Hôm nay,  

Lục Bình ở Sapa

20/12/201400:00:00(Xem: 17474)
Tác giả: Tuý Trước
Bài số 4416-14-29816vb7122014

Tác giả là một nữ kỹ sư hiện cư trú tại Austin, Texas. Với but hiệu Chúc Chân, cô đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ.

* * *

Lục bình, bạn tưởng tượng một chiếc bình sứ màu xanh lục, có chiếc cổ cao thanh tú đứng giữa một đại sảnh sang trọng nào đó, thật trang nhã biết bao. Nhưng không, đây là một loại thảo chi mộc mạc vốn gốc quê dân giả, miệt vườn chất phác, với hoa tím phơn phớt, đã làm Trần Mộng Tú da diết qua hai câu thơ lục bát não nuột:

Nở chi hoa tím lục bình
Trôi chi trôi giửa dòng tình đôi ta (1)

Tôi sanh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ rất xa Sài Gòn. Từ Sài Gòn phải đi qua gần hết nam kỳ lục tỉnh, qua hai chiếc phà ngang sông Cửu Long là phà Mỹ Thuận ở sông Tiền và phà Cần Thơ ở sông Hậu, rồi còn phải ngồi xe ọc ạch thêm vài giờ đồng hồ nữa mới đến quê tôi. Tuy lớn lên tại thành phố châu thành và chưa từng sống ở thôn quê, nhưng thời đó thành phố Bạc Liêu còn khá quê mùa, vì thế tôi biết khá nhiều về các loại rau cỏ dân giả, như rau ngổ, rau đắng, rau đay, mồng tơi, bò ngót, vân vân. Đương nhiên bèo và lục bình ở ngay trong cái ao giữa sân trường trung học, không cần đi tìm đâu cho xa cũng biết.

Bèo thuở đó có hai loại là bèo tấm và bèo Nhật Bản. Bèo tấm như tên gọi có hai cánh nhỏ li ti như hạt tấm. Bèo nổi sát mặt nước trải thành một lớp xanh như lưới, đan lấp đầy mặt ao. Mặt ao thỉnh thoảng có vài khoảng trống thưa bèo như để dành chổ cho con cá lóc nhảy lên đớp cào cào trên mặt nước, hay đớp mồi câu nhấp của đứa học trò nhấp câu bên bờ ao sau một ngày học. Có người đi vớt bèo tấm trộn cám nuôi heo dậm thêm cho ăn đầy bụng, nhưng heo không lớn nhanh được.

Bèo Nhật Bản tôi không biết rõ lắm, nhưng đoán chừng với tên Nhật Bản có lẽ nó đã được đưa đi du học từ Nhật Bản qua Việt Nam chăng? Hay đã theo cụ Phan Bội Châu lặn lôi từ Nhật về cũng nên?

blank
Sản phẩm lục bình - 2013. (Địa điểm chụp: Hồng Dân (Bạc Liêu) Ảnh: Đỗ Hiếu Liêm)

Bèo Nhật Bản ít thấy ngoài ao, nhưng những ai đã từng mê nuôi cá lia thia chắc chắn sẽ nhớ những cái tai bèo cánh xanh nổi cao khỏi mặt nước. Mỗi cụm bèo có nhiều cánh như một đóa hồng (rose). Tai bèo có cánh dún như cánh hoa hồng, nhỏ như hoa tường vi hay có khi lớn cỡ nắm tay em bé. Những đóa hoa xanh ngộ nghĩnh không thân cành, dưới "nụ hoa" là một chùm rễ trắng. Khi đi xin cá lia thia ở nhà bạn hay đi mua cá lia thia ở một nhà bán cá nào đó, được tặng thêm vài tai bèo Nhật Bản thì mừng húm, lúm xúm mang về bỏ vào một cái chậu da bò sành thô, nhỏ dung luợng cở ba gallon hay 10 lít thôi, để ngày ngày lo nuôi cá và "nuôi" bèo. Cái chậu da bò vốn trước đó chứa tương mặn. Nếu xả nước chưa đủ, hay ngâm chưa lâu, chậu còn chất muối, vài ngày sau khi thả cá vào chúng ngáp trơ bụng. Và đã có người từng ngồi nhìn xác cá nổi phình trong chậu, buồn thiu, buồn tới quên luôn mấy cái tai bèo dể thương xanh mởn nổi trên mặt nước.

Lục bình mà tôi biết có lẽ là loại Trần Mộng Tú đã tìm thấy ở nursery Flower World bên Seattle và mua về trồng. Chùm lục bình với những chiếc lá tròn to láng mướt trên những cuống lá ngắn, giửa cuống phình ra như một cái bầu rượu nhỏ xanh xanh. Lục bình hay độc bình màu xanh có lẽ có tên từ đây. Ở Bạc Liêu lục bình loại nầy thấy trong ao hay trong chậu cá, nhưng tôi không thấy lục bình trôi trên sông. Có thể vì nước sông Bạc Liêu gần biển đã khá mặn và có lắm phèn nên lục bình không sinh sống được. Lúc đó hình ảnh lục bình trôi tôi chưa muờng tượng được, như trong câu mắng "Ăn như xáng múc, học như lục bình trôi". Câu mắng yêu của một bà mẹ nào đó về đứa con trai mới lớn đang sức ăn, vừa bị bể tiếng nên giọng nói đục như tiếng ngỗng gọi, tay chân lớn nhanh hơn tầm với, cao tồng ngồng đi lông nhông lo nuôi cá lia thia nhiều hơn lo học.

Sau nầy phải rời Bạc Liêu tôi mới biết lục bình trôi như thế nào. Gặp lúc nước ròng đổ ra biển, lục bình trôi nhanh hơn mấy tên trai ham ăn biếng học nầy gấp mấy lần!

Ngày đó từ Sài Gòn về Bạc Liêu như bạn biết phải qua 2 chuyến phà ngang. Vào những ngày quốc lộ 4 bận rộn với những đoàn công voa được ưu tiên qua phà, xe hành khách phải chờ cả nửa ngày mới tới phiên. Dân miền nam gọi bắc chứ không gọi phà. Những lần "kẹt bắc", có khi đi từ Sài Gòn khi trời chưa sáng mà phải mất trọn cả ngày dài, và gần nửa đêm mới về đến Bạc Liêu. Những buổi chiều chạng vạng, đám khách bộ hành hối hả đổ bộ lên chiếc phà Cần Thơ bên bờ bắc Cái Mơn phía Vĩnh Long, để qua bờ nam Cái Khế phía Cần Thơ, mong sao về đến nhà cho kịp đêm giới nghiêm khỏi bị lỡ đường. Khi phà rời bến hành khách thở phào nhẹ nhõm. Đứng tựa lan can phà hứng ngọn gió mát của sông Hậu thanh khiết, nhìn xa thẫm bên kia sông đám dừa nước thấp thoáng và nhấp nhô theo sóng nước đám lục bình trôi, khách chợt nghe lòng bâng khuâng, "Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu, anh thấy em nhỏ xíu anh thương" (2). Những đám lục bình dắt dìu nhau, đèo bồng nhau, líu ríu trôi trên con sông dài lúc nước ròng chảy ra biển, hay lúc nước lớn chảy về nguồn. Khi ra khi vào, miễn sao dòng nước còn chảy thì lục bình còn trôi.

Thân và lá lục bình khá to so với bèo, thường những chậu cá nhỏ không đủ chổ chứa. Phải chậu da bò thật to hay cái lu cắt nửa trên còn phần dưới chứa nước nuôi cá mới đủ chổ cho lục bình vươn. Với chậu to thì cá phải là loại gộc như cá tai tượng, hay cá lia thia tàu (gold fish) với cặp mắt lộ, vẩy vàng ống ánh, lội lắc lắc chiếc đuôi chẻ dài quí phái, lượn quanh mấy con cá phướng có đuôi cũng dài tha thướt. Chúng hiền hòa sống chung nhau trong một cái chậu, san sẻ những cọng rong và mớ rể của đám lục bình. Còn những con cá xiêm đánh độ hung hản của đám con trai "đá cá lăn dưa" thì chắc không thể nào sống chung hòa bình được.

Lục bình trong chậu không vọt cao, người nuôi phải vén gọn chỉ giữ những nhánh có bầu to và thân ngắn hài hòa cân xứng. Lục bình thời đó ngoài việc dùng trong hồ cá kiểng, không có công dụng nào khác mà tôi biết. Chiếc ao trong sân trường có mớ lục bình sanh sôi nẩy nở sầm uất, nhưng thỉnh thoảng ông lao công vớt chúng lên bỏ xác chúng trên bờ. Mớ lục bình xanh phơi bụng trên bờ, qua vài hôm nắng đốt héo dần rồi thành mớ sình đen, chỉ bỏ thôi. Không hiểu sao người ta không cho heo ăn.

blank
Sản phẩm lục bình - 2013. (Địa điểm chụp: Hồng Dân (Bạc Liêu) Ảnh: Đỗ Hiếu Liêm)

Phải gần ba mươi năm sau tôi mới có dịp gặp lại lục bình, và gặp ở một nơi thật bất ngờ. Giữa một vùng khỉ ho cò gáy, trong một xóm nhỏ nghèo rớt mồng tơi ở Nam Mỹ. Bên đường hương lộ vắng, người ta cất lên một khu giải trí khá bề thế để làm chốn dừng chân nghỉ giải lao dành cho du khách. Luôn thể khách được bao bửa ăn trưa buffet, no ba bụng. Du khách là những người đến từ khu du lịch biển nổi tiếng Cancun trên đường đi kim tự tháp cổ Chichen Itza thuộc khu vực Yucatán của Mexico.

Đường dài nhưng không xuyên qua một thành phố nào cả, xe tour cho ngừng ở đây để khách xuống giải lao. Khu dừng chân nầy có phòng ăn rộng rải trang hoàng hơi lòe loẹt với màu sắc sặc sở đặc trưng Mexico. Khách du lịch vừa ngồi ăn vừa xem những em vũ công của một vũ đoàn trình diển. Nữ mặc trang phục vái xòe, nam đội chiếc nón nỉ rộng vành vai vắt khăn choàng, đoàn vũ nhịp nhàng trong những bước nhẩy nhanh theo điệu nhạc mambo, rumba, chachacha, hay salsa vồn vả vui tươi.

Hôm đó ăn xong đã hơi lâu và nghỉ đã khỏe, tôi theo gia đình ra xe tour. Trên con đường nhỏ đi ra bải đậu xe, bông giấy, bông lồng đèn, bông trang được trồng chung quanh đang nở rộ, nhắc nhở mình đang ở vùng nhiệt đới. Tôi đang thả rề ven con đường đi bộ, chợt thấy có một vũng nước nhỏ với vài viên đá tấn quanh, vượt lên khỏi mặt nước bụi lục bình đang đâm ra một nhánh hoa tím trơ trọi. Tôi mừng quá reo to, "Bông lục bình tụi bây ơi!" Ôi thôi, thế là bấm máy chụp hình lia chia, góc ngang, góc xéo, zoom ra, zoom vô đủ cỡ.

Tôi nán lại sau khi đám đông đã kéo nhau đi tiếp tục ra bãi đậu xe. Đứng nhìn nhánh hoa tím cánh mong manh lòng bồi hồi. Tôi nhớ những cánh hoa tím mong manh trong gió chướng đang trôi nổi trên sông Hậu năm nào, và tôi trên chiếc phà Cần Thơ trong ngọn gió chướng đó đang đứng nhìn những cánh hoa lục bình trôi, lòng nao nức trên đường về quê ăn tết. Thôi giã từ lục bình nhe, tôi phải đi theo đoàn du khách để kẻo trễ. Sau đó hoa lục bình đã được xếp vào dĩ vãng như những bức hình digital tôi chụp chứa trong cái memory stick quăng đâu đó trong ngăn tủ.

Lần hạnh ngộ hoa lục bình gần đây nhứt là trong chuyến đi Việt Nam của tôi vừa qua. Và cũng ở một nơi rất bất ngờ. Sau 37 năm rời Bạc Liêu, tôi đã cùng gia đình đi một chuyến du lịch Việt Nam. Từ Sài Gòn chúng tôi về Bạc Liêu bằng con đường đã đưa tôi về quê ăn tết khi xưa. Quốc lộ 4 vẫn không khác mấy, với hai lane đi về, chỉ khác bây giờ nhà cửa cất san sát con lộ. Xe cộ đông đúc, tuy không còn phải qua phà vì đã có cầu bắc ngang hai dòng sông Tiền và Hậu, nhưng cũng phải đi mất nửa ngày đường mới về tới Bạc Liêu. Chiếc cầu Cần Thơ bắt qua sông Hậu được Nhật viện trợ và xây cất đứng cao ngất ngưởng, hiên ngang khoe chất lượng kỹ thuật lẫn mỹ quan. Xe đi qua cầu chỉ mất vài phút thôi. Thế là tôi không có dịp nhìn lục bình trôi trên sông Hậu từ chiếc phà ngang.

Về Bạc Liêu tôi đã gặp lại những gì muốn tìm trong tuổi thơ của mình. Nhưng những cánh đồng cò bay thẳng cánh, hay con trâu, đống rơm, bầy vịt, mấy nóc nhà tranh lụp xụp khi xưa dọc quốc lộ 4 nay đã bị những dẫy nhà bề thế trong xóm làng cất dọc con lộ che khuất rồi. Ngôi trường trung học Bạc Liêu bây giờ rất khang trang. Đương nhiên mớ lục bình ngày xưa trong cái ao đã biến mất từ lâu, nhường chỗ cho các dẫy lầu lớp học lịch sự với các tàng cây râm bóng xinh xắn trong sân trường.

Hôm sau từ Bạc Liêu chúng tôi lên Cần Thơ đi xuồng thăm chợ nổi Cái Răng và luồn vào các kinh rạch sông nước Hậu giang. Tôi hăm hở thế nào mình cũng chụp được ảnh hoa lục bình. Rời bến Ninh Kiều chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm lướt sông nước. Lục bình từng đám nhỏ lờ lửng trên sông Hậu ở Cái Răng và các con kinh nhỏ, đang bập bềnh trôi theo mớ rác styrofoam của mấy hộp thức ăn bán trên sông, cùng mớ bao ny lông và các phế thải tạp nhạp không biết là những gì. Tôi tìm mãi nhưng vẫn không thấy đám lục bình nào ra hoa. Giả từ sông nước Hậu giang, tôi đinh ninh mình đã không có duyên gặp lại hoa lục bình. Nhưng rồi tôi đã gặp lại hoa lục bình và gặp ở một nơi tôi không để ý tìm.

blank
Lục Bình Trôi Biển

Chuyến trở về Sài Gòn từ Cần Thơ trể lại hơn một ngày vì tôi bị trúng thực khá nặng sau bửa ăn trưa ở nhà hàng Hoàng Phố thanh lịch của Cần Thơ. Lại ngồi thêm một chặng xe ọc ạch từ Cần Thơ mới về tới Sài Gòn. Rồi từ Sài gòn chúng tôi đáp chuyến bay đi Ban Mê thuột, và từ Ban Mê Thuột bay ra Hà Nội hôm sau, để tiếp tục ngồi xe từ Nội Bài đi Lào Cai bằng con đường cao tốc quốc lộ 2. Đây là một tollway dài nhất Việt Nam vừa mới khai trương hai tuần trước đó. Con đường dài năm tiếng lái xe đi ngang qua các tỉnh ở vùng đồng bằng và trung du dọc sông Hồng, trươc khi đến Lào Cai để bắt vào Sapa. Từ quốc lộ 2 băng qua miền trung du Bắc Việt bạn sẽ thấy những cánh đồng đang ra mạ non, vài con trâu đứng vất vưỡng, những căn nhà tranh đấp lá cồ (thứ lá cây palm) lụp xụp với cây rơm mới xây. Tất cả những bức tranh đồng quê xưa của xứ Bạc Liêu dọc quốc lộ 4 bạn sẽ tìm lại được từ con đường tollway nầy.

Phải đến khi đi bản Tả Van ở Sapa, tôi mới gặp lại hoa lục bình. Xe đổ chúng tôi xuống đầu bản để chúng tôi thả bộ dọc con đường làng dài khoảng 2 câysố. Xe hẹn hai giờ sau gặp ở cuối bản. Giửa thung lủng một con lộ xi măng đắp khá rộng đủ để xe gắn máy và bộ hành qua lại chạy dọc theo xóm bản. Chúng tôi đi qua những cánh ruộng tầng bậc thang mà người H'Mong canh tác đã mấy trăm năm (không chừng cả ngàn năm cũng nên). Nơi đây có những con trâu dầm nước với bầy vịt quế đang mót lúa giửa đám ruộng vừa gặt xong, và mấy con vịt ta luời biếng nằm trên bờ đê phơi nắng sáng mà bạn có thể chụp cận ảnh.

Từ cánh đồng vừa gặt xong còn đọng nước mưa mới nhưng chưa được xới lên làm mùa vụ bắp, vài cọng mạ xanh đã bắt đầu nhô từ gốc rạ. Thấp thoáng dọc con đường làng vài mảnh vườn nhỏ xanh xanh rau lang hay cải ngọt. Trong màu xanh non của đồng ruộng, của mớ cải, mớ rau, của giàn bí, chợt có một vũng xanh thẫm, dầy đặc với mớ lá tròn tròn, láng mướt, đậm bóng. Và trong mớ lá dầy đặc đó đang nhô lên những cụm hoa tím. Hoa lục bình! Đầy ngạc nhiên, tôi đã gặp lại hoa lục bình giữa miền núi rừng sơn cước.

Rồi Trần mộng Tú đã nhắc tôi, nhớ không, nhớ cái hoa lục bình tím không? Cái hoa "Trôi chi trôi giữa dòng tình đôi ta" đó? Lục bình bây giờ gọi là bèo Nhật Bản, sao lạ vậy? Nhưng thôi đó chỉ là một tên gọi. Lục bình bây giờ đã là một sản phẫm nông nghiệp và thủ công nghệ của miệt vườn miền nam. Lục bình bây giờ là nồi cơm của một em thôn nữ chất phác, chống sào ven con rạch, kéo từng bó dây lục bình đã được cắt lá và cột thành bó như bó lúa thả nổi trên mặt nước. Em dang tay kéo từng bó dây lục bình nặng nước lên chiếc xuồng tam bản để đem về giao lại cho những nhà làm thủ công. Lục bình bây giờ là tiền phụ trội gia đình của những chị phụ nữ đan giỏ đệm. Mấy chị vừa cười nói vui vẻ vừa tước sợi lục bình khô, bện từng sợi tết từng bính một để tạo thành một chiếc giỏ nang đơn giản. Công phu hơn có chị đan lục bình vào những khung kẽm đã uốn hình để thành những chiếc độc bình bằng dây trông rất mỹ thuật.

Giống lục bình công nghệ có cọng dài khoảng 7 tấc, cỡ 2 feet, thân suôn đuột, không có cái bầu giữa cuống. Loại lục bình nầy không trôi bềnh bồng trên sông sâu "sào vắn khó dò" nữa, mà lại bắt gốc bắt rễ dọc theo kinh rạch đứng nước, và lan tràn dầy đặc. Tuy vẫn nổi trên mặt nước nhưng chúng mọc ở chỗ nước cạn thôi, xuồng tam bản có thể chống bằng sào đụng đáy sông. Lục bình bây giờ đã góp phần trong kinh tế gia đình và địa phương, và được thu hoạch như một nông phẫm. Hoa lục bình được dùng làm thực phẩm tô điểm thêm màu sắc cho dĩa rau nấu canh chua. Lục bình trương gốc nằm dọc mé lộ không biến thành rác, mà trái lại còn được bác nông dân chăm lo chu đáo, phơi vài nắng cho khô rồi mang vào chờ bàn tay khéo léo tết thành sản phẩm hữu dụng.

Trôi chi trôi giữa dòng tình.... Dòng tình trôi nhưng lục bình đã bắt gốc bắt rễ rồi bạn có biết không. Có những đám lục bình đã trôi ra biển, đã vượt đại dương, đã xuyên lục địa, và đã bắt rễ ở những nơi có cái tên xa lạ như Texas hay California, như Seattle hay Atlanta.

Năm đó tôi thất nghiệp, mấy tháng sau được một hãng gọi đi interview nên rất mừng. Nhưng khi nghe hỏi có chịu thuyên chuyển đi Dallas không, tôi buồn vì mình phải từ chối một job ngon. Mặc dù Dallas cách không xa, nhưng gia đình tôi đã bắt rễ ở Austin rồi, tôi không nhổ được.

Túy Trước

(1) Tác giả Trần Mộng Tú - Nở Chi Hoa Tím Lục Bình (9/2014)

(2) Hoa Tím Lục Bình - Nhạc, tác giả Đặng Hửu Phúc

(3) Dân ca Lý Qua Cầu

Ý kiến bạn đọc
07/10/201802:14:23
Khách
Trước 75, Dalat cũng có lục bình trên Hồ Xuân Hương. Tôi thường ngồi trên đám cỏ gần nhà Bac Si Sohier ngắm lục bình cả tiếng đồng hồ.

Bây giờ còn lục bình hay không, thì tôi không rõ.
05/10/201821:01:38
Khách
Cam on tac gia ve bai viet that hay!
20/12/201420:42:25
Khách
Hi chi, doc bai chi Viet, em biet duoc chi nguoi Bac Lieu. Thay that than quen. Mac du em song o Ca Mau nhung ben noi em deu o Bac Lieu het. Chuc Gia dinh chi co nhung Ngay Le that Vui, nhieu hanh phuc.
20/12/201410:59:54
Khách
Cô Túy Trước
Lục Bình ở Florida nhiều lắm.Từ lâu, tôi vẫn có một lu nước trồng lục bình.Mùa hè cho bông rất đẹp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,160,724
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến