Hôm nay,  

Con Heo Đất

24/05/201500:00:00(Xem: 9887)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số 3524-16-29923vb8052415

Tác giả hiện là một bà giáo dạy trẻ tại Marrysville, thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Viện Bảo Táng Của Những Người Lính Bị Bỏ Quên" tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới của bà.

* * *

Sáng Thứ Bảy dọn dẹp nhà cửa, tôi thả con “robot” chạy vòng vòng cho nó hút bụi. Nó bỗng chui xuống gầm giường và húc nhằm con heo đất (nhựa) của tôi nằm sâu tận trong vách. Con heo này lâu nay tôi không cho “ăn” nên đói meo nhẹ lảnh, bị con robot ủi lăn cù cù. Nhúm tiền xu trong bụng heo va vào nhau kêu lẻng kẻng. Tôi chạy đi lấy cây chổi khều nó ra, lòng thấy xốn xang có lỗi. Từ ngày dọn đến đây vì bận rộn tôi đã quên mất nó. Ôm con heo lên, vài kỷ niệm cũ chợt hiện về làm tôi ngẩn ngơ.

*

Tôi mê heo đất từ khi còn bé. Thuở ấy không gì vui cho bằng mỗi lần kiếm được tí tiền còm, tiền thưởng vì đạt điểm cao, hay ngày Tết nhận lì xì mừng tuổi và đem…cho heo ăn. Tôi vẫn còn nhớ như in cái âm thanh rất đáng yêu khi những đồng xu rơi lộp bộp vào bụng heo đất. Cho heo “ăn” tiền giấy cũng hấp dẫn không kém. Gấp tờ giấy bạc làm nhiều lần cho vừa khe hở trên lưng heo, môi mím chặt, tôi nín thở nhét vào vì sợ mạnh tay làm rách, rồi ôm con heo lắc mạnh cho đến khi tiền rơi xuống bụng nó. Và cái cảm giác khi ôm con heo mỗi lúc một nặng dần thì thật tuyệt vô song.

Cho heo ăn đã thích rồi, nhưng sướng nhất vẫn là lúc “làm thịt heo”. Khi con heo đã nặng, đã dày kín những đồng tiền giấy và đồng xu, mẹ cho phép tôi đập ra để gom tiền mua quần áo, đồ chơi, và sau đó mẹ mua một con heo mới thay vào. Đưa con heo đất lên cao khỏi đầu rồi đập mạnh xuống nền gạch bông kêu cái “choảng”, tôi cảm thấy mình giàu ơi là giàu khi nhìn đủ loại tiền văng tung tóe. Chỉ nội cái ngồi vuốt thẳng những đồng bạc giấy ra rồi đếm, cũng thấy đã tay lắm lắm. Thói quen chơi heo đất theo tôi đến lớn, và theo luôn qua Mỹ.

Bạn đừng xem thường nha. Nuôi heo đất ngoài cái thú vui lâu lâu được dịp “đếm thật nhiều tiền” ra, đôi lúc nó còn giúp ta xoay xở, giải quyết được những chuyện nho nhỏ khi hữu sự. Kinh nghiệm khá ngọt ngào nhờ con heo đất đã đến với tôi vài lần. Một lần tôi có cơ hội “tự cứu” gia đình khi bị kẹt, lần khác nó đã giúp tôi làm thay đổi suy nghĩ của một người hàng xóm.

Khi đó gia đình tôi đến Mỹ mới mấy năm. Thấy mỗi lần đi chợ hay mua sắm về còn bao nhiêu tiền lẻ tôi ôm con heo ra nhét hết vào bụng nó, mấy thằng nhóc nhà tôi cười mẹ cổ hủ, còn ông xã thì chọc quê, đã qua đến Mỹ mà còn để dành tiết kiệm cái kiểu từ đời ông Bành Tổ. Tôi mặc kệ. Việt Nam mới qua còn ngơ ngáo, có vài người Việt rủ chơi hụi để dành tiền, nhưng lạ nước lạ cái tôi không dám, sợ bị giật. Thôi thì cứ nhét vào bụng heo cho chắc cú.

Một lần vợ chồng con cái chúng tôi chất lên chiếc xe hơi đã hơi “có tuổi”, đi San Francisco chơi. Sau khi dạo khắp nơi, từ cầu Golden Gate đến sở thú rồi hồ cá, bọn nhóc kêu đói bụng. Thằng cả lái xe vô phố Tàu Downtown kiếm chỗ ăn trưa. Chạy ngang qua mấy dãy nhà hàng, thấy gà quay vịt nướng xá xíu chưng đầy trong tủ kiếng làm cho bụng cứ sôi lên mà không tài nào kiếm được chỗ đậu xe. Nó cứ chạy vòng vòng hết đường này sang đường khác, từ leo dốc đến xổ đồi, quẹo phải rồi quẹo trái, cho tới khi xe hết xăng nằm vạ giữa đường. Vừa đói vừa mệt chúng tôi phải xúm nhau hì hục đẩy xe vào lề, rồi bố con chúng đi tìm mua một can xăng. Không ngờ xe leo nhiều đồi dốc nên quá nóng, sẵn trớn nó chết máy luôn. Đề hoài không nổ, lại phải gọi xe kéo đi bỏ shop chờ sửa chữa.

Thường thì tôi nào dám để tiền mặt trong nhà. Nhưng vì chiếc xe thuộc loại cà tàng, nên tôi cũng thủ sẵn một ít, hầu khi cần thì có mà trang trải “chữa bệnh” cho nó. Nhưng hôm sau tôi gọi cho tiệm sửa xe, họ “hét” một cái giá mà chỉ mới nghe thôi tôi đã gần muốn xỉu.

Buông chiếc điện thoại xuống, trong bụng tôi phát rầu. Làm sao có ngay cái khoản hao hụt dịch vật này gấp gáp như thế được chứ! Qua Mỹ chưa lâu, lo cắm đầu cắm cổ đi làm nuôi mấy đứa con ăn học cũng đủ bở hơi tai, đâu có biết gì đến chuyện apply mượn tiền tín dụng, cà thẻ xài rồi từ từ trả. Hồi nào tới giờ tôi vốn cẩn thận, khi muốn làm việc gì cũng phải có chuẩn bị trước. Từ nhỏ mẹ tôi thường nói, đàn bà con gái phải quán xuyến mọi việc trong gia đình. Đàn ông là cái “đó” đi đơm tiền, thì đàn bà là cái “toi” đóng lại để giữ tiền. Phải tính toán kỹ càng, chi tiêu đúng mức, và còn tiết kiệm lại để phòng khi hữu sự có mà xài.

Riết rồi thành thói quen, cho dù khi tôi trở thành cái “đó” cũng đi đơm tiền như ai, nhưng cái “đó kia” vẫn bắt “toi” tính toán cộng trừ nhân chia mỗi khi đến đầu tháng. Cứ hễ đến đầu tháng, khi phải đối diện với cái đống bill lùm lùm như “cái mả con voi” là tôi bị nhứt đầu. Tiền hai vợ chồng kiếm được không nhiều, nên phải tính toán chi li, nào trả bill, nào chi lặt vặt, nào lo cho bên Việt Nam, rồi còn tiết kiệm chút đỉnh để dành nữa chứ.

Nhưng tôi biết số tiền để dành ấy cất trong nhà thì không xong. Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống. Chưa kể đạo tặc ở bên ngoài, đạo không tặc ở trong nhà cũng kinh lắm. Người ta nói đồng tiền nối liền khúc ruột, nhưng ở Mỹ này đối với các mợ xí xọn như tôi phải nói là đồng tiền nối liền với khúc “shopping”. Tôi dù biết tiết kiệm nhưng lại phạm phải cái tật xấu tày trời là cũng biết mê thời trang, mê mua sắm. Tiền bỏ trong tủ mở ra mở vào nhìn thấy sẽ bị động lòng, thấy tiền là y như thấy liền những món hàng xa xỉ, những bộ quần áo, giày dép bóp ví đắc tiền nó cứ lượn là trong trí. Cho nên nhét vào trương mục tiết kiệm định kỳ để “kiếm thêm chút cháo” là an toàn trên xa lộ, vì không phải muốn lấy ra lúc nào cũng được. “Toi” không lấy ra được thì đố mà “đó” dám mó vào. Khổ nỗi, bỏ hết vô trương mục định kỳ không chừa lại chút đỉnh để phòng hờ thì khi cần tiền là phải chết chắc.

Bây giờ làm sao đây? Số tiền sửa xe là cái khoản chuẩn bị để dành, nay nó lại “bành trướng” ra. Còn đến những hai tuần nữa mới tới kỳ lãnh lương, mà hỏi mượn bạn bè thì sợ họ cười. Tôi bực tức rủa thầm. Đồ cái quân chết tiệt, bắt chẹt người ta, cái quân này sẽ đẻ con không có… Bất chợt tôi dừng lại. Tôi nhớ đến cái lỗ…mũi con heo đất ở dưới gầm giường. Con heo đất tôi nuôi cũng đã khá lâu. Mấy năm nay, dù không có máu ham mê cờ bạc nhưng lâu lâu tôi mổ bụng con heo đất và rủ ông xã đi sòng bài kéo máy cũng vui vui. Đó là một cách thư giãn tuyệt vời, vì chỉ cần kéo trúng được một mớ đồng xu nó cũng cho tôi cái cảm giác mình là triệu phú.

Tôi lôi con heo đất ra dốc hết ruột và mang toàn bộ tiền xu đến chợ Save Mart đổi ra tiền giấy.

Đứng nhìn những cắc bạc rơi leng keng trong cái máy đếm, tôi nhớ lại lần đầu tiên cùng nhà tôi đi xe bus lên sòng bài Lake Tahoe.

Ngày xưa, người chơi trúng thưởng máy nó nhả ra tiền chứ không phải cho vào thẻ như bây giờ, và lần đó tôi đã trúng lớn. Sau khi tôi lôi mạnh cái cần một phát, chiếc máy bỗng phát sáng chớp nháy như điện xẹt và bắt đầu rú lên ầm ĩ, nhã nhạc trổi vang lừng. Tôi hoảng hồn tưởng máy bị chập mạch điện. Nhưng mấy người ngồi chơi máy kế bên kêu lên trầm trồ, nói tôi trúng lớn, và họ xúm lại chỉ tôi bấm thêm vài lần nữa. Cứ bấm mãi từ ngách này sang ngả khác, cuối cùng tôi trúng đến năm nghìn cái 5 cent. Tôi đứng run rẩy nhìn hàng đống tiền cắc liên tục rơi loảng xoảng xuống chiếc máng hứng bên dưới mà ngỡ mình đang mơ.


Thật quê mùa làm sao, chúng tôi đâu biết cách giải quyết số tiền cắc đó. Hai vợ chồng cứ thế mà hốt rồi thồn cả năm nghìn cái 5 cent vào hai túi áo lạnh bự chảng của tôi. Sau khi chán kéo máy, chúng tôi đi bộ ra tham quan hồ Tahoe. Hỏi thăm nghe người ta nói gần đấy thôi, nhưng không ngờ đi hoài vẫn chưa thấy tới. Mang hai cái túi bạc cắc nặng chình chịch, tôi bước đi lặt lè theo kiểu ông Nỉnh ông Nang, hệt con vịt bầu. Vừa ra đến nơi, chỉ kịp đảo mắt ngắm cái hồ một vòng lại vội vàng ì ạch đi vô vì sợ trễ giờ xe bus. Khi lên xe, thấy người ta cho tiền “tip”, tôi cũng hốt đại một nắm tiền xu bỏ vào mũ cho người tài xế. Về nhà kể lại cho con bạn Mỹ hàng xóm nghe, nó ôm bụng cười lăn cười bò, rồi nói cho tôi biết bên trong casino có quầy đổi tiền.

Rời Save Mart tôi đem tiền về, gộp lại với số tiền giấy tôi mới biết, coi vậy mà cái bụng con heo đất của tôi cũng không đến nỗi nào. Thêm mấy trăm dollars từ con heo trong cơn ngặt nghèo, quả là một sự cứu nguy đầy thú vị.

Lần khác có liên quan đến con heo đất là chuyện người hàng xóm cũ đối diện nhà tôi. Đó là một phụ nữ Việt trẻ đẹp sống với hai đứa con gái trong ngôi nhà hai tầng màu trắng khá lớn. Có thể nói đó là ngôi nhà đẹp nhất trên đoạn đường chúng tôi ở. Trước nhà có tấm bảng Alam ADT hùng dũng đứng trên mảnh sân cỏ xanh rì, và mấy chậu Bonsai được uốn rất kiểu cách. Nhờ đứa con gái một chị đồng hương ở khu phố khác, học cùng lớp với cô con gái lớn của người phụ nữ, chúng tôi biết cô ta làm bên ngành địa ốc, rất khấm khá. Nghe đâu cô còn có nhiều nhà cho thuê.

Người ta thường nói, “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, nhưng cô hàng xóm của tôi tính tình kiêu ngạo, không bao giờ chào hỏi hay chơi với ai trong xóm. Mỗi ngày người ta thấy cô mở cửa garage, chiếc Mercedes bóng lộn từ trong vọt ra cái vèo và biến mất. Chiều về cũng vậy. Không ai biết gì thêm về người hàng xóm xinh đẹp giàu sang ấy. Đoạn đường này chỉ có nhà đó và gia đình tôi là người Việt, còn lại là một số người Mỹ, một gia đình Mễ, vài gia đình Nhật và Tàu. Bà Mỹ trắng cạnh nhà nói với tôi bà ở đó đã hơn ba chục năm, biết gần hết mọi người trong xóm nhưng không biết tí gì về người phụ nữ nhà đối diện. Cô ta mới dọn tới sau này, và chưa bao giờ chào bà lấy một câu.

Bà Mỹ này rất “ngầu”. Mỗi khi thấy có người lạ mặt lạng quạng gần đó là bà gọi cảnh sát. Bọn quậy rất ngán bà, nhờ vậy mà khu vực chúng tôi ở khá yên ổn. Cho đến một ngày…

Thị trường địa ốc nước Mỹ bắt đầu tuộc dốc khắp nơi. Người ta thấy cô hàng xóm đổi xe. Không phải đổi lên mà là…đổi xuống, thay chiếc Mercedes bằng chiếc Camry cũ. Con gái lớn của cô thường lái xe nhiều hơn mẹ. Dù cũng vẫn khi thoáng khi hiện, người ta thấy thần sắc người hàng xóm mỗi ngày một tệ thêm, có vẻ ốm yếu bệnh hoạn.

Ngày kia, cửa garage ngôi nhà trắng bỗng mở rộng hoác, rồi một chiếc truck thật to chạy lùi vào. Mấy người đàn ông bước xuống vô nhà dọn đồ đạt chất lên đầy xe rồi đóng cửa và chạy đi. Ai nấy thở phào. Vậy là cô nàng hách dịch nhất xóm đã dọn đi.

Nhưng đến chiều, người ta thấy nhiều xe cảnh sát đậu trước cửa nhà cô hàng xóm, đèn nhấp nháy sáng cả một góc đường. Mọi người tò mò kéo đến xem, mới biết là nhà này đã bị trộm vào dọn sạch sành sanh, không chừa một thứ gì. Mọi người đua nhau làm chứng, khai với cảnh sát là họ thấy bọn trộm ấy ngang nhiên đem xe vào đậu trong garage, và tỉnh bơ dọn đồ đạc đến cả tiếng đồng hồ, nhưng ai cũng ngỡ là người hàng xóm chuyển nhà đi nơi khác.

Người ta lại xì xào bàn tán. Phải chi cô hàng xóm thân thiện với mọi người lân cận, thì chí ít khi thấy cô dọn nhà người ta cũng đến nói vài câu chia tay. Nếu có người đến, có lẽ bọn trộm không dám dọn sạch sẽ như thế.

Sau đó cũng qua đứa con gái người đồng hương, chúng tôi mới biết sự tình cô hàng xóm. Biết lý do cô ta lạnh lùng kiêu ngạo với mọi người. Thì ra cô ta rất tuyệt vọng, đau khổ vì đã ly dị với người chồng mà cô hết mực yêu thương. Mãi bận việc kinh doanh, cô thường để chồng ôm tiền về Việt Nam một mình, nói là giúp gia đình. Anh ta có bồ nhí rồi về Mỹ ly dị vợ. Từ đó cô hận đời nên không muốn tiếp xúc với ai. Khổ đau gặm nhắm cộng với sự thất bại của ngành địa ốc, cô mất hết các gian nhà cho thuê, và rồi cô ngã bệnh. Khi ấy cô bị chứng thận hư rất nặng, phải đi bệnh viện điều trị thường xuyên. Bọn trộm theo dõi biết được nên chúng đã cắt Alam vào nhà.

Chị bạn đồng hương kể lại, tất cả đồ đạc từ bàn ghế đến chén bát toàn những đồ quý giá đắt tiền, kể cả nữ trang của người hàng xóm, đều bị chúng dọn hết. Điều đau lòng hơn cả là bọn trộm ôm luôn số tiền gây quỹ mà đứa con gái lớn học rất giỏi làm trưởng nhóm đang giữ cho các bạn. Số tiền này cả nhóm đã vất vả gây quỹ mấy tháng trời và hiện vẫn đang tiếp tục để thực hiện cái project “National Honor Society”, vào danh sách Học Sinh Danh Dự Quốc Gia. “Con gái tôi kể lại, lúc này mẹ đứa bạn đau khổ và chán nản tuyệt vọng như là người chết chưa chôn”. Người đồng hương nói với tôi.

Nghe chuyện, tôi cảm thấy cô hàng xóm đáng thương hơn là đáng trách. Dù trong nhà không có tiền dư, nhưng tôi còn có con heo đất. Tôi bàn với chị bạn đồng hương nghĩ cách giúp đỡ người hàng xóm tội nghiệp ấy. Tôi cũng kể cho bà Mỹ bên cạnh nghe mọi chuyện, cả việc muốn giúp phần nào số tiền gây quỹ bị mất của cô bé High School. Bà Mỹ cũng rất tốt bụng, nhân từ. Nghe xong bà vào nhà ký ngay cái check đưa cho tôi. Chiều hôm sau đi làm về, bà còn đưa thêm một số tiền mặt bà quyên góp từ bạn bè trong hảng. Tôi đem xẻ con heo và dùng bàn là ũi thẳng những tờ bạc giấy. Tiền của con heo, của bà hàng xóm Mỹ và bạn bà ấy, cộng với tiền chị bạn đồng hương cùng vài người quen nữa, chúng tôi đã có được gần đủ số tiền cô bé bị mất.

Tôi đi mua một tấm thiệp, viết mấy hàng chia xẻ cảm thông với người hàng xóm, cùng ghi rõ, “Của ít lòng nhiều, chúng tôi xin phụ giúp cho bé H. số tiền quỹ đã bị bọn trộm lấy mất để bé trả lại cho nhóm”. Mọi người cùng ký tên vào xong tôi dán phong bì lại và nhờ con gái người đồng hương đem đến nhà đưa cho cô hàng xóm.

Nghe kể lại, cô ấy đã xúc động và khóc đến nỗi không nói nên lời.

Ngày hôm sau, cô đưa bé H. sang nhà chào và cám ơn chúng tôi cùng bà Mỹ bên cạnh. “Em thật là xin lỗi!” Cô nói trong nước mắt. “Bây giờ em mới biết thế nào là tình nghĩa xóm giềng. Phải chi trước đây em không quá xa cách với mọi người, có lẽ nhà em đã không bị dọn sạch như thế”.

Từ đó cô trở thành bạn bè với chúng tôi, thân thiện với mọi người trong xóm. Về sau cô khỏi bệnh, tươi tỉnh trở lại. Khi chúng tôi dọn đi thì cô đang quen một người bạn trai mới.

Tiếng chim ríu rít ngoài vườn kéo tôi trở về thực tại. Con robot đã dừng lại tự khi nào. Mặt trời lên cao, ánh nắng tháng Ba rực rỡ chói chang rọi qua cửa sổ xuyên vào phòng ngủ. Đúng là thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”. Mới đó mà cũng đã mười mấy năm chúng tôi rời khu phố ấy. Không biết bây giờ cô hàng xóm ra sao, tôi thầm nghĩ. Rồi tôi đem con heo đất đặt lại dưới đầu giường gần phía bên ngoài. Chúng tôi hiện đang sống ở một thành phố rất an bình, nên không sợ bị ai vào đây “ẵm” nó đi.

Tôi sẽ bắt đầu…cho heo ăn trở lại.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
05/08/201518:14:33
Khách
Q: "Why do we have to use Vietcong's language? Such as: tham quan, thu giian? Instead đii xem, giai tri?"
A: Most of the people who use Vietcong vocabulary traveled to Vietnam often. They often go back at least once a year and stay there for weeks or may be months. With that much contact, something from the red commie is bound to rub off on them, e.g. Vietcong vocabulary, thoughts, behavior, etc.
31/05/201516:45:31
Khách
Why do we have to use Vietcong's language? Such as: tham quan, thu giian? Instead đii xem, giai tri?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến