Hôm nay,  

Chùa Tôi

11/08/201400:00:00(Xem: 11540)

Tác giả: Triều Phong (TPN)
Bài số 4297-14-29697vb8081014

Với bài “Niềm Đau Ơi Ngủ Yên” viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong có tên trong danh sách tác giả vào Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Tác giả tên thật Trần Phương Ngôn, từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm, và là một thành viên đi đầu trong phong trào chống cưỡng bách hồi hương tại trại PFAC. Ông hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Bài sau đây được tác giả khởi viết từ ngày mới đến Mỹ định cư, tháng 10 năm 1999, tại Pháp Duyên Tịnh Xá, miền Bắc California. 15 năm sau, mùa lễ Vu Lan 2014, bài viết mới hoàn tất tại Miami Township, Ohio.

* * *

Lễ Vu Lan đang tới, các ngôi chùa Việt trên khắp nước Mỹ đều sẽ có những buổi lễ lớn thể hiện tinh thần mùa Vu Lan báo hiếu. Tôi xin kể về một mùa Vu Lan và về ngôi chùa có thật trong đời tôi. Chùa này không có ở Việt Nam mà là ở trại tỵ nạn Palawan-Philippines, đó là Chùa Vạn Đức!

Ngôi chùa cũng như trại tị nạn năm xưa nay đã không còn nữa, nhưng với tôi, ngôi chùa ấy còn mãi. Như cách gọi “Mẹ tôi, bố tôi, làng tôi...” thân thiết, tôi xin gọi ngôi chùa này là “Chùa tôi.”

Chùa Vạn Đức được thành lập năm 1981 do Hoà Thượng Thích Giác Lượng, Viện Trưởng Viện Hành Đạo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới dựng lên khi Thầy vượt biển đến được trại tỵ nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) lúc còn là đại đức.

Ngày ấy để có chỗ cho phật tử thờ phượng cúng bái, sinh hoạt tôn giáo Thầy Thích Giác Lượng đã được sự hổ trợ của các tôn giáo bạn nhất là những linh mục, sơ bên Nhà Thờ Nữ Vương Hoà Bình giúp đi xin vật liệu như cây, ván… khắp các nơi để xây cất thành Chùa Vạn Đức.

Chùa nằm trên một mảnh đất trống gần cổng chính của trại sát với Coffee Shop. Trải qua bao năm tháng, theo làn sóng người tỵ nạn đổ tới ngày càng đông, chùa cũng hoàn thiện dần dần để có được một ngôi chùa tươm tất hơn với tường làm bằng xi măng bao bọc bốn phía, cửa sổ là lớp song bằng nẹp cây để lấy ánh sáng từ ngoài vào. Mái chùa thì được lợp bằng tôn (tin roof). Bên trong có một chánh điện khá lớn, lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ, trang nghiêm với Tượng Phật Thích Ca ngự uy nghi trên bục thờ. Phiá sau hậu điện là bàn thờ có bức phù điêu to lớn của Đạt Ma Tổ Sư cùng các đĩa hoa quả. Sát hàng song thông gió gần đó có kê một bàn linh cùng nhiều hũ tro cốt và hình ảnh của người quá cố được người thân gửi lên thờ ở chùa. Bên kia, cạnh lối đi thông ra sau có một phòng họp, một workshop. Duới hậu điện có mấy phòng cho phật tử sống trong chùa và lo phật sư, một nhà bếp với một hồ lớn chứa nước nấu ăn. Ngoài sau, bên hông chùa có hai cái gác. Đây là các am dành cho sư thầy, sư cô, đã xuất gia sống và tu hành, hướng dẫn phật tử kinh kệ, tu học phật pháp v.v…

Từ ngoài đường nhìn vào, phía bên phải sân trước có hai cây sứ mà lâu ngày tàng của nó đã che kín một khoảng không gian rộng lớn đến độ mỗi bận thu về hoa sứ rơi trắng cả sân chùa. Dưới gốc cây này có hai băng đá bằng xi măng do một vị sư thầy bỏ tiền ra làm cúng dường cho chùa khi đậu thanh lọc tức là được Sở Di Trú Phi cấp quy chế tỵ nạn. Bên trái có tượng Phật Bà Quan Âm cao lớn đứng sừng sững giữa trời, lặng lẽ theo năm tháng. Nơi đây cũng có một cây sứ to và hai băng đá. Sau lưng tượng Phật Bà là bức tường xi măng dùng để ngăn sân trước và sân sau. Trên mặt sau của vách tường này có tạc một tượng Phật Thích Ca đang nằm (Phật nhập diệt) mà vào mỗi dịp lễ, phật tử thường tới các nơi đây để chụp hình lưu niệm. Dưới khoảng sân này, có trồng một cây bồ đề, theo bước chân người tỵ nạn nó to lớn dần và là chổ trú ngụ cho chim muôn khi xuân về, hè đến.

Năm 1990, Ban Trị Sự phá bỏ hàng rào cây và thay vào đó bằng một hàng rào xi măng xung quanh khuôn viên chùa, có cổng Tam Quan với hai lối đi dành riêng cho Thiện Nam, Tín Nữ hẳn hoi khiến cho chùa trở nên biệt lập, khang trang giữa các dãy nhà lá xập xệ mục nát ở trại. Ngoài ra, người ta còn đúc thêm một cái lư to lớn đặt giữa sân chùa mà những lần lễ lạc phật tử trong trại tề tựu vể đốt hương, khói tỏa nghi ngút, làm cho chốn thiền môn thêm phần tôn nghiêm, linh thiêng bên trời thế tục.

Tôi đến trại tỵ nạn tháng 06 năm 1989 tức là trước Phật Lịch 2533 không bao xa và sống ở Khu 1 là khu đối diên chùa bằng con đường chính của trại nên ngày ngày không biết bao lần lên xuống qua lại trước cổng chùa. Thỉnh thoảng tôi cũng vào chùa lạy Phật những khi rỗi rãi.

Vu Lan đầu tiên năm đó tôi đến Chùa Vạn Đức tham dự lễ trong sự hân hoan và thương cảm nhớ về mẹ. Người đã mang nặng đẻ đau và nuôi tôi suốt bao năm trời mà tôi đành bỏ lại sau lưng trên đường vượt biển tìm tự do. Tôi còn nhớ năm đó chùa đã tổ chức lễ vô cùng trọng thể. Ban Trị Sự đã giăng một tấm màn che nắng thật lớn trên cao, đặt các hàng ghé san sát nhau trước sân chùa, dưới hai cây cao cạnh bậc tam cấp của chánh điện để sẳn sàng cho quan khách tới tham dư. Đàng kia trước tượng Quan Âm có một sân khấu đã được các em trong Gia Đinh Phật Tử Quảng Đức dựng lên từ chiều hôm trước. Bên trong, chánh điện trang hoàng thật đẹp với đèn đóm sáng choang, hoa quả đầy bàn. Cờ phật giáo được treo khắp nơi, phất phơ bay trong gió như hoan hỉ theo ngày Lễ Mẹ.

Ngay từ sáng sớm cổng chùa đã mở và mọi người tất bật vào ra. Không khí bên trong tưng bừng nhộn nhịp theo tiếng nhạc đạo được phát ra từ hệ thống loa thật lớn. Khi mặt trời từ biển lên cao qua khỏi các mái nhà tỵ nạn, ánh dương quang của một ngày mới bắt đầu, dọi các tia nắng mai xuyên kẻ lá tạo nên những hoa nắng nho nhỏ, mềm mại rơi xuống sân chùa thì cũng là lúc quan khách cùng đồng bào phật tử ở các khu lục tục kéo đến. Chẳng mấy chốc Chùa Vạn Đức đã chật cứng từ trong ra đến ngoài.

Nhìn trong số khách mời tới tham dự lúc ấy tôi thấy có vài người mà tôi mới được biết như Cao Ủy Trưởng Tỵ Nạn, ông Jan Top Christensen, Giám Đốc Cơ Quan CADP (The Center Assistance for Displaced Persons) Sister Pascal Lê Thị Tríu, Hiêu Trưởng trường HTC (The Holy Trinity College) Sister Thomasa, Fr. Crawford người Mỹ của Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình, ông Giám Đốc OIC; trưởng trại PFAC là một sĩ quan Phi Luật Tân mà khi đó tôi chưa biết tên, Trưởng Ban Điều Hơp của Văn Phòng IOM (The International Organi-zation for Migration) ông Wililliam Barriga, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn PFAC Nhiệm kỳ 28 ông Nguyễn Đức Ban cùng rất nhiều trưởng ban, phó ban, thiện nguyện viên người Việt cũng như ngoại quốc của các ban nghành đoàn thể khác.v.v… đã có mặt trên các hàng ghế.

Sau phần mở đầu chào mừng quan khách của Đại Đức Thích Tâm Hòa (hiện nay thầy là thượng tọa đang ở Mississugao-Canada,) Chánh Đại Diện Chùa Vạn Đức, Trưởng Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngọai Palawan-Philippines trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ xong, thầy bắt đầu nói tới mục đích và ý nghĩa của buổi Lễ Vu Lan.

Cũng như tôi, hàng ngàn phật tử đã ngậm ngùi khi nghe lịch sử cứu mẹ gian nan của Mục Kiều Liên, công lao nuôi dạy con cái to lớn như trời biển của mẹ cha, huấn từ của thầy về hiếu đạo làm con của người phật tử mà không khỏi rơi lệ. Tôi biết tâm trạng đó xuất phát từ tâm trạng đau khổ của những người vừa mới lìa nhà, xa xứ. Họ rất dễ xúc động và mủi lòng trước bất cứ nỗi buồn nào khi đụng đến vết thương đang rướm máu ấy.

Tiếp theo là các nghi thức khác của buổi lễ, phần “Dâng Hoa Cúng Phật” của những em nhỏ trong Gia Đình Oanh Vũ, đáp từ bày tỏ cảm tưởng rất lấy làm thích đại lễ này của hai ông Trưởng Cao Ủy, Trưởng Trại OIC bởi ý nghĩa to lớn của nó. Hình ảnh của người mẹ đã vĩ đại và thiêng liêng hơn trong họ khi được vinh hạnh tham dự Lễ Vu Lan. Ông Jan Top còn hóm hỉnh khôi hài rằng ông cảm thấy “thương mẹ ông hơn kẻ từ hôm nay!” khiến mọi người cười vang.

“…Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh, đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em…Mẹ, mẹ là giòng suối dịu hiền. Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…”

Giọng Huế tha thiết truyền cảm, luyến láy ngọt lịm tự nhiên không gượng ép của danh ca Hà Thanh qua bài “Bông Hồng Cài Áo” cứ thế được phát đi từ chiếc loa mắc trên cao cùng lúc với lễ “gắn hoa” càng làm cho hình ảnh của mẹ thêm gần gũi, đầy xúc động. Người còn mẹ thì nhận được một hoa màu hồng, gương mặt rạng rỡ hạnh phúc chan chứa niềm vui. Kẻ khác lại thút thít, nước mắt lã chã tuôn rơi khi được cài một bông hồng trắng khiến người đối diện phải ái náy, xót xa lúc trông thấy.

Sau cùng là phần “Cúng Dường Trai Tăng” tất cả các quan khách được mời dùng bữa cơm chay gọi là “Thọ Trai” tại chùa và xem văn nghệ. Tuy không hiểu tiếng Việt nhiều nhưng hầu hết đều tỏ ra vui vẻ và cảm kích Ban Tổ Chức về ngày Lễ Vu Lan đầy ý nghĩa này. Buổi lễ kết thúc khi trời đã quá ngọ. Mọi người lần lượt ra về với một nỗi niềm riêng mang!

Theo dòng thời gian qua biến chuyển lớn lao thay đổi phận người tỵ nan dưới lưỡi dao thanh lọc oan nghiệt của Chương Trình Hành Động Toàn Diện CPA (The Comprehansive Plan of Action) Chùa Vạn Đức đã trở thành nơi lãnh đạo các cuộc biểu tình chống thanh lọc bất công sau đó và chùa cũng đã có dịp may đón tiếp những vị cao tăng như Thượng Tọa Thích Phụng Sơn từ Mỹ sang thăm, Thượng Tọa Thích Quảng Ba bên Úc tới viếng….

Năm 1994 khi Đại Đức Thích Thông Đạt (hiên nay thầy là thượng tọa đang ở San Jose-Hoa Kỳ) bị bắt và chuyển lên Transit Center ở Manila sau cuộc biểu tình sáu mươi lăm ngày đêm lần thứ ba của đồng bào ở PFAC thì Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo thay thầy giữ chức Chánh Đại Diện. Ở cương vị này sư cô đã chọn tôi làm phụ tá chuyên lo đối ngoại cho cô khi tôi đang làm thiện nguyện cho cơ quan IOM. Từ đây tôi thường liên lạc và viết tin cũng như kêu gọi sự hổ trợ của các hội đoàn, đoàn thể người Việt hải ngoại những lúc cần kíp. Đó là lý do tại sao Chùa Vạn Đức là nơi tôi đã tá túc, dung thân trong những tháng ngày cuối cùng của quảng đời ở trại tỵ nạn của mình. Tuy nhiên khi vào chùa ở rồi tôi mới biết được rằng dù đã có nhiều sửa sang, cải thiện từ nhiều năm trước nhưng vì là chùa trong trại tỵ nạn nên Chùa Vạn Đức vẫn còn nghèo nàn và đơn sơ lắm!

Chùa không có chuông Đại Hồng Chung, không có ao sen để người ta có thể ngửi được làn hương mỗi khi gió lên hay đắm chìm mộng mơ trong khói lam chiều mà chùa chỉ có một cái trống da tầm thường, một cái chuông tự chế bằng cách cắt lấy phần đầu của vỏ chai Oxygen rồi dùng môt sợi dây quấn lấy cái van (valve) đoạn treo lền rồi cột thêm lên đó một thanh sắt tròn nhỏ cở ngón tay dùng để đánh chuông mà thôi. Dù vậy tôi vẫn có một cuộc sống vui vẻ hài hòa ở đây với các anh chị em trong Gia Đình Phật Tử Quảng Đức. Họ đa số rất hiền lành và dễ thương.

Thời gian này nhiều khi tôi cảm thấy cõi lòng có phần thanh tịnh bớt buồn lo hơn vì thanh tịnh chính là căn nguyên để giải trừ các phiền não, sầu lo, trước một tương lai quá mịt mờ!

Cứ thế mà những người lánh cư cuối mùa của chúng tôi sống âm thâm lặng lẽ, làm bạn cùng thiên nhiên, sóng biển, vui khi thủy triều lên buồn khi thủy triều xuống trong cái trại tỵ nạn xa xôi hoang vắng, thiếu thốn mọi bề ấy suốt nhiều năm tháng.

Nhưng rồi Cao Ủy Tỵ nạn nào để cho yên sau bao lần khuyến dụ mọi người hồi hương không được, răn đe cũng không xong!

*

Ngày 05 tháng 02 năm 1995, một Bản Ghi Nhớ MOU (The Memorandum of Understanding) giữa hai chính phủ Việt Nam và Phi Luật Tân cùng Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho một “Chương Trình Hồi Hương Có Trật Tự” đã được ký kết.

Suốt năm này Tướng Carlos Tanega, Tư Lệnh Miền Tây kiêm Quản Đốc Trại (Commander of Wescom and Administrator of Palawan Camp) đã nhiều lấn họp với Đại tá Rex C.Robles, Tư Lệnh Phó (Navy Captain, Deputy Camp Commander) để sắp xếp chương trình, tính toán chi phí, thay phương tiện chuyên chở lúc ban đầu C130 bằng Air Bus 320 từ Việt Nam đưa sang với phí tổn cho chiến dịch hồi hương là 37.000 đô la mà Cao Ủy sẽ chi trả. Ngoài ra Tướng Tanega cũng lượng định tình hình dân chúng sẽ phản đối ra sao, để cuối cùng quyêt định bắt những kẻ mà họ cho là “leaders” của mấy lần biểu tình trước đây như một “anti-riot gears!”

Tháng 01 năm 1996, Đại Sứ Lauro Baja khi đó đang là Phụ Tá Thư Ký đặc trách Á Châu Sự Vụ Khu Vực Thái Bình Dương ASPAC (Assistant Secretary for Asian and Pacific Affairs) nhân danh Chính Phủ Phi tại Manila, bật đèn xanh cho tướng Tanega tiến hành chiến dịch hồi hương. Tất cả các tài liệu này nhờ thời bấy giờ làm việc cho IOM mà tôi đã chụp lại được và gửi qua Mỹ cho Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Cơ Quan BPSOS, để cầu cứu!

Ngày 06 tháng 02 năm 1996, Cao Ủy đóng cửa văn phòng, rút nhân viên ra khỏi trại. Cuộc bố ráp đầu tiên mở màn vào ngày hôm sau, 07 tháng 02 năm 1996. Ngay từ lúc 5 giờ sáng, khoảng 200 lính Thủy Quân Lục Chiến Phi được hổ trợ bởi lực lương Cảnh Sát Quốc Gia bao vây trại và lục soát từng nhà để lùng bắt một tram mười chín người lánh cư đã đăng ký tự nguyện hồi hương nhưng rút lại (deferees). Đến 8 giờ sáng chiến dịch tảo thanh này thất bại vì không bắt được những người trong danh sách. Đại tá Robles ra lện cho thuyền nhân tập trung tới giữa trại để nghe ông ta nói chuyện và cam kết không làm hại ai. Tuy nhiên ông ta đã bắt những người xuất hiện rồi ra lệnh cho quân đội bắt luôn các người đang đứng sắp hàng lãnh lương thực tại Ban Lương Thực. Cuộc bố ráp này chỉ bắt được có hai mươi bốn người không có tên trong danh sách và họ đã bị chuyển sang giam ở Bộ Tư Lệnh Miền Tây (WESCOM-Western Command.) Tất cả một trăm mười chín người kia đã bị cắt khẩu phần lương thực hằng ngày ngay sau đó. Trong khi ấy một nhóm thuyền nhân đã tổ chức biểu tình phản đối ôn hòa trước Chùa Vạn Đức, nhưng biểu ngữ của họ đã nhanh chóng bị lính tịch thu.

Một phái đoàn của Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân (The Catholic Bishop’s Conference of the Philippines) do Đức Ông Nguyễn Văn Tài, Giám Đốc Đài Veritas, dẫn đầu cùng một luật sư của LAVAS (Legal Assitance for Vietnamese Aylum Seekers,) một phóng viên của đài BBC từ London và vài nhà báo địa phương đã tới Palawan vào lúc 11 giờ trưa ngày 08 tháng 02, 1996.

Trong cuộc họp với Đức Ông, Đại Tá Robles đưa ra đề nghị sẽ xem xét thả hai mươi bốn người bị bắt về sum họp với gia đình ăn Tết Nguyên Đán với điều kiện người lánh cư ngưng biểu tình chống đối Wescom. Nhưng ngày hôm sau khi phái đoàn trở lại Manila trừ luật sư LAVAS thì ông Robles lại chuyển danh sách hai mươi bốn người đang bị bắt cho Cao Ủy để chuẩn bị hồi hương.

Sáng ngày 10 tháng 02, 1996, ngay khi luật sư LAVAS vừa rời Palawan đi Manila thì trưa hôm đó, dưới sự chỉ huy của Đại Tá Robles thủy quân lục chiến và cảnh sát đã bao vây toàn trại. Tôi được Sư Cô và anh Phó Ban Đại Diện Chùa Vạn Đức chỉ thị ra ngoài phố gọi điện thoại thông báo tình hình hiện nay ở trại sang hải ngoại nhưng lúc tôi rời khỏi chùa thì lính dày đặc không ra được. Khi tôi vòng ra đường phiá sau Hội Thánh Tin Lành trở về văn phòng IOM thì đụng phải một toán lính đang gác ở đây, thấy tôi một người lính trờ tới tính bắt. Nhìn thấy cửa văn phòng CFSI (Community and Family Service International) đang hé mở và có vài người lánh cư lấp ló tôi nghĩ là văn phòng này chắc chắn có điện thọai nên bây giờ vào đây thì còn cầu may vì đã hết đường rồi. Ý tưởng thoáng qua tôi liền vọt thẳng vào đó.

Bấy giờ quân đội đã chốt chặn mọi ngã đường dẫn tới chùa, cô lập tất cả đồng bào vừa từ các khu chạy lên để tập trung bảo vệ chùa khi nghe kẻng báo động nhằm cách ly chùa khỏi người lánh cư. Và may mắn thay tại đây tôi đã nhờ một người em thiện nguyện của cơ quan này bất chấp mọi rủi ro để dùng phone của cơ quan cho tôi gọi thẳng sang Mỹ nhiều lần khi cuộc tấn công xảy ra. Sự can đảm và hy sinh này của em có thể nói gần như cứu cả trại khỏi bị cưỡng bức sau này, vì Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng đã nhận được tin và làm việc suốt đêm không ngủ. Đó cũng là một bất ngờ cho Tướng Tanega vi ông dự tính công cuộc bố ráp sẽ diễn ra hôm nay, thứ bảy, là ngày nghỉ cuối tuần thì chúng tôi không thể liên lạc với bất cứ nơi đâu được bởi bưu điện đóng cửa. Nhưng người tính không bằng trời tính!

Chùa Vạn Đức bị coi là nơi tụ hội những đầu não phong trào chống cưỡng bách hồi hương nên trở thành mục tiêu bị tấn công.

Theo lời kể lại của anh phụ trách kỹ thuật ở chùa, cuộc tấn công bắt đầu khi lính Phi dùng giày saut đạp sập cổng chính của chùa và ào ạt xông vào theo hai hướng, bắt ngay những người vừa gặp bất kể phụ nữ hay trẻ em quăng lên xe GMC đang chờ sẵn. Điều đầu tiên họ muốn là chiếm lấy cái chuông chùa nên vài người lính đã chạy tới bên chiếc chuông đang treo dùng lưỡi lê cắt dây chuông. Anh Diệp, một người BV là con lai (Amerasian) vừa mới từ trại Bataan chuyển xuống PFAC đã liều mình xông tới cố giữ lại chiếc chuông. Anh đã bị lính đánh bất tỉnh tại chỗ và khiêng nhốt vào “Monkey House!” Họ đã đánh và dùng báng súng M16 đập những người kháng cự, dồn tất cả vào chánh điện, đập vỡ một số tượng Phật, dùng báng súng gạt cả các hủ tro cốt trên bàn linh xuống nền nhà. Mọi người chen chúc dồn cục lên nhau trong cảnh hổn loạn ấy. Tiếng la hét, tiếng kêu gào góc thét vì sợ hãi của người lánh cư vang vọng khắp trời khiến dân chúng Phi sống xung quanh trại nhốn nháo chạy tới xem vẫn không làm cho quân lính dừng tay. Nhiều trẻ em bị chèn, ngạt thở mà nếu không được kịp thời phát hiện và kéo lên thì có lẽ đã chết ngộp.

Trước tình cảnh đó anh Phó Ban Đại Diện chùa lên tiêng phản đối hành động thô bạo này của quân đội nên là người đầu tiên bị đánh dã man. Phẩn uất trước hành động và lời nói bất nhất chánh quyền Phi nên anh kháng cự lại bằng cách níu chặt lấy cành cây sứ không chịu để bị bắt vì vậy anh đã bị bốn người lính thuỷ quân lục chiến dùng báng súng đánh vào má, đập vào hai bàn tay, dọng vô mặt, đấm vào ngực và đạp hai bên mạn sườn khiến anh đổ gục xuống đất và bị khiêng quẳng lên xe một cách thảm hại.

Đến 3 giờ chiều trong lúc Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo (hiện ở Richmond-Virginia) đang đứng cử hành lễ trước bàn thờ thì cũng bị hai lính thủy ngăn cản, họ nắm chặt lấy phần trên cánh tay của sư cô kéo đi xềnh xệch ra xe, rách cả lễ phục mà cho tới cả tháng sau vết bầm đó vẫn còn tái xanh khi sư cô đưa cho tôi xem! Riêng Đại Tá Robles, dù nghĩ rằng đã bắt được thành phần lãnh đạo biểu tình ở chùa xong nhưng như chưa hả cơn giận nên tới 4 giờ chiều ông còn cho lính xuống đến Khu 8 lùa mọi người ra ngoài tra xét.

Một số người quá sợ bị cưỡng bách hồi hương đã trốn vô cầu tiêu, nhà tắm, nhà bếp hay chung vô tủ, chui vô chuồng gà, thậm chí có người còn chung cả vào những cuộn cót tre dùng để làm vách nhà đang được cuốn tròn lại để ngoài hè mà sau này nghĩ lại họ không hiểu tại sao lúc ấy họ có thể chui lọt vào đó với thân thể to lớn như vậy? Tiếng khóc lóc, la hét, vang động cả một góc trại. Hình ảnh “chị Sơn bán cháo lòng” đang kêu gào, vùng vẫy, khóc thảm thiết lúc bị bắt bỏ lên xe được đăng trên trang nhất của nhật báo Philippine Inquirer hai ngày sau đó cho thấy sự đau thương của việc chống đối hồi hương, trở về không có nhân phẩm của dân tỵ nạn ngày ấy! Và theo như Bản Ghi Nhận của Đại Tá Robles gửi cho bà Merida Morales-O’Donnell, đại diện của Cao Ủy Tỵ Nạn tại Phi Luật Tân lúc bấy giờ thì có một tram hai mươi sáu người bị bắt trong cuộc bố ráp kia. Như thế sau hai lần tảo thanh, đã có một tram năm mươi người bị bắt và sẽ bị cưỡng bách hồi hương!

Chiều hôm ấy chùa chỉ còn lại có mỗi mình tôi với anh phụ trách kỹ thuật và vài anh em trong Gia Đình Phật Tử Quảng Đức mà thôi. Chùa lúc này đã trở thành một nơi nguy hiểm nên ít ai dám léo hánh lại.

Nhìn chánh điện vương vãi đồ vật, bông hoa cây trái văng tung tóe, hậu điện tan tành, bàn linh nghiêng ngửa, hình ảnh vong linh bể nát, tro cốt trộn lẫn tàn nhang rơi rớt đầy mặt đất, tượng Phật thì cái bị sứt đầu, cái lại gãy chân hay không còn tay, nằm chơ vơ lăn lóc lòng không khỏi đau đớn. Ngoài sân, cổng chùa xiêu vẹo, gạch đá ngổn ngang, lá đổ muôn chiều, tôi đứng một mình giữa sân chứng kiến sự hoang tàn đổ vỡ sau khi bị đập phá đó mà không khỏi ngậm ngùi xót xa, cảm nhận được cảnh phế hưng, pháp nạn của Chùa Vạn Đức đã phải gánh chịu lúc đó.

Có lẽ chính Tướng Tanega cũng không ngờ rằng cuộc bố ráp phá hoại chốn thiêng liêng của Phật Giáo đã huỷ hoại thanh danh và cuộc đời binh nghiệp của ông. Vì sau này ông đã không được bổ nhiệm giữ chức Tham Mưu Trưởng đang được đề cử của quân đội Phi do bị Human Rights Watch khởi kiện bởi vụ đàn áp này.

Ngày 14 tháng 02 năm 1996, trong khi nhân loại đang tưng bừng chào đón Lễ Tình Nhân (Valentine’s Day) thì ở một góc tối khác của cuộc đời, người lánh cư tại PFAC lại đối mặt với thảm họa cưỡng bách hồi hương. Ngay từ 7 giờ sáng khi chiếc máy bay A 320 từ Việt Nam sang và đảo hai vòng trên bầu trời Palawan của trại trước khi đáp xuống phi đạo thì mọi người bên dưới nhốn nháo, hoảng lọan. Họ lo lắng cho những đồng bào đang bị giam tại Căn Cứ Không Quân Antonio Bautista của Phi Đoàn Chiến Thuật Hỗn Hợp 570th (570th Composite Tactical Wing.) Không bao lâu sau đó có năm người đầu tiên xông lên phi đạo và thẳng tiến về phiá máy bay đang đậu tít đàng xa để chuẩn bị chở người. Họ vừa đi vừa hát vang bài “Việt Nam, Việt Nam” để trấn át nỗi sợ hãi trong lòng. Thế là không ai bảo ai mọi người cũng rầm rộ kéo lên theo. Ước lượng đã có khoảng một ngàn thuyền nhân lên phi đạo chặn máy bay. Trong lúc chúng tôi đang đi trên phi đạo vắng ngắt hai bên là bờ cỏ cao quá khỏi đầu dưới thời tiết lành lạnh thì chợt thấy có hai ba xe jeep chở đầy lính an ninh phi trường trang bị súng ống đầy đủ từ xa chạy đến. Xe thắng gắp trước đám đông, họ nhảy xuống la hét và ngăn chặn nhưng vô hiệu. Một người lính lên đạn và bắn hai phát súng chỉ thiên. Đám đông khựng lại vài giây rồi tiếp tục cất bước. Chẳng mấy chốc, lúc đoàn người chỉ còn cách máy bay khoảng một cây số thì tướng Tanega xuất hiện cùng với một tiểu đoàn lính thủy quân lục chiến và nhiều xe cứu hỏa. Hổn chiến đã xảy ra khi quân lính đánh và dùng vòi rồng để đàn áp, ngăn chặn làn sóng người đang tiến lên như nước vỡ bờ. Nhiều nhà báo địa phương được mời đến chứng kiến đợt cưỡng bức đầu tiên mà chính quyền Phi thông báo là thuyền nhân sẳn sàng ra về tự nguyện trong vòng trật tự đã vô cùng bỡ ngỡ và quay lại tường thuật tại chỗ những gì đang diễn ra trước mắt họ. Đây là một sự kiện bất ngờ xảy ra ngoài dự đoán và tầm kiểm soát của Wescom nên tướng Tanega vô cùng giận dữ hạ lệnh khi xe jeep chở ông ta vừa tới:

- Stop them with any price!

Rồi từ trên xe nhảy xuống ông ta xông vào đám tỵ nạn cùng khổ đang tụ tập phiá trên đấm đá tứ tung bất kể lớn bé, già trẻ, gái trai. Và trong lúc tôi đang hướng dẫn đồng bào ngồi xuống, xoay lưng lại tránh vòi rồng từ trên xe đang xịt nước xuống thì bất thình lình ông Tanega nhảy bổ tới thộp được cổ áo tôi, kéo mạnh ra ngoài. Giữa lúc tôi còn đang hốt hoảng vùng vẫy thì các đồng bào đứng gần đấy vội xúm tới ôm bụng, nắm chân tôi lôi lại. Đang khi hai bên còn giằng co, tướng Tanega đã ra lịnh cho một người lính đứng gần đó chụp hình tôi. Lợi dụng giây phút lơi lỏng đó của ông ta tôi tháo vội khóa áo gió cho bung ra và vùng thoát khỏi tay ông ta. Ông ta hung tợn chỉ vào mặt tôi hét:

- You are next operation!

Tôi lập tức lủi nhanh sang chỗ khác. Nơi đây tôi thấy chị Hội Trưởng Hội Phụ Nữ của trại nằm lăn ra phi đạo giãy dụa khóc la thảm thiết. Vài chị em trẻ bu quanh chị, nước mắt dàn dụa. Kẻ đứng, người quỳ van xin, vái lạy như tế sao các người lính đang đứng ngơ ngác nhìn cảnh tượng đó. Đàng xa kia, người ta khiêng các cô gái đã ngất vì nước bắn trúng ngực ra phía sau. Họ nằm đó áo quần xốc xếch, mặt mày nhợt nhạt, tóc bê bết nước, thở không ra hơi!

Trong cảnh hỗn loạn ấy tôi thấy cờ vàng ba sọc đỏ, cùng một số băng rôn, biểu ngữ phản đối như “Stop Forced Repatriation-We need freedom,” hay “Be huamane”… được các chú bên Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH mang lên và căng ra. Rồi tôi để ý trông đám đông thấy có cả sự hiện diện của anh Bảo Vũ, phóng viên của đài BBC, tới trại từ hôm trước để liên lạc với chúng tôi tìm hiểu về tình hình cưõng bức ở Phi và Cha Crawford nữa. Bỗng tôi thấy Cha Crawford đi giật lùi, một người lính đang chỉa nòng súng vào cha, mặt gầm gừ. Tôi sợ chuyện chẳng lành xảy ra với cha nên vội nhào tới bên cha đồng thời hô hoán mọi người xúm vào mà bên tai vẫn còn nghe anh lính lớn tiếng hỏi tại sao cha ủng hộ chúng tôi. Anh ta đuổi cha về. Cha vẫn đứng đó hiền từ nhìn anh ta mỉm cười và lắc đầu. Anh ta đe dọa:

- Go home Father! Go home now! If you don’t go, I will shoot you right away!

Cha vẫn yên lặng. Nhiều đồng bào đã vây quanh cha, người lính thấy vậy bỏ chạy đi! Sau hai giờ chặn phi đạo khiến máy bay không cất cánh được, đoàn phóng viên địa phương bắt đầu rút lui. Cha Crawford đến bên tôi bảo tôi khuyên đồng bào nên trở về trại vì cha nghĩ chúng tôi đã bày tỏ sự không tự nguyện như thế thế là đủ rồi. Sẽ không có lợi nếu chúng tôi còn tiếp tục ở đây!

Nắng lên cao, đoàn người lần lượt tản dần, tiếng máy bay gầm rú cất cánh rời khỏi phi đạo mang theo tám mươi bốn người lánh cư khiến tôi cảm thấy mất mát, tim nhói đau. Cố đứng lại, tần ngần trên đường băng dõi mắt trông theo phi cơ cho đến khi nó chỉ còn là một chấm đen rồi mất hút ở cuối chân trời lòng tôi không khỏi bùi ngùi bởi tôi biết trong số những người bị bắt về đó đều là những người đã từng sống cùng tôi nhiều năm trong trại này, nhũng kẻ đã đồng cam cộng khổ với tôi, lăn lộn qua các cuộc biểu tình ngày trước. Và trong số họ có những anh em rất thân với tôi, đã từng ăn ngủ bờ bụi bên nhau, đã từng chia ngọt xẻ bùi, từng uống chung ly cà-phê đen thiếu đường, từng hút với nhau từng hơi thuốc tuy nghèo khổ nhưng vui đó giờ đây đã không còn. Ngước nhìn lên bầu trời xanh, trong vắt như được kéo lên thật cao sáng hôm ấy tôi băn khoăn tự hỏi “không biết họ sẽ ra sao khi về tới quê nhà? Họ có bị khó dễ gì với chính quyền không?” Muôn vàn câu hỏi mà nhất thời tôi không trả lời được. Thôi tất cả đều đã qua, tất cả đều đã xa và tất cả đều là số phận! Tôi nhủ thầm và lầm lủi theo đoàn người trở về trại.

Tới Khu 5, nhìn bóng dáng ốm o, xiêu vẹo của mọi người lủi thủi mất hút trong các con hẽm nhỏ, gồ ghề đá đảo, rồi lại nhìn dòng người trước mặt thất thểu, bất cần, buồn hiu, nhiều thanh niên bị đánh đến đổi bây giờ phải có người dìu đi tôi thấy thật là thương tâm chua xót rồi nhìn qua anh phụ trách kỷ thuật của chùa đi bên cạnh, tôi thật sự ngạc nhiên vì trên người anh không còn gì ngoài cái quần lót mà chính anh cũng không hay biết! Đến lúc đó tôi mới thật sự hiểu rõ sức mạnh của vòi rồng xe cứu hỏa!

Hậu quả của cuộc cưỡng bức hồi hương bằng quân đội này của Phi Luật Tân làm mười bảy người và một anh Amerasian bị thương trong đó có một phụ nữ bị sảy thai khi vừa có mang bầu được một tháng. Riêng anh Phó Ban Đại Diện Chùa Vạn Đức bị gãy hai ngón tay, ba xương sườn, chảy máu miệng, mình mẫy mặt mày sưng tấy mà cho đến sau này vẫn thường xuyên bị tức ngực. Ngoài ra nó cũng làm cho bốn gia đình có vợ chồng con cái hoặc cha mẹ bị ly tán bởi kẻ bị bắt về Việt Nam người khác thì còn ở lại trại!

Khi cuộc cưỡng bức này được phát hình trên toàn quốc mấy ngày sau thì người dân Phi đã phản đối dữ dội bởi Phi là một quốc gia hiền hoà có hơn 95% là người công giáo và mấy triệu dân đang lao động ở ngoại quốc. Hơn nữa nhờ anh Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng đã thông báo cho Hoà Thương Thích Giác Lượng và các hội đoàn ở Mỹ kịp thời về tình hình bi thảm của đồng bào bên PFAC mà ngay sáng thứ hai đầu tuần sau Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại đã phối hợp cùng nhiều đoàn thể, cộng đồng người Việt, thân hào nhân sĩ, văn nghệ sĩ các nơi đồng loạt tổ chức biểu tình phản đối chính phủ Phi dùng quân đội cưỡng bức thuyền nhân Một số hội đoàn còn kéo tới Toà Đại Sứ Phi tại Washington DC phản kháng và trao Thỉnh Nguyện Thư. Họ vô cùng ngạc nhiên trước sự việc vừa xảy ra và lấy làm hổ thẹn vì những gì chính phủ Phi vừa đối xữ với Thuyền Nhân Việt tại Palawan. Mặt khác ngay tại Phi, Đức Ông Nguyễn Văn Tài và Sister Pasale Lê Thị Tríu cũng tích cực vận động xin sự hổ trợ của Giáo Hội Công Giáo xứ này.

Trước sự phản đối và áp lực mạnh mẽ khắp nơi, ngày 15 tháng 02 năm 1996, văn phòng Bộ Trưởng Ngoại Giao Domingo Siazon tuyên bố chấm dứt cưỡng bức hồi hương và Ban Quản Đốc trại đồng ý bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho Chùa Vạn Đức! Đây là cuộc cưỡng bức hồi hương đầu tiên và duy nhất ở Phi Luật Tân và cũng có thể nói rằng dù sao thì chính phủ Phi cũng là chính phủ nhân đạo nhất vì chỉ có chính phủ Phi và nhân dân Phi là sẳn lòng dang rộng vòng tay để đón người tỵ nạn. Đây cũng là bưóc đầu tiên trong việc xúc tiến cho người Việt được ở lại Phi trong tượng lai.

Lúc này được biết Sư Cô và anh Phó Ban Đại Diện Chùa Vạn Đức không bị trục xuất trên chuyến bay vừa qua và vẫn còn bị giam bên Wescom nên trước vấn đề cấp bách sắp tới, tôi với tư cách là người phụ tá cho sư cô đành phải đứng ra đại diên cho chùa và Giáo Hội Phật Giáo tại đây. Tôi liền liên lạc với Hoà Thượng Thích Giác Lượng ở Hoa Kỳ để thỉnh ý cho buổi họp với ông Tướng Tanega ngày mai.

Trong buổi họp hôm sau ông Tướng Tanega tỏ ra bực tức bởi việc chúng tôi đã thông tin tình hình ở trại ra bên ngoài và vẫn cứ đe dọa sẽ trục xuất chúng tôi nữa nếu còn tiếp tục. Về phần bồi thường cho chùa, theo ý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ thì là người phật tử luôn lấy từ bi hỷ xả làm đầu nên chúng tôi sẵn sàng bỏ qua không cần bồi thường thiệt hại việc Wescom dùng quân đội phá chùa bắt người. Chúng tôi chỉ muốn Wescom trả tự do cho những người đang còn bị giam giữ, trả lại chúng tôi cái chuông chùa và tro cốt của ba người quá cố mà thôi.

Lời tôi vừa dứt, phòng họp im lặng như tờ. Mọi người nhìn nhau, bầu không khí trở nên nặng nề. Ai cũng hiểu tôi đã đặt Wescom vào thế triệt buôc rồi. Ông Tướng Tanega quắc mắt nhìn tôi giận dữ, ông gằn giọng giải thích cho chúng tôi hiểu rằng là một quân nhân ông phải thi hành mệnh lệnh của cấp trên. Cuộc họp chấm dứt trong bầu không khí căng thẳng. Mấy hôm sau thì sư cô cùng anh phó ban đại diện và mọi người được thả về. Wescom cũng cho lính mang cái chuông sang trả lại cho chùa.

Vài tuần sau Đức Cha Ramon Arguiles, đại diện cho Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân và cũng chính là người đứng ra kêu gọi ngưng cưỡng bức đồng thời xin Tổng Thống Fidel V. Ramos cho người Việt được ở lại Phi. Từ Manila xuống trại, Đức Cha đi thẳng vô chùa, tháo giày, xin thắp nhang lạy Phật, tạ lỗi với phật tử và Phật Giáo Việt Nam vì sự xâm phạm vào chốn tôn nghiêm vừa qua của quân đội Phi trước sự chứng kiến của Cha Crawford, Ban Đại Diện Chùa cùng đông đảo đồng bào hiện diện.

Hành động cao cả, cử chỉ cao thượng ấy của Đức Cha làm mọi người cảm động, họ cảm thấy được an ủi, hận thù xóa tan, trong lòng chỉ còn lại sự kính trọng và thương mến Ngài hơn.

Khi Làng Việt Nam thành lập cuối năm 1996, đất trại được trả lại cho Wescom nên tất cả nhà cửa và chùa chiền, nhà thờ đêu bị phá hủy sau đó. Chứng tích một thưở của Thuyền Nhân Viêt Nam tỵ nạn tại Phi giờ chỉ còn lại những phế tích rải rác trong các bụi cỏ dai khuất lấp ở chốn hoang vu.

Tháng 07 năm 1999 tôi lên đường sang Mỹ định cư. Nơi tạm trú đầu tiên là tại Pháp Duyên Tịnh Xá của Hoà Thượng Thích Giác Lượng ở đường số 2, thành phố San Jose, bang California. Có những buổi chiều đứng tưới cây trong chùa dưới ánh nắng vẫn còn chói chang của hoàng hôn xuống muộn, tôi cảm khái khi nhớ về ngôi Chùa Vạn Đức mà tôi đã sống.

Cho tới nay, đúng 15 năm sau, hình ảnh ngôi chùa ấy vẫn nguyên vẹn trong tôi.

Những năm sau này, nhiều lần tìm đến những ngôi chùa Việt trong khắp nước Mỹ, tôi thấy chùa nào cũng bự, cũng to, tượng Phật thì thật đẹp, tượng Quan Âm Phật Bà thì thật cao, thật lớn, phật tử luôn luôn ăn mặc sang trọng đẹp đẽ, xe chạy thì hào nhoáng đắt tiền. Tất cả đã khác hẳn với ngôi chùa tỵ nạn ngày nào.

Ôi, chùa tôi.

Cái chùa vừa nhỏ vừa nghèo, trời nóng không ở nổi, trời mưa dột ướt khắp nơi. Dù nhỏ dù nghèo, dù tơi tả, nhưng ngôi chùa thuyền nhân tỵ nạn ấy đã từng cho tôi chỗ dung thânmột thời, nơi biết bao nguyện cầu được dâng lên chư Phật.

Mùa Vu Lan sắp tới, tôi biết giờ đây dù đi bất cứ đâu tôi vẫn không thể tìm lại được sự thân thiết của chùa tôi ngày ấy!

Triều Phong

Ý kiến bạn đọc
13/05/201502:09:14
Khách
Rất vui vì Hảo vẫn còn giữ được những kỷ niệm buồn vui về ngôi chùa tỵ nạn của tụi mình và cũng "sorry" bởi đã khơi lại các niềm đau ngày cũ khiến ban đau lòng!

Triều Phong
30/03/201516:05:30
Khách
Đọc xong bài này. Mình không kiểm được nước mắt. Đâu đây có bóng dáng của mình trong đó. Thỉnh thoảng trong cuộc sống bôn bê. Hình ảnh Chùa tôi luôn luôn hiện hữu trong trái tim của tôi. Chúc Ngôn nhiều sức khỏe và thêm nhiều tác phẩm hay
03/11/201413:58:18
Khách
Truyện quá hay và quá buồn cho Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Phi Luật Tân cùng đồng bào phật tử trong thời kỳ này. Một giai đoạn lịch sự không quên! Dù sao thì chính phủ Phi và nhân dân Phi đáng xem là dân tộc nhân đạo nhất trong vùng Đông Nam Á khi đó.
13/08/201419:08:04
Khách
Chúng tôi phải cảm ơn anh đã bỏ công nhắc lại những ngày tháng ngậm ngùi ấy. Để người bây giờ đừng quên cảnh khổ và cũng đừng quên những người đã chết tức tưởi trên đường tìm TU DO.
13/08/201416:13:34
Khách
Xin cám ơn anh Toại và chị Hằng chia sẻ chút tâm tư về nỗi buồn thân phận của thuyền nhân VN ngày xưa trong cơn pháp nạn.
12/08/201406:20:30
Khách
Cám ơn chị Phương An và chi Thuy đã đồng cảm với nỗi khổ của thuyền nhân khi ấy. Thật là đau buồn mỗi khi nhớ lại và đó là lý do tại sao bài này tôi viết mãi suốt một thời gia dài mới xong vì mỗi khi nhớ lại là lòng lai hoang mang hoảng loạn!.
12/08/201403:08:58
Khách
Đọc những lời kể của ông mà thấy xót xa cho thân phận của đồng bào tỵ nạn. Cám ơn ông Triều Phong đã cho chúng tôi một bài viết vô cùng cảm
động.
12/08/201401:23:52
Khách
Bài viet qua hay. That cam dong. Cong nghiep cua dan toc Viet Nam la day.
11/08/201419:33:15
Khách
Cám ơn ông Triều Phong tường thuật lại pháp nạn này. Thật là buồn quá. Một nỗi đau mà người Việt tỵ nạn không quên.
11/08/201417:51:57
Khách
Đọc bài này của tác giả tôi không cầm được nước mắt. Cảm ơn anh đã viết một bài một cảm động, that tả chân, khiến độc giả bùi ngùi thương cảm cho hoàn cảnh người tị. nan. lúc ấy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất, đang phát hành khắp nơi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, là bài viết bài viết mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016, thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, về trận cháy rừng dữ dội nhất ở Nam Cali, có tên là “Thomas Fire Ventura”.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose. Cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tai Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, tiểu bang California, USA. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông chụp hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện "Bắc Kỳ". Sau đây là bài và hình mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến