Hôm nay,  

Lão Lượm “Ve Chai”

16/05/201500:00:00(Xem: 12893)
Tác giả: Philato
Bài số 3516-16-29916vb7051515

Với bài viết "Sàigòn lớn nhỏ đều nhớ anh", hướng về các thương binh VNCH trong cuộc chiến, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941 - 13 năm lính chiến, từ 1962 tới 75-, với 5 chiến thương bội tinh. Và từng là một đại đội trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến, đơn vị tác chiến có biệt danh Trâu Điên.

* * *

Vào giờ nghỉ trưa, đa số công nhân của hãng L.A Laundry tụ tập quanh xe “lunch”, còn tôi đang loay hoay kiểm soát mấy bộ quần áo “samples” để mang giao cho hãng Guess, thì nghe có tiếng la hét ồn ào quanh xe lunch. Ngó ra tôi thấy lão Tony Joseph (tạm gọi tên Việt Nam là Tôn) đang bị thằng Mexi-Guapo nắm hai cổ tay lão kéo tới, xô lui như mèo vờn chuột, còn lão Tôn thì cố vùng vẫy và miệng la “F...you”, trong khi đó đám đông, những người anh em gốc “thích đậu, thích đỗ” thì hò reo, cổ võ cho hai người đánh nhau để đứng ngoài vỗ tay cười chơi.

Tôi không ưa lão Tôn, nhưng khi thấy thằng Mexi-Guapo hành hạ lão ta quá, tự ái dân tộc nổi lên, tôi đi tới can họ ra, nhưng Guapo lại mạnh tay hơn, túm cổ lão Tôn nhấc lên. Tôi kín đáo dùng ngón tay cái và ngón trỏ bấm mạnh vào tử huyệt ở bàn tay Guapo khiến nó đau quá vội buông lão Tôn ra rồi hắn gườm gườm nhìn tôi, tôi nói lớn cho đám đông nghe: “Sorry Guapo, this old man is my brother”, rồi tôi nhìn vào mắt Guapo và nói nhỏ, hù hắn một câu:

- Cùi-đa-đồ (đại khái là mày coi chừng tao).

Vì ông chủ và tôi là chỗ quen biết từ trước nên tôi “mựơn oai hùm nhát khỉ” đề hù tên Guapo này để hắn không còn bắt nạt lão Tôn nữa. Hai đối thủ cố lải nhải với nhau vài câu rồi bỏ đi, còn đám đông quay lại ăn uống bình thường, tôi thì về thu xếp các mẫu hàng đem đi giao, không thèm hỏi lão Tôn một câu lý do tại sao thằng Guapo lại đánh ông ta.

Hãng L.A Laundry thầu giặt quần áo “Jean” cho các hãng Guess, Bongo, Infinity, Lewis. Công nhân đại đa số là dân vùng Nam Mỹ, chỉ có Tôn và tôi là người Việt. Tôn làm trong toán xếp quần áo, còn tôi phụ trách đi nhận và giao các mẫu hàng từ các hãng kể trên. Tôn cũng là dân “ho-hen” (H.O) như tôi, anh đến làm việc ở đây trước tôi nên khi mới vào làm việc, tôi rất mừng và lễ phép với “niên trưởng” Tôn, nhưng dần dà vì làm khác nhiệm vụ và nhất là thấy Tôn làm “mất mặt” người Việt nên tôi rất bực mình, không tiếp xúc nữa, nay khi thấy tên Guapo hành hạ đồng hương tôi buộc phải ra tay mà thôi.

Lý do tôi không ưa lão Tôn vì lúc nào bên hông ông ta cũng đeo cái túi nylon, hễ thấy cái chai nhựa hay lon nhôm nào mà công nhân uống xong rồi vất đi là Tôn nhặt lên, bóp dẹp rồi bỏ vào bịch, trong khi đó thằng Mexi-Guapo cũng làm chuyện tương tự, cũng đi nhặt lon nhôm Coca, chai nhựa, v.v... thế là họ thừơng cãi nhau khiến tôi không thích Tôn, Tôn đi nhặt rác, làm rát mặt lây sang tôi, trong lòng tôi coi thường Tôn từ đó.

Sau một thời gian tôi can thiệp chuyện cãi nhau thì Tôn “quít-gióp”. Trước khi nghỉ việc, Tôn đến chào và bắt tay tôi:

- Tạm biệt bạn, cám ơn bạn đã bênh vực tôi, chắc trong thời gian qua bạn ngứa mắt và bực mình vì tôi đi lượm rác, nay tôi đi chỗ khác để bạn khỏi phải trông thấy cảnh đồng hương đi lựơm rác nữa. Tôi kiếm được job mới ở Little Saìgon rồi, lương xì-tạc 13.75$. Hy vọng chúng ta có dịp gặp lại nhau thì bạn sẽ hiểu lý do tại sao tôi lại đi lựơm mấy cái vỏ chai, lon nhôm.

Từ Little Saigon tôi lái xe qua free-way 22, 405, 605, 5 để đến hãng ở El Monte làm việc với lương 5.75$/1 giờ, nay nghe Tôn nói có job mới ngay tại Litlle Saigon với lương cao gần gấp 3 lần, tôi nghĩ hắn nổ, làm gì có job nào ngon như thế cho dân “H.O” nên tôi trả đũa và hững hờ chạm tay lão rồi nói:

- Chúc Tôn may mắn, có job mới lương cao thì đừng lựơm lon nữa nghe.

Tôi đã không vui khi thấy mấy cụ già trong khu chung cư của tôi đi lựơm chai nhựa lon nhôm trong thùng rác. Ở Mỹ này với tuổi của các cụ thì có trợ cấp tiền già của chính phủ để đủ ấm no, việc gì phải đi moi móc như thế coi bệ rạc quá! Có lần tôi cầm mấy vỏ lon bia đưa cho một cụ thường lượm ve chai và nói:

- Cụ đừng mở thùng rác nữa, nhỡ có vi trùng hay rắn rết thì rất hại cho sức khỏe tuổi già, mà cụ lượm mấy lon nhôm này để làm gì vậy?

Cụ rất vui khi tôi cho mấy cái lon nhôm rồi cụ giải thích rằng cụ gom các thứ này lại để đem bán, “năng nhặt chặt bị”, từ vài đồng rồi thành vài chục, lâu lâu được một trăm thì gửi về cho con cháu hoặc cô nhi viện. Nghe cụ già giải thích vậy thì biết vậy, nhưng tôi vẫn cảm thấy ái ngại, không thoải mái khi nhìn các cụ đi lựơm lon.

Khi hãng L.A Laundry dẹp tiệm thì tôi đi làm “thợ đụng” (truyện dài của nhà văn PKK), nghĩa là đụng việc nào là làm việc đó, không có việc thì đứng ngó trời-trăng hay “ta buồn ta đi lang thang”... và rồi bất ngờ đụng Tôn tại đại nhạc hội Cám Ơn Anh TPB kỳ 4 do Hội Cứu Trợ TPB & Quả Phụ tổ chức tại Garden Grove ngày 1/8/2010.

Đang ngồi ghế xem ca nhạc thì tôi thấy Tôn mang những chai sữa đậu nành len vào các hàng ghế để bán cho khán giả và vẫn lượm loon, tôi lờ hắn đi nhưng khi hắn bước tới hàng ghế tôi ngồi và trao tận tay tôi chai sữa đậu nành thì không lờ được nữa, tôi bèn chào qua loa cho có lệ và lại càng ghét thêm vì tội hắn nổ, kiếm được “good job” với start 13,75$/1 giờ mà vẫn đi lựơm loon và bán dạo sữa đậu nành. Tôi hỏi móc họng lại:

- Chắc hồi này lương của Tôn lên tới 19$/1 giờ rồi?

- Không, 20.25$ rồi. Nếu bạn muốn đổi job như tôi thì tôi chỉ cho, thật đấy, đây là số tele của tôi, 714-987-xxxx khi nào muốn thì liên lạc.

Tôn cừơi thân thiện rồi tiếp tục đi bán, mang chai sữa đậu nành trao tay cho khán giả xem đại nhạc hội*. Hình như Tôn không biết tôi hỏi móc họng nên anh ta trả lời có vẻ thành thật, nhưng tôi vẫn nghi ngờ. Làm cái khỉ gió gì mà lương 20.25$ trong khi bằng cấp chỉ là ngón trỏ ngày xưa dùng để bóp cò...súng.

Nghề thợ đụng của tôi ngày càng lâm vào thế bí, bị số đông người anh em gốc “Xì” đứng trước cửa chợ Người Việt cạnh tranh, nhưng tôi vẫn cóc cần gọi “Tôn Nổ” như lời hắn dặn. Rồi một ngày, bất ngờ Tôn gọi tôi và mời đến nhà chơi. Tự ái như được vuốt, tôi nhận lời đến thăm dân nổ cho biết sự tình.

Tôi đến thăm Tôn vào chiều cuối tuần, người đón tôi ngoài cửa không phải là Tôn như tôi nghĩ mà là một chị rất đẹp với cử chỉ lịch sự, chị nói:

- Xin lỗi anh, nhà tôi đang bận ngoài góc vườn, anh ấy nói tôi dẫn anh anh ra vườn, tôi cự nự thì anh ấy nói: “khách muốn coi việc anh ấy làm”. Vậy xin lỗi anh trước.

- Cám ơn chị, chính tôi muốn xem công việc của anh Tôn.

“Bê-Ka” thì có vẻ khách sáo với nhau tí chứ thực tâm thì tôi có biết Tôn làm cái gì đâu, mời khách đến chơi mà dẫn ra góc vườn thì chỉ có “dân chơi cầu ba cẳng” chứ dân Bolsa ai làm thế, nhưng lỡ rồi, cứ vào và quả thật tôi choáng váng khi cái mùi chua-chua, thiu-thiu trong đống chai lọ chất góc vườn xông vào mũi. Tôn ngừng làm việc, tháo đôi găng tay ra rồi bắt tay tôi và cùng ngồi vào cái bàn dưới cái dù che ở góc vườn, đúng lúc đó chị Tôn mang ra hai ly cafe sữa. Tôn mời tôi uống và vào đề ngay:

- Tôi đang làm ở học khu Garden Grove, tháng tới họ sẽ mở một lớp học buổi tối về “custodian”, sau một tháng nếu ai đủ điểm thì sẽ có chứng chỉ, và cái chứng chỉ này sẽ giúp chúng ta đi tìm việc làm ở các học khu tương đối dễ dàng, nếu anh muốn thì đến ghi danh ngay đi, họ chỉ lấy 40 học viên thôi. Trước đây tôi cũng làm thế và tôi đã tìm được job ở học khu GG, lương bắt đầu vào khoảng từ 12-14$/1 giờ và lên dần maximun là 23$ giờ tùy học khu.

- Custodian là nghề gì, có cần nói thông thạo tiếng Mỹ không, chứ tôi thì thì...

- Là trông coi, quét dọn, hút bụi, đổ rác, v.v… ở các trường học, việc còn nhẹ nhàng hơn ở nhà khi bà xã nhờ vả, về tiếng Mỹ thì tôi tệ hơn anh mà còn qua cầu thì anh dư sức, v.v...

Thế rồi Tôn hướng dẫn tôi cách ghi tên, cách học thi lấy “lai-xân”, khi có licence rồi thì Tôn chỉ tôi cách tìm job ở các học khu trong vùng Orange. Ở các học khu có rất nhiều công việc, từ săn sóc bảo trì trường học, cắt cỏ, tỉa cây, điện, thư viện, phụ giáo, v.v...

Sau khi hướng dẫn tôi tìm việc làm xong, Tôn quay về chuyện cũ ở L.A Laundry:

- Hồi còn làm ở L.A Laundry, tôi biết bạn khinh tôi về cái vụ tôi đi lựơm mấy cái chai nhựa, lon nhôm, nhưng thây kệ, mắc mớ gì giải thích, sau khi anh trị thằng Guapo cứu tôi, tôi hứa là sẽ có ngày giải thích cho anh và hy vọng anh sẽ hiểu tôi hơn và đây là lúc cần nói. Sau khi về làm tại học khu G.G, vì là công việc quét dọn nên số chai nhựa, loon nhôm nhiều hơn và anh thấy đống bao ở góc vườn kia kìa, chiều nay mang tới “recycle center” bán, trung bình mỗi tháng kiếm 40-50 đô, chừng nào đủ 100 đô thì tôi tới đổi cho lão Bà-Bà Hạnh Nhơn, một “rì-xíp”, còn lão Bà-Bà Hội trưởng Hội H.O dùng tiền đó vào việc gì thì anh và cả cộng đồng này biết rồi.

- Xin lỗi anh Tôn, xin anh tha lỗi, bây giờ thì tôi hiểu rồi, cái bữa đại nhạc hội TPB mà anh đi bán sữa đậu nành cho khán giả cũng là mục đích tình nguyện kiếm lời cho ĐNH?

- Đúng thế, trong các đại nhạc hội Cám Ơn Anh TPB, nếu anh để ý thì sẽ thấy có anh Long HQ đứng mũi chịu sào gian hàng bán thực phẩm, anh Thục KQ bê các khay trái cây len vào các hàng ghế để bán cho khán giả, tôi theo chân hai anh ấy, ngoài ra còn có rất nhiều các cháu thanh thiếu niên Phật Tử đi bán nữa, tất cả vì TPB, rất buồn là anh Thục đã “đi xa” rồi!

- Tôn, anh làm công việc này chị nhà và các cháu có biết không, phản ứng ra sao?

- Bạn bè coi thường tôi là chuyện bình...thường, “ai đông khe”, nhưng vợ con tôi không hiểu, phiền trách, ngăn cản mới đau. Lúc đầu thấy tôi tha về những chai nhựa lon nhôm để góc vừơn là nhà tôi la um xùm, mang bỏ vào thùng rác, còn hai đứa con thì chúng không thèm ra vườn, cực chẳng đã, khi phải ra vườn thì chúng bịt mũi! Cuối cùng tôi đành phải nói thật, tôi có dẫn nhà tôi theo khi tôi tới thăm cái ga-ra của chị Hạnh Nhơn làm nơi chứa 20 ngàn hồ sơ TPB. Nhà tôi hiểu chuyện và rồi bà ấy giải thích cho hai đứa nhỏ hiểu việc làm của tôi.

- Các cháu phản ứng ra sao với ông bố đi lựơm rác?

- Nhà tôi thì trực tiếp tham gia, “đặt hàng” các bà lối xóm, bạn bè, ai có lon nhôm thì cho, thế là bả mang về góp vào đống rác kia. Có nhiều thân chủ còn gom chai “dầu gió xanh”, nhưng có lần vác bao chai nặng quá, tôi bị xụm lưng nên sợ rồi, không dám nhận vỏ chai nữa.

Thú thật từ khi có vợ tiếp tay, tôi không còn gửi tiền lẻ tẻ cho chị Hạnh Nhơn nữa mà xin chị cho chúng tôi “take care” 3 hồ sơ TPB, mới đây có một anh TPB đã qua đời khi tôi chưa kịp gửi tiền về, vì thông thường tôi chỉ gửi tiền vào dịp gần tết. Sau khi anh TPB chết, tôi hoàn lại hội hồ sơ này cho chị Hạnh Nhơn, mà chỉ còn giữ 2 hồ sơ thôi. Riêng hai cháu, con tôi, không trực tiếp tham gia như mẹ, nhưng mới đây, khi hai cháu tốt nghiệp luật sư, hai cháu đã hỏi tôi là xin tình nguyện làm Public Defender, đại khái là làm luật sư bào chữa miễn phí, dĩ nhiên tôi OK, và hiện nay hai cháu thường xuyên đến trại giam thăm các thanh thiếu niên nghi can gốc Việt để tìm hiểu tâm tư và hoàn cảnh nào các em bị vướng vào vòng lao lý. Hai cháu cho tôi biết có nhiều hoàn cảnh các em nghi can rất đáng thương, hai cháu dùng mọi tình lý để giúp các em.

- Chắc là hai cháu thấy bố đi lựơm rác, không lựơm cho mình mà để lo cho người khốn cùng thì các cháu noi theo gương bố, đi lựơm “rác” cho những tuổi trẻ vướng vòng lao lý, “cha nào con nấy”, chúc mừng anh.

- Tâm sự cho bạn biết đầu đuôi để bạn khỏi bực mình khi tôi khi tôi đi lựơm lon, nếu mai mốt bạn kiếm được job ở trường học thì nhớ tiếp tay với tôi trong công việc tiếp hơi cho anh em thương phế binh (TPB) của chúng ta hiện đang ngắc ngoải trong địa ngục trần gian. Nhưng nhớ đừng viết linh tinh về việc này, nhiều bạn bè không hiểu lại “bỉu môi” với tôi, cực chẳng đã tôi mới tâm sự cho bạn biết, kinh thánh đã nói: “tay phải làm việc thiện thì đừng cho tay trái biết”.

Tính tôi hay viết lách lăng nhăng, nhưng tôn trọng lời anh Tôn dặn, tôi đã giữ kín việc này lâu rồi, nay đã tới lúc có nhiều lý do mà tôi đành phải bật mí một chuyện bí mật. Tôi vẫn tôn trọng lời anh dặn, không nêu tên thật của anh. Còn việc kinh thánh nói “tay phải làm việc thiện đừng cho tay trái biết” thì đó là chuyện hai ngàn năm về trước, hồi đó chưa có TPB/VNCH, còn ngày nay, các TPB đang chết dần chết mòn nên tôi phải viết câu chuyện “Lão Lựơm Ve Chai” coi như một thí dụ điển hình để chúng ta cùng nhau, không phải làm việc thiện, mà hãy nghĩ đến món nợ của chúng ta đối với các anh kẻo không kịp... Theo tôi biết thì trong năm 2014 đã có 20 anh em thương binh của TQLC đã ra đi, như vậy số TPB của tất cả các đơn vị mà Hội H.O “take care” hẳn là đang nối đuôi nhau để xung phong “lên đồi” không phải ít.

Người TPB trẻ nhất cũng đã 58 rồi, (18+40=58)! Với tuổi đời 58, chúng ta ở hải ngoại sinh sống và thuốc men đầy đủ như thế nào thì ắt sẽ hiểu với điều kiện sinh sống thiếu đủ thứ, thiếu cả một phần thân thể thì các anh ra đi sớm không có chi là ngạc nhiên, điều cần nghĩ đến là nếu chúng ta quá thờ ơ với việc “nợ nẩn dan díu bấy lâu nay” mà chưa thanh toán để “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” thì...!

Lý do nữa mà tôi phải viết bài này vì San Jose, Bắc CA sắp tổ chức Đại Nhạc Hội TPB kỳ 9, viết để tặng các thiện nguyện viên (TNV) và cầu mong các TNV dấn thân hơn nữa trong việc tiếp tay với hội HO. Tôi viết để xin các đồng đội, đồng môn, đồng bào tiếp tay để gửi gói quà cho các anh em TPB tại quê nhà.

Không nhiều thì ít, ít nhất là nếu chúng ta, những cựu quân nhân ở hải ngoại này có uống bia thì cứ uống, nhưng xin giữ lại cái loon nhôm hay vỏ chai, cả hai thứ đó đều rất có ích đối với người lượm ve chai. Nếu các bạn là những nhà “tu”, sau khi tu xong thì để cái loon nhôm dưới đất, co chân lên đạp một cái “rụp”, loon nhôm dẹp lép, gom nó lại, cho vào túi nylon đầu hè, ới một cái là có người pick up, 5-7 cents 1 cái loon chứ ít sao. Năng nhặt chặt bị, gom lại sẽ có một tí quà cho đồng đội bị cụt chân tay, mù con mắt!

Chúng ta uống bia thì cứ uống thoải mái, nhưng xin tặng lại cho anh em TPB cái vỏ chai bia, chúng ta uống Coca Cola thì tặng lại cho anh em TPB cái loon nhôm. Hãy tự cứu anh em TPB của mình trước đã trong khi chờ đợi...

Chờ đợi điều gì?

Gần đây báo chí loan tin hai vị dân cử gốc Việt là Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, Tiểu Bang CA và Giám Sát Viên Andrew Đỗ, Quận Orange có đưa ra dự luật mà hai vị dân cử này yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho các sĩ quan TPB/VNCH sang định cư tại Hoa Kỳ. Sau khi hai vị họp báo xong là hộp thư của tôi đầy ắp những e-mails từ các bạn TPB trong nước gửi sang hỏi đó là chuyện thực hay hư và chừng nào thì được đi? Đọc e-mails của các bạn làm tôi nhớ lại tâm trạng của mình vào những năm 1985-1990, khi vừa ra tù, đi đâu cũng nghe tin đồn chính phủ HK sẽ đón “tù chính trị” sang Mỹ, cấp cho nhà ở và được trả lương!

Nay “có tin vui trong giờ tuyệt vọng” khiến các bạn tôi hy vọng, nhưng tôi không biết trả lời sao cho các bạn yên tâm như cai tù VC đã nói với chúng tôi: “Các anh cứ yên tâm học tập cải tạo, bao giờ tiến bộ thì sẽ được cho về”.

Thôi thì tôi xin trả lời cho các bạn ta rằng: “chờ dự luật thành luật”.

Trong khi khuên các bạn TPB tại Việt Nam chờ thì tôi đi hỏi một vị dân cử gốc Việt, vị dân cử này giải thích vắn tắt như thế này:

- Chuyện di trú thuộc quyền Liên Bang. Nếu Thượng Nghị Sĩ Nguyễn đệ trình dự luật... lên Thượng Viện (TV) CA cứu xét, nếu được TV chấp thuận thì phải chuyển sang Hạ Viện (HV). Nếu cả TV và HV tiểu bang cùng thuận thì mới chuyển lên Quốc Hội Liên Bang. Nếu lữơng viện Liên Bang đồng thuận thì sẽ chuyển sang Tổng Thống v.v..

Để tìm hiểu xem thủ tục cứu xét và chuyển một dự luật từ viện này sang viện kia có nhanh không, tôi đi tìm một chuyên viên hỏi thăm thì anh PL.. trả lời như sau:

...

Cách đây khoảng 6 tháng, khi cựu bộ trưởng tư pháp Mỹ Eric Holder từ chức, Tổng Thống Obama đề cử bà Loretta Lynch, một người nổi tiếng là làm việc rất công tâm, cũng người da đen, Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ cho vào chương trình nghị sự để phỏng vấn và để chuẩn y hay từ chối, 6 tháng sau, bà Lynch mới được quốc hội chấp thuận sau nhiều lần thúc đẩy từ phe Dân Chủ.

Nước Mỹ cần 6 tháng mới bổ nhậm được một Bộ Trưởng Tư Pháp, chỉ vì phe Cộng Hòa cho rằng bà Lynch có khuynh hướng ủng hộ Tổng Thống Obama trong Immigration Reform.

Thiếu Bộ Trưởng Tư Pháp một thời gian, nước Mỹ vẫn bình chân như vại. Nói như vậy để thấy chuyện mình nôn nóng vì lo nghĩ tới anh em TPB của mình, nhưng không phải việc quan trọng của Mỹ.

Trước kia Tổng Thống Reagan muốn mang những quân nhân VNCH sang Mỹ theo một chính sách nào đó, nhưng chỉ tới khoảng năm 1988, hay 89 mới có tên gọi cho chương trình HO. Nghĩa là người tù của VNCH cũng phải chịu tối thiểu từ 3 tới 17 năm trong cái mà VC gọi là trại “cải tạo”, thời gian đủ để nghiền ngẫm cho tình đồng minh.

Nếu một dự luật của một dân cử Tiểu Bang, cho dù vị dân cử này có nhiều Lobby thế nào đi nữa, cũng cần một thời gian để được đưa vào nghị trình của Quốc Hội Tiểu Bang, nghe điều trần về mục đich, đối tượng của dự án…. sau khi nghe, thảo luận, bỏ phiếu, có hay không được đi tiếp lên Quốc Hội Liên Bang và chờ đó để lại bắt đầu từ cây số số 0.

California là thành trì của đảng Dân Chủ, giống như Massachusetts. Cali là tiểu bang giàu trong quá khứ, nhưng hiện nay, có nhiều vấn đề về kinh tế, nạn khan hiếm nước trầm trọng, một tiểu bang nhiều người chờ trợ cấp của chính phủ, tất nhiên Dân Biểu và TNS Cali phải lo vấn đề cấp bách tại Mỹ trước tiên và rất cấp bách.

Tóm lại, chuyện TNS Nguyễn tại Cali đưa ra cũng giống như trái cây, mứt kẹo ngày tết, bầy ra cho vui, chụp hình chụp ảnh, nhưng dù sao cũng là một ý tốt của bà, nhưng biết đến bao giờ dự luật của bà được trình làng tại Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ.

Đừng bao giờ nói “không bao giờ, never say never”.

...

Vậy thì các bạn TPB của tôi ờ VN cứ chờ và hy vọng. Còn chúng ta ở đây, đừng chờ mà hãy bắt tay ngay vào việc “save lon nhôm” và tích cực yểm trợ cho đại nhạc hội Cám Ơn Anh TPB kỳ 9 tổ chức tại San Jose Bắc CA vào tháng 8/2015.

Kỳ tới: 2015, Trâu Điên-Cố vấn Mỹ tái ngộ.

Philato

Ý kiến bạn đọc
17/05/201523:34:20
Khách
Dù sao cũng có hy vọng , còn hơn là sống trong tuyệt vọng. Những TPB VNCH mới xứng đáng được ra đi và giúp đỡ trước hết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,300,820
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến