Hôm nay,  

Hội Làm Vườn Việt Mỹ

31/07/201400:00:00(Xem: 15562)

Tác giả: Nguyễn Thế Bài
Bài số 4289-14-29689vb5073114

Tác giả là cư dân North Carolina, mới định cư tại Mỹ chưa đầy 3 năm. Với 4 bài viết, trong đó có "Người Đẹp và Quái Thú" ghi nhận nhiều chi tiết đặc biệt về tổ chức y tế, bệnh viện tại Mỹ, tác giả được bình chọn cho giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của ông cho thấy cách kể cách viết thêm hiền hoà, tự tại.

* * *

Tất nhiên thành viên đầu tiên của Hội là tôi, tự coi mình là hội viên sáng lập. Hội viên thứ hai là anh hàng xóm người gốc Miền Tây, trẻ hơn tôi gần một giáp.

- Excuse me! Are you Vietnamese?

- Yes! Can I help you?

Tôi đưa tay bắt bàn tay chìa ra của người chồng, rồi đến người vợ có khổ người to cao, da rất trắng và nét hao hao người dân Hàn Quốc.

Hơn ba tháng, kể từ ngày chúng tôi về sống với con gái tại thành phố nầy và ở ‘”thôn” Adams Farm (theo cách gọi của vợ chồng tôi), hầu như sáng nào cũng thấy cặp vợ chồng nầy đi bộ tập thể dục ngang qua nhà tôi, vốn nằm ở ngã ba, là nơi các em học sinh đứng chờ xe bus mỗi sáng và phụ huynh chờ đón con em buổi chiều.

Bảy giờ sáng, tiếng động cơ và tiếng thắng, rồi ánh đèn nhấp nháy của chiếc xe bus: chúng tôi thức dậy, vén màn đón những tia nắng ấm đầu tiên trong ngày, chuẩn bị ăn sáng cho mình và phần cơm trưa cho con gái đi làm; bốn giờ chiều lại những âm thanh ấy, chính xác đến từng phút: chúng tôi buông màn và chuẩn bị ra làm vườn vài tiếng đồng hồ, trước khi vào nhà tắm rửa và lo bữa tối. Giữa hai thời khắc ấy, hằng ngày hai vợ chồng mà chúng tôi ngỡ là người Hàn, cũng giữ đúng giờ đáng nể: khi tới góc ngã ba đường để về nhà sau giờ đi bộ, kim đồng hồ gần như luôn chỉ con số chín, xê xích hơn kém không đáng kể. Về sau anh chồng cho biết đó là “thói quen nghề nghiệp” của những người làm hãng hơn hai chục năm.

- Chào anh chị. Em là Trường, dân Kiên Giang và đây là vợ em. Vậy mà mấy tháng qua, em cứ ngỡ anh chị là người Hàn quốc. Đi qua đi lại hàng ngày, mà không dám hỏi thăm.

- Hân hạnh. Tôi tên Bài; vợ tôi tên Hà, người Việt gốc Miền Trung chính cống. Chúng tôi cũng hơn gì hai bạn đâu, cứ nghĩ hai bạn là người Hàn hoặc người Hoa. Vui quá, nhân dịp nhận đồng hương đồng khói, mời hai bạn vào nhà uống tách trà nóng.

- Xin lỗi vì đã làm anh chị mất giờ. Anh chị cứ tiếp tục làm vườn đi.

Trong khi chúng tôi đối đáp, thì cánh phụ nữ đã thể hiện tình cảm mau lẹ và cụ thể hơn. Nhà tôi đã nắm tay cô láng giềng trẻ đi vào nhà qua lối garage.

- Vườn tược gì chứ! Cũng chỉ để giãn gân giãn cốt thôi, thay vì đi bộ hằng ngày như hai bạn.

Vừa nói, tôi vừa bỏ “đồ nghề” và đưa tay mời anh hàng xóm trẻ tiếp gót hai bà vợ.

- Em năm nay năm mốt. Bà xã em bốn tám. Bọn em đến Mỹ năm bảy chín, vị chi ba mươi hai năm tính đến tháng mười tới đây. Em đang nghỉ dưỡng bệnh. Em bị “gao” (thú thật tôi nghe tên bệnh lần đầu, nhưng không tiện hỏi lại. Hóa ra là cách phát âm Anh ngữ của “ gout” - bệnh “gút”. Mấy tháng trước, ở Maryland, đã một lần ngớ người khi nghe anh vợ chỉ sân ‘gôn’ nói là sân ‘góp’). Bà xã em đang theo khóa đào tạo y tá bốn năm và sắp tốt nghiệp. Bả học buổi chiều. Cô bé là gì với anh chị?

- Nó là con gái của chúng tôi.

- Cô bé giỏi thật. Thân gái một mình mà lập nghiệp vững vàng, không sa đà như bọn thanh niên khác.

- Hai bạn có mấy cháu?

- Bọn em có hai cháu. Một cháu năm nay tốt nghiệp high school; còn cháu đầu phục vụ trong marines – hải quân – bốn năm rồi chưa về thăm nhà. Ủa, mà xem ra anh chị thích làm vườn lắm! Ngày nào cũng thấy anh chị làm vườn. Em cũng trồng một ít rau và rau thơm dùng trong nhà. Hôm nào mời anh chị ghé xem cho biết. Thú vị lắm.

- Hai bạn thấy đó, đất trước nhà khá nhiều, nhưng không được phép trồng rau củ. Phía sau nhà làm gì có đất. Tôi đang bàn với cháu xin phép gỡ bỏ cái deck sau nhà, rồi ban đất cho bằng, làm khu vườn nhỏ trồng rau cỏ, chủ yếu là để exercise, chứ ngồi không dễ đổ bệnh, với lại nhàn cư vi bất thiện.

Người bạn mới rất “nhiệt tình.” Sau mấy tuần lễ quen thân, anh giúp hướng dẫn thực hành lái xe cho vợ chồng tôi và chúng tôi gọi anh bạn mới là “Gớc”, vì anh rất khắt khe trong việc lái xe. Chỉ một sơ hở nhỏ thôi, là anh bạn mới nói ngay: “Đi thi như vậy là rớt rồi”. Chữ ‘rớt’ được anh bạn lập đi lập lại hàng chục lần ở mỗi giờ tập lái, khiến chúng tôi lo lắng, cho rằng lấy được cái bằng lái sẽ bầm dập lắm. Người Miền Tây không phát âm được chữ ‘r’, cho nên suốt mấy tuần liền, chữ ‘gớc’ trở thành tên của anh bạn nầy (giữa vợ chồng tôi thôi). Có lẽ do anh bạn cứ luôn miệng “rớt”, mà bà cô bên vợ của anh phải bỏ cuộc, sau khi liên tiếp thất bại ở bốn lần thi bằng lái.

Điều quan trọng là sau chuyến làm quen tình cờ nầy, vợ chồng chúng tôi hạ quyết tâm thực hiện khu vườn rau củ quả. Nói thì dễ. Thực hiện quả không đơn giản chút nào, bởi lẽ cha mẹ tôi vốn là nông dân bao đời, nhưng tôi không quen việc ruộng nương, đồng áng. Thêm vào đó, trong tay không có dụng cụ làm nông nào. Hôm đi ra Home Depot để mua sắm, tìm được một cái cào, một cái xẻng và một cái cuốc, nhưng vật cần nhất là cái cuốc thì không dùng được, vì lưỡi cuốc ‘made in China’ dày có đến gần một phân. Hỏi nhân viên bán hàng:

- Do you have something to sharpen this?

- Sorry! No! (tôi không nghĩ ra cách mài dũa cho nó bén được, nên không mua).

Rất may là ông thông gia tương lai của chúng tôi có khá nhiều dụng cụ, dù ông không dùng để làm vườn hay cào cuốc gì và ông vui vẻ ‘truyền’ lại cho chúng tôi. Sau lần về thăm con cháu ở Việt Nam, chúng tôi sắm đầy đủ mọi thứ và bổ túc dần dà ‘bộ sưu tập’ nông cụ. Nay, sau ba năm, chẳng thiếu bất cứ thứ gì.

Việc đầu tiên là tháo cái deck với chỉ một cái búa và một cái xà beng. Công việc mất hai ngày. Gỗ và đinh được tháo, nhổ và sắp xếp gọn gàng. Không ngờ một cái deck mà lắm gỗ, nhiều đinh đến vậy. Tháo bỏ cái deck, tự nhiên thấy ngôi nhà cụt lủn, mất cân đối, nhưng quyết định và quyết tâm đã đưa ra rồi. Phải mất hơn hai tuần lễ mới san bằng được miếng đất non 80 feet dài và 25 feet rộng. Chúng tôi coi đó như một chiến công vĩ đại. Hàng xóm người Mỹ ngạc nhiên nhìn chúng tôi tháo deck và ngày ngày hì hục đào xới. Đất nhà họ phía sau rất nhiều và khá bằng phẳng, nhưng chỉ có cỏ. Bà hàng xóm tò mò:

- What do you intend to do?

- Well! No idea for the moment, but maybe a garden for flowers, lettuce and some other vegetables.

Tôi cũng thú thật với bà rằng đây là lần đầu tiên trong đời tôi làm vườn. Bà mỉm cười, “Good luck!”.

Nhưng con gái tôi có ý tưởng độc đáo hơn: nó “tịch thu” miếng đất mà chúng tôi đổ mồ hôi cuốc xới suôt hơn hai tuần qua, chỉ chừa lại một giẻo nhỏ phía sát giải cây phân cách các blocks nhà, với lý do “miếng đất quá lớn, bố mẹ sẽ vất vả thay vì chỉ làm để giải trí và vận động”. Rồi như sợ chúng tôi phản đối, giành lại, chỉ ít hôm sau, khi vợ chồng tôi dọn miếng đất bên hông nhà, sát nhà hàng xóm Mỹ, chỉ 6 feet ngang và 50 feet dài, thì nó kêu thợ tới đổ bê tông miếng đất ấy. Công việc hoàn tất trước bốn giờ chiều. Phải công nhận là cái sân bê tông làm cho khu nhà trông gọn gàng, sạch sẽ và đẹp mắt. Hơn thế nữa, một vài năm sau, khi phải vô nằm bệnh viện, tôi mới thấy lời ‘tiên tri’ của con gái là đúng. Nếu để nguyên lô đất làm vườn, quả thật chúng tôi khó kham nổi.

Hai người bạn đi bộ thê dục về, ghé thăm và hết sức ngạc nhiên về miếng đất được san bằng từ triền đồi dóc và cái sân bê tông, rồi cứ trầm trồ khen con gái tôi.:

- Cháu có lý đấy. Anh chị cũng thấy rồi, đất trồng rau ria của em cộng lại cũng chỉ bằng chỗ anh chị vừa dọn sau nầy. Mình lấy vui và khỏe là chính mà, anh chị.

Với số gỗ, đinh có được từ việc tháo deck, chúng tôi đóng khung khu đất lại, mua hàng chục bao phân về đổ vào và san bằng. Đất đai (soil) ở bang North Carolina nói chung và cách riêng ở thành phố Greensboro rất nghèo nàn, chỉ được một lớp đất đen mỏng bề mặt hình thành từ rễ cỏ, còn là đất sét mà không một thứ cây trồng nào có thể phát triển được. Bởi vậy bài học đầu tiên từ ông Đoàn Bốn (chương trình truyền hình “Vườn ta, ta làm”) là “đào sâu, đào rộng, bỏ phân nhiều, nhưng trồng cạn”, gần như trồng trên mặt đất; còn các loại rau thì chỉ sống nhờ phân tro.

Vì là năm đầu, khởi sự hơi muộn, cho nên cây giống phải mua ở chợ trời. Ngày July 4, mướp đắng mới bò được khoảng hai gang tay lên cây cắm choải, nhưng đám rau muống do bà cô ở bang Virginia gửi tặng một nhúm hạt giống, thì đã mọc rất đều. Bà cô nói chăm tưới cho tốt, thì chỉ bốn tuần sau khi gieo, là có ăn:

- Bên nầy chỉ có nhà giàu mới dám “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”! Nhất là rau muống: muốn ăn cho đã thèm, cũng mất bạc trăm. Mua bốn đồng chỉ được mấy cọng, chẳng bõ bèn gì!

Rồi những bình, chậu các loại rau thơm nhờ phân Potting Mix và phân Miracle Gro lớn như thổi, sau mỗi đêm lại một khác. Rau mùng tơi cho những lá mà vợ tôi nói là như tàu chuối, xanh mơn mởn. Mấy cây đậu bắp mua rẻ ở chợ trời, gặp phân, nước và nắng, cũng lớn nhanh và ra những trái to bằng bốn, bằng năm những trái đậu bắp bày bán ở siêu thị. Mấy củ khoai lang mua ở chợ trời cũng được nhà tôi vùi xuống rẻo đất sát giàn mướp, mọc và đâm nhánh tốt tươi.

Chỉ sau hai tháng mày mò, vừa làm vừa học, vườn rau đã hình thành, có thể cung cấp một số rau sạch cho gia đình: rau muống, mùng tơi, xà lách, rau cải, đậu bắp, cà chua, mướp đắng, mướp hương, rau lang và dưa leo. Những bụi dưa leo ra trái quá nhiều, lớn quá nhanh, đến nỗi mỗi tuần vài lần phải đem đi biếu khắp nơi, hết hàng xóm Việt, Mỹ rồi đến người quen. Biếu, mà lòng nơm nớp sợ người ta không nhận hoặc chê không ngon. Dưa leo luôn được biếu kèm một ít cà chua hoặc trái mướp: những bụi cà chua cho những chùm trái to và nặng, giàn mướp nặng trĩu quả, mà ai nhận cũng trầm trồ vì kích thước khổng lồ của chúng. Chỉ riêng bụi su su dây bò phủ kín mặt giàn, mà đến khi lạnh về, cây tàn như các thứ rau củ khác, mà vẫn không cho trái nào. Có lẽ chúng tôi chưa có kinh nghiệm về các loại cây leo.

Hai vợ chồng người Kiên Giang vẫn thường xuyên ghé thăm sau những lần đi bộ. Chị vợ rất thích vạt rau muống:

- Mấy năm làm nhà hàng thất bại, nhà em cũng rất thích làm vườn, nhưng ở đây khó tìm cây giống quê mình. Rồi anh ấy lại bị “gout”, nay trong vườn chỉ có lơ thơ mấy thứ rau thơm, mấy cây ớt mà thôi. Em thì đang bận học, chẳng giúp được gì.

Về sau, anh bạn Trường mới cho chúng tôi biết là anh vô địch về lần cháy nhà hàng. Hai lần mở nhà hàng, hai lần bị hỏa hoạn. Nhiều người cho rằng nhà hàng ế ẩm, nên anh cố tình đốt để nhận tiền bảo hiểm. Anh bạn tôi bảo nhà hàng đáng giá ít nhất hai trăm ngàn, mà chỉ được bồi thường một trăm ngàn. Nhưng khi tôi hỏi có mở lại nhà hàng nữa không, thì anh bạn tôi chắp tay vái dài: “xin chừa thôi!”. Anh là “hội viên” thứ hai!

Nhà anh khá rộng, nằm trên triền dốc. Trước mặt hầu như không có sân. Phía sau là khu đất rộng, trong đó lọt thỏm miếng vườn nhỏ lẫn lộn với cỏ và nhiều thứ hoa dại. Cái deck thật cao, có một thang gỗ dẫn xuống khu đất và miếng vườn. Chúng tôi khiêng sang cho anh bạn sáu tấm ván tháo từ deck và cùng anh ghép lại thành một hình chữ nhật. Vậy là miếng vườn nỗi rõ lên. Những bao phân được mua về, đổ vào. Đủ thứ rau, củ, quả được gieo trồng. Và mỗi tuần vài lần, kinh nghiệm trồng cây, làm vườn được nhiệt tình trao đổi và rất mau chóng “lạc đề”, sang chuyện nhà cửa, con cháu, công ăn việc làm, đời sống ở Mỹ, những khó khăn và thuân lợi. Anh bạn hái biếu tôi ớt, bạc hà (dọc mùng) và nhận lại rau muống, mùng tơi, các loại mướp. Những thứ khác, hai bên đều có và đều phải tốn công, tốn xăng dầu đem đi biếu. Anh khá hơn nhiều, vì bên ngoại đông người và toàn là dân Miền Tây, thích lẩu chua, canh chua, cho nên giúp tiêu thụ phần lớn vườn rau của anh và một phần rau củ quả trong vườn chúng tôi.

Đất Mỹ không chỉ tạo điều kiện và cơ hội cho những ai có tinh thần cầu tiến, siêng năng, mà cho cả những người cao tuổi, tật bệnh như chúng tôi, để tâm hồn luôn thấy bình thản, vui sống và giữ được sức khỏe phòng chống bệnh tật, không thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, mà còn có thể hữu dụng. Niềm vui ấy tìm được khi làm vườn và càng tuyệt vời hơn khi có các bạn đồng hội đồng thuyền.

Hội viên thứ ba là một người bạn Mỹ, cách nhà tôi khoảng bảy dặm (mười cây số).

Chúng tôi đang hái mấy trái cà chua chín ở phía trước nhà, thì nghe tiếng xe truck đậu lại phía bên kia đường và một người đàn ông Mỹ bước xuống, băng qua đường và dừng lại ngay đầu lối đường bê tông dẫn vào nhà:

- Excuse me? Can I come in to see your tomatoes?

- Of course, please!

Tôi đưa tay bắt và giữ bàn tay to, ấm của ông, dẫn tới bồn hoa, nơi có mấy bụi cà chua.

Ông đi mau tới chậu cà chua tôi đặt trên hai thanh gỗ đóng vào lan can. Cái khó ló cái khôn: thiếu đất trồng, chúng tôi lấy bình nhựa to nhất, khoét hai lỗ cách nhau khoảng ba mươi phân bên hông, cách đáy chừng mười lăm phân, đút nằm ngang mỗi lỗ một cây cà chua và nhồi phân vào chậu. Thiên nhiên thật diệu kỳ: chỉ qua một đêm, cây đứng thẳng lên như được trồng trên mặt đất và khi trái bắt đầu lớn, thì cây rủ xuống, từ đầu đến cuối trông chẳng khác nào chậu hoa.

Ông khách Mỹ cho biết đã đi qua đây mấy lần và trông thấy kiểu trồng cà chua khác thường nầy. Tôi giải thích cách làm và mời ông vào nhà uống cà phê. Ban đầu ông tỏ ra rất e ngại, nhưng thấy chúng tôi chân thành, ông cám ơn và nhận lời, nhưng xin phép đi coi toàn khu vườn phía hông và sau nhà. Ông hết sức ngạc nhiên và trầm trồ khen sân bê tông, mà ông “has never seen the same thing”. Ông thích thú nhìn những miếng rau muống, rau mùng tơi, rau cải và những gốc su su, mướp các loại sum suê lá bò ngang dọc, phủ kín các giàn. Ông khen cà phê thơm ngon. Đây là thứ cà phê nguyên chất do chính tay tôi rang xay và mang từ Việt Nam qua. Tôi giải thích cho ông truyền thống và câu châm ngôn sống của người Việt: bán anh em xa, mua láng giềng gần, cũng là điều mà tôi đã giải thích với các hàng xóm người Mỹ của tôi và vì thế tình cảm và đối xử giữa chúng tôi hết sức tốt đẹp, thân thiện.

Người Việt có ít nhiều mặc cảm đối với người Mỹ, nhất là người da trắng. Họ nghĩ người Mỹ lạnh lùng, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả giữa họ với nhau. Dường như họ không muốn làm phiền ai và cũng không muốn ai làm phiền họ. Nhiều khi đi qua những ngôi nhà lọt thỏm giữa cây cối rậm rạp, cao vút, vắng hoe, tôi cảm thấy như nhà bỏ hoang. Chỉ đến những ngày lễ hội, mới thấy trước nhà có lá cờ tổ quốc hoặc những trang trí cho ngày Độc Lập, Halloween, Giáng Sinh. Nhưng cửa nhà vẫn đóng kín, một ngày như mọi ngày, một nhà như mọi nhà. Tôi thầm nghĩ: nếu xảy ra vụ án mạng, thì chưa biết đến bao lâu mới được khám phá. Thực ra, người Mỹ cũng như mọi dân tộc khác, rất cần nhu cầu tình cảm. Chỉ vì suy nghĩ tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau, mà trở nên xa lạ.

Nhà ông bạn Mỹ cũng nằm ở ngã ba dẫn vào một khu hồ thiên nhiên nhưng do tư nhân đầu tư khai thác. Muốn vào phải có thẻ hội viên. Hầu như toàn bộ đất vườn đều ở phía trước nhà, cho nên vườn của ông bạn án ngự một nửa mặt tiền cánh trái ngôi nhà. Bên kia là bồn trồng một ít hoa, được ghép bằng những miếng gạch đỏ. Bà vợ nhỏ con, mái tóc bạc trắng, đang xới đất cho mấy bụi hồng, cười rất tươi khi thấy chúng tôi và tháo găng bắt tay chúng tôi. Bà lịch sự mời chúng tôi vào nhà và nói thế nào cũng tìm dịp gần nhất đến thăm nhà và vườn của chúng tôi: “My husband was full of your praise so that I was eager to see them myself”.

Ông bà bằng tuổi nhau – 68 – và không có con cái. Làm vườn là thú vui duy nhất ông bà có sau khi nghỉ hưu. Bà thạo chăm trồng hoa, còn ông lo mấy thứ rau củ quả mà ông mua cây giống từ Home Depot hoặc Lowe’s: ba bốn cây cà chua rất sai trái; mấy cây đậu bắp bắt đầu ra hoa, thân cây mập mạp do được phân, được nắng; một số rau thơm người Mỹ thích dùng, mà tôi không biết cũng không nhớ nỗi tên; một vạt xà lách rất đẹp.

Bà nói với vẻ hãnh diện rằng năm sáu năm qua, từ tháng năm đến hết tháng mười, chưa khi nào phải mua xà lách ở các chợ. Bà cười cho biết năm nào cũng phải hái cà chua biếu hàng xóm. Chỉ có mấy cây thôi, mà không sao ăn xuể. Bà khuyên chúng tôi làm vừa ăn, kẻo vừa tốn đất, tốn phân tro, tưới tắm, rồi lại phải mất công đem đi biếu. Bà cho biết có ít nhất năm bà bạn hàng xóm, trẻ hơn bà, bị hấp dẫn bởi khu vườn tí hon của bà, và:

- Có lẽ họ thấy tôi bằng nầy tuổi, không ngày nào không làm vườn, vậy mà chưa hề đau ốm, cảm cúm gì, cho nên đã tới hỏi han về công việc, kỹ thuật và cho biết sẽ chuẩn bị mọi thứ, để năm tới sẽ bắt tay làm vườn. Anh chị nhìn thấy người đàn bà trẻ nhà thứ hai bên kia ngã tư không? (Chúng tôi thấy một phụ nữ dáng tròn trịa, mái tóc vàng, đang cắt cỏ). Chồng đi làm, chị ta ở nhà vô ra chẳng làm gì. Thỉnh thoảng đi chợ, cắt cỏ, tỉa cây. Bồn hoa ở hộp thư là tác phẩm của chị ta đấy: đẹp nhất vùng nầy. Chị ấy quyết tâm năm tới sẽ làm một vườn rau.

Hội viên thứ tư và thứ năm, là hai đồng hương của tôi khi ở Việt Nam: một người là thông gia (vợ anh là em chị dâu tôi), 73 tuổi, nghỉ bệnh gần bảy năm qua. Ngày trước, cả nhà anh làm rau, ngày ngày cung cấp các loại rau củ cho chợ, vì vậy anh rất giàu kinh nghiệm làm vườn, nhưng cứ co ro ru rú cả ngày ở trong nhà. Tôi rất cần những kinh nghiệm của anh và hoặc thỉnh thoảng đến tận nhà hoặc thường xuyên gọi điện nhờ anh hướng dẫn. Chẳng bao lâu, anh thấy hứng thú và muốn thử gieo trồng mấy thứ rau củ quả, như rau cải, xà lách, cà chua, cà dĩa, cà pháo, cà tím và cả mấy cây ăn trái như mận, hồng, đào. Làm muộn hơn, nhưng khu vườn của anh bằng phẳng, nắng chan hòa cả ngày, cho nên cây cối, rau co mơn mởn, nhìn thật sướng mắt. Sự chênh lệch giữa “nghiệp dư” như chúng tôi và “dân chuyên nghiệp” như anh mau chóng lộ rõ. Bà vợ và con cháu có lẽ là những người vui mừng nhất, vì anh hết ủ ê, mặt mày tươi tỉnh hơn, ăn được, ngủ được, thôi gắt gỏng và có rau củ quả cho cả nhà dư dùng. Cùng trồng một đợt, nhưng sau hai năm, mận, hồng của anh trĩu nặng quả, trong khi cây hồng của tôi vẫn èo uột, còn cây mận mới cho trái bói. Thân cây chưa bằng một nhánh mận của anh. Anh bạn trẻ - hội viên thứ năm, - vốn mê thể thao, - so sánh hai kết quả với “đẳng cấp” và “phong độ” trong bóng đá!

Anh là hội viên trẻ nhất. Hai vợ chồng chưa tới năm mươi, nhưng đã có bốn con lớn. Gái đầu sắp lên năm thứ hai trường y; trai kế tốt nghiệp high school, chuẩn bị vào đại học’ Hai con sau 12 và 15 tuổi. Hai vợ chồng sở hữu môt tiệm nails nhỏ, vừa vặn khả năng và giờ giấc, không phải mướn thêm thợ. Ban đầu anh chàng viện lý do đi làm về rất muộn, có khi tận 10 PM, nên chuyện vườn tược không kham nỗi. Tôi dùng “phương án B”: âm thầm hái rau, trái đem biếu. Nhiều lần như thế và cũng nhiều lần ghé thăm chúng tôi, sau nhiều do dự, vào năm thứ ba khi chúng tôi tới đây, ột hai vợ chồng quyết tâm bắt tay làm vườn và làm rất bài bản. Các “hội viên” khác sẵn sàng cung cấp miễn phí cây giống. Quay đi quay lại, vườn của chúng tôi vẫn tệ nhất, vì thiếu ánh nắng do bị nhà và cây che khuất: hơn 10 AM mới đủ ánh sáng mặt trời, thì 3 PM đã hết nắng. Hai vợ chồng anh bạn trẻ nay lại say mê làm vườn. Cô vợ cho biết:

- Sáng thức dậy, việc đầu tiên là ra vườn, nhìn hoa lá lớn lên từng ngày, thấy lòng thanh thản và vui tươi. Mấy người bạn tới thăm đều trầm trồ thích thú. Vợ chồng em biết ơn anh chị nhiều lắm. Dễ dàng vậy, mà bao năm qua không biết làm!

- Ơn nghĩa gì chứ! Bỏ tiền mua có thể rẻ hơn, song có miếng vườn và một ít cây cỏ giúp ngôi nhà có sự sống hơn. Ngoài ra làm vườn cũng giúp vận động chân tay, mà đâu mất bao nhiêu công sức, thời gian!

Hội viên kế tiếp, - thứ sáu – chính là ông thông gia của tôi. Suốt hai mùa, ông nhìn tôi làm vườn, hì hục tháo deck, cưa cắt, bang đất, làm giàn và sẵn sàng giúp tôi bưng bê vật nặng. Ông sẵn sàng đem xe truck đi chở giùm tôi những bó gỗ, những bao phân và khiêng vác giúp tôi. Ông rất khỏe, nhưng dứt khoát không động chân tay vào việc làm vườn, dù khu đất vườn của ông hết sức lý tưởng, vì bằng phẳng và rộng. Tôi cũng sử dụng “phương án B”, kèm theo lời khích tướng của bà thông gia:

- Ông xem ông thông gia ốm đau vậy, mà gieo trồng, cưa kéo không ngưng nghỉ. Đâu phải vì tiền bạc hoặc tiết kiệm gì, mà làm cho khỏe người và khỏi ăn không rồi, dễ sinh bi quan, buồn chán.

Quả đúng như vậy: ông thông gia của tôi thường xuyên than thở về bệnh tật, khó ngủ, mệt mỏi. Thế rồi đến năm thứ ba, theo lời khuyên của nhà tôi, bà thông gia không thèm vận động ông chồng nữa, mà âm thầm đào xới đất vườn phía sau nhà và cố tình trồng mấy thứ rau quả chẳng theo hàng lối nào. Ông cự bà một hồi, rồi giằng lấy cuốc và làm, rồi cắm cúi làm, làm hết ngày hôm đó, hết ngày hôm sau, mãi đến bây giờ. Ông khỏe. Đất vườn ông bằng hẳng, rộng rãi, ánh nắng chan hòa. Được nước, được phân tro tưới tắm đầy đủ, rau củ quả phát triển mau lẹ. Nhà ông bà chỉ cách nhà chúng tôi ba phút lái xe hoặc hai chục phút đi bộ theo sidewalk rất thơ mộng. Mỗi lần sang nhà thông gia, nhìn khu vườn, nhà tôi hát nho nhỏ như trêu chọc tôi: “Mãi mãi vẫn là người đến sau”! Có lẽ cũng không sai!

Vào năm thứ tư làm vườn, chúng tôi vận động hai hội viên mới, cả hai đều “thất thập cổ lai hi”, nhưng chưa thành công. Tuy vậy hai ông bạn già người Huế cũng chấp nhận trồng mấy chậu cây, nhưng chỉ một thời gian ngắn, khi ngồi uống trà, cả hai ông cười và cho biết hai ông đầu hàng, “không có hoa tay”. “Phương án B” lần nữa được đem áp dụng và chúng tôi tin sẽ thành công, như chưa từng thất bại.

Điều làm tôi vui trong lòng, là những hội viên “không tên”, những hàng xóm người Mỹ của tôi. Họ không “quy hoạch” những khu vườn như chúng tôi,, không trồng lăm nhăm lắm thứ như chúng tôi, vì phần đông không ăn được nhiều loại rau củ quả của người Á Châu (cũng như tôi có hai chậu quế “Mỹ", chỉ trông cậy vào các bà hàng xóm Mỹ tiêu thụ giùm), nhưng nhìn các bà vợ hàng xóm hàng ngày chăm bón những cây trồng, thỉnh thoảng chào hỏi và trao đổi về công việc vườn tược, chúng tôi tự động cho họ vào danh sách “hội viên”.

Có thường xuyên lui tới Home Depot, Walmart, Lowe’s, mới thấy người Mỹ thích làm vườn: những dãy phân đủ loại, đủ màu, đủ kích cở cao ngất, được xe cẩu bổ sung hằng ngày, vẫn không đủ cho nhu cầu của những người yêu thích làm vườn. Hàng ngàn chậu hoa, hàng chục dãy nhà chen đầy cây giống, chỉ qua ít hôm là đã không còn nữa. Những ngày cuối tuần, người Mỹ chen nhau mua phân, mua giống. Không biết do không quen cuốc xới hoặc không nhắm hướng lâu dài, mà chỉ nhắm “mau làm, mau hưởng”, mà họ mua phân về, đổ dồn từng ụ hoặc từng luống, rồi cho cây, giống xuống, tấp gốc lại. Nhà tôi nhìn các bà hàng xóm Mỹ làm, rồi bảo:

- Dân Mỹ đúng là “ăn xổi ở thì”, easy come, easy go, như họ vẫn nói. Năm nào biết năm nấy. Nhiều bà còn mua hoa trồng trong chậu, đem về lấp nguyên như thế, ráp một thoáng thành vườn hoa, y hệt “mì ăn liền”.

- Mình trồng để ăn, họ trồng để ngắm. Hai cách thưởng thức cũng là “hàm thụ”: chúng mình dùng hàm răng; họ thì tinh thần. Chưa chắc mèo nào hơn mèo nào.

Năm thứ tư chúng tôi làm vườn: nhà tôi thấy một tài liệu rất hấp dẫn và thích hợp cho hoàn cảnh “thiếu đất” của chúng tôi và chúng tôi thực hiện ngay. Những chai không Coca, Fanta, Pepsi 2 lít được tập trung về, khoét trên thân một lỗ hình chữ nhật và dùi mấy lỗ thoát nước bên dưới, sau đó dồn đất trộn phân vào và cấy mỗi đầu một cây xà lách.

Với một sợi dây buộc vào mỗi bình, treo lên bất cứ nơi nào, chúng tôi gọi đó là “Vườn treo Babylon”, như trong tích truyện các kỳ quan cổ đại. Xà lách được phân tro, tưới tắm, được nắng, phát triển lạ thường. Nhà tôi học ở đâu được cách không nhổ khi ăn, mà vặt những lá phía dưới. Cứ như vậy, hai chục bình Coca, Fanta, Pepsi vừa đẹp mắt, vừa cung cấp rau ngon, rau siêu sạch hằng ngày.

Chẳng cần phải hoa tay hoặc kỹ thuật gì, cách làm nầy cũng có thể giúp tạo một vườn rau ở bất kỳ nơi nào. Bà hàng xóm Mỹ của chúng tôi rất vui và ngày ngày siêng năng chăm tưới “vườn treo Babylon” của bà. Ông chồng đi làm về cũng ra coi “vườn”.

Năm thứ tư chúng tôi làm vườn: nhiều chợ ế rau xanh. Phong trào làm vườn lan rộng. Rất nhiều gia đình làm vườn và tìm thấy niềm vui, lợi ích tinh thần và cụ thể từ những miếng vườn nhỏ. Họ tự túc được khá nhiều loại rau và trong các câu chuyện, ai cũng thấy niềm vui khi tự tay thu hái thành quả do chính tay mình làm ra.

Cách nay mấy hôm, nhà tôi lái xe đem một số rau muống, mùng tơi, cà chua, dưa leo, làm thành nhiều gói đi biếu người quen ăn “lấy thảo”. Khi trở về, mới đóng cửa xe, nhà tôi đã rũ ra cười:

- Mình mà có mặt, e không nín cười được. Ai đời năm chỗ em ghé biếu ít rau quả, thì đã có ba nơi đụng hàng. Ý em muốn nói là có hai hoặc thậm chí ba người cùng đến biếu rau quả. Năm sau, mình nghỉ làm vườn một năm và ngồi hưởng rau quả thiên hạ biếu.

- Làm thì dư, không làm thì thiếu. Ít nhiều chúng mình cũng có tiếng trong hội làm vườn. Ai mà biếu tặng chúng mình chứ, bởi họ nghĩ như vậy chẳng khác nào “chở củi về rừng”.

Làm vườn nay đã thành cái “nghiệp” rồi. Chẳng cần biết là nghiệp dỉ hay nghiệp chướng, nhưng dù là nghiệp dư, thì cũng thành chuyên nghiệp. Vui, khỏe và có nhiều bạn bè là chính. Người ta nói: cho thì có phúc hơn nhận, mà!

Nguyễn Thế Bài

Ý kiến bạn đọc
14/08/201916:50:40
Khách
Em chào anh . Em vua qua my duoc hai thang . Em Cung o North Carolina. Em Cung muon Trong cac loai rau Viet Nam. E da độc nhieu bai viet được chia se tu anh , các bai rat hay va bo ích
19/02/201610:38:02
Khách
Cách đóng khung gỗ và đổ phân của tác giả viết có phải là "raise garden" ? nếu được xin cho thấy hình chụp khu vườn nhỏvà cách trồng salad trong chai nhựa của ông. Tôi rát thích làm vườn, nhưng chỉ trồng hoa và không có nhiều đất. Cám ơn ông Nguyễn thế Bài đã cho cảm hứng trồng rau, trái, củ... để làm organic foods.
31/07/201416:10:23
Khách
Một bài viết rất thực tế và hữu dụng.
Cám ơn tác giả đã chia sẻ kinh nghiệm làm vườn. Tôi cũng mê thích làm vườn, một cách tập thể dục lành mạnh.
Mong là có nhiều bạn đọc hưởng ứng thú tiêu khiển này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,711,842
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến