Hôm nay,  

Gặp Lại Cố Nhân

26/03/201500:00:00(Xem: 16556)

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 3496-16-29896vb5032615

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài "Con Bé", chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Bài mới của tác giả là chuyện về một khách hàng đặc biệt khác của sở xã hội.

* * *

Chín giờ sáng, tôi đang xem xét hồ sơ của một người khách hàng trẻ tuổi bỏ học dở dang ở lớp 10, để chút nữa khi gặp khách hàng tôi sẽ tìm cách thuyết phục người này đi học lại, ít nhất là phải lấy cái chứng chỉ tương đương với bằng trung học và học thêm một ngành nghề gì đó để có thể tìm được việc làm, tự lực cánh sinh như điều kiện "ắt có và đủ" của bộ xã hội, thì loa phóng thanh của văn phòng oang oang thông báo là sẽ có một buổi họp nhân viên khẩn cấp vào lúc hai giờ chiều hôm nay. Mấy người bạn đồng nghiệp ngồi ở những cái cubicle chung quanh buông tiếng thở dài. Một người nói:

- Mắc gì mà họp khẩn cấp vậy, không phải báo tin laid off chứ?"

Người khác đoán mò:

- Tình hình kinh tế đã có vẻ khả quan lắm rồi, không phải laid off đâu, chắc là lại có project mới đấy thôi!

Tôi gật gù:

- Có thể lắm, vì mấy ông bà phụ tá xếp lớn ở trung ương đôi khi rảnh rỗi, ngồi "động não" sáng chế ra những chương trình mới, nghe qua thì hấp dẫn lắm, nhưng đến khi bắt tay vào việc thì mới thấy không thực tiễn chút nào.

Nhưng không cần biết với lý do gì, chúng tôi chỉ biết là sẽ phải tiêu pha hết bao nhiêu thì giờ làm việc "quý báu" của mình trong căn phòng ngột ngạt đó mỗi lần có General Staff Meeting.

General Staff Meeting là buổi họp thường lệ nhân viên chúng tôi phải tham dự vào thứ năm tuần cuối cùng mỗi tháng. Cái buổi họp mà chúng tôi vẫn thường tìm cách "trốn", vì toàn là những việc không cần, không muốn... nghe, vì hết là... tăng thêm hồ sơ vì thiếu nhân viên thì đến... sẽ có thêm vài cái reports mới, rồi lại dọa dẫm... cut back (cắt giảm nhân sự), furlough (cắt giảm giờ làm việc), penalty (phạt) nếu không đáp ứng điều kiện mà chính phủ Liên Bang đưa ra... Nhưng cái General Staff Meeting bất thường này lại diễn ra ở một ngày đầu tháng, đúng lúc chúng tôi tất bật với những bản phúc trình về công ăn, việc làm của tháng vừa qua.

Một lúc sau thì bà xếp trực thuộc của nhóm tôi chạy vòng vòng mấy cái cubicle báo tin:

- Mình sắp có xếp mới, Claudia, từ main office đổi về, hôm nay bà đến viếng văn phòng. You guys nhớ đi họp cho đông đủ nghen.

Thì ra là thế. Hơn tháng nay chúng tôi có nghe nói tới một bà xếp trẻ tên Claudia, mới đổi về từ một văn phòng Welfare vùng trung ương, nhưng đã được bà tổng giám đốc dành cho công việc quản lý hành chánh tại văn phòng chính, can cớ gì mà ngày hôm nay bà lại đến "tiếp quản" cái chi nhánh phụ này? Hay tại vì Martha, bà giám đốc của văn phòng tôi, được biệt phái về Headquarter mấy tuần để giúp các xếp lớn điều nghiên một chương trình đặc biệt, nên bà tổng giám đốc đã phải phái người khác tới đây thay thế, vì sợ chúng tôi sẽ tha hồ "vọc niêu tôm" khi chủ nhà đi vắng? Nhưng với tôi thì ai làm xếp cũng vậy, đâu có gì khác, bởi vì xếp nào cũng thế, cũng đòi hỏi là nhân viên phải... cần mẫn, ngoan hiền, để dễ bề sai bảo.

Gần hai giờ chiều, tôi đang tính "toa rập" với bà thư ký của mình, tìm lý do để bà vào phòng họp gọi tôi ra sớm, thì may mắn thay bà đã cầm giấy sang báo tin là tôi có khách hàng không có hẹn muốn gặp. Bình thường thì tôi rất "khó chịu" với những người khách hàng "walk in" như thế này, vì dù muốn dù không, dù bận cách mấy, thì tôi vẫn phải thu xếp công việc để tiếp họ đúng theo tôn chỉ "khách hàng là vua". Nhưng hôm nay thì tôi vui vẻ lắm, bởi vì người khách này đã giúp tôi khỏi phải đi tham dự buổi họp cấp thời. Bà xếp tôi đang đi tới từng cubicle gọi nhân viên trong nhóm đi họp đã phải chào thua khi tôi đưa tờ giấy báo nói tôi phải gặp khách hàng. Thế là tôi thoát nạn.

Nhưng không ngờ, chiều hôm sau bà giám đốc mới đã đi đến từng cubicle để "chào hỏi" nhân viên, dừng lại trò chuyện với những nhân viên đã không có tên trên biên bản tham dự buổi họp ngày hôm qua, và bà đã dừng lại ở cubicle của tôi lúc gần giờ tan sở. Giờ này, trong nhóm chỉ còn có một mình tôi vì phải làm đến 6 giờ chiều, những người khác đã ra về từ lúc 5 giờ hay 5 giờ rưỡi.

Không biết bà ta đã dừng chân ở trước cubicle của tôi bao lâu. Khi nghe gọi Ms. Ly, tôi ngửng đầu lên, thì thấy bà đang đứng tựa người vào khung cửa cubicle đối diện, nhìn tôi. Chắc bà hài lòng lắm khi thấy tôi chăm chỉ làm việc, không quan tâm đến những chuyện ở chung quanh. Bà mỉm cười hỏi:

- Ms. Ly, chắc bà đang bận, nhưng tôi có thể nói chuyện với bà ít phút không?

Tôi đưa tay mời bà vào nói:

- Nhất định là phải được rồi. Xin lỗi đã không biết bà ghé đến. Vâng, tôi đang bận, như bà biết đó, report time mà, tôi đang xem xét lại mấy cái hồ sơ có tên trên danh sách "delinquent", nhưng không sao, ngày mai tôi sẽ tiếp tục và sẽ hoàn tất.

Bà xếp lớn của tôi ngồi xuống đối diện với tôi:

- Tôi không thấy bà ký tên trên biên bản tham dự buổi họp hôm qua, nên hôm nay tôi đến chào hỏi để mình biết nhau.

Tôi biết mà, sắp sửa bị mắng mỏ vì dám bỏ họp đây, nhất là cái buổi họp quan trọng để trình diện xếp lớn. Tôi phân trần:

- Hôm qua tôi có khách hàng walk in, mà hồ sơ tôi giữ là hồ sơ "Homeless", họ không có chỗ ở nhất định, tìm họ rất khó khăn, nên khi họ tìm đến mình thì tôi phải tiếp họ thôi.

Bà xếp mới gật đầu:

- Tôi biết, đó là việc cần phải làm, vì "Enrich Lives through Effective and Caring Service" là kim chỉ nam của bộ xã hội mình. Bà có tinh thần trách nhiệm cao, tôi rất cám ơn.

Tôi im lặng nhìn bà xếp lớn. Tôi không biết là bà đang khen hay là trách khéo tôi đây. Bà cũng nhìn tôi, lặng im một giây rồi hỏi:

- Ms. Ly, bà còn nhớ tôi không?

Tôi lấy cái kính cận để trên bàn đeo lên, nhìn thẳng vào mặt người ngồi đối diện. Bà xếp mới của tôi tuy có "mũm mĩm" một chút, nhưng nét mặt cũng rất ưa nhìn. Có một chút gì quen quen trong khuôn trăng đầy đặn đó. Nhưng cái "bộ nhớ" của tôi không giúp gì được tôi hết, càng nhìn, tôi càng... không nhận được là ai.

Bà xếp của tôi nói:

- Bà không nhận ra cũng phải, vì tôi tròn trịa hơn ngày xưa nhiều, và vì tôi nghiêm chỉnh hơn, không còn lấc cấc như 17 năm về trước nữa. Claudia đây, người khách hàng ngày cũ ở vùng VI, người mà có lần đã bị bà mắng mỏ: "bây giờ còn trẻ không lo học rồi ngày sau sẽ làm được những gì...". Bà nhớ ra chưa?

Tôi giật mình, ngã người ra sau ghế...

*

17 năm trước...

Tôi vừa được lên chức, từ Eligibilty Worker lên làm GAIN Services Worker ở thành phố Bell, thuộc chi nhánh GAIN vùng VI. GAIN là một bộ phận của bộ xã hội, chuyên trách về vấn đề tìm công ăn, việc làm cho người lãnh trợ cấp. Ngoài chuyện tìm việc làm, GAIN còn giúp cho người đang hưởng phúc lợi đi học nghề, học chữ, và để khuyến khích khách hàng chăm chỉ học tập, GAIN sẽ trợ cấp thêm tiền giữ trẻ, tiền xe cộ di chuyển, tiền lệ phí, tiền mua sách vở v.v...

Claudia, lúc đó chỉ chừng 21, 22 tuổi, một nách hai đứa con, 1 đứa 3 tuổi, 1 đứa còn nằm nôi. Cô đi học bán thời gian ở Rio Hondo College, nhưng ngày đực, ngày cái, chữ được, chữ không, rồi không qua nổi những kỳ thi, điểm tụt xuống dưới 2 chấm (mức điểm tối thiểu phải có để khỏi ở lại lớp). Tên Claudia bị nhà trường bỏ vào danh sách những sinh viên "on probation", có nghĩa là nếu không cố gắng để lên được mức 2 điểm thì sẽ bị khai trừ ra khỏi trường. Với những khách hàng bị probation như vậy thì tôi phải "chăm sóc" hồ sơ của họ kỹ lưỡng hơn, phải gọi nhắc nhở hầu như mỗi tháng là... phải cố gắng học. Mà tháng nào khi nghe tôi hỏi tới thì Claudia cũng trả lời là việc học của cô nàng cũng rất đỗi khả quan. Nhưng semester sau đó thì Claudia vẫn tiếp tục "on probation" tuy là số điểm có nhích lên gần 2 chấm một chút, và nhà trường đã gửi giấy cho tôi báo trước, semester tới này mà Claudia vẫn "bình chân như vại" thì sẽ không còn cơ hội nữa.

Một trong những luật lệ của GAIN là trước khi sanction (qui định hình phạt, bớt tiền trợ cấp xã hội) khách hàng thì chúng tôi phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên do để cố vấn khách hàng, vì ngoài cái phần vụ chăm sóc hồ sơ, giúp đỡ phương tiện để đi làm, đi học thì chúng tôi còn có công việc làm "mentor" để giúp khách hàng có thể vượt qua những khó khăn họ phải đương đầu.

Tôi gửi cho Claudia cái hẹn tới văn phòng để nghe tôi... giảng moral. Tôi đã dành gần cả 1 tiếng đồng hồ để nói chuyện hơn thiệt, phải trái với Claudia, nhưng càng nói thì càng như nước đổ lá môn. Nhìn khuôn mặt vênh váo của Claudia mà tôi... phát sốt. Như thế này thì tôi không có chọn lựa nào khác là bắt Claudia ký vào tờ "compliane plan" (tờ cam kết sẽ làm đúng như điều kiện chính phủ đòi hỏi trong một thời gian nhất định, nếu không thì sẽ mất tiền phúc lợi). Giận quá, tôi đã buông lời trách mắng..."bây giờ còn trẻ, còn có cơ hội, có đủ mọi phương tiện, không lo học rồi ngày sau sẽ làm được những gì..." Tôi nhớ, Claudia đã sững người nhìn tôi, rồi lặng lẽ viết và ký tên vào tờ cam kết... "Tôi hiểu rõ trách nhiệm của tôi và xin hứa là sẽ cố gắng để qua khỏi probation semester tới, nếu không thì tôi sẽ bị sanction", rồi vội vã ra về.

Tôi thấm thỏp cả mấy ngày sau đó. Tôi chờ đợi bà tổng giám đốc của văn phòng gọi vào khiển trách (và có thể bị giáng chức về làm EW như cũ) vì tội đã dám... "nhục mạ" khách hàng, như một người đồng nghiệp cũ của tôi đã bị khiển trách. Bà đồng nghiệp này vốn dĩ là một nhà giáo, di dân từ Đài Loan qua Mỹ. Nhắm khó có thể dạy bảo nổi đám học trò rắn mắt nên bà đã không dám nộp đơn xin làm trong ngành giáo dục mà thi vào County làm GAIN worker như tôi. Vì méo mó nghề nghiệp nên bà tận tình "đe nẹt" khách hàng, nhất là những khách hàng trẻ tuổi, như răn dạy học trò của bà. Bà đã bị một khách hàng thưa lên văn phòng trung ương, văn phòng Giám Sát của County, vì worker đã xâm phạm "Civil Rights" (quyền công dân) của khách hàng. Buồn tình, bà làm đơn xin về hưu sớm để khỏi bị tăng huyết áp.


Nhưng... tôi đợi mãi mà cũng không nghe động tĩnh gì cả. Vài tháng sau, trước khi tôi có dịp hỏi đến phiếu điểm của semester kế tiếp, Claudia báo tin chuyển đổi địa chỉ, Claudia đã dọn đi Long Beach ở, và sẽ đổi sang học ở trường Long Beach City College. Tôi thở phào, chuyển ngay cái hồ sơ nhức đầu đó về cho văn phòng GAIN Long Beach, thuộc vùng V.

Bây giờ người khách hàng đó ngồi trước mặt tôi, và là xếp mới của tôi.

Claudia đứng dậy cười:

- Thật không ngờ quả đất tròn Ms. Ly há. Chúng mình lại có dịp làm việc chung với nhau ở đây. Cũng gần 6 giờ rồi, chắc mấy người kia đang nóng lòng chờ giờ về. Tôi phải sửa soạn đóng cửa thôi. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp để... chit chat với nhau.

******

Ngày tháng trôi qua, tôi vẫn tiếp tục công việc làm của mình nhưng trong lòng luôn luôn phập phồng lo sợ. Tôi chờ đợi sự "trả thù" của người khách hàng năm cũ mà ngày hôm nay lại là giám đốc của tôi. Bà có thể "chăm chút" tôi từng giờ phút làm việc, xét nét kỹ lưỡng về hồ sơ của tôi, bà có thể chuyển tôi tới một công việc khác nhức đầu hơn, hay tệ hại nhất, bà có thể đề nghị với bà tổng giám đốc thuyên chuyển tôi về làm việc ở văn phòng chính, cách nhà tôi hơn nửa tiếng đồng hồ lái xe.

Và chuyện gì phải đến đã đến. Ba tuần lễ sau, Claudia cho gọi tôi vào văn phòng làm việc của bà. Mấy người đồng nghiệp trong nhóm nhìn tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao tôi lại là người đầu tiên bị bà xếp lớn "chiếu cố". Họ không biết là tôi với Claudia có "ân oán giang hồ" với nhau. Tôi đã từng là worker của Claudia!!

Vẫn với nụ cười trên môi, Claudia chào đón tôi bằng câu chào hỏi thường lệ, "How are you?", rồi mời tôi ngồi xuống cái ghế nệm to tướng ngay trước mặt bà. Tôi cũng đáp lại bằng những lời đáp thông thường cho phải phép rồi ngồi xuống ghế, nhìn thẳng vào Claudia, chờ đợi. Như con mèo vờn chuột trước khi cắn cổ, nhai xương, Claudia tủm tỉm cười hỏi:

- Bà Ly giữ cái file Homeless được bao lâu rồi.

Tôi nhíu mày ráng nhớ:

- Từ tháng 9 năm 2007, 2008 gì đó, từ ngày đầu tiên có chương trình Homeless, giúp đỡ những người vô gia cư tìm một nơi ăn chốn ở.

Claudia kêu lên:

- Bà giữ cái file này lâu đến vậy sao? Không có ai muốn thay thế bà sao? Bà đã chán công việc này chưa?

Chắc là bà xếp lớn của tôi đang toan tính chuyển tôi sang một công việc "hóc búa" nào đó để "đì" tôi cho bõ ghét, "trả lễ" cho lời trách mắng ngày xưa đây. Tôi thì đã lăn lóc qua bao nhiêu năm nay rồi, hồ sơ bình thường, hay hồ sơ đặc biệt (tâm thần, nghiện ngập, bạo hành), vô gia cư v.v... dễ, khó gì tôi cũng đã làm qua, GAIN đâu còn có cái loại hồ sơ nào mà khó hơn hồ sơ "Homeless"nữa đâu. Chỉ ngoại trừ việc bà muốn đẩy tôi ra khỏi văn phòng này, nhưng không sao, tôi cũng không có ý định làm việc bao năm nữa, thành ra, nếu có bị chuyển đi làm xa thì tôi sẽ sẵn sàng nộp đơn về hưu sớm.

Tôi đáp:

- Ban đầu thì tôi cũng thích việc làm này, vì đây là một chương trình mới, thiết thực. Nhưng sau thì nhiều vấn đề phức tạp quá, thành ra tôi cũng chán tới tận cổ. Còn bà hỏi có ai "volunteer" để lấy cái file này thay cho tôi không hả? Khuyên dụ những người có nhà cửa hẳn hòi đi tìm việc làm, đi học còn chưa xong, thì với những người "Homeless" này còn khó gấp 10 lần, vì khách hàng vẫn viện cớ là chưa an cư thì làm sao mà lạc nghiệp, nên đâu có worker nào muốn "tình nguyện" coi giữ đống hồ sơ này đâu.

Claudia nheo mắt nhìn tôi:

- Có khó bằng hồ sơ của tôi ngày nào không?

Tôi nhìn thẳng vào mắt Claudia:

- Khó hơn nhiều, vì những cái hồ sơ Homeless này hội đủ tất cả những phiền toái của hồ sơ thường, hồ sơ đặc biệt... cộng thêm nỗi lo âu của kẻ không nhà, không biết sẽ về đâu đêm nay nếu Nhà Tình Thương, nơi tạm dung, không có chỗ cho mình! Hồ sơ của bà ngày đó chỉ có 1 điều đáng phiền là bà không chăm chỉ học hành thôi.

Claudia nhìn tôi một giây rồi hỏi tiếp:

- Bà có biết tại sao tôi muốn nói chuyện với bà hôm nay không?

Tôi lắc đầu chờ đợi. Tôi nhủ thầm, tử tù đã ngồi lên ghế điện chịu án rồi, giật điện nhanh hay chậm thì tùy người hành quyết. Claudia chậm rãi nói:

- Ông Jones sắp về hưu tháng tới, chỗ của ông cũng có vài người xin thay thế, nhưng tôi chưa quyết định sẽ đưa nó cho ai. Tôi đã duyệt qua hồ sơ cá nhân của bà, biết bà giữ đám hồ sơ Homeless "nhức đầu" này đã lâu lắm rồi. Tôi cũng nghe phong thanh là bà toan tính retire trong vòng một, hai năm nữa thôi. Thế nên, tôi muốn chuyển bà sang giữ hồ sơ của ông Jones, để bà dễ thở hơn trong những ngày gần về hưu. Bà nghĩ sao?

Tôi ngồi lặng yên trên ghế. Thay thế chỗ của ông Jones, là nhận lãnh một công việc an nhàn ngồi chơi xơi nước. Ông già này đã được xếp cũ "cưng chiều" nên cho ngồi một chỗ từ bao nhiêu năm nay, ôm đám hồ sơ được "exempt", có nghĩa là vì 1 lý do "chính đáng" nào đó, những người khách hàng này đã được miễn trừ việc phải cộng tác với chương trình GAIN đi tìm việc làm, đi học... mà vẫn an nhiên hưởng phúc lợi. Mỗi năm, họ chỉ cần đem cái giấy của bác sĩ chứng nhận là họ... vẫn chưa có thể làm gì được, để người giữ hồ sơ này cập nhật hóa tin tức. Người worker làm công việc này thật thoải mái, chỉ cần xem xét hồ sơ mỗi tháng, gửi thư ra nhắc nhở khách hàng đã tới lúc phải nộp lại giấy tờ xin miễn trừ việc cộng tác với GAIN, và chỉ việc đếm xem có tất cả bao nhiêu cái hồ sơ "exempt" đang giữ để ghi vào bản phúc trình nộp cho xếp vào đầu tháng.

Trước lúc vào gặp Claudia, tôi đã sửa soạn cho những tình huống tệ hại nhất, tôi cứ ngỡ là bà sẽ "trừng phạt" tôi, sẽ tăng thêm cho tôi một lô việc làm nhức đầu khác. Tôi không dám nghĩ là bà sẽ "biệt đãi" tôi đến mức độ này. Nhìn khuôn mặt của tôi, Claudia cười hóm hỉnh:

- Bà ngạc nhiên lắm phải không? Bà không nghĩ là tôi sẽ đề nghị với bà việc này phải không?

Tôi gật đầu:

- Quả tình là như vậy. Tôi đã nghĩ là bà gọi tôi vào đây ngày hôm nay để... nhắc nhở chuyện ngày xưa.

Claudia đứng lên, rời ghế của bà đến ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh tôi:

- Ms. Ly, đúng là tôi muốn mời bà vào đây để nhắc lại chuyện ngày xưa, và nói với bà một lời xin lỗi, cùng lời cám ơn chân thành nhất của tôi. Ngày trước, nếu bà không buông ra câu trách mắng đó thì ngày nay tôi không có được địa vị này, và có mặt ở đây. Bà tin không, nhờ lời mắng của bà mà tôi tự ái, và tôi đã thề là tôi sẽ phải... "làm được gì", để cho bà không còn khi dễ tôi.

Hôm đó, sau khi bị bà mắng về tôi đã nhất quyết là sẽ trả cái hận bị bà nhục mạ. Tôi đã chờ bà tan sở để nói chuyện "phải trái" với bà ngoài parking lot. Nhưng tôi chờ mãi mà không thấy bà đâu. Ngày hôm sau tôi lại đến chờ bà đi làm về. Tôi thấy bà ra bằng cửa hông, lên shuttle và được đưa về trạm xe lửa. Tôi đi theo, nhìn bà điềm nhiên ngồi đọc sách chờ xe đến. Hôm sau nữa, tôi đã nhờ một con nhỏ bạn giả làm hành khách chờ xe lửa đến lân la nói chuyện với bà, để tìm hiểu rõ ràng giờ giấc, tuyến đường bà đi về. Nhưng sau khi nói chuyện với bà xong nó nói với tôi:

- Bà ấy rất là tử tế. Tao nghĩ là mi nợ bà ta một lời xin lỗi, mi nên bỏ ý định trả thù vì bà ấy đã mắng mi. Nghe lời mi, tao đã giả làm người mới dọn về thành phố này đang tìm đường lên downtown đi học. Bà đã chỉ rõ ràng đường đi nước bước, còn khen tao là chịu khó chịu cực đáp xe lửa đi học nữa. Bà hỏi tao về sức học, ngành nghề tao muốn theo rồi chỉ vẽ cho tao trường nào hay để học, chương trình nào tốt, dễ kiếm việc làm. Bà còn khuyên tao là còn trẻ, còn có cơ hội thì đi học đi, học cho đến nơi đến chốn, vì học vấn là bàn đạp để mình tiến tới, và làm gương cho con cái sau này. Tao nghĩ là mi nên nghe lời bà ta, chỉnh đốn lại cuộc đời, đừng tìm cách kiếm chuyện với bà ấy nữa.

Nghe xong tôi mắc cở, không muốn gặp bà nữa nên dọn nhà về Long Beach. Tôi ghi tên vào Long Beach City College, và cố gắng học. Học xong chương trình AA tôi chuyển qua đại học 4 năm ở Cal State Long Beach. Có được bằng Bachelor rồi tôi thi vào làm Eligibility Worker, làm việc ở văn phòng Welfare Long Beach. Vừa đi làm, tôi vừa đi học ở Dominguez Hills, theo chương trình tuition reimbursement của sở. Xong Master, tôi vào làm Program Assistant ở Headquarter. Nhờ cần mẫn nên đường công danh tôi cứ lên mạnh như diều gặp gió. Ba năm sau tôi thi đậu HSAI (Human Services Administrator I), và được bổ về làm giám đốc ở Metro District. Tôi mua nhà ở Diamond Bar, và xin thuyên chuyển về văn phòng El Monte cho gần nhà, và được giao việc lo về hành chánh, nhân viên. Một hôm, ngồi xem xét lại Roster (danh sách nhân viên trong văn phòng) để xem có gì cần thay đổi, tôi nhìn thấy tên bà. Tôi vui quá, vì sẽ có dịp đến văn phòng này gặp lại cố nhân. Khi nghe "tin đồn" Martha sẽ được Headquarter giữ lại để điều hành project mới, tôi xin thuyên chuyển ngay về văn phòng này, vừa được gần nhà hơn, vừa được làm việc với bà.

Claudia nắm tay tôi:

- Ms. Ly, bà chấp nhận lời xin lỗi của tôi chứ?

Tôi cảm động nhìn Claudia:

- Claudia, bà có nghe câu nói này chưa? - "Người biết nói lời xin lỗi là người can đảm nhất"*-. Bà đã rất chân thành để nói với tôi lời xin lỗi, thì tôi cũng rất hân hoan để chấp nhận lời xin lỗi của bà.

Claudia cười:

- Vậy thì tôi nói tiếp phần sau của câu nói này nghe: - "Người biết tha thứ là người mạnh mẽ nhất," * và cho tôi thêm ba chữ... "nhân hậu nhất" -.

Tôi cũng nở nụ cười thật tươi:

- Claudia biết không, thực ra thì tôi cũng đã hối hận vì có hơi nặng lời với bà. Nhưng tôi muốn bà (và tất cả các khách hàng của tôi) có được một tương lai tươi sáng. Tôi đã áp dụng một câu thành ngữ của nước tôi vào trường hợp của bà: "thương thì cho roi cho vọt... ghét thì cho ngọt cho bùi...". Và tôi rất vui mừng vì bà đã vươn mạnh, vươn lên cao nhờ những chăm bón roi vọt đó.

Claudia đứng lên, đưa tay ra:

- Kết quả là giờ này cả hai chúng ta đều vui vẻ, hạnh phúc.

Tôi cũng đứng dậy, bắt tay Claudia thật chặt, lập lại:

- Vâng, cả hai chúng ta đều vui vẻ, hạnh phúc.

Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,297,866
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp viết văn bằng tiếng Việt và với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", ông đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông phổ biến ngày 18 -12-2012, kể chuyện tình giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt ở Biên Hòa năm 1973. Trở về Mỹ, ông bà an cư ở Ohio, có 7 người con, tất cả đều đã trưởng thành.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông, chuyện mùa xuân và chuyện mùa hè.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên Âu (EU) để hoàn thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ở Argosy, San Diego, và là một Phó Giám Đôc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, làm việc tại Á Châu.
Tác giả đã có bài viết về nước Mỹ đầu tiên phổ biến từ 2016. Năm nay, khi quyết định tiếp tục viết ông chọn bút hiệu mới cho bài kề về lễ tốt ngiệp kỹ sjư ngành computer của người cháu torng gia đình. Bài đăng 2 kỳ. Mong Mr. Hi tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thụy, 49 tuổi, theo ba mẹ đi H.O.8., tốt nghiệp Computer Enginee-ring. Sau 6 năm làm thuê, đã thành lập và điều hành công ty Newteck - PCB Inc tại City Tustin. Bài viết đầu tiên của ông mang tên “35 Năm, Một Ước Mong” kêu gọi thủ đô tị nạn của người Việt hải ngoại cần có một đền thờ 5 vị tướng anh hùng tử tiết của miền Nam Tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác Giả Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa Saigon nhưng dang dỡ. Có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc. Hiện đã nghĩ hưu, nhưng vẫn làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên báo địa phương. Hiện cư ngụ tại thành phố Sacramento, Cali. Đây là bài đầu tiên tham dự VVNM.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến