Hôm nay,  

Bốn Mươi Năm, Kể Lại

29/04/201500:00:00(Xem: 13880)
Tác giả: Khôi An
Bài số 4520-16-29920vb4042915

Tác giả từng phải rời bố mẹ để vượt biển từ tuổi học trò, đến Mỹ năm 1984, hiện là một kỹ sư điện tử, cư dân San Jose. Với nhiều bài viết giá trị, Khôi An đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013. và là một trong những tác giả đạt số lượng người đọc nhiều nhất trên Việt Báo online. Bài mới của Khôi An là chuyện kể về một nhóm sinh viên VNCH du học tại Hoa Kỳ vào thời điểm tháng Tư 1975.

* * *

Trăng sao tin yêu ai dối trá, đất trời hiền hòa ai đốt phá

và đem thê lương che kín

núi sông này.*

Họ gánh đồ đạc trên vai, cõng em bé trên lưng. Băng qua xác người nằm ngổn ngang. Sau lưng họ, lửa cháy ngút trời. Khói đen cuồn cuộn. Già, trẻ, lớn, nhỏ dắt díu nhau. Súng nổ, người thét. Hoảng loạn. Họ chạy về phía chúng tôi. Càng lúc càng gần…

Chớp một cái, những hình ảnh kinh hoàng biến mất. Màn hình sáng lên với những màu sắc tươi đẹp. Mục tin Việt Nam đã chấm dứt nhưng chúng tôi vẫn ngồi lặng, nhìn trân trân vào cái TiVi.

Cả phút sau mới có người cất tiếng “Vậy là mất thêm mấy tỉnh nữa rồi!”

Đó là một ngày tháng Ba năm 1975. Chung quanh tôi, trên sàn căn apartment, mười mấy người ngồi quanh cái TiVi nhỏ (đó là cái TiVi màu duy nhất trong đám chúng tôi). Đây là khoảng một phần ba sinh viên Việt Nam ở Houston, Texas. Vào lúc đó, cả Houston có khoảng sáu mươi người Việt gồm khoảng bốn mươi sinh viên và đâu đó hai mươi phụ nữ Việt sang Mỹ theo chồng. Đám sinh viên rải từ năm thứ nhất tới cao học và chỉ vỏn vẹn có hai cô. Phần đông chúng tôi thuê nhà ở Cougar Apartments nằm sát cạnh Univerisity of Houston. Khu chung cư cũ kỹ nhưng vừa túi tiền là nơi quen thuộc và ấm áp cho đám thanh niên Việt mới lớn nương tựa nhau trên xứ lạ. Chúng tôi chia sẻ từ gói mì tới chiếc xe hơi, từ kiến thức trong sách vở tới cái khôn học ở trường đời. Một năm vài lần, chúng tôi họp mặt ăn uống, ca hát, trao đổi tin tức quê nhà, và bàn luận những diễn biến của chiến tranh Việt Nam.

*

blank
Tờ lịch cũ.

Việt Nam War là cuộc chiến đầu tiên mà truyền thông Mỹ được tự do đưa tin, không hề có chút kiểm duyệt. Từng được gọi là “cuộc chiến trong phòng khách”, hình ảnh cuộc chiến đến với người dân Mỹ qua TiVi đặt tại phòng khách ở mỗi nhà.

Vào những năm 1968-1970, sau gần mười năm Mỹ tham chiến tại Việt Nam và trận đụng độ Tết Mậu Thân 1968, người dân Mỹ đã nhận ra rằng chiến thắng tại Việt Nam không phải là chuyện gần kề. Thái độ của họ đã đổi từ tin tưởng, ủng hộ, sang mệt mỏi, tức giận. Cái thảm khốc của chiến tranh được sự trợ giúp vô tình nhưng thật tai hại của kỹ thuật mới, đó là TiVi màu. Mỗi đêm người dân Mỹ bàng hoàng trước những hình ảnh máu đổ, người chết, dân lành tán loạn, bom đạn ngút trời. Hình ảnh quá thật nhưng lời giải thích không nói rõ sự tàn ác, tham vọng của Cộng Sản Bắc Việt. Hơn nữa, đối với họ, mạng sống của những thanh niên Mỹ quan trọng hơn chuyện ngăn chặn làn sóng Cộng Sản đang lan ra ở châu Á xa xôi.

Bắt đầu từ những cuộc biểu tình của sinh viên trong trường học, phong trào phản chiến lan rộng, tăng cùng chiều với con số lính Mỹ chết trận ở Việt Nam. Mọi người bị cuốn hút vào làn sóng chống đối, từ những chính trị gia ở Quốc Hội cho tới các bà nội trợ và đám thanh niên Hippy dùng phản chiến như một phương cách hợp thời để tụ tập, bày tỏ sự nổi loạn. TiVi thường xuyên phát những lời gọi cuộc chiến là “bế tắc”, và thúc giục Mỹ rút quân.

Nhưng cuối năm 1973, khi tôi đến Mỹ, thì phong trào phản chiến đã tàn. Sau hiệp định Paris ngày 27 tháng 1, 1973, hầu hết lính Mỹ đã rút khỏi Việt Nam. Dù Mỹ vẫn viện trợ cho Việt Nam nhưng người dân Mỹ đã trở thành thờ ơ. Đối với họ, sự chấm dứt hoàn toàn mọi can dự của Hoa Kỳ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy vậy, đám sinh viên Việt Nam chúng tôi còn quá trẻ và ngây thơ. Xã hội Mỹ đối với chúng tôi vẫn còn quá xa lạ nên chúng tôi không dám quyết đoán những suy nghĩ của người bản xứ qua thái độ của họ. Hơn nữa, chúng tôi luôn nghĩ rằng Mỹ sẽ không bỏ một đồng minh nằm ở vị trí chiến lược quan trọng như Việt Nam Cộng Hòa. Và trên tất cả, chúng tôi luôn mong muốn Việt Nam Cộng Hòa được tồn tại, niềm tin đó lấn át sự sáng suốt thường có, tựa như khi có người thân bị bệnh hiểm nghèo người ta không tin cái chết gần kề.

Chúng tôi tin tưởng rằng Mỹ sẽ giúp cho miền Nam chống trả nếu miền Bắc không giữ cam kết ngừng bắn. Ngay cả sau khi tổng thống Richard Nixon – người ủng hộ chiến tranh Việt Nam - bị truất chức trong vụ nghe lén Watergate, ngay cả sau khi Mỹ cắt viện trợ vào tháng Tám, 1974, chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng.

*

blank
Và trang nhất báo The New York Times ngày 30 tháng 4, 1975.

Đầu năm 1975, tình hình ở Việt Nam bất ngờ trở nên sôi động, gieo vào lòng chúng tôi thật nhiều hoang mang, lo lắng.

Đám sinh viên người Việt tìm đến nhau thường xuyên hơn. Chúng tôi ngồi bên nhau, khắc khoải theo dõi những hình ảnh khốc liệt từ quê hương rách nát và những cuộc bàn cãi ở Washington, DC. Dù không thể xóa được buồn lo, nhưng bên nhau chúng tôi thấy bớt cô đơn. Trong những căn phòng nhỏ, chúng tôi ngồi kề vai nhau, lặng lẽ chia sẻ chút an ủi, và bất lực nhìn từ xa thấy quê nhà vật vã như chiếc xuồng nhỏ trong cơn sóng dữ.

Ngay từ tháng Một, 1975, khi thấy Cộng Sản chiếm Phước Long mà chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không có một kế hoạch nào để lấy lại, chúng tôi đã cảm thấy có điều khác thường. Đến tháng Hai, tin tức lại ồn ào về việc chính phủ Việt Nam xin viện trợ thêm ba trăm triệu đô la để giữ miền Nam. Đây là số tiền nhỏ so với một trăm năm mươi tỷ mà Mỹ đã chi ra cho chiến tranh Việt Nam nhưng lần này Hạ Viện Hoa Kỳ tranh cãi kịch liệt. Lúc đầu chúng tôi thấy rất lạ nhưng sau đó đã hiểu rằng Mỹ không còn muốn tiếp tục chi ra, dù chỉ một đô la.

Mỗi đêm chúng tôi tụ tập quanh màn ảnh TiVi, nóng ruột theo dõi tất cả các mục tin về Việt Nam. Từ Walter Cronkite của CBS tới Harry Reasoner của ABC News, chúng tôi dán mắt nhìn, lắng tai nghe từng lời tường trình của họ.

Tháng Ba, 1975. Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng liên tiếp mất. Dân chúng hoảng hốt tháo chạy. Xác người nằm la liệt trên các Quốc Lộ. Ông lão gánh cháu băng qua lửa đạn, những thanh niên đeo trên xe đò bị trúng đạn rớt như sung rụng, người mẹ vừa khóc vừa ném đứa con bị thương lên sàn máy bay trực thăng xin mang đi cấp cứu… Những cảnh quê hương đau khổ làm chúng tôi nát lòng nhưng nỗi lo lắng cho vận mệnh nước nhà mới thật là thắt ruột, thắt gan.

Không thấy có tin nào về một trận đánh trả quy mô để lấy lại đất như năm 1972. TiVi chiếu đa số là hình ảnh những người lính, đa số còn trẻ (làm chúng tôi nhớ tới những người bạn cũ thời Trung học) trong những trận đánh ngắn ngủi hay đang trên đường rút. Chúng tôi bàn tán rằng có lẽ chính quyền Việt Nam muốn áp lực Mỹ để họ phải cứu Việt Nam Cộng Hòa đang trên bờ xụp đổ hoàn toàn. Nhưng, nhìn thái độ của chính phủ, người dân, và truyền thông Mỹ trong lúc đó chúng tôi biết Mỹ đã nhất quyết phủi tay. Nếu chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cố tình bỏ đất thì chỉ làm cho nước mất càng nhanh. Càng nghĩ chúng tôi càng quay quắt vì những gì đang xảy ra tại quê nhà.

Khi những tỉnh ở miền Nam Trung phần như Nha Trang mất thì chúng tôi bắt đầu tuyệt vọng. Mọi người cuống cuồng tìm cách cứu gia đình. Đám sinh viên truyền tai nhau rằng nếu ai tìm được người Mỹ đồng ý làm Affidavit of Support (Giấy Bảo Trợ Tài Chánh) rồi nộp cho cơ quan di trú ở Mỹ thì khi di tản người khỏi Việt Nam, chính phủ Mỹ sẽ ưu tiên đem theo những gia đình đó.

Tôi vội liên lạc với anh bạn thân người Mỹ duy nhất, khẩn khoản xin giúp đỡ. May mắn cha mẹ anh ta đã mau mắn đồng ý đỡ đầu cho gia đình chín người của tôi. Thế là tôi vội lái chiếc xe cà khổ vượt mấy trăm dặm đến nhà người bạn làm giấy. Trên quãng đường dài, tôi nhớ đến buổi chia tay lên đường du học mới một năm rưỡi trước. Ngày đó, tôi hứa với gia đình cùng người thầy và những bạn thân thiết nhất rằng sẽ học ra trường rồi trở về giúp quê hương. Lời hứa đó còn rành rành trong đầu tôi mà quê hương thì đang vùn vụt mất, từng ngày. Niềm an ủi duy nhất là tôi có được tấm giấy bảo trợ như chiếc phao cho tôi hy vọng gặp lại gia đình.

Tháng Tư, 1975. Có tin tức về sự chống trả của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 8 tháng 4, 1975 quân Việt Cộng tiến đến Xuân Lộc, cách Sài gòn chỉ sáu mươi kilo mét. Thiếu tướng Lê Minh Đảo (lúc đó còn là Chuẩn tướng) chỉ huy một lực lượng kết hợp gồm Sư Đoàn 18 Bộ Binh, một Tiểu Đoàn Pháo Binh, Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh kết hợp với lực lượng Địa Phương Quân-Nghĩa Quân Tiểu Khu Long Khánh và Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân của Thiếu Tá Vương Mộng Long. Với sự yểm trợ của Sư Đoàn 4 Không Quân, họ đã chặn đứng quân địch tại Xuân Lộc.

Xuân Lộc đứng vững suốt năm ngày trước lực lượng địch đông gấp ba, gấp năm lần. Sau đó, Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh đem Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đến tăng viện và bốn tiểu đoàn trực thăng vận cũng đến để cùng chiến đấu.

Tinh thần sắt đá của các lực lượng ở Xuân Lộc đã thu hút được sự chú ý của giới truyền thông quốc tế.

Giữa tháng 4, một phái đoàn gồm những nhân viên gan dạ của các đài truyền hình, báo chí đã đến thăm Xuân Lộc.

Họ thu vào ống kính cảnh chiến trường nghi ngút khói, xác chết ngổn ngang. Họ truyền đi khắp thế giới hình ảnh các tướng, tá cùng binh lính sát vai nhau, chung lòng quyết chiến.

Tướng Lê Minh Đảo dõng dạc tuyên bố “I dont care how many divisions the other side sends against us, we will knock them down.”

(“Tôi không cần biết đối phương gởi mấy sư đoàn tới đây, chúng tôi sẽ đánh bại họ”)

Lời nói của ông và tinh thần Xuân Lộc đã làm nhen nhúm trong chúng tôi chút hy vọng. Như người sắp chết đuối gặp được cái phao nhỏ, chúng tôi bám vào, dù phao rất mong manh. Chúng tôi mong sự dũng mãnh của các chiến sĩ Xuân Lộc - đã đạp đổ những tuyên truyền sai lạc về tinh thần chiến đấu của quân đội miền Nam - sẽ đánh thức lương tâm của đồng minh Mỹ. Chúng tôi ước có một phép lạ, một sự giúp đỡ vào giờ chót để miền Nam lật ngược thế cờ.

Nhưng lúc đó Bắc quân đã tràn ngập miền Nam. Chiếm không được Xuân Lộc, chúng đi vòng Quốc Lộ 15 về chiếm Biên Hòa, Dầu Giây ở phía Tây. Chúng cũng làm chủ được Phan Thiết, khép chặt gọng kìm từ phía Đông. Lực lượng Nam quân ít ỏi đang trụ ở Xuân Lộc phải phân tán ra để chống đỡ khắp nơi. Ngày 15 tháng 4, Cộng quân dội pháo xuống phi trường Biên Hòa, cắt đứt đường máy bay thả bom yểm trợ. Sau đó, chúng lại ném thêm mấy sư đoàn vào trận và bao trùm Xuân Lộc bằng mưa pháo. Chúng tôi xót xa những chiến sĩ miền Nam đang bị bao vây trong biển người và biển đạn của quân địch. Và đau đớn hơn nữa khi thấy rằng đã quá trễ để quân đội Việt Nam Cộng Hòa xoay chuyển tình thế.

Đêm 20 tháng 4, 1975, lực lượng ở Xuân Lộc buộc phải rút về một trận tuyến gần Sài gòn.

Xuân Lộc mất. Những tỉnh quanh Sài gòn bị nhuốm đỏ nhanh như máu loang trên vải mỏng.

Chúng tôi chuyển sang trạng thái bấn loạn. Có người liều giả danh Bộ Ngoại Giao Mỹ đánh điện tín về tòa Đại Sứ Mỹ nhờ di tản gia đình.

Lại có tin từ Việt Nam là những người trong tuổi đi lính sẽ bị chặn lại khi ra phi trường, rồi tin tức về Hạm Đội Bảy của Mỹ vẫn còn đang ở ngoài khơi Việt Nam. Vì gia đình tôi có hai ông anh, sợ không được vào phi trường, nên tôi nghĩ cách tốt nhất là chạy thoát bằng đường biển.

Cả ngày lẫn đêm, tôi quay số điện thoại để nói chuyện với người thân nhưng đường dây luôn luôn bận. Cuối cùng tôi phải ra ghi tên với tổng đài để chờ.

Ngày 21 tháng 4, 1975, tới phiên tôi nói chuyện với Việt Nam. Đầu dây bên kia là Bố Mẹ tôi. Tôi nói không còn hy vọng gì nữa, Bố Mẹ đưa gia đình ra Vũng Tàu kiếm đường chạy ra tàu Mỹ đang neo ngoài khơi. Tiền gọi điện thoại rất mắc và tình trạng khẩn cấp nên chẳng nói được nhiều. Gác máy rồi, tôi đứng thẫn thờ một lúc. Nhưng, lúc đó, tôi không hề biết rằng đó là lần cuối cùng trong đời tôi nói chuyện với Bố tôi.

Ngày 23 tháng 4, 1975 Tổng Thống Gerald Ford tuyên bố “The war is finished as far as America is concerned” (“Cuộc chiến đã chấm dứt đối với Hoa Kỳ”). Rồi ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bồi thêm “the war is history” (“cuộc chiến chỉ còn là lịch sử”). Dù đã biết Mỹ bỏ Việt Nam, chúng tôi vẫn thấy cay đắng trước những lời tuyên bố đó, nhất là sự đổi mặt trắng trợn của Kissinger. Chúng tôi, những người thanh niên trong lứa tuổi hai mươi đầy lý tưởng đã thấm thía vô cùng với bài học chính trị thực tế đầu tiên: chính phủ nào cũng có thể nuốt lời để đặt quyền lợi của nước họ và tương lai của họ lên trên tất cả.

Số phận miền Nam Việt Nam đã xong, Mỹ quay qua bàn về việc di tản nhân viên Mỹ và những người Việt đã từng sát cánh làm việc với họ. Các chính khách lại xôn xao tranh cãi. Di tản cách nào, bao nhiêu người, lịch trình ra sao… Thay đổi từng ngày. Mới hôm trước tin tức nói là hai trăm ngàn người sẽ được di tản, hôm sau chỉ còn lại một trăm ngàn...

Ngoài sự sợ hãi cho gia đình, chúng tôi cũng lo lắng cho bao người thân quen, cho tất cả quân nhân, công chức và những người làm việc với Hoa Kỳ. Việt Cộng chiếm được Huế chỉ có hai mươi sáu ngày trong dịp Tết Mậu Thân 1968 mà hơn bốn ngàn người bị giết, vậy thì sau khi chiếm trọn miền Nam cuộc trả thù lâu dài của họ sẽ dã man tới chừng nào?

Khoảng 24 tháng 4, ký giả của tờ Houston Chronicle, một trong hai tờ báo lớn nhất ở Houston, tìm đến phỏng vấn sinh viên người Việt. Tuy nhiên, nhiều người sợ liên lụy tới gia đình ở trong nước nên từ chối nói chuyện (có người còn bảo là đừng làm chuyện dại dột!). Thấy vậy, tôi và người bạn thân ở cùng phòng, dù không ở trong ban đại diện, đã tình nguyện gặp gỡ nhà báo. Bằng tất cả khả năng, chúng tôi đã kêu cứu, đã nhờ họ lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ giúp đỡ quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa và tăng số người được di tản. Hôm sau, trang nhất của Houston Chronicle đã đăng tin về buổi nói chuyện này. Đó là một bài báo dài nói về hoàn cảnh, tâm trạng, và lời khẩn cầu của những người trẻ Việt Nam Cộng Hòa nhìn về đất nước đang hấp hối.

(Mãi đến mấy mươi năm sau, khi tóc đã bạc, tôi mới biết khá đủ các dữ kiện về cuộc di tản năm xưa. Lúc đó, tôi mới thấy được sự thiếu tổ chức của Mỹ trong những ngày cuối ở Việt Nam. Trong khoảng hỗn loạn đó, lời kêu gọi của chúng tôi chắc đã biến mất như hòn đá ném xuống vực thẳm. Chỉ còn lại một an ủi nhỏ nhoi là chúng tôi đã cố gắng hết sức mình.)

Gần cuối tháng Tư, loáng thoáng có tin rằng một số người Việt đã đến trại tị nạn ở đảo Guam, nhưng hầu hết chúng tôi vẫn không có tin tức gì của gia đình.

Chúng tôi không còn tâm trạng nào để học hành. Cả ngày mọi người đọc báo rồi bàn bạc với nhau, chờ đến 5 giờ chiều để theo dõi tin tức trên TiVi cho đến tối.

Ngày 28 tháng 4, truyền hình Mỹ chiếu hình dân chúng chen lấn trước tòa Đại Sứ Mỹ, rồi hình hàng trăm người nối đuôi nhau chờ lên chiếc trực thăng nhỏ xíu. Cả Sài gòn hoảng hốt, tan hoang. Có tin rằng Đại sứ Graham Martin quyết định ở lại để trông coi cuộc di tản đến giờ phút chót.

Ngày 29 tháng 4, ông Martin rời Sài gòn.

Thế là hết!

Chúng tôi ngồi lặng, nhìn sự tan nát của lòng mình trong mắt nhau.

Ngày 30 Tháng 4, 1975.

Tin buổi chiều ngày 30 tháng 4, 1975: truyền hình Mỹ chiếu cảnh Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng. Rồi chiếc xe tăng của Cộng quân húc đổ cánh cổng, tiến vào Dinh Độc Lập.

Bản tin vừa dứt, hàng chục cánh cửa dọc hành lang của Cougar Apartments bật mở. Tất cả sinh viên Việt Nam túa ra, nhìn nhau. Mặt trời chiếu vàng hoe trên những khuôn mặt sững sờ. Cảnh vật ở ngay trước mặt tôi mà như xa xôi, như không thật, như đang trong một cơn ác mộng. Một cái gì rất to lớn, rất quý báu vừa đổ nát, tan hoang. Vài người bật khóc.

Chúng tôi ngồi lại bên nhau như trong cơn mộng du. Sự xụp đổ của cả miền Nam quá thảng thốt, quá oan ức, quá vô lý. Đầu óc chúng tôi vừa tê dại vừa rất tỉnh táo để thấy rõ lòng mình hụt hẫng.

Một số nhỏ trong đám chúng tôi du học theo diện Học Bổng Quốc Gia, mỗi tháng được khoảng một trăm năm mươi đô la, vừa đủ sống một cách tằn tiện. Còn lại là sinh viên tự túc, một số được gia đình gởi tiền ăn học, một số đi làm tự nuôi thân. Nhưng, đối với tất cả, gia đình đều là chỗ dựa tinh thần và nguồn khích lệ, đất nước vẫn là nơi hướng về của mọi hoài bão. Nay chúng tôi trở thành những người vô tổ quốc, chơ vơ không chằng, không rễ. Tuy không ai nói ra, chúng tôi đều sợ hãi rằng mình sẽ không gặp lại người thân, mãi mãi.

*

Tôi ngủ vùi cả tuần lễ sau đó. Mỗi ngày chỉ thức dậy vài tiếng, lê bước ra nhìn hộp thư (vẫn còn nuôi hy vọng nhận tin tức gia đình từ một căn cứ quân sự Mỹ nào đó), ăn một gói mì, uống vài ngụm cà phê, hút một điếu thuốc rồi lại đi ngủ. Dường như đó là cách cơ thể tôi tự bảo vệ trước sự đứt đoạn, chia lìa quá bất ngờ.

Trong những cơn ngủ li bì, tôi thấy mình rượt theo một cái gì rất quý đang vùn vụt xa. Tôi chạy hụt hơi. Tim tôi thót lại, chới với, hãi hùng.

Một buổi chiều, tôi tỉnh dậy. Ánh nắng sắp tàn chiếu qua khe cửa, tiếng người lao xao như vọng lại từ một đời sống khác. Tôi với tay tìm ly cà phê, nốc một ngụm. Thấy có gì là lạ, vội nhả ra. Đó là một con gián.

Cái giật mình vì con gián đã kéo tôi ra khỏi những giấc ngủ trầm cảm.

Tôi nhớ ra rằng mình phải đứng lên. Vì tôi là nhịp nối duy nhất giữa thế giới tự do với gia đình sau bức màn sắt vừa xập xuống.

Sau đó, tôi được tin tức của hai người cậu và bà ngoại từ trại Ford Chaffee, Arkansas. Khi nghe tin đó, tôi càng tiếc nuối vì gia đình tôi không được may mắn đi cùng, nhưng dù sao có người thân cũng làm tôi được chút an ủi.

Điều an ủi thứ hai đến từ sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ. Tất cả sinh viên du học đều được thẻ I94 với status là parolee. Như vậy chúng tôi trở thành người thường trú, được phép đi làm, không phải làm “chui” ở mức lương rẻ mạt như trước. Không còn phải quanh quẩn với chân rửa chén hay chạy bàn, hầu hết chúng tôi xin được việc khá hơn.

Tôi tìm được việc làm ở nhà máy, trông coi sự vận hành của guồng máy di chuyển gạo. Việc làm không nặng nhọc nhưng khá nguy hiểm vì chỉ có một mình trong ca đêm với những vựa gạo khổng lồ, cao mấy chục mét. Gạo đổ vào vựa như suối chảy, sơ ý mà té xuống, trong thoáng chốc là bị chôn trong gạo.

Mỗi đêm trong nhà máy mênh mông, im lặng, tôi bùi ngùi nhớ đến những ngày tươi đẹp ở quê nhà. Thời đó tôi đi giữa Sài gòn, lòng hăng hái với bao hoài bão cho đất nước. Năm 1973, khi mới sang Mỹ, điều làm tôi chú ý nhất là phụ nữ ở đây sung sướng và được quý trọng biết bao. Những điều thấy được đã làm tôi nghĩ tới thân phận phụ nữ Việt Nam, chịu đau khổ trong hầu hết chiều dài của lịch sử nước mình. Hình ảnh những người mẹ lăn lộn khóc bên hố chôn tập thể, những góa phụ còn trẻ như nữ sinh, những cô bé cõng em chạy loạn… Tôi bùi ngùi, thấy gần như có lỗi với họ. Tôi đã nuôi ước mơ học hỏi kiến thức chính trị để tìm giải pháp quốc tế cấm miền Bắc tấn công miền Nam. Tôi đã gom góp kiến thức khoa học cùng những giá trị xã hội tốt đẹp mong đem về xây dựng đất nước, để cho những câu thơ như “cô gái Việt Nam ơi, từ thưở sơ sinh lận đận rồi” (2) không còn đúng nữa.

Nay đất nước đã bị nhuộm đỏ. Gia đình chia lìa. Ước mơ đứt đoạn. Tôi thấy thấm thía vô cùng câu “nước mất, nhà tan”…

*

Hội trường của đại học Stanford trong buổi thảo luận về ngày 30 tháng 4 của Hội Sinh Viên Gốc Việt. Những khuôn mặt trẻ trung, sáng rỡ đang im lặng lắng nghe…

“Đó là câu chuyện của tôi lúc tôi trạc tuổi các em.

Mỗi năm, cứ vào thời gian này là tôi lại nhớ tới những diễn biến dẫn tới ngày 30 tháng 4, 1975. Đối với tôi, đây là một ngày rất buồn vì người dân miền Nam – trong đó có tôi – đã không tìm được cách nào khôn khéo để giữ miền Nam đứng vững trong ván cờ chính trị thế giới. Chúng tôi đã bó tay nhìn miền Nam xụp đổ sau khi đồng minh bỏ đi. Sau đó cả miền Nam bị đọa đày, mấy trăm ngàn người đã chết trong ngục tù và trên biển cả khi đi tìm tự do. Gia đình tôi cũng tìm cách vượt biển nhưng lần đầu thất bại. Bố tôi bị bắt vào tù và mất năm 1977.

Từ đó đến nay đất nước Việt Nam bị cai trị bởi một chính quyền tham tàn, độc ác. Bốn mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, xã hội Việt Nam ngày nay mất gần hết các giá trị đạo đức, khoảng cách giàu nghèo lớn chưa từng thấy, phụ nữ Việt Nam lưu lạc khắp nơi kiếm ăn… Tệ hại nhất là nguy cơ mất nước về tay giặc Tàu ngày càng cao.

Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng nước Việt Nam sẽ không bị mất, rằng sẽ có ngày Cộng Sản xụp đổ và người dân Việt Nam được thật sự tự do, hạnh phúc.”

“Căn cứ vào đâu mà chú có thể tin tưởng như thế?” một em sinh viên giơ tay hỏi.

“Tôi tin tưởng như thế bởi vì bất cứ ở đâu, khi người dân bị dồn tới mức cùng cực thì họ sẽ vùng lên đòi thay đổi. Và cộng đồng người Việt ở hải ngoại sẽ vận động sự quan tâm của thế giới để chặn đứng âm mưu cướp nước của Tàu. Người Việt Nam có một truyền thống tranh đấu rất cao. Điều này đã được chứng minh nhiều lần trong lịch sử. Thí dụ như Việt Nam đã bị Tàu chiếm đóng nhiều lần nhưng cha ông ta vẫn không khuất phục. Tôi, các em, và tám mươi triệu người mang giòng máu Việt ở khắp nơi sẽ tiếp tục truyền thống đó.”

Khôi An

(*) Ca khúc Nhớ Mẹ do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo & Đại Tá Đỗ Trọng Huề sáng tác trong trại tù Cộng Sản.

(**) Thơ Hồ Dzếnh, Cô Gái Việt Nam

Ghi Chú:

1. Sau khi rút lui ở Xuân Lộc, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã từ chối di tản để ở lại chiến đấu với anh em đồng đội. Ông bị Việt Cộng cầm tù 17 năm và sang Mỹ theo diện HO vào năm 1993.

Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh cùng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đánh trận cuối với Cộng quân ở Láng Cạn, Bà Rịa đêm 28 rạng 29 tháng 4, 1975. Đến giờ phút chót, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù mới rút ra Vũng Tàu. Trung tá Đỉnh đã đứng ở bờ bảo vệ cho anh em lên tàu rồi cùng đồng đội rời Việt Nam ngày 29 tháng 4.

Thiếu Tá Vương Mộng Long cũng ở lại chiến đấu tới giờ cuối. Ông bị tù 13 năm, sau đó sang Mỹ theo diện HO năm 1988.

2. Lúc 5:30pm ngày 30 tháng Tư, 2015, cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo có buổi nói chuyện ở đại học Stanford, California: Kehillah Hall in Taube Hillel House, 565 Mayfield Avenue, Stanford, CA 94305-8456. Mọi người đều có thể đến tham dự.

Ý kiến bạn đọc
07/05/201521:40:53
Khách
Giải Chung Kết 2013 là đúng rồi. Cám ơn Khôi An, NXN
06/05/201518:17:39
Khách
Cám ơn chị Đoàn Thị và chú Sáu đã để lại lời chia sẻ
01/05/201523:24:53
Khách
Chào cháu Khôi An,
Bài viết cháu rất hay và cảm động. Đau buồn của các sinh viên Việt Nam ở nước Mỹ trong mấy tháng cuối cùng Việt Nam Cộng Hòa chắc khó thông cảm được.
Chúc cháu và gia đình nhiều hạnh phúc.
Chú Sáu
01/05/201521:20:01
Khách
Bổ túc lời Ghi chú:
Theo một nguồn tin tức mới và chính xác: khi Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù lên tàu để ra đi, Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh và Thiếu tá Ngô Tùng Châu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù đã trở lại bờ.
Sau đó, Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh cũng bị Việt Cộng cầm tù và sang Mỹ theo diện HO.
30/04/201511:34:08
Khách
Một bài viết sống động mang tâm trạng lo âu, hy vọng để rồi thất vọng ê chề.
Người VN vào thời điểm đó dù ở chân trời góc bể nào cũng đau buồn trước cảnh mất nước nhà tan.
40 năm sau nỗi đau tăng gấp lên bội vì quê hương đang trên bờ vực thẫm.
Cảm ơn Khôi An.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến