Hôm nay,  

"Ghét Của Nào..."

28/10/201400:00:00(Xem: 15800)

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 4373-14-29773vb3102814

Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator - giúp hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại vùng Bắc California. Bài mới nhất của tác giả là chuyện nhà có mẹ già.

* * *

blank
Hội Hoa Xuân tại San Jose, California.

Người Á châu mỗi khi có chuyện gì xẩy ra, họ thường nói đó là do duyên kiếp hoặc số trời đã định, không thể nào tránh được. Do đó, hắn thấy câu tục ngữ "Ghét của nào, trời trao của ấy" quả ứng nghiệm với gia đình của hắn, hay nói rõ hơn là trường hợp mẹ của hắn.

Mặc dầu khi ấy hắn còn ngây thơ chưa biết chuyện đời nhưng hắn nhớ một hôm có tiếng xập cửa mạnh, rồi tiếng mẹ khóc thút thít ở ngoài phòng khách. Mẹ phân trần với chú Ba nào là mấy tuần nay không biết bố hắn đi đâu mà rất ít khi có mặt ở nhà, không biết mèo nhà ai đã hớp hồn bố rồi.

- Chị cứ khéo lo chuyện hão huyền. Thời buổi chiến tranh xẩy ra, việc lính tráng phải đi công tác xa nhà là chuyện bình thường, chứ làm gì có mèo chuột.

- Nếu đi công tác sao không cho vợ con biết đi đâu?

- Đã là bí mật quân sự mà cho chị biết đang làm gì thì còn gì là bí mật nữa!

- Mọi khi ông ấy thường cho tôi biết ông ấy đi đâu nhưng dạo này hoàn toàn im lặng. Tôi nghĩ ổng nuôi con mèo ở đâu rồi...

Đang cố gắng áp tai vào khe cửa để nghe rõ hơn, bỗng có ai chụp tay vào vai và kéo hắn rời khỏi cánh cửa ngăn phòng khách và phần nhà bên trong. Hắn quay mặt lại gặp ngay bộ mặt giận dữ của anh hai hắn.

- Ai cho phép em nghe lén chuyện người lớn vậy?

- Em nghe tiếng mẹ khóc nên muốn biết chuyện gì xảy ra.

- Con nít mà lắm chuyện. Lên lầu học bài đi, sắp tới ngày thi mà không chịu học hành gì cả.

Ngày hôm sau bố hắn về nhà như mọi bữa và hắn không nghe ai nói gì về chuyện mèo chuột nữa....

Thoáng thế mà gần nửa thế kỷ trôi qua. Gia đình hắn đã trải qua những ngày tháng lênh đênh trên biển cả, những tháng năm cực nhọc đi học, đi làm tại một xứ sở không người thân quen. Kể từ ngày bố mất cách đây gần bốn năm, mẹ từ giã thành phố lạnh lẽo vùng tây bắc nước Mỹ để về ở hẳn với chị em hắn tại miền bắc Cali nắng ấm vào tháng Giêng 2011. Lúc đầu chị em hắn ngồi bàn thời khóa biểu của nhau để chia phiên lúc nào cũng phải có người ở nhà với mẹ.

Sau 5 tháng mùa lạnh không có một hạt tuyết rơi, lại được đi dự những hội chợ Tết, chợ hoa, chợ trời, xem văn nghệ hoàn toàn bằng tiếng Việt, không cần phải khua chân múa tay như khi xưa, mẹ hắn có vẻ hài lòng với vùng đất mới này. Tuy có người lo vấn đề chợ búa nấu ăn hằng ngày, nhưng bà mẹ 80 tuổi đã quen tính tự lập từ thời con gái không thể ăn không ngồi rồi. Mẹ luôn tay cầm cây chổi quét nhà sáng, trưa, và tiện tay xếp dọn gọn ghẽ tất cả những sách vở, giấy tờ trên mặt bàn. Cả nhà hắn dở khóc dở cười vì giấy tờ dọn dẹp quá ngăn nắp khiến không ai tìm thấy những gì mình cần tìm nhanh được. Nhưng ai cũng phải để cho mẹ tự do chọn công việc mẹ thích làm.

Một trong những việc mẹ thích là làm vườn. Nhớ tới khu vườn rộng lớn tươi xanh cây trái của mẹ khi xưa, em trai hắn đề nghị nó sẽ xung phong cuốc miếng đất đen cứng sau nhà cho mẹ trồng hoa, trồng cà cho vui cửa vui nhà. Thế là 3 tuần lễ nghỉ hè về thăm mẹ từ New York được trọng dụng tuyệt đối cho việc đào xới khu vườn đất sét mà trong bao năm qua chỉ có mỗi cây chanh còn tồn tại. Em hắn dự trù công việc cuốc đất (miếng đất chỉ khoảng 15 feet vuông) tốn vài ba ngày là xong, ngày đầu tưới nước cho đất mềm, ngày sau đào đất, rồi đi ra tiệm Orchard Supply và Home Depot mua các loại cây giống trồng sẵn trong những chậu nhỏ đem về trồng. Sáng sớm hôm sau ra vườn, trên tay hai người cầm cái xẻng, mẹ thì xẻng nhỏ bằng bàn tay, vạch từng ô vuông khu nào cần đào 1 feet hay 3 feet, trong khi đó em hắn cầm xẻng lớn bằng sắt dậm chân lên chiếc xẻng để bẩy đất lên cho dễ. Công việc coi vậy mà không dễ tí nào - khu vườn bao năm qua chị em hắn tuân theo lời tiết kiệm nước tối đa của tiểu bang Cali nên đã không trồng trọt gì cả, chỉ lâu lâu tưới tí nước vào cây chanh nên mảnh vườn khô cằn đầy sỏi đá và đất sét.

blank
Hái cà chua ngoài vườn.

Thế là hè năm ấy vườn nhà hắn có bốn cây hoa hồng (trắng, vàng, đỏ, đỏ xậm), một chậu trồng trái dâu tây, hai cây dưa leo, hai cây ớt, sáu cây cà chua nhỏ, và vài cây zucchini bò chằng chịt dưới đất. Khi cây trái bắt đầu thu hoạch, nhà hắn chỉ có thể tiêu thụ dưa leo và cà chua hàng ngày, còn zucchini không thể ăn nhanh được nên mẹ hắn cứ để nó mọc tự nhiên. Đến khi nó lớn như bắp tay vạm vỡ của một chàng thanh niên thì mẹ hắn đem tặng bà con hàng xóm. Ai cũng khen bà cụ có ngón tay xanh "green thumb" vì mỗi quả dài khoảng 15-16 inch, phân nửa có thể nấu như canh bí, còn nửa kia có thể làm món xào cho cả gia đình.

Khi trời vào thu, lá vàng rơi rụng, thì vườn rau mẹ hắn cũng tàn úa theo. Thế là mẹ hắn hết việc làm - quét nhà và quét lá chỉ một tiếng là xong vì nhà Cali chỉ bằng "cái mắt muỗi" so với nhà của bố mẹ khi xưa tại tiểu bang xứ tuyết "vừa rẻ mà đất lại rộng rãi", đọc báo và xem tivi chỉ nửa tiếng là chán vì mỏi mắt. Trong lúc chị em hắn còn đang suy nghĩ có việc gì lâu dài, dễ làm mà không hại đến sức khỏe của mẹ, thì bà cụ đã tìm ra công việc mới cho chính mình, cho hai đứa cháu ngoại nghỉ việc chăm nom con mèo "để chúng có thì giờ học bài ở trường". Đây là ba con mèo mà đứa em gái út của hắn cứ mủi lòng đem về nuôi từng con một vì không muốn thấy chúng bị đưa vào "giấc ngủ thiên thu" nếu không ai chịu nhận nuôi.

Mẹ hắn phân trần:

- Ngày xưa mẹ đã từng nuôi một nách 6 đứa con, cho đi học, lo ăn uống đầy đủ mỗi ngày ba bữa. Không lẽ bây giờ nhà có ba con mèo nhỏ và chỉ cần cho ăn thức ăn trong hộp, ngày hai bữa sáng và tối với việc vệ sinh cho chúng mà mẹ không lo được sao?

- Nhưng mấy con mèo này háu ăn và hay tranh giành đồ ăn của nhau lắm, làm sao mẹ nhanh tay hơn chúng được? Đó là chưa kể hộp "litter" nặng 40 lbs, làm sao mẹ có thể tự khiêng được để đổ vào thùng cầu tiêu của con mèo...

Em hắn chưa dứt lời phân bua thì đã bị mẹ ngắt lời:

- Chuyện đó đâu có gì khó. Mẹ chỉ cần lấy cái muỗng lớn là có thể múc ra được, đâu cần phải khiêng nặng vừa đau tay mà lại mỏi lưng! Vả lại mẹ ở nhà suốt ngày không phải đi làm, đi học, nếu không có việc gì làm cho khuây khỏa thì người lại sinh bệnh tật.


Chị hắn thêm vào:

- Mẹ nói đúng đấy. Cứ để mẹ làm thử vài ngày, nếu mẹ không thích thì việc "nuôi mèo" vẫn thuộc về trách nhiệm hai đứa nhỏ.

Thế là từ dạo ấy, ba con mèo được vào khuôn khổ dạy dỗ của bà cụ theo tinh thần Việt Nam - ăn, ngủ, chơi, làm vệ sinh phải đúng giờ và đúng chỗ. Thỉnh thoảng lúc ăn cơm trưa hoặc cơm chiều bà cũng cho chúng nếm mùi các món ăn Việt. Ngay cả tên cúng cơm Mỹ của chúng cũng được Việt hóa. Không còn những danh xưng "Ngọt Ngào", "công chúa Alexandra", "chú mèo hoạt họa Garfield", mà thay vào đó là những tên gọi bình dân tùy theo tuổi tác hoặc vóc dáng, "Mèo Già", "Mèo Trẻ", "Mèo Vàng". Thoạt đầu cả nhà hắn ngẩn ngơ không biết mẹ hắn muốn nói con mèo nào khi gọi những cái tên đơn giản này cho tới khi hiểu được hệ thống đặt tên đặc biệt này.

blank
"Mèo Trẻ" hóng gió trên hàng rào.

Một hôm sau bữa ăn sáng, cô mèo trẻ Alex lẻn ra ngoài vườn chơi, nó phóng lên hàng rào ngăn đôi nhà bên cạnh rồi nhảy phóc lên cây thông xum xuê của nhà hàng xóm và lướt đi những bước nhẹ nhàng từ nhánh cây này đến nhánh khác mặc cho bà cụ vừa dọa vừa năn nỉ:

- "Mèo Trẻ"! "Mèo Trẻ"! coi chừng té... đi về ngay... đi về thì bà cho ăn cơm, nếu không bà cho đứa khác ăn hết ráng chịu...

Bà cụ gọi mãi khan cả cổ họng nhưng cô mèo Trẻ vẫn biệt tăm dù bà đã cẩn thận đi ra sân trước, vườn sau cả mấy mươi lần để tìm nó. Khoảng 3 giờ chiều đứa cháu ngoại và chị hắn vừa mở cửa bước vào nhà đã nghe tiếng bà cụ than thở:

- Mất rồi, nó đi mất rồi, kiếm không ra!

- Mẹ mất cái gì? Chắc mẹ để quên đâu đó trong phòng.

- Không. Mẹ không mất gì cả. Mẹ đang nói con mèo đi mất rồi, mẹ kiếm không ra!

- Sao bà không kêu tên thì nó sẽ về ngay.

- Bà đã gọi cả ngày rồi nhưng vẫn không thấy nó.

- Bà gọi bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Mỹ? Có thể nó không hiểu tiếng Việt.

- Sao lại không hiểu tiếng Việt? Mỗi ngày tới bữa ăn bà đều nói bằng tiếng Việt và cả ba đứa đều chạy lại ăn không thiếu đứa nào. Hơn nữa bà cũng gọi tên Mỹ "A-lếch" của con mèo Trẻ mà cũng không thấy nó.

- Hèn chi nó không chịu về vì bà gọi tên ai chứ đâu phải tên nó. Bà phải nói tên nó có chữ "X" thì nó mới biết bà gọi nó.

- "A-lếch-sờ"... "A-lếch-sờ"...

- Bà phải gọi là "Alex", "Alex", mới đúng.

- Thôi cháu ra ngoài vườn kiếm nó, rồi gọi nó về cho bà.

Nhận thấy sắc mặt bà cụ có vẻ xanh xao vì mất mèo, thế là hai mẹ con chị hắn bỏ hết mọi công chuyện, bèn ra sân trước vườn sau, rồi đi từng căn nhà hàng xóm kiếm mèo. Đứa cháu luôn miệng gọi tên cô mèo Alex inh ỏi để may ra cô mèo nhận được tiếng người quen mà trở về. Nhưng hoài công vô ích, sau một tiếng đồng hồ quanh quẩn hai khu phố gần nhà, cả hai với bộ mặt buồn thiu vẫn tay không trở về.

Rồi một ngày, hai ngày, ba ngày trôi qua, Alex vẫn biệt tăm hơi không thấy xuất hiện. Tối hôm ấy khi mẹ và em gái hắn ra xe chuẩn bị đi lễ tối thứ bẩy, bỗng bà cụ nghe loáng thoáng có tiếng mèo kêu nhưng bà không định được từ hướng nào vì trời đã xẫm tối, bà bảo em gái hắn:

- Hình như mẹ nghe thấy có tiếng mèo kêu như con mèo Trẻ. Con gọi thử xem có phải là nó không?

- Mẹ nghe thấy tiếng mèo kêu ở đâu?

- Hình như gần đâu đây, trời tối quá mẹ nhìn không rõ.

- Alex... Alex... come here (lại đây).

Em gái hắn gọi Alex vài lần nữa và nghe có tiếng mèo yếu ớt trả lời "meow, meow" ở nhà hàng xóm bên kia đường. Em hắn băng qua đường theo hướng mèo kêu trong bụi cây hồng của nhà ông bà Tom người Đức. Con mèo vẫn tiếp tục kêu "meow, meow" một cách yếu ớt nhưng không chịu rời khỏi bụi cây.

- Mẹ về nhà lấy giùm con cái bát có đựng mấy hột thức ăn khô của con mèo mà con đã để sẵn trên bàn trong nhà bếp. Chỉ có cách đó mới dụ nó ra được thôi.

- ....

- Có phải cái bát đựng mấy hạt mầu nâu nâu, nhỏ như hạt lựu này không?

- Đúng rồi đó. Đây là món ăn chơi mà con mèo nào cũng thích cả.


photo_5"“Mèo Vàng” trú nắng trưa hè"

Vừa nói em hắn vừa bốc tay vào bát và đặt vài hột thức ăn gần bụi cây hồng, con mèo nhích mũi ngửi rồi dùng chân phải kéo hột thức ăn lại gần và ăn tại chỗ trong bụi cây. Không thể kiên nhẫn chơi trò "mèo vờn chuột" vì đã trễ giờ đi lễ, em hắn nói với mẹ:

- Bây giờ mẹ vào xe ngồi trước, con sẽ để mấy hột thức ăn này cách nhau một gang tay, khi nó ra ngoài ăn mà con thấy đúng là con mèo Alex của nhà mình thì con sẽ chụp bắt nó liền.

Nhìn thấy mẹ đã vào xe, em hắn bắt đầu rải từng hột thức ăn cách nhau một gang tay ra đến mặt đường, rồi bỏ bát xuống đất đứng chờ. Con mèo không thấy có người đứng sát bên nên nhón nhén từng bước ra khỏi bụi cây và mon men đến gần hột thức ăn. Nhìn điệu bộ và dáng đi, em hắn nhận ra đó chính là Alex. Khi Alex tiến gần để ăn hột thứ năm thì cũng là lúc em hắn lại gần và ôm chặt cô nàng vào lòng, nhặt cái bát lên và chạy về nhà. Sau khi thả cô mèo Trẻ xuống đất tiếp tục ăn bát thức ăn trong nhà bếp, em hắn vội vàng rửa tay, khóa cửa chính và ra xe chở mẹ đi lễ.

Kể từ dạo ấy, mẹ và em gái hắn bắt đầu tập cho cả ba con mèo ra vườn sau chơi dưới sự kiểm soát của cả hai mỗi khi ra làm vườn thay vì nhốt chúng ở trong nhà suốt ngày như xưa chỉ vì sợ chúng đi lạc. Nhờ vậy sau một thời gian làm quen và định hướng được nhà mình ở đâu, hai cô nàng "Già" "Trẻ", và anh chàng "Garfield" dù rời nhà ở vườn sau nhưng vẫn có khả năng về nhà "meow" gọi đòi vào ở đằng cửa trước hoặc ở cửa sổ nhà bếp nơi mẹ hắn thường ngồi đọc báo.

Giờ đây mỗi ngày đi học, đi làm về nhà, cả gia đình chị em hắn đều được nghe những mẫu chuyện vui buồn của ba con mèo, từ tính tình tham ăn chụp giựt của "Mèo Vàng", thói quen rời nhà khi trời vừa sáng của "Mèo Trẻ", lẩn tính nhu mì, kiên nhẫn chờ được cho ăn của "Mèo Già". Hắn nghĩ dù mẹ hắn chưa bao giờ đọc sách văn hóa phương Tây, nhưng mẹ hắn dường như có cùng quan điểm về thú vật, và có cùng cách suy nghĩ như người Tây phương:

- Thú vật là những người bạn dễ tính, chúng không thắc mắc và không bao giờ phê bình. (nhà văn người Anh George Eliot)

- Thà làm con chuột trong miệng con mèo còn hơn làm người trong tay luật sư. (tục ngữ Tây-Ban-Nha)

- Thà nuôi một con mèo còn hơn nuôi nhiều con chuột. (tục ngữ Na-Uy)

- Chó có chủ, mèo có đầy tớ. (tục ngữ Tây Phương)

- Bông hồng có gai, mèo có móng, cả hai đều đáng để ta liều. (tục ngữ Tây Phương)

- Con mèo là sự khác biệt lớn giữa việc trở về một căn nhà cô quạnh và về một mái nhà. (tục ngữ Tây Phương)

Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,832
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến