Hôm nay,  

Có Gan Đi Chơi

08/12/201400:00:00(Xem: 14851)

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 4404-14-29804vb2120814

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài "Con Bé", chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Sau đây là bài mới của tác gia.

* * *

Từ nào tới giờ, người ta vẫn nói "Có gan làm giàu", chứ chưa ai nói "Có gan đi chơi", nhưng cái câu "ranh ngôn" thứ 2 này lại ứng dụng vào trường hợp của tôi.

Số là vào tháng 5, trong lúc đang ngao du sơn thủy ở Croatia, bà Tám Mỹ Tho, bạn đồng hành Sakura 2009 và những chuyến lang thang sau này của tôi, đã gửi về cho tôi 1 cái email. Bà rủ tôi đi thăm viếng xứ gà tây (Turkey) vào tháng 9, vì tôi đã hụt chuyến du lịch kỳ này với bà. Sở dĩ tôi đã không được cùng ông bà Tám và những người bạn khác trong group nhỏ của tôi đi chơi Croatia chuyến này cũng tại vì tôi không dám leo lên máy bay đi xa, sợ bị bay lạc vào... thiên thai như chuyến bay Malaysia Airlines MH370, đã mang theo 239 hành khách và phi hành đoàn biến mất trên không trung, khi đi ngang qua vùng biển Việt Nam và Mã Lai Á vào ngày 8 tháng 3, và mặc cho bao nhiêu người đổ xô đi tìm kiếm, nó vẫn biền biệt tăm hơi.

Tôi trả lời với bà Tám là có thể lắm, hy vọng là không trùng vào ngày lễ phát huy hiệu lên chức DDA II của cậu Út nhà tôi. Bà nói, bà sẽ cố gắng "gom góp" nhóm nhỏ của chúng tôi để đủ người làm thành một cái tour. Tôi nói, tôi cũng sẽ rủ rê thêm Hùng Yến, hai người bạn của tôi ở xứ A-Con-Sò đi chung cho được nhiều người.

Bẵng đi mấy tháng không thấy động tĩnh gì, tôi nghĩ là chuyến tour đi Turkey đã đi vào quên lãng, vì tình hình chiến sự thế giới cũng đang căng thẳng lắm, Ukraine và Russia cứ khiêu chiến với nhau hoài, chắc bà con "nhóm nhỏ" của chúng tôi ai cũng ngại. Hơn nữa, âm hưởng chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines vẫn còn đâu đó trong lòng mọi người, lâu lâu chúng tôi lại được nghe tin tức mới... tìm được tàn tích rồi, xong lại... xí hụt, và báo động đổi sang kiếm tìm ở một phương hướng khác.

Nhưng không ngờ đầu tháng 7, bà Tám email cho tôi và Hùng Yến, bảo sửa soạn đi chơi nhé, tour Turkey đã thành hình. Bà với vài người trong nhóm đã đặt mua vé máy bay, và bà giám đốc AV đang chờ đợi chúng tôi ghi danh. Thế là hai vợ chồng tôi và hai con Sò bạn tôi hăng hái làm theo.

Ghi danh, mua vé máy bay xong rồi tôi mới thấy mình to gan, vì lúc này tình hình chiến sự ở vùng Trung Đông đang sôi sục, West Bank và Gaza đánh nhau tợn hơn lên. Ông chồng tôi thì tỉnh bơ nói, bên đó đánh nhau hàng ngày, đâu phải đợi tới giờ này mới đánh, mà lo.

Ngày 17, tháng 7, thế giới lại rúng động vì tin chuyến bay MH17 của Malaysian Airlines đã bị quân phiến loạn dùng tên lửa bắn rơi khi bay ngang vùng trời Ukraine, đem theo sinh mạng của gần 300 người vô tội. Chuyến bay này đã cất cánh từ phi trường Amsterdam, dự định sẽ đáp xuống phi trường Kuala Lumpur ngày hôm sau, nhưng nó đã không bao giờ tới nơi. Tai nạn thảm khốc này đã làm cả thế giới phẫn nộ, báo chí đã gọi tai nạn này là "một vụ sát nhân ghê tởm". Trong lúc đó thì Ukraine và Russia cứ một mực đổ lỗi cho nhau. Theo tin tức loan báo thì... chính phủ Anh Quốc đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để tìm kiếm thủ phạm. Tổng Thống Obama cũng tuyên bố là sẽ sẵn sàng để hỗ trợ công cuộc điều tra của giám sát viên quốc tế. Nhưng công việc điều tra trở thành khó khăn khi lãnh đạo phe phiến loạn tuyên bố không chấp thuận tạm ngưng cuộc chiến để cho đoàn giám sát của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đến hiện trường điều tra...

Tôi đau đầu nên email cho bà Tám, hỏi:

- Đánh nhau hoài, có... lo không? Liệu tên lửa có... lạc trúng mình không?

Bà trả lời:

- Đánh ở xa vậy ăn thua gì. Tên lửa phải bay qua Hắc Hải mới tới Turkey.

Nhưng, những tin tức về tai nạn máy bay càng ngày tới tấp. Ngày 23 tháng 7, chiếc ATR72 của hãng hàng không Trans Asia Airways cũng gặp nạn khi đang cố gắng hạ cánh xuống sân bay ở quần đảo Bành Hồ, Đài Loan. Máy bay lao xuống một khu nhà dân và nổ tung, khiến 48 người thiệt mạng và 10 người bị thương nặng. Một ngày sau đó, 24 tháng 7, chiếc Boeing MD83 của hãng hàng không quốc gia Air Algerie cất cánh từ Burkina Faso, chở 116 người đã đâm xuống khu vực Tilemsi, đông bắc Mali trong thời tiết giông bão. Máy bay bị cháy rụi và không có người nào sống sót.

Ba chiếc máy bay rơi liên tiếp trong vòng một tuần đã làm tôi thêm hoảng loạn. Tôi tiếp tục cầu nguyện và thực hành cái phương thức "Quẳng Gánh Lo Đi Để Mà Vui Sống", để dành mỗi ngày 15 phút chỉ để... lo lắng. Phương thức mà tôi đã một lần áp dụng 7 năm trước*. Nhưng 15 phút mỗi ngày của tôi đã tăng lên 30 phút, rồi tăng dần đến cái độ... nó đã lởn vởn, lòng vòng trong giấc ngủ của tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy khó thở, buốt lạnh tay chân. Tôi đã định gọi cho ông bác sĩ gia đình thân thiết của tôi, kể lể và xin giấy chứng nhận tôi bị... panic attack, hoảng loạn đến độ không thể lên máy bay, hy vọng với tờ giấy chứng nhận này thì tôi sẽ bị phạt ít tiền thôi, trong trường hợp tôi quyết định hủy bỏ chuyến đi. Ông chồng tôi, hình như đã cảm nhận được những toan tính của tôi nên nói:

- Đừng có sửa soạn..."điên" nhe, lần này em mà "điên" nữa thì anh xin ông bác sĩ Trần gửi em vào nhà thương điên dưỡng bệnh cho có người canh chừng. Anh đi chơi 3 tuần về anh đón em ra...

Không còn cách cục cựa, xoay sở, tôi đành nhắm mắt đưa chân... ngày ngày tụng Chú Đại Bi, Kinh Cứu Khổ. Tôi thầm nhủ, giầy dép còn có số, thì chắc mình cũng phải tin vào kiếp số...

Nhưng rồi cuộc chiến ở Israel càng ngày càng khốc liệt hơn. Những vụ đụng độ mới giữa Israel và Hamas đã làm cho bầu trời Israel và Gaza đầy dẫy những đạn pháo, bom rơi. Sau khi rocket bắn từ dải Gaza rơi xuống gần sân bay quốc tế của Israel thì nhiều hãng hàng không trên thế giới đã hủy bỏ những chuyến bay đến sân bay Ben Gurion ở thủ đô Tel Aviv. Cơ quan Quản Trị Hàng Không Liên Bang Mỹ (FAA) cũng ra lệnh cấm không cho những hãng hàng không của Mỹ như Delta, United, US Airways và American bay đến sân bay này trong vòng 24 giờ. Thế là thế giới lại xao động. Các giới chức của Israel, trong đó có Tổng Thống Shimon Peres đã cực lực phản đối lệnh cấm này của Mỹ. Để hành khách có thể an tâm hơn, giới chức thẩm quyền của Israel đã cho mở cửa phi trường Ovda, thay thế phi trường Ben Gurion.

Tôi lại email cho bà Tám. Tức thì bà gửi lại cho tôi mấy chữ:

- Lần này thì rocket phải bay qua Địa Trung Hải...

Cũng cùng thời gian này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông đã ngừng nói chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama vì ông Erdogan không đồng ý với chính sách đối ngoại của Tổng Thống Obama về việc Syria và Gaza. Tôi lạnh cẳng, chỉ còn gần 2 tháng nữa là tôi lên đường. Tôi không email bà Tám nữa, mà rầu rĩ text cho Hùng, bạn tôi ở xứ A-Con-Sò:

- Mình sắp đi Turkey mà giới chức của xứ này không thèm... chơi với nguyên thủ của mình.

Tức thì, đêm hôm đó Hùng gọi điện thoại cho chồng tôi, càm ràm:

- Trời ơi, ông làm ơn nói bả đừng có đọc tin tức nữa được không? Mà có đọc thì đọc cho rành mạch, rõ ràng, đừng có chỉ đọc headline rồi nhẩy nhổm. Bắt chước bà Yến kìa, chả thèm biết tình hình thế sự, thản nhiên đi shopping tìm mua quần áo mới, sửa soạn đi chơi.

Ông chồng tôi lắc đầu, nhún vai:

- Mắt bả, bả đọc, tôi không cấm được.

Tôi nghe có tiếng con bạn tôi từ đâu đó vang vọng vào máy:

- Kỳ này nó muốn cancel nữa thì cho nó ở nhà, mình đi chơi với ông bà Tám. Không nghe theo nó bỏ dở chương trình như tháng 6 nữa đâu.

Tôi lẳng lặng bỏ ra phòng thờ cầu nguyện, để mặc cho chồng bạn và chồng tôi tha hồ tố khổ tôi. Mấy ông không biết là tôi cũng đọc hết bài báo chứ, và tôi cũng biết là ông Erdogan nói chuyện với ông Biden, vì không thể... lời qua tiếng lại với ông Obama. Nhưng mà cái tít to tướng trên bài báo đã làm tôi... lo lắng!

Tôi cũng biết, con nhỏ bạn thân thiết của tôi từ bao nhiêu chục năm nay (từ lúc chúng tôi súng sính chiếc áo dài trắng bước vào ngưỡng cửa Gia Long năm một ngàn chín trăm... hồi đó) vẫn còn bực mình tôi vì chuyện tôi hủy bỏ chuyến đi Alaska tháng 6 vừa rồi với nó. Số là, sau khi không dám bay đi ngoại quốc, tôi rủ rê Yến đi du lịch Alaska, một chuyến du lịch mà chúng tôi đã mơ ước từ bao lâu nay. Chúng tôi dự định sẽ bay lên Anchorage, đi chơi vài ngày ở Denali Park, rồi xuống tàu xuôi Nam về Vancouver chơi thêm vài bữa, ăn vịt quay, tỉm sắm Hongkong nổi tiếng ở phố Tàu xứ Vịt Điên. Cái cruise ship mà chúng tôi dự định đi là Celebrity Millenium, nằm trong một cruise line nổi tiếng.

Nhưng, lại cũng 1 chữ nhưng tai hại. Sau khi đặt tiền cọc rồi, tôi hồ hởi vào internet, tìm hiểu về những cuộc du ngoạn nhỏ cho mỗi ngày khi tàu cập bến trong suốt đoạn đường từ Anchorage xuống tới Vancouver, thì tôi bắt gặp 1 bản tường trình về... nó, con tàu Celebrity Millenium. Tháng 8 năm ngoái, con tàu này đã nằm ụ trong bến Ketchikan vì một bộ phận động cơ không làm việc, làm hãng Celebrity phải hủy bỏ nhiều cuộc hành trình của chiếc tàu này trong suốt thời gian hè còn lại. Tôi hoảng vía, tôi hình dung cảnh hãi hùng của chiếc tàu Titanic sau khi chạm vào tảng băng khổng lồ. Liệu chiếc Millenium có trở thành Titanic thứ 2 không? Tệ hại nhất là chúng tôi sẽ xuống tàu, bắt đầu chuyến hải hành vào thứ Sáu, ngày 13. Sáng hôm sau tôi cuống cuồng gọi cho cô Ann, người agent đã book chuyến du lịch cho tôi, cô trấn an:

- Chị ơi, tàu đã được thay máy mới, sửa chữa kỹ càng, tân trang rất đẹp rồi. Nó đã đi những tuyến đường rất xa như Panama Canal, Asia. Em có bà khách đi vòng Singapore với Millenium tháng 1 vừa rồi, đâu có trục trặc gì đâu. Nhưng chị muốn cancel thì cancel thôi.

Tôi gọi cho Hùng, báo tin sẽ hủy bỏ chuyến đi. Hùng Yến cũng đồng ý, không đi Alaska năm này thì đi năm tới, không đi Celebrity thì sẽ lựa mấy line khác, Princess hay Norwegian... để đi. (Sau này, tôi len lén vào mạng xem tin tức, thì không thấy có một bản báo cáo nào về những hư hại của Millenium trong năm này nữa. Nó đã chu toàn nhiệm vụ của nó trong suốt một mùa hè 2014 ở tuyến đường Alaska, rất là hoàn hảo.)

Nói chuyện với Hùng xong, ông chồng tôi càu nhàu:

- Đi chơi đâu với em cũng mệt. Nào là coi ngày, coi giờ, nào là coi dự báo thời tiết, coi tình hình chiến sự, coi máy bay lên xuống... Số mình chết thì ngồi ở nhà gạch ngói rớt xuống đầu cũng chết. Thà là được đi chơi khắp cùng thế giới rồi... chết cũng đỡ tức hơn. Hồi ở Việt Nam, khi VC giật sập cầu Đại Ninh, ngăn đường thông thương Sài Gòn Đà Lạt, anh Ba của anh đã dám kiếm đường chở rau xuống Sài Gòn bán. Lần đó, ổng thâu "khẳm" vì chẳng có nhà vườn nào dám ra khỏi vùng đất Đà Lạt.

Rồi ổng mở CNN cho tôi đọc báo, chỉ cho tôi xem cái video có chiếu hình ông cựu Thị Trưởng New York Michael Bloomberg với lời tuyên bố bất hủ khi ông đến phi trường Ben Gurion. Theo ông Bloomberg này thì phi trường Ben Gurion có thể nói là một trong những phi trường an toàn nhất trên thế giới...?! Ông chồng tôi cũng chỉ cho tôi xem 1 đoạn tin tức ngắn, nói về một đoàn tour đi hành hương đất Thánh bắt đầu từ New York. Sau khi Cơ quan Quản Trị Hàng Không Mỹ ra lịnh cấm những chuyến bay dân sự của Mỹ đáp xuống phi trường Ben Gurion, thì họ đã đổi đường bay sang Jordan, rồi từ Jordan đi về Iraels bằng xe bus. Trên xe của họ, lúc nào cũng có một nhân viên "bảo vệ" cầm súng trường đi theo phòng bất trắc. Thật là quá sức tưởng tượng, chắc là lá gan của mấy người này to hơn mấy lá sen trong hồ nhà tôi.

Một ngày sau khi ông Bloomberg tuyên bố là phi trường Ben Gurion là một phi trường an toàn để đến và đi như những phi trường khác trên thế giới thì FAA đã ra lệnh bãi bỏ lệnh cấm máy bay từ Mỹ đáp xuống phi trường quốc tế của Israel. Lần này thì tôi không cần phải tìm tòi để biết được tin tức sốt dẻo, vì ông Tám đã gửi cái link sang cho tôi từ lúc tôi chưa thức giậy. Cẩn thận hơn, ông còn gửi cho tôi cái bản đồ vẽ đường bay từ Toronto sang Istanbul của hãng Air Canada, để cho tôi thấy là hãng máy bay này chỉ bay 1 con đường băng ngang qua Tây Ban Nha, qua Ý, chẳng liên quan gì tới mấy đường bay vòng qua Israel hay Ukraine hết.

Tôi cảm thấy yên tâm, nhưng vẫn âm thầm cầu nguyện, và vẫn lặng lẽ theo dõi những chuyến bay từ Toronto sang Istanbul và vẫn vào CNN đọc tin tức thế giới mỗi ngày. Tôi đỡ băn khoăn khi nhìn thấy tin báo những chuyến bay từ Toronto đến Istanbul đáp xuống bình an vô sự.

Đêm 7/31, như thường lệ, tôi lấy Ipad ra phòng family theo dõi chuyến bay đi Istanbul. Tôi thấy hơi lạ là hôm nay Flight Tracker không chiếu đường bay của Air Canada từ Toronto sang Istanbul trên màn hình như thường lệ. Tôi chăm chú ngồi "ngắm" cái màn hình Ipad, chờ tin báo. Chuyến bay Air Canada 810 của ngày hôm đó dự định là sẽ đáp xuống phi trường Ataturk Istanbul khoảng 9 giờ sáng (giờ địa phương), nhưng tôi ngồi chờ hơn 1 tiếng đồng hồ cũng không thấy tin báo là máy bay đã đến. Thay vào đó, họ để hai chữ "result unknown", lại có thêm một dấu hỏi nằm trong ngoặc đơn ở ngay bên cạnh. Tôi bấm vào dấu hỏi, một khung cửa sổ nhỏ hiện ra với lời giải thích: có 2 trường hợp... 1 là có thể người có nhiệm vụ thông báo... quên không update, nhưng chuyện này ít khi xảy ra, 2 là... có chuyện gì trục trặc với chuyến bay này. Tôi lại lên ruột.

Tôi ngồi ôm Ipad gần nửa đêm, cứ chuyển đổi màn hình tin báo qua phần tin tức để xem có gì bất thường không, nhưng tôi không tìm được thêm tin tức gì mới lạ. Tôi thầm nghĩ, chắc không có chuyện gì xảy ra, vì nếu mà có tin tức "giật gân" hay "rùng rợn" gì đó, thì giờ này toàn thế giới đã biết. Và... cái màn hình Flight Tracker vẫn lạnh lùng nằm im với hai chữ "result unknown"!!

Nhưng tôi cũng phải đóng Ipad lại đi ngủ, vì ngày mai tôi còn phải giậy từ 6 giờ sáng để đi làm. Cả đêm tôi không sao ngủ được thẳng giấc, tôi cứ thấp thỏm xuống lầu để nhìn... Ipad, xem có tin tức gì "khác thường" không. Tôi dự định, nếu chẳng may ngày mai tin tức loan báo... máy bay đi lạc hay là... rơi xuống đất nữa, thì tôi sẽ hùng hổ đến trước mặt ông chồng tôi tuyên bố:

- That is it! Em sẽ không đi chơi đâu hết cả.

Lên xuống được vài lần thì tôi cũng thấm mệt, nên nằm lăn quay ra ngủ. Khoảng gần 5 giờ rưỡi sáng thì tôi giật mình tỉnh giậy. Việc đầu tiên là tôi đi xuống lầu, bấm vào Flight Tracker để nhìn tin báo. Chữ "result unknown" vẫn còn đó. Tôi mở qua Ipad của chồng tôi. Bấm tới bấm lui sao đó tôi vào được một trang web khác, cũng thông báo tin tức của những chuyến bay trên thế giới, trang Flight View. Tôi nhìn vào chuyến bay Canada 810, thì thấy Flight View báo tin rõ ràng là chuyến bay đó đã tới phi trường sớm hơn giờ đã định chút xíu, và đã vào đậu ở Terminal 1. Tôi quay sang cái Ipad của mình, bấm vào trang Flight Tracker, hai cái chữ "result unknown" vô duyên vẫn còn nằm trên đó. Tôi tức quá, đóng Ipad lại, sửa soạn đi làm. Từ sau ngày hôm đó, tôi không thèm track máy bay và xem tin tức nữa.

Sau này, cho dù là không xem tin tức, nhưng tôi vẫn được nghe tin tức mỗi ngày. Những người bạn cùng sở với tôi sáng nào cũng góp chuyện, bàn tán xôn xao về những hành động dã man của phiến quân Hồi Giáo, vì bọn phiến quân này đã tàn nhẫn giết hại, cắt cổ người vô tội, còn tung hình ảnh đau thương lên mạng để làm nát lòng thân nhân những người xấu số, với mục đích thách thức, đe dọa cả thế giới. Bà xếp của tôi thì cứ xít xoa:

- Thiệt là may cho tôi nghe, mùa hè năm nay hai vợ chồng tôi đã định đi lang thang với nhau ở Turkey 2 tuần. Thình lình ông già của ổng bị đau, nên chúng tôi phải cancel chuyến đi. Cũng may, chứ không thì chúng tôi đã có những chuỗi ngày... lên ruột.

Thế nên, tôi ngậm tăm không dám nói gì về chuyến đi sắp tới. Mấy người trong nhóm biết tôi sắp sửa nghỉ mấy tuần (vì họ phải tiếp khách hàng, làm hồ sơ giúp tôi trong những ngày tôi vắng mặt) nên cứ hỏi thăm:

- Năm nay định đi đâu đó?

Tôi chỉ trả lời nhẹ nhàng:

- Europe.

Tôi có nói sai đâu, Turkey cũng ở Europe mà.

Đầu tháng 9, chính phủ Mỹ và đồng minh đã trả đũa cho những hành động dã man của bọn phiến quân Hồi Giáo bằng những trận bom dội tới tấp vào Syria. Sau khi thành công với những trận bom đầu tiên thì Mỹ lại dẫn đầu các cuộc không kích mở rộng ra các khu vực khác của Syria, với mục tiêu triệt phá Khorasan, nhóm khủng bố mới xuất hiện. Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng ra thông báo nhắc nhở công dân Mỹ muốn đi du lịch những nước miền Trung Đông, bao gồm cả Turkey phải đề cao cảnh giác, thận trọng từng nước bước, đường đi, nhất là những thành phố ở miền Đông và Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ còn khuyên bảo tốt nhất là trước khi đi thì du khách nên ghi danh tại Tòa Đại Sứ hay Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ gần nhất trong chương trình STEP (The Smart Traveler Enrollment Program). STEP là một dịch vụ miễn phí để công dân Mỹ ở nước ngoài có thể nhận được những thông tin an toàn về đất nước họ muốn đến thăm viếng, và để có thể nhận được sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ trong trường hợp khẩn cấp, bất trắc.

Cuối tháng 9, ngày đi của chúng tôi đã gần kề. Lúc này thì tình hình Turkey có vẻ hỗn loạn hơn vì số người tị nạn Syria tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để chạy trốn chiến tranh và phiến quân Hồi Giáo càng lúc càng tăng, và đã lên đến 130 ngàn người trong vòng 1 thời gian ngắn. Tôi nhìn bản đồ Turkey, tự trấn an là khoảng cách từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên tới những thành phố chúng tôi sẽ đến viếng thăm xa ghê lắm. Hơn nữa, tôi cũng đỡ lo lắng vì đầu tuần trước, trong lúc đi "thám thính" Thổ Nhĩ Kỳ, bà giám đốc AV đã gửi về cho chúng tôi 1 cái email nói:

- Em đã ghi danh tất cả mọi người trong đoàn với Tòa Đại Sứ Mỹ, các anh chị cứ yên tâm sắp soạn hành trang. Và nói thêm cho các anh chị rõ là mọi sự đều tốt đẹp, em không tìm thấy bọn IS ở đâu hết, đi tới chỗ nào, em cũng thấy ngập tràn du khách.

Thế là chúng tôi hân hoan lên đường. Sau 2 tuần lễ đi tour với AV, hai vợ chồng tôi còn theo chân ông bà Tám đi lang thang ở hai hòn đảo nổi tiếng Santorini và Mykonos 5 ngày nữa mới về. Chuyến bay chở chúng tôi đi và về êm ru, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn hơi chao đảo trên không trung vì bị gió nhồi.

Khi tôi trở lại sở làm, mấy người bạn cùng nhóm (lúc này đã biết tôi đi du lịch Turkey rồi), xúm xít thăm hỏi:

- Thế nào, có thấy... gì không?

Chắc họ muốn hỏi tôi là có... gặp gỡ quân IS hay không? Tôi mỉm cười:

- Thấy nhiều lắm, du khách ở khắp mọi nơi, vào Blue Mosque không chen chân nổi để chụp hình.

Còn ông chồng tôi thì chế diễu tôi:

- Sao, mình về an lành chứ hả? Nếu nghe lời em cancel thì đã hụt thêm 1 chuyến đi. Đã nói với em rồi, trời gọi tên ai nấy dạ. Nếu lúc nào em cũng suy nghĩ vẩn vơ để rồi hoảng sợ thì mình sẽ không bao giờ làm được gì hết. Em có nghe câu nói này chưa: "Hãy làm những gì có thể làm được ngày hôm nay, bởi vì chưa chắc mình có thể làm được ở ngày mai, hoặc là cái ngày mai đó sẽ không bao giờ tới".

Ừ thì cứ nghĩ là vậy đi, trời gọi ai nấy dạ. Nhưng tôi chỉ muốn "mặc cả" với... Trời là mai này nếu Trời có muốn gọi tên tôi, thì xin hãy gọi vào lúc tôi đã hoàn tất những ngày vui.

Bảo Trân

*Quẳng Gánh Lo Đi http://vietbao.com/a164699/quang-ganh-lo-di

Ý kiến bạn đọc
10/12/201418:19:45
Khách
Sống gần những người hay lo lắng thái quá một cách bệnh hoạn như vầy thật chán ... Đời sống ngắn ngũi mà không biết hưởng thụ.
09/12/201421:52:59
Khách
Cám ơn Bảo Trân !
Cô đả viết lên đúng những lo sợ cũa tôi .
08/12/201420:50:21
Khách
This lady is funny. She should be happy that she has money and time to travel like that!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến