Hôm nay,  

Nước Mắt Nữ Sinh Xứ Thiên Đàng

20/01/201500:00:00(Xem: 14525)

Tác giả: Trần Du Sinh
Bài số 4441-14-29841vb202015

Trần Du Sinh đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông là một kỹ sư hàng hải, 37 tuổi, lớn lên khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa. "Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên Âu (EU) để hòan thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ở Argosy, San Diego, và là một Phó Giám Đôc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, hiện đang làm việc tại Á Châu. Sau đây là bài viết mới nhất

* * *

Tự cổ chí kim, nước mắt luôn là vũ khí tối thượng của người phụ nữ. Và với nữ sinh, nó là vũ khí hủy diệt đấng mày râu choi choi, đặc biệt là mấy "anh hùng rơm" dưới mái trường phổ thông. Còn đối với tôi, nước mắt của hai cô nữ sinh mà tôi sắp kể ra đây còn mạnh mẽ hơn là vũ khí, vì nó ám ảnh tôi cho tới hơn hai mươi năm sau.

Bắt đầu với giọt nước mắt nữ sinh đầu tiên thời trung học. Năm 1991, tôi ra Đà Nẵng trọ học để làm học sinh của một ngôi trường mà sau này rất được ông Nguyễn Bá Thanh ưu ái: trường phổ thông trung học chuyên Lê Qúi Đôn. Ông Bá Thanh còn có chiến lược nhân sự tương lai cho Đà Nẵng với chương trình học bổng đại học trong và ngoài nước cho học sinh giỏi với điều kiện quay về làm việc cho Đà Nẵng 7 năm. Tính ta ông tính toán rất thâm sâu, vì mấy trí thức trẻ này dù cam kết làm việc trả nợ cho thành phố Đà Nẵng 7 năm, nhưng mấy ai dứt áo ra đi sau ngần ấy năm làm công chức, khi sức ì và quyền lợi đều tăng do lỗi hệ thống.

Không biết sau này thế nào, chứ thời đó, trường chúng tôi là một trong ba trường phổ thông trung học hàng đầu của cả nước, sánh vai với ngôi trường số một của Hà Nội có tên nửa ta nửa Tây là Hà Nội- Amsterdam và trường hàng đầu của Sài Gòn là Lê Hồng Phong, đổi tên từ Pétrus Ký. Trường tôi cũng đổi tên từ trường phổ thông Năng Khiếu, và trước đó thì mang tên Phan Thanh Giản. Đôi khi tôi tự nghĩ, cái tên đâu có tội mà phải bị đổi thay như vậy. Chất lượng đào tạo và chất lượng học sinh mới là quan trọng, chứ không phải nhờ trường mang tên nhân vật nào to lớn mà nói lên được chất lượng giáo dục của nó.

Đáng buồn là cái tên Pétrus Ký nổi tiếng trong lịch sử giáo dục miền Nam lại bị đổi tên qua cái tên của một người cộng sản chết yểu, mà Lê Hồng Phong lại chẳng phải là học giả hay danh nhân để còn dính dáng gì tới giáo dục, và cũng không thể xứng tầm với học giả Trương Vĩnh Ký mà thay thế được. May là dân Đà Nẵng đặt tên cho trường trung học hàng đầu của mình bằng cái tên của một nhà bác học, chứ lỡ mà thay bằng tên của tên khủng bố đặt mìn phá cầu Nguyễn Văn Trỗi thì hóa ra lại giáo dục tuổi trẻ làm khủng bố thì phiền.

Lớp tôi có cô bạn học rất giỏi, hạnh kiểm tốt, lí lịch gia đình tuyệt vời. Cô được nhiều người tin tưởng sẽ một là một hạt giống tốt cho tương lai chế độ. Ba cô là thương binh, mẹ cũng tham gia kháng chiến từ miền Bắc vào "giải phóng" Đà Nẵng rồi ở lại. Hai người là cán bộ liêm khiết nghỉ hưu theo chế độ, vẫn ở trong khu tập thể nghèo. Cô còn tự hào là ba cô từng có chân trong ban kiểm kê tài sản đánh tư sản, nhưng không tham ô hay dấu làm của riêng, nên mới nghèo trong sạch như thế.

Cô bạn tôi rất ngoan hiền, không đẹp nhưng dễ thương, và quan trọng là rất yểu điệu thục nữ, dễ hờn dễ giận nhưng vô tư như nai vàng. Có lẽ mắt nàng hơi to và đen nhánh, và có lẽ đây là nét đẹp nhất của nàng. Nàng cũng là đối tượng trêu ghẹo của vài thằng bạn quái ác hay khen đểu, nhưng nói thiệt, nàng điệu đàng đến mức đôi khi thành đẹp lạ, chưa kể cái giọng Bắc lai Đà Nẵng đôi khi nghe ngồ ngộ.

Một ngày nọ tôi thấy nàng long lanh mắt lệ ngồi trầm tư trong giờ nghỉ giải lao. Tôi tưởng mấy thằng bạn lại trêu ghẹo nàng thục nữ nên làm "anh hùng cứu mỹ nhân" tới an ủi hỏi thăm. Những tưởng là sẽ an ủi được nàng, ngờ đây nàng lại đưa tôi tới một phạm trù xa xôi mà thằng học sinh mới mười lăm tuổi như tôi không bao giờ để ý tới. Nàng nói:

- Cái thằng Gót-ba-chốp (Gorbachev) chết tiệt. Hắn làm sụp đổ một Liên Bang Xô Viết vĩ đại. Thấy tôi ngẩn tò te, cô nói tiếp:

- Hôm nay Liên Xô bị sụp đổ vì tên phản cách mạng Gót-ba-chốp. Nói tới đây cô lại nức nở.

Tôi len lén bỏ đi chỗ khác vì quá đỗi ngạc nhiên, và nghĩ đó là chuyện quá xa xôi sao lại đem vào mình chi cho mệt. Thú thật thời đó tôi không bao giờ đọc báo "Nhân Dân" hay coi chương trình thời sự nên đâu có nắm tình hình trong nước, huống hồ chi chuyện ruồi bu tận Liên Xô xa xôi mà chúng tôi chỉ biết qua nhân vật Pavel trong "Thép Đã Tôi Thế Đấy". Mà hình như Pavel là nhân vật người Ukraine đi theo cách mạng, đấu tranh giai cấp rất hồ hởi phấn khởi. Pavel cũng từng là hình tượng gương mẫu cho thanh niên miền Bắc của một thời mê muội. Nhưng giờ đây quê hương Ukraine của Pavel lại "phản bội" anh vì đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Thành ra chuyện hồi xưa tôi không đọc "Thép đã tôi thế đấy", ngoại trừ trích đoạn trong sách giáo khoa mà học sinh không có chọn lựa, hoá ra lại là điều may, nếu không tôi lại khóc thương cho nhân vật này bị chính đồng hương và thế hệ sau của đất nước Ukraine phản bội lý tưởng. Nhưng có lẽ cô nàng yếu đuối kia rồi sẽ khóc, vì có lẽ cha mẹ cô ở nhà cũng khóc, không biết là vì thương xót cho thời mê muội hay vẫn còn trung trinh với cái lý tưởng bị nhồi đó. Nước mắt của một nữ sinh xuất thân từ gia đình đỏ cũng có nhiều uẩn khúc.

Mười năm sau, tôi lại gặp những giọt nước mắt từ một nữ sinh khác. Cô đến từ Latvia, một quốc gia nhỏ thuộc Liên Xô cũ, đang du học trong lớp Cao Học Quản Trị của tôi ở Tây Âu.

Số là hôm đó chúng tôi học môn Hội Nhập Châu Âu (European Integration). Lớp học quốc tế này có khá nhiều sinh viên đến từ vùng biển Ban-tích (Baltic Sea), cụ thể là ba nước Latvia, Estonia và Lithuania. Đây cũng là ba nước đầu tiên tách khỏi liên bang Xô Viết, mở màng cho sự sụp đổ của khối cộng sản này năm 1991. Sau khi tách ra khỏi Nga Sô, ba nước này hội nhập rất nhanh vào Tây Âu và được các nước Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển tài trợ rất nhiều, một phần vì khoảng cách địa lý, vì thủ đô Riga của Latvia và Stockholm của Thuỵ Điển nằm ở hai bên bờ biển Ban-tích, và cũng vì ba nước này dứt khoát với cộng sản sớm nhất. Hôm đó cô bạn người Latvia thuyết trình về kinh tế Latvia, đến đoạn những khó khăn đến từ sự dính líu với Liên Bang Xô Viết, cô làm không gian như đặc quánh lại khi cô nhắc tới cái tên Stalin, người gắn liền với thảm sát trí thức, tiểu tư sản và tư bản Latvia thông qua chương trình đánh tư sản, đấu tranh giai cấp, và cải tạo lao động ở miền Siberia lạnh giá để họ chết lạnh trong đói khát. Đồng thời Stalin đưa bần cố nông về thành thị tiếp quản và lập nên chính quyền bù nhìn thân Xô Viết. Đến đây mắt cô long lên với vẻ phẫn nộ như đang đứng trước toà án tội ác chiến tranh ở La Hague mà tố cáo sự dã man diệt chủng của cộng sản Nga. Trong cái long lanh đó giọt lệ kia lại không chịu rơi, rồi kẹt lại trong tâm trí tôi đến tận bây giờ. Chiều hôm đó, tôi vào trang Yahoo để tìm lại bài thơ "Đời đời nhớ ông" mà dân Việt sau này cứ gọi là bài "Khóc Stalin", vì đây là đỉnh cao bưng bê của tổ sư văn nô Tố Hữu. Thơ có đoạn nói rằng:

"Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi!
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười."

Đọc xong bài thơ, tôi ước gì ông Tố Hữu có thể nhìn được ánh mắt cùng giọt lệ không chịu rơi của cô nữ sinh người Latvia kia khi nhắc tới tội phạm chiến tranh Stalin để coi ông có rơi nước mắt được không khi làm thơ khóc tên đồ tể này. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ, có thể ông Tố Hữu lúc đó đang đi đại tiện, và đang cầm tờ báo "Nhân Dân" đọc, vừa thấy trang nhất đăng cáo phó của Stalin liền phẹt ra bài thơ "Đời đời nhớ ông" này. Mà cũng dám lắm, cỡ như ông tổ sư văn nô này thì khi đi tiểu tiện, trung tiện hay đại diện đều có thể phẹt ra một bãi thơ ca ngợi lãnh tụ.

Nước mắt của hai nữ sinh này không chỉ làm xao lòng một nam sinh như tôi mà còn để lại một dấu hỏi lớn cho đến ngày hôm nay. Giọt nước mắt chưa rơi của cô nữ sinh tóc vàng trả lời cho giọt nước mắt của cô nữ sinh Việt. Hai màu da, hai thời điểm khác nhau, Một người vẫn còn ở xứ xã hội chủ nghĩa, và người kia đang cùng nhân dân của mình tìm cách xoá đi hoàn toàn cái chủ nghĩa đó.

Nhiều năm trôi qua, nhân một lần đi công vụ qua Sydney, tôi lục tìm lại trong đám bạn cũ để coi có ai đang ở xứ chuột túi này để có cơ hội gặp lại. Được một anh bạn học cũ cho biết qua email là cô nàng đỏng đảnh kia đang theo học Thạc Sĩ ngành truyền thông ở một thành phố khác, tôi sắp xếp lịch làm việc để tái ngộ "mười năm tình cũ" với nàng, và không quên mua cho nàng một món quà. Lúc đó trên mạng đang xôn xao chuyện chính phủ Việt Nam đang thương thảo mua bản quyền một cuốn sách tiểu sử của Hồ Chí Minh do sử gia người Mỹ William Duiker biên soạn có tên "Ho Chi Minh: A Life" với nhiều tài liệu được bạch hoá từ văn khố thư viện của Pháp và Trung Cộng, trong đó có phần đời tư của ông Hồ ở bên Pháp, bên Tàu và sau khi về Việt Nam mà trẻ em Việt dưới mái trường xã hội chủ nghĩa được dạy là cả đời ông Hồ làm việc hi sinh cho dân tộc nên không cưới vợ và vẫn còn trinh nguyên. Nghe nói sử gia người Mỹ này từ chối bán bản quyền vì chính phủ Hà Nội đưa ra điều kiện là họ sẽ không cho dịch phần đời tư của cha già dân tộc ở xứ thiên đường.

Tôi thấy tò mò nên vào trang Web của Amazon để mua làm quà. Tính là sẽ đọc trước để còn bình luận với nàng, nhưng nhìn cuốn sách dày hơn 700 trang nên tôi thấy ngán. Có lẽ vì ở xứ tự do, thông tin về ông Hồ cũng đã trên dưới vài chục ngàn trang, mà trang nào cũng không giống với sách giáo khoa lịch sử của "bên thắng cuộc".

Ngày gặp nàng, chúng tôi như được sống lại thời mộng mơ của hơn mười năm trước. Hai đứa tôi đón xe lửa lên phố Tàu của Sydney rồi đi bộ lang thang như hai đứa học trò hẹn hò lần đầu, dù biết là đường đời sẽ chia hai lối. Nàng qua Úc du học theo chương trình học bổng để nâng cao kỹ năng làm truyền thông, để rồi về lại Việt Nam làm việc ở đài truyền hình. Có thể nàng sẽ tiếp tục làm biên tập viên tin tức thời sự quốc tế và thông dịch tin tiếng Anh. Còn tôi thì đã định cư ở xứ tư bản đang giẫy chết.

Chúng tôi cứ đi mà không biết khi nào sẽ dừng. Đường đi phía trước quá mênh mông như cái tiền đồ của dân tộc. Nhiều lần tôi định nói về chuyện thời sự Việt Nam nhưng không mở miệng được. Qua xứ tự do về tư tưởng, tôi học được một điều. Có hai đề tài có thể biến bạn thân thành kẻ thù nếu có xung đột, đó là tôn giáo và chính trị. Và cái tôi định nói lại là một trong hai thứ này. Và ở Việt Nam, đôi khi chính trị cũng là tôn giáo, vì chủ nghĩa cộng sản cũng có bóng dáng của một thứ tôn giáo cực đoan. Thế là tôi không nói được gì. Trước khi chia tay, tôi tặng nàng cuốn sách mà tôi chưa hề đọc qua, dù nó luôn nằm trong cái ba-lô nhỏ mang theo bên mình.

Về lại Mỹ, tôi vẫn áy náy vì không biết khi đọc tới đoạn đời tư của ông Hồ, nàng có còn long lanh nước mắt như ngày ông Tổng Bí Thư cuối cùng của Liên Xô, Gorbachev, tuyên bố về chủ nghĩa cộng sản hay không. Nếu có thì tôi lại nợ nàng vài giọt nước mắt xót thương.

Trần Du Sinh

Ý kiến bạn đọc
20/01/201521:51:40
Khách
Cám ơn tác giả đã chia sẻ một bài viết thật hay! Hy vọng mai nầy tác giả sẽ quen dần với chữ nghĩa của thời 1975 và vế trước, để dùng vào việc thay thế cho những chữ của bọn việt cộng hiện đang dùng trong nước mốt cách sai nghĩa hoàn toàn, bởi chỉ vì muốn được lai căng với bọn tàu cộng, mà bọn csVN đã không ngần ngại, thay đổi chữ nghĩa một thời của cha ông chúng ta khổ công gấy dựng lên, bằng những từ ngữ cách nghe rất là lai căng và vô (sai) nghĩa!
20/01/201520:30:30
Khách
Wonderful stories of 2 girl friends. You have a deep thought and very well done analize about it.
Hopefully the Vietnamese girl friend will change her point of view about the ideal of Communist when she is living in the Capitalism country. I wish she will bring a new change and will contribute to the falling of the Vietnamese communism government soon.
20/01/201519:32:17
Khách
Bài viết hay và thẳng thắng. Xin cám ơn tác giả.
20/01/201517:27:00
Khách
Bài viết thật hấp dẫn. Tác giả có kiến thức sâu rộng. Cô gái khóc vì nước Nga bị sụp đổ dễ thương, đáng yêu làm sao. Mong tác giả sáng tác thêm nhiều bài văn nữa.
Mai Thi
Atlanta, Goergia
20/01/201514:55:35
Khách
Một trong những bài gõ hàm ý "tố kộng" khá thường xoàng xĩnh..., hệt như 1 đoạn hồi ký, chẳng mang một nét sâu sắc nhỏ nhoi gì !
20/01/201508:31:10
Khách
That tuyet voi va tham thuy. Tac gia song bao nhieu nam duoi che do cong san ma tu tuong van rat phong khoàng va van day tinh nguoi. Dung nhu tac gia nhan xet, phan lon dan VN la nan nhan cua che do, nen ho that dang thuong hon dang ghet. Mong doc them nhieu bai nua tu tac gia.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 834,181,333
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.