Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Nhà Bốn Anh Em

02/06/201500:00:00(Xem: 11140)

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3531-16-29931vb3060215

Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003. Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010.

* * *

1.

Em Út thích ngồi nơi chân cầu thang, ôm cây đàn guitar.

Em đã biết đàn gì đâu, chỉ bắt chước các anh ôm đàn. Anh Cả hứa sẽ dạy cho em Út đàn. Anh Hai cũng hứa. Và anh Ba cũng hứa.

Người ta bảo làm em gái của nhiều anh thì lời lắm. Thật vậy! Nhà có bốn anh em. Em gái út được cưng “hết biết”.

Má sinh một dây ba con trai, rồi ngưng. Má nói con trai không giúp mẹ nhiều được như con gái, chỉ có ăn và phá. Rồi mười năm sau má “lọt ra” đứa con gái. Đứa con nào cũng được ba má đặt tên đẹp. Nhưng trong nhà vẫn có thói quen gọi nhau là anh Cả, anh Hai, anh Ba, rồi thì em Út. Nghe giản dị.

Chưa có anh nào dạy đàn cho em Út. Anh nào cũng nói mình bận!

Anh Cả học Văn khoa. Anh học cái gì như là… Văn chương văn minh Anh, Văn chương văn minh Mỹ, rồi cũng có Văn chương Việt nữa. Tài hùng biện của anh Cả không ai qua được. Còn thêm tài sáng tác nhạc và trình diễn của anh ngay trong trường và khắp nơi trong giới sinh viên thì thật là “đáng nể”. Anh thường đi tới các trường bạn để giới thiệu những bản nhạc của anh. Em Út khâm phục anh lắm!

Anh Hai học Dược, cũng “đáng nể” không kém. Em Út thường nói anh Hai thật “chì”. Bởi em Út không thể tưởng tượng được làm sao mà một đấng nam nhi lại có thể trì chí làm những công việc tỉ mỉ và chính xác trong bốn bức tường của phòng thí nghiệm như anh. Anh giải đáp thắc mắc liền: có những công việc cần sự kiên nhẫn, tính cẩn thận và chính xác thì mới không gây ra điều tai hại, như công việc của các ngành Y và Dược. Em Út lại nể anh nữa. Nhưng chưa hết, anh Hai cũng có sáng tác nhạc. Nhạc của anh vượt cả bốn bức tường của phòng thí nghiệm, phổ biến rộng rãi, được yêu mến lắm. Anh là người nhạc sĩ viết nhạc tình.

Anh Ba đi lính. Đi lính, nghe rất tự nhiên. Em Út chỉ biết là anh đi lính, không thắc mắc. Nghe lóm mọi người nói với nhau binh chủng này, binh chủng nọ, em Út nghe tai này lọt qua tai kia, đôi khi có thắc mắc, được giải thích, rồi cũng quên ngay. Nhưng em Út rất thích mỗi lần anh Ba về phép, làm gì thì làm, anh cũng mua quà cho em Út. Có khi là một trái bầu già làm bình đựng nước anh mua ở một buôn Thượng. Có khi là một cái tráp đựng son phấn, làm từ một quả dừa khô, sản phẩm từ một miền sông nước. Có khi là một mảnh gỗ thơm hay một trái thông khi anh trở về từ miền rừng núi cao nguyên. Em Út nâng niu những món quà đơn sơ đó và chưng bày trên bàn học của mình. Chưa hết, anh Ba cũng “đáng nể”, bởi vì anh Ba cũng biết “làm nhạc”. Nhạc của anh Ba là nhạc tả về những nơi anh đi qua, là tâm tình của anh đối với bà con ở những vùng hẻo lánh, là nỗi nhớ nhà, là tình cảm của anh với những người đồng đội, là cảm xúc khi anh đi vào khói lửa, nhiều nhiều lắm, em Út không nhớ hết. Nhạc của anh Ba, anh nói, là “nhạc lính”. Anh nói có những người không đi lính nhưng cũng viết “nhạc lính”, đó là do họ có sự cảm thông với lính, nên họ viết tâm tình “cho lính”.

2.

Anh Cả dạy cho em Út đàn. Anh khen em Út thông minh, nói đâu hiểu đấy. Rồi thì anh Hai cũng có chỉ vẽ cho em Út đôi điều. Em Út học đàn và tự mình tìm hiểu, dần dần đã khá lên. Em Út có thể đàn bất cứ bản nhạc nào, tự đệm đàn cho mình hát. Em Út cũng dần dần khám phá những đặc điểm của tác phẩm của các anh mình. Nhạc của anh Cả mang nét ray rứt về chiến tranh, biểu lộ tâm trạng hoài nghi, buồn chán. Nhạc của anh Hai lãng mạn, mộng mơ, như mây như gió phiêu bồng. Còn nhạc của anh Ba, lại cũng chỉ nói được gọn gàng và đầy đủ trong hai chữ “nhạc lính”. Anh Ba không có nhiều thì giờ như hai anh lớn. Có khi anh đi biền biệt cả mấy tháng liền. Nhưng lúc anh về nhà, anh cũng thường ngồi cùng em Út nơi chân cầu thang, đàn hát cho em nghe.

Em Út hiểu và thích cả ba loại nhạc. Có lẽ “máu văn nghệ” từ ba má đã ăn sâu vào tim óc, nên cả nhà bốn anh em đều thích âm nhạc. Em Út thấy cuộc đời thật là phong phú.

Có một ngày giáp Tết, em Út theo Má đi thăm anh Ba đang trú đóng ở một quận miền Tây. Chỉ mới kịp đưa cho anh túi quà nào bánh tét, mứt món, nào vật dụng cần thiết, chưa kịp hàn huyên, anh Ba đã có lệnh chuyển quân. Má và em Út ngẩn ngơ. Khi về lại Sài Gòn, em Út thấy Má cứ lau nước mắt hoài. Lòng em Út cũng buồn rười rượi. Em Út chưa hiểu gì là gian khổ, là cách chia. Sự hiểu biết về chiến tranh chưa rõ rệt, nhưng từ đó đã thấm sâu trong lòng em Út một ý niệm: đi và sống như anh Ba, chẳng trách nhạc của anh sâu sắc là thế, tình cảm là thế.

Em Út càng thương anh Ba hơn, khi trong một lần về phép anh Ba dẫn một thiếu nữ về nhà giới thiệu với Ba Má và các anh em. Bạn gái của anh Ba, ngay sau đó đã được nhanh chóng gọi lén là “chị Ba”. Ai cũng mến người con gái dịu dàng ấy. Và từ đó, trong những bản nhạc anh Ba viết, có bóng dáng của những người thương lính.

3.

Cuối mùa xuân, tiết trời gay gắt lạ thường. Như hợp cùng cái nóng bức của đất trời, tin chiến sự bùng lên phá tan nét yên bình vốn có của thành phố thủ đô.

Năm nay, anh Hai đang học năm cuối ở Dược khoa. Anh Cả thì đã ra trường được hai năm rồi, đang làm việc ở một trung tâm văn hóa. Các anh đang có một con đường êm ả, một tương lai đầy hứa hẹn. Chỉ có anh Ba vẫn bôn ba đời lính.

Trong những ngày cuối tháng Tư, anh Cả có thái độ lạ lắm. Anh thường không ăn cơm nhà, lại về rất khuya. Anh lộ vẻ bồn chồn. Anh Hai thì lại thường xách xe chạy vào trường để xem có giờ học hay không. Anh Hai trở về với nét thất vọng, vì những xáo trộn không dừng ở bên ngoài mà vào cả trong trường. Thầy cô không đến lớp, sinh viên kẻ ở người đi, xao xác, hoang mang. Còn anh Ba hơn một tháng nay không về, cũng không thấy thư từ gì cả.

Thành phố thở những hơi thở gấp như người hấp hối. Người tản cư từ các tỉnh chạy đến, người bỏ nước hối hả chạy đi. Em Út học sinh “trung học đệ nhất cấp” được cho ở nhà khỏi phải đến trường.

Và trong cái ngày mà mọi thứ sụp đổ, anh Cả xách cây đàn guitar chạy biến khỏi nhà. Mọi người sau đó biết anh đã lên đài phát thanh. Anh cùng một số bạn của anh hát vang từ những chiếc radio khắp mọi nhà những bài ca “mừng chiến thắng”.

Rồi anh Ba cũng về. Anh Ba bị thương nặng vừa mới được tải về bệnh viện đã bị mấy người “cách mạng” đuổi đi. Anh được mấy người bạn cõng ra đường gọi xe đưa về nhà. Cái không khí gia đình như vỡ tung ra.

Em Út ngồi bên anh Ba suốt ngày. Anh Ba trao cho em Út một tập nhạc anh viết bằng tay. Đó là gia tài còn lại của anh.

4.

“Anh Hai, đã bốn mươi năm!”

Anh Hai gật đầu nhè nhẹ. Mắt anh nhìn ra nơi xa lắc. Nơi đó là một màu xanh tươi của rừng mới thay lá. Anh chọn nơi ở này rất thích hợp với tính cách mơ mộng của anh. Bao nhiêu năm vừa vất vả kiếm sống nuôi em vừa học hành rồi ra trường làm việc, anh Hai vẫn cái tính cách đó, mơ mộng và nghĩ nhiều về tình yêu. Anh vẫn viết nhạc tình.

Hai anh em thuở đó được Ba Má “lo” cho đi vượt biên. Em Út mang cái hình ảnh cuối cùng của anh Ba và gia tài cuối cùng của anh. Những bản nhạc của anh Ba đã thành “di sản” của một thời binh lửa. Ai cũng biết. Và nhiều người thuộc lòng những bài hát đó.

Giờ đây Ba Má không còn. Một ngày cuối năm, anh Hai và em Út sững sờ khi thấy báo đăng tin anh Cả lâm trọng bệnh. Trong những giây phút cuối đời, anh Cả đã nói lên sự thất vọng và ăn năn của mình vì đã cống hiến tài văn nghệ của một thời thanh niên để ca ngợi một chế độ phi nhân. Anh Cả cũng đã ra đi.

Em Út bây giờ không còn là một cô bé thơ dại tuổi mười ba như năm nào. Ngày đó cô bé không hiểu gì nhiều, cứ tròn mắt nhìn người lớn buồn, vui, đau khổ, hạnh phúc. Xa gia đình, em Út dần trở thành người lớn, biết quán xuyến mọi việc. Hòa nhập với cuộc sống mới rất dễ dàng, nhưng hầu như lúc nào em Út cũng canh cánh chuyện xưa, khi còn ở trong vòng tay của Ba Má, nhõng nhẽo với các anh, đòi bánh đòi quà. Em Út nhớ lắm những lúc ngồi nơi chân cầu thang, nghe anh Ba đàn và hát “nhạc lính”. Kỷ niệm sâu đậm, rạt rào, nhức nhối. Em Út tự hỏi tại sao ngày đó các anh mình, và mình, không thể có được một “ban nhạc” với cùng một lối chơi đàn, cùng một ý tưởng, cùng một ước mơ? Em Út băn khoăn, rồi cũng tự tìm ra câu giải đáp. Các anh mình, như những góc cạnh của một xã hội, một đất nước. Mỗi người một vẻ.

“Anh Hai, em Út muốn nghe anh đàn và hát.”

“Em Út muốn bản nào?”

“Đương nhiên là nhạc tình yêu anh viết.”

Anh Hai có vẻ hơi tư lự. Có lẽ anh Hai đang chọn bản nào hay nhất theo ý anh để tặng cô em gái. Em Út nghĩ, anh Hai quả thật là một người may mắn, vì ngoài thành công anh có được trong công việc, anh còn có môi trường thuận lợi để sáng tác và giới thiệu tác phẩm của mình. Nhạc tình của anh được đón nhận nồng nhiệt. Anh cũng đi đây đi đó để trình bày những bản nhạc của anh. Anh đã có nhiều “fan” hâm mộ!

Anh Hai đàn và hát cho em Út nghe bản nhạc tình mới nhất của anh. Tiếng đàn guitar ngọt ngào. Giọng hát của anh Hai trầm ấm. Em Út nhắm mắt lại, chợt liên tưởng đến giọng hát của anh Cả và anh Ba. Các anh của mình, ai cũng viết nhạc hay và đàn hay, hát hay. Em Út bỗng ao ước mình đang về dưới một mái nhà, có Ba Má chăm sóc thương yêu, có anh em cùng vui chơi dìu dắt nhau. Tất cả đã mất! Giờ đây chỉ còn lại hai anh em. Mỗi người đều có một gia đình riêng, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn ngồi lại với nhau như hôm nay.

Trong bản nhạc tình mới viết của anh Hai, có lời ca ngợi tình yêu, ca ngợi cảnh rạng rỡ của mùa xuân nơi miền đất phong phú xinh đẹp này. Giọng hát của anh Hai bay bổng, quyện trong tiếng đàn dìu dặt... Bỗng như có một cái dấu gạch ngang vô nghĩa chen vào một câu văn, tiếng hát của anh Hai tắc nghẹn. Âm thanh từ cây đàn buông thõng, lạc loài. Em Út mở mắt ra, giật mình khi thấy anh Hai đang ôm đầu. Em Út kêu lên thảng thốt:

“Anh Hai, anh sao vậy? Anh Hai bệnh hở?”

Anh Hai không trả lời. Em Út hỏi đến lần thứ ba, chợt nghe tiếng anh Hai nấc lên. Rồi anh Hai khóc thành tiếng.

“Anh Hai nói đi, đừng làm em sợ.”

“Út ơi, anh nhớ anh em của mình quá!”

Em Út ôm chầm lấy anh, khóc theo. Em Út rất sợ mất anh Hai như đã mất Ba Má, mất anh Cả, mất anh Ba.

“Anh cũng buồn cho anh nữa, em Út ơi!”

“Tại sao? Anh Hai buồn chuyện gì?”

“Em Út ơi, bao nhiêu năm anh viết nhạc tình yêu dễ dàng, mà có một điều anh chưa làm được.”

“Là điều gì?”

“Anh… anh… chưa bao giờ viết về chiến tranh, về đất nước buồn đau của mình.”

Và anh Hai lại nức nở. Em Út lạ lùng nhìn anh, rồi bỗng thấu hiểu.

Màu xanh tươi của rừng đàng xa kia bỗng thẫm lại. Em Út thấy đó là khu rừng anh Ba đã đi vào. Đôi mắt của anh Hai như cũng thẫm lại. Anh đã lấy lại vẻ bình yên.

“Anh Hai đừng có buồn. Anh em mình còn có nhau. Em Út bây giờ là “bà cụ non” tuy không còn non, nhưng anh Hai cho em Út khuyên anh Hai một điều nhé!”

“Út nói đi!”

“Anh Hai ơi, đất nước mình còn đó, nỗi buồn đau còn đó, anh Hai còn có thể hướng về.”

“Vâng, em Út, “bà cụ non” của anh, anh hiểu.”

2015

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
03/06/201502:08:58
Khách
Bài hay và lạ. Cách viết văn rất bình dị và tự nhiên. Xin được hỏi đây là truyện sáng tác hay câu chuyện thật của gia đình tác giả? Cho dù là trường hợp nào đi nữa, xin cám ơn tác giả về một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,808,325