Hôm nay,  

Chuyện Du Sinh: Ông Thầy Toán Nhí

21/06/201400:00:00(Xem: 13063)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số 4254-14-29654vb6062014

Tác giả định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học. Năm 2012, năm 62 tuổi, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University và trở thành bà giáo tại Marysville, Bắc Cali. Phương Hoa đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sang năm 2014, bà góp thêm 14 bài mới, cho thấy sức viết mạnh mẽ, và tiếp tục vào danh sách chung kết. Loạt bài mới của Phương Hoa là chuyện Du Sinh từ Việt Nam sang Mỹ. Không phải loại công tử tiểu thư đỏ, mà là lớp con cháu của bà con bình thường miền Nam.

* * *

Trong tất cả du học sinh Việt Nam đến học ở Hoa Kỳ mà tôi biết, Rocky Thạch Huỳnh là một học sinh nhỏ tuổi nhất mà lại có việc làm sớm nhất. Chỉ hơn một tháng sau ngày đặt chân lên xứ Cờ Hoa, vài tuần sau khi vào lớp Mười Một. Đúng ra, không phải cậu bé chủ động đi tìm việc làm. Mà là việc làm "tìm" cậu bé.

Một buổi chiều kia, thấy Thạch đi học về trễ hơn thường ngày, tôi tỏ vẻ lo thì cậu nhe răng cười hớn hở. Rút trong túi ra tờ giấy bạc hai chục phe phẩy trước mặt tôi, đôi mắt cậu bé long lanh:

- Cô xem! Hôm nay con đi làm thêm hai giờ được số tiền này đó!

- Làm thêm? Tôi tỏ vẻ không tin. - Con đã làm việc gì?

- Con đi kèm toán cho con một ông thầy. Thằng nhóc cười hì hì.

Thạch chỉ mới vào học vài tuần. Tôi là người bảo trợ kiêm giám hộ cho cậu bé, vì cậu thuộc diện "Minor" mới mười sáu tuổi. Thạch là con một người có họ hàng với gia đình. Bố mẹ Thạch là chủ hiệu Kim hoàn bên Việt Nam, gửi con đi du học tự túc. Thường ngày vợ chồng tôi rất thích những trẻ học giỏi. Mỗi khi nghe đứa cháu nào đạt thành quả tốt trong học tập thì chúng tôi khen ngợi và tặng quà để khuyến khích. Ngày tôi gọi về Việt Nam thăm bố mẹ Thạch, nghe nói thằng bé học rất khá, vừa được giải học sinh giỏi tiếng Anh của tỉnh. Tôi thích quá, hứa làm bảo trợ cậu bé sang Mỹ học. Qua điện thoại, tôi hỏi cu cậu vài câu tiếng Anh, thử tài xem sao. Cậu bé vốn dĩ nói nhanh, nên trả lời ríu rít nghe như tiếng sóc. Dù không hiểu hết cậu bé nói gì, nhưng trả lời được là cậu đã hiểu câu tôi hỏi. Không sao, khi vô trường cháu nó sẽ tập luyện thêm từ các bạn, tôi nói với bố cậu bé.

Thạch bay đến Mỹ, xuống phi trường Sacramento chỉ một mình. Vì chưa biết mặt, chúng tôi phải cầm cái bảng viết tên “Thạch Huỳnh” khi đi đón. Từ xa chúng tôi đã thấy cậu bé diện bộ vét đen, mặt mũi rất sáng sủa dễ thương. Với vẻ tự tin, cậu lôi chiếc vali bước đi giữa đám đông hành khách nơi xứ lạ không chút ngập ngừng. Nhìn cái vẻ hiên ngang ấy, ông nhà tôi khen, “Thằng bé này trong tương lai sẽ làm nên việc đấy!” Ông bạn Mỹ Jim cùng đi đón Thạch với chúng tôi, hỏi tên cậu bé, và dù cố gắng làm theo, ông không thể nào phát âm được chữ “Thạch.” Đó là vì sao sau này cậu bé thêm vào tên Rocky ở trước.

Ở nhà tôi, trong khi chờ đợi thủ tục nhập học, Thạch đi dạo vẩn vơ, khám phá thành phố. Cậu lang thang vào các cửa hiệu CVS, Walgreens, Walmart xem hàng hoá. Mỗi lần đi về là cậu trầm trồ, so sánh giá cả bằng tiền Việt Nam. Khiếp thật! Món này bên Việt Nam chỉ vài nghìn mà bên nay đến mấy chục nghìn. Vật nọ bên mình mấy chục nghìn mà bên nay đến những mấy trăm nghìn. Điều này có lẽ bắt nguồn từ niềm đam mê học về kinh tế của cậu bé.

Vì quyết tâm đi Mỹ học, Thạch cố gắng rèn luyện tiếng Anh trong khi chờ đợi phỏng vấn, nên số vốn từ ngữ cũng khá so với trình độ mới hết lớp Mười. Nhưng cậu nghe chưa được vì chưa bao giờ nói “tiếng Anh thật sự” với người ngoại quốc. Hôm đầu tiên tôi đưa Thạch đến gặp Hiệu Trưởng Doug Brown của trường Lodi Academy, nhân có mấy học sinh đang đứng gần đó, ông giới thiệu cậu bé với họ. Thạch trả lời rất lúng túng với mớ tiếng Anh…gãy vụn, “broken English” làm tụi nhóc kia chẳng biết cậu học trò mới này đã nói những gì nên cũng…ngớ ra theo.

Một lần cậu nhóc đi ra ngoài hồi lâu thì hớt hơ hớt hải chạy về. Tông cửa phóng vào nhà một cái rầm, cậu nhào vào ghế sofa rồi ngồi thừ ra với vẻ mặt đầy sợ hãi. Tôi hoảng hồn không biết việc gì xảy ra. Gặng hỏi mãi, một lúc sau cậu bé mới nói:

- Con đi dạo ở tiệm Rite Aid nhưng không có mua gì hết. Khi con ra về đến cửa bỗng ông Mỹ đứng ở quầy tính tiền kêu con, bảo phải trả tiền. Làm như ổng nghi con lấy món đồ gì trong tiệm vậy. Con sợ quá nên bỏ chạy về đây.

- Trời đất! Sao con không đứng lại giải thi´ch cho người ta biết. Con bỏ chạy như vậy là tình ngay lý gian, có khi người ta tưởng con chôm đồ họ kêu cảnh sa´t bắt thì sao.

Cậu bé nghe tôi nói thế thì mặt mày buồn thiu. Ngồi bó gối trên sofa, cậu tỏ vẻ suy nghĩ mông lung lắm. Một lúc sau, tôi đang nấu ăn bỗng giật nẩy mình vì Thạch hét toáng lên:

- Á…á...á...! Rồi cậu vỗ tay đánh bốp một cái. - Con biết rồi cô ơi! Hổng phải cái ông đó kêu con trả tiền!

- Nghĩa là thế nào? Tôi ngạc nhiên chạy lại hỏi.

- Con ngồi ngẫm nghĩ mãi nãy giờ, mới ngộ ra! Cậu vò đầu bức tai - Là khi con ra cửa ông Mỹ ấy đã nói, “You have a nice day!” là chúc bạn một ngày tốt đẹp. Vậy mà lúc đó con cứ tưởng ông ấy nói, “You have to pay!” kêu con phải trả tiền! Con hết hồn, vừa xua tay kêu “No! No!” vừa bỏ chạy. Nói xong cậu cười vang, mặt mày đỏ bừng ngượng ngập.

Tôi cũng ôm bụng cười lăn cười bò cùng với cậu bé. Đến khi nghe có mùi khét lẹt và cái à lam khói báo động hú vang trời, tôi mới lật đật chạy vào bếp. Hỡi ơi, mấy miếng cá thu chiên của tôi đã bị cháy đen thùi từ trên xuống dưới.

Vậy đấy. Thế mà chỉ mấy tuần sau khi vào lớp 11, cậu bé đã có việc làm, mà lại “làm thầy” người ta nữa chứ! Dù tiếng Anh của Thạch còn…ngọng nghịu nhưng ông thầy dạy toán đã phát hiện khả năng toán tuyệt vời của cậu “lính mới tò te” này. Đến giờ toán, Thạch thường “đánh nhanh rút gọn” làm xong trước và “hạ đo ván” cả cậu học sinh từng đoạt danh hiệu nhất lớp nhiều năm của trường từ lớp 10 lên. Cho nên khi người bạn của ông thầy than thở về việc dốt toán của thằng con lớp 11 và nhờ thầy tìm dùm một người dạy kèm, ông thầy đã không ngần ngại giới thiệu Thạch, cậu bé người Việt Nam mới đến.

Vậy là “ông thầy toán nhí” Thạch Huỳnh được bố của cậu học trò người Mỹ, cũng bằng tuổi và bằng lớp, đến rước về nhà kèm cho con ông mỗi khi tan trường. Sau đó ông đích thân chở cậu bé về trả tận nhà. Và mỗi lần xong việc, ông đều trả luôn tiền công ngày hôm đó. Thạch dạy kèm một tuần hai lần, mỗi lần hai giờ. Ông phụ huynh đó đã rất mừng vì thằng con chịu học và có tiến bộ về toán.

blank
Rocky Thạch Huỳnh trong ngày tốt nghiệp.

Ông thầy dạy lớp toán của Thạch có lần nói với tôi:

- Bạn tôi nói thằng nhóc (that kid) đó đã khiến cho con ông ấy thích thú với toán học. Dù Thạch không biết nhiều tiếng Anh, nhưng nó biết nhiều cách giải toán rất tuyệt vời!

Thời gian đầu, Thạch đã phải gắng hết sức để hội nhập. Cậu tự đặt ra kế hoạch cho mình, mỗi ngày phải học thuộc lòng ít nhất là ba mươi từ tiếng Anh. Những CD, DVD nhạc và phim “ruột” bằng tiếng Việt cậu mang theo từ Việt Nam bây giờ được cậu “xếp xó” hết. Hàng ngày cậu chỉ xem TV đài Mỹ, nghe nhạc tiếng Anh, và xem phim tiếng Anh. Nhờ vậy mà cậu bé đã bắt kịp bạn bè ngay tháng học đầu tiên.

Ông thầy toán thích mê cậu học trò này. Ông tỏ ý muốn thuê Thạch, bảo về nói phụ huynh lên gặp Hiệu Trưởng để tiến hành thủ tục nhận cậu bé làm phụ tá chấm toán cho ông. Nhưng việc chẳng dễ chút nào. Đây là lần đầu tiên trường đưa việc làm cho một du học sinh nên không rành lắm về thủ tục giấy tờ. Khi gặp tôi, ông Hiệu Trưởng nói ông sẽ chỉ ký quyết định nhận Thạch làm việc cho ông thầy, nếu cậu xin được thẻ An Sinh Xã Hội. Tôi lon ton chở Thạch đến sở An Sinh. Nhưng ở đây họ cho biết sẽ chỉ cấp thẻ An Sinh khi nào nhà trường xác nhận chịu thuê người!

Tôi lại lò dò đưa cậu bé trở lại gặp thầy Hiệu Trưởng. “Nhưng làm sao tôi nhận người được nếu tôi không biết số An Sinh của người đó?” Ông ấy nói, vẫn khăng khăng một mực không chịu cấp giấy giới thiệu. Tôi chở Thạch chạy tới chạy lui rất nhiều lần, thậm chí tôi còn yêu cầu gặp xếp của người nhân viên xã hội để trao đổi, nhưng họ cũng chẳng giải quyết. Cuối cùng, do sự yêu cầu và thúc dục của ông thầy toán, Hiệu Trưởng Brown phải viết cái thư tay đưa cho tôi, hứa hẹn sẽ nhận thuê người nếu Thạch được cấp thẻ An Sinh. Vậy là cậu bé có “job” một cách hợp pháp từ đó.

Trong lớp, Thạch chẳng những giỏi toán, mà còn xuất sắc các môn khác nữa. Với sự cố gắng tuyệt vời, môn nào cậu bé cũng được điểm tối đa là điểm A hoặc A+, họa hoằn lắm mới bị một con A-. Mà nào phải cậu bị A trừ vì môn học khó khăn gì cho cam. Đó lại là môn Giáo Lý, và điểm bị trừ thường là vì tội…đi trễ!

Lodi Academy là trường tư thục nổi tiếng, giá học phí cao gần gấp ba lần so với các trường tư khác quanh vùng mà tôi đã tham khảo và giới thiệu cho bố mẹ Thạch. Nhưng vì tương lai của con, họ đã không ngần ngại chọn trường này. Trường đã tồn tại trên trăm năm, do một giáo phái Tin Lành gọi là “Seventh-Day Adventistz” làm chủ. Điều thú vị là giáo phái Tin Lành này lại chuyên ăn chay, không bao giờ dùng thịt cá. Thức ăn bán ở căng tin của trường toàn rau cải, phó mát, đậu…nhưng được chế biến công phu, đa dạng, và rất ngon. Mặc dù hầu hết học sinh ở đây là con cái những tín đồ thuộc thành phần khá giả, trường thỉnh thoảng vẫn nhận vài học sinh ngoại đạo. Trường không yêu cầu các học sinh đó phải nhập môn theo đạo, nhưng bắt buộc mỗi mùa phải học một tiết giáo lý. Nếu không học đủ các lớp giáo lý sẽ không được tốt nghiệp. Tiết học giáo lý này rất là nghiêm khắc. Học sinh vào trễ là bị ghi vô bản hạnh kiểm ngay.

Hôm đầu tiên Thạch đi tìm phòng học bị lạc đường, dù ngày đến ghi danh đã có người đưa đi tham quan và chỉ dẫn các phòng học. Khi cậu bé tìm đến nơi, bước vào lớp cũng vừa lúc tiếng chuông báo hiệu lớp học bắt đầu. Thạch còn đứng lớ ngớ chưa tìm được chỗ ngồi thì bị ghi vào sổ, “Tardy” (đến muộn). Về sau Thạch mới biết, dù đã vào lớp nhưng chưa ngồi xuống lúc chuông reo là bị coi như đi trễ.

Dù biết vậy, cậu bé cũng bị ghi đi trễ dài dài vì cái tội…ngủ quên. Với cái tuổi sắp “bẻ gãy sừng trâu” này, Thạch đã phải dùng đến ba cái à lam báo thức mà vẫn không dậy nổi. Cậu chỉnh mỗi cái cách nhau năm phút – cho chắc ăn – nếu không nghe được cái này thì sẽ có cái kế tiếp báo động. Nhưng mỗi lần cái đầu tiên reo, cậu mở mắt ra, yên chí mình còn hai cái nữa nên tắt đi, ngủ tiếp. Tiếp tục làm như thế cho đến cái thứ ba thì cậu… tắt và ngủ luôn, nếu không có ai kêu dậy. Buổi sáng trước khi đi làm, tôi bận ở tầng dưới nấu ăn để mang theo, để Thạch bới đi học, và chiều về ăn, vì vợ chồng tôi về trễ. Tôi thường canh chừng để gọi cậu, nhưng hôm nào mãi mê nấu nướng thì tôi cũng quên luôn. Đôi lúc tôi thấy tội nghiệp thằng bé. Ở bên nhà cậu là quí tử, nhà có nhiều người giúp việc nên họ lo cho mọi thứ. Bây giờ phải tự liệu một mình. Vậy mà hình như đối với Thạch đây chỉ là “chuyện nhỏ.” Cậu vượt qua được hết.

Thạch bắt đầu có biệt danh “Rocky” khi cậu xưng tên nhưng nhiều đứa bạn đã không phát âm được chữ “Thạch.” Cậu bé chọn tên “Rocky” một phần vì Rocky cũng có nghĩa là đá, thạch, mà còn vì cậu mê bộ phim đoạt giải Oscar “Rocky Balboa,” mê cuộc đời oai hùng của võ sĩ Quyền Anh Rocky, và hy vọng mình sẽ là một “Rocky thứ hai.” Tôi tin tưởng là cậu bé sẽ làm được, vì tháng nào tôi cũng nhận báo cáo của trường gửi email để tôi theo dõi việc học của Thạch. Trên trang nhà của trường, tôi đọc hết những bản điểm, từ từng môn đến từng học kỳ của cậu bé. Ngoài những cái dấu “Tardy,” bản điểm luôn luôn nhìn thật đẹp mắt với dãy “A” thẳng hàng, tuy rằng cũng có A+ lẫn A-.

Trong suốt hai năm học High School ở thành phố này, cậu công tử chưa một lần đi đàn đúm la cà với bạn bè. Lịch học và hoạt động của cậu bé luôn luôn dày kín, tôi thấy mà bắt chóng mặt. Học, làm việc cho thầy, dạy kèm, tham gia thể thao thể dục, làm thiện nguyện, và các hoạt động xã hội khác. Tôi tỏ vẻ lo lắng sợ Rocky bị “quá tải” thì cậu bé cười tỉnh bơ, “Bộ óc của con người chứa đựng được nhiều lắm cô ơi, cô đừng có lo!”

Rocky hy vọng lập nhiều thành tích tốt để đạt ước mơ được nhận vào trường Yale nổi tiếng học ngành Kinh Tế. Chẳng những là thành viên của các đội bóng rổ, chơi golf, câu lạc bộ âm nhạc, và các bộ môn thể thao của trường, mà đặc biệt, cậu còn là đội viên xuất sắc của đội Hướng Đạo trong thành phố. Ông Jim Surface trưởng đội Hướng Đạo “Troop 316” là người bạn thân của gia đình. Ông là “xếp” cũ của nhân vật “Thằng Nước Mắm” trong một bài viết trước đây. Vợ chồng ông đã cùng chúng tôi đi phi trường đón Rocky trong ngày đầu mới đến, và Jim vui mừng nhận cậu bé vào đội của ông. Ông nói “rất thích tinh thần ham học hỏi, hoạt động hăng say của các thanh thiếu niên Việt Nam.”


Cậu đội viên này đã làm ông hài lòng. Rocky rất hào hứng với đội của mình. Cậu không hề vắng mặt một buổi họp hay sinh hoạt nào, nên liên tục gặt hái thành công. Hoạt động siêng năng, Rocky Thạch lần lượt đoạt những huy hiệu chuyên môn (merit badges) của Troop Hướng Đạo, như “Wilderness Survival” tập tồn tại nơi hoang dã, “Search & Rescue” tìm kiếm cứu người, hay “Rifle Shooting” bắn súng trường…

Một lần, Rocky Thạch đoạt giải nhất chuyên hiệu “Salesmanship” nghệ thuật bán hàng.

Tôi đã giúp cậu bé bằng cách giới thiệu với khách hàng ở shop của tôi để cậu đến bán “Popcorn” bắp rang, gây quĩ mua quà gửi ra tiền tuyến tặng quân nhân Hoa Kỳ. Nói là bắp rang, nhưng là loại hàng cao cấp có sô cô la và pho mát, rất ngon và đắt tiền. Giá từ ít nhất mười mấy đến năm chục dollars. Điều thú vị là, những hộp bắp rang đắt giá này Rocky chỉ bán bằng…hình ảnh. Nếu ai muốn mua, thì ghi tên địa chỉ, số điện thoại, và phải trả tiền trước. Cậu bé đem tiền nộp cho đội và đội sẽ đặt hàng, khi nào hàng về thì cậu đích thân đi giao cho khách.

Dù nói tiếng Anh chưa chuẩn, nhưng Rocky cũng “cà lăm cà lặp” thuyết phục được cả những khách hàng khó tính nhất của tôi mua hàng. Cho đến bây giờ, những bạn bè và người Mỹ quen biết của tôi khi nào có dịp gặp cũng đều hỏi thăm về cậu bé “bán bắp rang.” Chỉ trong một thời gian ngắn, cậu chẳng những đã bán hết số bắp rang trong cái danh sách cậu nhận, và còn bán vượt khỏi rất xa mức yêu cầu, phải ghi thêm ra ngoài lề của danh sách.

Thật khâm phục tinh thần của người Mỹ. Tôi từng chứng kiến rất nhiều khách hàng tuy rất nghèo, tiền tiêu phải tính chừng đồng, nhưng nghe nói hoạt động nào giúp ích cho xã hội như giúp cho Hướng Đạo, quân nhân, Hồng Thập Tự, họ đều hưởng ứng rất nhiệt tình. Rocky Thạch đã được vinh danh trước đội vì bán giỏi nhất, kèm theo cái huy chương chuyên môn “Salesmanship” là một bằng khen và số tiền thưởng $350.

Có một chuyện khác rất cảm động mà Rocky Thạch Huỳnh đã làm cho đội trưởng Jim và các đồng đội Hướng Đạo phục sát đất. Một lần, cậu thi đấu bóng rổ ở trường bị té và nứt xương chân, bác sĩ bó bột phải đi nạng. Vài ngày sau, chân vẫn còn đau đớn lên xuống cầu thang chưa được, nhưng cậu vẫn nhất quyết theo đội làm công tác, vòng quanh thành phố thu góp các túi thực phẩm đồ hộp bà con tặng cho những người nghèo và homeless. Toàn đội đã thu gom được hơn một tấn đồ hộp! Ông Jim sau đó đã lắc đầu nói với tôi:

- Thằng bé này can đảm và có tinh thần trách nhiệm tuyệt vời! Chị mà nhìn thấy lúc Rocky làm việc thì chị sẽ…hết hồn luôn đó! Một tay cặp chiếc nạng, mặt nhăn nhó vì còn đau, một chân thì vẫn nhảy lò cò theo các bạn, còn tay kia nó lôi mấy cái bao đồ hộp đem chất lên xe truck, rồi tiếp tục đi sang nhà khác. Làm cả ngày trời như vậy, tôi cản không cho làm mà nó đâu có chịu!

Dù chưa vào đội được bao lâu so với bạn bè, đến Giáng Sinh Rocky cùng với đội làm việc không mệt mỏi, tạo một chiếc xe hoa thật đẹp với biểu hiệu “Troop 316 Hướng Đạo,” và vì cậu có công lớn nên được “ông thầy” Jim đề cử dẫn đầu chiếc xe hoa này trong cuộc diễn hành. Buổi tối hôm diễn hành, Rocky nhìn thật oai vệ trong bộ đồng phục Hướng Đạo, dẫn đầu chiếc xe hoa đầu tiên của Hướng Đạo bên cạnh một người cảnh sát, tay vẩy đám đông hai bên đường phố, miệng cậu cười toe toét với vẻ tự hào.

Tính siêng năng, chịu khó, và luôn hoàn thành xuất sắc các công tác Hướng Đạo của

Rocky Thạch nổi tiếng đến nỗi một nhà bảo trợ cho Hướng Đạo thành phố, bà Mary là một cựu thị trưởng của thành phố gần bên, đã mời cậu bé đi cùng bà tham dự cuộc họp của Hội Đồng thành phố với các thân hào nhân sĩ địa phương, như là một phần thưởng cho cậu. Bà Mary đã giới thiệu với quan khách về thành tích của Rocky Thạch, và mọi người vỗ tay khen ngợi. Khi tan cuộc họp, cậu được bà đương kim thị trưởng cho lên ngồi trên chiếc ghế chủ tọa, trước mặt bàn có khắc chữ “Thị Trưởng” và đưa cho cậu cầm chiếc búa quyền lực của bà, rồi bà tự tay chụp hình cho cậu bé. Sau đó bà gửi email tấm hình cho Rocky Thạch, kèm theo những lời khen. Tôi mừng quá, kêu cậu bé gửi thư cám ơn bà thị trưởng và gửi hình về Việt Nam cho bố mẹ xem. Ông bố đã hãnh diện phóng lớn tấm hình, treo ở phòng khách để khoe với mọi người.

Trong giới hạn của bài này, tôi chỉ điểm lại vài việc làm nổi trội, trong hàng hà sa số thành tích Hướng Đạo mà Rocky Thạch đạt được. Cho đến ngày cậu bé tốt nghiệp High School, chỉ trong vòng một năm rưỡi hoạt động Hướng Đạo, cậu đã hoàn thành đủ huy chương chuyên môn để lên được cấp bậc “Life Scout,” là bậc thứ nhì sau cấp “Eagle Scout” cao nhất của Hướng Đạo Sinh. Để đạt được cấp “Life Scout,” Hướng Đạo sinh chẳng những phải gặt hái nhiều thành tích và đủ số huy hiệu chuyên nghiệp yêu cầu, mà còn phải vượt qua được kỳ sát hạch của ban lãnh đạo Hướng Đạo. Rocky Thạch dự tính phải theo cho “tới bến” để lên cấp Đại Bàng “Eagle Scout” trong mùa hè, sau khi tốt nghiệp. Nhưng rồi cậu phải về lại Việt Nam để chịu tang cho ông nội, và khi trở qua thì cậu phải vào đại học và cũng đã đủ mười tám tuổi, là tuổi hết hạn để tham gia “Boy Scout.” Cậu luôn tiếc rẻ về việc này.

Dù bận rộn với các hoạt động Hướng Đạo như thế, nhưng việc học và công tác ở trường Rocky Thạch vẫn chu toàn một cách đặc sắc. Nhất là vào năm học cuối, lớp 12. Vừa lo đối phó với mấy con “A” và mấy cái “Tardy,” vừa lấy lớp “advance” ở trường college dự bị cho đại học, cậu còn hoạt động rất tích cực cho những công tác khác của trường.

Và Rocky Thạch Huỳnh cuối cùng đã được công nhận là học sinh danh dự cấp Quốc Gia, “National Honor Society.” Để được làm thành viên của “National Honor Society,” một học sinh trung học phải hội đủ bốn tiêu chuẩn: Học Vấn (Scholarship), Lãnh Đạo (Leadership), Phục Vụ Cộng Đồng (Service), và Nhân Cách (Character). Nghĩa là học giỏi, lãnh đạo tài ba, phục vụ cộng đồng tốt, và có nhân cách tốt. Chưa hết, Rocky Thạch còn phải tham gia một dự án lớn (Project) cùng với nhóm cũng được đề cử, làm hoạt động gây quĩ từ thiện, với mức đề ra là mười nghìn dollars. Và bọn Rocky đã làm được.

Để hoàn thành tất cả những đòi hỏi (requirement) trên, thường thường một học sinh danh dự cấp Quốc Gia phải bắt đầu xây dựng từ những cấp dưới trở lên thì mới đủ thời gian. Nhưng du học sinh Rocky Thạch Huỳnh chỉ mới bắt đầu từ hai năm cuối của Trung Học, mà cậu cũng đã hoàn thành xuất sắc một cách thật đáng kinh ngạc. Hiệu trưởng Brown “vui hết biết” luôn. Ông nói với tôi rất nhiều lần, Rocky Thạch là một học sinh chẳng những thông minh tuyệt đỉnh mà còn chịu khó học hỏi để hội nhập rất là nhanh chóng.

- Chị làm ơn giới thiệu dùm cho tôi thêm một số học sinh Việt Nam nữa đi! Tôi yêu thích học sinh Việt Nam biết bao nhiêu! Ông Hiệu Trưởng nói, làm cho tôi vô cùng hãnh diện. Và tôi cũng đã làm theo lời ông sau đó, giới thiệu cho trường vài con em của mấy người quen bên Việt Nam, nhưng tiếc thay chúng nó không đậu phỏng vấn.

blank
Outstanding Pririt Award.

Khi nộp đơn vào đại học Yale, Rocky Thạch tìm hiểu và biết ngoài những thành tích

xuất sắc, bài tiểu luận (essay) cũng quan trọng vô cùng. Cậu bé đã cố gắng hoàn thành một bài viết rất độc đáo. Khi Rocky đưa tôi xem, tôi không dám tin vào nhận xét của mình, nên nhờ bà bạn thân Bernadine, một nhà văn người Mỹ, xem và sửa dùm trước khi cậu gửi đi. Bà bạn tôi đọc xong thì trầm trồ, “Một bài viết quá tuyệt vời, tôi không thấy có chỗ nào đáng sửa cả!”

Có lẽ nhờ nhiều thành tích và bài tiểu luận quá hay nên Rocky được lọt vào vòng một, trường Yale làm hẹn phỏng vấn. Vì cậu là học sinh High School đi xa không tiện, trường cử nhân viên đến tận địa phương để phỏng vấn. Có ngày hẹn rồi, Rocky vừa mừng vừa run. Tôi cũng run lắm vì Rocky bẩm sinh nói rất nhanh, ngay cả tiếng Việt mà đôi khi tôi còn phải hỏi đi hỏi lại mới hiểu hết cậu bé nói gì. Ông nhà tôi bèn nhờ cựu giáo sư đại học người Mỹ tên Daniel, người từng là thầy dạy tiếng Anh cho ông ấy ở trường Adult, giúp Rocky bằng cách làm cuộc phỏng vấn “thực tập” một ngày trước ngày phỏng vấn, luyện cho cậu bé nói chậm lại. Rất tiếc, cậu vẫn không qua được.

“Lọt được vào vòng phỏng vấn là đã hay lắm rồi, vào trường Yale đâu có dễ!” Hiệu trưởng Brown nói sau đó. “Rocky chỉ mới đến Mỹ thời gian chưa lâu, nếu cho nó thêm thời gian, tôi dám chắc nó sẽ làm được.”

Ông ấy nói rất đúng. Rocky có ít thời gian quá. “Có lẽ con sẽ nộp đơn vào Yale sau này, khi con tốt nghiệp đại học,” cậu bé cho biết ước mơ.

Khi tốt nghiệp High School, thành tích học tập và những hoạt động xã hội tuyệt vời đã mang lại cho Rocky mười hai chiếc huy chương danh dự (Honor Pins) đeo kín cả hai bên ve áo và dọc theo hàng nút áo trong ngày lễ ra trường. Cậu bé du sinh Việt Nam độc nhất của trường, mới sang học từ lớp 11, bây giờ là một trong “Top Three” của toàn khối 12. Tôi ngồi nghe những “công trạng” quan trọng của Rocky Thạch Huỳnh được hội đồng trường nêu lên cùng với số tiền học bỗng hai mươi mấy nghìn dollars mà đại học Butler University, Indianapolis hứa tặng cho cậu, mà lòng tôi vui không thể tả. Nhìn Rocky áo mũ xênh xang đứng trên bục nói lời cám ơn trước khi nhận bằng tốt nghiệp từ ông Hiệu Trưởng, tôi và mấy người bạn Mỹ đã vỗ tay hét la ầm ĩ.

Đối với trường Lodi Academy, Rocky Thạch là một học sinh rất đặc biệt. Ký giả Ross Farrow của tờ Lodi News nghe tiếng đã đến trường tìm gặp cậu bé làm một cuộc phỏng vấn, và viết bài “Học Sinh Việt Nam Thạch Huỳnh Đã Hội Nhập Xuất Sắc Tại Lodi Academy.” Trong bài phỏng vấn, Hiệu Trưởng Brown cho ký giả biết ông có ấn tượng rất tốt về cậu bé này. “Rocky Thạch đã hội nhập vào khuôn khổ và văn hóa của trường chúng tôi một cách nhanh chóng hơn bất cứ một học sinh mới nào trong tất cả các trường học của chúng tôi từ trước tới nay. Cậu nhặt thành ngữ, kết bạn, hòa đồng với bạn bè ngay lập tức trong thời gian rất ngắn. Nhìn cậu ấy, bạn sẽ tưởng đó là một đứa nhỏ đã có mười hai năm học ở đây,” ông hiệu trưởng đã nóivới ký giả Ross.

Ross Farrow còn phỏng vấn một bạn cùng lớp của Rocky, Concepcion, và cậu này nói, “Rocky là người giỏi nhất trong trong lớp toán. Bạn ấy rất thông minh, học giỏi, lại có tính khôi hài, thường chọc cười nên được bầu là danh hề của lớp (class clown).”

Rocky Thạch cho nhà báo biết, cậu học được nghệ thuật hài từ những bộ phim Mỹ, và cậu đã xem hàng trăm bộ phim Mỹ trong vòng hai năm vừa qua. “Xem hài kịch Mỹ là việc thích thú nhất để em học hỏi về ngôn từ,” Rocky Thạch nói với ký giả.

Ross cũng đã tìm gặp Jim, ông xếp Hướng Đạo của Rocky. Ông Jim kể cho nhà báo những công tác hữu ích mà cậu “lính ruột” của ông đã từng làm, kể cả việc Rocky nhảy lò cò cùng đội đi thu gom hàng tấn đồ hộp trong khi chân vẫn còn đang bó bột. “Rocky là một cậu bé đáng kinh ngạc, “An amazing young man,” Jim nói.

Đặc biệt, Rocky Thạch đã nói với nhà báo một câu mà bạn bè tôi ai đọc cũng thích, là bố mẹ cậu thường dạy, “Kiến thức là điều quí giá nhất trên thế giới này con phải đạt được, chứ không phải tiền bạc.”

Bài viết về Rocky Thạch Huỳnh của tờ Lodi News đã được độc giả thành phố đón nhận một cách đặc biệt với nhiều lời khen ngợi. Có rất nhiều lời bình từ độc giả về cậu du học sinh Việt Nam này. Một trong những lời bình đó có câu, “Đây là một cậu bé tuyệt vời! Cậu ấy nhận biết cơ hội tốt để học hỏi từ đất nước này. Mong rằng các học sinh ở đây sẽ nhìn vào đó mà cải thiện để được thành công như Rocky. Tôi rất tự hào về cậu, cậu bé!”

Dù bây giờ Rocky Thạch Huỳnh đang học college ngoài tiểu bang, nhưng vì tôi là đại diện phụ huynh nên thành tích học tập của cậu, những bằng khen công nhận như “Deans List” và “Honor,” sinh viên danh dự, “Beta Alpha Psi,” thành viên của Hiệp Hội Sinh Viên Kinh Tế Quốc Tế… vẫn được trường được gửi cho tôi liên tục.

Mục tiêu của “thầy toán nhí” Rocky là sẽ hoàn thành mảnh bằng Tiến Sĩ Kinh Tế. “Con sẽ không ra trường sớm, mà phải học cho đến nơi đến chốn mới thôi. Ý của ba mẹ con cũng vậy.” Cậu nói với tôi.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
29/06/201406:22:11
Khách
Chào các bạn Tràn Hung Dung và lana,
Cám ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc các bạn gặp nhiều may mắn. Riêng bạn lana hãy cố găsng lên nghe! Xứ sở này có rất nhiều cơ hội, ai cố công sẽ gặt hái thành quả tốt.
PH
23/06/201414:15:14
Khách
Rat Tuyet voi. Rat hanh dien vi chung ta la nguoi Viet Nam!!!
22/06/201400:42:40
Khách
Chào anh Sáu Steve,
Cám ơn anh luôn đọc bài của PH và ủng hộ. Hẹn gặp anh chị vào tháng Tám này nha.
Chúc anh chị và gia đình vui khỏe
Thân mến,
PH
21/06/201423:16:32
Khách
Hi Co Phuong Hoa,

Cam on co vi` bai` viet rat hay. Chau cung~ la Du Hoc Sinh va` cung~ dang co gang~ no~ luc giong nhu Rocky. That kham phuc em ay' qua'.
21/06/201409:56:59
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Bài viết chị rất hay và thích thú. Rocky Thạch học nhanh và giỏi lắm mà cũng thành công trong việc khác nữa. Tuyệt vời!

Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,614,607
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Nhạc sĩ Cung Tiến