cầm cục kẹo tôi cho chạy như bay như biến, nay là Phó Chủ Tịch Phường, phán một câu xanh rờn:

- "Anh" về chuẩn bị, tuần sau, đi lao động xã hội chủ nghĩa ba năm! (Gọi "anh" là còn khá, chứ mấy người về năm 78, bị gọi bằng "mày"!)

Tá hỏa tam tinh, tôi phải đi xin dậy Anh Văn tại Trường Trung Học Phú Nhuận thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu và Dịch Thuật Thành Phố. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tôi phải bỏ vì không chịu nổi cái mặt "phản bội" và "kên đời" của tay Giám Đốc cũng từng là Trung Tá, Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện VNCH nằm vùng cho Cộng Sản.

Sau khi bỏ trường, tôi đi dậy tiếng Anh chui đến năm 1988, thì được mời làm Giám Đốc Địa Ốc và Kế hoạch cho phái đoàn Thương Mại đầu tiên của Pháp (do ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên Trưởng Đoàn Hòa Đàm Paris hướng dẫn) sang Việt Nam để đòi lại tài sản của người Pháp đã bị trưng thu từ sau 1975. Làm hơn một năm thì được tin có chương trình H.O bắt đầu nhận đơn cho đi chính thức, tôi bỏ luôn việc để nộp đơn đi Mỹ, với ý nghĩ là cho dù sang Mỹ làm bồi phòng cũng còn hơn làm việc ở quê hương vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị đi tù lại.

Một bữa, nghe lỏm tin là quận Phú Nhuận sẽ nhận đơn vào sáng hôm sau, tôi chuẩn bị giấy tờ, không ngủ, đợi đúng 3 giờ sáng là mò ra đồn công an Quận. Tới nơi, tôi đã thấy có những người bạn đến căng võng ngủ từ 11 giờ tối hôm trước! Tôi có mặt lúc 3 giờ sáng mà đã là người thứ 50!

Khi vào phòng làm việc, tên công an thẩm vấn hỏi tôi:

- Tại sao anh lại xin đi nuớc ngoài?

Tôi nói ngay:

- Tôi xin đi vì ở đây tôi không có việc làm. Không ai mướn tôi vì lý lịch, nên tôi phải đi.

Hắn bắt tôi phải viết giấy cam đoan không làm việc gì chống đối Cách Mạng. Tôi ký liền, không ngần ngại, vì trong lòng lúc đó, nghĩ rằng, ký thì ký, chống thì chống, chống ở nước ngoài, thì làm gì tôi? Tất cả anh em đi HO cũng đều nghĩ vậy, nên ai cũng ký. Sau đó, đến ngày làm thủ tục chính thức tại Phòng Xuất Cảnh và Người Nước Ngoài. Phải nộp tiền, không nhớ bao nhiêu, nhưng cũng bộn, gần 1 cây vàng gì đó cho cả nhà, 5 mạng. Rồi, chờ mãi, chờ mãi không có Passport, trong khi bạn bè lần lượt có, ai cũng vui vẻ đem khoe. Hầu như ngày nào tôi cũng lên phòng chờ đợi mà không thấy có tên mình. Sốt ruột, căng thẳng như dây đàn. Một hôm, tôi đến nơi mọi ngày vẫn chờ đợi, nhưng thủ sẵn một bao thuốc lá Ba số 555. Vừa bước vào cửa, gặp ngay một tay công an đứng nhòm ngó, tôi rút luôn bao thuốc ra, dúi vào tay, nói nhỏ:

- Lên lầu tìm cho tôi hồ sơ của tôi, tên CTT và...

Tay công an này đi liền. Tôi tửng tửng bước vào, gặp tên Trung Tá Phó Phòng. Thấy tôi xưng tên, anh này hô lên liền:

- À, hồ sơ của anh bị thất lạc rồi. Tìm hoài không thấy! Thôi, tôi cho anh ưu tiên chọn lựa. Một là anh lấy tiền lại, hai là anh được ưu tiên nộp hồ sơ lại!

Tôi choáng người. Tai tôi ù ù, chân đứng không vững. Tự nhiên, tôi nổi cọc, nói lớn:

- Tôi không cần ưu tiên gì hết! Tôi cũng không cần tiền. Tiền mà làm gì? Tôi chỉ cần đi Mỹ. Các anh làm mất hồ sơ của tôi, các anh phải làm lại và làm lại gấp.

Anh này cũng sừng sộ:

- Tôi cho anh ưu tiên là vì hồ sơ thất lạc, chứ không thì anh ra xếp hàng ngoài kia, chờ người cuối cùng xong thì anh mới được nộp đơn!

Đúng lúc tôi muốn nổi khùng lên, thì anh công an mà tôi dúi cho bao thuốc tàn tàn đi vô, tay chìa ra 5 tờ passport:

- Này, xuất cảnh của anh đây!

Anh chàng Phó phòng ngớ người ra, nhìn tay công an kia với vẻ mặt dữ dội. Chương trình hù dọa, dấu passport của hắn, nếu gặp nguời năn nỉ, bỏ nhỏ, ít nhất cũng một cây vàng! Số hắn xui! (Tội nghiệp cho anh công an kia, chắc thế nào cũng lãnh đủ!)

Tôi cầm passport về, thơ thới hân hoan, không gây gổ nữa. Nhưng vì đã bị giam quá lâu, nên tờ passport hết hiệu lực, phải lên gia hạn. Ngày hôm sau, gặp tôi cầm passport xin đóng dấu gia hạn, tay công an Phó phòng bực bội, chửi một tăng:

- À, ra lại anh nữa! Tay làm phách! Anh tưởng anh là cái thá gì? Mẹ kiếp, cỡ Tướng, Tá sang Mỹ chỉ đi bán xăng. Còn cỡ Trung Úy quèn như anh, chỉ đứng đường. Sang bên đó, thiếu giống thì thằng đứng đường, cầm loon....

Tôi chỉ cười hì hì, chẳng dại mà cãi cọ lúc này. Đợi hắn đóng dấu cái cộp xong là tôi rút lui ngay, kệ cho hắn lảm nhảm một mình.

Rồi ngày đi cũng tới. Chuyến bay của ngày thứ nhất là 5 tháng 1 năm 1990. Tôi bay chuyến thứ hai, lúc 10 giờ, nhưng dặn gia đình là len lén ra đi, nên 4 giờ sáng, đã lẳng lặng khăn gói kêu xích lô lên phi trường. Nếu tôi tàn tàn ở lại, là bỏ mạng! Vì theo lời cậu em ở lại coi nhà, khoảng 8 giờ sáng, hai tay phường đội đến nhà tôi, mang theo giấy gọi thằng con lớn tôi đi Nghĩa vụ Quân Sự! Khi biết cả nhà tôi đã dọt, tên nọ chửi tên kia:

- Má mày! Tao đã bảo mày đưa từ tối hôm qua, cứ lo nhậu nhậu!

Một chút xíu nữa thì tôi lại phải dúi cho mấy tên phường đội này ít nhất là một cây, nếu không muốn bị giữ lại, lỡ chuyến bay.

Đến phi trường, trong khi chờ đợi ra đi, tôi dặn người nhà không ai được khóc lúc chia tay, vì mắt đỏ, có thể bị giữ lại vì đau mắt cần phải chữa trước khi đi. Đang khi đó, thì David Jackson, xướng ngôn viên đài truyền hình số 9 tại Los Angeles, đến tìm một người nói tiếng Anh để phỏng vấn. Thấy anh ta tiến thẳng về phía mình, tay huơ huơ cái micrô, hỏi "Có ai biết tiếng Anh không?", tự nhiên tôi gật đầu. Mừng húm, David hỏi liền mấy câu. Thấy chung quanh là một băng công an, chăm chăm ngó ngó, tôi phải nói dè chừng với David:

- Nè, hỏi gì thì hỏi đừng có hỏi chuyện chính trị nghe!

David cười, gật lia lịa:

- Dĩ nhiên! Dĩ nhiên!

Thế là một cuộc phỏng vấn được thực hiện nhanh như chớp. Đèn pha, micrô um sùm. Mấy tay công an hầm hầm hừ hừ muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Nhưng tôi tỉnh bơ trả lời, sau đó, David hộ tống tôi vào phòng cách ly luôn, cho chắc ăn tôi không bị giữ lại. Cũng liều! Lỡ ra có anh chàng công an nào nổi hứng kêu lại thì rồi đời một HO! (Sau đó, cũng David làm thêm một cuộc phỏng vấn dài nữa, khi tôi đến Los rồi về nhà, rồi một tháng sau, cùng với các tờ báo Orange Register, Los Angeles Times về những người HO đầu tiên, một sự kiện đặc biệt trong năm chứng tỏ chính phủ và truyền thông Mỹ biết "trả nợ" anh em chế độ cũ.)

Về Quận Cam, những ngày đầu tiên là đi xin trợ cấp, và gặp các "cố vấn" đã qua từ 75. Mỗi người mỗi ý. Nguời thì bảo:

- Chú đi học sửa xe đi. Ở Mỹ, xe hơi trùng trùng điệp điệp! Ai cũng có xe hơi phải sửa! Học nghề này là ấm thân.

Người khác nói:

- Đừng vội quyết định! Cứ tàn tàn ăn "oeo phe" rồi đi học. Quyết định sớm là ân hận sau này.

Bà chị tôi lại nói:

- Đi học địa ốc đi! Bán nhà, tiền đầy túi!

Không biết tính sao, bèn nghe lời cả ba. Đi học sửa xe, xin tiền "oeo phe", và đi học địa ốc! Nghĩ rằng học sửa xe không thì cũng uổng công, nên ghi tên học luôn chương trình Đại học, may ra có bằng Kỹ sư máy xe hơi thì cũng có thể bền, nên học "full time", 15 "unít" một mùa. Ngày Cuối tuần đi học địa ốc. Học xong địa ốc, lấy chứng chỉ rồi, mới ngớ người ra, vì phải đi gõ cửa từng nhà, chào hàng! Một thằng nhà quê như tôi mà đi gõ cửa nhà lạ, chắc ăn đạn! Thôi thì vỡ mộng địa ốc! Mất mấy trăm uổng!

Vì tiền trợ cấp chỉ có 250 đô một người, nên phải nhờ vào bà con, vay mượn lung tung, mới đủ xoay sở. Một thời gian, thấy lãnh trợ cấp bị gò bó quá, nên bỏ luôn, đi làm mấy dóp. Dóp đầu tiên được một anh bạn Quốc Gia Hành Chánh giới thiệu là làm phụ tá Manager cho nhà hàng Kono gần góc đường Harbor và đường 1st, chủ nhân là mấy vị bác sĩ. Nói là phụ tá cho nó oai, chứ thực ra là làm Bồi bàn. Bà Manager, một phụ nữ trung niên, nhỏ nhắn, hay mặc váy đen, mặt mũi trông không đến nỗi tệ. Ngày đầu tiên đến, ông bác sĩ chủ nhân đã dặn nhỏ:

- Ông cẩn thận. Người ta không ưa ông đâu. Liệu mà xử thế. Ông cứ tập sự đi, khi nào ông rành, tôi sẽ cho bả nghỉ! Ông sẽ làm Manager cho chúng tôi. Còn bà này, bả gian lận qúa trời, nhà hàng hết vốn luôn!

Nghe lời căn dặn nên khi vô trình diện, tôi rất lịch sự cúi chào. Bả đón tôi bằng cặp mắt lạnh nhạt:

- Này, anh kia! Anh mặc thế làm sao mà bưng tô được. Bỏ mẹ cái áo vét đi, xắn tay áo lên mới làm được.

Tôi vâng lời, cởi áo vét ra mặc dù ông bác sĩ chủ nhân bảo tôi mặc áo vét đi làm, và xắn tay áo lên bưng tô như máy. Hết khách, tôi đứng rửa bát. Hết bưng tô, tôi lại đóng cái áo vét vào, tiếp khách đến đặt hàng.

Làm đuợc hai ngày, hôm ấy, cũng đang mặc vét, tiếp vài nguời khách đến đặt hàng, thì một ông thực khách thấy tôi mặc lịch sự, bèn gọi:

- Ông quản lý ơi! Lại tính tiền giùm tôi!

Bà chủ cự nự liền lớn tiếng:

- Quản lý cái gì! Người làm tôi đó!


Tôi lẳng lặng lại tính tiền. Chưa xong thì bà gọi lớn tiếng:

- Ông T.! Lại đây nhặt rác cho tôi!

Rồi bà đứng dạng chân ra, chỉ cho tôi thấy một miếng giấy trắng trắng bằng khoảng một đốt ngón tay ở giữa hai chân bà. Lúc đó, bà đang tiếp khoảng vài người đến đặt hàng đám cưới. Tôi đến, bà không di chuyển, cứ đứng dạng chân trên miếng giấy. Không thể làm khác hơn, tôi cúi xuống nhặt miếng giấy giữa hai chân bà, khi ngẩng đầu lên, tóc tôi chạm vào gấu váy của bà. Mấy nguời khách nhìn tôi, kinh dị. Tôi nghiến răng, cố nuốt nhục, bỏ miếng giấy vào túi, và vì cái mặt tôi nóng quá, như có lửa đốt, tôi lẳng lặng đi ra cửa cho gió thoáng vào mặt, kẻo nóng quá, tôi "đục" bà thì có chuyện, vợ con nheo nhóc. Bà thấy tôi đi ra cửa, gọi lớn theo:

- Này! đừng có mà vất rác ra cửa đấy! Cảnh sát nó phạt cho thì thấy mẹ!

Tôi ra cửa, ngửa mặt nhìn trời, mà nước mắt tuôn trào. Cổ họng nghẹn đắng. Trời hỡi! Việt Cộng dí súng vào đầu không sợ mà phải né cái con mụ này! Tôi cố nuốt nước mắt, nghĩ đến vợ con đang mong chờ ở căn apartment chật hẹp mà đi vào. Vừa bước vào, là bà chủ gào lên (tôi dùng chữ "gào" rất đúng sự thật):

- Này, lại đây "cờ lin" cái "bâng kơ" này cho tôi!

Tôi đi lấy cái giẻ, vẫn mặc áo vét, "cờ lin" theo lời bà chủ. Mới ngẩng mặt lên, chưa kịp thở, bà chủ lại the thé:

- Xong chưa? Xong thì đi lau lại mấy cái bàn cho tôi! Hôi qúa!

Tới đây, thì cơn nóng đã lên quá sức chịu đựng rồi! Tôi căm hờn nhìn mụ, vất cái khăn vào trước mặt mụ, nghiến răng lại, sấn tới. Trong đầu tôi, chỉ muốn làm "Franskeintein" hút máu mụ..Mụ hoảng, de chân, rút lui. Thấy cái vẻ mặt sợ hãi của mụ, tôi thở dài, bước ra cửa. Về nhà, kể cho vợ con nghe "bố thất nghiệp rồi!", và khi thấy vợ con xụt xịt, tôi chịu không nổi, nằm vật ra salông, úp mặt xuống, khóc nức nở một mình, máu trào lên họng.

Ngày hôm sau đi xin dóp khác. Cứ thấy nhà hàng là bước vào xin làm bồi bàn. Có lẽ thấy cái bản mặt mình không phải "típ" sai vặt được hay sao đó, mà nơi nào cũng nhìn mình một lúc rồi cho qua. Các ông bà chủ sang 75 cứ nhìn minh như một lũ nhà quê, cần đề phòng!

Mãi đến một tiệm bánh mì, may sao lại được nhận. Từ sáng sớm hôm sau, cứ 3 giờ sáng dậy, phóng tới lò bánh, nhận bánh xong là lái chiếc xe của hãng đi một lèo từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ trên các xa lộ. Tạt vào khách sạn này, bỏ bánh xong, là dọt qua nhà hàng khác, liên tu bất tận, mà cái xe chở bánh lại thuộc thế hệ "Min nớp xăng đút nút", cái hộp số to chần vần như cái mả Đạm Tiên ở cạnh tay lái, cái cần số dài lêu khêu như cây tre, nóng ơi là nóng. Chỉ tới 8 giờ là mồ hôi chẩy ra như suối. Nhất là lái tới Moreno Valley và San Bernadino, trung bình 90, 100 độ vào giữa trưa, cộng với cái hơi nóng từ máy xe, ít nhất cũng 120 độ bên trong. Người cứ rít rịt. Làm được có hơn một tháng thì bỏ, vì quá mệt. Hôm đó, chán đời quá, tôi đâm xe vào cột trụ đèn rồi ngồi khóc nức nở! May mà không bị "phú lít" bắt!

Tôi mệt không chỉ vì làm nhiều quá mà vì tối phải đi học từ 6 giờ 45 đến 10 giờ, về nhà tắm rửa, ăn cơm, làm bài xong thì khoảng 1 giờ sáng lên giường, 3 giờ đã dậy, đi làm một lèo 10, 12 tiếng, buồn ngủ rũ ra... Nhưng mệt mà cũng chưa đau bằng ngày hôm ấy, kẹt chỗ đậu xe, phải đậu ké sang nhà Tầu Hủ Tân Tân bên cạnh, khi về thấy mất xe, hỏi ra mới biết ông chủ Tầu Hủ kêu người "tâu" xe mình! Tôi chạy qua hỏi tại sao "ông không nói cho tôi hay mà lại tâu xe của tôi", ông chủ tỉnh bơ, nhìn tôi như một thằng đần, không thèm trả lời. Tôi phải chuộc xe mất 120 đô! Đau quá! Làm một ngày có 50, phải trả tiền xe mất 120! Chịu gì nổi! Thôi bỏ nghề luôn.

Lại nghe người bạn giới thiệu, đi giặt ủi ở Los. Sáng dậy 5 giờ, phóng xe tới tiệm là 6 rưỡi, bước vào tiệm là thấy một đống áo sơ mi lù lù trên bàn, nhào vô, lấy xà phòng và bàn chải, cắm cúi chà cổ áo, cổ tay như điên. Khoảng gần hai tiếng chà cọ muốn gẫy tay, thì một lô áo mới khô phóng ra. Chụp lấy áo, trải trên bàn ủi, một chân thì đạp mạnh xuống cái cần bên dưới cho có hơi hút cái áo vào bàn, tay trái căng áo ra, tay phải cầm cái bàn ủi nặng cỡ hai ba "pao" có dây điện, cứ thế mà ủi. Đứng liên tu bất tận. Đến giờ cơm, thì được ra ngồi chừng 5, 10 phút ăn cơm. Không dám ăn lâu, vì phải ủi hết mới được về lúc 6 giờ. Trễ nải là trễ lớp học ở Golden West bắt đầu từ 6 giờ 45. Phải chạy từ parking vào lớp, người mồ hôi đầy, nên chỉ kiếm chỗ cuối lớp, xa xa bạn học, kẻo mùi hôi xông ra thì kỳ cục. Cứ thế được ba tháng thì hết pin! Người lúc nào cũng lảo đảo, nói không ra hơi, hai tay lúc nào cũng rung rung, hai đầu gối nhức buốt vì đứng 12 tiếng mỗi ngày, lương chỉ có 800 ($2.66/giờ), không đủ tiền ăn phở, nên mắt mờ, tim đập chậm. Đi khám bác sĩ, ông phán:

- Anh phải nghỉ ngay cái dóp này đi thôi. Thêm nữa thì không tới bến đâu, sẽ nằm liệt, lúc đó, thì ỉa đái tại chỗ. Không ai hầu được đâu!

May quá, chưa kịp nghỉ, thì tối đó, ông chủ 75 gọi đến bảo:

- Thôi, ngày mai khỏi đi làm nhé! Mới làm có ba tháng đã nghỉ bệnh, thì còn làm ăn cái chó gì!

Nguời bị đuổi mừng húm, nói với vợ mua con gà, tạ ơn Tổ đãi.

Rồi đi bán thịt! Không phải thịt bò mà là bán bắp thịt. Mỗi sáng Thứ Bẩy và Chủ Nhật, ba bố con đến đứng trước cổng vào chợ trời Costa Mesa từ 3 giờ sáng, chờ ông đi qua, bà đi lại mướn mình khiêng vác. Thường thì hai thằng con tôi được nhận, còn tôi chỉ thỉnh thoảng mới có bà tội nghiệp cho vào ráp lều, rồi bán đồ, đến chiều thì lại gỡ lều và được khoảng 40 đô! Nếu chỉ ráp và gỡ thì 10 đô, trong khi tiền xăng mất 1 đô, tiền ăn trưa cũng hơn 1 đô!

Sau đó, thấy không khá, lại đi xin việc làm "delivery Furniture", nghĩa là giao hàng fớ-ni-chơ cùng với cậu con trai. Hai bố con cùng khiêng, cùng vác. Tuần làm 6 ngày, mỗi ngày 11 đến 12 tiếng. Lương được 1000, chia trung bình là $3.20/giờ! Tôi làm ở đây khỏe hơn trước vì khuân vác phải xử dụng toàn bộ bắp thịt lưng, vai, đầu, tay, chân, để kê vai, hứng lưng, đội lên, bưng, nhấc. Nhớ ngày đầu tiên, tôi đã tưởng chết! Đi giao một cái salông có kèm giường ngủ (Salong-Bed) cho một căn hộ ở lầu hai, mà không có thang máy! Căn hộ này lại không có thang thường thẳng lên, mà thang cuốn tròn chung quanh một cái trụ sắt! Do đó, người giao hàng phải dựng đứng cái ghế nặng vài trăm "pao" lên, rồi cúi xuống, nhấc ở bên dưới, một hai ba, ùm! Nhích lên được một bậc. Một, hai, ba, ùm! Nhấc lên thêm một bậc nữa! Cứ thế mà như con sên, mãi cũng lên được đến lầu hai, lên tới nơi thì lăn ra, nằm vật ngay trên lối đi, ngất lịm đi mấy phút....Một lúc sau, thấy người lay vai mình, mới tỉnh lại, cám ơn ông kia, rồi trước bộ mặt ngạc nhiên của ống, tôi lồm cồm ngồi dậy, lật ghế lại, đẩy tiếp vào phòng, lấy tiền, về trình diện ông chủ, và xin nghỉ, vì chịu không nổi.

Ông chủ bảo:

- Không sao đâu! Xui là làm ngày đầu tiên bị cú đó, chứ không phải ngày nào cũng vậy đâu. Từ từ rồi quen.

Từ từ rồi quen thiệt! Làm tới 3 năm lận! Bắp thịt đô ra. Sau rồi có thể một tay nhấc nguyên cái ghế "Lô vờ sít" lên vai đi tỉnh bơ. Mấy tên thanh niên trợn mắt:

- Chú còn mạnh dữ! Cháu chào thua!

Họ đâu biết H.O đã từng cuốc đất, phá rừng tơi bời hoa lá trong rừng sâu, núi thẳm, sợ quái gì mấy cái ghế bàn này!

Thật ra cũng đổi tới 3 ông chủ và cũng bị mắng rủa tơi bời. Một hôm, đang loay hoay xếp đồ gần bàn làm việc của ông chủ, thấy Phôn kêu réo mà ông chủ chưa ra, chụp đại, trả lời giùm. Ông chủ, một người nói tiếng Mỹ đặc giọng Mỹ Tho, vừa mới bị bà chủ làm cho một tăng ầm ĩ ngay trong tiệm, chạy tới giật lấy cái phôn, mắng liền:

- Hát Ô biết cái đếch gì mà nói điện với thoại!

Ngoài các ông chủ "nổ", còn các bà chủ cũng chảnh không kém. Bà chủ nào cũng sai H.O làm hộc cơm, hình như thấy tiền lương 4,5 đô một giờ mà các bà trả làm các bà đứt ruột, nên phải hành cho đã. "Anh vác cái tủ này qua đây.. chuyển cái sa lông này về đó! Ráp cái bàn kia cho tôi! Lau cầu tiêu chưa? Lau lẹ lên cho tôi còn đi chứ!...." Liên miên bất tận...Chịu đựng và chịu đựng. Nhưng sức người có hạn, có lần tôi nổi nóng, ném nguyên cái quyển sách vào mặt tên chủ rồi bỏ về...

Cha chả! Cuộc đời! Tình người qua trước qua sau....

Mấy năm trôi qua, học mãi cũng lấy lại cái bằng Đại Học, làm thêm nhiều "dóp" khác, làm Cố Vấn Tài Chánh kiêm bán Bảo Hiểm xe, nhà, nhân thọ, rồi chán, thi đậu vào Kiểm Tra Viên của Tiểu Bang, (State Examiner), nhưng chỉ làm được gần hai năm, bị bà Xếp "sexual harassment" không được, đòi đuổi, tôi kiện, và thắng kiện, bà xếp phải đi chỗ khác chơi, nhưng vì đã chán cái không khí căng thẳng của một Bộ Tiểu Bang, tôi tự động bỏ việc. Rồi đi học thêm Sư Phạm để dậy học, nhưng chỉ dậy được có một mùa, lại bỏ, vì bà Hiệu Trưởng gốc Mễ kỳ thị ra mặt. Cuối cùng, đi học Khoa Học Tâm Lý và làm Cố Vấn (Counselor) cho mấy người bệnh tâm thần cho tới lúc về hưu.

"Lâu dần, đời người cũng qua..."

Nhớ lại những tháng ngày mới ca bài hát ô trên đất Mỹ mà vui. Năm 1991 và 1992, hai lần mò mẫm đứng ra tổ chức "Cây Mùa Xuân H.O" ở Westminster rồi tổ chức hai lần "Tù Ca" tại Đêm Mầu Hồng năm 1993 và 1994, bị bọn nằm vùng đánh phá và chụp mũ "ăng ten cộng sản" tơi bời hoa lá. Nhưng những đòn đánh phá của bọn nằm vùng như thế, thật ra, chỉ làm cho ý chí H.O thêm mạnh. Dân H.O đã trải qua bao năm tù đầy trong nhà tù lớn, nhà tù nhỏ của cộng sản mà không sợ, có lý đâu lại ngại miệng lưỡi của những tay nằm vùng!

Hơn hai mươi năm trôi qua, thế hệ H.O. đã ổn định với con cháu, dâu, rể. Hầu như toàn thể thế hệ thứ 2 của dân H.O đã vững vàng trên quê hương mới. Đại đa số đã tốt nghiệp, từ Cử Nhân, Kỹ Sư, đến Nha, Y, Dược Sĩ, Giáo Sư Đại Học, hoặc thành công về thương mại, làm ông chủ nhỏ, bà chủ nhỏ... Một số lớn đã đưa đón con cái đi học, các cháu nói tiếng Anh như gió...

Cuộc đời "như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao"... Biến cố gì rồi cũng qua, riêng danh xưng "Hát Ô" vẫn tồn tại như một thế hệ đặc biệt, chưa hề có trong lịch sử thế giới, và sẽ không bao giờ có nữa!

Chu Tất Tiến

(Quý chiến hữu nếu có câu hỏi về ngày Tổ chức này, xin gọi đến các số điện thoại sau đây:

- Trưởng Nhóm Tổ Chức: H.O.6 Nguyễn Phán,

714-788-4753

- Nghi Lễ&Trang trí: H.O.28 Kiều Công Lang:

714-234-3344

- Truyền thông & báo chí: H.O.3 Lê Anh Dũng,

714 234-1487

- Thông tin & liên lạc: H.O.1 Vũ Trọng Mục, 714 482-7656

- Tiếp tân: H.O.1 Bích Huyền, 714-200-9817

- Thủ Quỹ: H.O.28

Thanh Thủy Văn Long

714- 952-5009

- Văn Nghệ -H.O.1 Xuân Điềm 562-2907483

- Điều hợp chương trình: H.O.1 Chu Tất Tiến

714-398-3678

Ý kiến bạn đọc
14/06/201523:41:06
Khách
Nhớ lúc mới qua đây gd tui được ở chung cư và đi làm mới bat đầu tiếp xúc nhiều với người mình. ÔI thôi đủ thứ hạng tạp nhạp, nhiều người thật kinh khủng và chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Hàng xóm cứ mở nhạc to đùng, complained thì bi đập kiến xe. Cuối tuần túm tụm ăn nhậu xa rác tùm lum. Thấy gd tui có con em tối ngày lo di học thì họ ghét, hể đi ngang qua nhóm túm tụm thì họ nói bóng gió sách mé xỉa xói "mới qua học thì học chứ biết đếch gì". Trong khi con cái họ thì tối ngày an nhậu, lấy bậy, làm bậy mà họ không lo day dỗ. Gd tui phải ráng dành dum tien de mua nhà dọn khỏi khu chung cu nọ.
Còn lúc tui di làm khi moi qua làm chung với nhiều người mình. Ôi thôi, cứ vài ba bửa thì mấy bà xồn xồn chửi lộn quánh lộn, cũng vì xỉa xói qua lại mà thôi. Lúc đó tui còn trẻ và nguyện với lòng rang tui phải ráng học de có tay nghề cao để sau này không phải làm việc chung đụng với mấy cái hạng người này.
Co lần Má tui di an cuoi ngoi gan 1 bac sỉ vn. Ông nói nhỏ voi Má tui là "Chị thấy cái tên làm trong nhà hàng đang dung đàng kia không? Khi xua em vua hoc vua làm o nhà hàng này bị nó tối ngày chửi ĐM em hoài, bây giờ em ra bs trong khi nó vẫn còn làm o day."
Còn mấy tay làm an trong ngành xe cộ người việt thì khỏi nói. Chỉ nhè mấy người mới qua mà lường gạt.
Người vn o day nói thẳng ra đủ thứ thành phần, có học vô học, tốt xấu có cả.
Hồi ở vn, nghe người nhà có dóng vàng di vuot biên thất bại về kể lại như ri: ra tới bải thì bọn canh me (toàn dân phạm pháp cuop cua giet nguoi, các tay anh chi trong bang nhóm du đãng, toàn thành phần bât hảo...) nàm chực sẳn o bải. Khi ghe nhỏ tới rước mấy người dóng vàng thì bọn ma cô giành ghe ra tàu lớn. Khi bị động thì tàu lớn chạy. Mấy người đóng vàng bi bỏ lại.
Sau chuyện này và sang đây đã chứng kiến nhiều việc dong huong gat dong huong nen tui cũng phải cảnh giác CĐ, đồng hương lắm lắm. Không phải ai là nguoi vn thi mình cũng tin tuong duoc.
13/06/201521:03:46
Khách
1. Các bài viết của Chú và Chú Chương luôn luôn là những bài học về kinh nghiệm sống. Cho dù cuộc đời ba chìm bảy nổi lúc lên lúc xuống và đời người như "bóng câu qua cửa sổ" nhưng các Chú vẫn không bỏ cuộc vẫn vương lên như hoa hướng dương tìm tới hướng mặt trời. Đáng để thế hệ trẻ noi theo.
2. Còn chuyện cộng đồng hay dồng hương, từ ngày sang đay toi gio, tôi chỉ thấy họ giỏi nhất là nổ với nguoi moi qua, ma củ an hiep ma moi, và ganh tị đố kị ghen an tuc ở bôi nhọ nói xấu nếu mấy nguoi qua sau 1 thoi gian thanh cong hơn họ. Trường hơp này thì rất nhiều, có thề nói trên 90%. Còn giúp đở thì hiếm.
3. Trong bài văn của Chú hay lặp đi lặp lại cái từ "ông chủ bà chủ". Tôi đoc cũng thấy buồn cười vì thực chất thì cái bọn này đa phần là an tro cap. Con cái hay nguoi quen mở tiem và nho ho trong coi tiem dùm. Vậy mà họ cứ nổ rùm ben là ông bà chủ. Có nhiều người di truoc 75 mà van an tro cấp toi hom nay day Chú à. Các loại người này tui cùng da tung gap qua nen biết.
12/06/201521:01:26
Khách
Đọc tới đoạn mấy người chủ tiệm ăn nói xấc xược và hành động độc ác với cựu sĩ quan VNCH, những người đã bị đi tù cải tạo nhiều năm, tôi rất buồn. Tôi không biết mấy người này là hạng người gì ở VN khi xưa? Sao họ không biết để đức cho đời sau của họ hoặc cho con, cho cháu họ? Tôi sang hồi 75 định cư ở tiểu bang Indiana, năm đầu tôi làm việc với chủ nhà hàng người Mỹ và nhân viên cũng là Mỹ, họ đối xử rất tử tế, vui vẻ, và lich sự.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,711
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến