Hôm nay,  

Chuyện Đổi Đời: Trình Diện Đi Tù

28/05/201500:00:00(Xem: 13600)

Tác giả: Phùng Văn Phụng
Bài số 3527-16-29927vb5052815

Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ: Những ngày đầu tiên đến nước Mỹ; Làm Ông Ngoại rất thích thú; Và “Câu chuyện của ba người.” Bài viết mới của ông không viết về nước Mỹ, nhưng vẫn là một ký ưc chung của nhiều gia đình Việt trên đất Mỹ, về một thời cay đắng, khi bị phỉnh để tự mình nạp mạng, đi “trình diện học tập...”.

* * *

Trước năm 1975, tôi là giáo sư trường Trung học Lương văn Can, quận 8 Sài gòn.

Sau năm 1975, tôi bị đi cải tạo gần 8 năm. Chỉ là một giáo chức, không thuộc diện sĩ quan phải trình diện, vậy mà cũng vô trại Long Thành, Thủ Đức, rồi Lào Cay và Vĩnh Phú ngoài Bắc.

Thực sự, thì trước năm 1975, khi giáo sư Nguyễn Ngọc Huy còn làm phó chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, tôi có tham gia đảng Tân Đại Việt của Giáo sư Huy nhưng chỉ với chức vụ phó Bí thư.

Giữa tháng 6 năm 1975, Ủy Ban Quân Quản Thành phố Sài gòn, ra lịnh tất cả quân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa phải trình diện học tập cải tạo. Tôi xin ba tôi mười ba ngàn đồng, bằng nửa tháng lương công chức hạng A của tôi (là hạng có mức lương khá lúc bấy giờ) để đi trình diện tại trường Lê văn Duyệt ở Gia Định.

Theo lời kêu gọi đăng trong báo chí và đài phát thanh lúc bấy giờ, “chính phjủ cách mạng” yêu cầu chúng tôi mang mùng mền, thức ăn và tiền bạc để đóng tiền ăn trong một tháng. Trước đó, hạ sĩ quan quân đội cũ được yêu cầu đi học một tuần rồi về làm ăn. Vậy là mọi người đều đinh ninh rằng vậy là những người chịu trình diện, chịu đầu hàng, sẽ chỉ học tập chính trị trong vòng một tháng để hiểu biết đường lối, chính sách của chế độ mới, rồi chắc chắn sẽ được cho về làm ăn. Vì nếu không thả về sau khi học một tháng thì đóng tiền làm gì. Không lẽ nhà cầm quyền vừa thắng trận lại lường gạt kẻ bại trận sao?

Do đó, khi em tôi chở tôi đến trường nữ Trung học Lê văn Duyệt, thấy hai đầu đường có hai xe tăng chỉa họng súng về hai phía của đầu đường Lê văn Duyệt, tôi có cảm giác không yên, lòng xao xuyến khó tả. Sao kỳ quá vậy. Súng ống, xe tăng sắp hàng như đang chuẩn bị đánh trận.

Cũng ngây thơ như tôi, anh Trương chí Thiện là đoàn viên Phong Trào Quốc gia Cấp Tiến và là Tổng Thơ Ký của Liên Minh các đảng gồm Cấp Tiến, Công Nông… không nằm trong diện phải đi trình diện cải tạo. Từ cấp bậc Phó Chủ Tịch và Chủ Tịch cấp quận trở lên mới phải trình diện mà thôi. Nhưng anh Thiện làm ký giả báo Tàu, sau ngày 30 tháng 04, các báo đều bị đóng cửa, ngưng hoạt động, ở nhà cũng buồn, nên xin đi trình diện cùng với anh Trương Tấn Lộc là Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến là cựu Nghị Viên Hội Đồng Đô Thành Sài gòn. Anh Thiện không thuộc diện này nhưng cũng nhất định xin đóng tiền để được học tập, hy vọng sau khi học xong sẽ có “giấy chứng nhận” đã học tập để dễ làm ăn sau này, không còn “bị làm khó dễ”.

Anh Thiện cũng lầm tưởng chỉ đi trong một tháng mà thôi.Sau đó anh ở tù hơn 7 năm, bị bịnh lao phổi, ho ra máu trong trại và anh được về trong bịnh hoạn, tức tối vì bị lường gạt.

Ở trường Lê văn Duyệt, chúng tôi được nhà hàng Bát Đạt đem cơm tới mỗi ngày, cho nên bữa ăn nào cũng thịnh soạn, ăn uống dư thừa, được cho ăn no và ngon nữa nên cứ nghĩ rằng nhà nước mới tử tế, chiêu đãi "trại viên" bằng thức ăn của nhà hàng sang trọng bậc nhất nhì của thành phố Sài gòn.

Sau vài ngày làm thủ tục ghi tên đóng tiền, nộp giấy căn cước, họ phân chúng tôi thành từng đội, tạm thời ở trong các phòng học của nhà trường.

Giữa đêm, đang ngủ ngon giấc, bỗng nhiều ánh đèn “pin” chiếu sáng vào mùng, gọi chúng tôi thức dậy gấp, thu dọn đồ đạc cho gọn nhẹ để di chuyển. Trong đầu óc anh em chúng tôi hết sức hoang mang, đi về đâu, đem ra biển Vũng Tàu thả xuống biển hay đi đâu mà lại lên xe hơi, kéo cửa xe xuống kín mít để không cho ai nhìn thấy và lại đi nửa đêm. Tới gần sáng, chúng tôi được chở vô làng cô nhi Long Thành. Chúng tôi được phân vào dãy bên trái của làng cô nhi. Khu vực này dành cho anh chị em đảng phái chính trị.

Họ phân ra 4 khối: khối một là khu dành cho các viên chức hành chánh từ cấp Chánh Sự Vụ trở lên, các Dân Biểu, Nghị sĩ của Việt Nam Cộng Hoà. Khối hai dành cho những người hoạt động trong đảng phái chịnh trị chống cộng. Khối ba là khối Tình báo đa số làm trong Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo. Khối bốn là các viên chức trong ngành Cảnh Sát quốc gia.

Chúng tôi, hoạt động đảng phái được xếp vào khối hai, ở dãy nhà bên tay trái của trại, phân ra nhiều đội. Trong số những viên chức lãnh đạo, tôi nhớ lúc bấy giờ có Luật sư Trần văn Tuyên, Ông Vũ Hồng Khanh, Cựu Nghị Sĩ Trần Trung Dung, Trong đội tôi có Nguyễn Ngọc Minh, anh có 6 người con, là Chủ Tịch đảng Tân Đại Việt quận 5, chủ nhà in. Anh nói với tôi là anh còn 40 triệu ở ngân hàng cho nên anh làm kế hoạch nuôi heo gởi lên cán bộ để hy vọng lấy được số tiền này ra. Đó là hy vọng của anh. Anh đang ở trong tù mà vẫn còn thơ ngây, tin tưởng họ sẽ trả lại cho anh số tiền 40 triệu đồng đó. trong khi ngoài kia, Cộng sản đang chuẩn bị đánh tư sản, cầm tù những người có tài sản mà anh lại còn hy vọng lấy được số tiền này nữa. Nhìn chung, những người quốc gia hoạt động chính trị của phía chúng tôi đa số đều ngây thơ như thế.

Trong tù tôi gặp lại giám đốc Nha Khảo Thí Nguyễn Kim Linh mà trước đây tôi có làm việc hai năm ở nha Khảo Thí. Tôi gặp lại thầy Hà Khải Hoàn, thầy dạy tôi môn Việt văn ở trường trung học Cần Giuộc năm 1957, 1958 nay là phó Giám Đốc Nha học chánh thuộc Bộ Giáo Dục.

Từ Thủ Đức đến trại Lào Cai

Cũng được gọi bất ngờ giữa đêm tối, yêu cầu sắp xếp đồ đạc gọn gàng, hai người chung một cái còng, từ trại Long Thành chúng tôi bị đưa về giam ở nhà tù Thủ Đức. Ở đây không có cuốc đất trồng khoai. Mỗi ngày đọc báo “nhân dân” tờ báo của đảng Cộng Sản. Tuy ở gần Sài gòn nhưng từ ngày trình diện giữa tháng 6 năm 1975 đến nay, đã hơn một năm trời, gia đình không biết chúng tôi còn sống hay đã chết và bị giam giữ ở đâu.?

Tháng 12 năm 1976 chúng tôi được kêu ra sân tập họp cũng hai người cùng chung một còng số 8 lên xe chạy trên xa lộ Biên hoà và đưa xuống bến sông Sài gòn giữa đêm khuya, để lên tàu chuyển ra Bắc.

Lần lượt chúng tôi xuống hầm tàu còn dấu vết than đá trên nền. Khi tàu chạy, họ đóng nắp hầm tàu lại, chúng tôi bị ngộp thở và đã la hét ôm sồm, nấp hầm mới được kéo ra để chúng tôi thở.

Trong chuyến đi này bạn tôi là Lê Như Ninh, người công giáo giới thiệu cho tôi biết Đức Phụ Tá Giám Mục Sài gòn, sau này là Hồng Y Nguyễn văn Thuận, cùng ra Bắc một chuyến với chúng tôi. Anh em đi vệ sinh bằng "sô" xách nước. Khi cái sô đầy phân và nước tiểu thì xách lên trên "boong" tàu để đổ xuống biển. Nhiều khi đang lên cầu thang bị sóng đánh, tàu nghiêng sô nước tiểu và phân người đổ vào đầu, vào cổ, vào áo quần anh em đang ngồi ở phía dưới. Anh em nào bị dính phân, nước tiểu vào người cũng phải chịu trận như vậy trong suốt mấy ngày tàu chạy lênh đên trên biển chứ đâu có được tắm rửa gì đâu?

Con tàu chở tù miền Nam đến cảng Hải phòng vào buổi sáng mùa đông năm 1976. Trời lạnh buốt. Vài chiếc tàu nhỏ đậu ở cảng giống như ở bến đò quê nào đó, chứ không thấy gì to lớn cả. Trời thì lạnh mà đa số anh em tù không có đủ áo quần ấm để mặc hầu có thể chống lại cái lạnh, cái rét của mùa đông miền Bắc. Năm đó có lúc lạnh tới 6 độ C lạnh gần đông đá.

Mùa đông năm 1976, trời quá lạnh, có khi nửa tháng tôi mới dám tắm một lần. Mỗi lần xối nước lên mình, nước bốc thành hơi, khói bay lên mù mịt. Khi nói chuyện, thấy hơi nước bay ra khỏi miệng. May mắn thay tôi có mang theo cái áo mưa lớn bằng “nylon”  rộng thùng thình quá đầu gối. Nhờ nó, tôi chịu đựng được cái lạnh mùa đông năm 1976 và những mùa đông kế tiếp. Cái áo mưa này tôi vá đùm, vá chụp hơn chục miếng vá, đến nỗi “cán bộ quản giáo” tức cai tù nói: “Anh không còn cái áo nào khác sao mà anh cứ mặc cái áo này vậy”. Cái áo này vá tứ tung làm xấu hổ cán bộ cai tù chăng? thấy sự nghèo khổ tột cùng của tôi, không có cái áo lành lặn mà mặc?. Có những anh em khác còn may bao bố để mặc khi gia đình chưa có gởi áo quần vào, trông còn tệ hơn là cái áo vá đùm vá chụp của tôi nữa.

Xuống xe tại cổng trại trung ương số 1 Lào Cai, chúng tôi được dẫn vào khu nhà khá sạch sẽ. Được cho ăn bữa chè nóng hổi. Mấy ngày sau, ngày nào cũng ăn cơm trắng, thịt cá đầy đủ. Chúng tôi có cảm tưởng ở miền Bắc, công an tử tế hơn trong nam. Nhưng chỉ được vài ngày rồi thôi. Mỗi bửa ăn chỉ là một miếng bánh mì mỏng dính, xẹp lép chưa được nửa nắm tay. Ăn hết rồi vẫn còn thấy đói. Có khi trại phát bắp luộc, được vài ba trái. Ăn bắp trái, càng thấy đói hơn nữa vì ba trái bắp thì ăn được mấy hột. Có hôm, chúng tôi được phát bánh mì, nhưng trộn lẫn với than đá. Ăn vào đụng răng, nghe lộp cộp, không thể nhai được. Nhà bếp thu hồi lại, nấu thành cháo, phát cho một ít nước bánh mì để cầm hơi. Đói quá, không ngủ được, nhưng chúng tôi cũng phải chịu chớ có kêu ca được với ai bây giờ.

Lúc nào cán bộ cũng theo dõi chúng tôi xem chúng tôi có nói lời nào chống đối họ không?. Có tìm cách trốn trại không. Vậy mà năm 1976 cũng có mấy anh trốn ra khỏi trại, nhưng đều bị bắt lại ngay hôm đó vì không thể đi xa được. Đa số những người sinh sống ở vùng này là dân tộc thiểu số. Trong trại này, khi chúng tôi đến ở, đã thấy trên các tấm ván trên các hộc đựng đồ lĩnh kỉnh ở đầu chỗ nằm, có khắc tên người Mỹ đã từng bị giam ở đây. Sau này tôi mới biết trại này cũng từng giam tù binh Mỹ. Đó là trại Trung ương số 1 Lào Cai. Đây là trại kiểu mẫu giam tù chính trị.

Trại K3 và K4 Vĩnh Phú

Tôi ở trại K3 Vĩnh Phú ròng rã bốn năm trời. Trại này có nhiều kỹ niệm với tôi hơn hết. Một người tôi không bao giờ quên tên được, đó là đội trưởng đội hai, đội trồng bắp, trồng khoai lang, khoai mì. Sau đó, đương sự nhờ quá tích cực được cất nhắc lên làm thi đua toàn trại K3 Vĩnh Phú. Người đó là Phạm Đình Thanh.

Khi Trung Quốc chuẩn bị tấn công vào các tỉnh tiếp giáp với Việt Nam, Cộng Sản đưa chúng tôi xuôi về miền nam. Hai bạn tù bị còng tay với nhau, đẩy lên xe bít bùng. Trong khi di chuyển, bên ngoài trời mưa to, xe lắc lư dữ dội, khi chạy có lúc tôi cảm thấy chắc là sắp sa xuống thung lũng hay xuống hố sâu. Tôi ở phía trong xe, gần tài xế, khi xe ngả nghiêng, lôi kéo cả mấy chục người tù từ phía sau xe, chúi mũi dồn về phía trước, đè lên chúng tôi, tưởng đâu đã ngộp thở.Tôi nghĩ chắc mình sẽ chết vì ngộp thở, hay có thể chết vì xe lăn xuống hố và rồi gia đình vợ con, chẳng có ai biết được mình chết ở đâu?.

Mùa hè năm 1978, tôi bị đưa về trại K3 Vĩnh Phú, nơi có đền thờ vua Hùng Vương. K3 Vĩnh Phú nằm ở giữa thung lũng, núi đồi vây phủ xung quanh. Ở đây tôi gặp Cha Khoa tự Khải, Hiệu Trưởng trường trung học Đồng Tiến, Cha Thấy ở Mỹ Tho bị bắt vì trong xe có tiền bạc triệu lúc bấy giờ là số tiền lớn. (Lương công chức hạng A khoảng 30,000 hay 40,000 đồng một tháng).Tôi được phân chia vào đội trồng khoai lang, khoai mì. Mỗi sáng sau khi được phát cho một củ khai lang hay khoai mì nho nhỏ, vác cuốc ra rẫy, cuốc đất, lật từ vuông đất lên, rồi bừa cho nhuyễn để khi mưa xuống gieo hột bắp hay đặt các dây khoai lang. Không đủ trâu để cày, nên người tù chúng tôi phải thay trâu kéo cày.

Tôi ở chung với Luật sư Lê Như Ninh, sống ở Nha Trang, ở tù vì tham gia đảng Dân Chủ, và các anh Võ văn Bé, Phùng văn Chấn, Lê Tấn Hà... nhân viên Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo. Những tháng ngày dài lê thê sống ở K3 này công việc thường là cuốc đất, trong khi ngày ba bữa ăn toàn bo bo không xay. Sau khi ăn chừng năm mười phút thì tất cả bo bo đều được tống ra ngoài hết vì bao tử người không thể tiêu hoá bo bo không xay, bo bo còn nguyên vỏ được. Loại này dùng để cho ngựa hay trâu, bò ăn. Cho nên chúng tôi ăn bo bo được vài tháng, mọi người chỉ còn da bọc xương giống như những con khỉ ốm đói biết đi, những con ma đói đang cuốc đất. Mỗi lần phát cơm, phân chia cơm, mỗi người được một nắp bình thủy cơm, còn là bắp trái loại cứng ngắc nhai không được. Tù nhân chỉ được ăn loại bắp cứng dành cho trâu bò.

Đói mờ mắt. Đói triền miên. Đói dữ dội. Đói quá có nhiều anh em ăn bất cứ thứ gì anh em nghĩ là có thể ăn được, nên anh em thường nói: “cái gì nhúc nhích thì ta ních liền”. Ra ngoài đồng gặp rau má, rau tàu bay, bất cứ thứ rau gì tù nhân đều ngắt ăn sống. Có người khi đi ra đồng làm việc, ăn rau trừ bửa, hay gom ba phần của trại phát, sáng trưa và tối, ăn một lần buổi tối cho no. Anh em tù đa số đều bị bịnh phù thũng. Mùa đông năm 1978 là mùa đông khủng khiếp nhất trong đời tù của chúng tôi. Lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là mưa phùn, gió bấc. Ở trong Nam chỉ có mưa nắng hai mùa chứ chưa bao giờ gặp cảnh mưa gió mà còn lạnh lẽo liên tục như thế.

Tôi còn nhớ anh Quế là Giáo sư ở Quảng Nam, Đà Nẳng, là Thanh tra của Sở Giáo dục. Anh bị tù vì tham gia đảng Dân Chủ. Vì quá ốm yếu nên làm việc chậm chạp, cuốc đất không đạt “chỉ tiêu trong ngày”, bị đội trưởng cự nự. Anh cố cuốc mạnh tay hơn, nhanh hơn, nhiều hơn. Tối hôm đó vào khoảng hai ba giờ khuya, anh em nằm gần bên anh Quế hô to lên:

“Anh Quế chết rồi ”.

Không ai biết anh Quế chết vì bịnh gì, nhưng chắc chắn anh đã chết vì bị thiếu ăn, bị bỏ đói lâu dài, bị kiệt sức mà thôi.

Mới mấy hôm trước trong đội tù cũng có người chết vì ăn cóc nướng ở lò rèn. Có lẽ vì anh nướng vội vã, không kịp làm sạch sẽ, nên khoảng vài giờ sau khi ăn thịt cóc, chừng nửa đêm, anh kêu đau bụng, không có thuốc và cũng không chở đi cấp cứu kịp và hôm sau thì anh chết.

Trong thời gian này khoảng cuối năm 1978 đầu năm 1979, cứ vài ngày là có vài người ra đi. Anh em liên tục đóng hòm chôn cất bạn tù. Vài người tù khiêng bạn mình ra bìa rừng, chôn vội vàng vùi dập. Không có ai được phép khóc thương. Vợ con ở nhà cũng chẳng hay. gười, một tù nhân đã chết.

Ở K3 Vĩnh Phú tôi có gặp Nguyễn Minh Diệu học cùng lớp trường Trung học Cần Giuộc 1955 - 1959. Gặp Phan tấn Ngưu ở K5, gặp Dương Bồng Quảng con chủ nhà máy xay lúa ở Chợ Trạm, bạn học chung ở trường Tấn Thành, Chợ Trạm 1954-1955.


Những tháng này là thời gian đói khát dữ dội nhất và cũng bị kềm kẹp, khống chế nhiều nhất. Một lời nói than van hay dèm pha nhà nước được báo cáo lên cán bộ là có thể bị cùm chân, cùm tay từ 14 ngày trở lên.

Một lần đang ở trong phòng nghe tiếng la thất thanh ở bên ngoài, tôi dòm qua cửa sổ phòng giam thấy 4 cán bộ đang đá một tù nhân như đá banh. Họ đá anh này từ trái sang phải, từ góc nầy sang góc kia, đá chán thấy mệt, họ mang anh vào phòng giam riêng.

Mùa hè năm 1982, tôi được chuyển sang K4 Vĩnh Phú và được đưa về đội 8, đội làm ruộng. Tôi được biết đây là nơi thường giam giữ những người tội nặng của miền Bắc. Vùng này có tên là Mai Côi, Thác Guồng. Đến Mai Côi, Thác Guồng này mà được trở về đời sống bình thường là chuyện hy hữu. Thông thường đã bị giam ở đây coi như sẽ chết.

Mỗi buổi sáng sớm chúng tôi vác cuốc ra ruộng, lội xuống nước sâu quá đầu gối. Ruộng này là vũng nước ao tù, là vùng tận cùng là chỗ trũng, nước từ các con suối ở thượng nguồn trong vùng rừng núi trên cao gôm về, cho nên chứa đủ tất cả các chất độc nhất do lá rừng, vi trùng, chất thối rửa của súc vật, côn trùng qui tụ về đây. Chúng tôi làm ruộng này chừng một tháng thì rụng hết lông chân và bị sốt vàng da. Loại sốt này rất đặc biệt, ai bị bịnh này không thể đứng được, tay chân rã rời, không ăn uống gì được, nếu ăn chút cháo cũng bị ói ra hết. Mỗi khi bị bịnh, không đi đứng được, phải nhờ bạn bè cõng.

Trong đội 8 của chúng tôi quá nửa đội bị bịnh sốt vàng da. Anh Minh cùng đội đã phải cỏng anh Đề lên trạm xá, vài ngày sau anh Đề lại cõng anh Minh lên trạm xá vì bịnh này. Tôi cũng bị bịnh này không ăn uống được hơn một tuần lễ. Nếu không có bác sĩ Thịnh biết cách điều trị bịnh này, chắc tôi cũng như nhiều anh em tù khác đã được chôn cất ở bìa rừng thuộc thung lũng Mai Côi, Thác Guồng của tỉnh Vĩnh Phú này.

Mai Côi, Thác Guồng là địa danh mà dân miền Bắc, Hà nội rất sợ, đó là nơi “đi dễ, khó về”. Một lần trong dịp Tết ta, anh em trong trại đang nấu nướng vì được nghỉ ngơi trong mấy ngày này. Vợ một anh lính gác, áo quần vá nhiều chỗ, ẩm đứa con, đi vào bên trong trại tìm xin thuốc uống cho con. Chị này đi hỏi anh em nào có thuốc cảm hay thuốc ho để cho cháu dùng. Tôi không hiểu tại sao chị không lên trạm xá của công an. Nhưng tôi thấy chị ăn mặc áo quần vá víu như thế, chứng tỏ chị cũng nghèo quá, khổ như chúng tôi mà thôi. Chúng tôi ở tù trong, thì chị ở tù ngoài.

Tôi còn nhớ có lần đi làm rẩy ở Vĩnh Phú, gặp dân chúng ngoài đường, họ nói: “Tôi tưởng mấy anh sẽ giải phóng chúng tôi chứ, tôi đâu có ngờ ngày hôm nay tôi gặp các anh ở đây”

Sau mấy năm thấy tù nhân chết quá nhiều, trại cho tổ chức nhận quà năm ký từ miền Nam, để cho vợ con của tù nuôi tù, đỡ gánh nặng nhà nước. Sau này, mới hiểu sở dĩ có vụ cho thăm nuôi là vì bắt đầu có thương thuyết vơi phía Mỹ về sô phận tù chính trị của miền Nam. Nếu để bọn tù chết hết, đâu còn thứ gì mang ra đổi chác với Mỹ được. Do vậy, nhiều khi gia đình gởi nhiều hơn năm ký mỗi ba tháng cũng được cho thông qua vì khi có quà cáp anh em cũng có biếu cán bộ như thuốc lá, đường, bánh trái, thuốc uống trị bịnh cảm, thuốc bổ, vitamin, thuốc sốt rét…

Trại Hà Nam Ninh

Cuối năm 1982, chúng tôi được chuyển đến trại Hà nam Ninh gần Hà nội. Đây cũng là lúc diễn ra nhiều thay đổi.

Một lần khám xét đồ đạc của tù, thấy mấy cuốn sách về Lê Nin, một cán bộ coi tù nói “giờ này mà còn đọc cuốn sách này”. Từ câu nói này, tôi thấy văn hóa miền Nam đã tác dụng ngược trở ra miền Bắc.

Khi tôi còn bị giam giữ ở K3 Vĩnh Phú cán bộ cấm chúng tôi hát nhạc vàng, gọi là “nhạc ngụy”, nhạc làm cho mất nước. Nếu có ai hát nhạc vàng bị báo cáo lên thì có thể bị cùm chân bị giam riêng. Cái nón có mũ lưỡi trai ở phía trước cũng bị chê là của Mỹ ngụy yêu cầu cắt bớt. Đội nón từ miền nam đem ra là bị phê bình, chỉ trích. Đi dép râu thì được. Nón cối thì được. Cái gì của miền nam đều là xấu cả.

Nhưng rồi một hôm tôi được phân công nhổ cỏ ở chung quanh khu nhà cán bộ ở vì lúc đó tôi bị bịnh quá không ra ngoài đồng cuốc đất được. Tôi nghe từ trong phòng của cán bộ đang hát nhạc vàng của miền nam. Tôi bắt đầu suy nghĩ, cấm tù nhân hát nhạc vàng mà cán bộ lại hát nhạc vàng. Như vậy văn minh, văn hoá miền nam đã ảnh hưởng ra miền Bắc bằng chứng là nhạc vàng bị cấm hát, nhưng họ lại thích nghe, say mê những bản nhạc vàng đó.

Bắt đầu ở đây anh em hát “nhạc vàng” thoải mái. Ban đêm, bên ngoài buồng giam có lính gác đi tuần kiểm soát, bên trong anh em hát “nhạc vàng” không còn bị phạt nữa. Trong trại lúc bấy giờ tôi nhớ có thầy Hòa là Đại Đức tuyên úy Phật giáo, thuộc hàng trăm bài hát “nhạc vàng”. Thầy Hoà có thể hát liên tục vài giờ cũng không hết nhạc. Đêm nào không hát, cán bộ ở bên ngoài còn yêu cầu anh em hát “nhạc vàng” cho vui. Cán bộ cộng sản đã mê “nhạc vàng” rồi.

Văn minh, văn hóa miền Nam Việt nam đã ảnh hưởng vào tâm tư, tình cảm của người cộng sản miền Bắc.

Sau ba mươi năm tất cả những điều gì trước đây họ chỉ trích, họ cấm đoán, họ bỏ tù ngày hôm nay họ cho thực hiện lại hết như buôn bán tự do, không còn ngăn sông cấm chợ nữa. Nhưng họ áp dụng chế độ tư bản theo luật rừng rú vì tất cả luật pháp cũ họ đều hủy bỏ mà luật lệ mới chưa thành hình. Khi chiếm miền nam xong, họ đóng cửa trường Luật, đóng cửa trường Đại học Văn khoa Sài gòn.

Sau khi thắng trận họ tưởng làm kinh tế như đánh đấm ngoài mặt trận. Bán cà phê vĩa hè, hớt tóc vĩa hè cũng phải vô hợp tác xã. Do đó mà toàn dân phải ăn độn bo bo, ăn gạo có nhiều bông cỏ, trước khi nấu phải mất rất nhiều thì giờ lượm bông cỏ ra.

Sự dối trá đã ăn sâu vào nhà cầm quyền lẫn dân chúng, phải lường gạt nhau để sống. Nhà cầm quyền lường gạt dân. Dân lường gạt nhà cầm quyền và lường gạt lẫn nhau. Lương tâm của con người đem dấu vào sọt rác.

Nếu sống đàng hoàng, mua bán đàng hoàng thì không sống nổi. Nên dân chúng phải lươn lẹo. Trong giai đoạn ngăn sông cấm chợ, muốn sống còn, phải dối trá, phải lươn lẹo, đi mua thịt lậu từ dưới quê lên để bán, mua đường, mua áo quần cũ, mua bán đồ phế thải. Chở ít gạo từ tỉnh này sang tỉnh kia để kiếm lời. Khi đi buôn bán nếu qua mặt được công an kinh tế thì sống, nếu bị bắt thì mất vốn. Nhưng không buôn bán thì lấy gì mà sống.

Hôm nay nhà cầm quyền thông báo nói không đổi tiền, sáng hôm sau, giới nghiêm, đổi tiền làm cho nhiều người sạt nghiệp. Thông cáo kêu gọi quân nhân, công chức, sĩ quan trình diện học tập trong một tháng, nhưng giam mãi không biết ngày về, không ra tòa kêu án, ngồi bốc lịch dài dài. Mỗi ba năm anh em gọi là một “cây gậy”. Không ai biết mình sẽ phải ở mấy “cây gậy” đây? Ba năm, sáu năm, chín năm, mười hai năm … Ở tù không biết ngày nào về với gia đình hay vĩnh viễn sống trong miền rừng núi Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh …Trung Quốc có Tân Cương. Nga sô có Tây Bá Lợi Á dành cho tù nhân vĩnh viễn định cư ở đó.

“Tù cải tạo” dành cho người miền Nam thua trận thực sự không hy vọng có ngày trở về với gia đình, nếu những lãnh tụ cộng sản không thình lình thấy là mạng sống của đám tù này bỗng là thứ có thể thương thuyết đổi chácvới phía Mỹ. Nhờ vậy mà trình trạng nhà tù bỗng thấy dễ thở hơn.

Thời gian sống tại trại Nam Hà là thời gian thoải mái nhất trong cuộc đời ở tù. Lúc này quà cáp thường xuyên gởi ra từ vợ con ở trong nam. Cán bộ đã cởi mở hơn. Họ đã nhìn thấy sĩ quan, công chức miền Nam không phải là những người ăn gan, uống máu. Họ đã hiểu phần nào về người bại trận.

Thân nhân của các tù nhân từ trong Nam gởi tiền ra cho chúng tôi, để chúng tôi mua thịt cá, trái cây. Nhiều khi cán bộ dễ dãi để chúng tôi nấu chè, nấu cơm, nấu canh chua trong phòng giam. Họ dễ dãi cho nấu nướng là để họ bán được hàng, để họ kiếm thêm tiền. Với cái lon Guigoz chúng tôi kho thịt, nấu cơm, nấu canh v.v…thật là tiện dụng. Cần giẻ rách, một ít dầu là chúng tôi có thể đun một nồi chè ở trong phòng giam.

Mỗi sáng chúng tôi đi ra đồng làm cỏ để cấy lúa. Tôi thấy nhiều người ra đồng quá trễ. Hơn 11 giờ mới cầm cuốc, lếch thếch kéo ra đồng làm việc.

Tôi hỏi họ: “Sao các anh đi làm trễ quá vậy?”

Họ trả lời: “Đi ra sớm mà làm gì. Làm cho hợp tác xã chứ có phải cho mình đâu. Làm nhiều, làm ít cũng chia chác như vậy mà thôi.”

Khi cuốc đất, họ khều khều vài lát cuốc như phủi bụi; một lát, họ đã kéo nhau về nghỉ. Tôi suy nghĩ dân miền Bắc làm việc như vậy hỏi rằng khá giả làm sao được. Vậy mà họ đã thắng miền nam. Thế mới lạ chứ.

Nếu “Trương Chi đẹp trai” đó là tựa bài viết của Dương Hùng Cường để mô tả dân miền nam nghe tiếng hát Trương Chi thì những người nhẹ dạ rất mê, rất thích nhưng trong thực tế thấy gương mặt của Trương Chi thì không còn có thể mê được nữa. Nghe Cộng Sản tuyên truyền thì đa số đều rất thích nhưng thực tế, họ làm ngược lại những điều họ nói, nên sau khi chiếm miền nam rồi thì “Nếu cái cột đèn biết đi nó cũng bỏ xứ mà đi”. Cho nên dân miền Nam không bao giờ quên được câu nói để đời của Cựu Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”

Ba tôi có cảm tình với Việt Minh, Cộng sản vì bạn của ba tôi là ông tư Lê đã theo kháng chiến từ những năm 1945. Khoảng năm 1948, 1949 Việt Minh đánh đồn Chợ Núi, quận Cần Giuộc, Tư Lê có vào nhà ba tôi để trò chuyện. Ba tôi cho mượn ống quẹt để châm hút thuốc lá. Sau trận đánh đồn đó ba tôi bị ông Tổng Nhì và Pháp bắt, đánh để khai thác về Việt Minh (Cộng sản) và ba tôi đã bị bịnh nhiều, nằm điều trị ở nhà gần một năm.Từ đó ba tôi rất hận và ghét Pháp và có cảm tình với Việt Minh. Sau này dĩ nhiên ba tôi cũng không có cảm tình với người Mỹ và quân đội quốc gia. Khi tôi ra ứng cử Nghị viên Hội đồng đô thành Sài gòn, để chuẩn bị ứng cử Dân Biểu, Nghị sĩ sau này, ba tôi đã nói: “Ẩm tao ngồi chức đó tao cũng nhảy xuống” có ý nói với tôi là “bỏ tiền ra ứng cử chi cho tốn kém, mất thì giờ” mà ba tôi cũng không ưa chức vụ đó nữa.

Khi di chuyển từ K4 Vĩnh Phú qua trại Hà nam Ninh, tôi được đưa về phân trại A. Tôi gặp đủ hết các anh em cùng bị giam chung với tôi ở Long Thành như Mai Kim Đỉnh cùng học chung ban Cao Học trường Chính Trị Kinh Doanh ở thương xá Tax, Sài gòn những năm 1972-1974, Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa chủ nhiệm của Ban Tuyên Huấn của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến và của đảng Tân Đại Việt. Gặp lại một số học trò cũ bị giam ở đây vì theo nhóm kháng chiến “phục quốc”, chống Cộng sau năm 1975.

Nhóm này cũng ở tù khá lâu, bảy, tám năm hay hơn nữa nhưng khi có chương trình HO để đi định cư tại Hoa Kỳ thì những người này không được xếp vào diện HO vì họ được xem là những thành phần chống đối sau năm 1975.

Sống ở phân trại A một thời gian ngắn, họ lại tách một số chúng tôi ra, di chuyển về phân trại C của trại Hà Nam Ninh.

Không khí tù đày đã dễ thở hơn so với những thời gian trước. Khi chúng tôi có quà cáp thăm nuôi đã đút lót cán bộ thuốc lá, bánh kẹo, thuốc uống từ trong Nam gởi ra. Chúng tôi được mua thức ăn do cán bộ tổ chức bán như thịt heo, thuốc lá. Ngay cả rượu chúng tôi cũng có thể mua được bằng cách liên hệ với người dân sống chung quanh trại.

Tôi đã ở tù lâu quá rồi, gần tám năm. Mang trong người đủ thứ bịnh, không chết là may mắn lắm rồi.

Sau khi ăn Tết trong trại Hà Nam Ninh chừng vài tháng, cán bộ gọi anh em tập họp lại, ngồi ngoài sân, gọi tên từng người sang ngồi một bên và yêu cầu đứng lên vào phòng thu dọn đồ đạt. Lúc đó, anh em mới biết mình sẽ được thả cho về.

Khi ra khỏi trại, tôi không muốn nhìn trở lại chỗ mà tôi đã bị giam cầm trong thời gian dài ở đó.

Xe hơi chở chúng tôi bỏ vào khu nhà ga xe lửa chờ có chuyến đi vào trong nam. Vài người trong chúng tôi đi tìm cà phê để uống. Phố xá tiêu điều. Thành phố Hà Nội lúc bấy giờ (đầu năm 1983) là thành phố chết, không có buôn bán gì. Uống cà phê cũng phải uống chui. Đi ra nhà sau của tiệm cà phê không có bảng hiệu gì cả, mua cà phê đen uống với đường đã là quí lắm rồi. Họ không có bán cà phê sửa vì đó là một xa xỉ phẩm.

Ngồi trên xe lửa xuôi về miền Nam, đến Quảng Ngãi chúng tôi còn mấy bộ áo quần cũ trên bảy năm, mùng mền mang theo lúc đi trình diện vậy mà tôi bán cũng được mấy chục đồng bạc lúc đó. Với số tiền này tôi mua được tô hủ tiếu để ăn uống dọc đường.

Khi đến ga Hàng Xanh trời vừa sáng. Tôi chỉ còn đủ tiền để kêu chiếc xe xích lô chở về bến xe Phạm thế Hiển. Leo lên xe Lam chạy dọc đường Phạm thế Hiển, tôi nhìn không ra được con đường cũ mà tôi đã đi qua lại thường xuyên trước năm 1975. Bây giờ, sau gần tám năm, cảnh vật thay đổi nhiều quá. Nhà cửa xây cất thêm lấn ra lề đường. Có những nhà mới cất tôi nhìn không ra. Về tới nhà lúc nào tôi cũng không hay.

Bước vào nhà của mình mà thấy quá xa lạ. Có mấy đứa trẻ con ngồi học ở trong nhà mà tôi đâu có biết đứa nào là con tôi đâu. Khi tôi đi “học tập cải tạo” con út tôi mới vừa tám tháng, khi về đứa út cũng đã 8 tuổi rồi, làm sao tôi biết nó cho được. Đứa con trai 9 tuổi chạy xuống nhà sau, lúc đó bà xã tôi đang nấu cơm. Nó nói: “Má ơi có ông nào vô nhà kìa.”

Tôi vừa bước vô nhà mình, đi thẳng ra phía sau nhà, gặp bà xã đang nấu cơm, gặp cậu bảy Bích, tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi đã khóc, không thể nào cầm giữ nước mắt cho được. Người ta khóc vì buồn rầu, đau khổ. Tôi khóc vì tưởng chừng như đã chết rồi mà được sống lại. Tôi đâu có ngờ tôi còn sống để được về với gia đình sau gần 8 năm trong các trại tù khắc nghiệt ở các miền thượng du, núi rừng âm u miền bắc.

Giấy ra trại ký ngày 28 tháng 02 năm 1983, ngày tôi về tới nhà trình diện công an phường là 9 tháng 3 năm 1983 ngót nghét còn ba tháng nữa là đủ 8 năm tù, vì cái tội duy nhất là tội tham gia đảng phái quốc gia.

Ngẫm lại, tôi thấy mình còn được ông trời thương, được sống sót về với gia đình, để cho các con của tôi có cha, cho tôi có cơ hội phụ giúp phần nào sinh kế cho gia đình vợ con. Và rồi sau cùng, có cơ hội đưa gia đình tới được nước Mỹ tự do để làm lại cuộc đời.

Xin tạ ơn trời, tạ ơn người, và biết ơn nước Mỹ.

Ngày 26 tháng 04 năm 2015

Phùng Văn Phụng

Ý kiến bạn đọc
15/09/201721:15:24
Khách
Kính gởi Ông Nguyễn Tiến Phương Nam, Cám ơn ông vẫn còn giữ bích chưong tranh cử với dấu hiệu cây tre của tôi. Tôi ra tranh cử năm 1974, về hạng 5, quận 8 và quận 7 chỉ lấy có 3 người ( Trang Sĩ Nam, Dương văn Long và một thiếu tá quân đội -quên mất tên- ) Dương văn Long đã mất.
21/04/201713:42:15
Khách
Xin lỗi có phải là Ứng cử viên Hội đồng Đô thành Phùng Văn Phụng-dấu hiệu Cây Tre không? (Tôi còn giữ bích chương tranh cử của ông)
03/06/201518:20:53
Khách
Cám ơn tác giả đã ghi lại những tàn ác của đám cầm quyền và những hành hạ mà tù nhân phải chịu.
Những chi tiết này rất quý cho con cháu tác giả, nói riêng, và thế hệ sau của người Việt, nói chung
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,689,083
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến