Hôm nay,  

Giá Của Tự Do

19/05/201500:00:00(Xem: 10926)

Tác giả: Lê Đình Loan
Bài số 3519-16-29919vb4051915

Tác giả ainh năm 1938 tại Huế; Giáo sư Trung Học Đệ Nhị cấp, hiệu trưởng các trường trung học ở Thừa Thiên trong nhiều năm. Điều hành Trung Tâm Tu Huấn Giáo Chức Huế trước 1975.

Nguyên giảng viên các lớp ESL và luyện thi quốc tịch tại Viện Giáo Dục Song Ngữ Bilingual Education Institute ở Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Có thể đọc thêm về tác giả tại bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, “Những Bước Ngoặt Trong Đời”, phổ biến từ 10 tháng Một, 2015.

* * *

blank
Tác giả trên đại lộ Bolsa, Little Saigon, tháng 11, 2014.

Kẻ lưu đày ở đâu cũng thấy mình cô độc.

Gắn liền với vận nước nổi trôi, cũng như hàng triệu người Việt Nam khác, tôi đã thao thức, trăn trở, xót xa khi phải bỏ nước ra đi để tìm một cuộc sống mới có ý nghĩa hơn.

Chấp nhận đánh đổi sinh mệnh của mình để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho bản thân và gia đình, tôi đã dứt khoát quyết định để lại đằng sau tất cả những gì thân thương, yêu dấu nhất mà tôi đã trân quý từ thuở thiếu thời.

Sau 40 tháng bị đày đoạ trong những trại "học tập cải tạo", tôi được phóng thích vào cuối năm 1978. Vào một buổi sáng sớm giữa chốn núi rừng, cán bộ quản trại xướng danh những người có lệnh thả, tên LĐL được vang vọng trên loa phóng thanh, tôi đã bàng hoàng, tưởng chừng như mình đang mơ. Thế mà là thực.

Ra khỏi cổng trại, mấy chục con chim vừa mới sổ lồng đã phóng nhanh về hướng tỉnh lộ để đón xe xuôi về thành phố Huế. Sau nhiều năm "lao động vinh quang" trong các trại cải tạo, không được tiếp xúc với thế giới bên ngoải, lần đầu tiên được chen lấn trên một chiếc xe ọp ẹp ì ạch lăn bánh từ Bình Điền về Nam Giao, tôi cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ với người và cảnh vật quanh mình. Một cảm giác là lạ khó quên khi tôi được trở lại cảnh đời bình thường trên một chiếc xe đầy ắp người.

Dù đã bao nhiêu năm quen với những phương tiện chuyển vận của thời đại cơ khí, thế mà lần nầy ngồi khép mình trên một chiếc xe tồi tàn, tôi cảm thấy sung sướng lạ thường.

Hết rồi những năm tháng lầm lũi, cật lực lao động theo chỉ tiêu.

Hết rồi những tuần vượt trường sơn từ Ba Lạch, Thừa Thiên vào Thượng Đức, Quảng Nam để cùi sắn khô mốc meo về làm lương thực cho tù cải tạo.

Hết rồi những bữa cơm sắn được đếm từng muỗng.

Hết rồi những ngày ướt đẫm mồ hôi, bụng đói cồn cào, lao động dưới ánh nắng gay gắt của những ngày hè.

Hết rồi những ngày trần truồng như nhộng lặn lội dưới các khe suối mùa đông lạnh thấu xương để vớt rong làm phân xanh.

Hết rồi những buổi lấm lem dưới hố phân đầy dòi bọ nhúc nhích.

Tưởng là hết rồi, nhưng rồi thì

...

blank
Tác giả và các cháu nội ngoại.

Trở về đoàn tụ với gia đình, hội nhập với đời sống "xã hội chủ nghĩa", tôi cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng vì phải đối diện với những thách thức mới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội; lắm lúc tưởng chừng như đã bị dồn vào bước đường cùng, không lối thoát. Mẹ già, vợ tay mềm chân yếu, một đàn con dại, chạy gạo từng ngày, bữa đói, bữa no.

Nếu không có ơn thiêng phù hộ, tôi đã không thể vượt qua những sức ép mà tôi phải chịu đựng trong gần hai năm bị quản chế tại thành phố Huế, nơi mà tôi đã lớn lên và gắn bó trong suốt mấy chục năm ròng rã. Những tình cảm thân thương, trìu mến đối với Huế, chỉ còn là hoài niệm chìm sâu vào dĩ vãng xa xăm. Huế đã trở mặt, cư xử với tôi như một phạm nhân đang bị quản chế. Tôi đã trở thành khách lạ trên chính quê hương mình. Tôi phải sống trong một xã hội không có tình người, đói cơm, thiếu áo. Bị kỳ thị, kềm kẹp, làm sao tôi có thể chèo chống chiếc thuyền nan vượt qua những cơn lốc của thời đại đang bủa vây bốn bề.

Với ý chí và nhờ Ơn Trên, gia đình tôi đã xuôi vào Nam trên một chuyến xe lửa Bắc-Nam vào một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo vào năm 1980. Bỏ Huế mà đi không phải là chuyện dễ. Phải xoay xở cả năm trời mới được phép di chuyển đến vùng kinh tế mới ở tỉnh Đồng Tháp. Nhờ sự giúp đỡ của bà con ruột thịt, gia đình tôi được nhà cầm quyền địa phương "thông cảm" cho tạm trú ở thành phố Sàigon.

Tại đây, với lý lịch mới, các con của tôi mới có thể chen vai sát cánh với bạn bè cùng trang lứa ở học đường cho đến khi tốt nghiệp đại học. Được như vậy không phải là chuyện dễ nếu ngặt nghèo và không có sự "thông cảm" của nhà cầm quyền. Khó khăn vẫn còn đầy dẫy trước mắt.

Có nơi tạm trú, có đủ cơm áo, con cái được tiếp tục học hành là những thách thức lớn nơi đất lạ quê người. Tôi đã trở lại nghề dạy học tại một trung tâm ngoại ngữ và dạy kèm tại tư gia để độ nhật qua ngày. Vợ tôi thì bươn chải giữa chốn chợ trời để có thêm ít tiền lo cho con ăn học. Nhưng cũng đã lắm lần kêu trời không thấu vì tất cả vốn liếng, hàng hoá đã bị tịch thu hết sạch. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, vợ chồng tôi cũng đã cố gắng hết sức để cho đàn con được tiếp tục học hành cho đến nơi đến chốn.

Thật đau lòng khi thấy vợ con mình ngày càng xanh xao, gầy guộc. Suy dinh dưỡng, đàn con tôi ngày ngày lê bước đến trường, quyết chí sánh vai với bạn bè để có ngày mai tươi sáng hơn. Đứa con trai đầu của tôi vừa học y khoa, vừa đi dạy kèm và làm phu khuân vác ở bến tàu để có tiền mua các sách chuyên ngành. Sức chịu đựng của con người cũng có hạn. Nhiều lúc tôi cảm thấy đã bị dồn vào bước đường cùng, không lối thoát. Không thể đầu hàng trước nghịch cảnh, tôi quyết định đánh đổi sinh mạng của mình trên biển cả để "giải phóng" gia đình thoát khỏi cảnh túng quẫn, lầm than.

Thất bại ê chề trên đường vượt biên, nợ nần chồng chất, nhụt chí, nhưng tôi vẫn không chịu đầu hàng trước nghịch cảnh. Thế rồi vào một chiều tối âm u, tôi lặng lẽ nhìn vợ con lần cuối, liều mình ra đi; chẳng một lời từ biệt.

Trên đường về miền Tây, tôi phó thác mọi sự cho Thiên Thần hộ mệnh. Thành công hay thất bại, sống hay chết, tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả. Tôi không thể lây lất kéo dài cuộc sống mất hết mọi thứ tự do. Thà chết còn hơn...

Lênh đênh trên biển cả, giông tố bão bùng, tàu chở 127 người chết máy, trôi giạt theo sóng gió cả tuần lễ. Các đợt sóng dữ tung tóe vào tàu; tưởng chừng như sắp nuốt chửng con tàu dưới lòng đại dương. Sấm chớp gầm vang thật hãi hùng. Chúng tôi phó thác sinh mệnh cho trời đất.

Đối diện với tử thần, mọi người thì thầm cầu nguyện. Sau nhiều lần bị các tàu buôn từ chối cứu vớt, vào một buổi hoàng hôn đẹp trời, một chiếc ghe đánh cá nhỏ mập mờ xuất hiện ở đằng xa, dần dần tiến gần đến tàu chúng tôi, ba cha con người Mã Lai muốn giúp chúng tôi bằng cách chở một người vào đất liền để nhờ văn phòng Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tìm cách giúp tàu chúng tôi. Tôi được thuyền trưởng chọn nhảy xuổng ghe của họ. Đứng trước mũi tàu cao chót vót, nhảy lọt xuống trong lòng chiếc ghe nhỏ đang lắc lư theo sóng không phải là chuyện dễ. Tôi đứng lặng yên, cầu nguyện xin Ơn Trên cho tôi nhảy thật chính xác, không lọt trong lòng biển sâu thẳm. Sau một đêm, tôi đã đến bến tàu của trại tỵ nạn trên đảo Pulau Bidong nơi đang có chừng mười ngàn người chờ cứu xét định cư ở các nước tự do. Nhờ sự can thiệp của văn phòng Cao Uỷ Tỵ Nạn, hai ngày sau một chiếc tàu Anh đã chở hết 126 người còn lại vào bến bờ bình an.

Thời gian lưu lại trên đảo, tôi đã chứng kiến biết bao cảnh tang thương. Nhiều phụ nữ đã kiệt sức, hay đã trở thành người mất trí vì đã bị bọn hãi tặc hãm hiếp nhiều lần, nhiều gia đình đã mất con, mất chồng hoặc mất vợ. Nhiều trẻ thơ đã mất cha hay mất mẹ khi còn lênh đênh trên biển cả. Ôi chao! Giá của TỰ DO!

Sau mười tám tháng ở Mã Lai và Philippines, tôi đã đến được miền đất hứa. Từ máy bay nhìn xuống thành phố và phi trường San Francisco, tôi đã choáng ngợp với ánh sáng và cảnh quan của thành phố có chiếc cầu treo nổi tiếng Golden Gate Bridge. Ra khỏi sân bay, xe phóng nhanh trên xa lộ, tôi choáng váng nhìn nhiều đoàn xe nối đuôi nhau lao vút trên một mạng lưới giao thông chằng chịt. Tôi có cảm giác như đang lạc vào một thế giới kỳ lạ nào khác. Lòng thầm nhủ làm sao mình có thể tồn tại và vươn lên trong một xã hội văn minh như thế này. Vừa mừng, vừa lo, vừa cảm thương cho những người còn sống ở quê nhà. Tôi chạnh nhớ đến cảnh sống nheo nhóc của vợ con mà lòng đau như cắt.

Cô độc sống một mình ở Mỹ trong hơn năm năm ròng rã, buồn tủi đến tận tâm can, có lần tôi đã thì thầm: bạn bè tôi ơi, gia đình tôi ơi, Tổ Quốc tôi ơi, sao tôi lại phải sống kiếp lưu đày như thế nầy trên xứ người. Quẫn trí, quên trước quên sau, hành động như kẻ vô tri, lắm lúc tôi lái xe không định hướng hằng giờ trên xa lộ.

Nếu không có niềm tin tôn giáo và ý chí thì tôi đã trở thành người mất trí trong những năm tháng sống cô đơn trên đất khách quê người. Có trải qua những năm tháng như thế nầy mới thấu hiểu thân phận của kẻ mất nước, xa nhà. Bỏ nước mà đi, để lại đằng sau tất cả những gì thân thương nhất, đánh đổi sinh mệnh của mình trên biển cả, hay trong chốn ngục tù, chấp nhận mọi thử thách trên xứ người cũng chỉ vì hai chữ Tự Do.

Lê Đình Loan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến