Hôm nay,  

Định Mệnh Đã An Bài

11/01/201500:00:00(Xem: 17457)
Tác giả: Bằng Phong Đặng Văn Âu
Bài số 4435-14-29835vb801115

Trước 1975, tác giả là một phi công chiến đấu. Tại Hoa Kỳ, nhiều bài viết của ông thường được phổ biến trên báo giấy, báo mạng trong sinh hoạt cộng đồng và các hội đoàn cựu quân nhân VNCH. Bài viết ông góp cho Viết Về Nước Mỹ kể về một tình yêu đầu đời ly tan và tái hợp đúng như lời một bà thầy bói đã tiên đoán.

* * *

Tôi ra đời vào năm Canh Thìn, cầm tinh con rồng, cho nên tôi mơ giấc mơ hải hồ, được bay cao bay xa như ông Saint Exurpéry (tác giả cuốn Vol de Nuit và cuốn Le Petit Prince). Sở dĩ tôi thỏa được giấc mộng của mình là vì nhờ Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến Việt Nam, họ cần đào tạo những phi công cho chiến trường. Nếu không, giấc mơ của tôi sẽ không thành hiện thực, vì tôi chẳng thể nào có tiền để được huấn luyện trở thành phi công. Sở phí đào tạo một người có thể lái máy bay tốn kém rất lớn.

Có hôm tôi hỏi Mẹ tôi, tại sao con tuổi Thìn mà trên giấy khai sinh của con lại ghi năm 1942? Mẹ tôi đáp: "Thời buổi chiến tranh, giấy tờ thất lạc, lại chạy tản cư liên miên, Mẹ phải làm tờ "thế vì khai sinh" và khai trụt tuổi cho con thì nhà trường mới nhận con vào học". À ra thế! Thảo nào số quân của tôi là 62/600356, lẽ ra phải bắt đầu số 60 để chỉ những lớp người sinh năm 1940. Căn cứ trên tờ "thế vì khai sinh", chánh quán của tôi là làng Nho Lâm, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trú quán là làng Phổ Tây, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Thầy (Bố) tôi là bác sĩ, được đổi đi công tác nhiều tỉnh khác nhau, nên tôi có thể bắt chước người giúp việc trong nhà để nói các giọng Bắc, Nam, Trung.

Năm 1945, Thầy tôi qua đời vì căn bệnh ruột dư (Appendicitis) được bác sĩ giáo sư Huard của trường Đại Học Y Khoa Hà Nội - một danh y thời bấy giờ - giải phẫu. Không may Thầy tôi bị nhiễm trùng mà không có thuốc trụ sinh vì cuộc chiến tranh giữa Đồng Minh và Quân đội Nhật hoàng xảy ra. Mẹ tôi lúc bấy giờ mới 38 tuổi, khá đẹp, mà nhất quyết ở vậy thờ chồng nuôi con, chứ không chịu bước thêm một bước nữa, mặc dầu có nhiều đàn ông xứng đáng đến ngỏ lời cầu hôn bà.

Tôi là đứa bé khá ngờ nghệch, được Mẹ cho đi học thì cắp sách đến trường; chứ không hề biết học để làm gì? Tôi chưa từng có ý niệm rằng học để trở nên người hữu dụng cho tương lai xứ sở. Do đó, cuối niên khóa được lên lớp là do sự may mắn, hơn là do sự cố gắng bản thân. Khi lên lớp Đệ Lục, tôi nghe Mẹ tôi nói một câu làm tôi tỉnh ngộ: "Gắng học đi con để sau này ấm vào thân. Nếu cứ lười biếng thì sau này chỉ có nước đứng đường thôi con ạ!" Đứng đường tức là làm người ăn mày lạy ông đi qua, lạy bà đi lại; chứ không phải là làm thầy đội Cảnh sát đứng đường điều khiển cho xe cộ lưu thông!

Từ đó, tôi tỉnh ngộ và bắt đầu thời điểm đó, tôi chăm chỉ học, nên cuối niên học nào tôi cũng đều được lĩnh phần thưởng về các môn Toán, Lý Hóa, Anh, Pháp văn, Việt văn. À, cũng xin nói thêm, trước kia, làm cho xong một bài luận quốc văn là một cực hình đối với tôi. Nhưng nhờ học thêm Pháp văn với thầy Trần văn Thông, gần nhà thờ Phủ Cam - Huế, được thầy dạy pháp cú "analyse logique, analyse grammaticale" khiến cho tôi viết câu văn tiếng Việt sáng sủa hơn với đầy đủ chủ từ, động từ và túc từ. Ông bà mình nói không sai: "Không thầy, đố mày làm nên!". Mỗi khi viết một bài văn nào, tôi đều nhớ ơn thầy Trần văn Thông.

Nhân đây, tôi cũng xin nhắc lại một việc: Mẹ tôi là người thầy dạy vỡ lòng cho tôi về chữ Hán và chữ Pháp. Câu Hán văn và Pháp văn mà Mẹ tôi muốn xây dựng con người tôi như sau: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (Giàu không tham, nghèo không hèn, mạnh không sợ) và "Gravez les bienfaits sur le marble; les malfaits sur le sable" (Khắc ghi những nghĩa cử trên đá cẩm thạch; những điều bội bạc trên cát). Suốt đời tôi cố gắng thể hiện cung cách ứng xử trong cuộc sống như lời Mẹ dạy.

Kết quả thi Trung học Phổ thông, Tú tài I hay Tú Tài II, tôi đều đậu bình, một phần do may mắn! Nghiệm ra, tôi không đến nỗi đần, mà chỉ phải tội chậm trí khôn. Vào trường đời, tôi cũng thuộc loại chậm trí khôn, vì không biết cách làm đẹp lòng thượng cấp, mặc dầu chưa bao giờ kiếm cớ thoái thác một phi vụ nào do căn bệnh... lạnh cẳng.

Nhớ có lần tôi đã phạm vào một điều dại dột trong cuộc họp hành quân. Đó là lúc tôi đứng lên phản đối cấp trên lấy tên chiến dịch Cầu Không Vận là "Kỳ Duyên Mai" (phương danh của đương kim Tư Lệnh, con và vợ). Theo tôi, đáng lý ra phải lấy tên của một vị anh hùng trong lịch sử dân tộc đặt tên cho chiến dịch thì mới đúng! Do "sự cố" ấy, tôi được bạn hữu trong đơn vị đặt cho cái hỗn danh "Đặng văn Ẩu" vì dám công khai "chống" lại thượng cấp. Thật tình, tôi chưa hề làm "ẩu" điều gì để phạm vào quân phong quân kỷ! Tôi lên tiếng vì lợi ích chung. Chẳng qua, nghĩ mình cứ hành xử như lời Mẹ dạy mà thôi.

Tôi có một người Mẹ tuyệt vời, hết lòng thương con, nhưng tôi đã phạm vào ba trọng tội mà tôi nghĩ rằng mình là đứa con bất hiếu. Lòng tôi cứ dằn vặt, ăn năn, hối hận, ray rứt khôn nguôi. Đó là:

Thứ nhất, Mẹ tôi muốn tôi theo học ngành y khoa để nối nghiệp thân phụ tôi. Theo bà, nghề bác sĩ giúp con bà cứu nhân độ thế để hưởng phước. Tôi đã gia nhập vào Không Quân, trái với ước nguyện của Mẹ hiền.

Thứ hai, Mẹ tôi đã thể theo lời xin của tôi để dạm hỏi cô nữ sinh học trò của tôi cho tôi, nhưng cuối cùng tôi đã phản bội nàng để kết hôn với người khác. Tôi đã làm cho Mẹ tôi trở thành kẻ bội ước với thông gia.

Thứ ba, cuối tháng Tư năm 1975, tôi đã không ép Mẹ tôi bằng cách "cưỡng bức" bà lên xe để thoát ra khỏi nước, chỉ vì bà nói bà không muốn bỏ nắm xương nơi quê người. Mẹ tôi đã qua đời trong đói lạnh, cô đơn ở quê nhà. Tôi đã khóc òa như một đứa bé khi hay tin Mẹ mình khuất núi.

Hơn 37 năm sống ở quê người, tôi ao ước có dịp về nước, đến trước mộ phần của Mẹ để nói lời tạ tội. Nhưng bởi lo ngại an ninh bản thân, tôi cứ chần chừ vì đã viết nhiều bài đăng trên mạng lên án gắt gao chống lại chính sách cai trị tàn ác của chế độ hiện hành. Tháng 8 năm 2011, có lẽ cuộc nhân duyên giữa vợ chồng chúng tôi đã dứt, tôi liều mình về quê nhà để thể hiện sự sám hối của mình trước vong linh Mẹ.

Khi về đến phi trường Nội Bài, Hà Nội, tôi "được" hai cán bộ an ninh văn hóa "trao đổi" hơn 90 phút và ba ngày sau tại khách sạn cũng "được" nhân viên an ninh chiếu cố hơn 4 giờ đồng hồ. Tôi sẽ tường trình nội vụ này vào một dịp khác. Từ Hà Nội, tôi gọi điện thoại cho một người bạn học từ thời tiểu học báo tin tôi đang ở Hà Nội. Bạn tôi ban đầu không tin, vì nghĩ rằng tôi không dám về.

Đúng thế! Từ lâu tôi không về nước vì vợ tôi ngăn cản. Nàng sợ nhỡ tôi bị bắt giam thì nàng sẽ phải tốn tiền để chuộc tôi ra. Nay, duyên nợ giữa nhau đã dứt. Nàng không còn trách nhiệm gì với bản thân tôi, nếu tôi về để bày tỏ sự hối hận với vong linh Mẹ mà bị bắt giữ thì tôi cũng cam lòng.

Bạn tôi biết đích xác tôi đang ở Hà Nội, sau khi nhìn vào "caller ID" hiện ra trên điện thoại của anh. Bạn tôi nói (xin lặp lại nguyên văn ngôn ngữ địa phương Huế): "Mi có về Huế thăm mộ O (tức Mẹ tôi) thì nhớ gọi cho hắn nghe!". Chữ "hắn" trong câu nói của bạn tôi là vị hôn thê mà tôi đã bội tình thưở trước. Anh bạn cho tôi số điện thoại của nàng. Có số điện thoại được bạn cho, tôi vẫn không dám gọi nàng, vì tự hỏi: "Gọi để nói gì bây giờ? Nhỡ khi nghe mình xưng tên, nàng sẽ thốt lên những lời xỉ mắng vì sự bội bạc của mình hoặc nàng cúp máy không thèm nói chuyện thì bẽ bàng vô cùng".

Hai ngày sau, bạn tôi gọi và hỏi: "Mi đã gọi cho hắn chưa?". Tôi đáp: "Chưa!" Bạn tôi có vẻ nôn nả: "Tại răng mi không gọi cho hắn?". Tôi nói về lý do sự ngại ngùng do dự của tôi, bạn tôi cười: "Mi còn nhớ đến chuyện hai đứa bây đi xem bà thầy bói Bụi không?". Tôi đáp: "Chừ mi nhắc thì tau mới nhớ, nhưng có liên quan gì trong việc tau gọi điện thoại cho hắn?". Bạn tôi trả lời một cách quả quyết: "Hắn còn yêu mi và chờ mi về đó. Tính đến nay đã là 38 năm kể từ ngày hắn ly dị chồng hắn. Tau đã giới thiệu mấy thằng bạn giáo sư đồng nghiệp của tau cho hắn mà hắn không bằng lòng đứa nào hết. Hắn nhất quyết đợi ngày mi trở về đó. Mi hãy mau mau mà gọi cho hắn đi". Nói xong một hơi dài, bạn tôi cúp máy điện thoại.

Hồi tưởng lại chuyện quá khứ. Năm 1963, chúng tôi sửa soạn làm đám cưới. Hôn thê của tôi kéo tôi đi xem bói bà thầy bói Bụi, vì bà nổi tiếng bói rất đúng. Chiều lòng người yêu, tôi cũng đi, nhưng tôi chẳng bao giờ tin nhảm. Sau khi hỏi tuổi tác chúng tôi, bà thầy gieo quẻ, rồi đoán: "Cuộc hôn nhân của hai anh chị sẽ không thành!". Nghe bà thầy nói thế, gương mặt người yêu tôi tái đi, còn tôi tỏ ra giận dữ: "Bà thầy nói bậy, chúng tôi yêu nhau, cha mẹ hai bên đều đồng ý. Lý do nào mà bà nói không thành? Tôi đập mu rùa của bà bây giờ!". Bà thầy bình thản trả lời: "Chừng nào cuộc hôn nhân của hai anh chị thành thì anh trở lại đây đập mu rùa của tôi cũng chưa muộn!". Trước sự quả quyết của bà thầy bói, vị hôn thê của tôi khóc nức nở. Tôi xoa lưng nàng và trấn an: "Bói toán nhảm nhí, em tin làm gì?". Có lẽ cảm động vì những giọt nước mắt của người yêu tôi, bà thầy nói: "Tình duyên của hai anh chị phải trải qua một đoạn đường dài chia ly rồi mới thành tựu. Anh này có đi cùng vành non nước đi nữa thì sau tứ tuần hoa giáp, anh cũng sẽ trở về với chị thôi!". Đang bực tức vì lời tiên đoán của bà thầy làm người yêu tôi khóc, tôi hỏi: "Tôi không rành chữ Nho. Bà nói tứ tuần hoa giáp là nghĩa lý gì?". Bà thầy lại bình thản giải thích: "Hoa giáp là 12 năm, tứ tuần hoa giáp là 48 năm. Tôi quả quyết rằng 48 năm sau anh sẽ về tác hợp tình duyên với cô này".

Tôi vẫn cho rằng bà thầy bói nói nhảm. Nhất định không tin. Chẳng ngờ cuộc hôn nhân giữa hai chúng tôi bất thành. Vì tuổi trẻ thiếu bản lĩnh, tôi đã phạm vào một trọng tội mà thâm tâm tôi không bao giờ dụng ý phản bội ý trung nhân của tôi. Khi tôi thú nhận với vị hôn thê của tôi rằng tôi trót rơi vào một tình trạng khó xử, nàng nói trong nước mắt: "Số trời đã định vậy, em chấp nhận hy sinh". Tôi quá hổ thẹn trước tấm lòng quảng đại, vị tha của người yêu. Tôi quá xót xa cho nàng, nhưng chẳng biết làm sao hơn.

Tuân theo lời khuyên của bạn, tôi bấm số điện thoại gọi cho nàng và hy vọng không bị nàng buông những lời nói phũ phàng hay gác máy không thèm tiếp. Khi tôi nói tôi là ai qua máy điện thoại thì đầu dây phía bên kia có tiếng cười thật tươi reo lên: "Anh đó à? Anh về rồi đó à? Em đây! Đúng 48 năm rồi đó anh hí!".

Năm 1963 tôi chia tay nàng. Năm 2011 tôi lần đầu tiên gọi điện thoại cho nàng từ Hà Nội đúng 48 năm sau. Không còn do dự gì nữa, khi về Huế lạy tạ lỗi vong linh Mẹ, tôi sẽ tìm gặp người yêu xưa. Nếu định mệnh dun dủi, tôi có cơ duyên sẽ tiếp nối cuộc sống còn lại với người vợ (sắp cưới) đầu đời thì cũng là ý trời. Tôi nghĩ thế! Bốn mươi tám năm trước tôi thú tội với người yêu, nàng không một lời trách móc, giận hờn. Bốn mươi tám năm sau gọi điện thoại thăm người yêu xưa, nàng đã không buông lời giận hờn trách móc mà còn reo lên một cách sung sướng giống như người thiếu phụ chờ chồng sau cuộc vạn lý trường chinh.

Gặp người yêu xưa, tôi đã quỳ xuống xin lỗi nàng và xin nàng rộng lòng tha thứ. Nàng vội cầm lấy hai tay tôi và nâng tôi đứng dậy, rồi ôm tôi một cách âu yếm nồng nàn. Xưa nay, tôi chưa bao giờ được nàng ôm chặt đến như thế. Trong giờ phút ấy, trước mắt tôi, nàng là hiện thân của Phật Bà Quan Âm hay Đức Bà Maria. Vì chỉ có con người bao dung thánh thiện mới tha thứ cho tôi một cách dễ dàng như thế!

Tôi kể cho nàng nghe chuyện tôi và vợ tôi đang trong tiến trình ly dị. Người yêu tôi nhẹ nhàng khuyên: "Anh hãy cố gắng về hòa giải với chị. Cả hai đã ở tuổi ngoài 70, chẳng còn sống được bao lăm! Em thui thủi một mình gần 40 năm nên quen rồi! Chỉ khi nào sự cố gắng hòa giải của anh bất thành, anh bị ruồng rẫy, hất hủi, gục ngã thì em sẽ vực anh đứng dậy! Chưa lúc nào em giận anh vì em tin cái số em như thế! Chưa lúc nào em thôi yêu anh!"

Sau cuộc chia tay giữa hai chúng tôi, nàng ngày ngày đi dạy học, nuôi Mẹ già và đứa em bị bệnh tâm thần. Nàng quyết sẽ không kết hôn với bất cứ ai. Nhưng cuối cùng nàng phải vâng lời yêu cầu của Mẹ vì nàng là người con chí hiếu. Nàng đành kết hôn với một người mà nàng không hề yêu. Tiếc thay! Người đàn ông ấy mắc chứng bệnh ghen tuông một cách kỳ lạ. Anh ta nhiều lần bạo hành với vợ một cách tàn nhẫn vì nghĩ rằng nàng còn ngoại tình trong tư tưởng, nghĩa là còn yêu tôi. Riêng tôi, tôi không hề liên lạc với nàng bằng dưới mọi hình thức nào để nàng yên thân bên chồng, bên con.

Không thể chịu đựng nổi người chồng vũ phu, nàng về sống với Mẹ và ly hôn chồng. Tin tưởng vào lời tiên đoán của bà thầy bói, nàng cương quyết chờ tôi. Chưa lúc nào tôi tin vào thuyết định mạng hay duyên nghiệp như thế, sau khi gặp gỡ nàng. Giả sử chồng nàng biết cách xử sự như một người có văn hóa đối với vợ thì dù không yêu chồng, nàng cũng không ly hôn vì cổ tục hoặc lễ giáo Huế không bao giờ chấp nhận người đàn bà ly dị chồng. Giả sử vợ chồng tôi có chuyện bất hòa dù nặng nề đến đâu, tôi cũng không thể bỏ vợ. Chẳng qua bị vợ xua đuổi, sỉ nhục mà tôi không thể chấp nhận là do số trời đã định đoạt để cho tôi trở về quê nhà và được biết người yêu xưa vẫn chờ mình. Bốn mươi tám năm sau tôi trở về quê để bái lạy hương hồn Mẹ tha thứ, tôi lại được người yêu xưa tha thứ. Biết đâu Ơn Trên đã dẫn đưa hai anh em chúng tôi về lại với nhau như bà thầy bói năm xưa đã dự đoán? Tôi rất ao ước được sống phần đời còn lại bên người yêu xưa. Chúng tôi không phải là hai kẻ bỏ vợ bỏ chồng để lấy nhau ở tuổi xế chiều. Chúng tôi trở về với nhau do sự an bài của định mệnh hay duyên nghiệp, tùy theo tín ngưỡng của mỗi người.

Tôi không ghi xuống đây chức vụ của mình từng đảm nhiệm trong quân ngũ, vì tôi nhớ đến Đặng Trần Thường, kẻ phò Nguyễn Ánh đắc thắng, đã hành xử thiếu quân tử đối với kẻ ngã ngựa vì mối thù trước kia. Thường ra câu đối buộc kẻ bại trận phải đáp:

"Ai công hầu, ai khanh tướng. Trong trần ai, ai dễ biết ai?". Ngô Thời Nhậm, kẻ phò vua Quang Trung trả lời:

"Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu. Gặp thời thế, thế thời phải thế!"

Đặng Trần Thường có cái vẻ vênh váo của kẻ chiến thắng với cái chức vị công hầu khanh tướng của mình. Trái lại, Ngô Thời Nhậm không tỏ ra hèn vì thua trận. mà phải khúm núm xin tha tội. Chẳng qua cái thời cái thế xoay vần xui nên đấy thôi!

Cái thời, cái thế, cái định mệnh, cái duyên nghiệp đã khiến cho chúng tôi đánh mất nhau. Rồi cũng chính cái thời, cái thế, cái định mệnh, cái duyên nghiệp đưa chúng tôi về lại với nhau. Tôi quỳ xuống xin lỗi người yêu xưa của tôi không phải tại vì tôi hèn, mà tại vì tôi sám hối và tôi ngưỡng mộ tấm lòng bao dung, cao cả, vị tha của nàng đã tha thứ cho tôi.

Nghĩ cho cùng, công hầu hay khanh tướng như Đặng Trần Thường tỏ ra kiêu hãnh, đối với tôi cũng chỉ là trò bãi biển nương dâu, chỉ là phù vân gió cuốn mây trôi. Tôi cho rằng cách ứng xử độ lượng giữa người với người với nhau mới là vĩ đại. Tôi rời Houston, Texas để về định cư tại Quận Cam của California. Bạn bè, bà con giúp đỡ tôi rất nhiều nên chỉ trong một thời gian rất ngắn tôi đã thu xếp cuộc sống tạm gọi là ổn định với đầy đủ tiện nghi. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi đến tất cả bà con, bạn bè. Xin xác nhận rằng câu nói "Ở hiền gặp lành" của tiền nhân rất chính xác. Tôi đã được bà con, bạn bè giúp đỡ tận tình. Mỗi ngày tôi đều đọc Kinh Chú Đại Bi và đọc sách Phật để thấm nhuần lẽ vô thường của Tạo Hóa. Bài kinh sám hối đọc từ thưở còn là đồng niên Phật tử Gia đình Chơn Tuệ tôi vẫn nhớ:

"Đệ tử kính lạy Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, thập phương chư Phật cùng Thánh, Hiền, Tăng. Đệ tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp chướng nặng nề, tham giận, kiêu căng, si mê, lầm lạc. Ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm, thành tâm sám hối. Thề tránh điều dữ, nguyện làm việc lành... Ngửa trông ơn Phật, từ bi gia hộ, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, ngày ngày an vui tu tập, phép Phật nhiệm mầu để mau ra khỏi luân hồi..."

Thiết nghĩ, chỉ có tình yêu thương gồm có lòng bao dung, sự quảng đại, tính vị tha, tình lân tuất thương yêu kẻ nghèo khó, hoạn nạn là trên hết mọi sự trên đời, vì nó giúp ta quên được cái "NGÃ" vị kỷ thì tự khắc mình sẽ cảm thấy hạnh phúc trong đời.

Thưa tất cả bằng hữu,

Tôi đang hành trì đạo Từ Bi của Đức Phật. Xin các bạn cầu nguyện cho tôi có ý chí bền bỉ. Xin cảm ơn tất cả. Xin cầu nguyện gia quyến của mọi người đều được an vui, hạnh phúc.

Bằng Phong Đặng văn Âu

Kỳ tới: “Nêu Có Kiếp Sau”, được viết bởi người mà tác giả Bằng Phong Đặng Văn Âu gọi là “người yêu đầu đời và cũng là người vợ hiện thời của tôi.”

Ý kiến bạn đọc
11/07/201808:14:41
Khách
Anh Bằng Phong ới Anh kể lại một chuyện tình của anh rất hay đó. Nhưng sao anh không nói rõ vì sao chuyện tình đầu của anh tan vỡ. Bà cụ thân sinh anh đã đồng ý kia mà. Thêm nữa anh cũng đã yêu cô học trò của anh mà. Hy vọng mong anh giải thích. Cảm ơn anh và chúc an bình.
04/08/201604:27:11
Khách
Nếu là câu chuyện có thật thì hơi buồn ,nếu là hư cấu cũng khá hay
chỉ tội có vài hàng ý kiến về tác giả coi bộ không mấy gì lịch sự cho lắm
29/10/201502:08:21
Khách
Anh Năm nói vậy là tôi cũng đoán được anh là loại hảo chân dài món đỏ, chứ chưa hề biết tình yêu chân thật là gì. Tuổi tác không hề là yếu tố trong hôn nhân. Tôi rất thác phục anh Âu và câu chuyện người yêu "Tứ tuần hoa giáp" nầy thật là tuyệt vời. Kính chúc anh chị được hạnh phúc đến đầu bạc răng long.
Nhy Trần-Royal Garden #14
07/04/201503:08:02
Khách
Ông F.Nguyễn , Xin lôĩ ông truớc , sao ông chậm hiểu quá vâỵ ?
Không lẽ ông không hiểu câu " trót rơi vào một tình trạng khó xử " là gì à ?
30/01/201502:37:50
Khách
Thời buổi này có điên mới về VN cưới một em cỡ 48 trở lên, huống gì quay lại sau 48 năm!
12/01/201521:38:12
Khách
Như chuyện thần tiên trọn ước nguyền
Tứ tuần hoa giáp lại đoàn viên
Nửa vòng trái đất tròn duyên nợ
Mừng bác Bằng Phong gặp vợ hiền.
12/01/201517:49:55
Khách
Bác à, nếu không có gì phiền, xin bác làm ơn nói rỏ hơn vì lý do gì mà bác không tiến tới hôn nhân với người yêu đầu tiên của bác vậy?
Cám ơn bác đã viết lên một chuyện tình rất hay.
Chúc bác sống lâu hạnh phúc.
Kính
12/01/201503:14:37
Khách
Bài này quá hay !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,205,136
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến