Hôm nay,  

Lần Họp Sau Cùng...

09/09/201400:00:00(Xem: 10808)

Bài số 4326-14-29726vb3090914

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài "Con Bé", chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

* * *

Tôi gặp em gần 40 năm trước, ở trại tị nạn Pendleton. Cuộc sống trong trại tị nạn thật nhàn rỗi, ngoài những giờ xếp hàng đi ăn sáng, ăn trưa và tối, thì giờ còn lại chúng tôi không biết phải làm gì cho hết, nhất là các em nhỏ, chỉ lo chạy nhảy, vui đùa hay phá phách. Ngày đó, tôi, một cựu huynh trưởng hướng đạo, cùng với một nhóm nhỏ khoảng 10 người, từng sinh hoạt trong các đoàn thể thanh thiếu niên từ VN, đã hội ý với nhau để tụ họp các em nhỏ trong trại lại khoảng vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, dạy các em tập hát và chơi các trò chơi hướng đạo. Từ khi có những buổi họp đoàn này đám nhỏ ít có thì giờ đi lang thang vào rừng, nên cha mẹ chúng đỡ lo sợ con em mình bị thú hoang hay rắn độc cắn trúng. Em, năm đó chắc chừng khoảng 13, 14 tuổi, cùng với 3 chị em nữa trong gia đình, cũng gia nhập vào đoàn hướng đạo tị nạn của chúng tôi.

Sau giờ sinh hoạt, các em về với gia đình, còn nhóm điều hành chúng tôi xắp hàng đi ăn trưa. Em cũng tháp tùng nhóm nhỏ của chúng tôi đi ăn thay vì về lều để đi ăn cùng cha mẹ. Em ăn rất khỏe nên tôi thường lấy thêm thức ăn rồi chia lại cho em để em khỏi phải xếp hàng thêm lần nữa. Cùng sinh hoạt với nhau một thời gian dài, rồi ăn uống vui chơi, đi đâu cũng có nhau, nên càng ngày chúng tôi càng thân thiết như anh em.

Ra trại, em theo gia đình về sống ở vùng San Diego, còn tôi theo anh chị và người bảo trợ về vùng San Fernando Valley dựng xây đời mới. Tuy cách xa nhau một quãng đường dài, nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc chặt chẽ từ đó tới nay. Tôi cũng từng tham dự những sinh hoạt vui buồn của gia đình em, nên cả nhà em đã xem tôi như người thân thuộc.

Học hết bậc trung học, em tiếp tục vào đại học và ra trường với ngành nghề mình ưa thích: làm giáo sư dạy toán ở một đại học công lập trong thành phố. Em có gia đình và một đứa con gái xinh xắn.

***

Bẵng đi một thời gian dài, vì bận rộn tôi đã không liên lạc thường xuyên với gia đình em. Chín năm trước, bất thình lình tôi nhận được cú điện thoại của VA, người chị cả của em. VA hỏi:
- Anh có ở gần City of Hope không?

Tôi không biết gì về City of Hope nên mở máy, lên mạng tìm tòi rồi trả lời:
- Không gần nhưng cũng không xa lắm, từ nhà anh lên đó khoảng chừng 30 miles. Có chuyện gì vậy?

VA đáp:
- H bị ung thư máu, Myeloma, nằm trong đó mấy tuần rồi, chờ cấy tủy.

Tôi điếng người khi nghe đến ba chữ “ung thư máu”. Trong tất cả các loại ung thư thì ung thư máu hay ung thư bạch huyết cầu là một loại ung thư mang nhiều ác tính, khó thể chữa lành. Căn bệnh này là hiện tượng khi bạch huyết cầu trong cơ thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn mức độ bình thường. Thông thường thì bạch huyết cầu có nhiệm vụ tiêu diệt vi trùng để bảo vệ cơ thể, nhưng khi chúng đột biến tăng trưởng sẽ trở thành hung dữ, háu đói. Nếu không có vi trùng cho chúng “ăn”, thì chúng sẽ tấn công và hủy diệt hồng huyết cầu. Hồng huyết cầu bị phá hủy dần dần sẽ đưa tới tình trạng người bệnh bị thiếu máu mà chết. Tôi hỏi dồn dập:
- Thật không? Tại sao lại là ung thư máu? Rồi bây giờ H ra sao?

VA tiếp tục nói với giọng buồn rầu:
- Cả nhà em cũng hỏi vậy, tại sao lại là ung thư máu, tại sao lại chọn H mà đến. Nhưng nó đã đến rồi, không làm sao ngăn chận được. Lúc đầu thì H thấy đau lưng, tưởng chỉ bị thiếu calcium nên xương bị rỗng, nhưng không ngờ đi chụp hình ra thì mới biết là tủy đã mòn vì bị cancer. H đang uống thuốc và đi chemotherapy thường xuyên. Nhưng bác sĩ nói chỉ có phương pháp cấy tủy, tiêm các tế bào gốc khỏe mạnh vào cơ thể, tạo tế bào hồng huyết cầu mới, để thay thế các tế bào bị hư hỏng, và kìm hãm sự tăng trưởng của bạch huyết cầu, là có thể kéo dài mạng sống của H thêm được một vài năm. Việc cấy tủy này cũng rất nguy hiểm, H phải bị cô lập, không được tiếp xúc với nhiều người, vì chỉ cần bị nhiễm trùng chút xíu thôi là bỏ luôn tánh mạng. H đang nằm ở City of Hope để chờ cấy tủy. Tụi em thay phiên nhau đi thăm, nhưng chỉ được vào cuối tuần, ngày thường thì nó nằm đó một mình. Nếu anh ở gần City of Hope, và có thì giờ thì anh đến thăm, vào nói chuyện với nó cho vui.

Tôi đã vào thăm em trước ngày em đi cấy tủy. Tuy biết mình mang bệnh nan y nhưng em vẫn bình thản, tươi cười. Em nói với tôi:
- Em còn trẻ quá, sao cái bệnh này chọn đến em, nhưng chắc là Chúa chưa gọi em về đâu phải không anh?

Tôi gật gù tán đồng:
- Đúng rồi, em còn nhiều thời gian lắm. Cứ yên tâm. Em sẽ khỏe.

***
Cuối tháng 8 năm nay, tôi nhận được điện thoại của MH, đứa em áp út trong nhà, gọi từ San Diego. Tôi ngạc nhiên vì MH đang sinh sống ở một thành phố cách Munich khoảng 3 tiếng đồng hồ xe lửa. Mỗi năm, cô nhỏ chỉ về thăm nhà vài tuần, khi mấy đứa trẻ được nghỉ hè. Giờ này đáng lý ra gia đình MH phải có mặt ở Munich vì đã vào mùa học? MH nói:
- Sức khỏe anh H mỗi ngày mỗi xấu, ngày được, ngày không, tụi em sợ anh ấy đi bất cứ lúc nào… Tuần tới, Labor Day này tụi em sẽ tổ chức một bữa tiệc ở cái park gần nhà chị VA, vào buổi trưa, để họp mặt gia đình và bạn hữu, biết đâu là lần họp sau cùng. Anh chị xuống được không?

Labor Day, chúng tôi đã có một buổi hẹn hò với mấy người bạn ở Riverside để kà rà ô kê, xập xình từ buổi trưa đến tối. Tuy chưa là nghĩa… tử nhưng biết đâu đã là nghĩa… tận, chúng tôi không thể không đi. Tôi email cho nhóm bạn, hẹn sẽ đến trễ vào buổi chiều… rồi hai vợ chồng tôi lên đường đi San Diego khoảng 10 giờ sáng.

Khi chúng tôi đến nơi thì gia đình VA và MH đang sửa soạn dọn bàn, bày chén đĩa trên những cái bàn dài đặt dưới mái gazebo của công viên. Tôi tìm em thì thấy em đang bận rộn đi phát giấy quảng cáo để cổ động cho bữa tiệc gây quỹ mà em và một nhóm bạn đang thực hiện. Không muốn làm rộn em nên tôi quay sang phụ giúp gia đình em sắp xếp, bày bàn.

Có khoảng 70 người đã đến tham dự buổi họp mặt của em. Mỗi gia đình đưa đến một món ăn, u Á đề huề, thức mặn, thức chay đủ cả. Nào là cánh gà chiên nước mắm, gà chiên dòn, sườn nướng, khoai lang thái như quân cờ bỏ lò, bắp luộc, bánh mì đặc biệt, bánh cuốn nhân thịt, cơm rang, spaghetti, sà lách xanh, hột quinoa trộn rau củ, bánh bắp trộn trứng nướng, sà lách khoai tây, măng tây luộc trộn dầu olive dấm đen v.v... Tráng miệng thì có giỏ quít, chậu dưa hấu cắt thành hình lẵng hoa trong đựng mấy loại dưa đỏ, dưa vàng, dưa xanh đã được múc thành những viên bi tròn to nhỏ, trộn với mấy loại nho, còn có thêm bánh ngọt, mấy cái pies đủ loại, jello, bánh mochi nhân đậu, và đặc biệt nhất là 1 khay bánh cookies tròn to cỡ bằng đồng tiền 1 đô la, trang trí theo hình những chiếc hamburger có gắn bảng hiệu: “Mini Hoat burgers”…

Chờ cho mọi người bày biện hết những món ăn của mình lên bàn rồi MH mở lời cám ơn quan khách đã đến chung vui: - “Những người đã đem những món ăn từ trái tim đến buổi họp mặt này”. - Rồi em cũng tiếp lời, cám ơn mọi người vì thương mến em mà đến, những tình cảm gia đình, tình bạn chân thành mà em sẽ ghi nhớ mãi trong tim. Sau đó thì bốn anh chị em ôm vai nhau chụp hình, miệng cười tươi nhưng nước mắt đoanh tròng, vì ai cũng sợ… có thể đây là những tấm hình sau cuối.

Sau khi đi chào hỏi khách khứa từng bàn xong rồi em kéo ghế đến gần tôi. Lâu lắm rồi tôi và em mới có dịp ngồi trò chuyện cạnh nhau. Vẫn với nụ cười trên môi, em nói:
- Anh thấy em vẫn khỏe phải không? Hôm nay em đỡ lắm đó, có bữa hết xíu quách luôn. Em tưởng là đã đi tàu suốt hôm tháng 6, khi người ta đưa em cấp tốc sang emergency room vì em đã ngưng thở trong lúc đang làm chemotherapy. Chừng tỉnh lại, đau đớn để biết là hai quả thận mình không làm việc bình thường nữa. Bác sĩ nói chỉ vì trong lúc em ngừng thở nên máu không xuống thận. Nhưng em chắc hóa trị và thuốc men đã góp phần làm hư hại chúng. Từ đó tới nay, mỗi tuần lễ em phải đi chemo 2 lần, và đi lọc máu đến 3 lần. Và cứ vài tuần em lại phải được tiếp tế thêm máu mới.

Tôi nhìn em. Em ốm, già và lụm khụm hơn tôi tưởng. Ở cái tuổi 53 mà mái tóc đã nhiều muối hơn tiêu. Khuôn mặt em hum húp như bị mọng nước, và cái đầu của em có vẻ to hơn bình thường, không cân xứng với thân hình ốm yếu và tay chân khẳng khiu hiện thời. Tôi nói:
- Anh tưởng sau khi em ra khỏi City of Hope là mọi việc yên rồi.

Em đáp:
- Đó là chuyện của 9 năm trước. Em đã cấy tủy hết thẩy 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng. Hai lần cấy tủy đã giúp em kéo dài đời sống thêm từng đó năm. Sau thời gian dưỡng bệnh em trở lại đi dạy bình thường, và tiếp tục lo cho con ăn học. Em cũng tưởng là yên. Nhưng bệnh em tái phát. Không có gì control được ung thư máu, khi tủy xương của mình ngừng hoạt động và không sản xuất đủ các tế bào gốc khỏe mạnh nữa. Em đã tính sai một nước cờ. Phải chi 9 năm trước em đừng đi cấy tủy. Nếu em chịu khó tìm hiểu sớm hơn một chút về căn bệnh của em thì em đã biết những thứ thuốc em uống và làm chemo lúc đó đã có thể chống đỡ được vi trùng cancer. Em chưa cần đến việc cấy tủy. Nhưng vì mình không biết, và bởi vì bác sĩ của mình cứ bảo phải làm vì đó là “standard procedures”. Em cũng có đi hỏi bác sĩ khác rồi đó chứ, và cũng được khuyên bảo là “normal procedures”, nên em đã làm theo. Những ngày sau này, hết thuốc chữa, em mới lên mạng tìm tòi, để biết mình quá hấp tấp trong phương thức chữa trị thì đã muộn rồi.

Tôi dè dặt hỏi:
- Nhưng hồi đó là cấy tủy của chính em, nếu bây giờ, cấy tủy của một người nào đó trong gia đình thì có khác hơn không? Anh nghe nói tế bào khỏe mạnh của người khác có khả năng tiêu diệt được tế bào ung thư.

Em lắc đầu:
- Hiện nay phương pháp điều trị bệnh ung thư máu chủ yếu vẫn là thay thế phần tủy xương đã bị hư hỏng với tủy xương khỏe mạnh của chính người bị bệnh hay với tủy xương của một người hiến có tủy xương phù hợp. Nhưng phương pháp cấy tủy cũng không phải là hoàn hảo, nó có nhiều nguy cơ biến chứng, nó có thể phá hỏng nội tạng và đưa đến tử vong. Lấy tủy của chính em cấy vào cho em, ít bị biến chứng hơn. Xác suất biến chứng, và đưa đến tử vong chỉ vào khoảng 1 hoặc 2 phần trăm. Nếu cấy tủy của người khác vào thì sự biến chứng và dẫn đến cái chết có thể lên đến 20 phần trăm, chưa kể là có thể loại ung thư này biến thái thành một loại ung thư mới. Tuy nhiên, dù có điều trị bằng phương pháp nào thì cũng ít hy vọng thành công, khó thể chữa lành, vì sau đó bệnh vẫn cứ tái phát. Trường hợp em bây giờ trễ rồi, cấy tủy của em hay của ai đều không thể cứu vãn. Em chỉ còn 1 cách điều trị là đi chemo và lọc máu. Sự sống của em đếm từng giờ, từng phút mà thôi. Em chỉ còn vài tâm nguyện, em hy vọng là có thể thực hiện được trước khi em đi…

Em đưa tờ flyer mà em đã phát nãy giờ cho tôi xem. Tờ flyer mời gọi mọi người đến tham dự một bữa cơm tối vào đầu tháng 10, có 6 món ăn chính, ở một nhà hàng tầm cỡ trong vùng, với giá ủng hộ là $50 một người. Tiền lời thâu góp được sẽ dùng làm những phần học bổng cho các sinh viên đang theo học về ngành y tá (nhất là những người muốn làm việc trong những nursing home, để giúp đỡ những người già, tàn tật, bệnh hoạn…)

Đây là tâm nguyện hàng đầu của em trong những ngày sau cuối: thiết lập một quỹ học
bổng hàng năm dành cho ngành y tá trong Nursing Education Program của San Diego City College để bày tỏ lòng biết ơn của em đến cái ngành nghề đào tạo nên những người y tá đã tận tụy chăm sóc em từ gần 10 năm qua. Một nhóm bạn của em đang giúp em thực hiện để cái quỹ học bổng này được thành hình, và hứa là sẽ duy trì ý nguyện này cho đến những ngày sau. Tôi nói với em là tôi sắp sửa đi du lịch mấy tuần, nên không thể đến chung vui với em trong đêm gây quỹ đó, nhưng tôi sẽ gửi đến em một số tiền nhỏ, gọi là góp tay cho việc làm có ý nghĩa của em.

Và tôi cũng luôn luôn cầu nguyện cho em sẽ còn có được nhiều cơ hội tổ chức tiệc gây quỹ học bổng hàng năm nữa, để lần họp mặt của mình Labor Day này sẽ không trở thành lần họp sau cùng, em nhé.

Bảo Trân
9/2/14

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,331,842
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến