Hôm nay,  

Viết Cho Những Người Đang Yêu

15/02/201500:00:00(Xem: 12583)
Tác giả: Nguyễn Bích Thủy
Bài số 4462-16-29862vb8021515

Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài viết của cô nhân ngày Valentine.

* * *

Ngàn năm trước người ta đã yêu nhau. Ngàn năm sau người ta còn yêu nhau. Nếu còn sự sống của con người thì chắc chắn Tình Yêu sẽ mãi trường tồn. Nhưng! Nếu Tình Yêu là cội nguồn của hạnh phúc thì nó cũng là nguyên nhân của những khổ đau mà kiếp người phải gánh chịu ở cõi trần ai này!

Tình yêu đôi lứa là gì?

Tình Yêu được đúc kết như sau: Cảm xúc về tâm hồn tạo ra tình bạn. Cảm xúc về tri thức tạo ra lòng kính trọng. Cảm xúc về thể xác tạo ra lòng ham muốn. Cả ba tổng hợp lại tạo thành Tình yêu.

Có lẽ mỗi một cá nhân, mỗi một dân tộc, mỗi một thời đại, mỗi một tôn giáo đều có một quan niệm về Tình Yêu khác nhau. Ở các nước Hồi Giáo chắc người ta chọn người yêu cũng khác hơn bên Tây hay bên Ta. Tiêu chuẩn chọn bạn đời của những người sinh ra đầu thế kỷ 20 phải khác với thập niên 60 chúng tôi và hoàn toàn không giống với những người trẻ trong thế kỷ 21 này. Tại Việt Nam với quan niệm “Nam nữ thọ thọ bất tương thân” của người xưa chắc ngày nay chỉ còn trong truyền thuyết mà thôi. Tại Hoa Kỳ, nam nữ thường sống với nhau trước để tìm hiểu lẫn nhau một thời gian rồi mới quyết định kết hôn. Mặc dù vậy nhưng cho đến nay Hoa Kỳ vẫn luôn đứng trong top 10 danh sách các nước có tỷ lệ cao nhất trên hành tinh!?

Nếu vẫn còn sống tại Việt Nam thì tôi vẫn cũng chỉ là một phụ nữ còn sót lại của “Thời Phong Kiến”. Lần đầu tiên tiếp xúc với nền văn hóa của người Mỹ tôi thật sự bị lúng túng! Trao đổi với nhiều người tôi được biết trường hợp các cặp vợ chồng ly dị chiếm hơn phân nữa, số còn lại sống với nhau không-hẹn-ngày-kết-hôn. Single mom nhiều vô số, các bà mẹ đơn thân nuôi con một mình ở xã hội nào xem chừng cũng vất vả như nhau! Trong hãng tôi có một cô Mễ mới chính thức bước lên xe hoa lần đầu ở tuổi 55 khi đã có cháu Nội, cháu Ngoại đầy đàng. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng chia tay nhau, ra tòa xé hôn thú, chồng có girlfriend khác, vợ có boyfriend khác nhưng được vài năm sau họ cảm thấy không ai bằng người cũ của mình, rồi quyết định quay lại sống với nhau không cần giấy giá thú vậy mà cảm thấy hạnh phúc hơn xưa! Tôi nhớ đến câu: “Trái tim có những lý lẽ riêng của nó mà lý trí không thể nào hiểu được”. Chắc là đây!

Tất cả những điều trên đang xảy ra hết sức bình thường trong xã hội Hoa Kỳ. Không ai khinh thường họ, không ai trách móc họ. Họ sống và Yêu theo cách của họ và được luật pháp bảo vệ.

Tình Yêu thời tuổi trẻ

Mỗi một chàng trai hay cô gái đều khao khát đi tìm “một nữa của mình” trong những ngày chập chững vào đường tình. Có khi họ tìm được ngay ở lần gặp gỡ đầu tiên chỉ vì một nụ cười, một ánh mắt, một mái tóc, một khuôn mặt như … trong mơ; mà người ta thường gọi nôm na là “Tiếng sét ái tình”. Nhưng có nhiều lúc họ ngỡ đã tìm được rồi nhưng đôi khi do ngộ nhận, do trắc trở, do không đủ nợ duyên nên bị “nữa đường gãy gánh”. Cũng có lắm kẻ tìm hoài nhưng vẫn không gặp được người ý hợp tâm đầu nên cuối cùng quyết định sống đời độc thân. Bởi vậy mới có câu hát “Đường vào Tình Yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn…”

Tiêu chuẩn chọn người yêu cũng còn tùy thuộc vào tuổi tác, diện mạo, trình độ, tôn giáo và cả địa vị xã hội của từng người. Sự chọn lựa này rất tế nhị vì người ta vẫn thường hay nói nôm na “liệu cơm gắp mắm”. Nếu một anh chàng muốn chọn bạn gái có thân hình sexy như người mẫu hay đẹp không thua gì các Hoa Hậu thì trước hết thu nhập ít nhất phải là sáu số!

Phái đẹp cũng có những tiêu chí riêng của họ. Khoảng thập niên 70, 80 của thế kỷ trước các cô thích mẫu thanh niên với mái tóc bồng bềnh, cao lêu nghêu với cặp kính cận, nếu biết đàn hay hát giỏi nữa thì …. duyệt liền! Sau đó, hình ảnh các thư sinh “trói gà không chặt” này được thay bằng mẫu đàn ông nam tính, lực lưỡng với cơ bắp săn chắc vì họ cần một bờ vai để nương tựa và đòi hỏi người đó phải “hơn họ một cái đầu” cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen!

Ngày nay các nàng đã có đủ bản lĩnh để có thể sống độc lập không cần dựa dẫm vào ai. Cái họ cần ở người yêu, người chồng không phải là tài sản kết xù trong ngân hàng hay danh vọng, địa vị. Họ cần ở người bạn đời sự cảm thông, thấu hiểu và một trong những điểm nổi trội nhất là tính hài hước. Thật vậy! Trong một xã hội ngập tràn bon chen cạnh tranh, đầy dẫy những áp lực từ công việc, từ gia đình nên rất dễ bị stress. Hơn lúc nào hết người phụ nữ rất cần một đấng mày râu có đầu óc khôi hài, biết cười và biết làm cho người khác cùng cười với họ.

Nhưng trên đời này đâu phải chỉ có Tình yêu của phái nam và phái nữ! Ở tuổi 18, một buổi chiều đi học về con gái tôi đã chạy đến chia sẻ ngay với mẹ những cảm xúc đang dâng trào:

- Mẹ ơi! Mẹ còn nhớ Michael không? Bạn ấy đã dọn ra ngoài ở riêng rồi!

Tôi sực nhớ ra ngay:

- Có phải Michael là đứa bạn làm part-time ở trạm xăng gần trường học của con mà hôm nọ mình mới gặp, con bảo nó là gay phải không!?

Con gái tôi gật đầu buồn bả kể tiếp:

- Đúng rồi mẹ ạ! Micheal chưa bao giờ cho ba mẹ bạn ấy biết về giới tính thật của mình! Có lần cả nhà xem TV nói về những người đồng tính luyến ái. Michael làm như vô tình hỏi thử nếu nó là gay thì ba nó sẽ tính sao? Ông ta nói nếu là gay thì phải ra khỏi nhà ngay lập tức!” Michaeeal vừa mới qua sinh nhật 18 cách đây ít ngày, trước khi ra đi nó đã tuyên bố cho gia đình biết nó là dân đồng tính!

Nói đến đây con gái tôi bỗng ngập ngừng, nhìn mẹ như có vẻ như dò xét:

- Nếu con cũng là lesbian thì mẹ có đuổi con ra khỏi nhà như ba nó không?

Tội nghiệp đứa con gái bé bỏng của tôi. Tôi đã nói với con mình như sau:

- Dù con tốt hay xấu thì con vẫn là con của mẹ. Nếu con có bị khiếm khuyết thì mẹ phải thương yêu và chăm sóc con nhiều hơn mới đúng. Khi sinh con ra là mẹ đã phải có một phần trách nhiệm với cuộc đời của con!

Tôi lại nghĩ đến ba của Michael mà thông cảm cho ông! Không chỉ riêng gì ông mà cả thế giới này có rất nhiều người đã không chấp nhận những điều trái với quy luật tự nhiên. Hôn nhân đồng tính chỉ mới được phép công nhận trong đầu thập niên của Thế Kỷ 21 tại một số quốc gia như Luxembourg, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, New Zealand, Nam Phi, Argentina, Uruguay, Brazil, Canada. Riêng tại Hoa Kỳ cũng chỉ có 34 trên tổng số 50 tiểu bang bỏ phiếu thuận! Còn những quốc gia khác đang chờ Quốc Hội thông qua.

Suy cho cùng, người đồng tính cũng là một con người! Họ cũng khao khát yêu và được yêu, họ cũng cần có một gia đình gồm vợ, chồng và con cái như bao nhiêu người bình thường khác. Họ cũng đi làm và đóng góp công sức cho xã hội, thiết tưởng xã hội cũng nên mở một cánh cửa để họ bước vào thế giới này một cách trọn vẹn. Cũng nên nhắc lại cái thế giới mà chúng ta đang sống luôn diễn ra những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để đòi hỏi quyền con người! Trong đó phải kể đến: quyền tự do tính ngưỡng, quyền bình đẳng của người da màu, quyền bình đẳng của phụ nữ và ngày nay là quyền bình đẳng hôn nhân của người đồng tính. Tình Yêu là điều kỳ diệu mà tạo hóa đã ban cho con người và không hề biết phân biệt giới tính thì cớ sao con người lại phân biệt đối xử lẫn nhau?!

Tình yêu tuổi trung niên.

Cái đẹp của ngoại hình nào rồi cũng phai tàn theo năm tháng. Tình yêu nồng nàng thời tuổi trẻ rồi cũng nguội lạnh theo thời gian. Giờ đây ở tuổi trung niên nhìn lại hai mái đầu xanh hôm nào giờ đã ngã màu sương khói. Những cặp vợ chồng “xồn xồn” ngồi ngẫm lại 25, 30 năm đồng hành bên nhau mà bỗng khâm phục người bạn đường của mình. Cái người đã cùng họ vượt qua bao đoạn đường gian lao, khổ cực của cuộc đời; nếm đủ mùi đắng cay của thế thái nhân tình suốt mấy chục năm trời ròng rã. Cái người đã âm thầm đi bên họ không đòi hỏi gì cả, chỉ im lặng khi họ cáu gắt, biết dịu ngọt khi họ nóng giận, biết khuyên lơn khi họ nông nổi và biết tha thứ khi họ lỗi lầm…

Ở tuổi ngoài ngũ tuần đã đi qua hai phần ba cuộc đời người ta mới hiểu rằng Tình Yêu không phải là một màu xanh, không phải là một màu hồng, cũng chẳng phải là một màu tím, mà tình yêu là tổng hợp hết tất cả các màu sắc và đủ hết cung bậc hỉ, nộ, ái ố của cuộc đời đan chen, chồng chéo lẫn nhau. Trên thực tế, có rất nhiều cặp đã ly dị trong năm năm đầu chung sống, hoặc chỉ trong năm đầu tiên về với nhau hay tệ hơn có khi chỉ vài tháng sau khi đám cưới và có cả trường hợp đặc biệt các cô gái đòi ly dị ngay sau đêm tân hôn!?! Chuyện tưởng như đùa nhưng điều này nói lên nhiều chàng trai và cô gái chưa chuẩn bị tâm lý khi về với nhau do vậy cảm giác hụt hẫng “không như là mơ” cứ đè nặng khiến họ không thể tiếp tục đi bên nhau trên con đường tình tưởng chỉ có hoa và bướm. Do vậy, những cuộc hôn nhân kéo dài đến Lễ cưới Bạc, Lễ cưới Ngọc Trai…là rất đáng được trân trọng. Quý hiếm nhất vẫn là đến Lễ cưới Vàng, Lễ cưới Kim Cương mà vợ chồng vẫn còn “đủ đôi, đủ cặp” bên nhau.

Trong hãng tôi có một anh chàng Mỹ trắng đã ly dị một lần, anh kết hôn lần hai với một cô Mễ nhỏ hơn anh gần 20 tuổi đã có một đứa con riêng. Họ ở với nhau được ba mặt con, đứa nhỏ nhất khoảng chín tuổi trong khi ông bố cỡ khoảng 55. Hình như anh chàng này cũng không mấy hài lòng với cuộc hôn nhân lần hai này nhưng nếu ly dị anh phải trả tiền child support cho tất cả bốn đứa con thì sẽ “te tua” biết dường nào. Có lẽ nghĩ vậy mà anh cố “ngậm bồ hòn” để trong ấm ngoài êm. Tôi và anh ta cũng khá thân thiết nên có hôm anh tâm sự như sau:

- Bà vợ của tôi bả điên lắm, bả không thể đi làm chung với ai được hết. Làm chỗ nào bả cũng than bực mình và cuối cùng xin nghỉ. Hiện giờ bả nghỉ ở nhà hết cằn nhằn cái này đến cằn nhằn cái kia. Tôi bị stress với bả luôn.

Trông mặt anh ta có vẻ đau khổ lắm vì giờ đây chỉ một mình anh phải đi cày nuôi cả gia đình với sáu miệng ăn. Ngẫm nghĩ sao, tôi bèn nói:

- Hay là anh nói bà xã của anh nộp đơn xin làm việc ở Sở Thú đi, bảo đảm trong đó cô ta sẽ không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với con người nữa.

Không ngờ khi tôi nói vừa dứt anh cười hô hố khiến tôi cũng giật cả mình. Thấy anh bớt căng thẳng tôi bèn tiếp:

- Vợ chồng tôi cũng vậy thôi mà! Vả lại, vợ chồng nào mà chả gây nhau, nếu không gây nhau, cãi nhau thì họ chỉ là bạn chớ không phải là vợ chồng!!!

Anh ta nhìn tôi nghe coi bộ có lý rồi gật gù:” Chắc là vậy”!?

Hai vợ chồng anh có lẽ khó khăn nên chỉ sử dụng chung một chiếc xe, do vậy mỗi buổi sang cô vợ hay “thả” anh xuống trước cổng và chiều đến đón về. Nhìn dáng anh hâm hở, cười rạng rỡ khi thấy bóng chiếc xe của vợ mình trờ tới trước cổng mỗi buổi chiều là tôi biết anh đang hạnh phúc. Thấy cảnh hai vợ chồng anh hôn nhau sau kính chiếu hậu khi anh đã ngồi yên vào vị trí của mình tôi cảm thấy vui trong lòng và mỉm cười một mình. Hạnh phúc đâu có gì khó khăn lắm đâu, biết chấp nhận và vui với cái mình đang có là hạnh phúc rồi! Tôi nhớ có một câu nói rất hay:” Hạnh Phúc cũng giống như sức khỏe, chỉ khi mất đi rồi người ta mới biết quý!” Muốn có sức khỏe người ta phải rèn thân, còn muốn hạnh phúc thì chắc chỉ có một cách duy nhất là phải luyện tâm.

Trên đời này có không ít cặp vợ chồng sinh ra để … gây nhau. Giữa họ là những bất đồng, mâu thuẫn, đối chọi. Họ sống với nhau trong mấy chục năm đầu khá “bầm dập” vậy mà mỗi lần một trong hai người đề nghị ly hôn thì người kia ậm ự rồi… vờ luôn. Ông bà ta chắc nói đúng vì “lia thia đã quen chậu” mất rồi! Đến một ngày đám con dần đủ lông, đủ cánh, chúng nó lần lượt bay ra khỏi cái tổ của hai người đã gầy dựng mấy chục năm ròng rã. Lúc này căn nhà chỉ còn lại hai vợ chồng già hủ hỉ lúc trái gió trở trời với nhau. Giờ mới biết con cái có thương mình cách mấy nó cũng có đời sống riêng của nó. Mình có thương con cách mấy cũng không đem lại hạnh phúc cho nó bằng người-của-nó. Rồi bỗng dưng ông bớt cáu gắt hơn và giọng của bà cũng trở nên dịu ngọt hơn xưa. Ai dám bảo tuổi về chiều không còn tình yêu. Vả chăng nó không còn nồng nàn như rượu nhưng lại đậm đà như thứ mật ong quý hiếm để lâu ngày!

Tình Yêu ở tuổi trung niên có vẻ đầm thấm hơn, người đàn ông bắt đầu biết trân quý bạn đời của mình hơn trước. Cái người mà trong một khoảng thời gian dài nhiều lần ông đã ruồng rẫy sau lưng hay bỏ quên phía trước vì mãi chạy đua với thời gian, công việc hay những bóng hồng khác. Giờ là lúc mọi cám dỗ của cuộc đời đã lắng đọng hết: tiền bạc, địa vị danh vọng có lúc đến rồi đi nhưng riêng cái người đó không bao giờ bỏ ông đi, kể cả những lúc ông vấp ngã, trượt dài… tưởng không bao giờ gượng dậy nổi. Vậy mà chỉ người đó đã đến nâng ông lên, vỗ về ông rồi cùng ông bước song đôi.

Tình yêu tuổi già!

Ở tuổi gần đất xa trời này nếu vợ chồng vẫn còn “đủ đôi, đủ cặp” thật không có hạnh phúc nào sánh bằng. Thỉnh thoảng trên đường tôi vẫn thường trông thấy hai vợ chồng già đầu tóc bạc phơ đang chạy xe “chậm rì” phía trước hay bên cạnh mình. Trong các cửa hàng, quán xá tôi vẫn hay bắt gặp các cụ ông, cụ bà tay trong tay nương nhau bước đi từng bước cho vững vàng hơn. Hình như họ cũng chẳng buồn quan tâm đến những ánh mắt ngưỡng mộ xen chút cám cảnh của mọi người chung quanh. Hạnh phúc của những cặp vợ chồng tuổi ngoài bát tuần này chắc chỉ được đong tính bằng ngày, bằng giờ mà không còn là năm tháng nữa! Có thể đây là khoảng thời gian mà khi nhớ lại đôi khi họ cảm thấy tiếc nuối vì mình đã phung phí quá nhiều thời gian cho những giận hờn, xung đột không đáng có. Nếu biết cuộc đời ngắn ngủi đến vậy có lẽ họ đã sống tốt hơn, đã dành nhiều thời gian cho nhau hơn và đã… yêu nhau hơn!

Rồi thì không có gì buồn cho bằng khi hai vợ chồng sống với nhau 50 hay 60 năm giờ chỉ còn một người lẻ bóng cô đơn ngồi đếm thời gian dài thăm thẳm. Phải nghị lực lắm người ta mới vượt qua được cú sốc đầy nghiệt ngã này. Câu chuyện sau đây cũng khá đặc biệt.

Có một lần cô em họ từ Đức nghỉ hè sang chơi với chúng tôi ba tuần. Nhân dịp này tôi dẫn cô đến thăm một bà đồng nghiệp người Đức sắp về hưu và hiện sống một mình trong một apartment khá “xập xệ”. Chồng của bà sang Đức đi lính, hai người quen nhau rồi tiến tới hôn nhân. Bà theo chồng sang Mỹ định cư lúc ở tuổi chừng đôi mươi. Điều đáng ngạc nhiên là trong ngần ấy năm bà chưa bao giờ về thăm quê hương và gia đình một lần nào cả. Tôi tròn xoe mắt khi nghe điều này và ngạc nhiên hỏi lại rằng:

- Thế bà không cảm thấy nhớ nhà chút nào sao?

Bà trả lời làm tôi còn ngạc nhiên hơn nữa:

- Tôi sợ phải đi máy bay lắm cô ơi!

Tôi không biết đây có phải là lý do chính đáng và duy nhất không hay có thể do chồng mất khi còn khá trẻ, bà phải bươn chải lo cho đàn con nên quá khó khăn? Nhưng dù thế nào đi nữa tôi vẫn không thể tưởng tượng được tình huống đặc biệt đến vậy. Như hiểu được tâm trạng của tôi, bà nói tiếp:

- Thỉnh thoảng ba má tôi có đi du lịch sang thăm tôi là lũ trẻ. Ngập ngừng chút rồi bà nói tiếp, giọng chùng xuống, ba tôi cũng đã mất cách đây mấy năm chỉ còn má tôi thôi nhưng bà cứ đau ốm liền liền.

Tôi hỏi bà có định về thăm mẹ lần cuối không thì bà im lặng không trả lời. Nhìn căn phòng của bà đang ở với những đồ đạc tuềnh toàng tôi thấy thương người phụ nữ này. Gần 45 năm ở xứ người bà cũng không có được một chỗ ở tươm tất để bù đắp lại cho những mất mát không thể nào so sánh nổi khi phải sống đời tha hương.

Bà dẫn chúng tôi đi một vòng chung quanh phòng khách với những tranh ảnh treo đầy trên tường, để trên kệ sách, trên lò sưởi, bàn ăn…. Bà chỉ tôi xem những bức ảnh của bà khi còn nhỏ chụp với cả gia đình bên Đức. Rồi những tấm khi bà còn là một thiếu nữ xinh xắn mỹ miều lúc ở quê nhà. Bà cũng chỉ tôi xem chân dung người chồng quá cố mặc quân phục được treo khá trang trọng ở giữa phòng. Lần lượt sau đó là những tấm ảnh của đám con cháu, chúng sống cách bà cũng không xa lắm, khoảng một hay hai tiếng lái xe mà thôi! Bà bảo vậy.

Theo lời cô em họ cho biết bà quên rất nhiều tiếng Đức và cách phát âm của bà cũng lơ lớ khó nghe, rất nhiều từ cô em tôi nói bà không hiểu được và ngược lại. Cũng dễ hiều thôi, bà đang sống tại miền Nam Texas, quê hương của những người Mễ, bà dễ gì kiếm một người Mỹ gốc Đức chung quanh để chuyện trò. Hơn 40 năm ở Mỹ bà chỉ sử dụng tiếng Đức khi gọi điện thoại về cho mẹ và nói chuyện với người thân bên nhà.

Chia tay bà trong quyến luyến trên đường về nhà đầu óc tôi cứ nhớ mãi căn phòng khách đầy dấu tích kỷ niệm của bà. Tôi không biết sao bà có thể sống vui được với những hoài niệm về những người thân đã mất và… đã xa? Hình ảnh của bà làm tôi nhớ đến biết bao người phụ nữ Việt Nam lấy chồng xa xứ đang sống rãi rác trên khắp hành tinh này và trong đó có tôi nữa!!! Có thể nói đó là hình ảnh cô độc và đau lòng nhất của những người vợ khi chấp nhận cuộc đời viễn xứ lấy quê chồng làm quê mình. Rồi một mai thì khi sức đã tàn, lực đã kiệt, thân xác của họ sẽ mãi nằm lại trên xứ người nhưng chắc chắn linh hồn họ sẽ lặng lẽ tìm về nơi chốn quê xưa.

*

Người Việt Nam thường quan niệm dẫu sống với nhau một ngày cũng là tình nghĩa vợ chồng. Dù ngày nay xã hội loài người có “tiến hóa” cách nào đi chăng nữa thì cuộc sống vợ chồng cũng không có gì khác mấy so với trước đây. Vả chăng chỉ là những ước lệ khi hai người đặt bút ký kết vào tờ giấy hôn thú về mặt pháp lý. Còn trên thực tế họ cũng chỉ là hai con người xa lạ gặp nhau, yêu nhau, tìm hiểu nhau đến với nhau, xây dựng gia đình với nhau và mong rằng sẽ hạnh phúc bên nhau suốt đời. Có đi qua gần hết cuộc tình người ta mới hiểu ra rằng:

Tại sao tỷ tỷ người trên thế giới
Trời chỉ an bày cho anh với em?!! (nbt)

Ở một góc độ tâm linh nào đó người ta tin rằng vợ chồng là do duyên nợ từ nhiều đời nhiều kiếp mà thành. Không có gì tự nhiên đến và đi chỉ là đủ duyên mà hợp, hết nợ rồi tan. Bốn câu thơ sau đây khá nổi tiếng và đã được nhiều người tâm đắc:

Trăm năm trước thì ta chưa gặp
Trăm năm sau biết có gặp nhau không?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau!!!

Tình Yêu thật sự vốn không hề phân biệt tuổi tác, giai cấp, quốc tịch, tôn giáo và giới tính.

Xin chúc cho những người yêu nhau luôn tràn ngập Hạnh Phúc dù họ đang ở bất kỳ nơi đâu và đang sống ở bất kỳ thời điểm nào trong năm mà không chỉ riêng cho ngày Lễ Tình Nhân này.

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
07/04/201513:25:34
Khách
Mọi tình yêu đều vĩnh cửu! Với tôi, với bạn và với mọi người.
Tình yêu trong thơ văn và trong Báo chí góp phần làm ta yêu hơn người ta yêu, điều ta yêu! Năng khiếu báo chí hy vọng được mọi người yêu quý và tư vấn cho những người đang yêu môn Năng khiếu báo chí với ước mơ trở thành Nhà Báo để giúp đời nâng cánh tình yêu cao mãi, bay mãi tới bến bờ! Xin mời đọc và ủng hộ cho lớp "Ôn thi năng khiếu báo chí":
1.ÔN THI NĂNG KHIẾU BÁO CHÍ CHÚC MỪNG HAI BẠN CÓ CÂU TRẢ LỜI ĐỘC ĐÁO NHẤT TRONG BÀI THI THỬ PHẦN "TRẮC NGHIỆM" VÀO NGÀNH BÁO CỦA HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN:
- Nguyễn Thị Hà (THPT Cẩm Giàng - Hải Dương)
- Phạm Hồng Anh (THPT Việt Đức- Hà Nội)
2.TỔNG KẾT VÀ SO SÁNH KẾT QUẢ 2 BÀI THI THỬ PHẦN "TRẮC NGHIỆM":
- Bài không được luyện trước, học sinh trả lời đúng đạt 62%
- Bài được luyện trước, học sinh trả lời đúng đạt 86%
3. THẦY TRÒ "ÔN THI NĂNG KHIẾU BÁO CHÍ" PHẢI QUYẾT TÂM ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU LÀ: Sau khi luyện xong 300 câu hỏi, tỷ lệ học sinh trả lời đúng phải đạt 99% trở lên!
4. BẮT ĐẦU LUYỆN "VIẾT BÀI LUẬN BÁO CHÍ TỔNG HỢP" từ 8h00 đến 11h00 sáng chủ nhật 12-4-2015 tại số 9 Hai Bà Trưng - Hà Nội, do các Nhà Báo, Nhà Văn, nguyên giảng viên Học viện Báo chí và truyên truyền trực tiếp giảng dạy. CÁC BẠN NHỚ NHẮC NHAU ĐI HỌC và tranh thủ đọc bài của cô Kim Oanh-Trường THPT Phan Chu Trinh-Bình thuận để sáng tạo những bài viết riêng của mình:http://phanchutrinh.vn/detail.asp?IdNews=1500&Igchil=46. Bài viết gửi về Mail: [email protected]úc thành công!
17/02/201500:56:17
Khách
Mot bai viet day y nghia, rat hay, co cai nhin chinh xac ve hon nhan
16/02/201519:21:38
Khách
what does love requires ?
15/02/201523:45:30
Khách
Không lấy được người mình yêu thì hãy yêu người mình lấy!Cùng nắm tay đi suốt con đường này :-)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,263,648
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư kèm bài, ông viết: “Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Saui đây là bài viết thứ hai.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiều năm qua, ông lãnh việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory, vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Từ 2016, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là một thành phố vùng cao nguyên Tagaytay,Philippinnes. Truyện ngắn sau đây của tác giả, trích báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ tư của cô.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của ông.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001, thêm giải Việt Bút 2008. Từ hơn 10 năm qua ông là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến