Hôm nay,  

Cánh Chim Ưng Đã Bay Qua

06/10/201400:00:00(Xem: 12036)

Tác giả: Cam Ly Nguyễn thị Mỹ Thanh
Bài số 4352-14-29752vb2100614

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, trước 1975, đã có nhiều chuyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, cô không viết, chỉ chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010.

* * *

(Cho Charlie P., trong tiếc thương vô bờ)

1.

Hết đồi lại đến đồi. Khu Danville tràn đầy những ngọn đồi. Căn nhà của Chú và Dì cũng ở gần đỉnh một ngọn đồi. Thơ mộng lắm. Những cây sồi đặc trưng của vùng này, ai đó đã trồng từ bao lâu không biết, điểm lác đác như những ông thần bảo vệ cho các ngôi nhà. Vườn tược xanh tươi, hoa cỏ óng mượt. Các loại hoa như thể chẳng ai trồng, cứ sau một cơn gió hay một trận mưa là được "cắm" xuống đất. Tự nhiên là vậy!

À, đừng quên nơi đây, khu "xóm" này, cũng là nơi từng có viên phi công tài ba hướng chiếc máy bay chở cả mấy trăm hành khách đáp nhẹ nhàng xuống dòng sông Hudson ở New York. Nhớ năm nào sau sự kiện "Hudson River" ấy, cả khu "xóm" nhộn nhịp hẳn lên và hầu như ai cũng thấy hãnh diện lây bởi người anh hùng đó. Chú và Dì thường vui khi nói về kỷ niệm này.

Thế mà đã mấy năm rồi. Thời gian đưa đẩy nhiều thứ trong đời đến và đi.

Chú nắm tay Dì. Trời! Đã quá quen từ mấy chục năm nay, sao mà vẫn nghe như còn mới?

"Ngồi xuống đây, để nói về những nắm tro."

Ngày đầu tiên khi nghe về những nắm tro, Dì rất sợ hãi. Sao ông lại nói điều chi ghê gớm vậy? Lâu nay Chú vẫn chiều chuộng Dì. Nhưng bây giờ thì Chú xin Dì chiều Chú một chuyện. Nghe về những nắm tro. Có nghĩa là Chú đang tập cho Dì nghe, đối diện, và không hãi sợ cái chết. Dì không sợ nữa, nhưng nghe điếng cả lòng.

Mà không những thế, Chú còn tập cho Dì ngồi ăn một mình, xem TV một mình, đi phố một mình, làm mọi việc giấy tờ trong nhà một mình. "Một mình", nhưng có Chú ở đàng xa nhìn lại. Hai người như chơi trò chơi "đồ hàng" của trẻ nhỏ. Đâm ra Dì cũng quen dần, hết phản đối.

"Mình nhớ không, cách nay hai năm, chúng ta đã theo tiễn bà Michelle ra biển. Tro của bà theo chiếc bình trong suốt đã chìm xuống, biến mất. Mình nói cảnh đó trông thật buồn."

"Nhớ chứ! Thật là buồn mình ạ! Mình nè, ở quê tôi, người ta rải tro trên mặt sông hoặc biển. Tro sẽ hòa trong dòng nước và cũng biến mất theo một cách nào đó."

"Có người muốn gửi hũ tro của mình trong nhà chùa, hoặc nhà thờ. Cũng hay há mình!"

"Phải. Cách nào cũng hay cả."

"Còn tôi..."

Dì toan bụm miệng Chú lại nhưng đang có tiếng chuông điện vang lên. Dì đứng lên đi ra mở cửa. Mấy bạn nhỏ đến thăm. Nói là "bạn nhỏ" nhưng có nghĩa là chỉ nhỏ hơn Chú và Dì thôi.

"Các bạn không quên hôm nay hát với chúng tôi chứ?"

"Dĩ nhiên là không quên. Dì cho tụi cháu mượn cây đàn guitar nghen!"

Thế là cây đàn được mang ra. Chú bảo đưa cây đàn cho Chú. Chú ngắm nghía và thở dài. Mọi người nhìn nhau. Chẳng là Chú đã chọn thật kỹ cây đàn này lúc Chú muốn "dợt" đàn trở lại. Bao nhiêu năm tháng bận bịu với công việc Chú đã không đàn. Trong thời gian làm bạn với các "bạn nhỏ" này Chú muốn học đàn lại, và đã sắm cây đàn này. Rồi Chú lại làm việc, lại bỏ quên nó. Bây giờ thì Chú lại không thể đàn. Thôi thì đứa nào đàn và hát cho Chú nghe bản "El Condor Pasa" đi, bản này Chú thích từ lâu lắm rồi.

"Thích làm chim sẻ hơn làm ốc sên, thích làm cây búa hơn làm cây đinh, thích làm rừng vắng hơn làm phố thị... Tôi nghe mặt đất ngay dưới chân mình..."

Bầu trời tự do, không khí tự do đang vây lấy Chú...

2.

Tôi đã mất tự do. Hoàn toàn như thế. Tôi không được tự do làm những việc tôi muốn nữa rồi!

Trời xanh, đất rộng. Nhưng tôi lại không còn tự do. Mỗi ngày là một ngày tù ngục. Tôi phải uống vô số loại thuốc. Mỗi nửa tháng tôi phải đi cho thuốc vào người. Người ta nói thuốc mới không gây nhiều hiệu ứng phụ. Chao ôi, cái chữ "hiệu ứng phụ" này trước đây tôi từng cười khi nghe nói tới. Vì tôi nghĩ đó là do người ta tưởng tượng thêm ra mà thôi. Chịu khó một chút thì xong. "Không gây nhiều hiệu ứng phụ", tôi tự tạo ấn tượng cho mình như thế. Và cũng để cho cô ấy yên tâm.

Tôi ngồi ăn cùng bàn với cô ấy, như xưa nay vẫn thế. Tôi đưa thức ăn vào miệng. Như là răng tôi đang chạm vào kim loại. Không mùi vị. Tôi cố nuốt, và mỉm cười với cô ấy. À, mình hãy chơi trò chơi "đồ hàng" với cô ấy, "giả bộ" không có tôi, cho cô ấy ăn một mình. Tôi bảo cô ấy quay lưng lại, đừng nhìn tôi, như vậy dễ "đóng tuồng" hơn. Và như thế là cô ấy ăn, tôi thì cố nuốt. Cô ấy không thấy gương mặt khổ sở của tôi. Một bữa ăn qua đi.

3.

Những trò chơi "đồ hàng" cuối cùng hết tác dụng với Dì. Dì đã nhận ra sự gắng gượng của Chú. Dì van nài:

"Mình ơi, đừng vậy nữa! Tôi phải đối diện với sự thật, tôi chịu nổi. Mình không thể chịu đựng lặng lẽ như thế. Tôi cùng gánh với mình."

Dì và Chú bước ra ngoài sân. Kìa, ngọn cây sồi! Đã bao nhiêu năm nay ngọn cây vẫn thế. Cây sồi không lớn thêm, hay đã lớn từ lâu. Chú nói:

"Mình coi nhé, cây sồi to lớn thế mà thua hoa hồng. Hoa hồng bé nhỏ mọc được trên ngọn cây sồi."

Dì tưởng Chú nói sảng. Dì hoảng hốt sờ trán Chú. Không, Chú rất bình thường. Chú kéo Dì lại gần, hướng Dì nhìn theo một đường thẳng hàng với cây hoa hồng và cây sồi. Thì ra là thật. Hoa hồng nở trên ngọn cây sồi.

"Mình hãy hứa với tôi..."

"Hứa sao cơ?"

"Mình hãy hứa rằng mình đừng bỏ ca hát."

"Tôi có phải ca sĩ đâu mà mình bảo thế? Hát hay không hát đâu phải là chuyện lớn, tôi chỉ hát cho vui với bạn bè."

"Bởi vậy tôi mới nói. Mình rất thích hát mà! Chẳng là mình kể cho tôi nghe hồi mình còn bé mỗi lần đi hát về là mình bị đánh đòn, nhưng mình chấp nhận ăn đòn mà không thể bỏ hát."

"Mình nhớ dai dữ!"

"Chuyện gì của mình tôi cũng nhớ dai."

"Người ta gọi là "thù dai" đó! Mình nè, mình đau ốm, tôi chỉ muốn ở bên mình, không hát ca gì hết."

"Nhưng cuộc đời không hát ca sẽ buồn chán lắm. Bây giờ đâu còn các cụ để đánh đòn mình. Tôi thì luôn ủng hộ mình. Tôi chẳng đã từng mặc áo dài, đội khăn đóng để diễn nhạc cổ với mình và các bạn đó sao? Đi đến các bạn Việt đi! Hát nhạc tình, nhạc hùng, ca Huế, ca cải lương..."

Hai người cùng cười vui vẻ. Ngọn cây sồi có hoa hồng nở. Dì đưa mắt nhìn Chú, cái nhìn biết ơn.

4.

Chú té quỵ trên nền nhà. Dì đỡ Chú không nổi. Dì toan gọi 911, Chú không cho. Chú nói Chú còn gắng được, Chú phải gắng đứng lên.

Chú đã thôi vào thuốc, bác sĩ quyết định như vậy. Bác sĩ bảo Chú muốn ăn gì cứ ăn, không còn phải kiêng cữ nữa. Chú còn cười nói tếu với bác sĩ:

 "Tôi ăn... tới bến luôn ha bác sĩ!"

Thôi vào thuốc, muốn ăn gì thì ăn. Thế là quá rõ.

Nhưng rồi Chú không thể ăn gì hơn những bữa xúp.

Chú gắng đứng lên. Và Chú lại té quỵ. Dì cãi Chú, gọi 911.

Bác sĩ khám cho Chú, quyết định cho Chú hưởng "hospice tại gia."

5.

"Mình làm gì thế?"

"Tôi muốn mình ra thăm cây sồi và hoa hồng với tôi."

"Được thôi."

Dì loay hoay sửa soạn chiếc xe lăn. Cô Rice giành lấy, nói:

"Bà để tôi giúp. Bà ốm yếu bé nhỏ thế không làm nổi đâu."

"Cám ơn cô."

"Không có chi. Là nhiệm vụ của tôi thôi."

"Không đơn giản là nhiệm vụ đâu cô! Chúng tôi thấy cô là một thiên thần."

Cô Rice chỉ mỉm cười và cám ơn. Cô là một thiên thần thật đấy! Hàng ngày cô phải săn sóc, nói chuyện, an ủi, tắm rửa, giúp đỡ người bệnh, những người bệnh đặc biệt đang "hưởng chế độ hospice", mà không chút biểu lộ sự mệt nhọc hay khó chịu. Nụ cười thiên thần, ánh mắt thiên thần! Cô Rice khéo léo đưa Chú vào xe lăn. Dì xin để Dì tự mình đưa Chú ra vườn. Chú nói:

"Tôi muốn đàn cho mình hát."

Dì nhìn cô Rice. Cô khẽ gật đầu, và lấy cây đàn đưa cho Dì.

Vườn đồi xanh ngát. Cây sồi. Hoa hồng. Chú run run khi gảy lên dây đàn guitar. Chú nhìn ra xa, nói:

"Mình à! Đám cây sồi "xóm" này, cứ như là đã có từ lâu, do ông trời "cắm" xuống ha mình!"

"Phải. Ai cũng có cảm giác như vậy."

"Cảm giác thôi! Thiên nhiên tự nó có, nhưng cũng phải có bàn tay con người. Như những cây sồi kia, chúng không phải tự nhiên mà có mặt trong vườn nhà Sullenberger, ở một vị trí đúng ý muốn như vậy. Phải có con người trồng nó. Nếu trồng từ hột lại càng công phu hơn và chờ đợi lâu hơn. Cao lớn như thế dễ phải trải qua hàng mấy chục hay trăm năm. Còn hoa hồng trong vườn mình cũng vậy, chẳng là chúng ta đã trồng những cây hoa hồng này sao? Nhưng vì chúng dễ trồng quá, cho nên chúng ta có cảm giác trời "cắm" chúng xuống giùm."

Chú nói một hơi như người khỏe mạnh, dù giọng nói yếu ớt. Dì cười thật vui. Chú đàn cho Dì hát bản "El Condor Pasa". Như thể Chú đang lấy hết sức lực để đàn. Dì chiều Chú, Dì cũng cố nhớ lời để hát. Dì không thường hát nhạc Mỹ. Dì chỉ quen hát những bài nhạc Việt Nam. Chú gật gù:

"Mình à, mình biết vì sao mà... "El Condor Pasa" không?

"Tôi chỉ biết đó là một bản nhạc hay, mình giải thích cho tôi nghe đi!"

Chú cười nhẹ:

"Giải thích thì cũng chỉ là giải thích theo cảm nhận của chính mình mà thôi. Tác giả đâu có bao giờ giải thích. Chà, có mấy ông nhạc sĩ cứ hay giải thích ý nghĩa bản nhạc của mình, thất bại quá hở! Bản nhạc tự nó đã nói lên ý nghĩa. Tôi hiểu vì sao cánh chim ưng bay qua. Đó là sự tự do cuối cùng. Tự do thoát khỏi kiếp làm ốc sên hay chim sẻ, thoát khỏi thân phận cây đinh hay cây búa, thoát khỏi kiếp rừng hoang hay phố xá. Tự do... thoát khỏi tấm thân đau đớn..."

Dì bật khóc. Chú nói, giọng nhẹ như sương:

"Tự do tuyệt đối. Tự do cuối cùng."

6.

Dì trao chiếc hộp trong có đựng khẩu súng của Chú cho người nhân viên được ủy quyền. Khẩu súng này gắn bó với Chú nửa đời. Dì hay nói với Chú một cách rất công thức: đó là khẩu súng "trừ gian diệt bạo". Chú đã sống rất xứng đáng.

Cô Rice bước đến ôm lấy vai Dì. Rồi trong một cử chỉ đầy trân trọng và yêu thương, cô ôm siết Dì. Vòng tay cô ấm, chắc, như thể cô muốn truyền thật nhiều nghị lực cho người đàn bà yếu ớt này. Dì không khóc. Dì muốn cô Rice thấy Dì cũng sẽ mạnh mẽ như cô.

7.

Vườn đồi xanh ngát. Cây sồi và hoa hồng.

Cây sồi là của nhà Sullenberger. Hoa hồng là do Chú và Dì trồng. Bây giờ Dì ngồi đúng vào vị trí hôm trước ngồi với Chú trong vườn. Dì thấy hoa hồng nở trên ngọn cây sồi. Thì ra đơn giản là vậy. Cây sồi cao lớn nhưng mọc trên đất của nhà bên kia là nơi sườn đồi thấp, còn hoa hồng bé nhỏ thế này nhưng mọc ở nơi đất cao. Miễn là mình ngồi đúng vị trí này, tầm mắt như thế này, là được.

Ào một cái. Dì nghe như tiếng phát ra từ đôi cánh của một con chim rất lớn. Dì ngơ ngác. Không có gì xung quanh cả. Chỉ có Dì và tiếng của thời gian, im lặng...

"Mình à, nhớ nhé, hãy cám ơn và từ chối mọi vòng hoa. Mình đã sống với thật nhiều hoa rồi. Mình hãy xin những thân hữu muốn mua vòng hoa thì để tiền ấy tặng cho Hospice of the East Bay, để những người như cô Rice có thêm phương tiện làm việc."

"Vâng."

"Mình hãy hứa với tôi, hãy tiếp tục bước tới, ngẩng cao đầu, đừng bao giờ bỏ cuộc."

"Vâng."

"Riêng tôi đã được tự do."

Chú bao lấy Dì như một làn sương trắng. Dì đưa hai tay chới với níu giữ làn sương. Được một vài giây, làn sương vút bay lên cao, tiếng của Chú thoang thoảng:

"I love you."

Và hết. Dì bàng hoàng.

Ngày đưa Chú vào nơi hỏa táng, Dì đã theo lời dặn của Chú, chọn chiếc bình hình con chim ưng. Nắm tro của Chú vào nằm gọn trong đó. Dì không đưa vào nhà thờ, không đưa vào chùa. Dì mang về nhà, đặt vào chiếc tủ kính, thắp đèn lên, thật ấm áp. Chú có đó hàng ngày, nhìn Dì, vui buồn với Dì. Có thể một ngày nào đó Chú cũng sẽ ra biển hay một nơi nào Chú muốn.

Cánh chim ưng đã bay qua. Chú đã được tự do khỏi thân xác. Tự do tuyệt đối. Tự do cuối cùng.

Tháng 9, 2014

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
16/03/201503:15:55
Khách
Qua lối văn nhẹ nhàng và thanh thản Cam Ly Mỹ Thanh đã khéo léo giúp cho người đọc không thấy cái đau buồn của Dì - dù là cái đau buồn lớn nhất trong một đời người . Có lẽ chủ ý của tác giả là nhấn mạnh cái "tự do cuối cùng" của Charlie. Cái tự do cho linh hồn không bị trói buộc vào một thân sác đau đớn; không còn bị dằn vặt bởi thực tế tai hại đang sẩy ra trước mắt mà phải bó tay . Phải mãi mãi xa lìa người vợ yêu quý. Phải xa tất cả. Không làm gì được ngoài việc chấp nhận và sửa soạn cho vợ đương đầu với những khó khăn , trống vắng sau ngày anh cất cánh đại bàng bay vào vùng trời vô tận. Mong
Dì đọc bài này và mừng cho Charlie đã được tự do vĩnh viễn . Mong tâm hồn Dì mỗi ngày được lắng đọng đi một phần . Để rồi một ngày gần đây gì thấy mình hát, hát những bài ca quê hương, mà không còn nghẹn ngào .
11/10/201413:41:40
Khách
Khen tác giã là bằng thừa. Chỉ nói bài quá hay và cãm động . Tiếc là bài không có hình con chim ưng sãi cánh trên bầu trời bao la, tượng trưng cho tự do. Bản nhạc El Condo pasa của Péru không chỉ nổi tiếng ở Châu Mỹ LaTinh, ở Châu Âu, mà Ban Nhạc thính phòng Nhật cũng trình diễn bài này nữa. Nếu đọc giã nghe Simon &Garfunfel hát bài này, hay nghe Placido Domingo hát bằng tiếng Spanish thì sẽ thích bài viết này nhiều hơn.
08/10/201421:28:09
Khách
Cam Ly vẫn xứng đáng là một trong những tác giả hàng đầu của Tuổi Hoa mà tôi hằng ngưỡng mộ và yêu mến! Bài viết hay vô cùng!
07/10/201400:15:13
Khách
Cảm ơn tác giả về bài viết tuyệt vời nầy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,573,282
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, sống động.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết 2001, từ 9 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới của tác giả kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và chuyến đi 5 ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục, có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến