Hôm nay,  

Quà Cho Mẹ Nhân Lễ Vu Lan

12/08/201400:00:00(Xem: 9458)

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 4298-14-29698vb2081214

Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết "Tháng Tư, Còn Đó Ngậm Ngùi," kể về tình gia đình chung thuỷ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết mới của cô.

* * *

Thời thơ dại, con gái chơi bán hàng, chơi nấu ăn bằng mấy mẫu đồ chơi nhựa đủ màu: ly, chén, muỗng, nĩa, tô, dĩa, nồi niêu... làm rất khéo, trông giống như đồ thật thu nhỏ lại.

Chúng tôi mỗi đứa nấu một món, bắt chước những món ăn mình được Mẹ nấu hàng ngày. Lá bông giấy cắt nhỏ làm rau mồng tơi, những mụt măng non mới nhú làm mướp hương, tôm khô là hoa dâm bụt màu đỏ vo nhỏ. Chỉ có món gỏi đu đủ là giống như thật cũng là đu đủ non xắt thành sợi, trộn đậu phụng rang giả nhỏ. Có hôm, chúng tôi còn lén lấy lạp xưởng thật nướng lên, trộn chung, nhìn hấp dẫn như thật.

Tất cả những điều đó chúng tôi học lóm từ Mẹ, từ những món ăn hàng ngày. Mẹ nuôi chúng tôi lớn không phải chỉ bằng thực phẩm mà còn bằng tấm lòng của một bà Mẹ. Mẹ chỉ cho chúng tôi hình ảnh con chim mẹ mớm mồi cho con chim con trong tổ, chim non càng lớn lông cánh phởn phơ, chim mẹ càng xơ xác. Rồi Mẹ chỉ cho chúng tôi hình ảnh con gà mái vừa đẻ trứng, xù lông cánh, gầm lên dữ tợn, tuyệt vọng khi người ta lấy trái trứng còn nóng hổi ra khỏi ổ của nó. Và hình ảnh con mèo mẹ thất thần, dáo dác tìm kiếm khi về lại ổ thấy mất đi một con mèo con.

Bên cạnh lời nói, Mẹ còn dạy chúng tôi bằng hình ảnh và gương sáng: sự hiếu thảo của Mẹ với bà ngoại và cả bà nội. Chúng tôi lớn lên trong suối nguồn yêu thương và sự hy sinh vô bờ của Mẹ chúng tôi, cũng như những bà mẹ Việt Nam, những bà mẹ đủ mọi màu da.

Phong tục Việt Nam không có kiểu bày tỏ tình cảm lộ liễu như phong tục của người Mỹ nhưng tôi tin người Việt Nam thương Mẹ sâu đậm hơn mặc dù không có kiểu nói "I love you". "You are the love of my life" như người Mỹ. Vì những bà Mẹ Việt Nam trong nhiều thập niên không chỉ "vượt cạn một mình" mà còn nuôi con một mình trong chiến tranh, và ngay cả trong hòa bình khi cả trăm trại cải tạo mọc lên từ Bắc vô Nam để giam giữ những người vô tội.

Cứ nhìn một người Mẹ VN gầy yếu, mong manh, gánh hai đứa con nhỏ ở hai đầu thúng chạy giặc, lại còn chạy nhanh hơn những người khác đi tay không mới thấy tình mẫu tử làm người ta mạnh như thế nào. Hãy tưởng tượng một bà Mẹ Việt Nam gầy ốm chưa đến 40kg, tóc bạc phơ tay xách nách mang vựơt dốc thăm con trong lao tù cải tạo mới thấy lòng Mẹ thương con vô bờ.

Có một lần trong thời thơ dại, tôi đi theo Mẹ lên trại tù Gia Trung ở Gia Lai thăm Ba đang bị "cải tạo" ở đó. Chuyến đi có bà cụ thân sinh của một người bạn tù của Ba đi cùng. Vợ của chú đang nằm bệnh viện, đến ngày được phép thăm nuôi (nếu tôi nhớ không lầm mỗi năm chỉ được đi thăm một lần), bà cụ lúc đó đã ngoài bảy mươi, lặn lội đi thăm con. Con dâu của cụ gởi gấm cụ cho Mẹ tôi. Đường đi vào trại cải tạo Gia Trung (đúng ra phải gọi là trại tù, hay "tầng đầu địa ngục" như ngôn ngữ của Nhà Văn người Nga Aleksandr Isayevich Solzhenitsy) đường vừa dốc, vừa lồi lõm, trời nắng chang chang, không một bóng cây, không một ngọn gió. Một người trẻ đi tay không gần hai cây số chắc cũng "mệt cầm canh, thấy đủ 36 ngôi sao giữa ban ngày". Vậy mà bà cụ, tay xách nách mang thức ăn, thuốc men thăm nuôi cho ông con trai là cựu Sĩ quan QLVNCH, đi thoăn thoắt, tôi đi còn chậm hơn bà. Vì nôn nóng muốn gặp con, và vì tình thương của một người mẹ, bà cụ không thấy mệt. Bận về, bà cụ hầu như lê từng bước một cách mệt nhọc, có lẽ vì đường xa thấm mệt, bao nhiêu sức lực đã dùng hết ở lượt đi. Mà cũng có lẽ vì hình ảnh ốm o gầy mòn, râu tóc lốm đốm bạc của ông con trai ở tuổi chưa đến 40 mà hốc hác như một ông lão sáu mươi làm bà cụ suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác. Bà đã nói với Mẹ tôi với cặp mắt ngấn lệ:


- Giá mà người ta cho tôi ở tù thay cho anh ấy.

Câu nói đó tôi đã nghe nhiều lần từ nhiều cụ bà khác nhau, và cả từ chính bà nội của tôi. kèm theo những tiếng thở dài nảo ruột vào cuối thập niên 70. Những bà Mẹ Việt Nam tóc đang mới chớm màu tiêu muối bỗng bạc trắng trong một vài ngày mặc dù không phải bận lòng đến quốc gia đại sự như Ngũ Tử Tư ngày xưa.

Lúc đó còn nhỏ tôi chỉ thấy câu nói đó là một ước muốn không thể thực hiện được. Sau này, lớn khôn, tôi hiểu đó còn là một biểu hiện của "lòng mẹ bao la như biển Thái bình rạt rào".

Trong mắt của các bà mẹ, con của mình dù lớn đến đâu, dù đã thành ông to bà lớn, vẫn mãi mãi là một đứa con nhỏ cần được chở che, bảo vệ. (Như bà Barbara Bush đã nhấc điện thoại la mắng, nhắc nhở con trai của mình phải ăn uống từ tốn cẩn thận hơn khi ông Tổng thống thứ 43 của Mỹ đang tại chức bị nghẹn vì một miếng bánh pretzel)

Như bao bà mẹ khác trên đời, Mẹ chúng tôi cũng vậy, câu "kinh nhật tụng" chúng tôi nghe không còn nhớ là bao nhiêu lẩn hồi còn nhỏ dại:

"Tụi con khỏe manh, ngoan ngoãn, học giỏi là phần thưởng lớn nhất cho Mẹ, Mẹ không dám đòi hỏi thêm điều gì!

Ngày chuẩn bị đưa chúng tôi vượt biển, mỗi tối bên cây đèn dầu, "kinh nhật tụng" của Mẹ trở thành:

"Sau này ở xứ lạ quê người, có muốn trả hiếu cho cha mẹ thì phải cố gắng mà học hành, sống cho đàng hoàng, đừng đua đòi ham chơi."

Khi trưởng thành, ở xa Mẹ cả một đại dương, câu nói kết thúc sau mỗi lần chúng tôi nói chuyện với Mẹ qua điện thoại vẫn là:

"Tụi con khỏe mạnh, công ăn việc làm tốt đẹp, anh chị em khi nào cũng biết đoàn kết, thương yêu nhau là Mẹ vui lắm rồi, Mẹ không cần điều gì khác".

Lúc còn trẻ, Mẹ hy sinh mọi thứ, mọi nhu cầu của mình để chìu theo những đòi hỏi trẻ con của chúng tôi. Hình như với bất cứ một người Mẹ nào nhu cầu của chính bản thân luôn là thứ yếu, đứng sau nhu cầu của con cái. Bầy con còn dại, chưa biết nghĩ suy, cứ mở miệng đòi hỏi hết thứ này đến thứ khác. Và tận hưởng suối nguồn yêu thương ngọt ngào của Mẹ mà nhiều khi không biết mình đang có một tình thương vô bờ của Mẹ.

Khi Ba Mẹ qua Mỹ thăm chúng tôi, giữa một đất nước văn minh, giàu mạnh, hàng hóa đầy ắp thu hút du khách mọi nơi trên thế giới, Mẹ chỉ muốn ở nhà nấu những món ăn chúng tôi thích. Những món ăn Việt Nam bình thường nhưng chúng tôi ăn thấy ngon hơn cả các món ăn được nấu bởi những tay đầu bếp cừ khôi, chuyên nghiệp. Vì đã trưởng thành, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của Mẹ gởi theo từng món ăn. Mỗi món ăn do chính tay Mẹ nấu khi tóc đã ngả màu sương khói luôn đem chúng tôi về với một thời thơ dại bình yên lúc cả nhà còn đoàn tụ đông vui, hay ngay cả lúc Mẹ ngược xuôi bươn chải nuôi chồng ở trong tù và nuôi con một mình.

Không phải là "mùa nào thức ây" mà "đứa nào món ấy", Mẹ hiểu tính nết từng đứa con. Thời thơ dại đi học về, lúc trưởng thành đi làm về, trên bàn có món ăn đúng ý mình do chính tay Mẹ làm, ăn ngon hơn cao lương mỹ vị trên đời, tưởng là mình đã rất hạnh phúc. Nhưng nhìn vẻ hài lòng, hả hê trong mắt Mẹ, chừng như Mẹ còn hạnh phúc hơn cả mình.

Mãi đến lúc nửa đời người chúng tôi mới hiểu Mẹ là người quan trọng nhất trên đời, là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời ban cho mỗi chúng tôi. Không chỉ đợi đến lễ Vu Lan được cài một hoa hồng đỏ trên áo, tôi vốn không mê đồ trang sức, vẫn có những cái pink cài áo hình hoa hồng, và ít nhất là bốn đôi bông tai hoa hồng để mang quanh năm, không phải để làm dáng mà để tự nhắc mình vẫn có được diễm phúc còn Mẹ trên đời, còn có người thương yêu mình vô điều kiện.

Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con. Xin cùng các em, hứa với Mẹ những lời dạy của Mẹ, "những câu kinh nhật tụng" tụi con nghe hoài không chán sẽ theo tụi con suốt cuộc đời.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Vu Lan 2014

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng.
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Nhạc sĩ Cung Tiến