Hôm nay,  

Những Điều Kỳ Diệu và Chú Tài

04/07/201400:00:00(Xem: 19429)

Tác giả: Anne Khánh Vân
Bài số 4265-14-29665vb5070314

Anne Khánh Vân sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại Virginia. Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với bài viết "Duyên Nợ Với Nước Mỹ," kể chuyện gia đình có ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi, mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi cái hẹn với Hoa Kỳ. Bài viết đã góp phần biến giấc mơ thành sự thật khi tác giả vận động hoàn tất mọi giấy tờ đưa được ba má từ Việt Nam qua Mỹ theo thủ tục khẩn cấp để dự lễ phát giải, du lịch Mỹ Quốc và đoàn tụ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

* * *

blank
Chú Đỗ Hữu Tài và Khánh Vân. Bài viết đã được cho chú Tài nghe để chú xác định các chi tiết, trước khi được gửi đi… (June/28/2014)

Một ngày của tháng Năm, năm 2013, Khánh Vân nhận được một lá thư:

“… Chào Anne,

Chú biết Anne rất bận, nhưng nếu có thể chú nhờ Anne việc này. Nhờ Anne đến thăm một người bạn bị liệt đang nằm trong một viện dưỡng bệnh. Anh bạn này là bạn trong nhóm văn thơ của chú. Anh tên Đỗ Hữu Tài. Anh ta bị liệt từ hơn 30 năm qua, chỉ hoạt động được từ cổ trở lên, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt và đã làm gần cả ngàn bài thơ rất tuyệt để lại cho đời. Anh ấy có xuất bản một tập thơ nữa. Anh ấy chỉ ngậm chiếc đũa để đánh trên computer mà làm thơ nhiều hơn cả người thường.

Chú thấy địa chỉ nơi anh Tài đang dưỡng bệnh cách nhà Anne không xa. Nếu Anne dự tính đi, xin cho chú biết trước để chú báo cho anh Tài để anh ấy không bỡ ngỡ. Khi thăm mà Anne chụp được hình thì rất hay. Chú sẽ gởi cho bạn bè trong nhóm văn thơ xem. Họ sẽ rất vui.

Chú cảm ơn Anne trước. Chú BT…”

Thoạt nghe về tình trạng của chú Tài, KV nhớ ngay lại câu chuyện “Đầu của Giáo Sư Dowel” đã đọc hồi còn bé. Chỉ cái đầu còn hoạt động nhưng giáo sư Dowel đã kiên trì sống vì yêu y khoa, muốn hoàn tất công trình y khoa đang còn dở dang của ông, muốn cống hiến nó cho nhân loại. KV trở nên tò mò về tình trạng của chú Tài. Sức mạnh nào đã giúp chú Tài sống hơn 30 năm qua khi cơ thể chỉ còn hoạt động từ cổ trở lên?

Xem bản đồ thì quả đúng trung tâm dưỡng bệnh này gần nhà KV. Mỗi ngày đi làm về, khi ngang qua con đường rẽ vào trung tâm dưỡng bệnh, KV lại nhớ lại lá thư nhờ đi thăm chú Tài. Có hôm KV cũng muốn chạy vô thăm chú, nhưng đã cuối ngày, chắc đã hết giờ thăm viếng; KV cũng chưa báo trước, không thể thình lình xuất hiện như vậy. Đến cuối tuần thứ hai sau đó thì KV thực hiện được điều mong muốn. Như được dặn, KV gọi điện thoại trước khi đến. Khoảng mười lăm phút sau khi KV để lại lời nhắn thì chú Tài gọi lại cho biết từ sau 10 giờ sáng chú có thể gặp khách thăm.

KV viết thư kể lại buổi gặp gỡ với chú Tài cho người bố tinh thần nghe:

“… Hôm nay con đã đi thăm được chú Tài rồi. Buổi gặp gỡ thật vui.

Chú Tài rất có ý. Khi con đang còn tìm số phòng thì nhìn thấy ở đằng xa, dáng một người đàn ông đang ngồi xe lăn ở trước phòng, con đoán là chú Tài ra cửa đợi sẵn. Thế là con đi thẳng đến đó. Chú Tài chào đón với nụ cười và khuôn mặt rất vui. Chú nói nhỏ nhỏ, “Chào Khánh Vân!”

Đi thăm được chú Tài, con thật hài lòng. Được biết chú Tài và nghe những câu chuyện chú kể để càng thấy rõ giữa con người với nhau, còn nhiều yêu thương. Điều đáng phục hơn, quan trọng hơn nữa là tinh thần tự đấu tranh và sự tích cực trong cách suy nghĩ của chú Tài để có thể vui vẻ chấp nhận "thánh giá" Chúa giao phó. Có ông bà Vinh, tuần nào cũng vậy, đến Chủ Nhật là họ lại mang thức ăn Việt Nam đến thăm chú Tài, đều đặn, kiên trì... gần 30 năm qua. Chú Tài nói, "Mất cái này, được cái khác... Nếu chú Tài không ở đây mà đang tung tăng bên ngoài, không chừng chú Tài đang bụi đời, đang theo băng đảng, đang làm buồn khổ gia đình..." Thành ra, trong mọi thứ, có cái hay và tốt của nó.

Đến đúng 12 giờ trưa, chú Tài xin ngừng chuyện trò để cầu nguyện. Lúc đó con mới để ý đến thời gian và hiểu ra là dù chuyện trò say sưa, mắt chú Tài vẫn ngó chừng giờ để không đọc kinh trễ. Thiệt hay! Con ở chơi với chú Tài được khoảng hai tiếng thì xin phép về để chú Tài dùng cơm trưa.

Đã biết chú Tài rồi, con sẽ thỉnh thoảng qua thăm chú. Con cảm ơn ba Bảo Trâm đã cho con cơ hội biết đến chú Tài. Con và chú Tài sẽ điều tra và tìm hiểu xem coi chú cháu có bà con gì không... vì hai chú cháu trùng hợp có cùng họ. Nhưng hổng sao. Chưa/không bà con thì bây giờ nhận bà con. Chú Tài làm thơ hay hết sẩy và có một nhân cách đáng khâm phục nên con xin dựa hơi, nhận bà con... hihi

Ba Bảo Trâm nhờ con đến thăm và ủng hộ tập thơ của chú Tài, và nhờ đi dùm nên con lời. Chú Tài gửi một cuốn thơ cho ba Bảo Trâm và tặng cho con một cuốn.

Con có đính kèm vài hình chụp với chú Tài hôm nay. Con xin Cc chú Tài trong thư này để chú Tài cùng xem hình cho vui. Hình hai chú con con dễ thương lắm. Ba Bảo Trâm cũng cho con gửi lời chào mấy cô chú anh chị trong Tình Nghệ Sĩ. Cảm ơn anh Cao Minh Hưng có lời mời gia nhập. (Anh Hai ơi, em quá xá bận với công việc và chuyện học,… Em chắc chắn có chút máu... nghệ sĩ... nên sẽ mê lắm. Nhưng cho em hẹn lại và hãy để dành phần cho em nghen.).

Rất quý mến,

KV…”

*

“… Anne ơi, chú cảm động đến rơi lệ khi thấy Anne chụp hình với chú Tài. Anne bận rộn rứa mà vẫn đi thăm chú Tài được. Chú cảm ơn Anne nhiều lắm. Chú sẽ gởi tin này đến những người quan tâm tới chú Tài. Mấy bữa nay nhiều người làm thơ rồi làm slideshow về thơ của chú Tài. Ai cũng mong góp chút gì đó để chú Tài vui. Nay có người.... bà con Anne ở gần, lại thêm một niềm vui cho chú Tài... Nhận được tin này chắc chắn bạn bè chú Tài sẽ rất vui.

Chú hiện vẫn đang ở nhà thờ St. Mary of the Woods, Indiana nè. Chừ chú cầu nguyện thêm tới trưa, rồi chú sẽ lái xe đi tiếp. Thât là tình cờ mà hầu như đã có ý của Thiên Chúa, đó Anne. Chú theo gợi ý của Anne đến nhà thờ St Mary cầu nguyện vì nhà thờ nằm trên đường chú đi từ Florida về Minnesota. Chú đã đến và cầu nguyện cho đất nước, cho tổ tiên và cầu nguyện cho cả Anne về công việc cũng như học hành, cầu nguyện cho gia đình Anne và cầu nguyện cho chú Tài... đủ hết, và ngay đúng lúc chú cầu nguyện thì Anne cũng đang thăm chú Tài. Hôm qua khi Anne gọi điện thoại cho chú, vì chú nghe không rõ nên không nói nhiều. Hôm nay chú xin nói chi tiết cho Anne biết lúc Anne gọi chú từ chỗ chú Tài thì chú đang ở đâu. Mọi việc được sắp xếp như một phép lạ, đúng không Anne?…”

Từ đây, tôi thường trở lại thăm chú Tài. Mỗi lần đến thăm chú, tôi lại nhớ lại thời gian mình còn làm thiện nguyện ở một viện dưỡng lão bên Lyon. Đã hơn 15 năm. Tôi gần như đã quên ánh mắt, nụ cười và cử chỉ của những người đã từng giúp tôi thêm yêu cuộc sống, giúp tôi biết quý trọng từng thứ nhỏ mình có được mỗi sáng thức giấc, bắt đầu một ngày mới.

Một hôm kia, cũng thật lạ, khi thăm chú Tài xong và đi về, ngoài hành lang hướng ra cửa, có một vài bà cụ đang ngồi chơi. Tôi thấy có bà cụ kia nhìn rất nhân hậu và xinh đẹp dù bà đã cao tuổi. Bà dõi mắt nhìn tôi từ xa, từ lúc tôi ra khỏi phòng của chú Tài. Tôi đến gần thì bà cười với tôi. Tôi ngừng lại, nắm tay bà và hỏi thăm thì bà hôn lên tay tôi, và tiếp tục nhìn và cười. Bà không nói gì. Chắc bà đang nghĩ, “Cái cô bé này người Châu Á, không biết nó có hiểu gì không nếu mình nói tiếng của mình?” Tôi đoán đùa như thế và cười thêm với bà. Bà vẫn cười và vẫn nắm tay tôi. Có thể bà chỉ muốn nắm tay thôi vì có những điều không cần phải nói, không cần phải hiểu cùng ngôn ngữ. Tôi đứng với bà thêm một chốc thì nhè nhẹ buông tay bà ra. Bà như hiểu ý, lưu luyến, mở từng ngón tay ra cho tôi lấy lại tay... Tôi bước đi nhưng lòng thì muốn ở lại…

Chú Tài kể những người đến đây thường không ở lâu. Có lẽ vì vậy mà những lần sau đó tôi không gặp lại bà cụ nhân hậu bữa trước. Người ở lâu nhất ở trung tâm dưỡng bệnh này có lẽ là chú Tài. Chú Tài đi vượt biên tới đảo Bidong (Mã Lai) thì quen một cô gái rất xinh đẹp. Hai người đã thương nhau và hứa hẹn với nhau rất nhiều điều. Sang đến Mỹ năm 1981 thì năm 1982 tự nhiên chú Tài đổ bệnh. Một buổi chiều đi làm về, đang chơi bi-da với mấy người bạn thì chú Tài thấy mệt trong người, sau đó thấy ngứa ngáy tận trong xương tủy. Chú Tài uống thuốc cảm và được bạn bè cạo gió, nhưng không bớt. Khi vào nhà thương thì chú bắt đầu sốt nhiều hơn và mê man. Khi thức dậy thì không còn cảm giác được thân thể, không còn chuyển động được tay chân mình mẩy… Chú Tài mắc phải một chứng bịnh hiểm nghèo chưa có tên. Chứng bệnh quái ác này đã tấn công chú Tài rất nhanh. Tay chân dần liệt đi và toàn thân không cử động được nữa, kể cả cổ. Chỉ mỗi cái đầu là vẫn còn sáng suốt. Chú Tài đã được tập therapy rất nhiều và mãi lâu sau đó mới có thể gồng và chuyển động được cái cổ để quay được cái đầu nhè nhẹ. Chú Tài bắt đầu ở trung tâm này từ năm 83, lúc chú khoảng 26, 27 tuổi.

Mỗi lần đến thăm chú Tài, tôi ở lại trò truyện với chú khoảng hai tiếng. Hai chú cháu kể cho nhau nghe sinh hoạt của những ngày vừa qua, thỉnh thoảng xen kẽ đôi ba chuyện của mấy chục năm về trước. Trong lúc chuyện trò, thỉnh thoảng chú Tài ngừng lại và “nhờ KV cho chú Tài uống nước.” Tôi cẩn thận làm theo từng bước chú Tài hướng dẫn: quay ra phía sau, đến đầu tủ, lấy bình nước, đưa đến miệng chú, và đợi cho chú Tài uống. Chú Tài sẽ đếm 60 giây. Lần đầu khi thấy chú Tài uống nước quá trời lâu như vậy, tôi cũng hơi ngạc nhiên. Uống nước trong vòng một phút đồng hồ, không ngừng? Vâng, đúng vậy, tất cả mọi sinh hoạt của chú Tài, trong suốt 24 giờ trong một ngày, đã đi vào một nề nếp riêng, vô cùng đều đặn và kỷ luật. Nếu không có KV ở đó, chú Tài sẽ nhấn chuông (dỉ nhiên bằng cái miệng) và y-tá sẽ vào cho chú uống nước. Thời gian đầu, dĩ nhiên chú Tài không uống nước lâu như vậy. Nhưng sau đó chú Tài đã nhắm chừng lượng nước tối đa có thể uống mỗi lần và để ý xem nếu uống nhiều như thế thì sau mỗi bao lâu sẽ cần uống lại. Chú Tài tập và dần giảm được số lần phải gọi y-tá.

Mỗi ngày sống của chú Tài là một sự cố gắng khổng lồ: Cố gắng kiên trì hơn, cố gắng yêu đời hơn, cố gắng giảm đi sự nhờ cậy trong từng việc nhỏ, cố gắng tự túc dù cơ thể chú chỉ sử dụng được từ cổ trở lên, cố gắng mang lại niềm vui cho người khác - bằng cách này hay cách nọ,…

Ai cũng có khuynh hướng thích nhờ. Có khi nhờ là vì lười, có khi nhờ là vì nhõng nhẽo… Như chính tôi hiện bây giờ. Đã ngồi vào máy gõ lọc cọc rồi thì khó mà gỡ tôi ra khỏi ghế được. Bình thường, trước khi ngồi xuống làm việc tôi sẽ mang nước đến để sẵn ở bàn để khi khát sẽ có ngay nước uống. Bữa nào vội ngồi vào bàn và quên nước, tôi sẽ canh me có ai đi ngang qua, tôi sẽ nhờ lấy nước dùm để mình khỏi phải đứng lên (hihi). Mới hôm qua, cô cháu cọp Khánh-An đang chơi lẫn quẫn ở chân bàn làm việc của Má Hai, tôi nhờ “Khánh-An lấy dùm Má Hai chai nước chỗ giường đi con.” Chiều tối tới giờ ăn, tới phiên Khánh-An “nhờ” lại Má Hai của nó, “Má Hai đút cho An ăn đi Má Hai” (dù nó biết tự ăn từ khuya kia). Hai má con nhà cọp tôi y chang nhau: vừa thích lười, vừa thích nhõng nhẽo cho nó sướng cái bụng... hihi

Chú Tài thì dư điều kiện để nhờ… nhưng chú không lạm dụng nó. Chú muốn giúp y tá bớt sự nhọc nhằn khi chăm sóc chú, bởi ở trung tâm dưỡng bệnh này không phải chỉ mỗi mình chú ở. Dù đa số không ở lâu nhưng người này đi thì lại có người khác đến. Ngay trong phòng chú nằm, có đến hai người. Các y-tá luôn bận rộn. Ngoài những tiếng chuông từ những cần thiết bất ngờ, như cần uống nước, cần mở dùm ti-vi, cần kê lại cái đầu, hoặc cần đi tiêu, cần thay tả,… các y-tá có thời khóa biểu rõ rệt trong mỗi 24 tiếng: giờ nào ai uống thuốc, phút nào phải đi đo nhiệt cơ thể cho ai, ai đến giờ tắm, ai đến giờ nằm, ai đến giờ ngồi dậy... Ở lâu trong trung tâm với nhau như chú Tài và các y-tá, họ hiểu nhau rất rõ. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy ánh mắt của các y-tá khi nhìn chú Tài. Họ thương quý chú Tài rất nhiều. Họ biết chú Tài luôn cố gắng. Họ biết chú không lạm dụng cái chuông. Chính vì vậy, họ không màn nếu phải chăm sóc chú nhiều hơn.

Có lần chú Tài đùa nói với tôi, “Khánh Vân có thấy chú Tài bây giờ quá sướng không kia chứ? Không có y-tá đút, chú Tài sẽ giận, hổng ăn.”

Một buổi chiều mùa đông, tôi cố gắng rời sở sớm để đến thăm chú Tài trước khi trời tối. Tôi đến khoảng 4 giờ rưởi chiều. 5 giờ rưởi là giờ chú Tài sẽ ăn tối. Chú Tài nói, “Bữa nay Khánh Vân đút chú Tài ăn để mấy cô y-tá được nghỉ xả hơi một bữa nghen?” Tôi hiểu bụng chú Tài và vui vẻ nhận lời.

Thời gian đầu mới bệnh, chú Tài được thử nhiều loại vật lý trị liệu. Chú cũng được học tiếng Anh và được chọn học nghề. Nhưng không có kết quả nhiều trong việc học nghề vì không thể cưỡng lại sự tấn công khắt nghiệt của căn bệnh chưa có thuốc chữa: Càng ngày khúc người của chú từ cổ xuống cứ dần tê liệt. Các bắp thịt chỉ không làm việc chứ không teo, ngược lại, chúng to ra nhất là vùng bụng. Cũng may bắp thịt quai hàm của chú Tài không liệt và thanh quản vẫn còn dùng được khoảng một nửa. Thế là các chuyên viên dạy nghề cho những người bị tật đã “phát minh” cho chú Tài một “chiếc đũa thần”! Chú Tài có thể ngậm nó vào miệng và gõ điện thoại khi cần gọi và nói chuyện với ai. Chú Tài cũng có thể gõ vào bàn phiếm máy computer khi muốn đánh máy lại những vần thơ chú sáng tác. Và cũng nhờ chiếc đũa thần và nhờ có internet, chú Tài đã có thể liên lạc và kết bạn với nhiều bạn bè khắp nơi.

Trong những người y-tá chăm sóc chú Tài từ những năm tháng đầu, có một bà y-tá có một người con trai bằng tuổi với chú Tài. Thời gian đó chú Tài chưa có nhiều bạn bè và người thăm viếng, nhất là người Việt Nam. Bà nảy ra ý nghĩ mang con trai vào chỗ làm những lúc con trai bà rãnh để con trai bà làm quen và kết bạn với chú Tài. Nhờ bà, chú Tài đã có một người bạn vô cùng tốt, suốt 30 năm qua. Chú John này có lẽ thương chú Tài như anh chị em ruột thịt. John đi chợ mua cho chú vài cái áo mới để mặc năm mới thì cũng mua cho chú Tài vài cái. Chú John là người đại diện chú Tài trong mọi chuyện hành chính và những việc về sau...

Mỗi ngày chú Tài được ở trung tâm dưỡng bệnh, được chăm sóc thuốc men đầy đủ là do chính phủ lo trong mấy chục năm qua. Song, mỗi tháng chú Tài cũng được phát một khoản tiền trợ cấp xã hội nho nhỏ, khoảng ba chục đô. Số tiền đó sẽ trả cho tiền cắt tóc và một vài thứ linh tinh khác hàng tháng. Một vài bạn bè này mua tặng chú Tài máy laptop; một vài bạn bè kia giúp trả tiền internet; rồi bạn bè khác nữa giúp chú Tài gõ lại các bài thơ, hoặc giúp gửi quà về cho mẹ của chú Tài mỗi khi chú để dành được một hai trăm đô... Tôi chưa được gặp nhưng nghe kể về cô Kiều và cô Hạ Anh, cũng rất thường xuyên thăm viếng và giúp đỡ chú Tài cho nhiều việc cần.

Sáng hôm Giáng Sinh, lợi dụng khi cả nhà đi nhà thờ, thăm bạn bè, người thân… tôi chạy qua thăm chú Tài. Hôm ấy tôi mặc áo màu đỏ, khi đến phòng cũng thấy chú Tài mặc áo màu đỏ. Hai chú cháu nhìn áo của nhau cười hề hề. Lúc đó chú Tài vẫn còn nằm trên giường chứ chưa ngồi xe lăn. Có lẽ vì tôi đến hơi sớm.

Đến khoảng 11 giờ, chú Tài nói tôi ra ngoài hành lang đợi chú chút. Chưa kịp thắc mắc vì sao thì khoảng 30 giây sau, một anh y-tá đến phòng chú. Tôi vừa bắt đầu bước ra ngoài thì người y-tá cũng bắt đầu bước vào trong. Mọi chuyển động được chú Tài sắp xếp chính xác và ăn khớp rụp rụp, không làm mất thời gian chờ đợi của một ai. Tôi đứng bên ngoài cửa nhưng cũng thấy được sơ sơ các chuyển động bên trong. Anh y-tá dùng một dụng cụ để nâng chú Tài từ giường qua ngồi xe lăn. Có nghĩa họ dùng dụng cụ đó để thay đổi từng tư thế và vị trí của chú Tài trong ngày…

Một hôm khác, tôi đến thăm chú Tài sau 7 giờ tối không báo trước. Tôi cứ nghĩ giờ đó chú đã ăn tối xong, chắc sẽ rảnh rỗi để có người thăm. Sau khi ký tên ngoài phòng tiếp tân, tôi đi thẳng đến phòng chú. Đèn trong phòng đã tắt, chỉ còn đèn ngoài hành lang rọi vào trong. Tôi ghé đầu vào nhìn sơ thì thấy chú Tài đang nằm sấp. Dù đã biết tất cả mọi sinh hoạt và cử động của chú Tài luôn luôn đúng giờ giấc và đã đi vào nề nếp mấy chục năm qua, tôi vẫn ngạc nhiên mỗi khi khám phá thêm một sinh hoạt mới của chú. Đến 9 tối, y ta sẽ trở lại phòng chú và lật ngửa chú dậy. Khoảng nửa đêm họ lại trở lại cho chú nằm sấp. Tóm lại, cứ khoảng vài ba tiếng thì y-tá sẽ trở mình cho chú Tài, ngày lẫn đêm, trong suốt hơn 30 năm qua. Đó cũng là lý do phải báo trước khi đến thăm chú Tài, nhất là những người đến thăm chú lần đầu tiên. Bởi nếu đến mà chú Tài đang nằm sấp thì làm sao tiếp chuyện với khách. …Và lần đó, tôi đã nhè nhẹ bước ra… Chú Tài đã không bao giờ biết tôi đã đến thăm.

Tết là thời gian ai cũng thường nghĩ về gia đình. Tôi nảy ra một ý nghĩ có thể làm chú Tài vui. Tôi nhờ đứa em gái còn ở Việt Nam đến thăm mẹ chú Tài với một ít quà Tết. Tôi chuyển hình em gái chụp với bà cho chú Tài xem và vào thăm chú ngày mồng Hai Tết.

Đó là lúc chú Tài vừa xuất viện trở về trung tâm dưỡng bệnh sau một cuộc giải phẫu. Chú Tài có một vết thương phía dưới mông do nằm và ngồi quá nhiều, chẳng bao giờ đứng lên. Vì bị trọng lượng cơ thể đè lên, vết thương bị ăn sâu vào tận xương, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu bị nhiễm trùng. Vì vậy bác sĩ đã quyết định chú Tài phải vào nhà thương giải phẫu cho sạch. Họ đặt vào đó máy tự rửa và làm sạch nên không phải làm sạch mỗi ngày, chỉ cần thay băng mỗi 3 ngày.

Chiều ngày 25 tháng 6, 2014, tôi đến thăm chú Tài. Trước đó ba ngày tôi có viết email thăm chú. Chờ một ngày không thấy chú trả lời thư, tôi gọi điện thoại. Tôi để lại tin nhắn phá chú Tài chút cho vui, “Chắc chú Tài đang bận đi chơi với người yêu nên chưa trả lời email cho cháu được hả?” Bình thường chú Tài trả lời lại cho tôi chậm nhất là ngày hôm sau. Đã ba ngày không có tin tức, tôi hơi lo nên gọi điện thoại vào trung tâm hỏi thăm y tá về tình trạng của chú Tài. Họ nói chú Tài khỏe, chú đang ngủ. Chiều tối tôi chạy qua thăm chú. Khi đến cửa phòng, tôi thấy bà Harriet đang ngồi ở phía trước. Hôm Tết, tôi có gặp bà và ông Don, chồng bà. Chủ Nhật thì cả ông và bà sẽ cùng đến thăm chú Tài. Thứ Tư thì bà đi thăm chú Tài một mình vì ông Don đi làm. Tôi quên mất hôm nay là thứ Tư. Bà nói y-tá đang sửa soạn lại chú Tài để bà đút chú Tài ăn. Khi y-tá xong việc, tôi vào thăm chú Tài thì được biết chú vẫn nằm từ sau hôm mổ vết thương dưới mông. Bác sĩ có hỏi ý kiến chú Tài: Nếu muốn xen kẽ tư thế nằm và ngồi như trước kia thì vết thương sẽ chậm lành hơn. Còn muốn vết thương lành mau hơn thì chỉ nên nằm mà thôi. Và chú Tài đã chọn nằm thôi để vết thương mau lành. Có nghĩa chú đã nằm trong hai tháng qua từ sau ca mổ. Vì vậy mà chú Tài chưa sử dụng lại máy vi-tính, chưa lên được lại internet, chưa đọc được thư bạn bè, trong đó có thư tôi gửi.

Nhìn chú nằm đó, gọn gàng bên dưới những tấm khăn, tôi tự hình dung thời gian hai tháng mà chỉ nằm thôi thì nó ra làm sao. Tôi tự nhủ chú Tài sẽ có quyền nói những điều đại khái như, “Cũng mong sớm được ngồi dậy chút. Nằm hoài cũng chán quá!” Nhưng tôi đợi và chú Tài đã không nói như vậy. Khuôn mặt của chú Tài tươi lên khi tôi hỏi thăm và chú mỉm cười, “Hổm rày có World Cup, chú Tài nằm coi đá banh cũng đã lắm.” Chú Tài đã tránh hướng mình đến tình trạng phải buồn, phải chán, phải thốt ra những lời thở than… Sau đó chú Tài nói tiếp, “Bữa trước chú có lén lén đưa mấy cô bồ đi chơi… Vừa về tới nhà, nghe voicemail của Khánh Vân hỏi có phải chú Tài đang bận đi chơi với người yêu không? Thấy mình bị lộ tẩy, chú Tài sợ quá nằm liệt giường luôn.” Chú Tài làm tôi bật cười. Tôi quên mất chuyện mình đã đùa chú Tài khi nhắn trong điện thoại mấy bữa trước. Không ngờ chú nghĩ ra điều đó để phá lại lời nhắn của tôi.

Khi ngồi ngoài hành lang đợi y-tá xong việc bên trong, tôi và bà Harriet nói chuyện làm quen thêm về nhau. Bà nói tên tôi dễ nhớ vì tên lót của bà cũng là Anne. Song, bà kể chuyện làm sao ông bà đã quen với chú Tài. Và bà đã có những nhận xét rằng, “Tài là một người tuyệt vời. Anh ta luôn luôn chiến đấu và không bao giờ than phiền về bất cứ điều gì. Thật là ngoại lệ!”

Có nhiều người được ở vị trí rất thuận tiện, nhưng lại tự chọn cho mình một cách sống và suy nghĩ thật thấp và tiêu cực; chỉ đợi có người hỏi thăm là than thở, khóc lóc. Nhưng cũng có nhiều người khác, vì hoàn cảnh đã phải ở những vị trí vô cùng nghiệt ngã, ngặt nghèo, nhưng họ luôn luôn chọn cho mình một thái độ vươn lên, tự thoát,…

Thời gian đầu chú Tài mới vào trung tâm dưỡng bệnh này ở, có ông bà Bob và MaryLynch cũng vào thăm chú Tài mỗi thứ Tư. Ông bà Bob và MaryLynch cũng đi nhà thờ gần bên trung tâm dưỡng bệnh. Họ muốn làm thiện nguyện mỗi thứ Tư. Nhà thương có danh sách của những bệnh nhân không có thân nhân. Ông bà Bob và MaryLynch đã chọn chú Tài. Họ đã trở thành bạn và gặp nhau mỗi tuần trong 22 năm. Sau đó ông bà chuyển về sống ở Virginia Beach để gần con cái. Chú Tài chưa kịp buồn thì tự nhiên ngày hôm sau, ông bà Don và Harriet qua phòng chú Tài hỏi chuyện. Bà Harriet vào thăm mẹ mỗi ngày. Mẹ bà nằm phòng đối diện với chú Tài. Mẹ của bà Harriet và chú Tài là hàng xóm thân của nhau. Họ thường xuyên chuyện trò. Nhờ vậy chú Tài đã biết bà Harriet và ông Don. Mẹ bà Harriet chết năm 2005. Đáng lẽ bà Harriet đã rãnh được một trách nhiệm lớn, bà có thể nghỉ ngơi bù lại thời gian dài phải chăm nom mẹ bệnh, nhưng bà lại sang phòng chú Tài “xin việc”. Bà nói, “Trở lại đây mỗi tuần dù mẹ tôi đã chết sẽ giúp tôi bớt nhớ mẹ mình. Và cũng vì mẹ tôi rất quý Tài nên chúng tôi muốn sẽ đến đây mỗi Chủ Nhật và thứ Tư để thăm ông.” Và ông bà Don và Harriet này đã đều đặn thăm chú Tài từ năm 2005.

Nét nhân hậu và thánh thiện hiện rõ trên khuôn mặt của những người này. Cảm ơn Thượng Đế, vẫn còn rất nhiều người tuyệt vời trên thế gian.

Chú Tài vui sướng trong lòng. Chú nói với tôi, “Không tin có Thượng Đế, không tin có sự sắp xếp màu nhiệm của ngài, làm sao được, Khánh Vân! Ông bà Bob và MaryLynch vừa rời vùng mình, chú Tài chưa kịp lo ‘mình bị mất bạn’ thì ngay tức thì có ông bà Don và Harriet xuất hiện… Thượng Đế không phải quá tuyệt vời chứ còn gì, hở Khánh Vân? Thượng Đế luôn thương chúng ta, luôn lo cho chúng ta từng chút một. Chúng ta có nhìn thấy hay không mà thôi.”

*

Đôi lúc tôi đã tự hỏi, trong tình trạng như vậy làm sao chú Tài đã có thể sống hơn 30 năm qua?

Hơn 30 lần 365 ngày. Chỉ cần xuống tinh thần một phần mười của 365 ngày thôi cũng đủ sụp đổ và ra đi một cách dễ dàng, nhất là khi chú Tài không có sức mạnh thể lực. Nhưng chú Tài đã có một nghị lực phi thường. Mỗi ngày chú Tài vẫn kiên trì và vui vẻ sống. Chú Tài đạo Thiên Chúa. Mỗi Chủ Nhật mùa hè chú Tài vẫn đi xem lễ đều đặn ở nhà thờ bên cạnh trung tâm dưỡng bệnh. Rõ ràng Chúa đã đốt một ngọn lửa vô hình trong chú Tài mấy chục năm qua. Chú Tài đã chứng minh giá trị và mục đích của những điều Thượng Đế muốn thử thách con người: Nếu có tình thương, tình đồng loại, có cảm thông, và chia sẻ… thì chúng ta sẽ có thể sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào… Và chú Tài đã vẫn vui vẻ sống cho đến ngày hôm nay là nhờ sự mầu nhiệm của Chúa, nhờ tình thương còn hiện hữu, nhờ những người nhớ đến chú, những người thương quý chú. Có lần chú Tài nói với tôi, “Chú Tài vẫn còn được nhớ tới… nên đó là lẽ sống của chú Tài.”

Vâng, không phải chỉ một người nhớ đến chú mà rất nhiều người! Cô gái, người yêu của chú Tài bên đảo, đã từ Úc bay sang thăm chú vài lần. Cô ấy đã chờ chú Tài cả hơn 10 năm, mong chú Tài có ngày khỏi bệnh. Cô đã từ chối ba bốn lời cầu hôn. Cuối cùng chú Tài đã năn nỉ cô hãy vì thương chú mà lấy chồng dùm và sống hạnh phúc cho phần của cô, cho phần của chú. Cô ta đã cuối cùng lấy chồng và có một con trai. Cả hai Mẹ con cô đều rất đẹp. Tôi thấy hình của cô chụp với con trai treo trên tường trong phòng chú Tài. Có cả hình cô chụp với mẹ chú Tài khi cô về Việt Nam và đến thăm gia đình chú. Cô và chú Tài vẫn luôn giữ liên lạc.

Mấy tháng trước tôi có kể chuyện RobotCop của Long Đinh Jr. và sự chăm sóc của nước Mỹ dành cho một cảnh sát bị thương khi thi hành công vụ. Tôi được biết Medical bills của Long Đinh Jr cho đến hôm nay đã lên hơn $700 ngàn Mỹ kim. Khác với RobotCop, chú Tài không phải công nhân viên nhà nước. Tôi không biết công sức chăm sóc y tế nước Mỹ dành cho chú suốt 30 năm qua chính xác là bao nhiêu, nhưng chắc không ít.

Câu chuyện của chú Đỗ Hữu Tài, với tôi, có lẽ là chuyện của một Superman. Viết về chú Tài cũng là một thử thách cho tôi. Tôi đã muốn viết về chú ngay sau lần đầu tiên đến thăm chú, từ hơn năm qua. Nhưng mong muốn viết về chú cứ nằm đó, thâm sâu trong lòng. Tôi không biết bắt đầu ra sao, không biết phải chọn những chi tiết đặc biệt nào trong vô vàn chi tiết đặc biệt về chú Tài để bắt đầu viết. Thế rồi tôi bị cuốn vào công việc, vào tập vở, vào những thứ cần phải làm cho gia đình… Mong muốn viết về chú Tài cứ bị để đó...

Mới đây, tôi có dịp đi viếng Đức Mẹ ở Lộ Đức. Thăm lại ngôi nhà thờ cổ kính bên dòng sông Pau, cực Nam nước Pháp, nơi Đức Mẹ đã hiện ra. Tôi chứng kiến lại những điều kỳ diệu xảy ra cho không chỉ một hay hai người mà cả ngàn ngàn người. Họ cứ liên tục nối đuôi nhau đến cầu xin Đức Mẹ ban sức mạnh, xin Đức Mẹ làm phép lạ. Sự sống đã trở lại trong ánh mắt của họ, rực rỡ, long lanh và huyền diệu như ánh sáng phản chiếu trên sông Pau. Tôi cầu nguyện cho mọi người thân của mình, đặc biệt cho những người đang cần sự quan tâm đặc biệt của Đức Mẹ. Và tôi đã nhớ đến chú Tài, đến đức tin và sức sống mãnh liệt trong con người chú. Đúng là người ta đã kể lại bao nhiêu là tấm gương ý chí, tấm gương kiên nhẫn, tấm gương cố gắng vươn lên, tấm gương thành công, tấm gương về đức tin… Riêng với tôi, chú Tài là bài học bình dị nhất mà cũng mạnh mẽ nhất mà tôi đã may mắn được gặp. Chú đã dạy tôi những bài học rèn luyện nghị lực, trân quí sự sống. Chú cũng dạy cho tôi phải luôn tìm cách tiến bộ, từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Chú dạy cho tôi phải có một đời sống trật tự, nề nếp, kỷ luật, không hoang phí thời gian, phải biết tự túc, không nên lạm dụng sự nhờ cậy. Và bài học quý nhất là chú đã nhắc nhớ tôi đó là đừng bao giờ uổng phí những cái tốt Thượng Đế đã ban cho mỗi người chúng ta từ khi chào đời. Đừng biến tốt thành xấu, đừng phá bỏ những may mắn, tốt lành… rồi hờn trách, oán hận, thở than. Chuyện của chú Tài phải được kể lại để chia sẻ. Tôi cầu mong mình có thể kể được phần nào câu chuyện của chú! Và rồi tôi như nghe bên tai, “Hãy bắt đầu. Hãy viết giản dị như bao lần đã viết …”

Dù biết không thể viết đủ được những điều mong muốn, tôi hy vọng bài viết nhỏ này có thể chia sẻ phần nào câu chuyện của chú Tài.

KV xin gửi đến quý độc giả và bạn hữu gần xa những lời cảm ơn chân thành. Cầu chúc sức khỏe và bình an.

Anne Khánh Vân

Ý kiến bạn đọc
05/12/201417:42:39
Khách
Chắc vì Minh Chung mới biết VVNM hoặc ít vô trang Việt Báo?
Tôi thì biết vì sao tác giả Anne Khánh Vân luôn luôn có nhiều người đọc. Hôm nay tôi trở vô để đọc lại câu chuyện của anh DHT. Tôi cũng chuyển cho vài người bạn đọc. Tôi rất thích đọc các bài của cô KV. Chỉ thấy cô KV ít viết trong thời gian gần đây. Mong cô KV viết nhiều lại. Cảm ơn cô Anne Khánh Vân đã chia xẻ nhiều bai viet giá trị.
Lê Ân
01/10/201413:48:01
Khách
Một câu chuyện thật là cảm động về những tấm lòng trong cuộc sống. Một gương sáng về nghị lực phi thường của nhà thơ ĐHT. Đáng khâm phục và rất ngưỡng mộ. Cảm ơn tác giả đã chia xẻ bài viết hay này.
23/09/201420:29:57
Khách
Tôi không hiểu sao số người đọc những bài viết của tác giả KV luôn luôn nhièu
30/07/201416:05:29
Khách
Chào Khánh Vân,
Thật đáng tiếc là bữa trước cô PH có nhận email reply từ thi sĩ ĐHT qua email một ngừoi bạn trong CLB TNS, nhưng cô chưa kịp hồi âm thì cái email đó nó đi...du lịch đâu mất tiêu, tìm lại không thấy. Nhưng cô cũng đã nhắn tin nhờ cô bạn UPMN chuyển lời dùm, cộng với việc post bài thơ của thí sĩ ĐHT lên CLB cho mọi ngừoi cùng thưởng lãm, chỉ mới gần đây thôi, chắc giờ thi sĩ cũng đã nhận đựoc rồi. Nhò KV nói lại dùm.
Cám ơn KV nghen,
Thân mến,
Cô PH
29/07/201404:07:30
Khách
Dạ, cháu cảm ơn cô Phương Hoa.
Cháu chuyển bài thơ của cô cho chú Tài và nói đùa rằng, "Chú Tài ơi, chú Tài được tặng thơ nè... Chú Tài sướng quá nha. Coi chừng bị ganh tỵ đó nha chú Tài..." Và chú Tài đã trả lời cháu lại là, "Chú có được đọc nó hai bữa trước rồi. Chú chưa dám "khoe" vì sợ bị ganh tỵ..." Hihihi.
Cháu nói rồi. Chú Tài tui... rất là xịn... Chú Tài có thể nhanh hơn người ta hai ba bước...
Có lẽ cô Phương Hoa đã liên lạc được với chú Tài rồi (?). Cháu vẫn xin chuyển lời cảm ơn của chú Tài đến cô ạ.
23/07/201420:37:32
Khách
Chào Khánh Vân,
Cô PH rất xúc động về câu chuyện đời của thi sĩ Đỗ Hữu Tài, bây giờ trở lại đọc được bài thơ tuyệt vời của thi sĩ nữa, nên cô tạm họa lại một bài “con cóc” như là món quà tặng cho sự can đảm mạnh mẽ của thi sĩ. Nhờ KV chuyển dùm nếu anh Tài không vào đọc. Cám ơn KV.
Thân mến,
Cô Phương Hoa

NHỚ NGƯỜI
Phương Hoa
(Họa thay bài Hoài Niệm cho “người ấy” của thi sĩ Đỗ Hữu Tài)

Bây giờ ngồi nhớ đến người
Bây giờ đau đáu vì lời thề xưa
Trách trời đang nắng lại mưa
Làm đôi tim vỡ đong đưa tình sầu

Bây giờ cay đắng bên lầu
Bây giờ mắt lệ ngấn màu tuyết sương
Ngẩn ngơ đêm nhớ ngày thương
Làm sao xóa hết sầu vương cõi lòng

Bây giờ tâm thức bềnh bồng
Bây giờ hụt hẫng giữa vòng tay dang
Cuộc tình như ngọc vỡ tan
Khiến đôi tim nhạn thở than một đời

Bây giờ ta ở chân trời
Bây giờ góc biển lòng người quặn đau
Nhớ xưa gốc bưởi hàng cau
Nguyện cùng đồng mộng nay sao dị sàn

Bây giờ vàng đá không màng
Bây giờ sức sống ngày càng hụt hao
Mõi mòn thân xác lao khao
Mà sao lòng vẫn nhớ sao cuộc tình

Bây giờ ta nghĩ đến mình
Bây giờ trước mắt bóng hình mờ nhem
Từng đêm rồi lại từng đêm
Càng mơ dĩ vãng càng thêm điếng người

Bây giờ luôn vắng nét cười
Bây giờ môi mắt thôi ngời dấu xăm.
Tình đầu yêu mãi nghìn năm
Ai xui chia cắt để tâm bùi ngùi

Bây giờ ngậm đắng nuốt bùi
Bây giờ hoang phí một đời làm trai
Ước mong có kiếp hậu lai
Cho ta nối lại trúc mai với người.

Trân trọng mến tặng thi sĩ Đỗ Hữu Tài
Phương Hoa – July 2014
17/07/201403:39:14
Khách
Chú cũng như Anne, nghĩ răng chú Tài như được Chúa Thánh Thần đọc bên tai những bài thơ tuyệt vời mà chú Tài làm ra. Nhưng... Chúa Thánh Thần đâu có yêu.... tình yêu trai gái mà sao thơ tình của Chú Tài hay đến vậy nhỉ?
Cho chú gởi lời thăm chú Tài khi Anne đến thăm chú Tài.. và nhờ Anne hỏi chú Tài y câu Anne thắc mắc nghe.
Chú Bảo Trâm.
16/07/201422:30:48
Khách
Wow bài thơ của thi sĩ ĐHT hay quá là hay! Cám ơn KV đã đăng lên báo cho mọi người được đọc!
13/07/201416:14:32
Khách
Con xin cảm ơn cô Thanh Loan, cô Tuyết, cô Ngọc Lan, cô Phương Hoa, chú Quang Đáng, C.Tâm, Nguyễn Cường... và nhiều cô chú anh chị khác nữa.
Con xin post bài thơ mới còn nóng hổi của chú Tài. Hổng hiểu sao chú Tài có thể làm được thơ như vậy. Con chịu thua...

HOÀI NIỆM

Nửa đêm vắng bóng một người
Nửa đêm tìm lại nụ cười ngày xưa
Ngoài trời đang đổ cơn mưa
Mưa rơi lất phất đong đưa giọt sầu

Nửa đêm lạnh lẽo góc lầu
Nửa đêm hình bóng bạc mầu khói sương
Nụ cười ngày ấy dễ thương
Đêm nằm chạnh nhớ vấn vương nỗi lòng

Nửa đêm bỏ cuộc phiêu bồng
Nửa đêm tiếp tục gánh gồng dở dang
Tình chưa đủ tuổi tình tan
Đời chưa đi trọn gẫy ngang cuộc đời

Nửa đêm thao thức góc trời
Nửa đêm ai có nghẹn lời buồn đau
Đâu còn ràng buộc trầu cau
Đâu còn hẹn ước mai sau đồng sàng

Nửa đêm ai có mơ màng
Nửa đêm tỉnh giấc mộng vàng hư hao
Thương thời hạnh phúc khát khao
Nghe lòng hoài niệm xuyến xao chuyện tình

Nửa đêm lặng lẽ một mình
Nửa đêm chợt thấy bóng hình nhá nhem
Bây giờ nuối tiếc nửa đêm
Một đời hụt hẫng càng thêm nhớ người

Nửa đêm đánh mất nụ cười
Nửa đêm gọi mãi tên người xa xăm
Tình buồn chồng chất trăm năm
Tình đau như vết ngọt đâm ngậm ngùi

Nửa đêm thèm lắm ngọt bùi
Nửa đêm mảnh đất chôn vùi đời trai
Mặt trời đốt mất tương lai
Mặt trăng huyền diệu chia hai cùng người

Đỗ Hữu Tài ( July 9 - 2014 )
12/07/201417:18:15
Khách
Khánh Vân thân mến,
Cảm ơn KV đã chia sẻ câu chuyện thật cảm động về thi sĩ Đỗ Hữu Tài.
Hôm nay TL đọc bài của Anne Khánh Vân viết thật hay , chính xác , đầy đủ chi tiết về anh ĐHT cùng những sinh hoạt hằng ngày & những người bạn của anh như anh John , ông bà Don - Harriet .
Cô cũng thường xuyên liên lạc với chú ĐHT qua điện thoại . Cô rất ngưỡng mộ tấm gương can đảm , đầy nghị lực của chú . Cô nhìn hình của Anne Khánh Vân thật xinh tươi , hiền hậu lại có tài diễn tả sự việc kèm theo những suy tư làm cho người đọc rất xúc động .
Thương chúc KV luôn vui khoẻ & hạnh phúc .
Thanh Loan
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,259,102
Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Đây là bài viết đầu tiên tham dự VVNM. Mong tác giả tiếp tục gửi bài
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Mùa hè, 16 tháng 9, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là hồi kết bài viết mới nhất của ông về những mùa hè khó quên.
Mùa hè, 19 tháng 6, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết mới nhân mùa bóng đá.
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ hai của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng, sinh năm 1975, qua Mỹ định cư năm 1992. Từ năm 2000-2005 hành nghề dược sĩ (Consultant Pharmacist), sau đó trở lại học và tốt nghiệp Y Khoa. Nghề nghiệp hiện tại là Physician tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.
Nhạc sĩ Cung Tiến