Hôm nay,  

Những Ngày Tháng Khó Quên

25/01/201500:00:00(Xem: 15309)

Bài số 4444-14-29844vb7012415


Tác giả sinh năm 1972. Từng là một thuyền nhân, rời Việt Nam năm 10 tuổi khi cùng gia đình vượt biển năm 1982. Tốt nghiệp Management Information System, từng có 14 năm làm việc cho CiscoSystem inc., và hiện là cư dân San Jose, làm việc cho Yahoo!. Với bài "Cám ơn em, Cám ơn Peace Corps', Nguyễn Trần Phương Dung đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nôi", cô nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nươc Mỹ 2011.

 

***

 

3 volleysThời gian đến rồi đi chẳng chờ đợi ai. Có những "một ngày như mọi ngày[1]" và cũng có những ngày không thể nào quên. Và dường như, những ngày đau thương tang tóc để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người nhiều hơn những ngày vui.

 

Đối với người Mỹ, 11 tháng 9, 2001 là một ngày trong lịch sử cận đại mà dường như ai ai cũng nhớ mình đang ở đâu và làm gì, khi quân khủng bố đâm máy bay vào tòa Tháp Đôi.

 

Đối với người Việt, 30 tháng 4, 1975 dính liền với những trang sử đen tối nhất mà khi nhắc đến ít ai không khỏi ngậm ngùi.

 

Riêng tôi, những ngày khắc ghi trong tâm khảm còn có thêm 11 tháng 11, 2014.  Ngày Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.

 

Hôm đó tôi đang ngồi ở bàn viết, trên bàn ngổn ngang hình ảnh và tài liệu của chương trình văn nghệ mừng Tết Ất Mùi của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc-Giới Trẻ La San. Trên màn ảnh, dang dở bài viết cho báo Xuân Việt Báo. 1975-2015. 40 năm chẵn. Dù bận rộn đến đâu cũng cố gắng đóng góp một chút gì đó để tưởng nhớ ngày đổi đời của cả một dân tộc.

 

Điện thoại reng. Xen lẫn với giọng nói hốt hoảng và tiếng khóc, tôi nghe được: Khiêm. Biển. Sóng. Mất tích.

 

Đầu tôi choáng váng, tai ù đi. Nước mắt từ lúc nào rơi lộp độp xuống những tấm hình trên mặt bàn. Cờ vàng ba sọc đỏ nhòe nhoẹt. Cờ đỏ trắng 13 sọc với 50 vì sao đang bay phất phới ngoài sân cũng nhạt nhòa. Quá khứ và hiện tại nhập nhằng. Niềm đau dâng lên trong tim làm tôi muốn nghẹt thở…

 

***

 

unnamedKhiêm là đứa cháu tôi đặc biệt thương quý. Cháu là con bà chị lớn, thuộc thế hệ di dân 2. Lúc nhỏ cháu rất ngoan và hay cười. Lớn lên cháu lạc quan yêu đời, dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, oai trái. Cháu say mê bóng đá và là một tiền vệ xuất sắc mang áo số 10.  Cháu mơ ước trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và chơi cho đội bóng nhà San Jose Earthquakes.

 

Năm 2011, đúng 10 năm sau biến cố 9/11, khi trận chiến Irag và Afghanistan đang ở thời kỳ cao điểm, Khiêm thông báo quyết định vào Không Quân. Tuy lo lắng, gia đình và bè bạn đã hoàn toàn hỗ trợ cháu. Trong người cháu có dòng máu nhà binh. Ngoài những ông chú thuộc thế hệ 1 trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày nào, cháu còn có cậu ruột trong Hải Quân, anh ruột và em họ trong Thủy Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ. Phục vụ cho quốc gia là một vinh dự, chúng tôi luôn tin tưởng như thế.

 

Trở về từ quân trường, Khiêm phục vụ ở Đơn Vị 129th Rescue Wing thuộc cơ quan California Air National Guard, đóng ở căn cứ Moffett Field tại thành phố Mountain View, bắc California.  Với hơn 1,000 nhân viên quân sự và dân sự , nhiệm vụ của Cứu Cánh 129 là đào tạo và chuẩn bị nhân sự để thực hiện nhiệm vụ thời chiến là tìm kiếm và cứu nguy lính tác chiến và công dân ở bất cứ nơi nào trên thế giới, trên đất liền hay trên nước, trong hoàn cảnh thù nghịch hay được chấp thuận. Cứu Cánh 129 cũng cung cấp nhân lực đã được đào tạo thuần thục và trang bị đầy đủ, để đáp ứng và duy trì các nhiệm vụ khẩn cấp trong tiểu bang như thiên tai lũ lụt, cháy rừng, và để hỗ trợ chính quyền dân sự trong việc thi hành pháp luật.

 

Khiêm trưởng thành hẳn sau khi vào Không Quân và phục vụ đất nước với trái tim đầy tự hào. Ngoài giờ làm việc ở căn cứ, cháu hăng say tập luyện và thi đấu bóng đá.  Cháu còn làm huấn luyện viên thiện nguyện cho những đội bóng trẻ trong Milpitas Youth Soccer League. Khi rảnh rỗi, cháu thích họp mặt gia đình hay đi câu cá với bạn. Trong gia đình, trên sân cỏ, ngoài cộng đồng, nơi căn cứ, cháu được mọi người yêu mến.

 

Trớ trêu thay, ngay giữa lúc cuộc sống của Khiêm đang thăng hoa thì tai họa xẩy đến. Cháu tuổi trẻ đầy sức sống, lại đá banh và tập luyện thể dục thường xuyên nên thể lực và tinh thần rất tốt. Là một thành viên trong đơn vị cứu nguy vừa mới trải qua một cuộc tái huấn luyện mãnh liệt và cam go để chuẩn bị cho chuyến triển khai quân sự (military deployment) ở Phi Châu vào đầu năm 2015, cháu rành rẽ về kỷ thuật cứu sống người trong những trường hợp nguy hiểm nhất. Nào ngờ, một chuyến câu cá trong ngày lễ nghỉ và một đợt sóng lén quất vào ghềnh đá đã thay đổi tất cả.  Thế mới thấy, đứng trước quyền năng của thiên nhiên, sức con người chẳng là gì cả.

 

Khi hay hung tin Khiêm bị sóng cuốn mất tích, gia đình và thân hữu đã tức tốc chạy ra nơi cháu đã đứng câu cá. Sobranes Point nằm ở trong công viên Garrapata State Park, nổi tiếng với những ghềnh đá cao hiểm trở. Nước biển phía dưới sâu thẳm và chảy xiết. Sóng từ ngoài khơi đập dồn dập vào bờ đá trắng xóa.  Nhìn đại dương bao la ngoài xa, tôi rùng mình nghĩ đến chuyến vượt biển thập tử nhất sinh năm nào, nghĩ đến những người bỏ xác trên biển cả, những chiếc thuyền cặp bến không một người sống sót...

 

Có lẽ trong đời tôi chưa bao giờ cầu nguyện thành khẩn bằng lúc đó. Xin Trời cao giữ gìn cháu. Xin cho U.S. Coast Guard tìm được cháu. Xin cho đứa con trai nhỏ của cháu còn có cha... Không chỉ riêng tôi, ba mẹ cháu, ông ngoại, người mẹ của đứa con trai của cháu, gia đình bạn bè… tất cả mọi người cùng nín thở cầu nguyện và trông chờ tin lành.

 

Chỉ huy trưởng của Cứu Cánh 129, Đại Tá Gregory Jones, và Tuyên Úy Quân Đội, Đại Úy David Schenone, đích thân có mặt để hỗ trợ cuộc tìm kiếm và an ủi gia đình.  

Trên trời trực thăng, trên nước tàu, dưới biển thợ lặn, trên bờ lính cứu hỏa, kiểm lâm viên và người thân, tất cả đều cố dõi mắt kiếm tìm tông tích cháu. Biển bao la, cháu trôi dạt nơi nào, có hay biết đến những tấm lòng đang cùng hướng về cháu?

 

Hy vọng của chúng tôi tàn lụi dần theo những tia nắng cuối ngày. Thường thì những cuộc cứu người đình chỉ vào lúc mặt trời lặn, nhưng vì cháu là quân nhân, lại thuộc đơn vị cứu nguy, nên những người anh em của cháu đã cố gắng kéo dài cuộc tìm kiếm giữa màn đêm.  Khi bắt buộc phải tạm ngưng, họ nắm chặt tay gia đình: Tiếp tục tin tưởng và cầu nguyện, vì phép lạ vẫn xẩy ra...

 

Đêm hôm đó trong giờ kinh tối của gia đình, tôi cho các con biết tin và bảo chúng cầu nguyện. Dù thế nào, cũng xin tìm được và đưa anh của chúng về nhà. Xin sự an toàn cho những người cứu nguy. Xin cho gia đình có can đảm và nghị lực chấp nhận ý Trời. Các con của tôi, nhất là thằng lớn, rất gần gũi với Khiêm. Nhìn chúng khóc mà lòng tôi đau xót vô cùng. Sáng hôm sau đến lượt anh chị của tôi và Elizabeth bạn gái của Khiêm báo tin cho con trai Kian của cháu biết. Tôi đã không có can đảm để chứng kiến cảnh đứt ruột đó.

 

Một đêm thức trắng, tôi miên man nghĩ về những kỷ niệm với Khiêm. Chuyện từ thời xa xưa khi tôi còn độc thân ở với ba mẹ, anh chị tôi gửi cháu và thằng anh trai cho mẹ tôi trông nom để đi làm. Đi học về tôi thường chơi với các cháu, cho cháu ăn, dạy cháu học. Khiêm rất ngoan ngoãn dễ dạy, tôi cưng cháu vô cùng. Ngày tôi lấy chồng, Khiêm sáu tuổi làm ring boy, mặc bộ đồ tuxedo đen đứng bên cạnh chú rể, tẩn mẩn với cái gối hình trái tim cột hai chiếc nhẫn cưới. Rồi khi chúng tôi có con trai đầu lòng, Khiêm phụ trông em, vui đùa với em và thường đẩy xe đưa em ra công viên gần nhà chơi. Có lần vợ chồng tôi đưa con đi chơi xa, Khiêm ở nhà nhớ em, lấy quần áo dơ của em ra hôn hít. Tôi về biết chuyện càng thương tấm lòng mẫn cảm của cháu. Lớn lên Khiêm đẹp trai và chơi thể thao giỏi, con gái trong trường mê tít. Nhớ hoài ngày cháu và bạn gái hẹn dì ra gặp để báo tin sắp có con. Làm cha lúc tuổi đời còn trẻ, khi các bạn còn lông bông vui đùa thì Khiêm đã gánh vác trách nhiệm gia đình. Thời gian này tôi ở xa, mỗi lần về thăm thấy cháu khổ cực mà thương.  Nhưng rồi với ý chí và sự nỗ lực không ngừng cháu đã vượt qua được mọi khó khăn. Ngày gia đình tôi dọn về lại Cali, tôi vui mừng thấy cháu chững chạc yêu đời và cuộc sống tương đối ổn định. Dì cháu thân với nhau như bạn, cháu có thể nói với tôi bất cứ vấn đề gì. Mới đây thôi, hai dì cháu nói chuyện thế hệ 1 thế hệ 2, chuyện vì sao người Việt xa xứ, chuyện tỵ nạn thuyền nhân, chuyện vượt biển mất tích...  Chúng tôi hẹn với nhau, một ngày nào đó, dì cháu cùng trở về thăm quê cha đất tổ, nơi tôi biết phần nhiều qua văn chương sách vở, và cháu chỉ biết qua lời kể của ba mẹ, ông bà...

 

Nhưng ngày đó sẽ không bao giờ tới vì trưa ngày hôm sau, US Coast Guard đã tìm được xác cháu. Làm sao diễn tả được cái cảm giác bàng hoàng và đau đớn tột cùng khi biết tin. Như những người đang sống quen trong thế giới ánh sáng và bỗng dưng mặt trời vụt tắt và bóng tối ụp xuống, gia đình chúng tôi hụt hẫng lần mò và đau đớn vấp ngã trong màn đêm vô tận. 

 

Ngay chính lúc đầy hoang mang sợ hãi đó, nhiều bàn tay đã đưa ra đỡ nâng dìu dắt, nhiều ánh nến đã được thấp lên, giúp cho chúng tôi làm quen với một thực tại mới. Bạn hữu, thân bằng quyến thuộc, quân đội Hoa Kỳ, cộng đồng Việt và ngoại quốc đã đến cùng chia sẻ nỗi mất mát và niềm thương tiếc với chúng tôi. Họ đã từng bước đi bên cạnh chúng tôi trong hành trình đầy nước mắt đó, từ lúc Khiêm bị sóng cuốn mất tích cho đến khi biết chắc là cháu không còn.

 

Ngày thăm viếng trời mưa to gió lớn nhưng người đến đông nghẹt từ sáng đến tối. Trong giờ tưởng niệm, bạn bè và đồng đội của Khiêm đã lên chia sẻ những kỷ niệm với cháu. Chúng tôi cùng khóc với nhau, và có lúc, cùng cười òa, khi nhắc về cái tính tếu lâm và phá ngầm, giọng cười kỳ quặc, tinh thần lạc quan, cái máu phiêu lưu mạo hiểm, khả năng làm việc, tài năng trên sân cỏ, và nhất là tấm lòng khiêm cung và trung thành của cháu.

 

Thánh lễ an táng của Khiêm được cử hành tại nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình (Our Lady of Peace), nơi mà lúc sinh thời cháu tỏ ý yêu mến. Sáng thứ sáu giờ đi làm, đoàn xe tang từ nhà quàn đến nhà thờ bị kẹt đường dù đã có hai cảnh sát lái MotorCars theo hộ tống. Đến nơi chỉ còn năm phút là đến giờ bắt đầu thánh lễ. Sân nhà thờ đầy người đứng chờ.  Trong nhà thờ, người ngồi kín mít, gần phân nửa mặc lễ phục của Không Quân. Không ngờ thân hữu đến tiễn đưa cháu đông như vậy. Hai trăm cuốn sách tang lễ tôi đặt in chẳng thấm vào đâu.

 

Linh mục chủ tế làm phép linh cữu ở cuối nhà thờ rồi đứa con trai bảy tuổi của Khiêm, tay cầm di ảnh của ba, đi sát bên cạnh mẹ dẫn đầu đoàn rước vào nhà thờ. Anh ruột, các anh em con chú con bác, và hai người bạn thân của Khiêm khiêng linh cữu. Lúc đầu bên quân đội đề nghị để những Vệ Binh Danh Dự (Honor Guards) khiêng quan tài trong suốt tang lễ nhưng gia đình tôi muốn để cho anh em của Khiêm lo cho cháu tại nhà quàn và nhà thờ. Khi ra nghĩa trang, chúng tôi xin giao lại cho họ để làm theo nghi thức quân đội.

 

Tôi và gia đình đi sau quan tài. Đoạn đường từ cuối nhà thờ lên cung thánh có bao nhiêu bước mà tôi cảm thấy dài lê thê. Tôi đi sát cạnh chị tôi và có cảm tưởng chị có thể ngã gục bất cứ lúc nào. Tôi cũng muốn gục ngã rồi đây. Cháu tôi mới 24 tuổi, tại sao lại có cảnh này? Ngày xưa sức mạnh nào đã giúp Đức Mẹ Maria đi trọn đoạn đường lên đồi Golgotha với Chúa Giêsu? Xin giúp sức cho chị, xin giúp sức cho tôi.

 

"Chúa xô tôi xuống lòng vực thẳm giữa muôn trùng sóng đại dương.

Trong vực sâu tối tăm, tâm hồn tôi trông cậy nơi Chúa, vẫn trung kiên..."

 

Lời hát của ca đoàn làm nước mắt tôi rơi không ngừng. Chúa đang thử thách lòng tôi. Xin cho tôi vững tin rằng, Chúa có dự định hoàn hảo cho mỗi con người. Khiêm đang ở một nơi tốt đẹp mà một ngày nào đó tôi cũng sẽ tới và được gặp lại cháu tôi.

 

Sau Thánh Lễ, linh cữu của Khiêm được di chuyển về nơi an nghỉ tại nghĩa trang Cổng Thiên Đàng (Gate of Heaven). Phần mộ của cháu nằm bên khu quân đội, đối diện với khu Đất Thánh Việt Nam, nơi ông bà nội, mẹ và người em họ của tôi an nghỉ. Khiêm khi sống rất giàu tình cảm, lúc chết được chôn cạnh gia đình tôi nghĩ cháu vui.

 

Hầu hết bạn bè thân hữu đi theo linh cữu ra nghĩa trang. Hơn 200 quân nhân trong đơn vị Cứu Cánh 129, từ chỉ huy trưởng đến binh sĩ, cũng theo ra tiễn biệt người anh em của mình. Họ đứng vào hàng ngũ, giơ tay nghiêm chào khi xe tang đến nơi. Và họ tiếp tục đứng im phăng phắc cho đến khi quan tài được hạ xuống huyệt.

 

flag presentationNghi thức an táng của quân đội[2] hết sức long trọng. Sáu người Vệ Binh Danh Dự khiêng quan tài từ xe tang đến mộ phần. Lá quốc kỳ phủ trên quan tài được gấp một cách trịnh trọng. Nghi thức gấp quốc kỳ của quân đội Hoa Kỳ dựa trên cùng nguyên tắc tín ngưỡng mà tổ quốc Hoa Kỳ được sáng lập. Có tất cả 13 gấp, mỗi gấp có một ý nghĩa đặc biệt riêng.

 

  • Gấp thứ nhất tượng trưng cho sự sống.
  • Gấp thứ hai tượng trưng cho sự tin tưởng ở đời sau.
  • Gấp thứ ba vinh danh và tưởng nhớ người quân nhân đã ra đi, người đã hy sinh một phần của cuộc đời để bảo vệ tổ quốc và giúp mang hòa bình cho thế giới.
  • Gấp thứ tư tượng trưng cho sự yếu đuối của con người. Là những công dân tin vào Chúa, chúng ta chạy đến Ngài trong thời bình cũng như thời chiến để được hướng dẫn.
  • Gấp thứ năm vinh danh tổ quốc, vì như lời của Stephen Decatur, "Quốc gia của chúng ta, khi xử sự với những quốc gia khác, xin lúc nào cũng đúng, nhưng vẫn là quốc gia của chúng ta, đúng hay sai."
  • Gấp thứ sáu nhắc nhở chỗ nằm của trái tim chúng ta. Chính với trái tim, chúng ta cam kết trung thành với lá cờ của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và nền cộng hòa mà lá cờ tượng trưng: một tổ quốc, dưới Chúa, không thể phân chia, với công lý và hòa bình cho mọi người.
  • Gấp thứ bảy vinh danh quân đội, vì qua quân đội mà chúng ta bảo vệ tổ quốc và lá cờ từ quân thù.
  • Gấp thứ tám dành cho người đã đi vào thung lũng tối đen của sự chết, cho họ tìm thấy ánh sáng ban mai[3], và cũng để cho người mẹ mà lá cờ tung bay để vinh danh trong ngày Mother's Day.
  • Gấp thứ chín vinh danh nữ giới, vì qua niềm tin, tình yêu, sự trung thành và tận tụy của họ mà chí khí của người đàn ông và đàn bà của quốc gia vĩ đại này được rèn luyện.
  • Gấp thứ mười vinh danh người cha, vì ông cũng là người đã cho đi người con trai, con gái của mình để bảo vệ tổ quốc.
  • Gấp thứ mười một, trong mắt của dân Do Thái, tượng trưng cho dấu ấn của vua David và vua Solomon, và tôn vinh Chúa của Abraham, Isaac và Jacob.
  • Gấp thứ mười hai, trong mắt của người Kitô hữu, tượng trưng cho biểu tượng đời đời, và để vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
  • Khi lá cờ đã hoàn toàn gấp xong, những ngôi sao được ở trên cao nhất, nhắc nhở cho chúng ta phương châm của tổ quốc: Trong Chúa chúng tôi tin.

 

Tiếp theo là ba loạt súng chỉ thiên. Truyền thống chiến tranh ngày xưa có phần ngưng chiến để hai bên đi thu nhặt xác của đồng đội mình về. Ba loạt súng trong chiến tranh cho biết kẻ chết đã được lo liệu đúng đắn và cuộc chiến có thể tiếp tục. Ba loạt súng trong đám tang quân đội nói lên họ đã lo liệu xong cho người anh em vừa nằm xuống.

 

Hồi kèn tiễn đưa kết thúc nghi thức. Tiếng kèn thê lương nghe xốn xang ruột gan. Người sĩ quan hai tay cầm lá quốc kỳ đã được gấp, trịnh trọng dâng cho mẹ người quân nhân quá cố. Chị tôi hai tay run rẩy đón nhận lá quốc kỳ vừa được phủ trên quan tài của con trai mình. Còn vinh dự nào hơn. Còn đau đớn nào hơn?

 

*****

 

Tiếp tục mất ngủ nhiều đêm sau đám tang của Khiêm, tôi nghiền ngẫm thật nhiều về những tấm lòng đã dành cho cháu và gia đình. Nếu sự có mặt đông đảo của thân hữu trong tang lễ và sự hỗ trợ liên lủy đầy vị tha dành cho gia đình phần nào phản ảnh tình thương và sự tôn trọng mọi người dành cho Khiêm thì quả thật cháu đã sống một cuộc đời trọn vẹn và ý nghĩa, vì "tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi[4]”.


 

Khiêm mất sớm, Kian con trai của Khiêm sẽ lớn lên thiếu vắng tình thương và sự che chở của cha ruột mình. Nhưng tôi tin chắc rằng, mẹ của Kian, gia đình họ hàng và những người bạn của Khiêm sẽ bù đắp cho sự thiệt thòi này. Kian sẽ được ông bà, các bác các chú, các cha mẹ tinh thần lo lắng dưỡng nuôi. Hình ảnh bạn bè của Khiêm ôm vai nhau, ôm Kian, đứng bất động thật lâu nhìn xuống lòng huyệt sau khi quan tài của Khiêm đã được hạ xuống cho tôi biết điều đó. Kian sẽ không bao giờ thiếu sự hỗ trợ và tình thương.

 

Cái chết của Khiêm cũng cho tôi hiểu được thế nào là "huynh đệ nhất chi binh". Đơn vị Cứu Cánh 129 đã ở cạnh gia đình chúng tôi ngay từ giây phút đầu tiên.  Họ cùng cầu nguyện, cùng lo lắng, cùng tìm kiếm Khiêm với chúng tôi. Khi mọi sự đã rồi, họ giúp lo liệu tang lễ cho cháu. Hai tuần sau đám tang, họ còn tổ chức một buổi tưởng niệm Khiêm tại căn cứ Moffett Field và mời gia đình đến tham dự. Thoạt đầu nhiều người do dự không muốn đi, vì chúng tôi không thể tưởng tượng có thể trải qua thêm một tang lễ của cháu nữa. Riêng tôi, tuy biết mình sẽ đau đớn lắm, đã có mặt để tỏ lòng tôn trọng quân đội cũng như phần nào đáp trả sự tử tế mà họ đã dành cho gia đình chúng tôi.

 

KianacceptingmedalBuổi lễ trang nghiêm đầy ý nghĩa. Chương trình bao gồm:

  • Nhạc mở đầu
  • Khai Mạc và Nghi Thức Lễ Tân
  • Lời Cầu Nguyện
  • Trao Huân Chương
  • Thánh Thư
  • Thánh Ca
  • Chia Sẻ
  • Nhạc Kèn
  • Kinh Cảm Tạ
  • Thánh Ca kết thúc

 

Nước mắt tôi rơi từ đầu cho đến cuối, bắt đầu với cảnh mấy trăm quân nhân trong quân phục và lễ phục trang trọng giơ tay chào (salute) Khiêm, cho đến khi từng quân nhân một sắp hàng đến ôm vai và bắt tay chia buồn với gia đình. Tôi đã mím chặt môi để đừng bật ra tiếng khóc trong lúc trao huân chương. Mới đây thôi, Khiêm đoạt danh hiệu Oustanding Airman of the Year - một danh hiệu tuyên dương cá nhân cao nhất của Không Quân Hoa Kỳ. Gia đình chưa kịp biết, huân chương chưa kịp gắn thì cháu đã ra đi. Quân đội trao vinh dự lại cho con trai của Khiêm trong buổi lễ tưởng niệm. Nhiều cặp mắt đã đẫm lệ khi Trung Tá Taft Aujero gắn huân chương lên ngực áo của Kian. Hãnh diện và đau lòng.

 

Phần chia sẻ cảm động và chân tình. Cô Trung Sĩ Kỹ Thuật Ashley Kennedy đã khóc suốt bài diễn văn. Qua cô, chúng tôi hiểu thêm về công việc của Khiêm và những nỗ lực của cháu trong ba năm trong lính. Cháu là một trong những vệ binh được thăng chức nhiều lần và nhanh nhất. Cô tiếc sẽ không còn cơ hội làm việc với cháu, và được một ngày thấy cháu chơi cho đội bóng đá Không Quân.

 

Và tôi sẽ không bao giờ quên tấm lòng và sự tử tế của Tuyên Úy Quân Đội, Đại Úy David Schenone. Ông đến nhà thăm chúng tôi. Ông ngồi với chúng tôi hàng giờ ở nhà quàn, trong thinh lặng. Trong Thánh Lễ An Táng, khi đứng phía trên cung thánh để cảm tạ các Cha và thân hữu, tôi nhìn thấy ông đứng ở cuối nhà thờ, đôi mắt đầy trắc ẩn, cảm thông.

 

Trong buổi lễ tưởng niệm, với cử chỉ và giọng nói chân thành, Tuyên Úy Schenone đã đọc những bài thơ, trích những câu chuyện trong Phúc Âm, và có những lời lẽ làm xoa dịu niềm đau của chúng tôi. Tôi sẽ nhớ hoài câu ông nói, "Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi.[5] Chúng ta có thể không hiểu tại sao thảm kịch xẩy ra. Chúng ta có thể không đồng ý. Chúng ta có thể giận dữ. Chúng ta có thể đau khổ.  Nhưng chúng ta phải chấp nhận nó đã xẩy ra, vì chỉ khi đó, chúng ta mới thật sự có thể thương tiếc người thân và bắt đầu quá trình chữa lành vết thương. Với niềm cậy trông vào Đấng Tối Cao, chúng ta tin tưởng rằng, sẽ có một ngày chúng ta gặp lại người thân ở nơi không còn khổ đau và nước mắt..." Và ông đã kết:

 

"Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u

con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.[6]

 

David Schenone, ông là Simon thành Cyrene[7] của chúng tôi.

 

Và còn rất nhiều Simon nữa.

 

Bạn bè thân hữu, các linh mục và tu sĩ nam nữ, các hội đoàn Công Giáo, cộng đồng Việt và cộng đồng ngoại quốc tại địa phương đã đối xử quá tốt với gia đình chúng tôi. Hôm Khiêm mất tích, đài KTVU đã đến phỏng vấn gia đình và đưa tin lên TV ngay tối đó.  Đêm canh thức bắt đầu với biết bao nhiêu người cầu nguyện cho cháu. Khi thi thể Khiêm được tìm thấy vào ngày hôm sau, Andrew và nhóm bạn của Khiêm lập tức xin phép gia đình để mở trang GoFundMe cho Kian. Gia đình chúng tôi đã quyết định không nhận phúng điếu cho tang lễ, nhưng cũng không thể từ chối những tấm lòng thành này. Những gì xẩy ra sau đó thật quá sức tưởng tượng của chúng tôi. Qua tin nhắn, email, điện thoại, trang mạng xã hội, báo chí, truyền hình.. tin tức về cái chết bi thảm của Khiêm lan nhanh. Chúng tôi nhận được biết bao lời chia buồn và an ủi. Quỹ học bỗng cho Kian lên đến hơn 40 ngàn đồng, từ những người quen và không quen.

 

Và sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến những đội bóng đá. Ba của Khiêm là một cầu thủ bóng đá có tiếng tại San Jose trên 30 năm qua. Các chú bác và anh em họ bên mẹ của Khiêm cũng mặc áo cầu thủ cho các đội bóng người Việt. Khiêm bắt đầu ra sân đá banh từ lúc còn bé xíu và được các cầu thủ cha chú cưng chiều, không phải vì cháu là một tiền vệ xuất sắc đã bao lần giúp mang vinh dự về cho các đội bóng tại bắc Cali và miền Tây, mà vì tính tình ôn nhu hiền hòa của cháu. Đối với các cầu thủ trẻ thuộc thế hệ sau, Khiêm là người lãnh đạo khiêm tốn, tận tình chỉ dẫn kỹ thuật và cổ võ cho các em.

 

Sự ra đi của Khiêm là một cú sốc và là một mất mát lớn cho các đội bóng người Việt trong vùng. Hôm ra nhà quàn rất đông cầu thủ đến viếng. Hai người đại diện đã lên chia sẻ kỷ niệm về cháu rất chân tình. Cảm động nhất là chuyện những cháu nhỏ trong đội The Strikers của thành phố Milpitas mà Khiêm làm huấn luyện viên thiện nguyện xin được đến thăm viếng và tiễn đưa coach lần cuối. Ba mẹ của các cháu đã lên cảm ơn Khiêm đã cho con của họ niềm đam mê bóng đá và sự tự tin trên và ngoài sân cỏ. Trái tim chúng tôi được vỗ về khi biết Khiêm đã chạm vào rất nhiều cuộc đời và được quý mến thương yêu.

 

Món quà tinh thần cuối cùng từ cộng đồng đến một ngày trước đêm Giáng Sinh. Khi biết tin Khiêm qua đời trước khi có thể thực hiện giấc mộng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp cho đội bóng nhà San Jose Earthquakes (Khiêm đang chuẫn bị tham dự tryout vào mùa xuân tới), cơ quan này đã liên lạc với gia đình và đề nghị ký hợp đồng danh dự và trao chiếc áo cầu thủ của đội cho Khiêm. Đích thân Tổng Giám Đốc John Doyle và huấn luyện viên trưởng Dominic Kinnear của San Jose Earthquakes trao chiếc áo kỷ niệm đến gia đình tại sân vận động Avaya Stadium đang sắp được xây cất xong.  Đây là một vinh dự mà chúng tôi ao ước phải chi xẩy ra bằng cách khác.

 

Biết nói làm sao để tỏ bầy hết niềm tri ân đến tất cả những tấm lòng đã dành cho Khiêm và gia đình chúng tôi. Nguyện xin ơn Trên tuôn ban phúc lành và trả công bội hậu cho tất cả mọi người.

 

*****

 

Earthquakes jersey presentationThời gian tiếp tục trôi sau ngày Khiêm mất.

 

Lễ Tạ Ơn đến một tuần sau đám tang, tôi do dự mãi có nên ăn mừng như hằng năm không? Tôi sợ chị buồn khi nhìn cảnh con cháu đầy đủ mà không có Khiêm. Chị hiểu lòng tôi nên trấn an, “Khiêm rất thích những cuộc họp mặt gia đình bạn hữu. Cháu sẽ muốn mọi người vui vẻ đến với nhau.”

 

Tôi chạnh lòng nhớ đến lời chia sẻ của tuyên úy Schenone. Dù đau đớn, dù tiếc thương, chúng tôi vẫn phải chấp nhận là Khiêm đã không còn. Trái đất vẫn xoay, cuộc đời vẫn tiếp diễn, mọi người vẫn phải tiếp tục sống. Điều hay nhất mà chúng tôi có thể làm để vinh danh ký ức về Khiêm là sống cho thật trọn vẹn và ý nghĩa như cháu đã sống. Cháu vẫn thường nói, “Đừng sợ. Hãy sống hết mình. Hãy làm theo trái tim, vì cuộc sống quá ngắn ngủi. Tất cả mọi giây, mọi thời khắc đều tính.”

 

Khiêm mất đi nhưng nhiều điều tốt đẹp đã nẩy sinh ra sau đó. Đại gia đình khắn khít hơn, thương yêu nhau nhiều hơn. Những mối quan hệ bị ghẻ lạnh từ lâu nay bắt đầu được nối lại. Anh ruột của Khiêm có người yêu. Anh họ đính hôn. Thêm một đứa cháu trai được sinh ra đời. Kian thì lớn hẳn. Khi được hỏi cháu có nhớ ba, Kian trả lời rất nghiêm trang, "Con vẫn gặp và nói chuyện với daddy trong giấc mơ. Daddy luôn ở bên con."

 

Phải rồi, Khiêm sẽ ở mãi trong tim những người thương yêu cháu. Cũng như cháu sẽ luôn ở bên cạnh và phù hộ cho con trai của mình, tôi tin như thế.

 

Ngày Lễ Giáng Sinh, gia đình lại họp mặt. Ăn uống, nói chuyện vui, nhớ về Khiêm, xem hình Kian nhận huân chương thay ba, hình anh rể nhận áo cầu thủ thay con. Nhìn tấm hình chụp trong buổi lễ nhận áo, tôi nhớ ra hôm đó có nói chuyện với người quản lý quan hệ truyền thông cho đội San Jose Earthquakes về việc tổ chức ngày Di Sản Việt khi sân vận động Avaya xây xong vào mùa xuân năm tới. Anh Frank Stranzl có nhã ý mời Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc - Giới Trẻ La San đến trình diễn trống, như các em đã từng trình diễn trong half-time show cho các trận bóng đá của Earthquakes tại sân Buck Shaw stadium trong mấy năm qua.

 

Giống như Khiêm, các em Giới Trẻ La San thuộc thế hệ di dân 2. Các em được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, là sự sống bắt nguồn từ cái chết của Sàigòn năm nào. Ngày xưa nước Mỹ và người Mỹ đã mở rộng vòng tay đón nhận ông ba và ba mẹ các em thế nào, thì bây giờ các em phục vụ lại mọi người với tấm lòng rộng mở như vậy. Khiêm đi lính để phục vụ quốc gia, các em Giới Trẻ La San dùng nghệ thuật để phục vụ cộng đồng.

 

Các em cũng không quên nguồn gốc của mình. Khiêm dự định về thăm quê cha đất tổ, các em Giới Trẻ La San đã trở về. Tận mắt nhìn thấy quê cha nghèo khổ, đất mẹ tang thương, trở lại Mỹ các em giúp gây quỹ để xây trường học, xây giếng nước, mở tủ thuốc tình thương... cho họ trò và dân nghèo.

 

Tết Ất Mùi 2015, để đánh dấu 40 năm người Việt xa xứ, các em tổ chức một buổi văn nghệ quy mô để phục vụ cộng đồng. Bằng hồi trống uy hùng và những vũ khúc chứa chan tình dân tộc, các em sẽ đưa các khán giả Việt và ngoại quốc qua bốn gian đoạn dựng nước, mở nước, giữ nước và giắc gieo vào muôn nước của dân tộc Việt. Với vũ nhạc kịch "Đóa Hoa Hồng Trà", các em hy vọng vực dậy hào khí Việt Nam và nhắc nhở mọi người rằng, "vận nước có lúc thịnh lúc nguy, nhưng anh hùng hào kiệt thời nào cũng có.”[8]

 

Tôi rất tiếc sẽ không thể cùng Khiêm xem chương trình văn nghệ này. Tôi càng tiếc hơn sẽ không có ngày cùng cháu về thăm quê hương và chỉ cho cháu thấy sự khác biệt giữ hai đất nước và hai nền văn hóa. Tôi từng mơ ước được làm gạch nối giữa thế hệ 1 và thế hệ 2, và đã từng viết,

 

"Chúng tôi là thế hệ 1.5 may mắn, được hấp thụ cả hai nền văn hóa và được chọn lựa những gì tốt nhất cho mình.  Chúng tôi biết tại sao, bằng cách nào, mình có mặt nơi này và không quên những cơ cực, tủi nhục của thuở ban đầu. Chúng tôi tự hào với di sản của cha ông để lại và nguyện giữ gìn và chuyển đến thế hệ sau, để những người trẻ như lũ cháu tôi có thể hiểu và ngẩng đầu khi nhắc đến hai chữ "Việt Nam".

 

Thế hệ 1.5 xin được làm gạch nối giữa thế hệ 1-2, để những trang sử bi hùng của thế hệ 1 không bị lãng quên.  Với cái nền mà thế hệ 1 đã đổ máu và nước mắt xây, chúng tôi xin được làm bậc thang kế cho thế hệ 2 bước lên, với hy vọng tạo cơ hội và điều kiện cho họ viết lên những trang sử mới cho người dân gốc Việt."[9]

 

Và tôi nghiệm ra, tuy những người trẻ như Khiêm và các em Giới Trẻ La San có thể không biết nhiều lắm về lịch sử và văn hóa Việt, nhưng các em đã và đang viết lên những trang sử mới cho người dân gốc Việt. Sự đóng góp và thành quả của các em cho nước Mỹ và cho quê hương Việt Nam rất rất đáng kể và đáng cho chúng ta tự hào.

 

Rồi tôi tự hỏi tại sao lại dừng lại ở thế hệ 2. Tại sao tôi không giúp truyền di sản Việt đến thế hệ 3 và sau đó? Tôi quyết tâm, trong chương trình Văn Nghệ Tết Ất Mùi, ngồi ở hàng ghế danh dự sẽ có Kian cùng với mẹ Elizabeth, ông bà nội và ông cố ngoại của Kian, và đại gia đình. Bốn thế hệ sẽ cùng nhau ôn lại sử Việt, cùng ngậm ngùi nhìn lại những ngày đau thương tang tóc, và hãnh diện nhớ tới những ngày thịnh vượng của dân tộc.  

 

Tôi sẽ dẫn Kian theo khi Giới Trẻ La San trình diễn trống tại sân vận động Avaya. Tiếng trống sẽ vang rền giữa trời đêm, phục vụ 18 ngàn khán giả đi xem bóng đá và để khen thưởng và vinh danh những cầu thủ, trong đó Khiêm, người tiền vệ danh dự mang áo số 10 của đội bóng nhà San Jose Earthquakes.

 

Vâng, cuộc sống quả có những ngày buồn ngày vui, cũng như vận nước có lúc thịnh lúc suy. Đáng nhớ và quan trọng nhất, là những sự tốt lành từ những tang tóc đau thương, là “từ chết chóc, sự sống luôn luôn nẩy sinh”[10].

 

Sau bi kịch 9/11, tinh thần quốc gia dân tộc của người Mỹ đã lên tới cao điểm. Người Mỹ đoàn kết và ái quốc hơn bao giờ.

 

Biến cố 30 tháng 4 đẫy hàng triệu người Việt ra biển khơi, nhưng cũng từ đó hạt giống Việt nẩy mầm và đơm hoa kết trái trên đất Mỹ và khắp nơi trên thế giới.

 

Lá cờ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay trước sân nhà tôi ngày 11 tháng 11 hằng năm để vinh danh những người Cựu Chiến Binh.  Nhờ những hy sinh của họ cho tổ quốc mà tất cả chúng ta sống bình an hơn, yên ổn hơn.

 

Và Khiêm thương yêu,

Ngày 11 tháng 11 cũng nhắc nhở dì đến Đơn Vị Cứu Cánh 129 và tất cả những tấm lòng đã dành cho con và gia đình. Phần con, không cần đợi đến ngày giỗ, vì con luôn luôn ở trong tim của Dì.

 

Mùa Xuân 2015.

Nguyễn Trần Phương Dung

 



[1] Nhạc Trịnh Công Sơn

[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Military_funerals_in_the_United_States

[3] Thánh Vịnh 23

[4] Bài Trích Sách Khôn Ngoan (4: 7-15)

[5] Bài Trích Sách Gióp (1: 13-22)

[6] Thánh Vịnh 23

[7] Ông Simon là người vác đỡ Thánh Giá cho Chúa Giêsu trên đoạn đường lên đồi Golgotha

[8] Nguyễn Trãi

[9] Bài "Thế Hệ Gạch Nối" của cùng tác giả

[10] Nguyên văn của Boris Pasternak trong Doctor Zhivago: “He realised, more vividly than ever before, that art had two constant, two unending preoccupations: it is always meditating upon death and it is always thereby creating life.”

Ý kiến bạn đọc
18/03/201515:49:20
Khách
Cảm ơn y kiến của đọc giả Chu Cao và Mây Trắng. PD sẽ cẩn thận hơn khi dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt.

Cảm ơn sự đồng cảm của anh Lê Như Đức, chị Đoàn Thị và Van Tran. PD viết bài này rất lâu, vì vừa viết vừa khóc...

Cảm ơn sự đồng cảm của anh Lê Như Đức, chị Đoàn Thị và Van Tran. PD viết bài này rất lâu, vì vừa viết vừa khóc...

Chị Đoàn Thị ơi, lâu quá không liên lạc, mong anh chị và các cháu luôn an vui. Hè 2016 em sẽ qua bên nớ, sẽ nhờ chị làm thổ địa chỉ chổ đi chơi nha. Thân mến.
28/01/201515:53:31
Khách
Tôi có người anh ruột hơn tôi 6 tuổi, cũng tên Khiêm. Anh mất khi tôi mới lên năm. Đọc bài viết tôi thương tiếc cho cháu của chị và cho anh của tôi, Lê Như Khiêm. Đọc mà nước mắt cứ ứa ra, thương cho gia đình cháu, nhớ tới người anh mình. Phải lau nước mắt mới đọc tiếp được.
28/01/201509:27:10
Khách
Trước đây Không quân VNCH dịch wing là Không đoàn, ngang với cấp trung đoàn của Lục quân. (23 Tactical wing = Không đoàn 23 chiến thuật)
26/01/201523:42:46
Khách
Đề nghị nên dịch là phi đòan cứu nạn 129 . Không nên dịch là cứu cánh. Chữ Wing ở đây là một đơn vị của không quân chứ không phải là cái cánh.
26/01/201520:19:28
Khách
Xin chia buồn cùng gia đình chị. Tiếc thương cháu ra đi khi tuổi đời quá trẻ.
25/01/201515:15:36
Khách
Vứa đọc vừa khóc Phương Dung ơi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,091,292
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Bài viết mới của tấc giả đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Ngày 14 Tháng Sáu sắp tới sẽ là Father’s Day 2019, mời đọc bài viết của tác giả Phước An Thy. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha bị cộng sản chôn sống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2919. Ông cho biết có cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979. Qua Mỹ năm 1998, ông hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết thứ hai của ông có lời ghi “Viết cho sinh nhật đầu tiên của cháu ngoại. Tựa đề được đặt lại theo nội dung: “bật mí” là âm nói lái của “bí mật.”
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến