Hôm nay,  

Người Bạn Lớn

03/01/201500:00:00(Xem: 11479)
Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
Bài số 4429-14-29829vb7010315

Chuyện kể về người bạn cựu chiến Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Tác giả là cư dân San Dimas, California. Trước tháng Tư 1975, tại Sài Gòn, cô từng cộng tác với tần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Với bài "Chuyện Cổ Tích Không Phải Cho Bé Thơ", tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt, Viết Về Nước Mỹ 2013.

* * *

blank
Lần chia tay nào David cũng nói:

- Có thể đây là lần cuối cùng chúng ta ngồi bên nhau... Cheers up!

Ông làm một động tác cụng ly dù trên tay ông chẳng có cái ly nào!

Mỗi năm David một yếu đi, Ông gầy gò với râu tóc bạc phơ như ông già Noel hiền lành, đôn hậu. Tôi nói:

- Không đâu David, khi ông không thể đến cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ đến với ông. Chúng ta là chiến hữu mà! Tôi hứa.

David là một cựu chiến binh thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, ông rất tự hào với đoạn đời ông đã trãi qua... Mỗi năm, như thường lệ, David đi từ Minnesota đến California để cùng chúng tôi đón một mùa lễ hội từ Thanksgiving- Giáng Sinh cho đến Năm Mới.

Ông trang hoàng nhà cửa, sân vườn như một designer chuyên nghiệp vì biết rằng chúng tôi rất bận rộn vào những ngày lễ cuối năm... Chỉ cần con gái tôi reo lên: So nice! Bravo tonton... là đủ để ông rơi nước mắt... Từ chiến trường trở về, ông bị hội chứng cô độc và chán ghét con người...Đó là nguyên nhân để ông không có một gia đình riêng đầm ấm.

Khi tôi 10 tuổi, NhaTrang còn là một thị xã bé nhỏ, xinh đẹp, hiền hòa và yên bình nhất nước... Chiến tranh chỉ lãng vãng qua thị xã thơ mộng này gói gọn trong những quán Bar mọc lên ven bờ biển ngập tràn những người lính viễn chinh đủ các màu da.

Ngôi nhà tôi ở trên con đường chạy thẳng ra biển, nơi chúng tôi vẫn lang thang nhặt vỏ sò vỏ ốc trong những buổi trưa trốn ngủ... đột nhiên bị rào lại cuối đường và xây dựng một căn cứ không quân và những pháo đài che mất tầm nhìn bao la tới biển...Hai hàng dương liễu chạy dài ven đường bị đốn đi, những ổ chim sẻ, chim dòng dọc rơi tan tác... và con đường cát ấy được trải nhựa thẳng tắp, những đám cỏ Chong Chong, hoa Mắc Cở lần lượt rụi tàn để những ngôi nhà lầu cho thuê mọc lên đầy khu vực đó !

Chỉ có ngôi biệt thự của nhà tôi là không hề biến dạng, nằm im lắng giữa khoảng sân vườn hơn 2000 mét vuông, với hai hàng Trúc Đào trồng ven lối đi, rực hồng xinh đẹp. Cạnh nhà tôi, căn lầu mà một nhà thơ nổi tiếng thời ấy đã mê say đắm đuối một cô Tiếp Viên Hàng Không xinh đẹp não nùng đã viết những câu thơ mà con nhóc con 10 tuổi như tôi khi được đọc cũng biết bâng khuâng:

"Em đến cùng ta trăng hồ thủy
Sớm mai lầu hẹn cũng nghiêng buồn
Long lanh bóng xế tà dương cũ
Mộng vỡ mà sao chưa bay hương..." (PKV)

Căn lầu ấy đã vắng đi cô chủ đài các tuyệt sắc giai nhân, nàng thơ thuở ấy mà thay thế bằng mấy ông lính thủy Mỹ đẹp như tài tử ci né.

Những buổi chiều, tôi thường đánh vũ cầu với Thư trên sân, lúc ấy chúng tôi chỉ là 2 nhóc con tí xíu.

Từ trên sân thượng, mấy chú lính nhìn xuống, vỗ tay và bravo ỏm tỏi khi tôi hoặc Thư có một pha cầu tuyệt vời, một cú direct dẫn trước 11 điểm... hay ngặt nghẽo cười những lúc tôi thua và KiKi bênh vực tôi, cắn áo Thư kéo rị lại không cho Thư đánh tiếp. Ki Ki rất dễ thương nhưng không fair play chút nào... Nó che chở và bênh vực tôi bất kể đúng sai !

Ki Ki là đứa bạn chó yêu quý nhất suốt tuổi thơ tôi, nó lớn lên cùng tôi, ngủ chung phòng và ăn cùng giờ giấc...Thuở nhỏ, tôi làm biếng ăn, ngậm miếng cơm trong miệng nhơi nhơi hoài không chịu nuốt. bà vú dỗ bằng cách đưa Ki Ki ra làm gương cho tôi thấy...cái miệng Ki Ki không nhai mà nuốt rất nhanh để tôi bắt chước... Những khi tôi ra sân, Ki Ki ngồi ve vẩy tai trên thềm cao và khi tôi nhảy lên, la hét vui mừng vì dẫn điểm trước thì nó cũng nhảy theo, cũng hò reo vui mừng bằng tiếng chó chỉ mình tôi hiểu...

Cả ngày hôm đó, Ki Ki cáu giận chuyện gì không biết, nó bỏ ăn buồn bã nằm ở góc phòng, nó cũng không thèm liếm mặt tôi khi tôi úp mặt vào cổ nó dỗ dành... Nó rên ư ử như một đứa bé bị đòn oan ức...Buổi chiều, khi thấy tôi xách vợt ra sân, nó mới lững thững uể oải đi theo, hững hờ ngồi trên bậc thềm cao nhất, lơ đãng khép mắt không thèm để ý đến những rộn ràng trên sân.

Khi cú direct của David chấm dứt trận cầu, David cầm chiếc vợt gõ nhè nhẹ phần lưới cước trên đầu tôi chưa kịp nói lời từ giả thông thường: See you tomorrow, baby... thì Ki Ki nhanh như một tia chớp, phóng từ trên cao xuống, cắn vào cánh tay đang cầm vợt của David...Tôi chỉ kịp hét lên, ôm choàng lấy Ki Ki: Đừng, Ki ơi, đừng như vậy! rồi ngất xỉu.

Mẹ kể: Xe Quân Cảnh đến, xe cấp cứu đến...phải bắn vào Ki Ki mấy mũi thuốc mê mới trói được Ki Ki đưa lên xe vì nó cứ quanh quẩn bên tôi mà thét gào làm ai cũng sợ !

Trên giường cấp cứu, mấy chú quân cảnh Việt Mỹ phối hợp hỏi tôi:

- Ki Ki bỏ ăn 2 ngày ?

Tôi gật:

- Dạ

- Ki Ki có tâm trạng buồn bã mấy hôm ?

Tôi gật:

- Dạ

- Ki Ki có triệu chứng sợ ánh sáng và nước ?

Tôi lắc:

- Dạ không.Em với Ki Ki mới đi tắm biển sáng qua. Mấy chú đem Ki Ki của em đi đâu vậy ?

- Chỉ để kiểm tra xem Ki Ki có bị dại không đó mà. Nhưng ba em đã đưa giấy chích ngừa của KI Ki rồi! Em yên tâm đi.


- Họ sẽ giữ Ki Ki của em bao lâu ?

- Độ 1 tuần thôi

- Còn chú David ?

- Dữ không, bây giờ cô chủ nhỏ mới hỏi tới nạn nhân. thật sự David không sao cả, ông ấy đạn bắn cũng chỉ sợt qua da, con Ác Thú của em mà ăn thua gì! Ông ấy đang chờ vào thăm em đó.

David vuốt má tôi:

- How are you, Baby ?

Tôi nhìn vết băng trên tay David, gây gỗ:

- Chỉ có một vết trầy nhỏ xíu mà mọi người nỡ bắt Ki Ki !

- Tại tôi gồng nên Ki Ki cắn trượt chứ người khác thì tiêu cánh tay với con Ác Thú của em rồi !

Tôi giận David từ đó, nhất định không ra sân chơi vũ cầu dù mỗi chiều vẫn ôm cổ Ki Ki ngồi trên bậc thềm cao nhất, ngắm nắng rơi dần về cuối chân trời.

Tôi và Thư đã có một thú vui mới từ khi hai đứa được ba mua cho một chiếc xe đạp nhỏ, hai đứa long nhong đạp xe từ nhà ra biển, ghé đường Nguyễn Hoàng mua bắp nướng, những trái bắp mềm ngọt thơm tho của ấu thời thơ dại còn nhớ đến suốt đời... ( Để sau này, tôi yêu một người không đáng để yêu, chỉ vì mỗi đêm bạn ấy lặn lội gió mưa mang đến cho tôi những trái bắp còn nóng hỗi, thơm mùi mỡ hành ngào ngạt...)

Sau chiến tranh, David trở về chiến trường xưa, ngơ ngác tìm lại ngôi biệt thự xinh xắn ngày nào nằm yên tĩnh giữa một vườn Trúc Đào bốn mùa nở hoa hồng thắm... Nhưng hồi ức đã phản bội David, Ông không bao giờ còn nhận ra chốn cũ, khu vườn yên tĩnh với 2 cô bé con thấp thoáng chiều nào cũng tranh tài cao thấp... Không bao giờ còn thấy con Ác Thú gãy 2 cái răng cửa vì bênh vực cô chủ đã cắn ông ngày ấy !Ông chỉ còn thấy ngôi biệt thự khuất lấp, lọt thỏm giữa bao nhiêu nhà cửa lô nhô, chỉ còn một dấu ấn nhạt nhòa là một cây phượng đỏ, và dưới bóng mát của nó là những dãy bàn quán nhậu !!!

Một vài thông tin mơ hồ cho biết gia đình này đã đi xa rồi...

Một vài lần David cố trở về để tìm lại những ký ức buồn vui, Tuổi trẻ của David cũng đã trôi qua nhiều năm ở đây, cái thời bồng bột và cô đơn xa vắng nhất, David đã tìm thấy ở 2 cô hàng xóm bé nhỏ hình ảnh cô em gái yêu quý ở quê nhà.

Một vài lần David bâng khuâng tự hỏi: chiến tranh và cả hoà bình nữa đã xô đẩy những người thân quen cũ của David về đâu? Câu hỏi của David đã được trả lời: Họ đã về đây sau bao nhiêu ác mộng...miền Nam California ngập tràn nắng ấm như Nha Trang ngày ấy !

Như một thói quen cuối tuần, David dò tìm bất cứ một đài TV Việt Nam nào có thể để lim dim nghe những âm điệu quen thuộc ríu rít ngày xưa... Để đến một ngày David nhìn thấy trên màn hình một cô MC Việt Nam bé nhỏ đang tường thuật lại Lễ Hội Diều trên bãi biển SEAL BEACH, CA... Cô nhỏ này giống đến 90% cô nhỏ có con Ác Thú năm xưa! Bàng hoàng, David không tin vào mắt mình, nhưng ông đã dần dà tìm ra manh mối.

Vẫn khu vườn xanh mượt cỏ nhưng bé nhỏ và không đẹp bằng khu vườn thuở xưa, vẫn thấp thoáng những hàng Tử Vi Hồng thay thế hàng Trúc Đào ngày ấy, vẫn những tiếng cười trong veo rộn rã, vẫn một quả cầu lượn qua lượn lại mỗi chiều... David lại được đắm chìm vào hồi ức cũ với những tình cảm ấm áp mà cô nhỏ ngày xưa và cả gia đình cô giành cho người cựu chiến binh cô độc...

Đôi khi ông quên rằng đây là Cali, cách xa NhaTrang đến nửa vòng quả đất, đôi khi ông quên rằng cả nửa đời người đã qua, như một chớp mắt... Đôi khi ông quên ông chỉ là một cố nhân...nhưng cô nhỏ ấy đã ôm ông khi thấy ông tuyệt vọng: David, chúng tôi là gia đình của ông mà...Đôi khi, ông quên, đã buột miệng gọi cô: Baby... để thoáng thấy cô cười thật tươi mà nước mắt rưng rưng !!!

Mỗi năm, David lại về thăm chúng tôi...Và đôi khi, trong lưng chừng câu chuyện, tôi lại đau buồn thấy chiến tranh đã cướp đi tinh thần và sức khỏe của David quá nhiều... Còn mãi đó những hồi ức âm thầm buồn bã, Dáng David cao lớn khỏe manh đẹp như tài tử ci né... Dáng Ki Ki mềm mại uyển chuyển luôn cận kề bên cạnh, sẵn sàng che chở và bênh vực tôi bất kể tôi đúng hay sai... Và David cũng vậy, David luôn muốn bênh vực và tự hào vì cô bạn bé nhỏ ngày nào xa xưa... David đã vỗ tay to hơn cả những người ruột thịt của cô, khi cô dõng dạc tuyên bố lúc nhận giải Công Dân Danh Dự của thành phố núi xinh đẹp mà cô đến định cư.

"Tôi chưa phải là một công dân gương mẫu lắm của thành phố, nhưng tôi luôn tự hào về những việc mình đã làm đều tốt nhất so với các điều kiện và khả năng tôi đã có đối với tổ quốc này. Vậy thì nước Mỹ còn đòi hỏi gì hơn ở tôi và những người di dân khác ?"

Tôi thấy David rất muốn quẹt ngón tay lên má tôi để lau hai hàng nước mắt đang lăn xuống, nhưng có người đã làm việc đó nên David chỉ lấy tay để chặn những giọt nước mắt đang định rơi trên mắt ông.

Tôi lại tự hỏi: Tôi đâu có làm được gì để mọi người yêu thương tôi đến vậy!

Và tôi cũng tự trả lời: Tôi suốt đời chỉ muốn được nắm chặt những bàn tay lạnh lẽo, yếu đuối, cô độc...

Và David, chiến tranh của chúng tôi đã đem đến cho ông nhiều bất hạnh, những huân chương, huy chương của ông xếp đầy trên bàn viết của tôi: khi tôi chết, cô hãy giữ làm kỷ niệm...

Tôi không nói được lời nào trước niềm cô đơn khủng khiếp đó ngoài một nỗi buồn ray rứt không nguôi

David, hãy nhớ rằng chúng tôi là gia đình của ông.

Tôn Nữ Thu Dung

Ý kiến bạn đọc
08/01/201516:56:08
Khách
Wow! Great story. Đọc đi đọc lại không chán . Chuyện hay lắm
04/01/201507:21:42
Khách
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết nhỏ này.
04/01/201504:23:04
Khách
Bài viết thật cảm động. Cầu nối ký ức cũ đã đưa hai con người đến gần nhau hơn giữa một thế giới khác bên ký ức từng ngày nhạt nhòa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,143,322
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến