Hôm nay,  

Chuyện Noel và Vện

24/12/201400:00:00(Xem: 18497)

Tác giả: Phương Hoa
Bài số 4420-14-29820vb4122414

Như tựa đề, bài viết là một chuyện kể cảm động xẩy ra trong một chiều giáng sinh. Tác giả Phương Hoa, định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ nhất của tiểu bang Calif. Với loạt bài viết về Vietnam Museum, “Viện Bảo Táng Của Những Người Lính Bị Bỏ Quên” tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014.

* * *

Có lần một người Mỹ nói với tôi, "Ai cũng có thể nuôi một con chó, nhưng nuôi được một con chó ngoan hay dữ đều là do cái duyên của bạn và nó." Gẫm lại chuyện của chính mình, tôi thấy hình như người ấy nói đúng. Xin kể hầu bạn câu chuyện về "duyên phận" của tôi và con chó Việt cùng chuyện con chó Mỹ của một người Mỹ tôi mới gặp gần đây.

Hôm "Black Friday" sau lễ Tạ Ơn, tôi kêu ông xã dậy sớm chở bỏ ở Macys cho tôi sắp hàng vào mua cái máy xay trái cây giảm giá đặc biệt, thay cho cái máy cũ vừa bị hư. Người sắp hàng tuy đông, nhưng không đông bằng những năm về trước. Ngày càng có nhiều người mua hàng giảm giá "Black Friday" trên online, hơn là thức khuya dậy sớm đi sắp hàng. Giá cã cũng như nhau, mà đi sắp hàng có khi còn gặp cảnh giành giựt lộn xộn. Nhờ đi xem từ trước, tôi đã biết cái máy nằm ở đâu, nên bước vào là tôi đi thẳng đến nơi chộp ngay một cái. Trả tiền xong tôi lấy xe buýt về nhà.

Buổi sáng xe buýt vắng người. Tôi vừa ngồi xuống băng trước thì một con chó phóng lên, theo sau là bà Mỹ trung niên tay nắm sợi dây dắt nó, tay kia cầm cây gậy trắng có đầu đỏ. Một người khiếm thị. Trong khi người chủ mò mẫm lấy tiền trả, con chó đứng trước mặt ngẩng đầu nhìn tôi. Tôi nhìn lại nó, và bỗng sững sờ. Đó là một con chó Vện.

Chân cao đuôi dài. Bộ lông xám đậm mịn màng, phảng phất những nét vằn đứt đoạn màu vàng hơi nâu. Đôi tai nhọn vểnh bên trên cặp mắt sáng quắc. Và cái mũi đen thùi. Đặc biệt, cái vá màu trắng hình lưỡi liềm to bằng nửa bàn tay nằm cong cong từ mắt lên đến tai trái của nó thì không thể lẫn vào đâu được. Nó giống hệt con Vện của tôi ngày xưa.

Tôi xúc động đưa tay vẩy con chó cùng với tiếng chào:

- Hello dear! Chào cưng!

Nghe chào, con Vện nhìn tôi lúng luyến, đuôi nó ve vẩy liên hồi. Nhìn vào đôi mắt màu nâu vui vẻ ấy, tôi chợt run rẩy nhớ lại đôi mắt con Vện của tôi.

Người chủ trả tiền xong quơ quơ cây gậy và lại ngồi xuống cạnh tôi. Hình như bà cũng còn thấy lờ mờ chứ không mù hẳn. Tôi ngồi dịch vào phần ghế trong cùng, nhường một chỗ trống cho bà thong thả. Không ngờ tôi vừa xích vào là con Vện nhảy phóc lên nằm gọn gàng trên chiếc ghế, chính giữa tôi và bà chủ của nó. Đầu ngẩng lên nhìn về phía tôi, con Vện vẩy đuôi nhè nhẹ như muốn làm quen.

- Ồ! Cậu ấy dễ thương quá! Tôi nói với người đàn bà, dùng chữ "cậu" như đối với con người. - Thế cậu ta tên gì vậy?

- Cám ơn bà! Bà Mỹ nói. Tên nó là Noel.

- Noel?

Tôi thích thú kêu lên. -Là tên ngày Chúa Giáng Sinh. Nói xong thấy nó nhìn tôi thân thiện hiền lành, tôi đưa tay vuốt ve bộ lông mịn màng của nó. Con Vện để yên, đuôi ve vẩy liên tục hơn như mừng rỡ.

- Đúng rồi! Bà ấy cười, nói với vẻ rất hạnh phúc. Chúng tôi nhặt nó trong một chiều Giáng Sinh nên đặt tên là Noel, chồng tôi là người gốc Pháp.

- Nhặt? Vậy sao? Tôi tưởng nó đến từ trường dạy chó dẫn đường (Guide Dog Training School) chứ. Nhìn nó ngoan thế, không biết bà có gửi nó học trường lớp nào không nhỉ?

- Không. Noel thông minh tuyệt đỉnh và là một con chó trung thành...nhất thế giới! Bà nhấn mạnh chữ "trung thành" một cách hãnh diện: - Tự nó biết làm sao để giúp tôi khi cần mà không phải qua một trường lớp nào cả. Nó có thể đi lấy điện thoại cho tôi, biết bật, tắt TV, và còn biết kéo dây mở cổng cho chồng tôi lái xe ra vào. Ông ấy đã tự chế hệ thống dây kéo cho nó.

- Wow! Tôi kêu lên. - Bà thật là may mắn!

- Phải! Tôi may mắn lắm. Bà Mỹ nói, tay vỗ vỗ đầu con Noel.

Quá thích con chó vì nó giống con Vện của tôi, tôi không nén nổi tò mò nên gợi chuyện với bà ấy:

- Bằng cách nào bà nhặt được con chó tuyệt vời như thế nhỉ?

Bà Mỹ cũng dễ tính. Thấy tôi vuốt ve trìu mến con Noel, bà ấy bèn kể tôi nghe câu chuyện ly kỳ khi bà gặp nó.

Cha chồng bà trước kia sống ở Stockton, nhà nằm cạnh cái nghĩa địa trên hướng Bắc. Chiều Giáng Sinh năm đó, vợ chồng bà làm thức ăn đem đến mở bữa tiệc nhỏ để cùng ông già vui lễ lần cuối, từ giã ngôi nhà đã bán. Xẩm tối họ chở ông và đồ đạc dọn về cái mobile home ông mới mua ở thành phố họ đang sống, cho tiện bề thăm viếng. Khi chồng bà lùi xe, ánh đèn chiếu xuyên qua góc rào nghĩa trang, ông bỗng thấy một đôi mắt từ bên nghĩa địa dọi vào ánh đèn xe. -Nghe ông ấy nói, tôi hết hồn tưởng là ông thấy ma. Bà kể.

Nhưng chồng bà không sợ. Ông đậu xe bước xuống nhìn qua hàng rào xem kỹ. Thì ra là một con chó đang nằm bẹp dí bên cạnh chiếc mộ bia. Ông bèn đi vòng qua cổng chính tìm vào tận nơi, thấy con chó đang nằm run lẩy bẩy trong tiết trời lạnh giá như là sắp chết. Đôi mắt yếu ớt của nó vẫn nhìn vào ánh đèn xe trước mặt, có lẽ nó muốn tìm chút hơi ấm. Nó nằm nhịn đói dễ cũng đã nhiều ngày lắm rồi, vì nó ốm trơ xương. Khi chồng bà ôm con chó lên, nó không còn sức kháng cự. Họ bèn đưa con chó về nhà chăm sóc và nuôi cho đến bây giờ.

Kể xong bà cúi xuống trìu mến hôn vào trán nó.

- Trời ơi, tội nghiệp con Noel quá! Tôi kêu lên, cảm thấy mắt mình cay cay. -Nếu chồng bà không cứu, có lẽ nó nằm đó giữ mộ người chủ cũ rồi chết theo luôn. Nghiêng người, tôi ôm đầu con chó:

- Noel! Mày quả đúng là con chó trung thành nhất thế giới đấy!

- Chính thế! Người chủ diễm phúc của nó gật đầu nói với tôi.

Ôm con Noel, lòng tôi bỗng nhói đau, nghẹn ngào nhớ đến con Vện của tôi ngày trước. Tôi lẩm bẩm:

- Tôi cũng từng có một con chó tên là Vện. Nó giống hệt con Noel của bà.

- Ô! Người đàn bà Mỹ kêu lên, ngạc nhiên. Bà có thể kể cho tôi nghe về nó được không?

Bên ngoài trời bỗng đổ mưa to, nước phủ rào rào lên xe buýt làm mờ cả kính trước. Người tài xế bật gạt nước lên và tôi nhìn thấy đã đến trạm cần phải xuống. Nhưng tôi không nhúc nhích, cũng không giật dây đèn báo. Chẳng hề gì, xe buýt chạy giáp vòng thì sẽ trở lại chỗ cũ thôi. Tôi muốn ngồi với con Noel một lát nữa và cũng vì tôi muốn chia xẻ với bà Mỹ về con Vện của tôi. Một con Vện Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh...

*

Năm tôi hơn mười tuổi, trước lễ Giáng Sinh vài ngày, quân đội Bảo An của Việt Nam Cộng Hòa hợp tác với quân đồng minh Hoa Kỳ thực hiện một trận càn cuối năm lên các thôn làng địch quân thường len lỏi về ban đêm, ban ngày quân đội Quốc gia trấn giữ, giúp đồng bào tạm di tản khỏi làng để quân đội chuẩn bị cho các trận đánh vào đầu năm tới. Nghe lệnh, mẹ tôi vội vã gom góp một ít quần áo và tư trang, bỏ lại hết nhà cửa đồ đạc lúa thóc, với hy vọng quân đội sẽ "dẹp yên bờ cõi" và chúng tôi được sớm trở về.

Nhìn chúng tôi thu dọn, con Vện cũng chạy lăng xăng dưới chân, dù nhiều lần tôi bực mình đuổi nó đi cho khỏi vướng víu. Hình như nó linh cảm biết được có điều gì sắp xảy ra nên nó không rời tôi nửa bước.

Con Vện là người bạn yêu quý nhất đã chơi với tôi từ nhỏ. Nó rất thông minh, hiểu cả những gì tôi nói. Tôi tập cho nó lượm bút hay sách vở cho tôi mỗi khi tôi làm rớt. Khi tôi chơi đánh trổng với mấy đứa con trai hàng xóm thì con Vện đi lượm trổng tha về nếu tôi bị thua. Mẹ sai tôi canh đuổi gà lúc phơi lúa ngoài sân là tôi "sai" lại con Vện. Nó ra nằm trấn thủ ngay góc sân dưới gốc cây dừa, con gà nào lạng quạng mon men đến gần sân lúa là nó rượt chạy trối chết.

Một lần tôi và mẹ đều đi vắng, người bà con hàng xóm qua nhà xin ớt để ăn trưa. Giống như mọi khi chúng tôi có nhà, bà bước lại hái mấy trái ớt. Nhưng bà chưa kịp bước đi thì con Vện hùng hổ chạy tới ngoạm vào ống quần giữ bà lại. Bà ấy sợ nó cắn, đành phải đứng yên tại chỗ chờ cho đến khi chúng tôi về. Từ đó "tiếng dữ" của con Vện đồn xa, nhà tôi không bao giờ bị mất đồ lặt vặt.

Tôi kêu mẹ đưa con Vện đi theo ra thành phố, ở nhà cậu tôi chắc là cậu mợ không phiền. Vì đã có lần tôi và mẹ dắt nó đi bộ gần bảy cây số từ nhà ra phố thăm cậu, và mấy đứa em bà con cũng rất thích chơi với con Vện. Nhưng mẹ tôi nói chắc là xe họ không chở súc vật. Mẹ nghĩ sẽ đi tạm một thời gian rồi lại trở về, để con Vện ở nhà trông nhà cho khỏi ai vào lấy đồ đạc. Hơn nữa, bên nhà ngoại dù mọi người trong gia đình đã đi hết, bà ngoại tôi cũng như vài phụ nữ khá giả khác trong làng vẫn còn nán trốn lại để tìm cách di chuyển những đồ đạc quý giá đem theo.

Nghe mẹ nói cũng xuôi tai nên tôi bằng lòng, dù biết là tôi sẽ rất nhớ con Vện.

Nhưng con Vện đâu có chịu bị bỏ lại. Nó chạy theo tôi sát gót dù nhiều lần bị tôi đuổi về và dọa đánh. Tôi rượt thì nó chạy trở lại, tôi quay đi nó chạy theo. Ánh mắt nó nhìn tôi rất là đau khổ, vẻ như khóc, đuôi vẫy liên hồi làm tôi vừa rượt nó vừa mếu máo khóc. Từ nhà ra ngoài mương lớn, điểm hẹn quân đội đậu xe chờ bốc người không bao xa, mà chúng tôi tốn gần cả giờ đồng hồ vì phải vất vả rượt đuổi con Vện, đến nỗi sém bị bỏ lại. Cuối cùng thì chúng tôi không còn thấy nó chạy theo nữa.

Đến nơi, tôi vừa khóc vừa cùng mẹ trèo lên chiếc GMC độc nhất còn lại, với sự trợ giúp của một người bà con là lính Bảo An tôi gọi bằng anh, tên Thừa. Anh ta vừa kéo tôi lên, tôi chưa kịp ngồi chen vào đám người chật ních trên xe, thì con Vện bỗng xuất hiện. Nó cũng cố gắng chen lấn với mọi người, mồm rên ư ử và tìm cách phóng lên xe. Nhưng xe không đủ chở người, mà trong thời kỳ chiến tranh dù có đủ chỗ cũng không ai đi lo cho sự an nguy của một con chó. Anh Thừa nhảy xuống đất, đá con chó tội nghiệp ra xa và đưa súng lên làm bộ bắn để đuổi nó. Nó hoảng hồn bỏ chạy, nhưng vẫn không chạy đi luôn. Khi số người dưới đất được kéo hết lên xe, tài xế nổ máy chuẩn bị chạy, con Vện từ đâu phóng tới sủa ầm ĩ và tìm cách trèo lên xe lần nữa. Anh Thừa bực mình đưa súng lên bóp cò bắn dọa một phát về phía con Vện, trong lúc chiếc GMC tăng tốc chạy vụt đi.

Không ngờ viên đạn lại bắn trúng chân con Vện. Nó ngã lăn quay, kêu lên "ẳng ẳng" rất thảm thiết.

- Trời ơi! Tôi hét lên. Nhìn con Vện cố gắng đứng dậy và vẫn khập khiểng tiếp tục chạy theo sau xe, tôi đau đớn khóc lóc, quay sang giật tay áo lính của Thừa: Tại sao anh lại bắn nó? Anh ác quá! Mẹ tôi cũng khóc và trách anh ta sao ác độc với cả con chó.

- Cháu...cháu xin lỗi cô, cháu không cố ý. Anh ta ân hận nói. -Cháu chỉ định dọa nó thôi, không ngờ xe chạy tới nhanh quá nên nó mới bị trúng đạn.

Ra thành phố, tôi nằm ở nhà cậu khóc cả ngày, không thiết gì ăn uống. Hình ảnh con Vện què chân cà nhắc chạy theo sau xe luôn hiện ra trước mắt tôi. Cậu mợ và mẹ tôi khuyên cách nào tôi cũng không nguôi được.

Hai ngày sau là lễ Giáng Sinh. Buổi tối cậu mợ tôi ăn uống xong dắt mấy đứa em họ đi nhà thờ coi cảnh lễ. Đi cho tụi nó xem chơi cho vui chứ gia đình không có đạo. Họ rủ tôi bằng mọi cách, nhưng tôi còn lòng dạ nào mà đi chơi. Vì tôi ở nhà nên mẹ cũng ở nhà.

Khoảng bảy giờ tối khi mẹ con tôi đang ngồi nói về con Vện thì có tiếng gõ cửa. Mẹ tôi ra mở. Đó là anh Thừa, người đã bắn què chân con Vện hai ngày trước.

- Cô ơi! Cháu đem con chó đến cho cô và em nè. Anh ta nói. Nó khôn và can đảm quá trời luôn! Bị thương như vậy mà từ bên quê nó cũng tìm được qua đây.

Tôi nghe thế mừng quýnh, phóng như bay từ trong nhà ra. Mẹ tôi cũng kêu lên đầy sung sướng. Anh ta nói xong trở ra chiếc xe zeep nhà binh do một người lính cầm lái đang đậu trước cửa rồi khệ nệ bưng vào cái giỏ sắt tròn lớn.

- Nó bị thương nặng lắm cô ơi! Tụi cháu đang đi chơi trên phố, thấy nó bị mấy con chó khác rượt cắn. Đúng ra thì cháu chẳng để ý đâu. Chỉ vì hai ngày qua cháu rất ân hận đã lỡ bắn con chó của cô bị thương nên khi thấy mấy con chó cắn lộn cháu mới chú ý nhìn và nhận ra nó. Nó đã chiến đấu rất dữ dội.

- Trời ơi! Tôi kêu lên và òa khóc khi nhìn thấy con Vện nằm mẹp trong giỏ. Mẹ tôi cám ơn anh Thừa rồi cùng tôi khiêng chiếc giỏ vào nhà sau. Con Vện nhìn thật thảm thương. Ngoài cái chân gãy, nó còn bị nhiều vết cắn trên đầu và cổ, máu đọng bầm đen, đất cát dính khắp mình. Nó có chết không vậy mẹ? Tôi hỏi trong tiếng khóc.

- Tội nghiệp nó quá!

Mẹ tôi cũng khóc, hình như mẹ biết con Vện bị thương nặng nên không dám trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Bà chạy đi lấy thau pha nước nóng trong bình thủy rồi nhúng khăn lau cho con Vện. Nó thở khò khè rất yếu ớt, mắt nhắm nghiền. Lau xong mẹ đi lấy chiếc áo cũ trải trong góc bếp, ẵm con Vện đặt nằm trên đó, và nhóm lửa lên cho nó ấm. Rồi mẹ lấy mấy củ nghệ tươi bỏ vào cái cối nhỏ, giã chung với muối đem bó vào cái chân gãy và đắp lên các vết thương cho nó. Đó là cách trị thương cho súc vật mẹ thường làm. Tôi nhớ có lần mẹ nói, "Chó liền da, gà liền xương," chó bị thương rách da cỡ nào đi nữa chỉ cần đắp củ nghệ tươi vào là nó lành mau lắm.

Nhưng con Vện của tôi không chỉ bị rách ngoài da. Nó đã bị bắn gãy chân, cộng với sự mất sức vì lê lết hai ngày đường từ quê tìm ra đến phố, và việc phải chiến đấu với bọn chó dọc đường. Bây giờ thì tôi đau đớn cộng thêm vào, con Vện còn hoảng sợ vì bị bỏ rơi, và điều đó đã hùa vào làm cho con chó tội nghiệp thêm kiệt sức.

Sau một hồi nằm bên bếp lửa ấm áp, con Vện hồi tỉnh. Nó mở cặp mắt yếu ớt ra nhìn tôi. Thương nó quá, tôi cúi xuống ôm cái đầu đầy vết thương và mùi nghệ của nó. Tôi khóc nức nở:

- Mày đừng có chết nghe Vện!

Như chỉ chờ nghe tiếng nói của tôi, con Vện kêu lên ư ử và liếm vào mặt tôi một cách yếu ớt rồi nằm ngoẹo đầu sang một bên. Tôi mừng quính, nghĩ nó sống lại nên kêu lên:

- Mẹ ơi! Con Vện tỉnh lại rồi nè! Nó vừa liếm mặt con đấy.

Mẹ tôi vội chạy lại. Thấy con Vện nằm im, bà sờ vào nó rồi khóc:

- Nó chết rồi con ạ!

...

Kể cho bà Mỹ đến đây tôi bật khóc. Bà Mỹ cũng chảy nước mắt khóc theo. Oh my God! Bà kêu lên rồi cầm lấy tay tôi an ủi:

-Tôi xin chia buồn với bà. Nhưng bà cũng đừng buồn nữa, hãy kiếm một con chó khác để nuôi, thay vào con Vện đã mất.

Bà ấy đâu có biết, tôi đã từng thử nhiều lần mà không nuôi được con chó nào từ khi con Vện chết.

Ngày đó mẹ tôi nói hãy đem con chó liệng ở bờ sông, vì đó là cái kiếp của nó. Người ta nói phơi xác chó cho "diều tha quạ mổ" thì nó mới nhẹ nhàng đi đầu thai. Nếu đem chôn, về sau sẽ không bao giờ nuôi chó được nữa. Nhưng tôi nhất quyết không chịu, cố thuyết phục mẹ lén đào lỗ chôn con Vện sau góc vườn nhà cậu ngay tối Giáng Sinh ấy, trước khi mọi người ở nhà thờ về.

Không biết điều mẹ tôi nói có đúng hay chăng, mà từ đó đến giờ tôi nuôi con chó nào nếu không chết thì cũng bị bắt trộm. Tôi không dám nói điều này cho bà Mỹ nghe, e bà kinh sợ và cười cho cái quan niệm... lạc hậu ấy. Một phần cũng bởi vì tôi biết, dù có nuôi bao nhiêu con chó khác, tôi sẽ không bao giờ quên được con Vện của tôi.

Nghĩ đến đó tôi lại nghẹn ngào, vài giọt nước mắt rơi trên bàn tay tôi đặt trên đùi. Lạ lùng thay, con Noel thò đầu qua, thè lưỡi liếm bàn tay tôi. Đúng hơn là nó liếm đi những giọt nước mắt. Rồi nó ngước cặp mắt long lanh nhìn tôi, cái đuôi dài của nó ve vẩy không ngừng. Hình như nó hiểu và cảm nhận được những gì tôi đang nghĩ.

Cơn mưa ngớt dần. Xe bus tới trạm cuối. Bà Mỹ dắt con Noel xuống nhưng tôi còn ngồi lại chờ chuyến xe quay đầu để về trạm gần nhà. Trước khi xuống xe, vừa tới bậc cửa, con Noel bỗng khựng lại, quay đầu lại phía tôi. Bà Mỹ cầm gậy đầu đỏ như cảm được ý nó, cũng quay đầu lại phía tôi, vẫy tay chào từ biệt.

Tối hôm đó, tôi nằm nghĩ đến con Vện, cố để mơ thấy lại lần nữa con chó đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để tìm tôi ngày ấy. Nhưng tôi đã không mơ thấy nó. Sáng dậy nhớ lại lời bà Mỹ nói ngày trước, "Nuôi được một con chó là do cái duyên." Có phải là do duyên không? Con Vện đã bỏ tôi đi trong chiều Giáng Sinh ấy, có phải vì duyên chúng tôi đã tận? Và con Vện của bà Mỹ đến với bà ấy cũng trong một chiều Giáng Sinh, có phải là mối duyên của bọn họ chỉ mới bắt đầu?

Dù gì đi nữa, với tôi, đây là một lễ Giáng Sinh. Lần đầu tiên trong mấy chục năm qua, tôi nghĩ đến con Vện trong ngày Giáng Sinh mà lòng thấy nhẹ nhàng. Vì tôi liên tưởng đến con Noel, bản sao con Vện, còn hiện hữu trên thế gian.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
31/03/201821:58:41
Khách
Chị P.H. mến
Hình như truyện nào chị P.H viết cũng đều hay và khiến người đọc phải xúc động.Thăm chị khỏe.Mến
26/12/201422:32:16
Khách
Chào các bạn wowang và Phuong,

*Cám ơn bạn wowang đã luôn đọc bài viết và ủng hộ. Nghe bạn nói vậy chắc là con chó Bingo của bạn cũng đã có một "lịch sử" gì đấy phải không? Thật đáng tiếc là từ ngày mất con Vện cho đến bây giờ PH không nuôi đuợc một con chó nào nữa dù rất yêu thương loài vật thông minh này.
Chúc bạn và gia đình luôn hạnh phúc nhé.

*Bạn Phuong thân mến, cám on bạn đã thích câu chuyện của con Vện. Bạn rất đúng. Trong chiến tranh thì nguòi hay loài vật đều khổ như nhau. Cầu mong sao cho thế giói này hết chiến tranh để muôn loài đều khỏi khổ.
Chúc bạn và gia đình vui nhiều...
PH
26/12/201422:21:58
Khách
Chào bạn khach,
Trước hết, xin cám ơn bạn đã đọc bài.
Có lẽ bạn đã quá… “khó tính” chăng khi bạn không chấp nhận cụm từ “lấy xe buýt”? “Lấy xe buýt” hay “đón xe buýt” cũng đều là “take the bus” nhưng hình như nó sát nghĩa và gọn gàng hơn "đi về nhà bằng xe buýt " như bạn đã góp ý. Tất nhiên là bạn có quyền dùng bất cứ từ ngữ nào bạn cảm thấy thích.
Dù sao thì PH cũng cám ơn bạn đã quan tâm góp ý.
Chúc bạn và gia đình luôn vui trong mùa lễ.
PH
25/12/201407:38:15
Khách
Cám ơn cô Hoa chia sẻ một bài viết rất cảm động! Tội nghiệp cho thân phận con chó Vện trong thời chiến tranh! Con nguòi khổ mà chó cũng bỉ khổ lây.
24/12/201420:06:16
Khách
Cám ơn chị Phương Hoa, câu chuyện rất cảm động vả thật hay. Chị làm tôi nhớ lại con chó Bingo của tôi ngày xưa quá đi!
24/12/201412:36:38
Khách
Người Việt không nói "lấy xe buýt về nhà " mà nói " đi xe buýt về nhà " hay "đi về nhà bằng xe buýt "
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,659,720
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến