Hôm nay,  

Như Giấc Mơ Hoa

02/04/201500:00:00(Xem: 10744)

Tác giả: Huỳnh Thanh Sơn
Bài số 3503-16-29903vb5040215

Cho tới nay, đây là bài của vị tác giả Viết Về Nước Mỹ 2015 cao niên nhất trong năm, kể về những tình người tử tế tại miền Nam thời chiến, từ gia đình, vợ chồng, cho tới một tình yêu ngang trái. Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, tự gọi mình là "Năm Sơn", 84 tuổi, nhập ngũ trường Võ Bị Thủ Đức tháng 6 năm 1954. Chức vụ sau cùng: Trung tá thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 tại Cần Thơ. Sau Tháng Tư 1975, hơn 10 năm tù cải tạo. Định cư diện H.O. ngày 22 tháng 6 năm 1994, hiện là cư dân cao niên tại Westminster. Tác giả iết bài này ngay trong đêm Giao thừa Tết Ất Mùi 2015 và ba ngày đầu năm.

Mừng Ông Năm vẫn tinh tường thơ nhạc và viết với tấm lòng. Kính chúc Ông vui khoẻ.

* * *

Viết cho con cháu

I. Cuộc sống nổi trôi

Trước năm 1940, gia đình cha mẹ tôi là một điền chủ giàu sang ở làng Tam Bình, quận Cay Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Nhưng chẳng may ba tôi mất sớm, nên tôi phải mồ côi cha từ lúc 9 tuổi. Vì việc học nên tôi phải rời xa làng quê hẻo lánh ra tỉnh lỵ Mỹ Tho để ở trọ hầu tiếp tục việc học vấn. Chủ nhà trọ chỉ lo phần ăn uống, giặt áo quần, còn mọi việc sinh hoạt đời sống, bảo vệ sức khỏe và học hành thì "hay dở mặc bây".

Dạo đó vì theo chương trình Pháp văn, nên để theo kịp chương trình, đêm đêm tôi phải vào mùng của các anh học sinh Trung học cùng trọ học, đấm bóp để các anh dạy thêm các từ ngữ Pháp. Cuộc sống trọ học cứ tiếp tục như thế nhiều năm, chỉ được về quê thăm nhà trong các dịp nghỉ hè, lễ tết.

Rồi chiến tranh bùng nổ khi người Pháp quay lại, việc học của tôi đành bỏ dỡ để trở về quê sinh sống cùng mẹ và anh em trai tôi, đùm bọc nhau xiêu lạc trong lửa đạn mù trời của vùng quê điêu tàn đổ nát. Phần tôi phải sống bềnh bồng sông nước để tự nuôi thân và ít nhiều giúp mẹ trong lúc khó khăn này. Dù vậy, đêm đêm tại Mỹ Tho tôi vẫn cố gắng theo học các lớp dạy trẻ của giáo sư Huỳnh Đình Tràng, hầu trau dồi thêm kiến thức. Và dù còn trẻ, nhưng tôi vẫn hiểu rằng "Học vấn là quan trọng hơn cả, đây là thứ tài sản duy nhất mà con người có thể dựa chắc chắn được". Chỉ tiếc đời người thì quá ngắn, mà việc học thì mênh mông. Cuộc sống thì có hạn mà sự học thì vô cùng. Lấy cuộc đời có hạn để truy tìm học vận vô biên thì làm sao tôi để phí một phút giây nào được. Do đó, suốt bốn năm dài, ban ngày thì dãi nắng dầm mưa, đêm đêm tôi có gắng theo học, dù đồng tiền tôi kiếm được lúc đó vô cùng khiêm tốn.

Lại một dịp đổi đời, tôi được lệnh gọi động viên nhập ngũ tháng 6 năm 1954 để theo học khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau đó, nước Việt Nam bị chia đôi. Cộng sản chiếm miền Bắc. Miền Nam thành Việt Nam Cộng Hoà.

Ra trường sĩ quan chẳng bao lâu thì chiến tranh Nam Bắc bùng nổ. Đời quân ngũ khi thì Xuân Lộc đất đỏ, rét rừng; khi thì chiến khu D rừng rậm gian nguy; khi thì Nha Trang cát trắng; lúc thì Quang Trung nắng cháy da người; khi thì Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Chương Thiện sình lầy sông nước. Cuộc đời binh nghiệp thì ngoài sự khổ cực vô biên, rày đây mai đó, còn phải đối đầu với sự sống chết luôn xãy ra từng giờ, từng phút. Trong khi đó, tôi thì một vai trọng trách chỉ huy, một vai thì gánh nặng thê nhi, cho nên cuộc sống trở nên dày dạn gió sương.

Lúc phục vị tại Quang Trung, đêm đêm tôi và vài bạn sĩ quan lén dù về Dakao học Anh văn tư và sau đó xoay sở được theo học ở trường Sinh Ngữ Quân Đội lớp căn bản và bổ túc, để sau đó tôi được du học ở các nước Nam Á do quân đội Anh phụ trách giảng dạy. Ít năm sau tôi được trở lại trường Sinh Ngữ Quân Đội học lớp Trung cấp Anh ngữ và lớp MS để chuẩn bị du học tại Hoa Kỳ.

Nhớ những năm tháng 1969-1970 tôi được theo học tại trường Đại học Quân Sự ở Đà Lạt thật là lý tưởng vì được rời trách nhiệm chỉ huy, cư trú trong cư xá sĩ quan sinh viên của trường với đầy đủ tiện nghi. Suốt thời gian trên, chỉ học thêm văn hóa và bổ túc về quân sự. Cuộc sống thật êm đềm trôi. Một đêm thứ bảy, tôi cùng một sĩ quan bạn học, từng lặn lội khắp chiến trường miền Tây, từng nhìn thẳng vào cái chết để tìm sự sống cho chính mình và thuộc cấp, rủ nhau đi dự một đêm nhạc thính phòng với chủ đề "Đêm nhạc tình của Từ Công Phụng" do chính tác giả trình diễn. Trong các ca khúc của anh, tôi yêu nhất tình khúc "Qua Vùng Biển Nhớ". Nhạc Từ Công Phụng có một sự hấp dẫn liêu trai, một sự nhớ nhung những kỷ niệm tuyệt vời của quá khứ.

Nhưng đến 30/4/75 biến cố miền Nam sụp đổ, tôi bị bắt đi tù cải tạo suốt mười năm ròng rã. Từ miền Nam Cần Thơ, ra tận huyện Trấn Yên Yên Bái, suốt dãy núi Hoàng Liên Sơn, trại số 5 Lam Sơn Thanh Hóa, rồi trở lại miền Nam trại Z30A tại núi Chứa Chan Xuân Lộc, nơi mà tôi từng cai quản năm 1955-1956.

Đói rét, khổ cực, nhọc nhằn, tôi từ 70 kí lô khi vào trại, khi ra trại về chỉ còn 45 kí lô. Sống cũng là phúc rồi. Trở về đoàn tụ với vợ con tại xã Ba Rinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Vì nhà cũ của tôi số 15 đường Võ Duy Tập, Quận 1, thành phố Cần Thơ đã bị trưng thu từ lâu.

Đến ngày 22/6/1994 tôi và vợ tôi được đi định cư tại Westminster, Hoa Kỳ. Tôi đã 62, vợ tôi 61. Hai vợ chồng bắt đầu cuộc sống mới.

II. Tha hương

Cuộc đời vẫn phẳng lặng trôi trên xứ người. Hai vợ chồng già tựa nhau để sống, tìm cách sống cho mình và cho đàn con cháu ở quê nhà, lúc ấy còn đang gặp nhiều khó khăn trên bước đường lập nghiệp. Nhưng tiếc rằng sức người có hạn, tuổi đời có hạn, như ông Đặng Dung thuở xưa thường nói: "Thế sự du du nại lão hà" tức chuyện thế sự còn mênh mông nhưng tiếc rằng ta đã già.

Nơi đất khách quê người, cũng một đêm thứ bảy, tôi đã gặp lại người bạn năm xưa, 1970, chúng tôi lại rủ nhau đi nghe đêm nhạc của Từ Công Phụng trình diễn. Cũng bản nhạc cũ "Qua Vùng Biển Nhớ" cũng chính nhạc sĩ Từ Công Phụng trình diễn và kỷ niệm thời dĩ vãng trở về với chúng tôi.

Mấy chục năm sau, ngồi trước mặt người nhạc sĩ, nghe anh hát "như cánh chim bay qua vùng biển nhớ," tôi chợt nghẹn ngào thấy rằng mình đã bay quá xa, đã trôi dạt xa quá với vùng trời kỷ niệm của một thời thương nhớ. Tuy nhiên chắc tôi không phải là người đơn độc trong một thoáng phiêu du ngược trở lại quảng đời dĩ vãng nổi trôi, được chuyên chở bằng những âm thanh trầm buồn tha thiết trong đêm nhạc tình Từ Công Phụng hôm ấy. Những khuôn mặt chợt thoáng một chút ưu tư, những nụ cười chợt hiện, dòng nhạc của anh bổng làm sống lại một kỷ niệm vui buồn nào đó, những ánh mắt long lanh, những mái đầu phong sương hai màu tóc, sụt sùi, tưởng nhớ…

Trong tiếng nhạc của Từ Công Phụng, tôi bỗng thấy mình như biến thành một cánh chim lẻ loi bay về cùng trời cũ, một cánh rong rêu lạc loài đang thương nhớ bến đò xưa. Sau đêm nhạc, lái xe về một mình, tôi bỗng thấy rùng mình với sương mù Cali. Tôi vội quay kính xe lên, nắn vội lại chiếc cà vạt cho ấm, trước mặt tôi cả một rừng đèn màu sắc chớp sáng lung linh.

Rồi ngày tháng trôi mau. Tuổi đời đã cao, trong những đêm trường sâu lắng, tôi tự ví tôi như con bò già nằm ở bờ tre, đang nằm nhai lại những kỷ niệm xưa, những hạnh phúc đã qua, những hiểm nguy ở chiến trường mà mình phải đương đầu, những nhọc nhằn mà mình phải gánh chịu và những thiếu thốn cùng cực đã phủ lên đời mình. Nhớ rằng "Sinh Tử Tụ Tán" nghĩa là "Sống Chết Hợp Tan" chỉ là một giấc mơ, cuộc đời trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ, thắm thoát đã hơn tám mươi năm.

Nhiều đêm nhai lại thời gian quá khứ, nhìn vợ tôi say ngủ sau chuỗi ngày lặn lội kiếm cơm, tôi mới thấm thía cho cuộc đời tha phương cầu thực trên xứ người và với tâm niệm "Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi" để tự an ủi mình và cố gắng dỗ giấc ngủ để ngày mai tiếp tục bước sinh nhai.

Người xưa thường nói "Tình yêu, tình thương con cháu, tình thương những người thân không bao giờ đứng vững được với thời gian. Thời gian sẽ là liều thuốc nhiệm màu sẽ xóa tan hết mọi ký ức, nếu phải sống xa nhau lâu ngày".

Nhưng, với vợ chồng tôi thời gian không còn mầu nhiệm nữa.

III. Hoài niệm

Từ khi mồ côi cha năm chín tuổi đến tuổi thành niên tôi luôn sống lặng lẽ, hiền hòa, nhịn nhục chịu đựng. Khi đứa em trai tỏ ra hỗn láo, lấn lướt vì nó là út tôi cũng ráng nhịn nhục vì tôi muốn mẹ tôi, lúc đó đã góa chồng, sa sút, được an vui. Khi trưởng thành, tôi luôn ước mong trở thành một giáo chức, lập gia đình để nuôi dưỡng mẹ tôi lúc tuổi già sức yếu một cách bình an. Nhưng những biến đổi chung quanh của người và của chính mình, nghĩ lại mà chóng mặt. Đời đã vứt tôi vào lò lửa chiến tranh suốt ngày đêm, phải đứng trước sự sống và chết từng phút, từng giây suốt cả 21 năm trường.

Thật tình, tôi không trách cứ ai về những đổi thay của đời mình. Bước qua tuổi tám mươi ở xứ người, tôi đã già, dù cảnh tượng xung quanh không là Xuân, đã thôi Hè, đã qua Thu, đời chỉ còn là cơn gió Đông tàn nhẫn, vật vã quất vào mặt mình những đòn roi lạnh căm, tê điếng.

Những ngày đầu thu vừa qua, tôi vô cùng đau buồn tiễn đưa vợ tôi đến nơi an nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang "Huỳnh Thanh" nơi quê hương tôi ở Mỹ Tho. Tôi chỉ còn biết đem chính bản thân mình, định mệnh mình ra mà trấn an tinh thần.

Từ đây, tôi trở thành đơn côi từ đây ở quê người! Cụm thông già đã vượt qua triền núi thấp. Hạnh phúc đời người thật "tương đối" bạn ạ! Và như thế, với cuộc sống cô độc của tuổi già, trong nỗi quạnh hiu của những đêm dài vô tận, tôi chọn cho tôi một góc trời riêng để đứng. Thay vì phải tiếp tục sống trong cái đời đá cuội nghiệt ngã triền miên không lối thoát khi xưa!

Và cũng vì còn lại một mình nên đôi khi đứng trước một nghịch cảnh buồn đau, một tình trạng sức khỏe suy sụp mà không còn ai để chia sẻ, than thở, đành một mình… một mình.

IV. Một chuyến trở về

Tháng 6 năm 2014, tôi đơn thân độc mã ở tuổi đời 84, đã trở về Việt Nam, sau bốn năm vợ tôi Anne Marie Nguyễn Thị Mỹ mất ngày 10/7/2010 nhằm 29 tháng 5 năm Canh Dần. Trước tiên, thăm con cháu, làm giỗ cho bà vợ và sửa sang lại nghĩa trang "Huỳnh Thanh" của gia đình ông bà tôi.

Chương trình thu xếp như sau: Chúa Nhật đầu đi thăm và biếu quà cho hai nhà sui gia tại thành phố Cần Thơ đến 10 giờ sáng. Từ đó đến chiều vợ chồng con gái tôi chở tôi đi thăm anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, do hội yểm trợ thương phế binh ở Orange County cung cấp địa chỉ ở nội ô thành phố Cần Thơ, tôi tự tặng chút ít tiền gọi là chút tình đồng ngũ khi xưa. Các anh, người thì đui mù, cụt tay, cụt chân, dù không quen biết nhưng khi gặp nhau, cảm động ôm nhau mà không cầm được dòng lệ rơi. Các anh sống rất cơ cực, thiếu thốn và chỗ ở cũng làm cho tôi xúc động vô cùng.


Chủ Nhật kế, con gái lớn tôi cùng chồng con từ Nha Trang vô. Các cháu con anh và em tôi (đã quá vãng) bảy tám người xuống thăm tôi, ngủ đêm tại khách sạn Golf. Chúng tôi đi ăn đêm và sáng hôm sau đi đò máy thăm chùa Trúc Lâm Yên Tử miền Nam vừa mới xây xong rất rộng lớn và uy nghiêm tại huyện Phong Điền. Sau đó các cháu trở về Sài Gòn.

Ngày Thứ Bảy kế tiếp, cháu tôi ở Sài Gòn cho xe nhà xuống đón tôi và đứa con trai tôi về Sài Gòn để thăm gia đình anh và em tôi, qua đêm tại Sài Gòn. Từ sau khi định cư tại Mỹ, tôi chưa bao giờ về và ngủ đêm tại Sài Gòn. Trên đường đi tôi ghé qua nghĩa trang gia đình tôi, thắp nhang độ 30 phút và dặn các cháu tôi ở giữ nghĩa trang chuẩn bị ngày mai gia đình tôi đưa heo quay qua cúng giỗ vợ tôi, đồng thời viếng mồ mả ông bà tại làng Tam Bình, Cai Lậy.

Đặc biệt sau đó, tôi ghé qua nghĩa trang Bà M.A - Nghĩa trang cách nhau- độ một cây số. để cúng hoa quả và thắp hương. Cô M.A. khi thời kỳ tiêu thổ kháng chiến năm 1946, 47 ở cùng quê tôi, và cô cũng là nữ sinh trung học ở Mỹ Tho. Thời kỳ chiến tranh, chúng tôi cũng về quê và sau đó tôi và cô M.A. yêu nhau suốt gần bốn năm. Chúng tôi cũng ước nguyện tiến tới hôn nhân, nhưng khi tôi được gọi động viên, thân mẫu cô lại quyết đoán ép gả cho một thương gia tại Mỹ Tho. Thế là cuộc tình đành tan rã, gây cho chúng tôi đau buồn và tiếc nhớ khôn nguôi.

Trong những năm 1950-1954, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, làng chúng tôi ở thuộc vùng "xôi đậu", nên qua các cuộc ruồng bố của Pháp, các cuộc nổi dậy của phong trào Việt Minh, cô M.A. đã một lần xả thân cứu tôi thoát chết. Khi mũi súng đã lên nòng chĩa vào ngực tôi sắp bóp cò. Trong gang tấc chúng tôi đã may mắn còn tồn tại.

Do đó khi đi Sài Gòn để trình diện nhập ngũ, trong hai tháng chờ đợi làm lễ Vu Quy, cô M.A. tiếc vì không được làm vợ chính thức với người mình yêu, nên đã một lần lén mẹ ra vườn sầu riêng quyên sinh bằng cách treo cổ. Gia đình phát giác kịp thời. Cuối cùng, cô đành thành hôn với người mà mình chưa hề quen biết và yêu thương.

Sau đó hai năm, tôi cũng lập gia đình. Tôi quyết tâm không vì mối tình xưa mà làm tan vỡ hạnh phúc của gia đình M.A. nên tôi cắt đứt mọi liên lạc và dặn gia đình anh và em trai tôi giấu kín bước chân của tôi trong cuộc đời quân ngũ. Cô M.A khi trở thành thương gia giàu có, đã vài lần mướn người tìm kiếm tôi.

Năm 1969, sau hơn 14 năm xa nàng, trong lần tôi về học khóa Praise do Mỹ tổ chức tại trường Quân Y ở Sài Gòn, cư ngụ tạm ở nhà anh tôi, thì cô M.A. vô tình đến nhà anh tôi để tìm địa chỉ tôi và xem tôi sống chết ra sao nên gặp tôi tại đó. Thế là sau khi tôi đổi về phục vụ tại Cần Thơ, cô M.A. từ Mỹ Tho đến nhà tôi tại Cần Thơ ghé thăm vợ tôi, kể lể sự tình thuở xưa và kết làm chị em. Dĩ nhiên năm 1955 tôi gặp vợ tôi, Anne Marie Mỹ, úc ấy đã tốt nghiệp diplome (bằng Thành Chung) đang làm việc tại Sài Gòn, tôi đã cho Anne Marie biết cuộc tình tôi đã trải qua trước đây. Vợ tôi là thiếu nữ con một gia đình ở Thủ Dầu Một (Bình Dương sau này), được giáo dục nghiêm minh và là một phụ nữ hiền đức. Suốt đời làm vợ chưa bao giờ làm điều gì khinh suất làm mất danh dự tôi trước mặt quân sĩ và xã hội.

Và từ đó, đôi ba lần trong năm, M.A. đến thăm gia đình tôi và chúng tôi đối xử nhau như tình thân. Tôi và cô M.A luôn kính trọng nhau, coi nhau như bà con thân thích, cố giữ cách ăn ở với nhau cho phải đạo.

Đến 30/4/1975 tôi bị tù cải tạo hơn một năm tại thành phố Cần Thơ trước khi bị đày ra Bắc, cô M.A. đã đến cùng vợ tôi vào thăm tôi trong tù đến hơn mười lần.

Sau mười năm tôi ở tù cải tạo về, khi hay tin M.A. đã mạnh dạn tới thăm vợ chồng tôi ở khu kinh tế mới và hỗ trợ chúng tôi tiền bạc rất nhiều để tạm sinh sống trong cảnh khó nghèo ở khu kinh tế mới. Sau đó, khivợ chồng tôi lên ở Sài Gòn lo khám sức khỏe và lo thủ tục định cư ở Mỹ, suốt một năm, M.A và hai con gái cô cũng đến yểm trợ tài chánh tối đa để vợ chồng tôi hoàn tất việc ra đi. Mẹ con M.A. đã đưa vợ chồng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất ngày 22/6/1994, để rời đất nước thân yêu, trong cảnh chia tay lần cuối đầy nước mắt.

Trở lại chuyện về thăm Sài Gòn, các cháu lái xe đưa chúng tôi đến nhà thờ anh chị Tư tôi, chú thím Sáu, em tôi để cúng hoa quả và nhang đèn. Sau đó đến thăm tro cốt của anh chị tôi tại chùa ở Xóm Củi, quận 8, và tro cốt của chú Sáu, em tôi, tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Chúng tôi qua đêm ở khách sạn tại khu Phú Mỹ Hưng. Sáng hôm sau, các cháu con bác Tư, con chú Sáu đến cùng ăn sáng. Sau đó cùng quay lại Mỹ Tho và gặp gia đình tôi ở Cần Thơ đi xe sang và cùng nhau cúng giỗ và thăm viếng nghĩa trang.

Đặc biệt buổi chiều, các cháu đưa chúng tôi qua phà Ngũ Hiệp, nhánh sông Tiền Giang, đến cù lao Ngụ Hiệp, nơi mà hơn 60 năm trước, gia đình tôi từ một gia đình giàu sang, qua cuộc tiêu thổ kháng chiến trở thành nghèo túng, chạy giặt tản cư qua đây sinh sống dưới lửa đạn và tận cùng của những năm 1948 trở đi với má tôi và ba anh em Xuân, Sơn, Thủy.

Cháu nội trai của tôi, nay là kỹ sư Huỳnh Thanh Bảo, mượn xe gắn máy đưa tôi qua các con lộ đất để đến nơi xưa mà mẹ con tôi đã tản cư về đây đến khi má tôi qua đời năm 1957. Xúc động thật sự.

Gò đất năm xưa nơi nhà tôi cất tại đây khi tản cư, giờ đã có căn nhà khác, nhưng con lộ đất trước nhà, bụi tre lớn trước ngõ sát bờ rạch, nơi bến xuồng mà tôi hằng ngày băng sông Tiền qua chợ Tam Bình, nơi mà nhà tôi cư ngụ khi xưa vẫn còn đó. Tuy bờ gạch đã sạt lở vài ba thước nhưng quang cảnh vẫn như xưa. Dòng nước đập "Thủ Cầm" chảy lờ đờ, đen ngòm trước nhà vẫn tiếp tục chảy, các cây bần ven bờ vẫn mạnh mẽ vươn lên, lau sậy vẫn trổ cờ, tiếng gà vẫn gáy, chim vẫn hót trên bụi tre.

Cảnh vật thôn quê xưa vẫn im lìm, vậy mà má tôi, anh Tư, chị Tư, chú thím Sáu, vợ tôi Anne Marie Nguyễn Thị Mỹ, cô M.A. đã là người thiên cổ, đã là quá khứ, cả gia đình "Huỳnh Thanh" chỉ còn lại một mình tôi, năm Sơn, đứng lặng quạnh hiu, bỡ ngỡ, nhìn cảnh xưa mà chết điếng! Tôi vội quay lại thằng Bảo đứng sau lưng đang ngơ ngác. Bổng tôi òa khóc, ôm chặt Bảo vào lòng, hai dòng nước mắt đổ xuống vùng đất khi xưa, mẹ con khổ sở, đau buồn, sống những năm khổ đau, sợ sệt, cùng cực trong cuộc sống suy sụp nghèo nàn, trong lửa đạn tơi bời. Người xưa đâu tá?

Lại nữa, cũng nơi bụi tre này, bến xuồng này, tháng một lần, cô M.A. nhà xa tôi vài cây số và con sông Tiền rộng 400 thước, bơi xuồng đến khoảng 5 giờ sáng, giờ mà ở quê tôi gọi là "Trời đâm mây ngang", chở theo thúng gạo ngon, cau khô, cau tươi để tặng "mẹ chồng hụt", thăm người yêu, mà người này đã làm cho đời M.A. đầy sóng gió suốt hơn 60 năm dài, và để được cùng người yêu là "năm Sơn" chả có gì là đặc biệt, ôm nhau năm ba phút cho đỡ nhớ thương. Trong bóng tối nhờ nhờ của thôn quê cằn cỗi, bất an, nơi đó có mối tình lãng mạn, sóng gió, nên thơ, nhưng không có tương lai.

Em thoạt đến thoạt đi như giấc mộng.
Còn mình tôi trong vườn cũ buồn thiu
Chút hương nồng đâu còn lại bao nhiêu
Theo trăng gió cuốn trôi vào hư ảo (...)
(Hồ Ngạn Ngữ)

Ngay trước ngõ, có bụi hoa Hà Tiên Cô. Đây là bụi cây má tôi bứng từ nhà ở Tam Bình, khi tản cư qua đây trồng. Hoa của nó màu trắng, nhụy dài vàng, mà má tôi từng yêu thích, tựa như mũ bà Hoàng Hậu, nay vẫn sum xuê. (Hiện tôi có trồng hai bụi nơi gò mả má tôi, "Bà Nguyễn Thị Dành" ở nghĩa trang "Huỳnh Thanh")

Năm 1950, anh Tư tôi có chụp một bức ảnh má tôi đứng mặc áo dài trước sự chứng kiến của hai em Sơn, Thủy. Đến bây giờ là hình thờ của má tôi đó, với bụi Hà Tiên Cô.

Tôi đứng nơi xưa cũ mà như người xa lạ của thời tuổi trẻ hơn 60 năm trước. Vài người qua lại nhìn nhìn rồi đi, người trong nhà xúm nhau trố mắt nhìn ra lạ lẫm, chẳng ai chào hỏi. Xa lạ, thật xa lạ hoàn toàn. Đúng như cảnh Từ Thức, sau khi "nhập thiên thai" cả trăm năm trở lại quê xưa. Thật là: "Hồi hương ngẫu cảm":

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cái, mẫn mao thôi
Mục đồng tương kiến, bất lương thứ
Tiếu vấn khách tòng, hà xứ lai?
(Hạ Tri Chương đời Đường)

Tạm dịch:

Khi đi trẻ, lúc về già
Gióng quê vẫn thế, tóc đà khác bao
Trẻ em thấy lạ không chào
Hỏi rằng khách ở phương nao đến tìm?

Trẻ thấy lạ là phải. Nay tôi đã 84 tuổi, xa quê trên 60 năm, đầu bạc trắng, nhưng lạ là sao thấy lòng mình vẫn tưởng như chỉ mới vài ba năm, vẫn mong ngóng tìm về kỷ niệm.

Cảm ơn Trời Phật cho con được sống lại 20 phút nơi chốn mà tôi luyến lưu nhiều kỷ niệm.

V. Giã từ tất cả

Giờ gia đình "Huỳnh Thanh" ngày nào, nay chỉ còn lại một mình tôi, năm Sơn.

Một thế hệ đã qua, một đời người vừa thoáng qua và vụt mất. Chỉ còn lại những thì thầm trong lòng.

Thôi má há! Thôi anh Tư há! Thôi chú Sáu há! Em đây anh Tư. Anh đây Thủy nhé, anh Năm mà em thường lấn lướt khi còn trẻ, em Sơn của anh Xuân, hiền lành nhẫn nhục, anh Tư còn nhớ không anh Tư? Con đây má, đứa con trai thời trẻ làm "công việc nội trợ của con gái" từng bị chị Hai Tạo gọi dỡn là "Cô Năm". Nó đã nhiều năm từng xay lúa, giã gạo, nấu cơm, săn sóc má và bảo vệ má khi chạy giặc tránh bom đạn trong cuộc tang thương ở quê mình.

Cảm ơn các cháu con bác Tư, con chú Sáu đã tận lực tạo điều kiện cho tôi thăm lại quá khứ nhiều kỷ niệm.

Thôi Anne Marie Mỹ, em há! Em đã là hiền phụ giúp anh nuôi bảy đứa con khi anh bôn ba ở chiến trường, một hiền phụ trung kiên chờ đợi chồng trong chốn lao tù mười năm, gian khổ lo bảy đứa con học hành, có đứa xong phần đại học, phụ anh lo sinh kế ở quê người để giúp các con ở quê nhà lập nghiệp.

Thôi M.A. thương yêu, đã có một thời son trẻ cùng anh chia sẻ ngọt bùi trong gian khổ chiến tranh ở quê mình. Vì yêu tôi, em đã trao thân cho người yêu, rồi trở thành người tình lỡ, suốt 60 năm còn khóc mãi. Chúng ta đã cùng đau khổ chia tay trong tuyệt vọng, nhưng suốt 60 năm qua, Em đã chứng tỏ lòng trung kiên yêu thương với mối tình đầu, không ngừng dõi theo cuộc sống của vợ chồng anh trong lúc lâm nguy. Một lần nữa, muôn ngàn cảm tạ em M.A.

Giã từ tất cả!

Thôi về đi, đường trần đâu có gì!
Tóc xanh mấy mùa.
Ôi phù du! Từng tuổi xanh đã già, một ngày kia đến bờ.
Đời người như gió qua!
(Trịnh Công Sơn)

Tài hoa đó, một đời giông gió bão
Nợ trần ai chưa dứt đã về nguồn
Đêm tiễn biệt, khóc người bao năm trước
Lá khuya rơi, động nát một trời thương.
(Tiếc thương, Lâm Tường Dũ)

Westminster, 21 tháng 2, 2015

Huỳnh Thanh Sơn

Ý kiến bạn đọc
08/04/201503:23:50
Khách
Hồi ức ông năm viết cảm động thật, và tôi tin đó là chuyện thật ông trải lòng mình cho bạn đọc. Cám ơn ông, và kính chúc ông luôn vui khỏe cùng con cháu.

Cám ơn toà soạn đã (có lẽ với nhiều ưu ái) cho lời dẫn truyện rất hay, đây đúng là một câu chuyện "kể về những TÌNH NGỪỜI tử tế tại Mièn Nam".
07/04/201517:59:44
Khách
Bài viết đầy cảm xúc, đọc mà thương cho những phận đời người Việt tha hương trên đất Mỹ. Lòng đau đáu luôn nhớ quê, nhưng chỉ muốn trở về khi chỉ còn lại cái thân xác già nua, để được nằm ở đất quê. Nếu không có ngày 30 tháng 4, 1975, thì ông Năm Sơn và các con ắt đã có một cuộc đời rất khác.
"Thân không là lính thú,
Sao chưa về cố hương?" (Sơn Nam)
04/04/201521:03:39
Khách
Cảm ơn Bác đã trải lòng mình cho tôi cũng nức nở . Nhớ mà chi, tiếc mà chi...... Nhưng với bác thì khác. Dĩ vãng người tình đầu tuy có duyên mà không nợ , thật đẹp quá làm bác cứ tiếc hoài . Còn người phối ngẫu thì cũng hiền dịu , đẹp tình , vẹn bến phu thê . Nhớ và khóc đi , khóc cho vợi nỗi nhớ , nỗi buồn và mang theo đó làm hành trang dũng cảm đi nốt quãng đường con lại , sao xứng đáng với người xưa.
Mến
04/04/201514:46:53
Khách
Kính chúc tác giả nhiều sức khoẻ , sống lâu vui cùng con cháu .Một bài viết thật cảm động.
03/04/201523:00:00
Khách
Tác giả đã lớn tuổi mà còn diển tả nổi lòng như người tuổi trung niên. Đó cũng là tâm trạng của người xa xứ, khi ta về cảnh vật còn đó, trong im liìm, bao quá khứ hiện về, nhưng người xưa thì biền biệt nơi mô...lòng thổn thức nghẹn ngào...người xưa ơi!
03/04/201519:57:18
Khách
Có một mối tình thânh cao đẹp quá thưa tác giả.Mến
03/04/201504:02:31
Khách
Bài viết thật cảm động. Cám ơn tác giả với tiếng lòng của cả một đời mình.
03/04/201502:55:59
Khách
Xúc động quá. Tôi sinh ở Mỹ Tho...Đọc mà muốn khóc. Nhớ quê nội, nhớ cầu khỉ làm bằng thân dừa bắt ngang những con mương con lạch. Nhớ con nước lớn nước ròng...Nhớ dòng sông Bảo Định bên lỡ bên bồi...Và rồi chiến tranh chia lìa tất cả...Quê hương tôi đâu! Ai đã gây cảnh nầy...Để bây giờ dân VN đi tứ xứ...và người ở lại cũng chẳng thiết tha gì với chế độ...chỉ muốn bỏ xứ mà đi...cho dù "Ra đi là sự đánh liều, nắng mưa cũng chịu, lạnh lùng cũng cam..."
03/04/201502:00:49
Khách
Bài viét thật cảm động quá! Mong bác co nhieu sức khỏe , an vui trong buỏi hoàng hôn cuọc đơi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,338,033
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.