Hôm nay,  

Bên Kia Bờ Sinh Tử

12/10/201400:00:00(Xem: 12889)
Tác giả: Tưởng Dung
Bài số 4358-14-29758vb8101214

Tác giả là một cựu học sinh Ngô Quyền, Biên Hòa. Trước 75, sinh viên Văn Khoa Sài Gòn và dạy học tại TH Long Thành. Sang Mỹ năm 1981. Hiện cư ngụ và làm việc tại Los Angeles, California. Đã có bài đăng trên một số tạp chí và diễn đàn trên mạng internet. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là Dòng Thời Gian, Tháng Tám 2012. Bài viết mới có kèm theo lời ghi: “Thay lời tiễn biệt Thầy Nguyễn Xuân Hoàng và lời chúc an lành đến cô Vy.

* * *

blank
Một chân dung Nguyễn Xuân Hoàng.

Dù biết tình trạng sức khỏe của Thầy Nguyễn Xuân Hoàng từ hơn một năm nay đang được tính từng giờ, từng ngày theo lời chuẩn đoán của bác sĩ nhưng sáng thứ Bảy ngày 13 tháng 9 vừa qua, được tin Thầy mất tôi vẫn thảng thốt, lặng người.

Bởi lẽ, tôi vẫn còn nợ Thầy 2 lời hứa. Một là sẽ mời Thầy đi uống cà phê Starbucks khi có dịp đến SanJose. Hai là sẽ viết một bài về những ấn tượng, hình ảnh nhà văn NXH trong tôi sau lần thăm viếng, vấn an sức khỏe của Thầy trước buổi họp mặt Truyền Thống Ngô Quyền kỳ thứ 13 tổ chức tại San Jose hồi đầu tháng 7, mà tôi vẫn chưa thực hiện được.

Tôi không có duyên làm học trò của Thầy như các khóa đàn anh, đàn chị vì lúc Thầy về dạy trường Ngô Quyền tôi chỉ mới là con bé học trò lớp một bậc tiểu học và sau này khi lên bậc trung học đệ nhị cấp tôi mới biết Thầy còn là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng ở Sài Gòn.

Sau 75, có lần tình cờ nghe chị bạn đồng nghiệp, - cháu của ông Nguyễn Đình Vượng, có nhà in ở đường Phạm Ngũ Lão, và cũng là tòa soạn báo Văn ngày trước - cho biết chị là láng giềng khá thân với gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nên hễ có dịp lên Sài gòn đến chơi nhà chị, tôi lại nhìn sang căn nhà đối diện để mong một lần gặp nhà văn mà tôi hằng ngưỡng mộ đang bước ra cửa hoặc vừa đi đâu về, biết đâu lại được gặp nhân vật ''Vy'' trong ''Bất cứ nơi nào bất cứ ở đâu'' của NXH, - bài tùy bút lãng mạn, với những cảm xúc tình yêu thật mãnh liệt đã làm rung động tâm hồn hay mơ mộng của tôi dạo ấy biết bao! - Vì thế, căn nhà có cái cổng sắt bên ngoài, trước bậc thềm dẫn đến cánh cửa gỗ vào nhà, nằm trong con hẽm nhỏ bên hông rạp Quốc Thanh luôn là cái cớ để tôi ngó, ngóng, và chờ mỗi lần đến thăm chị. Thế mà cho đến khi tôi từ bỏ nghề giáo, tìm đường vượt biên cũng chưa lần nào được ''chạm trán'' với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.

Đến lúc sang Mỹ, lần đầu gặp Thầy là khi tôi có việc ngang qua tòa soạn báo Người Việt ở Cali, khoảng năm1994, rất tình cờ Thầy cũng vừa từ tòa soạn bước ra. Với dáng dấp trẻ trung, gương mặt hiền hòa, trắng trẻo, áo polo, quần short, trông Thầy giống một nhà thể thao hơn là một nhà văn, nhà giáo. Thấy tôi đang nhìn chăm chú Thầy nở ngay nụ cười thân thiện. Lúc đó, vì thấy gương mặt khá quen mà chưa nhớ là ai nên tôi cứ nhìn Thầy lặng thinh, đến khi sực tỉnh cảm thấy mình vô duyên quá, tôi vội gật đầu chào Thầy rồi bước đi. Tới chỗ đậu xe, trong trí tôi mới bật lên tiếng reo: A! nhà văn NXH. Tôi vội quay lại thì thấy Thầy đã lên xe với một người đàn ông, chắc là bạn nhà văn, nhà báo. Lần gặp đầu tiên, tình cờ, nhanh như chớp đó dù không nói được câu nào nhưng đã cho tôi hình ảnh khá ấn tượng về Thầy: đẹp trai, nhã nhặn, lịch sự và trẻ trung hơn hình ảnh tôi đã tưởng tượng trong trí.

Đến năm 2008, khi tôi bắt đầu tham gia sinh hoạt và phụ trách trang web của trường, mới biết được Thầy cũng từng là giáo sư dạy Triết ở Ngô Quyền, vừa ngạc nhiên vừa hãnh diện tôi liên lạc ngay với Thầy để xin bài post trên trang nhà và thỉnh thoảng cũng gửi đến Thầy những bài viết ''amateur'' của tôi để nhờ Thầy... chấm điểm. Thầy luôn hồi âm với những lời ân cần khích lệ về những bài viết còn vụng về văn chương chữ nghĩa của tôi. "... những bài viết của em mang đầy tính văn học. Em viết hay lắm! Mong đọc tiếp những sáng tác mới của em. Học sinh Ngô Quyền, Biên Hòa sao nhiều tài năng thế?". Chỉ với vài câu ngắn gọn trong email nhưng cũng đã khiến lòng tôi đầy ắp niềm vui, hạnh phúc. Sau lần gửi cho Thầy đọc bài thơ ''Tháng Tư nắng'' trong có đoạn:

''Đêm thật sâu và nỗi buồn rất lạ.
Như buổi chiều góc phố tình cờ qua.
Chỗ ngồi quen, Starbucks nắng nhạt nhòa.
Cà phê đắng hay tình yêu hóa đắng?"

Thầy hỏi tôi: ''Chắc em cũng thích uống cà phê lắm nhỉ. Tôi thì ghiền lắm. Không có không được. Khi nào lên San Jose báo một tiếng tôi sẽ mời em uống cà phê Starbucks nhé.'' Tôi hứa với Thầy: ''Chắc chắn, nhưng để Dung mời Thầy nha."

blank
Ngôi nhà, nơi thầy đã an dưỡng những ngày cuối đời.

Năm 2012, dự định lên San Jose họp mặt truyền thống NQ lần thứ 11 sẽ gặp và mời Thầy đi Starbucks như lời hứa nhưng đến gần ngày đi thì em gái tôi mất, tang lễ của em cùng thời gian với ngày họp mặt đã khiến tôi phải hủy bỏ chuyến đi và thất hứa với Thầy.

Từ dạo đó, tôi chưa có dịp lên San Jose lần nào nữa thì được tin Thầy lâm trọng bệnh. Căn bệnh quái ác, hiểm nghèo ''ung thư ác tính Sarcoma'' đã hành hạ Thầy từ tháng 6 năm ngoái khiến mọi người hay tin đều bàng hoàng, lo lắng.

Ba tháng sau khi biết tin Thầy bệnh, đọc bài ''Trang Nhật Ký'' trên facebook của cô Vy, tim tôi như ai bóp nghẹn, lòng đầy thương cảm. Không những chỉ Thầy mà cả Cô Vy đã phải chịu đựng, trải qua những giai đoạn khổ đau, cùng cực đến vậy. Tôi không giữ được nước mắt khi đọc đến câu "Trời ơi! có cách nào tôi thế mạng được chồng con! Trời già cay nghiệt! Ông nghĩ là tôi mạnh mẽ đến nhường này sao?!''.

Tôi thương Thầy và càng cảm phục cô Vy nhiều hơn. Sức chịu đựng của cô thật kiên cường, mãnh liệt vừa đương đầu, chống trả với định mệnh khắc nghiệt đang phủ ập xuống người thân yêu vừa phải chiến đấu với 2 căn bệnh trầm kha của chính mình nên càng thấm thía, xót xa khi cô chấm dứt ''Trang nhật ký'' với những lời vỗ về, an phận: ''Phùng Quán vịn vào câu thơ mà đứng vững. Mình dựa vào tình thương của mọi người, nghiến răng, đứng lên mỉm cười với số phận. Cám ơn tình bạn, cám ơn thương yêu và thông cảm. I love you all! ''


Tôi nhủ lòng phải cố thu xếp đi thăm Thầy kẽo quá trễ. Và tôi đã có lần thứ hai gặp Thầy, không ngờ cũng là... lần cuối.

Hôm đó là thứ Bảy ngày 5 tháng 7, nhân dịp cùng phái đoàn từ Nam Cali lên San Jose dự họp mặt Ngô Quyền lần thứ 13, tôi tháp tùng với anh chị Tuấn-Hiền, cùng Thầy Hoàng Phùng Võ, Thầy Mai Kiến Phúc, Cô Đặng Thị Trí, cô Bùi Ngọc Lan đến thăm Thầy.

Đã chuẩn bị tinh thần là sẽ gặp Thầy trong tình trạng rất xấu, một người bệnh trong hoàn cảnh đau khổ trăm điều, đang ở cạnh bờ sinh tử, chắc cũng chỉ được nắm tay, đứng nhìn. Vì qua tin tức trên báo chí, internet, bệnh tình Thầy ngày càng tệ hơn và ngay trước đó 1 tuần, Diệu Hương còn báo là: ''Chị D. ơi, Thầy Hoàng yếu lắm rồi, có thể đi bất cứ lúc nào'' nên tôi bước vào phòng với tâm trạng rất hồi hộp, sửa soạn chứng kiến cảnh não lòng.

Nhưng không ngờ trước mắt tôi lúc bấy giờ là một người đang bình thản, nghỉ ngơi. Mái tóc bạc trắng, da mặt vẫn còn nét hồng hào khiến Thầy toát ra vẻ đẹp thần thái phiêu diêu, thoát tục. Khi nghe tôi và anh Tuấn giới thiệu mục đích hôm nay ngoài việc vấn an sức khỏe là việc báo tin: ''Thư quán Nguyễn Xuân Hoàng'' đã được thành lập trên trang web NQ và sẽ được giới thiệu rất trang trọng đến Đại Gia Đình NQ trên toàn thế giới ngay buổi tối hôm nay ở tiệc họp mặt NQ, Thư quán này sẽ là nơi lưu trữ, lưu truyền đầy đủ, vĩnh viễn những bài viết, hình ảnh, tài liệu về nhà văn, nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng cho thế hệ mai sau.'' Gương mặt Thầy bỗng linh hoạt hẳn lên. Đến khi thấy anh Tuấn cầm tập hình ảnh của Thầy mà anh đã cất công sưu tầm, chỉnh sửa, phác họa để làm thành bộ Album ''Chân Dung Nguyễn Xuân Hoàng'', Thầy tự ngồi dậy, cầm lấy ngắm nghía từng tấm, mặt lộ vẻ hân hoan, xúc động, khen anh Tuấn không ngớt lời, vừa xem vừa trò chuyện với chúng tôi bằng một giọng từ tốn, nhưng thật rõ ràng, mạch lạc. Sau đó thầy còn ký tặng chúng tôi mỗi đứa hai quyển sách mới tái bản của Thầy là quyển ''Bụi và Rác'', ''Người Đi Trên Mây'' và quyển Đặc San ''NXH trên dòng sông Petrus Ký".

Thật không ngờ! Tôi đứng nhìn Thầy nói cười vui vẻ với anh Tuấn mà lòng suy nghĩ miên man. Thầy khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của một vị Thiền Sư đã ''đạt'', đã ''ngộ'' được ý nghĩa ''Sinh Tử'' của đời người. Từ những hạnh phúc, vui thỏa bước qua những đau khổ, bệnh tật mà Thầy đã trải nghiệm, đã thấu đáo, đã vượt qua... quá đầy đủ, đến tận cùng... nên giờ đây không còn gì có thể làm cho Thầy phải băn khoăn, lo lắng hay sợ hãi nữa. Có lẽ cũng vì đã cảm nghiệm hết mọi hệ lụy và cái lẽ vô thường của cuộc đời, đã sống và chấp nhận chúng hàng ngày nên Thầy mới có được cái thần thái trong sáng, ung dung, thân tâm an lạc như vậy.

Lúc bước vào nhà, người mở cửa cho chúng tôi là cô Vy, tôi vẫn ao ước được gặp cô từ lúc cô chỉ là một nhân vật trong bài tùy bút của Thầy Hoàng mà giờ mới được dịp. Đúng như tôi nghĩ, Cô gầy ốm, ẻo lả như một chiếc lá, nhưng nét đẹp thời con gái vẫn còn tiềm ẩn dịu dàng trong sắc diện, dáng dấp của cô. Tôi chào cô và nhắc chuyện về người bạn láng giềng của cô trong lúc chờ các Thầy Cô vào phòng thăm người bệnh trước. Cô vẫn nhớ và hỏi thăm sốt sắng đến bà cụ Thanh, mẹ của chị.

Nhìn cô Vy hôm nay, qua tấm ảnh ngày cô còn trẻ và đọc bài ''Thơ tình cuối đời'' của cô viết cho Thầy, tôi nhận ra rằng Thầy đúng là người đàn ông hạnh phúc nhất trần gian, vì đã có được một ''hồng nhan tri kỷ'' thương yêu hết mực, luôn tận tụy, đồng hành, sắt son với Thầy cho đến cuối đời.

''Chung đời tình, có hạnh phúc, có đớn đau, với em anh vẫn hoài là trái núi che mất mọi người, để em dù có những phút cuồng ngông vẫn không thấy được ai cả, ngoài anh.

Em cùng anh, có nước mắt có nụ cười, có đắng cay có điều phải chọn, có bao giờ ta tiếc là đã chọn cùng nhau đi hết đường đời, có bao giờ ta ân hận là đã phải cùng nhau xẻ chia ngày tháng của anh, của em.''

(Trương Gia Vy)

Nhìn cô gầy guộc, mong manh với biết bao sóng giật bão giông quanh mình mà vẫn giữ nét thản nhiên, linh động mới biết cô đã kiên cường, mạnh mẽ tới mức nào. Tôi thật vô cùng ngưỡng mộ khi đọc những lời Cô ân cần, nhắn nhủ Thầy trong thơ, những giờ phút sắp chia lìa:

''Dậy đi anh, một ngày trời đẹp.
Hương tóc em vẫn là của anh khi anh cần mùi hương quen ru ngủ.
Và tay em, đưa sẵn, đợi anh, lúc anh mong được những sẻ chia.''
(Trương Gia Vy)

Lẽ ra tôi đã viết bài này để Thầy đọc khi còn tỉnh táo nhưng những tất bật của đời thường khiến tôi cứ lần lữa mãi đến giờ Thầy đã vĩnh viễn ra đi. Thôi thì mượn làn hương khói, nương áng mây trời gửi đến ''Người đi trên mây'' những lời chưa nói hết thay cho lòng tri ân và tiếc thương vô vàn.

''Sinh ký tử quy'' là định luật của đất trời. Nơi ''cõi tạm'' Thầy đã sống xứng đáng với vai trò là một Nhà Văn, Nhà Giáo bằng nhân cách và những cống hiến của mình cho văn học Việt Nam thì hôm nay, trên đường đến ''cõi về'' tôi tin rằng Thầy cũng sẽ thanh thản, an nhiên như lần chúng tôi đến thăm Thầy hồi đầu tháng 7 vừa qua, để Thầy sẽ mĩm cười nơi ''cõi tịnh'' vì biết rằng chúng tôi đã hứa gìn giữ ''Thư Quán Nguyễn Xuân Hoàng'' trên trang ngo-quyen.org như một gia sản văn học quý báu cho thế hệ mai sau.

Xin chia sẻ nỗi đau buồn, mất mát lớn lao này với cô Vy. Từ nay, dù không còn Thầy bên cạnh nhưng tôi tin rằng với tấm lòng, nghị lực sẵn có bên cạnh sự thương yêu, nâng đỡ của các con và bạn bè, cô Vy sẽ luôn ''chân cứng đá mềm'' để tiếp tục những bước thật vững chãi trên con đường thực hiện và hoàn thành những ý nguyện của Thầy trước lúc ra đi.

Cali, ngày 17 tháng 9, 2014

Tưởng Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,605,046
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến