Hôm nay,  

Heisler Park: Nắng, Cát & Biển Xanh

11/10/201400:00:00(Xem: 13380)
Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4357-14-29757vb7101114

Với 14 bài viết trong năm, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ" tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014 (hình). Bà là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi," từ tháng Tư 2013 tới nay đã có hơn 300,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Chuyện kể rằng có hai Thầy trò kia, thầy lỡ hứa với trò một ngày đẹp trời, Thầy trò cùng nhau đi picnic. Thầy bân quá, cứ hẹn lần hẹn lữa hoài. Trò chờ mãi chả thấy Thầy nhắc tới picnic. Một hôm, hai Thầy trò tình cờ nhìn thấy một đám đông người đi ngang qua. Xe cộ phải dừng lại. Thầy hỏi trò có chuyện gì. Trò nói: "Người ta đang đi... picnic, thưa Thầy". Thì ra đó là một đám ma.

Câu trả lời của trò làm tôi nhớ đến cuộc sống của chúng ta thật ngắn ngủi. Những bất trắc, bất hạnh của đời sống có thể xảy đến cho chúng ta bất cứ lúc nào nhất là các cụ cao niên, cụ nào cũng dính ít nhiều đến bệnh của người già. Cho nên ở cái tuổi ngoài sáu mươi trở đi, các cụ làm được việc gì thì cứ làm, vui chơi được chút nào thì cứ vui chơi. Thời gian không còn nhiều và không chờ đợi chúng ta. Đừng hẹn đến ngày mai. Ngày mai nghĩa là không bao giờ như chuyện đi...picnic.

Lớp vẽ của người Việt cao niên lần này tổ chức đi picnic thật. Toàn là những cụ tâm hồn trẻ trung và sức khỏe còn sung mãn nên các cụ tham gia nhiệt tình. Ngoài chị Kim Thoàn chân đi cà nhắc nhưng còn lê lết được, anh Phạm Anh học viên mới của lớp vẽ bị tai biến mach máu não đi đứng khó khăn, số còn lại khoảng hơn 60 người, theo lời rủ rê của chị Minh Hiếu trưởng lớp, chị là đầu tàu vừa năng nổ, xông xáo, vừa có óc tổ chức và...ham vui, chị kéo toa tàu si- nhơ lớp vẽ đi picnic tại công viên Heisler thuộc vùng biển Laguna Beach.

Heisler Park có biệt danh "Hòn ngọc e ấp nhỏ bé" (A little hidden gem) là một khuôn viên nằm trong bãi biển Laguna Beach chạy dọc theo con đường Pacific Coast Highway cách thành phố Santa Ana mười chín dặm về hướng Đông Nam thuộc tiểu bang Cali. Heisler Park nổi tiếng có bãi biển đẹp với những bãi cỏ và cây cối xanh tươi, những hàng dừa xanh mướt, những bãi tắm cát nhuyễn sạch và mịn, những địa điểm cắm trại có tính cách gia đình được trang bị tiện nghi như băng ghế sắt, lò nướng thịt, nhà vệ sinh, phòng tắm. Heisler Park với địa điểm Monument Point có gắn viễn vọng kính, các bạn có thể nhìn thấy hòn đảo Catalina Island được thu nhỏ và thật gần tưởng như có thể chạm tay vào được. Heisler Park còn nổi tiếng với những con dốc có những bậc thang với nhiều khúc quanh, hai bên là lan can và những tay vịn bằng sắt kiên cố cho các người lớn tuổi có thể đứng trên cao nhìn xuống toàn cảnh, ngắm biển Laguna vào buổi bình minh hay hoàng hôn. Heisler Park còn đẹp với những con đường đi bộ sạch và mát chạy dọc theo bờ biển lúc nào cũng đông người.

blank
Cảnh biển tại Heister Park.

Chúng tôi bốn mạng ra đi khi trời vừa sáng để...xí chỗ. Viết như thế mong các cụ hiểu cho dù ở Mỹ hay đâu cũng vậy "First come, first serve". Muốn cho quý vị có địa điểm tốt để vui chơi, chị Hiếu đã đi tiền trạm, thăm dò địa thế từ mấy ngày trước. Địa điểm là Monument Point, một nơi "đắc địa" dọc theo các vách đá có bề mặt thẳng dốc (bluffs), nơi đây có thể nhìn thấy toàn cảnh đẹp nhất của biển Laguna.. Chị đã... đưa đường chỉ lối cho các cụ nào không lái xe, có thể tự túc đi bằng xe bus mất khoảng một tiếng đồng hồ. Các cụ nào muốn đi carpool thì sắp xếp với nhau. Đến nơi, công viên còn vắng người. Mình phải chiếm thế thượng phong. Chọn đúng mục tiêu đã nhắm là một góc khuất dưới đài kỷ niệm Monument Point có nhiều cây to bóng mát, tuy có chỗ đậu xe miễn phí nhưng phải đi bộ xa, thôi thì bỏ vài đồng tiền cắc đậu ngay lối vào cho gần, đỡ mất công xách nặng.

Đồ đạc sao mà lỉnh kỉnh thế này? Toàn là chổi dài, chổi ngắn, nùi giẻ, đồ hốt rác, xô, giấy báo, bao rác, mấy tấm bạt, cờ, dù, lồng đèn, dao, thớt... chả thấy... điểm tâm đâu. À, thì ra bộ sậu bốn người anh Phúc, Chị Hiếu, Linh, Kim Anh đến sớm để làm lao động vệ sinh, dọn dẹp chỗ ngồi.

Bác Hiếu ơi, các bác mình lo xa quá. Công viên ở Mỹ mà bác cứ như là ở Việt nam (hay ở tháp Eiffel Paris), thiên hạ tự do xả rác và cho chó tự tiện...bón phân trên cỏ và đường phố mà không sợ bị phạt. Đây là công viên xứ Mỹ ở vùng biển, lại là vùng biển của giới nhà giàu. Họ có ý thức bảo vệ môi trường. Họ phải đóng thuế để làm cho môi trường thêm sạch và đẹp. Họ có đội ngũ công nhân đi kiểm tra, thu dọn rác rến bảo vệ vùng biển nổi tiếng này của Cali. Thôi, lỡ mang ba cái đồ nghề, cũng lấy ra quét dọn sơ sơ cho...có việc. Cả bọn phân công đi tìm chỗ mắc hai lá cờ Mỹ và Việt nam Cộng Hòa trên cột điện ngay bên lề đường cho bà con biết phe ta đã có mặt rồi.

Lồng đèn, bong bóng giăng suốt lối đi từ trên dốc xuống. Ba tấm bạt thật là tiện lợi trải dưới những lùm cây đầy bóng mát. Khăn trải ra trên năm cái bàn sắt trông ra vẻ một buổi picnic rất là tươm tất. Hai lá cờ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng Hòa lớn, dựng trên hai cái đế trông thật vững vàng và khí thế dưới chân đài kỷ niệm. Lớp vẽ này đi chơi cũng không quên mang... quê hương đi theo. Chỉ còn chờ những cái dù giấy "parasol" giống như dù Nhật, xinh xinh, đủ màu sắc của các bạn tự vẽ trong lớp mang đến trang hoàng chung quanh các bụi cây xương rồng. Góc công viên, lát nữa đây sẽ là chỗ sinh hoạt sạch sẽ, riêng tư, độc đáo và rất đẹp nhờ những chiếc dù này. Vài cặp như anh Thiệp chị Mai đã đến. Hầu hết các bạn sẽ có mặt lúc 10 giờ trong chuyến xe bus đầu tiên do anh An hướng dẫn.

Mặt trời đã lấp ló từ phương Đông báo hiệu một ngày đẹp trời đầy ánh nắng. Đứng trên con dốc của đài kỷ niệm Monument Point, nhìn lên là bầu trời xanh bao la, nhìn xuống là bãi biển mênh mông có khi là màu xanh ngọc bích có khi là màu xanh dương đậm. Xa xa là những hàng dừa xanh tươi, những ngọn núi cũng nhuộm một màu xanh lơ dìu dịu như màu trời. Gió man mát trong lành từ ngoài biển thổi vào cùng với những tia nắng bình minh ấm áp lan tỏa trên vạn vật.Từ con dốc chỗ cắm trại, chúng tôi đi bộ xuống bãi tắm gần đó dọc theo bờ biển, đặt những bàn chân trần trên cát, từng bước nhẹ nhàng, thảnh thơi như dạo chơi, hít từng hơi thở sâu vào buồng phổi, lắng nghe tiếng sóng vỗ rào rạt đuổi vào bờ, bỏ hết những lo âu, suy nghĩ về sức khỏe, con cháu, việc nhà, việc làm....

"SUN, SAND, SEA", "Heister Park: nắng, cát và biển xanh", thiên nhiên mở lòng ra đón chào các bạn, những ai biết cảm nhận cái đẹp và thọ hưởng những tiện nghi công ích của vùng biển ở xứ Mỹ.

Xe bus đổ người xuống trạm gần ngay lề đường chỗ cắm trại. Anh chị nào cũng tay xách nách mang đồ đạc và thức ăn. Con dốc làm các anh chị lớn tuổi vừa đi vừa thở hổn hển. Trái cây như dưa hấu được xắt gọt tại chỗ. Kẹo, bánh, mứt, rau câu, bánh mì, xôi, gà, nho, bánh tráng, dĩa, ly, muổng, nĩa, nước uống...bày ra sẵn sàng chỉ chờ món bánh hỏi, rau, nước mắm và con heo quay đang trên đường đến sau.

blank
Cảnh biển tại Heister Park.

Tại khu đài kỷ niệm, trưởng ban văn nghệ là chị Lan Lê và cây đàn guitar mở đầu cho màn văn nghệ bỏ túi dưới lùm cây làm cho buổi cắm trại ngoài trời thêm phần sôi động. Những chiếc áo thun đen với logo "Art For Fun" đến đã gần đông đủ, chị Minh Hiếu đề nghị chương trình văn nghệ bắt đầu trước khi con heo quay đến. Chị Phương Lê phụ trách điều khiển ban hợp ca. Bằng đủ giọng trầm, bổng, cao, thấp, trước hai lá cờ Việt Mỹ, các cụ si nhơ đứng thành hàng, nghiêm chỉnh, đầu ngước lên lá cờ Tổ Quốc, cùng nhau cất tiếng hát thật hùng hồn hai bài "Quốc Ca Việt Nam", và "Việt Nam Việt Nam" làm cho những người Mỹ đi ngang qua đưa mắt nhìn lấy làm ngạc nhiên và tò mò. Có những người Mỹ già đứng lại lắng nghe đến hết bài. Biết đâu trong số đó, họ là những người lính Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam và từ ngữ "Việt nam,Việt Nam" quen thuộc nhắc nhở họ những kỷ niệm nào đó về một đất nước xa xôi thời chiến tranh cách đây gần bốn mươi năm.


"Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống". "Việt Nam...Việt Nam...Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời. Việt Nam...Việt Nam... Việt Nam...muôn đời." Đoạn cuối bài hát, các từ "Việt Nam" "Việt Nam" được nhắc đến nhiều lần và tiếng hát được kéo dài làm cho chúng tôi cảm thấy lòng bồi hồi, xúc động. Hướng nhìn ra biển khơi, bên kia bờ Thái bình Dương là quê hương tôi, một đất nước hình cong chữ S, tuy xa mà thật gần trong lòng những người đã bỏ nước ra đi.

Tiếp theo là các bài dân ca "Lý chim quyên", "Lý Lu La", "Trèo lên quán dốc", "Gần nhau", "Hãy thương nhau đi" được các bạn hát thật hay và đều.

Anh Bình và anh Thành khê nệ mang con heo quay đến. Đây là phần đóng góp của các chị trong đó có chị trưởng lớp làm cho buổi picnic thêm phần xôm tụ và màn ăn uống thêm phần hậu hỉ. Có nhóm lo bánh, kẹo như chị Kỳ Dung, chị Mai Hương.. Nhóm chị Mai và đứa cháu gái pha nước xí muội đá lạnh thật ngon. Đó là chưa kể 7 con gà quay của nhóm chị Lệ Hoa. Nhóm chị Natalie lo các thứ phụ tùng như bánh hỏi, mỡ hành, rau, nước mắm... Ngoài ra còn có sự đóng góp của nhiều anh chị khác, người viết không nhớ tên nên không kể hết ra đây như những người góp nào là trái cây, ly, dĩa, khăn giấy, khăn bàn... Nhìn con heo quay da vàng ửng làm mọi người chợt nghĩ đến... đám cưới. Lớp vẽ hiện nay cũng có vài cụ...độc thân tại chỗ. Các cụ ông cụ bà ơi, thôi thì các cụ xáp vô lè lẹ đi để đám si-nhơ lớp vẽ chúng tôi có dịp đi dự... đám cưới các cụ nữa chứ!.

Bây giờ là màn chụp hình con heo quay với các bạn đứng chung quanh. Ai cũng cười toe toét. Người thì giơ đầu heo, người thì giơ mấy cái giò heo. Hình ảnh các cụ si-nhơ lớp vẽ với con heo quay xuất hiện ở bãi biển Laguna Beach thật là... ấn tượng. Còn nhiều những khuôn mặt khác cũng độc đáo như các bác... khỉ gái leo tuốt trên ngọn cây ngồi đong đưa, bức hình chụp chị Natalie ngồi trên cái chỉa cây rất là gợi...hình, chị Kim Anh ngồi chặt thịt quay, chị Lệ Hoa ỏng ẹo " Thia lia quen chậu vợ chồng quen hơi" bên cạnh một anh không phải là ông... Wilson, ban hợp ca áo thun đen của lớp vẽ với mũ và dù, tay cầm bản nhạc hát say sưa dưới trời nắng, anh Chính cầm cái đầu heo múa, chị Minh Hiếu MC kiêm trưởng ban tổ chức chỉ tay...mười ngón với cái còi "hoét hoét" đeo trước ngực, anh Bình đang chăm chú vẽ tranh hình dãy núi xa xa...Những hình ảnh hiếm có này sẽ được chị MiMi và anh Bình cho vào trang nhà của Hội cao niên lớp vẽ.

Thế là "bụp", "bụp", con heo được xả ra thành miếng. Bánh hỏi,bánh tráng, dưa leo, rau sống, đồ chua, nước mắm, các cụ quên đi "cò lét-tơ rôn" và "đai -ết"...(Bạn Huệ còn thật thà hỏi kiếm cho tui miếng nào...mỡ mỡ ). Chỉ trong vòng nửa tiếng, con heo quay đã...banh xác và chạy tọt vào bao tử của các vị si- nhơ.

Sau màn ăn uống là màn yêu cầu các bạn nhắc tên người bạn đứng cạnh mình. Chị Minh Hiếu nghĩ ra trò này chắc muốn trắc nghiệm trí nhớ của các cụ lớp vẽ. Học chung lớp, có khi các cụ chẳng biết tên nhau vì lớp đông, có nhiều học viên mới, một phần vì trí nhớ các cụ càng ngày càng hay quên. Tiếp theo, chị giới thiệu một trong những "người hùng" của lớp vẽ là anh Lê Tùng.

Anh Tùng đến với lớp vẽ từ khóa đầu. Thời chiến tranh ở Việt nam, tay phải anh bị thương phải cưa mất hai phần ba. Sang đến Mỹ anh vẫn lái freeway. Hiện nay anh đã về hưu và là học viên đều đặn của lớp vẽ. Dưới đài kỷ niệm và hai lá cờ Việt Mỹ, trong cái nắng gắt vào buổi trưa với những cây dù "parasol" che trên đầu, chúng tôi lắng nghe anh Tùng kể về người đại đội trưởng trinh sát thuộc sư đoàn 9 bộ binh. Sư đoàn này đã từng đánh thắng những trận lớn vào năm 1972. Sau đó, trong khi tập họp, đại đội của anh bị rơi vào ổ phục kích của Việt Cộng trong trận Bình Định. Một quả B40 xẹt qua cánh tay anh trong chớp mắt làm cánh tay rớt xuống mà anh không hay. Anh nhìn xuống, nhặt cánh tay lên còn hỏi "Cánh tay này của ai?" Chưa có câu trả lời, anh nhìn qua cánh tay phải thì thấy máu chảy lênh láng. Lúc đó anh mới biết thế nào là sự đau đớn. Về đến bệnh viện Vĩnh Long thì anh đã ngất xỉu vì máu ra nhiều. Người thương binh bị mất hai phần ba cánh tay phải ấy sau này đã được giải ngũ và vượt biên qua Mỹ.

blank
Sinh hoạt buổi cắm trại.

Trong lớp vẽ, vào những chiều thứ tư, hình ảnh anh đến lớp học đều đặn, chăm chú vừa cầm cọ tô vẽ, vừa loay hoay với bức tranh bằng mỗi cánh tay trái. Lúc nào cũng thấy anh bình thản, vui vẻ. Anh tham gia hầu hết các sinh hoạt của lớp. Mỗi lần nhìn anh trong chiếc áo sơ mi ngắn che phủ cánh tay còn lại làm tôi nhớ đến bài hát "Nhớ người thương binh" của nhạc sĩ Phạm Duy:

Một chiều/ một chiều
trên cánh đồng xanh
Bóng người/ anh dũng/
năm xưa ra đi chốn này
U..Ù... Chàng về
chàng về nay đã cụt tay
Chàng về
Chàng về nay đã cụt tay
Chàng về nay đã cụt tay
Máu đào đã thắm/ trên thây bao nhiêu quân thù

Chiều quê còn nhớ người đi
Vì ai vào chốn tử sinh.
Chiến trường quên mình
Người về có nhớ thương binh.
Người về có nhớ thương binh.

Lịch sử đã sang trang, để lại tàn tích của cuộc chiến tranh là những người thương binh. Những "Ngày tri ân Thương Phế Binh" ở Việt nam, những kỳ "Đại nhạc hội cám ơn anh"do hội HO và đài SBTN tổ chức hàng năm ở Mỹ để gây quỹ, gửi tiền về gọi là chút quà an ủi cho hai chục ngàn hồ sơ thương binh và quả phụ còn sống lây lất ở quê nhà là một việc làm đáng ca ngợi. Đây là niềm an ủi cho những người đã từng hy sinh một phần thân thể của họ cho đất nước.

Trước mắt chúng tôi là "Người thương binh" Lê Tùng được chị Minh Hiếu và các bạn vinh danh trong một buổi cắm trại ngoài trời tại công viên Heister Park, dưới tượng đài kỷ niệm tại một vùng biển Laguna ở xứ Mỹ. Chị Minh Hiếu thay mặt lớp vẽ bày tỏ lòng biết ơn đến các anh trong đó có anh Bình Nguyễn cũng từng là đại đội trưởng tác chiến sư đoàn 55 bộ binh ở Tây Ninh, anh Tim Lê là sĩ quan sư đoàn 7 bộ binh, anh Tiêu Phạm người học viên mới của lớp vẽ cũng là chiến sĩ. Tất cả các anh đã từng là những người chiến sĩ ngoài mặt trận sống sót trở về. Câu chuyện kể về "người thương binh" và đời lính của các anh làm mọi người cảm động. Các anh cùng với chị Minh Hiếu chụp bức hình kỷ niệm dưới lá cờ vàng. Một lần nữa, ban hợp ca hát bài "Quốc Ca Việt Nam", sau đó chúng tôi thu dọn chiến trường ăn uống, chụp vài tấm hình kỷ niệm trước khi chia tay.

Buổi cắm trại kéo dài hơn năm tiếng đồng hồ vừa đủ... mệt để các bạn si-nhơ lớp vẽ hưởng một ngày vui. Một số còn ở lại đi dạo chơi bãi biển. Một số tụ tập chờ đón xe bus đưa các cụ về lại bến đỗ là chợ ABC.

Chuyến đi chơi biển cũng là dịp các bạn trong lớp kỳ này sẽ chọn đề tài vẽ núi cho bức tranh sắp tới. Có nơi nào như nước Mỹ, tuổi già, các si-nhơ đi chơi có bạn bè, cảnh đẹp, thức ăn ngon và có tài xế xe bus chở đến tận nơi. Lớp vẽ đi đâu cũng vang vang tiếng cười, tiếng hát. Những bài dân ca, những bài hát chan chứa tình người, những bài hát đậm tình quê hương, đất nước,dân tộc, những câu chuyện kể về "người thương binh" về những người lính Việt Nam Cộng Hòa...lắng đọng trong lòng chúng tôi một nỗi niềm bâng khuâng chan hòa với niềm an vui của một ngày biết sống trọn vẹn cho mình và cho mọi người.

Hy vọng lớp vẽ sẽ là một sinh hoạt bổ ích, cần thiết và được duy trì lâu dài cho các cụ si- nhơ Việt nam có những ngày sống vui, sống khỏe trên đất nước Mỹ.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
21/10/201421:45:05
Khách
Cháu đọc bài của cô thấy người già sống ở khu người Việt hạnh phúc quá chừng
Không ngờ trong một buổi cắm trại lại thấm đậm tình quê hương và lòng tri ân thương phế binh VNCH
Bài của cô thật hay và ý nghĩa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Nhạc sĩ Cung Tiến