Hôm nay,  

Những Ánh Sao Đêm

03/09/201400:00:00(Xem: 9611)

Tác giả: Vành Khuyên
Bài số 4320-14-29720vb4090314

Tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: chuyên viên Sở Xã Hội tại Salem Oregon.

* * *

Bạn ơi, ở Mỹ có bao nhiêu đêm bạn có thể nhìn lên trời và đếm sao đêm như tôi đã từng làm khi còn bé còn sống ở quê nhà.

Tôi định cư tại bờ Tây của nước Mỹ. Một năm có bốn mùa rõ rệt. Thời gian làm bạn với những ánh sao đêm gần như là chỉ vào ba tháng mùa Hè, đâu có như ở Việt Nam. Đã gần một phần tư thế kỷ xa quê hương mà ký ức về những ánh sao đêm vẫn đậm trong lòng tôi như mới ngày hôm qua.

Tôi làm bạn với những ánh sao đêm từ nhỏ. Những ngày cúp điện, tôi và bà nội ra ngoài sân nằm chơi. Bà tôi thì nằm hát nghêu ngao những bài hát bà thuộc từ những ngày bà còn làm đồng áng với các thiếu nữ trong làng. Còn tôi, tôi nhìn những ánh sao trời nhấp nháy như đang trò chuyện, ánh sao này sáng hơn ánh sao kia, như tranh giành nhau sự chú ý và những lời tâm tình của tôi. Mỗi ánh sao có một tâm sự khác biệt và qua năm tháng những tâm sự đó cứ chồng chất và đến lúc nặng quá ngôi sao rơi xuống làm thành những ngôi sao xẹt cho mọi người ước ao những điều thầm kín trong cuộc đời.

Tôi đã tin những điều đó là thật. Tôi đã từng mơ ước thật nhiều. Và hiểu rằng những mơ ước dù không thành, không phải tại những ánh sao trời rơi xuống đột ngột tôi không nhìn thấy kịp để kịp ước. Những mơ ước không thành, không phải tại người đời bỏ cuộc. Đời sống có những quy luật riêng của nó mà không ai có thể thoát ra được. Những quy luật như sinh, tử, vui, buồn, đau khổ, hạnh phúc hay tủi nhục, đắng cay...

Kỷ niệm giữa tôi với những ánh sao đêm không chỉ có thế. Năm lên 10 tuổi, tôi, Chi và Hiển, hai người bạn thân nhất của tôi lúc ấy tò mò đố lẫn nhau không biết những ánh sao rơi xuống đâu. Hiển tinh nghịch quả quyết:"Tui biết nè, Chi và Trâm đi theo tui hông?. Tôi nhìn sang Chi nghi ngờ: " He he Chi tin Hiển hông dị? "Chi hiền từ: "Tùy Trâm à, Trâm đi là Chi đi". Nghe cũng ngồ ngộ, tôi ra chiều muốn đi vì đồng thời có một người bạn gái cùng đi theo mà, cũng là một cơ hội xem Hiển có biết hơn gì tụi tui hông. Ngay tối hôm ấy ăn cơm xong, ba đứa hẹn trước xóm để đi theo Hiển.

Hiển dẫn tụi tôi đến cổng của trường tiểu học gần nhà. Đêm xuống ở đó không một bóng đèn, tôi chợt nghĩ đến ma, nhưng không có dám nói cho Chi nghe. Tôi hỏi Hiển: "Hiển à, tụi mình đợi tới chừng nào". Hiển ung dung: " Thì tối dì nè hai bạn nhìn lên trời khi mà thấy sao rơi xuống đó tụi mình cùng chạy về phía đó, chạy riết lượm được thôi mà..!" Sao mà dễ tin đến vậy. Chúng tôi ngồi đợi, muỗi cắn đau dễ sợ nhưng vẫn kiên trì ngồi. Chi lên tiếng, thôi hai bạn đợi nha, Chi phải đi về đó, mẹ Chi không cho đi tối hơn đâu.... Tôi thấy mất đồng minh thì lo lắm rủ Hiển cùng về... Trong lòng không một chút nghi ngờ gì về lòng tốt của Hiển muốn chỉ chỗ sao rơi cho chúng tôi. Bây giờ tôi hiểu, có lẽ tôi sẽ chạy mãi qua những phố phường, những con đường nhưng sẽ không bao giờ tôi thấy được chỗ của những ánh sao rơi. Tôi nhớ Hiển, tôi nhớ Chi, mùa hè đỏ lửa 75 mỗi chúng tôi theo gia đình di tản một nơi. Lúc về lại xóm, nhà Hiển đã ra ngoại quốc. Gia đình Chi về quê rồi nghe đâu cũng vượt biên qua Hoa Kỳ rồi. Tôi về thăm lại xóm cuối năm rồi có nghe hàng xóm nhắc Hiển nay đã là Realtor thành công tại Santa Ana. Còn Chi, tôi không nghe xóm nhắc tới. Chúng tôi từng ước mơ sẽ luôn là bạn thân của nhau, nhưng quy luật của cuộc sống, sum họp rồi chia xa, hay hôm ấy sao không rơi cho chúng tôi ước sẽ được mãi mãi bên nhau hả...

Những ánh sao đêm thật tuyệt vời với tôi. Hồi nhỏ tôi hay ra ban công để học. Những đêm trăng sáng, tôi cũng ra vậy nhưng không phải để học, cũng không có ai biết tôi ở đó vì tôi đâu có bật đèn đâu. Tôi ngồi ngắm những ánh sao đêm, ngắm say mê. Sao chưa xẹt nhưng ngồi buồn quá tôi vẫn cứ ước, nhỡ có cái nào xẹt đại đâu đó tôi không thấy kịp điều ước cũng có thể thành sự thật được mà... Tôi suy nghĩ mình nên ước gì trước. Anh chị tôi ai cũng học giỏi, có tôi là hơi dại hơn mọi người, nhưng thật sự chuyện học tôi không có quan tâm lắm. Lúc đó 15 tuổi, yêu thì quá sớm, nhưng không hiểu tại sao trong đời tôi, tôi cảm thấy cô độc lắm. Những ánh sao đêm vẫn như mời mọc, hay là tôi ước có một người bạn thân. Tôi vừa nghĩ qua thì một ánh sáng loé nhanh khiến tôi giật mình. Cha mẹ ơi đâu có phải sao xẹt. Má tôi đi kiếm tôi: "Con lau nhà chưa Trâm, mày học hay làm gì mà tối thui ngoài này". Hỏng lẽ nói má tôi tôi ngắm sao, tôi lũi thũi đứng dậy, thất vọng: "Con đi đây má!”

Năm đó tôi dược miễn thi lên lớp 10 vì là học sinh giỏi toàn năm lớp 9. Nếu có ba tôi ở nhà tôi hẳn đã đòi ba tôi mua cho tôi một con búp bê thật to hay cho tôi đi học đàn tranh để thưởng cho sự cố gắng đó của tôi (đâu cố gắng gì đâu nhưng đòi đại, tại thấy anh chị ai thành công gì cũng có quà mà). Má tôi xem chuyện này bình thường vì má tôi nghĩ tôi không có thể dở hơn được. Tôi đợi hết mùa hè năm ấy, vào tựu trường xem có ma dại nào chịu làm bạn thân của tôi chăng. Tôi được sắp vào lớp đầu tiên của khối 10a1. Bạn bè mới hết, nghe đâu toàn dân giỏi. Vào lớp tôi nhìn hết tất cả mọi người bạn, cố nhớ thật rõ mặt cô nào hiền từ nhất rồi tối về ngắm sao, hỏi sao xem cô đó có thể là bạn thân của tôi không. Đã qua gần nữa năm, tôi vẫn như là một cái bóng trong lớp, ai cũng lo học, hỏng ai thèm kết bạn, tôi chán đời, tối đến lại chơi với sao. Những ánh sao đêm luôn là những người bạn trung thành của tôi khi tôi tìm là có. Nhớ lại tôi bật cười, hay là đã có ánh sao nào xẹt khi tôi vừa nghĩ tới chuyện phải học giỏi hi hi. Thôi kệ chưa có bạn thân thôi mà, tôi lại ước, lại trò chuyện với những vì sao sáng nhất, chuyển qua nó thật nhiều tâm sự, để nó nặng hơn, như trong suy nghĩ của tôi và sẽ rớt xuống đúng thời gian tôi đang ước một điều táo bạo nhất trong đời: tôi ước có được người yêu dù không có hiểu rõ yêu là sao và ai mình mới yêu được... Năm ấy tôi 16 tuổi...

Những ánh sao đêm không chỉ có ở ngoài đời. Những đêm không có sao, tôi buồn, trong lòng tôi vẫn ngự trị những ánh sao đêm quen thuộc tôi từng thấy. Dù ngay lúc đó tôi ở trong nhà, trời mưa tầm tả, dù ngay lúc đó, hình ảnh của những người bạn thân thương đã xa đang làm tôi nhớ da diết. Những ánh sao đêm trong lòng đã giúp tôi đỡ khắc khoải hơn.

Lời ước có người yêu vào năm 16 tuổi đã không thành sự thật. Năm 17 tuổi tôi nhận lời mời đi xem phim với một người bạn trai đã cùng tôi viết chung nhật ký một năm trời. Cảm giác của một sự táo bạo nhiều hơn là của một tình cảm đôi lứa trong tôi trong ngày hôm ấy. Tôi bắt đầu tập nhung nhớ người bạn đó. Mỗi sáng vào học, và mỗi trưa tan học, tôi đều dõi mắt tìm kiếm bạn ấy để trao một lời chào hỏi, một sự quan tâm. Dù không định rõ lòng mình, tôi vẫn mong cái tình yêu từ tình bạn này sống mãi. Tôi luôn có suy nghĩ rằng, lạy trời đừng biến những người con đã thương yêu thành những người thù ghét con vì một lý do nào đó. Năm ấy tôi học lớp 11, những người bạn trong lớp lập thành nhóm để giúp nhau học. Tôi chưa biết nhóm học là có lợi ra sao, nhưng trong lòng thì hớn hở lắm vì đây là dịp duy nhất để có thời gian kết bạn thân mà. Trong nhóm có một người bạn trai rất mến tôi và quan tâm đặc biệt tới tôi. Các bạn khác đồn rằng "Hai thích mày đó Trâm". Tôi đâu có nghĩ vậy vì có lần Hai đính chánh với tôi dù chưa được hỏi: " Nè bà Trâm tôi thấy bà dở Toán, tui ráng theo bà giúp bà đó nghe. Tôi vô tư đã tin đó là thật. Bạn là bạn, trong lòng tôi chỉ có nhung nhớ người bạn trai duy nhất viết nhật ký chung và đi chơi chung mà thôi. Tuy nhiên thấy tôi hay đi chung với Hai, người bạn trai của tôi hiểu lầm rồi nghỉ chơi tôi ra không hề nói một tiếng. Gặp tôi bạn ấy chỉ còn đôi mắt căm giận, hỏi gì cũng không nói và đi thật nhanh. Tôi buồn lắm. Trái tim trong lồng ngực chứng kiến những cảnh như vậy, không biết đã ra từng mảnh hay đã quá đau đớn mà không còn cảm giác gì với những chuyện xảy ra xung quanh. Tôi học xút đi, cô đơn hơn, những đêm tôi ghé nhà người bạn trai của tôi đợi anh đi học thêm về để thanh minh. Tôi ngồi nhìn lên những ánh sao trời, mong mỏi chờ đợi, một sự bình yên và thanh thản trong lòng mình khi nhìn thấy anh. Nhưng không anh tránh không gặp tôi. Đến ngay đầu ngõ nhìn thấy tôi là anh quay xe đi chạy thật nhanh. Bây giờ dù đã hơn 20 năm rồi, vậy mà tôi vẫn có những đêm mơ đứng chơ vơ trước nhà anh, đợi anh về, thấy anh tránh tôi, lòng tôi vẫn đau như những lúc đó. Trong giấc mơ, tôi chỉ mong được một lần nắm lại bàn tay của anh, chân thành nhìn vào mắt anh và nói với anh rằng: "Anh à, em chưa từng có lỗi".


Có phải yêu là phải qua những đớn đau như vậy không? Sau lần đó, tôi đã tự đặt mình trong những suy nghĩ của chính mình hơn là trong những may rủi của cuộc đời. Những ánh sao đêm như hiểu được lòng tôi. Tôi nằm một mình nhìn qua cánh cửa sổ phòng, những ánh sao đêm nhấp nháy, to rồi nhỏ dần nhỏ dần, tôi đi vào giấc ngủ.

Tôi mơ ước trở thành sinh viên của trường đại học Tổng Hợp khoa Anh văn từ những ngày là học sinh lớp 10. Má tôi cho bao nhiêu tiền tôi bỏ ra mua sách văn phạm và truyện tiếng Anh đọc ráo. Đến năm tôi thi, thay vì ba môn Văn, Sử, Anh Văn, bộ giáo dục năm ấy chuyển thành Toán Văn và Anh văn. Phải nói thật là tôi dở Toán, dở vì nó không nằm trong sở trường của tôi. Cái gì tôi không thích tôi thật khó mà tập trung học được. Tôi đã thi tất cả là 4 lần. Lần thứ ba, tôi ngồi cạnh một người bạn thật dễ mến tên là Ngọc Trân, còn tôi là Ngọc Trâm.

Ba buổi ngồi thi cạnh nhau, chỉ có vậy thôi mà tôi với Trân làm như biết nhau lâu lắm rồi. Buổi trưa của ngày thi cuối, tôi chở Trân về nhà tôi chơi. Quê Trân ở Phan Thiết, cô ghé tôi chơi và tôi hứa sẽ chở cô ra bến xe sau khi dùng bữa trưa tại nhà. Mẹ tôi cũng nghĩ tôi và Trân quen thân lắm. Mẹ tôi không hỏi gì hết. Chị em gặp nhau chỉ có như vậy. Sau đó tôi và Trân liên lạc qua thư. Năm ấy cả hai đứa tôi đều không đậu vào ĐHTH khoa Anh Văn. Tôi được chuyển vào Trung cấp Văn Hoá Nghệ Thuật học ngành Quản Thủ Thư Viện. Còn Trân báo với tôi cô bỏ ý định thi và đi học maỵ.

Cuộc sống cứ như vậy mà trôi đi. Học được một năm trung cấp, tôi nản lắm, ước mơ cũ như vẫn còn mạnh mẽ vô cùng. Mỗi tối thay vì tôi nghĩ phải cật lực học để trở thành Giáo Sư dạy Anh văn, tôi và các bạn cùng trường hay ra công viên gần đó hóng gió mát và chọc ghẹo nhau, cười muốn chết. Những giờ phút thảnh thơi đó, tôi không bao giờ quên, nhưng tôi buồn lắm vì nếu cứ như vầy, ra trường với bằng trung cấp làm nghề TV, hẳn tôi nghèo lắm, trong khi đó tôi mơ ước được du học và được đi ra ngoài để học hỏi nhiều hơn.

Tôi bỏ trường trung cấp. Quyết định học lại để thử sức mình vào ĐHTH lần chót. Năm ấy tôi lại gặp Trân cùng phòng thi. Hai đứa chẳng ai nói với ai, lẳng lặng thực hiện ước mơ của mình. Người ta lấy ba lớp, tuyển thẳng có, tôi và Trân thiếu từ một đến nữa điểm được chuyển vào hệ đóng tiền để được đi học. Trân với tôi vui lắm, dù khác lớp, nhưng chung khối, và mơ ước của bao năm nay như đang ở trong tầm taỵ Những ánh sao đêm vẫn sáng, mỗi dêm tôi đi học về, những ánh sao đêm vẫn là người bạn trung thành của tôi và Trân một lần nhìn lên trời, Trân đùa với tôi, Chị Trâm coi kìa, hai ngôi sao của mình giờ xích lại gần hơn rồi đó, tôi cười hạnh phúc, xiết nhẹ Trân vào lòng và nói,"Ở hoài bên tui nhe, đừng có mà xẹt, có xẹt rủ tui xẹt với nha. Hai chị em cùng cười. Chia tay nhau, chúng tôi về, ngày mai, vẫn là lên lớp, thi cử, thời gian cứ thế mà trôi đi.

Năm thứ hai, trường lớp bận rộn hơn. Tôi rất ít gặp Trân. Một lần gặp thấy Trân ốm mà xanh xao vô cùng, tôi lo lắng hỏi em "Trân à, em sao vậy?" Trân cố gượng cười, nói với tôi "Em bị đau bao tử chị Trâm, em ăn gì là ói ra hết, em đi bác sĩ mà chưa khỏi đó". Một cảm giác gì đó thật khó tả trong lòng tôi. Em chỉ nói như vậy, nhưng tôi không hiểu sao, trong tôi lại cảm nhận được gần như hết cái đau em đang có. Tôi băn khoăn ", Em dau vậy bài vở theo kịp hông, chị có thời gian, cần gì chị làm cho" Trân chỉ cười rồi trấn an tôi," Chị đừng lo, em đỡ hơn nhiều lắm, có gì em báo chị biết nghe. Tôi ra chiều xuôi tai, dù lòng vẫn rất lo cho em.

Một tuần sau, bạn cùng lớp em báo tôi em vô nhà thương Hùng Vương, nhà thương vẫn dành cho những bịnh nhân mang các bệnh hiểm nghèo của phụ nữ. Nhà tôi ra đó khoảng nữa tiếng đạp xe, tôi phóng ra thăm em. Kỳ này em còn xanh xao hơn nhiều. Má tôi lúc đó đang chiên chả giò ở nhà. Tôi thấy em nói em không ăn được gì nhưng rất thèm bún, tôi bảo em đợi rồi về nhà xin má tôi chả giò rồi đạp trở lại bệnh viện đưa cho em. Trời dù trưa nắng rất nóng, tôi đạp xe mà lòng vui vô cùng, má tôi làm chả giò ngon lắm, em sẽ thích, em ăn đi, em sẽ khỏi mà Trân, tôi tự nói với mình và cầu mong như vậỵ

Tuần kế, người bạn Trân lại báo với tôi em được chuyển qua nhà thương Nguyễn Thái Học chuyên trị ung thư. Tôi không biết ất giáp ra sao, đang mùa thi, không màng gì hết, tôi hộc tốc từ trường đạp dến thăm em. Ngày đó, có ba má em ở đó, hai người nhìn tôi và cố chuyển qua tôi một suy nghĩ mà tôi không bao giờ dám nghĩ và không bao giờ muốn cảm nhận. Em chỉ còn nằm, răng em rất tốt, nay em cười đã hư mấy chiếc vì không được chăm sóc đều đặn do tình trạng sức khoẻ. Tôi cầm tay em cố ngăn dòng nước mắt, nói với em rằng," Em sẽ về lại trường, chị sẽ chép bài hết cho em, tuần sau chị thi xong, trở lại thăm em nghe".

Trân hiền lắm, tốt lắm, những con người như vậy bất diệt mà. Tuần tôi trở lại, người trong phòng nói Trân đã được chuyển đi, tôi hỏi đi đâu, họ nói cô nghĩ đi đâu. Tôi đến nhà người quen của Trân nơi em trọ học ngay bến Bạch Đằng, họ nói với tôi Trân hấp hối đã được đưa về Phan Thiết chuẩn bị mai táng.

Tôi như người tê liệt. Cảm giác mặt đất không còn dưới chân mình. Tôi không cố nhìn lên trời để tìm lại hai ánh sao của tôi và Trân có còn gần bên nhau không. Một cảm giác đau nhói ở lồng ngực. Cảm giác xiết em vào lòng ngày nào như vẫn còn đây, cái nắm tay tuần rồi là vĩnh biệt sao. Tôi muốn hét lớn. Đôi chân tôi đạp xe về nhà theo thói quen, không còn biết mình có phải là mình không. Trân ơi, em đừng đi, đừng bỏ chị ở lại, ánh sao của em đừng rơi mà, để chị để chị rơi trước cho, rồi em hãy ước những ước mơ của em sẽ thành sự thật khi sao chị rơi nha em. Trân ơi, em ở đâu. Đang đạp xe mà mặt tôi nhòa nước mắt. Lần đầu tiên trong cuộc đời, một cái gì đó vuột mất, cả đời này tôi kiếm lại không được... Năm đó là cuối năm 1989, đầu năm 1990, gia đình tôi kết thúc giấy tờ đi định cư và tới Mỹ tháng 1/1990.

Tôi về lại Phan Thiết một chiều cuối Đông năm 2000, đến mộ thăm em. Trên mộ em cỏ hoang mọc đầy, không hình ảnh. Tôi biết em ở đó vui lắm khi nhìn thấy tôi đến. Tôi cầm nhang trên tay, trong miệng thì lẩm bẩm những chuyện tôi đã dự định kể cho em nghe trong 10 năm ở xứ người tôi đã học tập và vươn lên ra sao. Tôi nghe trong tiếng gió có tiếng reo vui của em. Tôi cảm trong nắng có vòng tay ấm áp của em chào đón tôi. Tạm biệt em nghe. Chị về lại nơi chị đang sống. Nhìn lên bầu trời lúc đó, một ánh sao sớm mọc vội từ lúc nào, vẫn là khuôn mặt nhòa nước mắt của ngày biết em sắp ra đi, tôi nức nở như nói với em," Chị đi nghe em.... bàn chân tôi bước chậm, và lối ra lờ mờ trước mặt, trên trời, đơn độc một vì sao..... như chỉ còn một mình tôi bước đi trong đời lúc đó và hiện tại.

*

Đời sống ở Mỹ quá tất bật. Mỗi đêm khi quá nhiều lo lắng trong cuộc đời đè nặng lên bà mẹ độc thân như tôi, tôi nhìn những ánh sao đêm trên trời qua cửa sổ phòng ngủ, thở dài và buồn vô hạn. Tôi tự hỏi mình bao nhiêu lần là tôi có bao giờ muốn bỏ cuộc trong bất cứ tình huống nào trong đời không? Dù thật sự là cũng có lúc có nhưng khi tôi nhớ lại những chìm nổi mình đã từng qua trong đời, dù không có ai bên cạnh, chỉ có những ánh sao đêm trong tâm tưởng, tôi vẫn thề với chính mình là không bao giờ bỏ cuộc.

Tôi nhớ Trân vô hạn. Tôi hiểu Trân cũng không bao giờ muốn tôi bỏ cuộc. Tôi biết dù có thất bại, thì sau mỗi lần thất bại tôi vẫn tìm thấy một sự dũng mãnh bất diệt nơi chính bản thân mình vực tôi đứng dậy và đi tiếp. Có phải trong đời chỉ cần có như vậy để sống thôi, phải không bạn.

Nếu bạn có hỏi sức mạnh đó từ đâu, từ Những Ánh Sao Đêm của tôi đó.

Viết cho Châu Thị Ngọc Trân người bạn vô cùng yêu dấu.

Vành Khuyên

Ý kiến bạn đọc
23/01/201918:43:39
Khách
Trâm ơi tôi đã đọc trong nước mắt. Không biềt đến ngày hôm nay Trâm đã tìm được ngôi sao của chích mình?
08/09/201418:18:44
Khách
bai viet qua hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,809,202
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến