Hôm nay,  

Dưới Ngọn Dốc Trời

16/03/201500:00:00(Xem: 11155)

Tác giả: Mimosa Phương Vinh
Bài số 3487-16-29887vb2031615

Tác giả định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Giải thưởng VVNM 2013, cô đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả với hai bài viết tiêu biểu: “Thiên Thần Đen” và “Cũng Một Đời Người”, kể về những di dân tị nạn tại Mỹ làm việc tới mức quên mình để gửi tiền tiếp viện cho người thân còn ở quê nhà. Bài viết mới của tác giả là chuyện sau 30 Tháng Tư 1975.

* * *

Buổi chiều trời mưa và lạnh, tôi đang ở trong tâm trạng vô cùng chán đời thì chị Khuê đến thăm, chị Khuê hay có thói quen đến với tôi một cách bất chợt như thế. Chị mặc một chiếc áo Pardessus dài và rộng bằng nỉ dầy màu nhà binh như mấy ông lính Đức trong những phim ảnh ngày xưa. Với dáng điệu lừng khừng cố hữu chị bước vào phòng.

Tôi reo lên mừng rỡ:

- Chào bạn vàng, ngọn gió nào đưa bạn đến đây trong buổi chiều mưa gió như thế này?

 Chị Khuê cười ngặt nghẽo:

- Vàng ngọc gì! Đói gần rã họng đây. Trời mưa buồn quá, nhớ Phương nên đến thăm vậy thôi.

Tôi cười:

- Em cũng đang chán đời đây! Sao, có tin tức gì lạ không?

- Tin tức gì đâu, cũng mút mùa Lệ Thuỷ thôi bạn ơi!

Chúng tôi đang nói đến mấy ông chồng còn ở trong nhà tù cộng sản. Chị Khuê xục xạo trong túi áo Pardesssus lôi ra một điếu thuốc lá cong queo, chị vuốt điếu thuốc rồi hỏi tôi:

- Cho mình xin chút lửa.

- Lửa đâu mà cho. Khuê ơi, lửa tắt bình khô rượu, đời vắng anh rồi vui với ai.

Tôi nhại giọng thơ của Vũ hoàng Chương để trả lời. Chị Khuê phân bua:

- Buổi tối hay bị mất ngủ nên mình sinh tật xấu hút thuốc, nay đâm ra ghiền rồi Phương à.

Tôi thông cảm với chị:

- Chẳng có gì xấu đâu Khuê, đàn bà hút thuốc cũng là chuyện thường thôi!

Đang lúc ấy tôi thấy ba đi qua cửa phòng, tôi chạy ra xin lửa cho chị Khuê. Chị hít hơi thuốc đầu tiên thật dài rồi cưòi cười hỏi tôi:

- Phương thấy mình bụi đời quá phải không?

- Có gì đâu mà bụi đời hả chị. Mọi ngưòi đều có quyền đốt nỗi buồn của mình mà.

Khói thuốc bay nhẹ nhẹ trong phòng, loại thuốc có mùi hăng, nặng mà ba tôi hay dùng. Tôi ngắm chị Khuê với mái tóc hơi quăn, khuôn mặt ốm, tiều tụy và mệt mỏi dù chị chưa quá ba lăm tuổi, nhìn chị đang phì phèo điếu thuốc trên tay lòng tôi bỗng dưng dâng lên mối thương cảm vô bờ.

Chị Ngọc Lan nói: chị Khuê dạo này ghiền thuốc lá nặng.Tôi nghe mà chẳng có ý kiến gì cả bởi tôi hiểu rõ hoàn cảnh bi đát của chị, hiểu để mà hiểu thôi, chứ tôi cũng chẳng giúp chị được gì cả. Thân tôi còn chưa lo nổi, lấy gì mà lo cho kẻ khác đây.

Chồng chị Khuê là Thiếu Tá nhảy dù. Anh đi tù bỏ lại cho chị một bầy năm đứa con, đứa nhỏ nhất ngày anh Nguyên ra đi mới vài tháng nay đã được năm tuổi. Năm năm với những hoàn cảnh quá khắc nghiệt, thiếu thốn sau năm 75 không phải là một thời gian ngắn. Chị Khuê đã phải vật lộn rất khó khăn với đời sống để nuôi đàn con bữa đói, bữa no, đã vậy thỉnh thoảng còn phải đi thăm chồng tận miền Trung. Chị bán tất cả những gì có thể bán được trong nhà, đi thêu, đi đan, đi chợ trời, đầu đường xó chợ để nuôi con đợi chồng về, mà ngày anh Nguyên về còn xa tít mù khơi cũng như ngày về của chồng tôi vậy. Bao nhiêu đau đớn, khốn khổ đè lên đôi vai gầy yếu của chị Khuê, thì một cái chuyện nghiện thuốc lá cũng đâu có gì là xấu xa.

Chị Khuê nói với tôi bằng âm điệu đều đều mà nặng trĩu buồn bã:

- Phương dù sao cũng đỡ hơn mình vì chỉ có một đứa con, lại có hai bác giúp đỡ. Mình chẳng có ai cả, gia đình anh Nguyên thì ở tận quê miền Trung, ở đó còn khó khăn hơn Dalat này nhiều lắm. Mình bây giờ đang lâm vào ngõ cụt muốn chết cũng không xong Phương ạ.

Tôi thở dài:

- Có gì chị kể cho em nghe với, sao hôm nay chị chán đời dữ vậy?

Chị Khuê im lặng nhìn xuống điếu thuốc, một lát sau chị thở dài sườn sượt rồi kể:

- Ngày hôm qua thằng Quốc thấy củi trong nhà hết nên đi lên Dốc Trời để kiếm một ít. Mình thấy trời nắng ráo nên để cháu đi sau khi ăn hai bát cơm trộn khoai, không ngờ sau đó trời đổ cơn mưa lớn. Mình lo lắng vô cùng khi trời chạng vạng mà chưa thấy con về, nên quyết định đi tìm. Đi sâu vào rừng chẳng thấy con đâu trong khi trời mưa gió mù mịt, mình vừa đi vừa kêu tên con khản cả giọng.

Khi mình đến gần chân dốc thì thấy cháu Quốc ướt như chuột lột, vừa đi vừa khóc, vừa kêu mẹ. Trông thấy cháu, mình chạy ùa tới rồi hai mẹ con ôm nhau khóc òa giữa rừng, mặc cho nước mưa tuôn xối xả trên người. Mình đau đớn quá Phương ơi, mình khóc như chưa bao giờ được khóc. Con mình thì vừa khóc vừa xin lỗi:

- Mẹ tha lỗi cho con, con tìm được mấy cây củi lớn lắm, nhưng khi trời mưa củi ngấm nước trở nên nặng quá, đường lại trơn trợt khó đi. Con cố gắng hết sức mà cũng không vác được nữa, trời lại tối nên con đành bỏ hết. Con sợ về mẹ la, lại sợ ma nữa. Xin mẹ tha thứ cho con, con biết nhà hết củi rồi nhưng con không vác nổi mẹ à!

Chị Khuê vừa kể, vừa nức nở:

- Trời ơi, có ai ngờ đâu con một ông Thiếu Tá mà bây giờ phải đói khổ như thế này đâu. Nghe con nói lòng mình như muối xát. Thằng bé vừa đói, vừa lạnh về đến nhà cũng chẳng có gì mà ăn ngoài vài củ khoai mì. Phương nói cho mình nghe đi, mình phải làm gì bây giờ, làm gì bây giờ. Mình có ăn ở bất nhân đâu mà ngày nay bị đầy đọa như thế này, còn các con mình là những đứa trẻ vô tội mà. Thượng đế ở đâu, ông trời ở đâu có nghe lời của con không?

Nước mắt tôi tuôn tràn theo từng lời nói của chị Khuê, làm gì đây tôi cũng không biết phải khuyên chị làm gì cả. Chị Khuê hít một hơi thuốc cuối cùng, quăng tàn thuốc lá ra ngoài sân, trời đã tạnh mưa nhưng bầu trời mờ đục, buồn bã. Chị đứng giữa phòng nhìn tôi rồi nói lớn:

- Chỉ có cái chết mới giải quyết được tất cả mọi vấn đề Phương ạ!

 Tôi phản đối quyết liệt:

- Không, chị không thể làm như vậy nếu chị chết ai lo cho mấy đứa nhỏ. Cháu Quốc mới hơn mười tuổi, làm sao lo cho một bầy em bốn đứa. Chị không thể bỏ các cháu sống mồ côi như vậy được.

- Chứ mình sống thì cũng có lo gì cho các cháu được đâu, không lẽ để cho chúng đi xin ăn à, hay là mình đi xin ăn? Nếu mình chết đi sẽ có những người tốt đem tụi nó về nuôi, chứ mình sống ai mà nuôi chúng.

- Ai nuôi, người ta có nuôi cũng chỉ nuôi một đứa chứ ai mà nuôi cả đàn con của chị.

Chị Khuê cười cay đắng:

- Mỗi nhà nuôi mỗi đứa cũng được. Anh em nó phân tán mà được no đủ còn hơn sống một nhà mà bữa đói bữa no.

Tôi dơ tay lắc đầu quầy quậy:

- Không đâu chị Khuê, chị tính quẫn rồi. Chị phải cam đảm lên mà sống chứ, bao nhiêu người đói khổ chứ có phải riêng chị em mình đâu. Sau cơn mưa trời lại sáng, chị tin em đi chị Khuê.

Tôi nói với chị bằng tất cả sự thống thiết của lòng mình. Tôi khuyên chị phải tin tưởng một ngày mai trời lại sáng mà thật sự tôi cũng chẳng chắc rằng ngày mai trời có sáng hay không nữa!

Chị Khuê bỗng cười lên sặc suạ:

- Sau cơn mưa biết đâu trời lại bão đó, bạn hiền ơi!

Trò chuyện với tôi một lát chị uể oải đứng lên cáo từ. Tôi đưa chị ra cổng và trong khi bắt tay từ giã tôi nói với chị thật nghiêm túc:

- Chị hứa với em là không được nghĩ quẫn nữa nghe chưa?

- Không hứa gì cả! chị Khuê vừa cười buồn vừa nói.

Nhìn theo dáng chị chậm chạp, lừng khừng dưới bầu trời xám xịt tôi nghĩ đến năm đứa con nheo nhóc của chị Khuê mà buồn đến thắt ruột. Quốc, Thái, Dân, An là tên của bốn đứa con trai và đứa con gái tên là Thanh Bình. Ôi những cái tên nghe mới đẹp đẽ làm sao, nhưng trong cái hoàn cảnh đói khổ, bi đát này những cái tên của những đứa bé bất hạnh nghe sao mà mỉa mai, chua xót vô cùng.

Tôi quay vào nhà nghe hơi lạnh tràn đầy trong căn phòng nhỏ, thoang thoảng đâu đấy mùi khói thuốc chị Khuê còn lưu lại. Bỗng dưng tôi cũng thèm đốt lên một điếu thuốc hay đập phá một cái gì đó. Tôi nằm úp mặt xuống giường và khóc nức nở như chưa từng được khóc.

Vài ngày sau, khi lên tổ hợp thêu để trả và nhận hàng mới về nhà làm, tôi gặp chị Liên cũng có chồng đi tù như tôi báo tin chị Khuê uống thuốc ngủ quá liều phải đưa vào bệnh viện cứu cấp. Chị Liên kể lể:

- Ngày hôm qua chị ấy hỏi mình cách dùng thuốc ngủ, mình có nói dùng thuốc phải cẩn thận nếu dùng quá liều coi chừng ngủ luôn đó. Mình có dặn chị ấy kỹ càng mà không hiểu tại sao lại có sự việc này xảy ra.

Tôi hối hả chạy ngay lên bệnh viện để thăm chị Khuê, tôi vừa thương vừa giận chị đã làm một điều khùng điên mà chị đã báo trước cho tôi trong một buổi chiều trời mưa nọ. Tôi vừa đi vừa nghĩ rằng chắc gặp tôi chị sẽ oà lên khóc như hai mẹ con chị đã ôm nhau khóc dưới chân ngọn Dốc Trời mấy hôm trước mặc cho nước mưa tuôn xối xả trên thân thể gầy còm của hai kẻ khốn nạn trong một nước Việt Nam “độc lập, tự do, hạnh phúc”! Nhưng khi gặp chị, tôi ngạc nhiên thấy nét mặt chị tươi tắn hơn mọi khi mặc dầu nước da rất xanh xao. Tôi không biết mở lời như thế nào trong hoàn cảnh bi đát này, chị nhìn tôi cười cười rồi nói nhỏ:

- Mình làm chuyện tầm bậy quá Phương à.

Tôi cầm bàn tay gầy guộc cuả chị Khuê mà ứa nước mắt, tôi vẫn im lặng để nghe chị nói:

- Họ chửi mình như chửi chó vậy.

- Ai chửi?

- Thì y tá với bác sĩ chứ ai!

- Tại sao?

- Họ nói có nhiều bệnh nhân đang cần điều trị mà mình làm chuyện khùng điên để mất thời giờ của họ.

Tôi chợt thấy vô cùng tức giận:

- Tại sao lại chửi một người tuyệt vọng đi tìm đến cái chết. Đáng lẽ họ phải an ủi chị mới đúng chứ, chị cũng là một bệnh nhân bị đau đớn vì sự dầy vò của tinh thần mà.

Chị Khuê lắc đầu:

- Không ai cần biết điều đó, tự tử mà vào nhà thương là chết với mấy người bác sĩ, y tá và lao công ở đây. Họ đặt ống vào bao tử để súc ruột, mình tởn tới già không dám tự tử nữa đâu.

Chị Khuê cười cười, tếu tếu khi trò chuyện làm tôi cũng thấy tức cười mà quên đi phần nào lo lắng. Tôi hỏi:

- Chị thấy trong người thế nào?

- Mệt lắm nhưng tâm hồn thì bình thản, may mà không chết. Mình nghĩ ra rồi, cứ mặc cho cuộc đời trôi di, vì đời sống con người thật là quý giá có kề cận cái chết mình mới hiểu ra điều đó.

Tôi xiết chặt bàn tay của chị, trong lặng lẽ niềm cảm thông đến với hai người cùng chung cảnh ngộ.

Ở ngoài kia nắng óng ả chan hòa trên ngọn đồi trọc với vài ba cây thông bơ vơ, lạc lõng. Buổi chiều ở bệnh viện thật quạnh quẽ cô liêu hay tại tôi có cảm tưởng như vậy. Tôi nhìn chị Khuê và tự hỏi: rồi tương lai của gia đình chị ấy sẽ đi đến đâu và tương lai của chính tôi và của gia đình tôi nữa. Câu trả lời đã đi vào ngõ cụt.

Nếu quả đất nổ tan tành trong giờ phút này thì thật là một điều hạnh phúc biết bao nhiêu!

*

Mười một năm sau anh Nguyên mới trở về, khi anh về thằng bé An đã mười sáu tuổi. Còn Quốc, Thái, Dân đã trở thành những người thanh niên đẹp trai và cao lớn. Thanh Bình cũng đã là một thiếu nữ mười tám. Gặp lại đám con chị Khuê tôi không dấu đựơc sự ngạc nhiên là tại sao sống trong một môi trường đói khát, lầm than mà các con chị lại có thể đẹp đẽ và sáng sủa như thế. Có lẽ mấy cháu thừa hưởng cái vẻ đẹp và sang của anh Nguyên. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh mà.

Anh Nguyên về rồi đời sống gia đình chị Khuê có phần dễ thở hơn vì có những thuộc cấp của anh đang ở ngoại quốc gửi tiền về giúp ông thầy, và hơn nữa lúc ấy đang có chương trình H.O. nên có nhiều ngưòi quen biết sẳn sàng cho chị Khuê mượn tiền để làm ăn, buôn bán.

Có lẽ chị Khuê hết chán đời nên không còn đến thăm tôi trong những chiều mưa như ngày xưa nữa. Hoàn cảnh tôi cũng dở khóc dở cười, ông chồng đi tù chín năm trở về, tôi sanh thêm một đứa con trai nữa thì chồng về Sàigon để tìm đường vượt biên. Vượt biên đâu chẳng thấy chỉ thấy ông ta vượt qua hàng rào tình nghĩa phu thê để rơi vào cái bẫy của người đàn bà năm con, mặt trát đầy son phấn và dĩ nhiên là giàu có hơn tôi.

Tôi cũng cố lặn lội xuống Saìgon nhìn tận mặt họ môt lần, đau đớn cũng có mà chán chường lại nhiều hơn. Tôi chào giã biệt ông chồng đã mang cho tôi nhiều nổi bất hạnh hơn là hạnh phúc rồi âm thầm về Dalat nuôi con. Có người cho là tôi cao thượng nhưng cũng có người cho là tôi ngu dại. Sao cũng được, nhưng tôi hiểu chính tôi, lòng tôi trở thành băng giá và trơ lì, tôi chỉ muốn trở về thế giới cô đơn của chính tôi, tôi trở về căn phòng bé nhỏ trong ngôi nhà cổ kính của cha mẹ tôi, ở đó tôi thấy được bao dung và che chở. Không bao giờ sợ bị phản bội hay ruồng bỏ.

Cũng một buổi chiều mưa anh Nguyên đến thăm tôi, tôi quá đổi ngạc nhiên khi không thấy chị Khuê đâu cả. Anh nói chị Khuê bận việc gì đó, sau khi nói chuyện trên trời dưới biển một hồi anh bắt đầu tả oán nào là chị Khuê lôi thôi không gọn gàng, nào là chị Khuê hút thuốc nhiều quá, nào là chị Khuê bây giờ trở chứng hay tin vào thầy cúng, thầy bùa. Tôi bênh vực chị Khuê:

- Chị Khuê nghiện thuốc lá vì ngày anh đi tù chị lo nghĩ nhiều nên đâm ra mất ngủ rồi hút thuốc. Anh không thương chị ấy thì thôi sao lại trách móc.

Anh Nguyên nói:

- Chồng đi tù buồn quá thì hút thuốc cũng đành, nay anh về rồi còn buồn khổ chi nữa mà hút thuốc chứ!

Tôi cãi lại:

- Bộ anh tưởng một người nghiện thuốc mười mấy năm rồi mà dễ bỏ lắm sao. Còn anh đã bỏ hút thuốc, uống rượu chưa?

- Anh là đàn ông mà.

- Đàn ông hay đàn bà gì cũng vậy mà thôi! Anh đâu biết chị Khuê đã từng tự tử vì quá tuyệt vọng.

Rồi tôi kể chuyện cháu Quốc đi kiếm củi lạc dưới Dốc Trời, hai mẹ con gặp nhau, ôm nhau mà khóc dưới mưa như thế nào cho anh Nguyên nghe.

Tôi nói cho tan vỡ những ấm ức, đau buồn chất chứa trong lòng của vợ một người tù cải tạo. Những ngày tháng cô đơn tuyệt vọng đó có ai san xẻ với chúng tôi không? Hay nghịch cảnh này chấm dứt thì nghịch cảnh kia lại được đưa tới. Anh Nguyên ngồi im lặng nghe rồi nói:

- Có bao giờ Khuê kể cho anh nghe những điều đó đâu!

- Kể ra để làm gì chứ! Kể ra thì phải nói đi nói lại nhiều lần đến độ nhàm chán, thà cứ giữ im trong lòng thì nó vẫn mãi mãi là của ta.

Anh Nguyên quầy quả bỏ đi về, tôi nghĩ anh sẽ hối hận nhiều sau khi nghe câu chuyện đau lòng đó.

Tôi không có dịp gặp lại chị Khuê nhiều khi chương trình đi H.O. trở nên sôi động, chị Khuê lo phận chị, tôi lo phận tôi. Ai ai cũng muốn từ giã cái xã hội tự do no ấm của mấy ông cộng sản để ra đi. Qua bao nhiêu khê, trắc trở chúng tôi cũng đến được bến bờ của tự do thật sự. Hình như tôi đã quên chị Khuê, người bạn bụi đời và đau khổ của tôi.

*

Hơn mười mấy năm sau, một buổi tối tôi đang ngủ thì nghe điện thoại reo, nhắc phone lên hóa ra là chị Khuê, chị gọi tôi từ một Tiểu Bang ở miền Bắc Mỹ. Qua câu chuyện tôi biết các con chị đều học hành thành tài và có người đã lập gia đinh. Tôi hỏi về anh Nguyên thì chị trả lời:

- Ông ta dạo này ngon lắm! Gái theo rầm rầm!

- Bộ chị không ghen sao?

- Ghen chi cho mệt, cái giống đàn ông là vậy đó. Bây giờ các cháu lớn hết rồi, mình lo chăn cháu nội mệt nghỉ, hơi sức nào mà lo chăn ông tướng đó.

Tôi đùa:

- Ông Tá chứ!

- Ừ thì ông Tá!

- Mà này Khuê ơi, thằng Ngọn Dốc Trời bây giờ ra sao?

- Ngọn Dốc Trời là ai?

- Thằng bé đi kiếm củi cho mẹ rồì bị lạc dưới Dốc Trời hồi một ngàn chín trăm lâu lắm rồi đó.

Chị Khuê cười ngất:

- Phương còn nhớ chuyện đó à, hồi đó tụi mình khổ còn hơn súc vật nữa Phương nhỉ, bồ còn nhớ lần mình tự tử hụt không? Thật ra lúc đó mình đã cùng đường rồi Phương ạ, không còn một còn một lối thoát nào ngoài cái chết. Cháu Quốc bây giờ là Kỹ Sư, vợ cháu là Dược Sĩ, cháu cũng hiếu thảo lắm nên mình cũng đỡ.

Tôi hỏi chị Khuê:

- Khuê này, sao họ lại gọi ngọn đồi đó là Ngọn Dốc Trời?

- Phương không biết dân Dalat mình nổi tiếng là mơ mộng, lãng mạn nhất nước sao? Tên nào họ đặt ra cũng đẹp đẽ, nên thơ và nhức nhối. Nào là Đồi Thông Hai Mộ, nào là Thung Lũng Tình Yêu, Đường Vào Tình Yêu, Ngọn Dốc Trời, Đỉnh Gió Hú Hồ Tích Lệ … Dốc Trời vì dốc cao hơn những dốc khác thế thôi!

Chị Khuê bỗng hỏi:

- Còn ông chồng bạn ra sao rồi? Mấy đứa nhỏ khỏe không?

- Đi bặt tăm, bặt tích từ lâu lắm rồi. Hai đứa học hành cũng tạm được, ra trường hết rồi.

- Nghe đồn nhà ngươi có làm thơ hả?

- Lai rai, không phải là thi sĩ vì không có tác phẩm nào in ra cả!

- Ai nói thế?

- Mấy ông thi sĩ lớn nói như thế!

- Nghĩ cũng lạ hồi đó quen nhau mười mấy năm có bao giờ mình thấy Phưong làm thơ đâu, đọc thử cho nghe một bài đi!

- Thôi để khi khác. Hôm nào có dịp em sẽ viết tặng chị và em hứa một ngày nào đó nếu có dịp sẽ kể lại câu chuyện về ngọn Dốc Trời với cháu Quốc. Chị cho phép không?

- OK thôi, có gì mà phép với tắc. Bồ muốn gì thì viết nhưng không được viết chuyện ông Nguyên với mình cơm không lành, canh không ngọt nghe?

- Sao vậy?

- Để cho nó đẹp. Văn chương lúc nào cũng phải đẹp và truyện phải có cái hậu mới hay.

Tôi cãi:

- Bộ câu chuyện của chị không có hậu hay sao? Bây giờ chị ở nhà chơi với cháu, thằng bé tiều phu bắt đắc dĩ ngày nào, nay đã là một Kỹ Sư trong một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới, vợ lại là một Dược Sĩ.

- Nhà ngươi cứ cho là ông Nguyên đi tù về bị tiếng sét ái tình đánh phải nên đã đi theo tiếng gọi của con tim và ta cao thượng để cho ông ấy ra đi. Truyện như vậy mới đẹp.

Chị Khuê cười hì hì sau câu nói, tôi nghĩ chị ấy đã vượt qua tất cả những tình cảm ghen tuông ray rứt của một nhi nữ thường tình.

*

Thêm hai năm sau, tôi biết tin anh Nguyên đã về Việt Nam cưới một ngươì vợ trẻ hơn anh rất nhiều. Bây giờ niềm vui của chị Khuê là mấy đứa cháu với khu vườn trồng nhiều hoa hồng, tôi hỏi chị còn hút thuốc không và ngạc nhiên khi nghe chị nói:

- Bỏ lâu rồi, sợ mấy đứa cháu bị Secondhand smoke thì tội nghiệp lắm. Với lại bây giờ có gì buồn đâu mà phải tìm quên trong khói thuốc hả Phương!

Tôi chợt hiểu, mười sáu năm sau khi anh Nguyên ra tù chị vẫn không cảm thấy hạnh phúc như bây giờ chị đã cảm thấy bên đàn cháu dại.

Trời nơi tôi ở bỗng có những cơn mưa buồn như những cơn mưa của Dalat ngày nào. Tôi nhớ đến chị Khuê trong chiếc áo Padersus thùng thình bằng nỉ màu nhà binh và điếu thuốc cong queo chị tìm được trong túi áo. Chúng tôi không có thời gian làm những người đàn bà trẻ thơ hạnh phúc, bởi nỗi gánh gồng của đời sống đã được đặt trên vai chúng tôi quá đỗi nặng nề trong cơn biến loạn của đất nước. Dù sao những viên thuốc ngủ ngày xưa cũng không giết được chị Khuê bạn tôi. Chị xấu hay tốt, bình thường hay khật khùng không quan trọng đối với tôi. Điều đáng nói là:

Chị là hình ảnh đau thương đậm nét nhất trong tôi về thân phận của vợ một người tù cải tạo. Tôi giữ lời hứa với chị chép lại bài thơ tôi đã gởi vào nhà tù cho chồng thuở đó. Có một người bạn tù nào đã phổ nhạc trên một bao bì màu vàng úa gởi tặng tôi ngày ông chồng trở về. Tôi đã đánh mất nó đâu đó trong giòng ngày tháng lận đận của mình:

Thơ mùa Đông

Chợt nhìn thấy hoa thắp vàng thành phố
Đông đi về nhè nhẹ áo mù sương
Gom tháng năm hiu hắt tựa tro buồn
Ta đốt lửa báo tin mình đang sống.

Trời tháng cuối quê nhà vương gió lộng
Tờ lịch rời mang ngày cũ vào im
Lắng nghe đi tiếng máu chảy về tim
Âm thầm đó thì cũng trao người cả!

Hỏi năm năm mùa đông nào không lạnh?
Hỏi tóc nào còn xanh mãi hay thôi?
Hỏi nhớ thương sao cứ mãi thương người?
Chiều đỏ mắt, chiều ngóng cao cổ đợi!

Là đã hết những hờn ghen vụng dại
Những hẹn hò đưa đón buổi tình thơ
Còn lại đây từng tháng đợi, năm chờ
Xin người nhận cho sương tròn trên lá.

Dalat 1980

Tôi chợt nhận ra mình đã sống rất cô đơn trong một đời sống đưọc xem là khá dư thừa vật chất trên đất Mỹ. Tôi đã sống như thế rất nhiều năm tháng. Ở đây tôi không có người bạn nào bất chợt đến thăm trong những ngày mưa gió như chị Khuê ngày xưa. Và nhất là không ai có cái dáng điệu lừng khừng như chị. Cái vẻ cẩu thả, bụi đời, lôi thôi rất đặc biệt và chiếc áo Pardesus màu nhà binh rộng thùng thình nữa trời ạ.

Khi tìm được điếu thuốc châm lửa để hút, cái điệu bộ trầm tư của chị tôi tin rằng những tài tử thượng thặng nhất cũng không thể nào diễn xuất được nỗi chán đời như khi chị Khuê bạn tôi đã diễn đạt. Tôi tự hỏi có bao giờ anh Nguyên nhìn thấy cái cử chỉ tuyệt vời, đặc biệt của vợ mình khi hút thuốc không. Câu trả lời là không! Có những nguời sống với nhau gần hết cuộc đời mà chẳng bao giờ nhìn thấy một nét đặc biệt nào nơi nguời bạn đời của mình cả. Vậy là anh Nguyên ra đi và chị Khuê ơi:

Em giữ lời hứa chép cho chị bài thơ của gần ba mươi năm về trước, mà em đã làm trong những ngày tháng cô đơn, đau đớn, tủi nhục nhất của vợ một nguời tù cải tạo trong cái địa ngục trần gian mà chúng ta đã từng sống. Nếu gặp lại nhau một ngày nào đó với điếu thuốc không còn trễ tràng trên bàn tay gầy gò của chị, em sẽ thấy trống vắng một điều gì đó. Bởi vì em đã tìm thấy chân dung một người bạn với những nỗi đớn đau, tuyệt vọng nhất trong đời sống của một kiếp người.

Dưới ngọn Dốc Trời. Nước mắt. Những viên thuốc ngủ và điếu thuốc cong queo trên bàn tay nguời cô phụ. Chúng ta có hạnh phúc hay không? Điều đó chỉ có tự chúng ta trả lời cho mình được mà thôi. Tuy nhiên dù sao chị, em và nhiều, rất nhiều người vợ của những người Tù Cải tạo có thể hãnh diện mà nghĩ rằng: chúng ta đã sống trọn vẹn bổn phận một người vợ trong cái thế giới nhọc nhằn, âm u, ma quái ngày xưa, khi đất nuớc chợt rơi vào cơn biến loạn, tang thương./.

2008

Mimosa Phương Vinh

Ý kiến bạn đọc
03/04/201523:08:55
Khách
Xin cảm ơn các độc giả Han Nguyen, Kim Dung,Joeseph và Hac Moore đã chia xẻ câu chuyện Dưới Ngọn Dốc Trời của Mimosa Phương Vinh..
Thân kính
22/03/201519:11:02
Khách
Profound Essay !!
18/03/201522:56:29
Khách
Không quơ đũa cả nắm:
Mấy ông tù cải tạo có ông này ông kia, nhưng những ông đi tù mà có vợ ở nhả vừa khổ sở chạy gạo nuôi con, vừa lo thăm nuôi, đợi các ông về. (Nói không chừng lúc mấy ông đi tù chứ còn sướng hơn mấy bà vợ tù ngoài đời nữa.)
Nhưng khi các ông về thì được gì chứ. Tôi sống ở vn sau 75 từng chứng kiến cái cảnh mấy ông ra ngoài đời thua thiệt rồi về nhà trút lên đầu vợ con, đánh đập, hành hạ, mặc dù đã bị nạn nghiệp tù đày nhưng nhiều ông cái tánh gia trưởng vẩn còn và vợ con là nạn nhân lãnh đủ. Ấy là chưa kể khi các ông về thì gia đình nhà chồng mặc sức mà đâm thọt cho gia đình xào xáo mặc dù lúc mấy ổng ngồi tù thì cha mẹ anh chị em mấy ổng bỏ hết, không ngó ngàng giúp đở cái mống gì cho vợ con mấy ổng cả. Đấy là mấy ông có tánh gia trưởng, thích bạo hành gia đình.
Còn mấy ông vợ ở nhà tần tảo hy sinh chịu khổ ở nhà nuôi con, chung thủy chờ chồng về mà về rồi thì trở mặt theo người đàn bà khác thì phải nói rất tệ, tệ quá.
Không còn lời nào để tả về loại nguòi như thế.
16/03/201520:00:05
Khách
Câu chuyện quá xúc động khi cháu bé đi kiếm củi trong rừng. Đọc để thương cảm cho thân phận người vợ lính sau 1975 và cũng để oán trách những người chồng , khi qua cơn hoạn nạn, thì lại không còn có nhau nữa !
16/03/201507:36:01
Khách
Cac chi that dang thuong va dang kinh. Hy sinh tat ca cho chong con. Doi nguoi that ngan ngui. Chi noi dung, nhung dau kho chiu dung da lam nhung nguoi phu nu nhu minh mat di su ngay tho hanh phuc. Dan ong Viet Nam minh sao nhieu nguoi bac beo qua, khong biet quy trong va yeu thuong nguoi vo hien va den bu lai nhung dau kho cho ho. Xin chuc chi va cac con chau luon manh khoe va hanh phuc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,216,151
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư kèm bài, ông viết: “Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Saui đây là bài viết thứ hai.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiều năm qua, ông lãnh việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory, vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Từ 2016, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là một thành phố vùng cao nguyên Tagaytay,Philippinnes. Truyện ngắn sau đây của tác giả, trích báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ tư của cô.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của ông.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001, thêm giải Việt Bút 2008. Từ hơn 10 năm qua ông là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến