Hôm nay,  

Chuyện Vặt Cuối Năm…

16/02/201500:00:00(Xem: 11968)
Tác giả: Phan
Bài số 4463-16-29863vb2021615

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp bài Viết Về Nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh mẽ, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013.

* * *

Năm nào cũng thế, những ngày cuối năm ta nhưng ở Mỹ thì đã đầu năm mới. Năm mới dương lịch hay cuối năm âm lịch thì trời đất Mỹ vẫn cứ lạnh cho lòng chơi vơi hơn với thời gian xa quê thêm một năm nữa.

Cuối năm, buồn cũ sống lại, buồn mới nhập về, đi lăng quăng cũng không thành muỗi được để bay về quê cũ; lòng vòng khu Việt nam, quán nhà, mặt quen nào cũng buồn như nhau. Vậy mà cũng vèo hết cái cuối tuần. Sáng thứ hai vào tù (hãng) như thái tử vào cung, thiên hạ sợ mượn tiền ăn tết hay sao mà không có ai hoan hô, cũng chẳng ai ngó ngàng tới mặt cho đỡ tủi thân.

1. Khỏi cần… “anh yêu em!”

Con khỉ Christina là con nhỏ Mễ xinh nhất của cộng đồng ăn đậu. Nó cỡ ba mươi tuổi, nhưng mặt đẹp, dáng đẹp, tính tình hơi mưa nắng vì sáng nó vui như tết, nhưng chiều lại buồn như đêm trừ tịch là thường tình. Nó có cái ngộ là Mễ mà không chơi với Mễ, không chơi với Mỹ, cũng không chơi với phụ nữ Việt nam. Nó cứ xà vào bàn ăn của cánh đàn ông Việt nam. Có hôm, tùy chuyện, nói tiếng Anh thì nó tham gia. Gặp hôm cánh đàn ông Mít nói chuyện Mít nên nói tiếng Mít cho tiện thì nó lặng thinh ngồi nghe, dĩ nhiên là không hiểu gì hết! Nên chẳng ai hiểu là vì sao nó ngồi đó?

Đàn ông Việt nam thì thường không tìm hiểu nguyên nhân nên dễ dàng vô cớ tặng con nhỏ danh hiệu “con khùng”!

Mà nó khùng thiệt, hễ thấy đàn ông Việt nam trên những hall way dài mút chỉ là nó hay quàng vai, bá cổ, ôm eo… cùng đi cùng nói chuyện vui vẻ. Cứ vô tư trong cái nhìn vô tư cách của đàn ông Mễ ghen tức vì nó đẹp.

xưởng đâu ai đem về nhà mà lo. Chỉ là sáng nay, “trời lạnh ù tai”. Một người nói trong tiếng “ồ” của nhiều người. Phe đông đồng thuận là tiếng Việt nói, “lạnh teo chim” chứ ai mà nói “lạnh ù tai”. Nhưng đương sự không vừa, “Chim mấy ông yếu nên lạnh teo. Còn tai tui không khoẻ nên lạnh ù tai. Mấy ông sống ở xứ tự do ngôn xuất mà thiếu tôn trọng từ ngữ của người khác, thì mấy ông là người của Hà nội gài qua hay sao?”

Đám Việt nam cãi lộn rân một góc phòng ăn. Chụp mũ là nghề của phe ta.

Không gian buồn não nuột… Con khùng xà vào bàn cà phê của cánh đàn ông Việt nam với gương mặt bơ phờ, chắc đêm qua con này không chợp mắt! Nó gục đầu vào vai anh H, làu bàu, “ngồi yên, làm ơn, cho tôi ngủ chút…”

Một người Việt khác giỡi thôi! Đưa điện thoại lên, “Ê, H. Tao chụp cái hình này là mày ăn mày không có ống bơ…”

Làm anh H sảng. “Ê, đừng có nói chơi mà làm thiệt nha cha. Vợ tui ghen dữ lắm đó!” Anh H dựng đầu con nhỏ dậy! “Ê, Christina. Sao mấy hôm nay thấy mày buồn quá vậy?”

Nó ngái ngủ nói, (tay móc cái điện thoại ra để trên bàn cho mọi người xem). “Tao làm rớt cái điện thoại, bị bể mặt kiếng… Tao nói với chồng tao, mua cho tao cái khác được không? Đã cả tuần mà nó không mua. Sáng nào cũng gởi cho tao cái tin nhắn: I love you.

Tao cần cái điện thoại. Tao không cần: Anh yêu em. Chắc tao ly dị thằng chồng này quá!”

2. Dễ sợ đàn bà…

Anh T mới lột cái bánh ú, (sau khi bị anh em chọc quê là ly dị rồi nên ăn bánh tét hình cái vú cho đỡ ghiền). Anh T vừa lột vừa nói, “Kệ tui. Ăn nếp hình gì cũng là nếp, miễm tui ăn công khai. Đâu phải ăn vụng rồi sợ vợ biết nên qua đêm bạc đầu. Hè hè.” (Có ai đằng hắng như chửi thề, chắc là người bị nói móc)! Anh T nói tiếp, “Tui ăn bánh tét hình cái vú mua ngoài chợ thì có gì mà mấy ông lắm chuyện? Sao không hỏi người ăn bánh ú ở nhà mà răng dính silicone... cạy không ra!” (Lại có tiếng đằng hắng nghe như chửi thề của người cơm nhà quà vợ).

Nhưng anh T lột xong cái bánh ú thì gói lại, không ăn nữa mà nói, “Nghe con khùng này nói tới hai từ: Ly dị. Là tui nuốt hết nổi rồi! Ôi, đàn bà. Hồi con vợ tui, nó muốn ly dị. Tui chấp nhận hết mọi điều kiện rồi nha. Nhưng nó muốn chắc ăn hơn là tống tui vô tù để trừ hậu hoạn nữa mấy cha ơi! Giấy tờ tui đã ký, không tranh chấp gì hết. Nhưng nó cứ nói xóc tui, cho tui tức lên. Chỉ cần giộng nó một giộng là nó kêu cảnh sát, là tui vô tù. Mấy lần tui tính giộng một giộng rồi tới đâu thì tới. Nhưng bà độ tui không bị ở tù nhờ hôm đó tui về nhà bất tử, thấy cửa rào mở nên không mở cửa garage, thì trong nhà đâu hay tui về. Tui vô sân sau nhà coi có gì không? Không thấy gì khác thường. Cửa patio lại mở hé hé, nên tui lẳng lặng vô nhà. Tình cờ nghe được vợ tui đang nói điện thoại với bạn của bả, …tưởng không tranh chấp là yên với tao sao? Tao chọc cho chả giộng tao một cái là tao kêu cảnh sát… cho ở tù rục xương.

Thiệt là dễ sợ đàn bà!

Thôi thì anh T ly dị vì tài sản không cánh mà cứ bay vùn vụt vào tay má vợ, em vợ... Có người nghe xong hết ham đẻ con trai vì đời nay có con gái lợi hơn! Nhưng nếu Christina ly dị thật vì cái điện thoại thì đúng là không cần “Anh yêu em” trong đời này nữa!

Cuối năm nào trời đất chả buồn, lòng buồn vô cớ mà không phải vô cớ. Bởi cái cớ để buồn lớn hơn cả sức tưởng tượng của con người. Làm sao mà nghĩ được những chuyện đang diễn ra quanh ta là chuyện thật! Làm sao tin nổi trong đời mình có một lần đi xa, xa tới… không biết tiền đâu mà về! Không buồn sao được, và buồn bao nhiêu cho vừa với năm tàn tháng tận.

Tôi thả bộ vô chỗ làm mà đầu hồn bâng khuâng như hồi mới lớn nghĩ về tình yêu, bao nhiêu thuận lợi hay khó khăn thì cuối cùng cũng chỉ là may rủi. Đến lúc nghĩ về ly dị thì cũng chỉ là rủi may vì khi đàn bà muốn thì thượng đế cũng tránh mặt…

3. Ba tao chết rồi còn chơi tao một cú đo ván…

Thằng Bryan ngồi co ro trong góc khuất nên tôi không thấy nó! Làm hết hồn khi nghe nó hỏi, “Mày có chuyện gì vui mà cười một mình?” Tôi kể nó nghe chuyện ly dị của anh T vừa kể ngoài phòng ăn. Và hỏi nó, “mày tin đàn bà ác tới mức đó không?” Bryan nói, “Thường thôi. Vì bà nội tao nghe ông tao nói điện thoại với bạn gái, hẹn đi ăn chơi… Lúc ông nội tao đi tắm, thì bà nội tao lấy kéo cắt kẽm chuồng bò, chui xuống gầm xe truck của ông nội tao, cắt đứt ống dầu thắng. Trong khi nhà ông bà nội tao là đổ xuống cái dồc và ra xa lộ luôn… Ông nội tao nằm nhà thương ba tháng. Và sau đó vẫn bị ly dị!”

“Vậy mày nhớ đừng kể chuyện này cho vợ mày nghe…!” Tôi nói với Bryan.

Tạm biệt Bryan, vì nó làm khác chỗ tôi. Nhưng mới làm được chừng một tiếng đồng hồ thì máy móc bên nó nghỉ chơi. Thợ máy cho biết phải sửa cả ngày. Nó liền xin xếp cho qua giúp tôi, vì về thì chỉ ăn lương được 4 tiếng. Vậy là hai thằng làm chung nhau một chỗ. Tôi thật sự thích những người đã qua quân đội vì họ thường im lặng làm việc chứ không ồn và lười như bà con tổng thống. Những người đã qua quân đội rất đúng giờ, không có chuyện tào lao ở phòng ăn tới chuông reo đi làm thì mới đi restroom thêm chừng mười phút. Và tinh thần trách nhiệm thì người gốc lính lúc nào cũng hơn dân sự thường lè phè.

Từ khi thấy Bryan tôi đã nghĩ anh ta là lính, vì phong độ trầm lặng, ít nói, thường ngồi riêng một mình. Nhưng thấy ai cần giúp thì anh ta rất nhanh lẹ có mặt và nhiệt tình giúp đỡ người khác.

Một lần tôi cần người giúp và thấy anh ta đang không có việc làm nên tôi xin đích danh anh ta với ông xếp. Chúng tôi thành bạn với nhau từ đó. Càng thân vì bên line anh ta rất ít khi làm thứ bảy, trong khi line tôi làm đều. Và chiều thứ sáu nghe lệnh làm thứ bảy là tôi xin xếp cho Bryan vô làm thứ bảy với tôi… Thật ra ông xếp cũng thích Bryan, và ưu tiên cho cựu quân nhân thì ai cũng muốn thế, nên chưa bao giờ xếp từ chối cho chúng tôi làm việc chung với nhau.

Tôi còn thích Bryan ở những xử sự nhỏ. Như tôi từng cho bao nhiêu bà con của tổng thống mượn mấy chục xu, (ngu sao cho mượn tới một đồng) vì họ có trả lại bao giờ! Thì một hôm, Bryan khều tôi ra khỏi bàn ăn đang ngồi chung với nhóm Việt nam của tôi. Tới nơi chỉ có tôi với Bryan, anh ta mới hỏi mượn tôi hai mươi lăm xu. Tôi không có bạc cắc nên đưa anh ta tờ một đồng. Anh ta bỏ lại tay tôi 3 cái quarter. Tôi biết bữa trưa hôm đó của anh ta chỉ là một bịt khoai tây chiên nhỏ xíu trong máy với giá một đồng. Nhưng vài hôm sau, anh ta có trả tôi hai mươi lăm xu. Tư cách lớn thường nằm trong những việc nhỏ là vậy!

Hôm nay hai thằng làm chung đều vui vẻ. Tôi định hỏi anh ta lý do vì sao đi bộ đi làm? Tôi thấy rồi, anh ta mặc quần áo dính liền của người đi săn để chống lạnh vì đi bộ đi làm. Nhưng tôi không biết mở lời thế nào cho đừng mếch lòng bạn vì suy nghĩ, quan niệm Mỹ-Việt khác nhau.

Đến giờ ăn trưa, tôi không ăn trưa nên chỉ đi rửa tay, rửa mặt rồi trở lại chỗ làm (cho yên hơn phòng ăn) mà trả lời tin nhắn, điện thư của bạn bè. Thấy Bryan ngồi thù lù một đống thấy thương, biết chắc là anh ta không có gì để ăn trưa nên không ra phòng ăn. Thường thì anh ta ăn toàn đồ hộp bán sẵn ngoài chợ Mỹ, chỉ cần khui ra, hâm nóng trong microway chút đỉnh là ăn liền. Còn hôm hết đồ hộp mà tiền cũng hết thì anh ta “ăn chay” tại chỗ làm. Tôi đi mua cho hắn chai coke với thanh chocolate nhân đậu phộng. Không có một lời mời nên cũng chẳng có tiếng cám ơn, hắn chỉ đấm nhẹ vô vai tôi thay lời. Rồi ngồi ăn ngon lành.

Chúng tôi lại làm việc tới giờ về. Tôi rà thắng xe mình, mở bung cửa bên passenger, “Hey, Bryan. Lên xe. Chỉ đường. Tao chở mày về nhà. Trời lạnh quá!”

Ý hắn muốn từ chối, nhưng hắn lên xe.

Về đến nhà hắn, là một căn aparment trên tít lầu 3. Hắn hỏi tôi, “mày lên phòng tao, uống ly Jack Daniels không? Tao còn nửa chai…”

Hai thằng cưa bứt nửa chai Jack Daniels với mấy cái hotdog khô khốc trong tủ lạnh - ngoài ra chẳng có gì, thật tội nghiệp cho cái tủ lạnh nhà Việt nam khi thấy tủ lạnh nhà Bryan. Nó kể tôi nghe chuyện, “ba tao chết rồi còn chơi tao một cú đo ván.”

Một câu chuyện lạ nhất với tôi về người Mỹ…

Thằng Bryan lưng tưng nói,

“… tao nhớ chứ. Tao với ba tao không hòa thuận lắm. Sau khi tao xong trung học, mẹ tao muốn tao đi đại học. Nợ học trả được nhưng qua tuổi đi học thì khó vô trường lại được! Nhưng ba tao muốn tao đi làm. Muốn tao ra khỏi nhà.

Thật sự là tao khó đi học đại học vì học lực của tao chỉ loại trung bình. Tao quyết định đi làm. Khởi sự là xin việc, sau đó cần xe để đi làm. Tao đi làm không lâu thì muốn đi lính… toàn những chuyện tốn tiền. Nhưng ba tao cho mượn chứ không cho luôn.

Hôm tao đã giải ngũ, sau đó cưới vợ. Tao mời ba mẹ tao tới dự đám cưới. Mẹ tao cho vợ tao mấy món nữ trang của bà - là đồ gia bảo. Nhưng ba tao nói, “mày còn nợ tao tổng cộng là năm ngàn.”

Tao nghĩ là ba tao nói chơi, nên về sau. Những lần tao về nhà thăm gia đình, tao đưa ông hai, ba ngàn tiền mặt để ông dễ sử dụng vì mẹ tao không cho ông mua rượu bia, thuốc lá, vé số… Bây giờ tao mới hiểu câu nói của ông sau khi nhận tiền tao đưa, “cái này là mày cho tao?” Dĩ nhiên tao trả lời, “con không cho ba thì con đưa ba làm chi? Ba cất kỹ mà xài, để mẹ biết, mẹ tịch thu thì ba ráng chịu…”

Sau khi mẹ tao mất thì đúng là tao không gặp ba tao. Tao có hai đứa em gái nên chỉ hỏi thăm tụi nó về ông để biết tình hình rượu bia, thuốc lá và vé số của ông. Còn tao gọi điện thoại cho ba tao thì chỉ hỏi thăm sức khoẻ…

Hồi đầu năm 2014, ba tao mất. Hai đứa em tao biết tao không có tiền nên tụi nó lo chôn cất xong hết mới báo tin cho tao hay. Và hẹn tao ngày về để nghe luật sư đọc di chúc.

Mày tưởng tượng nổi không? Ba tao để lại căn nhà cho con em nhỏ của tao vì vợ chồng nó chưa mua nhà. Phần con chị là tiền bạc, tư trang của mẹ tao. Kể ra cũng tương đương với giá trị căn nhà của con em.

Riêng phần tao, ba tao cho tao năm ngàn đô la. Nhưng là năm ngàn tao còn nợ ông ấy! Ba tao ghi rõ là không phải trả ra năm ngàn. Nhưng phải trả tiền lời của năm ngàn từ khi mượn. Trời ơi! Ông ấy tự đặt ra giá tiền lời, cách tính (riêng) của ông ấy. Tổng cộng tiền lời lên tới bảy ngàn năm trăm đô la. - Chia đôi cho hai đứa em tao.

Hai đứa em tao nói với luật sư, “Anh tôi không có tiền. Và chúng tôi đồng ý bỏ qua khoản đó.”

Thằng luật sư: “OK!” Nhưng hai thằng em rể khó chịu. Tao thì tự ái.

Vậy là đi chia gia tài về. Tao mượn nhà bank mười ngàn đô la, vì ký check trả tụi nó bảy ngàn năm trăm. Tao ăn nhà hàng, ở hotel, và mua vé máy bay… hết hai ngàn năm trăm.

Đến giữa năm 2014. Người dì của vợ tao chết. Bà ấy là người sưu tầm đồ cổ. Bà rất thương vợ tao nên nói trước là sau khi chết sẽ cho hết đồ cổ của bà cho vợ tao. Lần cuối cùng hai người nói chuyện với nhau (là vợ tao gọi thăm hỏi bệnh tình của bà). Bà rất minh mẫn cho giá từng món bà để lại cho vợ tao. Tổng cộng lên đến hàng trăm ngàn đô la.

Tội nghiệp vợ tao khóc thương người dì. Vì vợ tao sống với dì từ nhỏ tới lớn chứ không sống với cha mẹ của cô ấy. Cũng một phần vì gia tài của dì để lại nên vợ tao mau chóng trở về Ohio vì sợ người chồng sau của dì là một tay bợm rượu, vua vé số cạo…

Nhưng vẫn muộn. Khi luật sư đọc di chúc thì toàn bộ đồ cổ để lại cho vợ tao đã bị ông ta bán hết cho tiệm cầm đồ (pawn shop).

Sự việc phức tạp lên là ông bán tổng cộng chỉ có năm ngàn đô la. Nhưng pawn shop chỉ đồng ý bán lại cho vợ tao với giá hai mươi lăm ngàn. Ngoài vợ tao, họ không bán cho ai khác với giá đó!

Tao nói bỏ đi! Nhưng vợ tao tin tưởng giá trị đồ cổ cả trăm ngàn nên mượn mẹ cô ấy hai mươi lăm ngàn để trả cho pawn shop và bưng mấy thùng cổ vật về nhà mẹ vợ tao - bên Ohio.

Sự tiếp diễn rất tồi tệ, là vợ tao phải về Dallas để đi làm. Tất cả chuyện mua bán đồ cổ chỉ qua điện thoại. Nhưng cha vợ tao lại không cho người ta vô nhà xem cổ vật để định giá mua-bán…

Vợ chồng tao lại phải mướn xe, chạy về Ohio để chở hết qua đây. Vì không dám gởi đường Bưu điện hay UPS…

Cuối cùng. Tao hiểu được về đồ cổ như sau: Khi người ta biết mình có món đó. Họ tìm tới mình để thương lượng mua thì mình là người ra giá. Nhưng khi mình rao bán những món cổ vật thì người mua ra giá vì họ biết mình cần tiền.

Tổng cộng vợ tao chi ra hết ba mươi ngàn cho mấy thùng cổ vật. Nhưng bán hết chỉ được mười lăm ngàn.

Bà mẹ vợ của tao không có lời trong chuyện cho mượn hai mươi lăm ngàn, nên đòi nợ mỗi ngày. Dù đã trả mười lăm ngàn tiền bán được. Tao làm gì có mười ngàn để trả nợ cho bà ấy im miệng. Tao bán cái xe truck của tao được năm ngàn, gởi cho mẹ vợ với cam kết là sau tháng 6 năm 2015 thì mới được đòi nợ tao tiếp năm ngàn còn lại. Tao tính đi bộ đi làm cũng được vì tao ở không xa hãng bao nhiêu. Hy vọng từ nay đến tháng 6 thì khoản tiền xăng, tiền bảo hiểm xe mà tao không phải đổ xăng, mua bảo hiểm cũng được hơn một nửa của năm ngàn.

Chai rượu cạn, cả hai thằng cùng lười đứng dậy mở đèn dù căn phòng đã chập choạng tối. Vuông cửa sổ hắt vào ánh sáng cuối cùng của ngày đi, lại là một ngày mưa gió; ngày cuối năm của tôi nhưng là đầu năm của thằng bạn Mỹ - kể ra nó cũng đâu có hên gì! Hên chăng là nó từng đi lính nên được rèn luyện sức chịu đựng cao.

Tạm biệt thằng bạn nghèo. Xuống cầu thang apartment gió ù ù thổi lạnh mà sao thấy ấm lòng. Nhờ chai Jack Daniels hay lời hứa với nó, “Được rồi! Tao sẽ rước mày đi làm, chở mày về vài tuần. Để tao có thời gian trả hết nợ sửa xe cho thằng bạn có shop sửa xe của tao đã. Sau đó, tao nói nó bán cho mày một chiếc xe cũ, chừng một ngàn thôi. Nhưng mày trả góp 6 tháng và không tính tiền lời. Vì giá đó thì trường hợp mày trả không nổi tháng nào tao có thể giúp mày tháng đó. Chứ nhiều hơn thì tao phải bán xe tao. Không lẽ tao với mày đi bộ chung… cho vui.”

Mấy chuyện vặt cuối năm con ngựa 2014 rồi sẽ qua. Hy vọng năm mới con dê 2015 được hanh thông thử một năm xem có gì khác với nghèo triền miên mười hai con giáp hay không?

Phan

Ý kiến bạn đọc
11/03/201518:33:09
Khách
Truyện hay lắm . Tôi thích đọc những truyện kể về những người bạn khác chủng tộc giúp đỡ nhau . Sắc dân nào thì cũng có người tốt người xấu . Nhưng có lẽ vì tôi đã gặp quá nhiều những người Việt có đầu óc bảo thủ kỳ thị Mỹ đen, Mễ, và có khi cũng kỳ thị luôn Mỹ trắng ở vùng San José, nên tôi chỉ có vài người bạn gốc Việt còn lại đa số là các sắc dân khác .
17/02/201515:15:18
Khách
Vào Việt Báo chỉ khoái đọc bài của tác giả Phan
17/02/201501:10:11
Khách
Phải nói là cứ thấy tên tác giả Phan là dù Việt Báo.com hay Thời Báo.com (Canada) hay...tôi đều cố dành thời gian để đọc hổng thôi uổng phí.
Cám ơn tác giả nhiều, bài viết hay quá, rất rất cảm động! Mong đọc tác phẩm sau.
16/02/201517:42:44
Khách
Hay lắm! Đúng là văn phong của Phan!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,789,279
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến